Thông tin chung:
Công trình: Nemrut Dağ, Lăng mộ vua Antiochus I (The mausoleum of Antiochus I)
Địa điểm: Tỉnh Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ (N38 2 11,796 E38 45 49,284)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 11 ha
Năm hoàn thành:
Giá trị : Di sản thế giới (1987; hạng mục i, iii, iv)
Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) là một quốc gia xuyên lục địa Á - Âu, nằm chủ yếu trên bán đảo Anatilian ở Tây Á, với một phần nhỏ hơn trên bán đảo Balkan ở Đông Nam Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới với Bulgaria ở phía Tây Bắc; Hy Lạp ở phía Tây; Gruzia ở phía Đông Bắc; Armenia, Iran và
Azerbaijan ở phía Đông; Iraq và Syria ở phía Đông Nam; Địa Trung Hải ở phía Nam; biển Aegea ở phía Tây; và biển Đen ở phía Bắc.
Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích 783.356 km2; dân số khoảng 83,2 triệu người (năm 2019).
Khoảng trên 70 - 80% dân số là người Thổ Nhĩ Kỳ; người Kurd là thiểu số lớn nhất, chiếm từ 15 - 20% dân số.
Thành phố lớn nhất là Istanbul, thành phố thủ đô là Ankara. Về mặt hành chính, Thổ Nhĩ Kỳ chia thành 81 tỉnh.
Thổ Nhĩ Kỳ là vùng đất có người cư trú từ thời đại Đồ đá cũ và trải qua nhiều nền văn minh của các dân tộc khác nhau, gồm Anatolian, Assyria, Hy Lạp, Thracian, Phrygian, Urartian và Armenia.
Thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenization/ Hellenism) tại vùng đất này bắt đầu vào thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN) với sự cai trị của Vương quốc Macedon (tồn tại năm 808 TCN - 168 TCN).
Thời kỳ Hy Lạp hóa tiếp tục vào thời đại Byzantine (Byzantine Empire), còn gọi là Đế chế Đông La Mã (Eastern Roman Empire, tồn tại năm 395- 1453).
Vào thế kỷ 11, Đế chế Seljuk Turks (Seljuk Empire, tồn tại 1037 - 1194) đánh bại Vương triều Byzantine, khởi đầu quá trình Thổ Nhĩ Kỳ hóa (Turkish Nationalists) tại khu vực.
Vào thế kỷ 12, Vương quốc Hồi giáo Rum (Sultanate of Rum, tồn tại 1077 - 1308) tách ra từ Đế chế Seljuk Turks đã thống nhất vùng Tiểu Á (Anatolia, chiếm phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại). Vương quốc này thất bại trước các cuộc tấn công của Đế chế Mông Cổ (Mongol Empire, tồn tại 1206–1368) vào năm 1234 và tan rã thành các tiểu quốc nhỏ (Anatolian Beyliks).
Cuối thế kỷ 13, Vương triều Ottoman (Ottoman Dynasty, tồn tại 1299 đến 1922) đã thống nhất các Tiểu quốc Beyliks và chinh phục vùng Balkan. Vùng đất của người Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng trong thời kỳ Vương triều Ottoman.
Đế chế Ottoman bao trùm phần lớn Đông Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi và trở thành một cường quốc thời bấy giờ. Cuối thế kỷ 18, sức mạnh của Đế chế Ottoman suy giảm và mất dần các vùng lãnh thổ do chiến tranh.
Năm 1923, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập.
Adiyaman là một tỉnh nằm tại phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tỉnh lỵ là thành phố Adiyaman.
Tại tỉnh Adiyaman có một địa danh nổi tiếng là di tích Nemrut Dağ. Đây là Lăng mộ của Vua Antiochus I (Tiểu vương quốc Commagene, trị vì năm 70 TCN – 31 TCN và là vị vua nổi tiếng nhất của Tiểu vương quốc).
Lăng mộ là một trong những công trình xây dựng tham vọng nhất của thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic Period).
Thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenization/ Hellenism) là khái niệm về một nền văn minh của những người không phải Hy Lạp nhưng chấp nhận văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ và bản sắc Hy Lạp. Nhiều lãnh thổ bị chinh phục bởi Alexander Đại đế (Alexander the Great, Vương quốc Hy Lạp cổ đại Macedonia, trị vì năm 336–323 TCN) đã được Hy Lạp hóa; dưới thời Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire, tồn tại năm 395- 1453), phần lớn lãnh thổ của vương quốc đều được Hy Lạp hóa.
Bản đồ Thổ Nhĩ Kỳ và vị trí tỉnh Adiyaman
Di tích Nemrut Dağ thuộc vùng đất Commagene, bao gồm thành phố cổ Samosata, như một vùng đệm giữa Armenia, Parthia, Syria và Rome.
Vào thế kỷ 17 TCN, Vương quốc Hittite (Hittite Empire, còn gọi là Vương quốc Hattusa, tồn tại năm 1650 - 1178 TCN) được thành lập tại miền trung Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Đế chế này đạt đến đỉnh cao vào giữa thế kỷ 14 TCN, đánh bại và thu phục nhiều quốc gia láng giềng. Giữa thế kỷ 15 và 13 TCN, Đế chế Hittite xung đột với Tân Vương quốc Ai Cập (New Kingdom of Egypt), Đế chế Trung Assyria (Middle Assyrian Empire) và Đế chế Mitanni (Kingdom of Mitanni) để giành quyền kiểm soát vùng Cận Đông. Cuối cùng, Đế chế Trung Assyria nổi lên như một quyền lực thống trị và thu phục phần lớn Vương quốc Hittite. Năm 1180 TCN, cuối Thời đại Đồ đồng, người Hittite tách ra thành một số Tiểu vương quốc Syro-Hittite (Syro-Hittite States) độc lập, tồn tại cho đến thế kỷ 8 TCN, trước khi khuất phục bởi Đế chế Tân Assyria (Neo-Assyrian Empire).
Lần đầu tiên vùng đất Commagene này được nhắc đến trong các văn bản của người Assyria với cái tên Kummuhu, trở thành một tỉnh của Đế chế Tân Assyria, dưới thời của Vua Sargon II (trị vì năm 722- 705 TCN).
Đế chế Achaemenid sau đó đã chinh phục Commagene vào thế kỷ thứ 6 TCN và Alexander Đại đế chinh phục vùng lãnh thổ này vào thế kỷ thứ 4 TCN.
Sau khi Đế chế của Alexander Đại đế tan rã, Commagene trở thành một phần của Vương quốc Greco-Iran cổ đại (tồn tại năm 163 TCN – 72 sau Công nguyên) được cai trị bởi một chính thể Hy Lạp hóa là Vương triều Orontid (Orontid Dynasty, thống trị vùng Satrapy của Armenia cho đến năm 330 TCN và Vương quốc Armenia từ năm 321 TCN – 200 TCN).
Commagene được sát nhập vào Đế chế Seleucid (Seleucid Empire, nhà nước Hy Lạp, tồn tại năm 312 TCN – 63 TCN, xuất hiện sau sự phân chia của Đế chế Macedonia trước đó).
Năm 163 TCN, khi Đế chế Seleucid dần suy yếu, Ptolemaeus (người gốc Iran, ban đầu là một thống đốc bang Commagene, một tỉnh thuộc Đế chế Seleucid) đã nổi dậy, tự thiết lập mình như một người cai trị độc lập Tiểu vương quốc Commagene (trị vì năm 163 TCN – 130 TCN). Thủ đô của Tiểu vương quốc là thành phố Samosata (Samsat hiện đại), nằm gần sông Euphrates.
Tiểu vương quốc Commagene duy trì nền độc lập của mình cho đến năm 17 sau Công nguyên, khi được Hoàng đế Tiberius (trị vì năm 14 – 37 sau Công nguyên) thu phục và trở thành một tỉnh của La Mã. Tiểu vương quốc lại phục hồi dưới triều Vua Antiochus IV (vị vua cuối cùng của Tiểu vương quốc Commagene, trị vì năm 38- 72 sau Công nguyên). Commagene trở lại thành một phần của Đế chế La Mã.
Bản sắc văn hóa của Tiểu vương quốc Commagene rất đa dạng, một phần Hy Lạp hóa và một phần Ba Tư hóa.
Tiểu vương quốc Commagene để lại nhiều di sản văn hóa, trong đó có Khu Lăng mộ hoàng gia tại núi Nemrut.
Nhiều hiện vật cổ đại của nền văn minh Commagene được lưu giữ và trưng bày tại nhiều bảo tàng trên thế giới.
Bản đồ Tiểu vương quốc Commagene (màu hồng nhạt ) vào năm 50 sau Công nguyên; gần đó là Armenia, Sophene, Osrhoene, Roman và Parthia
Núi Nemrut (Nemrut Dağ) là một ngọn núi cao 2134m (so với mực nước biển), một trong những đỉnh cao nhất của dãy núi Eastern Taurus ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Nemrut Dağ là lăng mộ và đền thờ các vị thần (Hierotheseion) được xây dựng bởi Vua Antiochos I (Tiểu vương quốc Commagene, trị vì năm 70 TCN – 31 TCN) như một tượng đài cho chính mình. Vua Antiochus I (Commagene) là con trai của Vua Mithridates I Callinicus (Vua Tiểu vương quốc Commagene, người Iran, trị vì năm 109 – 70 TCN) và Hoàng hậu Laodice VII Thea (người Hy Lạp). Vua Antiochus I mang nửa dòng máu Iran và nửa dòng máu Hy Lạp.
Lăng mộ (Mezar Odasi Kesiti) được đắp như một gò núi nhân tạo, có đường kính 145m, cao 50m, bằng những viên đá nhỏ.
Gò mộ được bao bọc ba mặt bởi sân thượng tại hướng đông, tây và bắc. Phía đông và tây có hai tuyến đường rước đồ tế lễ.
Phía trước Gò mộ, tại Sân thượng Đông (East Terrace/ Doğu Terasi) và Sân thượng Tây (West Terrace/ Bati Terasi) có 5 bức tượng thần khổng lồ ngồi trên ngai vàng. Trên lưng ngai vàng, Vua Antiochus I đã cho khắc văn bia về các khía cạnh pháp lý, lịch sử của việc hình thành tượng và việc thành lập một giáo phái tôn giáo mới. Mỗi đầu của dãy tượng thần có 2 bức tượng động vật hộ mệnh, là sư tử và đại bàng.
Hiện tại, đầu của các tượng thần đã bị ngắt rụng, nằm rải rác khắp nơi.
Trên Sân thượng Đông có hai hàng bia bằng đá sa thạch. Phía trước mỗi bia có bệ thờ. Một hàng bia có các tấm phù điêu miêu tả về tổ tiên Ba Tư, là bên nội của Vua Antiochos I. Hàng bia còn lại là các tấm phù điêu miêu tả về tổ tiên Macedonian, là bên ngoại của Vua Antiochos I. Phía sau mỗi mặt bia là các dòng chữ khắc ghi lại các liên hệ gia phả. Mặt đông của Sân thượng Đông có một Bệ thờ Lửa hình vuông (hoặc nền móng của một Đền thờ Lửa).
Sân thượng Tây cũng có một hàng bia thể hiện ý nghĩa đặc biệt của Núi Nemrut; bức chạm khắc Vua Antiochos I bắt tay với các vị thần và tấm bia có hình Tử vi sư tử, được cho là thể hiện ngày xây dựng Lăng mộ.
Sân thượng Bắc (North Terrace/Kuzey Terasi) dài, hẹp và hình chữ nhật, có một loạt bệ đá sa thạch. Các tấm bia nằm gần bệ thềm phía bắc không có phù điêu hay chữ khắc.
Lăng mộ và đền thờ các vị thần (Hierotheseion) của Vua Antiochos I (Commagene) tại Nemrut Dağ là một trong những công trình xây dựng đầy tham vọng nhất của thời kỳ Hy Lạp hóa. Thiết kế phức tạp và quy mô to lớn của nó kết hợp với nhau để tạo ra công trình có một không hai trong thế giới cổ đại. Công nghệ được sử dụng để xây dựng những bức tượng khổng lồ và các tấm bia tại đây là những công nghệ chưa được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trong thời kỳ này.
Chủ nghĩa Nguyên hợp (Syncretism, hợp nhất hoặc đồng hóa những tập quán riêng rẽ như thần học, thần thoại, tôn giáo thành một thể thống nhất để có thể tồn tại chủ động với tín ngưỡng khác) tại đây kết nối các tôn giáo, bắt nguồn từ văn minh Hy Lạp và Ba Tư, với truyền thuyết của những vị vua Commagene là bằng chứng về nguồn gốc văn hóa kép của vương quốc này.
Quần thể di tích được quan tâm khám phá bắt đầu vào năm 1881.
Bức phù điêu miêu tả Vua Antiochus I bắt tay một vị thần, thể hiện triết ký kết nối tôn giáo, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Nemrut Dağ, Lăng mộ Vua Antiochus I (Tiểu vương quốc Commagene) tại tỉnh Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1987) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Lăng mộ của Vua Antiochos I (Commagene) là một thành tựu nghệ thuật độc đáo, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người. Việc biến đổi cảnh quan núi rừng tự nhiên thành một quần thể kiến trúc hoành tráng Nemrut Dağ là một trong những công việc khổng lồ nhất của thời kỳ Hy Lạp hóa (một số khối đá được sử dụng nặng tới 9 tấn).
Tiêu chí (iii): Lăng mộ hay đền thờ các vị thần (Hierotheseion) tại Nemrut Dağ là một bằng chứng độc đáo về nền văn minh của Vương quốc Commagene. Vua Antiochos I được tôn thờ trong đền thờ với tư cách là hậu duệ của Darius Đại đế (Darius the Great, Đế chế Achaemenid, trị vì năm 522 – 486 TCN) bởi cha ông là Vua Mithridates I Callinicus (Tiểu vương quốc Commagene, người Iran) và hậu duệ của Alexander Đại đế (Vương quốc Hy Lạp cổ đại Macedonia, trị vì năm 336 – 323 TCN) bởi mẹ ông là Hoàng hậu Laodice VII Thea (người Hy Lạp). Tổ tiên nửa huyền thoại này thể hiện tham vọng của một triều đại tìm cách duy trì độc lập khỏi các quyền lực của cả phương Đông và phương Tây.
Tiêu chí (iv): Hơn cả Lăng Karakus và Lâu đài đá Eski Kahta (thời Tiểu vương quốc Commagene, tại Kâhta, Adıyaman, Thổ Nhĩ Kỳ), Di tích Nemrut Dağ minh họa một giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại. Sự đồng hóa thần Zeus (Hy Lạp) với Oromasdes (thần Ahuramazda của Iran), và thần Heracles (Hy Lạp) với Artagnes (thần Verathragna của Iran) cho thấy sự tương đồng về mặt nghệ thuật trong sự kết hợp chặt chẽ giữa thẩm mỹ Hy Lạp, Ba Tư và Anatolian (Tiểu Á), thể hiện rõ tại các bức tượng và phù điêu.
Sơ đồ phạm vi Khu vực Di sản Nemrut Dağ, Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng mặt bằng Lăng mộ Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Các di tích tráng lệ của Quần thể không chỉ là lăng mộ mà còn là nơi thờ cúng các vị thần và tổ tiên của Vua Antiochos I (Commagene). Lăng mộ được Vua Antiochus I xây dựng vào năm 62 TCN (ông mất vào năm 31 TCN).
Khi xây dựng Lăng mộ, Vua Antiochus I đã tiếp thu các ảnh hưởng tôn giáo từ các Đế chế Parthia (Parthian Empira, và Armenia (Kingdom of Armenia) tại lân cận để hình thành tôn giáo bản địa của triều đại, thông qua hệ thống các vị thần được thờ cúng tại đây. Ngoài ra, Lăng mộ trên núi trên núi Nemrut còn là một bằng chứng phi thường cho nền văn minh của Tiểu Vương quốc Commagene và tham vọng của vương triều vốn tìm cách duy trì độc lập khỏi các quyền lực của phương Đông và phương Tây.
Gò mộ
Gò mộ (Mezar Odasi Kesiti) hay Lăng Vua Antiochus I (Commagene) nằm trên đỉnh núi Nemrud, cao 2134m so với mực nước biển). Đây là một gò đá nhân tạo, cao 50m và có đường kính 150m. Được đắp bởi các những tảng đá nhỏ với khối lượng dự kiến 300.000 tấn. Đá đắp lăng cũng như các tấm phù điêu, tượng là đá sa thạch, khai thác từ một mỏ đá ở phía đông bắc ngọn núi.
Vào giữa thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã tiến hành các khai quật (tiến dần vào trung tâm của gò mộ). Song ngôi mộ của Vua Antiochos I hiện vẫn còn là một bí ẩn.
Xung quanh Gò mộ là 3 Sân thượng, nơi đặt tượng thờ, ban thờ cho các hoạt động nghi lễ. Sân thượng Đông và Tây có bố cục tương tự nhau. Sân thượng Bắc nhỏ hơn, dường như chưa kết thúc việc xây dựng.
Sơ đồ mô phỏng Gò mộ Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Quảng cảnh Gò mộ với những đường rãnh sâu bí ẩn trên đỉnh, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Sơ đồ di tích tại Sân thượng Tây (trái) và Sân thượng Đông (phải): 1. Bệ đặt các vị thần; 2. Vị trí phù điêu Tử vi sư tử; 3. Những phù điêu với cảnh Vua Antiochus I bắt tay các vị thần; 5. Nơi trưng bày phù điêu 15 vị tổ bên cha có nguồn gốc Ba Tư; 6. Nơi trưng bày 17 vị tổ bên mẹ có nguồn gốc Hy Lạp.
Sân thượng Đông
Sân thượng tại phía Đông (East Terrace/ Doğu Terasi) là nhóm tác phẩm kiến trúc và điêu khắc quan trọng nhất.
Sân có dạng gần như hình chữ nhật, kích thước 50m x 50m.
Sân thượng Đông đặt 5 bức tượng khổng lồ ở (Colossal Statues), cao 8 – 10m, dạng tượng ngồi với tên của từng vị thần được khắc trên đó. Đây là hình ảnh của 5 vị thần, đại diện cho tôn giáo mới của Tiểu vương quốc, gồm tượng Vua Antiochos I và 4 vị thần khác nhau, được tích hợp từ các vị thần của Hy Lạp, La Mã, Iran và Commagene.
Tên của 5 vị thần, từ trái sang phải:
Thần Antiochos I (vua của Tiểu vương quốc Commagene / King of Commagene);
Thần tích hợp từ: Commagene (nữ thần của người Commagene) - Dea Syria (nữ thần Hy Lạp) - Juno Dolichena (nữ thần La Mã);
Thần tích hợp từ: Zeus (thần Bầu trời và Sấm sét Hy Lạp) – Oromasdes hay Ahura Mazda (thần Sáng tạo Iran). Đây là bức tượng có kích thước lớn nhất, đặt chính giữa;
Thần tích hợp từ: Apollo (thần Bắn cung, Âm nhạc, Khiêu vũ Hy Lạp, La Mã) – Mithras (thần Bí ẩn La Mã) –Helios (thần Mặt trời Hy Lạp) – Hermes (thần Sứ giả Hy Lạp);
Thần tích hợp từ: Artagnes (Verethragna, thần Chiến thắng Ấn-Iran /Aryan) - Heracles (thần Bảo trợ Hy Lạp) – Ares (thần Dũng cảm và Chiến tranh Hy Lạp).
Quảng cảnh Gò mộ (nhìn từ phía bắc), Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ; Bên trái ảnh là Sân thượng Đông
Đường lên Sân thượng Đông, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Phối cảnh mặt trước Sân thượng Đông, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Vị trí và tên tượng thần tại Sân thượng Đông, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Các tượng này (kể cả phần bệ) được dựng từ 7 tầng khối đá với chiều cao khối đá phần thân khoảng 1m; riêng phần đầu là một khối đá duy nhất cao 2,5 – 3m.
Các bức tượng dường như có các đặc điểm chung: Khuôn mặt kiểu Hy Lạp, nhưng trang phục và kiểu tóc của người Ba Tư. Hiện tại, đầu của các bức tượng đã bị ngắt ra và nằm rải rác khắp nơi.
Trước mỗi bức tượng đều có một bàn thờ để tế lễ.
Nhóm 5 tượng thần này được canh giữ bởi thần hộ mệnh là tượng sư tử và đại bàng, đứng ở hai bên. Tượng sư tử và đại bàng cao 4,5m – 5m; Thân tượng cũng được ghép từ nhiều khối đá. Đầu tượng được tạc từ một khối đá.
Hai bên dãy tượng là hai dãy bệ có các bức phù điêu về 15 vị tổ bên cha có nguồn gốc Ba Tư và 17 vị tổ bên mẹ có nguồn gốc Hy Lạp.
Một bên của dãy tượng là các bức phù điêu miêu tả sự bắt tay (thừa nhận) giữa Vua Antiochus I và các vị thần.
Phía đông của Sân thượng Đông là một tàn tích bệ của một Đàn thờ Lửa (hoặc Bệ móng của Đền thờ Lửa) hình kim tự tháp bậc thang (Stepped Altar), gồm 5 bậc, bằng đá sa thạch, kích thước 13m x 13m. Đây là nơi tổ chức các nghi lễ tôn giáo quan trọng. Hai bên Đền thờ là tượng sư tử và đại bàng. Hiện tại, chỉ còn tượng sư tử ngồi, cao 1,78m.
Phía bắc của Sân thượng Đông có cổng ra vào (Entrance) và một dãy bậc (Lining of Steps).
Phía bắc và nam của Sân thượng Đông có những bức tường thấp, được dựng bởi các phiến đá thẳng đứng.
Kích thước các khối đá tạo lập thân tượng (Antiochos I) tại Sân thượng Đông, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Tàn tích đầu tượng các vị thần, đại bàng và sư tử, Sân thượng Đông, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Mô hình phục dựng các bức tượng thần tại Sân thượng Đông, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Tàn tích Đàn thờ Lửa (hoặc Đền thờ Lửa) với tượng Sư tử, Sân thượng Đông, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Sân thượng Tây
Sân thượng tại phía Tây (West Terrace/ Bati Terasi), nằm thấp hơn Sân thượng Đông khoảng 10m, có kích thước 50m x 30m.
Tương tự như Sân thượng Đông, Sân thượng Tây đặt một hàng tượng khổng lồ (Colossal Statues). Các vị thần được thờ tại đây tương tự như tại Sân thượng phía đông.
Phù điêu sư tử tại Sân thượng Tây được tạo hình đặc sắc, trên một phiến đá cao 1,75m và dài 2,40m. Thân của sư tử được trang trí 19 ngôi sao và 1 mặt trăng lưỡi liềm. Có 3 ngôi sao lớn là Sao Mộc, Sao Thủy và Sao Hỏa. Bố cục các vì sao được cho là mô tả bầu trời đêm vào ngày 7 tháng 7 năm 62 TCN. Đây có thể là dấu hiệu tử vi (khái niệm thần bí liên quan đến việc luận đoán về các vận mệnh của con người) cổ nhất trên thế giới, được cho liên quan đến ngày sinh của Vua Antiochos I, ngày vua lên ngôi, hoặc ngày hoàn thành lăng mộ.
Tại mặt sau của các tượng thần có bia khắc văn bản của Vua Antiochus I. Về nội dung, văn bản tương tự như tại Sân thượng Đông, nhưng văn bản tại Sân thượng Tây được bảo quản tốt hơn.
Trong văn bia, Vua Antiochus I giới thiệu về tổ tiên, tước hiệu và mô tả về cuộc đời của mình; hướng dẫn cách thực hiện hoạt động thờ cúng. Ví dụ như: Các vị tu sĩ phải mặc áo choàng Ba Tư vào ngày lễ; Các lễ dâng lên ban thờ gồm thảo mộc, hương, rượu và thức ăn; Âm nhạc nghi lễ và giải trí...Những dòng chữ trên văn bia này được đánh giá là một trong những văn bản quan trọng nhất của văn xuôi Hy Lạp, vào một thời đại hầu như không có gì được bảo tồn.
Lân cận là các hố khai quật (Trial Excavations) và tàn tích của các hố mương (Ditch).
Tại đây có con đường diễu hành (Processional Way) men theo chân núi, có tường bao quanh, nối Sân thượng Tây với Sân thượng Đông và với Sân thượng phía Bắc.
Quảng cảnh Gò mộ (nhìn từ phía nam), Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ; Bên phải ảnh là Sân thượng Tây
Sơ đồ bố trí Bia tổ tiên và Tượng thần tại Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Tàn tích Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Tàn tích Bia tổ tiên của Vua Antiochus I tại Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Tàn tích đầu tượng Vua Antiochus I tại Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Tàn tích đầu tượng Nữ thần Kommagene, Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Tàn tích đầu tượng thần Heracles và đại bàng, Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Tàn tích các tấm bia Tổ tiên người Ba Tư và Hy Lạp, Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Bức phù điêu Tử vi Sư tử, Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Các khối bia khắc chữ, Sân thượng Tây, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Sân thượng Bắc
Sân thượng tại phía Bắc (North Terrace/Kuzey Terasi) có quy mô nhỏ.
Phía nam của Sân thượng Bắc có một đoạn đường dốc (Ramp) dài 86m, được tạo bởi hàng phiến đá.
Phía bắc Sân thượng Bắc được trang trí bằng các phù điêu, mô tả tổ tiên người Ba Tư của Vua Antiochos I và các chiến xa Macedonian của ông.
Đứng đầu danh sách các vị tổ tiên được phong thần có hai cái tên nổi tiếng: Darius Đại đế và Alexander Đại đế.
Sân thượng Bắc, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Đoạn đường dốc, được tạo bởi các phiến đá, Sân thượng Bắc, Nemrut Dağ, Thổ Nhĩ Kỳ
Di sản Nemrut Dağ, Lăng mộ vua Antiochus I (Commagene) tại tỉnh Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ với những tác phẩm điêu khắc khổng lồ là một minh họa hoàn hảo cho Chủ nghĩa Nguyên hợp tôn giáo và nỗ lực của của Vua Antiochus I trong việc giới thiệu một giáo phái nhà nước mới, là sự kết hợp các ảnh hưởng đến từ Hy Lạp, Ba Tư và Anatolian (Tiểu Á). Đây cũng là một Di sản lăng mộ còn lưu giữ nhiều điều thần bí, luôn thu hút các nghiên cứu, khám phá.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/448/
https://en.wikipedia.org/wiki/Turkey
https://en.wikipedia.org/wiki/Ad%C4%B1yaman
https://en.wikipedia.org/wiki/Mount_Nemrut
https://en.wikipedia.org/wiki/Kingdom_of_Commagene
https://en.wikipedia.org/wiki/Orontid_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Antiochus_I_of_Commagene
https://turkisharchaeonews.net/site/mount-nemrut
http://www.antiochos.net/nemrut-montain/
https://fr.wikipedia.org/wiki/Nemrut_Da%C4%9F%C4%B1
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|