
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Bà Đanh
Địa điểm: Xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tình Hà Nam,
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị:
Chùa Bà Đanh còn có tên gọi khác là Bảo Sơn Tự nằm tại làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Chùa Bà Đanh liên quan đến sự lan truyền tôn giáo từ vùng Dâu, xưa kia gọi là Luy Lâu.
Luy Lâu, năm 111 TCN đến 106 TCN, là thủ phủ của quận Giao Chỉ và của cả Giao Châu.
Luy Lâu thời Bắc thuộc, năm 111 TCN đến 905 sau Công nguyên, trở thành trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế - thương mại, trung tâm văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Đây là nơi giao lưu của văn hóa Phật giáo, từ Ấn Độ, Trung Á, Nam Á sang và văn hóa Nho Lão, từ phương Bắc (Trung Hoa - Đông Á) xuống, để rồi kết tụ thành văn hóa Kinh Việt.
Vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ, chùa Tướng thờ Pháp Lôi, chùa Dàn thờ Pháp Điện và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp.
Man Nương là một nữ tu từ năm 10 tuổi tại chùa Phúc Nghiêm. Vị sự trụ trì chùa là Khâu Đà La, theo truyền thuyết là nhà sư Ấn Độ, sang Giao Châu vào thời Hán Linh Đế (hoàng đế thứ 27 triều Hán, tại vị từ năm 168- 189). Tối đến Man Nương ngủ tại thềm chùa. Một buổi tối, Khâu Đà La bước qua thềm. Man Nương có thai, qua 20 tháng sinh hạ một bé gái và mang đến chùa trả cho thiền sư.
Thiền sư hóa phép đứa bé nhập vào thân một cây cổ thụ cạnh chùa.
Sau đó, Khâu Đà La trao cây gậy tích trượng của mình cho Man Nương và dặn khi nào hạn hán thì mang ra dùng. Khi vùng Dâu hạn hán 3 năm liền, nhớ lời dặn của Thiền sư, Man Nương mang cây tích trượng cắm xuống đất. Ngay lập tức, nước phun lên, chúng sinh thoát nạn.
Tiếp đó có trận mưa to, cuốn cây cổ thụ cạnh chùa xuống sông Dâu, dạt về Luy Lâu. Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiêp (cai trị giai đoạn năm 187- 226) cho người vớt lên, song không được. Man Nương đi qua, nhận ra cây cổ thụ ở chùa xưa, làm phép với cây lên. Thái Thú thấy thế kinh sợ và cho người lấy gỗ cây thiêng tạc 4 pho tượng Phật mẫu, tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên: Tạc xong pho thứ nhất thì trời hiện mây ngũ sắc nên đặt tên tượng là Pháp Vân; Tạc xong pho thứ hai thì trời đổ mưa nên đặt tên tượng là Pháp Vũ; Tạc xong pho thứ ba thì trời nổi sấm nên đặt tên tượng là Pháp Lôi; Tạc xong pho thứ tư thì trời nổi sét nên đặt tên tượng là Pháp Điện.
4 tượng được thờ trong 4 chùa trong cùng khu vực: Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng.
Khi tạc tượng, những người thợ phát hiện trong thân cây cổ thụ một khối đỏ tỏa sáng. Khối đá ấy gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng), được mang về thờ trong Chùa Dâu (nằm tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, thờ các vị thần gắn với văn minh nông nghiệp, từ Luy Lâu lan truyền khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trong tín ngưỡng thờ Tứ Pháp thì Pháp Vân đứng đầu, đại diện cho cả Tứ Pháp. Mỗi khi triều đình thỉnh tượng về kinh đô cầu đảo, có thể rước cả bốn tượng hoặc chỉ mình Pháp Vân.
Có nhiều quan niệm về tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Trong đó có nhận thức về tôn giáo bản địa – Thần đạo Việt Nam (thờ tổ tiên, cha mẹ, các vị có công với dân với nước, tự nhiên xung quanh), không chỉ là đức tin kết nối con người với con người, con người với tự nhiên, vũ trụ mà còn kết nối cả tôn giáo với tôn giáo. Tứ Pháp là một hình thức tín ngưỡng được hình thành chính từ sự kết nối, hòa hợp giữa Thần đạo Việt Nam – đạo Mẫu (thờ các vị thần tự nhiên bản địa, mang yếu tố nội sinh) và đạo Phật (yếu tố ngoại nhập).
Theo truyền thuyết, vùng làng Đanh Xá, cạnh sông Đáy hay gặp mưa lũ dẫn đến mùa màng thất thu, thiếu đói kéo dài và người dân phải bỏ làng ra đi. Vào một ngày kia, bậc trưởng lão trong làng được một nữ thần báo mộng rằng sẽ về đây trông nom và chỉ bảo dân làng cách làm ăn.
Dân làng dựng đền thờ nữ thần, tên là đền Bà Đanh lấy theo tên làng Đanh Xá.
Đền vừa dựng xong, cây mít cổ thụ 1.000 tuổi gần đền bỗng dưng bị mưa quật đổ. Dân làng lấy gỗ để tạc tượng thần. Khi tượng vừa tạc xong, người dân lại vớt được trên sông Đáy một cái ngai bằng gỗ. Pho tượng tạc xong đặt vừa khít vào ngai.
Thời bấy giờ, mỗi khi các vua thời Lý đến chùa Dâu cầu khấn đều linh ứng. Từ đó, chùa các nơi đua nhau xin rước Tứ Pháp về thờ.
Tại Hà Nam, có nhiều chùa thờ Tứ Pháp:
Thờ Pháp Vân: chùa Quế Lâm (Văn Xá, Kim Bảng), chùa Do Lễ (Liên Sơn, Kim Bảng), chùa Thôn Bốn (Phù Vân, Kim Bảng), chùa Tiên (Thanh Lưu, Thanh Liêm).
Thờ Pháp Vũ: chùa Bà Đanh (Ngọc Sơn, Kim Bảng), chùa Trinh Sơn (Thanh Hải, Thanh Liêm).
Thờ Pháp Lôi: chùa Đặng Xá (Văn Xá, Kim Bảng), chùa Nứa (Bạch Thượng, Duy Tiên).
Thờ Pháp Điện: chùa Bà Bầu (Phủ Lý).
Các chùa khác như chùa Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng), chùa Thanh Nộn, chùa Phú Viên, chùa và đình làng Lạt Sơn (Thanh Sơn, Kim Bảng), chùa Thanh Thôn (Văn Xá, Kim Bảng) đều thờ Tứ pháp trong thần điện.
Tại Hà Nam, Tứ Pháp đã được gọi bằng những cái tên gắn với địa phương. Dân làng Quế Lâm gọi Pháp Vân là bà Bến (chùa Quế Lâm); dân làng Đanh Xá gọi Pháp Vũ là bà Đanh (chùa Bà Đanh), dân làng Phủ Lý gọi Pháp Điện là bà Bầu (chùa Bà Bầu)…
Từ khi lập chùa (đền) Bà Đanh thờ Pháp Vũ (thần Mưa), trong vùng mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, người dân quay về sinh sống. Những người làm nghề sông nước, qua đoạn sông này đều lên đền cầu nguyện.
Vào thế kỷ 7, chùa Bà Đanh vẫn còn đơn sơ.
Chùa Bà Đanh được trùng tu nhiều lần. Đến thế kỷ 17, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, bao gồm nhiều công trình với gần 40 gian nhà.
Về câu: "Vắng như chùa Bà Đanh", có truyền thuyết cho rằng, do chùa Bà Đanh nằm tách xa khu dân cư, sông bao bọc, cây cối um tùm. Mỗi khi dân làng có việc lên chùa phải đi thuyền, gõ chiêng trống để xua đuổi thú dữ. Vì vậy chùa mới vắng.
Song lại có thuyết cho rằng, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp dần hết vai trò tôn giáo cốt lõi khi vùng Luy Lâu không còn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của người Việt (tồn tại đến năm 905). Từ năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế, trung tâm chính trị của nước Đại Việt chuyển về Hoa Lư, Ninh Bình. Trong các triều Tiền Lê, Lý, Trần, đạo Phật Đại thừa dần có vai trò như quốc đạo của Việt Nam. Vào thế kỷ 15, đời Hậu Lê, xuất hiện vị Thánh Tứ bất tử thứ 4 - Thánh Liễu Hạnh với đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ. Cũng là tín ngưỡng thờ Mẫu, song đạo Mẫu đã đạt đến mức "Đạo", trong khi tín ngưỡng thờ Tứ Pháp vẫn chỉ dừng ở mức "Pháp" gắn với đạo Phật. Tại tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, quan niệm về tự nhiên hẹp chỉ có miền trời (Thiên phủ: mây, mưa, sấm, chớp). Trong khi đó, tại đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, ngoài miền trời, lại có thêm miền rừng núi (Nhạc phủ), miền sông nước (Thủy phủ) và miền đất (Địa phủ). Tứ Pháp không có cách sắp đặt thờ tự và thực hành tín ngưỡng đủ sâu, rộng về văn hóa để thu phục dân vùng đất cũ và vùng đất mới (miền Trung, miền Nam) như Đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ.
Chùa thờ Tứ Pháp không có Tam bảo (Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo) đủ uy nghiêm như chùa Phật giáo Đại thừa và không có đủ triết lý về không gian tự nhiên, hệ thống thần linh và thực hành tín ngưỡng (lễ phục, âm nhạc, hầu đồng, rước Mẫu, thỉnh kinh, rước đuốc, lễ hội) phù hợp với mọi văn hóa vùng miền như phủ Mẫu Liễu Hạnh. Chùa Bà Đanh thờ Tứ Pháp nằm giữa hai nơi thờ tự thu hút đông đảo tín đồ, du khách là chùa và phủ. Hệ thống chùa thờ Tứ Pháp chỉ tồn tại ở miền Bắc. Câu " Vắng như chùa Bà Đanh” - có ý là như vậy.
Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm.
Chùa Bà Đanh nằm trên một gò núi thấp bên tả ngạn sông Đáy, được tạo bởi sông uốn lượn từ Bắc xuống Nam, đến đây gặp gò núi, chảy vòng tránh về hướng Tây, rồi tiếp tục xuôi theo hướng Nam.
Chùa Bà Đanh ngày nay có diện tích 10ha, quay theo hướng Tây Nam ra sông Đáy.
Các công trình trong chùa đều được xây dựng từ thế kỷ 19 trở lại đây.
Quần thể chùa Bà Đanh gồm các hạng mục công trình: Núi Ngọc, Nghi môn, Điện thờ, Tả vu, Hữu vu, nhà Tổ, nhà Tăng, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ. Chùa có tường bao xung quanh.

Chùa Bà Đanh bên bờ sông Đáy, Kim Bảng, Hà Nam

Sơ đồ vị trí chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
Núi Ngọc
Chùa Bà Đanh gắn liền với cảnh quan núi Ngọc, tại phía trước, lối vào chùa.
Núi Ngọc là một nhóm các nhũ đá vôi nhô lên, nằm trong hệ thống núi đá kéo dài từ Hòa Bình xuống theo hướng Tây Bắc Đông Nam qua xã Tượng Lĩnh, Khả Phong, Liên Sơn của huyện Kim Bảng.
Về nền móng địa chất, chính quả núi này làm cho dòng sông Đáy phải chuyển dòng để tạo thành gò.
Núi Ngọc không cao lắm. Trên núi có một cây si cổ thụ, tương truyền có tới hàng trăm tuổi.
Ngay dưới chân núi có một ngôi đền cổ thờ một Ông nghè có công với dân làng.

Lối vào chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Núi Ngọc, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Chùa Bà Đanh bên bờ sông Đáy, Kim Bảng, Hà Nam
Nghi môn
Phía trước Nghi môn nội là một sân rộng ra đến mép sông Đáy với các bậc xuống bờ sông.
Nghi môn là một tòa nhà đặt trên nền tôn cao 5 bậc so với sân.
Nghi môn 3 gian, 2 tầng mái, đầu hồi bít đốc. Tầng trên là gác chuông, có hàng lan can gỗ. Tầng dưới là hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim, chạm ngũ phúc (hình tượng 5 con dơi ngậm chữ thọ). Phía ngoài, hai bên Nghi môn là hai cột trụ biểu xây nhô hẳn ra. Hai bên tường hồi Nghi môn đắp nổi các hình tứ linh (long, ly, quy, phượng).
Trên nóc Nghi môn đắp một đôi rồng chầu mặt nguyệt bằng vữa vôi kết hợp mảnh sứ, mang phong cách thời Nguyễn.
Hai bên cổng chính là hai cổng nhỏ, 2 tầng mái, 8 mái.
Phía bên trong Nghi môn có đôi rồng đá và đôi hổ đá được bố trí dọc theo hai bên bậc lên xuống, theo thế đối xứng, chầu vào Điện thờ.

Nghi môn chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Rồng đá phía sau Nghi môn, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Hổ đá phía sau Nghi môn, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
Điện thờ
Qua cổng Nghi môn là một sân lát gạch, tiếp đến là Điện thờ. Hai bên sân là hai tòa Tả vu và Hữu vu. Mỗi tòa có 3 gian, 2 mái, tường hồi bít đốc.
Điện thờ chùa Bà Đanh có mặt bằng kiểu "chữ tam", gồm: Tiền đường, Trung đường và Hậu đường.

Phối cảnh Chính điện, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
Tiền đường
Tòa Tiền đường (hay Bái đường) 5 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái. Trên bờ nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Đầu tòa Tiền đường, liền với 2 dãy hành lang Tả Mạc, Hữu Mạc (nơi đặt các đồ tế lễ), có hai trụ biểu được đắp nổi hình tứ linh công phu.
Các vì kèo trong tòa Tiền đường đều được chạm khắc ở hai mặt.
Các hình tượng chạm khắc rất phong phú, đa dạng theo lối kết hợp cung đình và dân gian: tứ linh (long, ly, quy, phượng); tứ quý (đào, cúc, trúc, mai); ngũ phúc (5 con dơi); tùng mã (tùng và ngựa); mai điểu (hoa mai và chim); quả (đào, nho, lựu, vả, phật thủ); bút lông, bầu rượu; cuốn thư; dụng cụ âm nhạc cổ truyền (đàn tranh, đàn nguyệt, phách, sáo, nhị) và các hình tượng khác. Tại đây không thấy các chạm khắc hình tượng con người.

Tòa Tiền đường, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Bên trong tòa Tiền đường, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Trang trí bên trong tòa Tiền đường, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Tòa Tả mạc (và Hữu mạc) tại hai bên sân phía trước Tiền đường, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
Tòa Trung đường
Tòa Trung đường đặt kề liền với tòa Tiền đường, cũng 5 gian, đầu hối bít đốc, 2 mái. Đây là nơi đặt các Ban Hộ pháp...

Bên trong tòa Trung đường, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
Tòa Hậu đường
Tòa Hậu đường (hay Thượng điện) có 3 gian, xây cao vượt lên so với tòa Tiền đường và Trung đường.
Trong tòa Thượng điện có nhiều tượng thờ như tượng Tam thế Phật, Ngọc Hoàng, Thái thượng Lão Quân... và tượng Bà Đanh.
Tượng Phật Bà được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng (không phải là toà sen), với khuôn mặt nữ tính, gần gũi, không có dáng vẻ siêu thoát như các tượng Phật khác. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.
Phía Đông Nam của chùa là nhà Tổ, nhà Tăng và công trình phụ trợ.
Phía Tây Bắc của chùa là phủ thờ Mẫu, cạnh tòa Trung đường, mặt quay về hướng Đông.

Tượng Bà Đanh tức Đại Thánh Pháp Vũ Tôn Phật bên trong Hậu đường, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Nhà Tổ, nhà Tăng bên cạnh Chính điện, chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam

Trong chùa hiện lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa như chiếc khánh đá cổ tuổi đời hàng trăm năm

Cây đào tiên trong vườn chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
Xưa nay khi nhắc tới chùa Bà Đanh, người ta thường nhớ đến ngôi chùa có cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, thanh tịch và linh thiêng nổi tiếng một thời. Chùa còn được biết đến bởi giá trị kiến trúc điêu khắc dân gian, đặc biệt là tòa Tiền đường.
Chùa Bà Đanh được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất tỉnh Hà Nam và được biết đến khắp Việt Nam nhờ câu nói lan truyền đầy tính triết lý: “Vắng như chùa Bà Đanh”.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%BA%B7c
_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9_ph%C3%A1p
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%C3%A0_%C4%90anh
https://hanam.gov.vn/Pages/Chua-Ba-%C4%90anh2121486808.aspx
https://hanam.gov.vn/kimbang/Pages/chua-ba-danh--nui-ngoc-khu-danh-thang-tam-linh.aspx
https://sites.google.com/site/lynhanhanam/-phong-tuc
http://redsvn.net/chum-anh-chua-ba-danh-ngoi-chua-vang-tanh-tru-danh-su-sach/
Xem video giới thiệu công trình tại đây
- Xem Chùa Dâu hay Chùa Pháp Vân, Thuận Thành, Bắc Ninh tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|