Thông tin chung:
Công trình: Các tượng đài La Mã, Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà tại Trier (Roman Monuments, Cathedral of St Peter and Church of Our Lady in Trier)
Địa điểm: Bang Rhineland-Palatinate (Rheinland-Pfalz), Đức (N49 45 0 E6 37 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1986; hạng mục i, iii, iv, vi)
Đức (Deutschland) là một quốc gia nằm tại miền Trung Tây Âu, có diện tích 357.588 km2, dân số khoảng 83 triệu người (năm 2021). Thủ đô là thành phố Berlin.
Từ thời Cổ đại, phần phía Bắc nước Đức đã có nhiều bộ tộc người Đức sinh sống. Theo thời gian, các bộ tộc Đức mở rộng về phía Nam. Vào những năm 100 sau Công nguyên, đã tồn tại một khu vực có tên là " Germania” tại phía bắc miền trung châu Âu với đa số là người Đức.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, tại vùng lãnh thổ nước Đức đã dần hình thành một phần trung tâm của Đế quốc La Mã Thần thánh hay Thánh chế La Mã (tiếng Latinh: Sacrum Romanum Imperium; tiếng Đức: Heiliges Römisches Reich; tiếng Ý: Sacro Romano Impero; tiếng Anh: Holy Roman Empire). Đây là một phức hợp lãnh thổ rộng lớn đa sắc tộc, trong đó chủ yếu là người Đức, tồn tại từ năm 962 – 1806. Tên của Đế quốc bắt nguồn từ yêu sách của Hoàng đế La Mã Đức vào thời Trung cổ, muốn tiếp tục truyền thống của Đế chế La Mã cổ và hợp pháp hóa quyền cai trị như là thánh ý của Thiên Chúa.
Vào thời kì thịnh vượng trong thế kỷ 12, Đế quốc La Mã Thần thánh bao trùm một vùng lãnh thổ rộng lớn, gồm nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, miền Đông nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, miền Tây Ba Lan, Cộng hòa Séc và Ý hiện nay.
Vào thế kỷ 15 – 16, Đế quốc này trở thành Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức (Heiliges Römisches Reich Deutscher Nationen).
Đế quốc La Mã Thần thánh là một dạng siêu quốc gia. Quyền lực cai trị của Đế quốc không nằm hoàn toàn trong tay Hoàng đế hay Hội đồng hầu tước (Kurfürst/Prince-Elector- những người trong Hội đồng bầu ra Hoàng đế của Đế quốc), mà còn nằm trong tay các lãnh chúa (với các tước hiệu như quốc vương, phó vương, công tước, hầu tước, bá tước, tử tước, nam tước…được thừa kế, cai trị các công quốc hay các vùng lãnh thổ nhỏ, to khác nhau. Trong một số giai đoạn, Hoàng đế La Mã Thần thánh còn kiêm nhiệm vai trò Đại công tước Áo, Quốc vương của Bohemia và Hungary). Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức tan vỡ khi Hoàng đế Franz II (1792-1806) từ bỏ Đế miện vào ngày 6/8/1806 để trở thành Hoàng đế của Đế quốc Áo.
Dưới triều đại của các dòng họ Habsburg (nắm quyền từ năm 1276 đến năm 1918), thủ đô của Đế chế là thành phố Viên (thủ đô của nước Áo hiện nay).
Trong thế kỷ 16, các vùng phía bắc nước Đức đã trở thành trung tâm của Cải cách Tin lành, được khởi xướng bởi nhà thần học người Đức Martin Luther (năm 1483 – 1546).
Sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, năm 1815, Liên bang Đức được thành lập. Năm 1871, Đức trở thành một quốc gia trong Đế quốc Đức - Phổ (Phổ - Preussen, là một quốc gia trong lịch sử Cận đại phát sinh từ vùng Brandenburg, một lãnh thổ trong suốt nhiều thế kỉ đã có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nước Đức và châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới. Kinh đô cuối cùng của vương quốc Phổ là Berlin).
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và Cách mạng Đức 1918-1919, Đế quốc Đức - Phổ bị thay thế bằng Cộng hòa Weimar theo chế độ nghị viện. Chế độ độc tài Quốc xã được hình thành vào năm 1933, dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ hai và nạn diệt chủng.
Sau giai đoạn Đồng Minh chiếm đóng, nước Đức phân thành Đông Đức và Tây Đức.
Ngày 3/10/1990, Đức tái thống nhất.
Đức hiện được chia thành 16 bang. Mỗi bang có hiến pháp riêng và phần lớn được tự trị về vấn đề tổ chức nội bộ.
Từ khi thống nhất đến nay, Đức luôn duy trì vị thế là một Đại cường quốc.
Bản đồ nước Đức và vị trí thành phố Trier
Trier, nằm trên sông Moselle ở phía Tây nước Đức, bang Rhineland-Palatinate, là thuộc địa của La Mã từ thế kỷ 1 sau Công nguyên và sau đó là một trung tâm thương mại lớn vào đầu thế kỷ 2. Đây đã trở thành một trong những thủ đô của Chế độ Tetrarchy vào cuối thế kỷ thứ 3, khi nó được gọi là “Rome thứ hai”. Số lượng và chất lượng của các di tích còn sót lại là minh chứng nổi bật cho nền văn minh này.
Chế độ Tetrarchy được thiết lập bởi Hoàng đế La Mã (Roman Emperor, tồn tại năm 27 TCN – 395 sau Công nguyên) là Diocletian (trị vì năm 284- 305) vào năm 293 để cai trị Đế chế La Mã cổ đại bằng một hội đồng (cai trị tập thể) với rất nhiều cấp bậc. Tại cấp bậc cao nhất có tới 4 chức vụ (Tetrarchy - Tứ quyền) cho 4 cá nhân như 4 vị hoàng đế hay vua trong một Đế chế, gồm 2 hoàng đế cao cấp (Augustus) và 2 hoàng đế kế vị được chỉ định (Caesar). 4 vị hoàng đế không đóng tại Rome mà tại các thành phố khác nhau gần biên giới để chống lại sự xâm lăng từ bên ngoài.
4 thủ đô của Chế độ Tetrarchy gồm:
Nicomedia ở Tây Bắc Tiểu Á (İzmit, Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại), thuộc vùng Diocletian as Augustus tại phía đông của Đế chế, một căn cứ để phòng thủ chống lại sự xâm lược từ Balkan và người Ba Tư.
Sirmium (Sremska Mitrovica, Serbia hiện tại), thuộc vùng Galerius as Caesar tại phía bắc, tây và nam của Đế chế; thành phố nằm trên biên giới sông Danube.
Mediolanum ( Milan, Ý hiện tại), thuộc vùng Maximian as Augustus, hướng về Châu Phi.
Augusta Treverorum (Trier, Đức hiện tại) thuộc vùng Constantius as Caesar tại phía bắc và tây của Đế chế. Thành phố nằm gần biên giới sông Rhine.
Bản đồ Đế chế La Mã dưới chế độ Tetrarchy, hiển thị các giáo phận và vùng ảnh hưởng của 4 vị Hoàng đế. Vùng Trier thuộc địa phận cai trị của Constantius as Caesar
Không có nơi nào ở phía bắc của dãy Alps lại lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc quan trọng của La Mã và tập trung nhiều dấu vết định cư của người La Mã như ở Trier, “La Mã của phương Bắc”.
Vào cuối thời Cổ điển, Trier là một trong những thành phố lớn nhất trong Đế chế La Mã; thủ phủ của các vùng Gaul, Germania, Britannia và Hispania. Sau những cải cách của Hoàng đế Diocletian, đây là thủ đô của vùng Constantius as Caesar thuộc Đế chế La Mã.
Tại đây, di tích công trình kiến trúc được xây dựng trong thế kỷ 1 và 2 (Cầu Moselle, Nhà tắm Barbara, Cổng Porta Nigra và Cột bia lgel) minh họa cho sự phong phú của thành phố thương mại, thị trấn đồn trú và pháo đài bên bờ sông Rhine.
Dưới thời trị vì của Constantine Đại đế (Constantine the Great, trị vì năm 306- 337), các di tích tại đây (Nhà tắm Hoàng gia, Aula Palatina, Nhà thờ) là một biểu hiện sức mạnh hữu hình của Đế chế với khát vọng thống trị thế giới.
Trong số những tòa nhà được bảo tồn từ thời Cổ điển, ít nhất ba trong số những di tích nêu trên là vô cùng đặc sắc:
Cổng Porta Nigra, với tình trạng bảo tồn tốt, có bố cục kiến trúc độc đáo (là sự kết hợp của pháo đài với những nét đặc trưng của kiến trúc cung điện) không giống bất kỳ cổng thành La Mã được bảo tồn nào khác. Sự thay đổi của Cổng Porta Nigra vào thời Trung cổ thành một nhà thờ ghép đôi (không có công trình tương tự) đã khiến công trình này trở thành một biểu tượng của lịch sử phương Tây.
Vương cung thánh đường Aula Palatina là công trình kiến trúc bằng gạch hoành tráng với kích thước bên trong rộng lớn (nội thất lớn nhất được biết đến từ thời Cổ điển) là hiện thân của vị thế và quyền lực của Đế chế La Mã. Đây là một trong những công trình kiến trúc nhà thờ lâu đời nhất ở thế giới phương Tây, là nhân chứng cho đức tin Cơ đốc kể từ khi Hoàng đế Constantine đưa Cơ đốc giáo trở thành một tôn giáo được thừa nhận trong Đế chế của ông. Thiết kế kiến trúc của Vương cung thánh đường là sự kết hợp của tất cả các yếu tố thời kỳ Cổ điển, Trung cổ và Hiện đại, nhưng luôn được khắc họa bởi ý tưởng hoành tráng có từ ban đầu. Trong Vương cung thánh đường, hàng loạt ngôi mộ của các tổng giám mục được lưu giữ hầu như không gián đoạn trong suốt thời gian từ thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18. Trong Thánh đường, các tấm vách ngăn kiểu Romanesque, bục giảng thời kỳ Phục hưng và một số bàn thờ bằng đá cẩm thạch Baroque đều là những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của mỗi thời kỳ.
Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ được xây dựng sớm nhất theo phong cách High Gothic (phong cách kiến trúc Gothic đặc biệt tinh tế và uy nghiêm xuất hiện ở miền bắc nước Pháp từ khoảng năm 1195 – 1250) bên ngoài nước Pháp. Phong cách thuần khiết của Nhà thờ (được hoàn thành chỉ trong 30 năm) và việc thực hiện không ngừng các thiết kế quy hoạch, kiến trúc của các kiến trúc sư, khiến Nhà thờ trở thành một ví dụ hoàn hảo nhất về khái niệm xây dựng tập trung theo phong cách Gothic.
Các tượng đài La Mã, Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà tại Trier, bang Rhineland-Palatinate, Đức được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1986) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Porta Nigra, một cổng kiên cố lớn được xây bằng đá, hai bên là hai tháp bốn tầng hình bán nguyệt, là một thành tựu độc đáo của kiến trúc La Mã thế kỷ thứ 2, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người. Phần còn lại của Gian Hợp xướng và hành lang của 2 tầng nhà thờ được xây dựng phía trong bức tường cổng Porta Nigra bởi Tổng giám mục của Tier là Poppo (nhiệm kỳ 1016- 1047) từ năm 1034 đến năm 1042 càng làm tăng thêm vẻ đẹp cho di tích.
Tiêu chí (iii): Trier là một bằng chứng đặc biệt về một truyền thống hay nền văn minh La Mã do mật độ và chất lượng của các di tích được bảo tồn: Cây cầu, phần còn lại của bức tường thành kiên cố, nhà tắm nước nóng, giáo đường, nhà kho…Nghệ thuật tang lễ, thể hiện qua Cột bia Igel, nghề thủ công như gốm, thủy tinh và đúc đã đặc biệt phát triển tại đây.
Tiêu chí (iv): Trier, cùng với Istanbul (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), là một ví dụ nổi bật về kiểu kiến trúc xây dựng và cảnh quan của một thủ đô lớn thuộc La Mã sau sự phân chia của Đế chế. Những phần còn lại của Cung điện hoàng gia và Nhà tắm hoàng gia (lớn nhất của Đế chế La Mã sau thời Diocletian và Caracalla ở Rome) đều gây ấn tượng về quy mô to lớn của chúng. Tại Vương cung thánh đường Aula Palatina, trang trí trần nhà bằng sơn, miêu tả các hình ảnh hoàng hậu thời bấy giờ, cũng là bằng chứng cho đặc điểm nổi bật về kiến trúc.
Tiêu chí (vi): Trier có liên quan trực tiếp và hữu hình với một trong những sự kiện lớn của lịch sử nhân loại, cuộc hành quân của Constantine Đại Đế (trị vì năm 306–337) chống lại Hoàng đế Maxence (Hoàng đế La Mã, trị vì năm 306- 312) vào năm 312, là khúc dạo đầu cho Sắc lệnh Milan (Edict of Milan, thỏa thuận vào năm 313, nhằm đối xử nhân từ với người theo đạo Cơ đốc trong Đế chế La Mã) công nhận Cơ đốc giáo.
Sơ đồ vị trí và phạm vi Di sản Khu phố La Mã, Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Di sản Các tượng đài La Mã, Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà tại Trier, bang Rhineland-Palatinate, Đức bao gồm 8 di tích chính tập trung thành một cụm và 1 di tích nằm tách biệt.
Sơ đồ vị trí một số di tích chính tại Thành cổ La Mã tại Trier, Đức
Mô hình phục dựng Thành cổ La Mã tại Trier, Đức
Đấu trường
Đấu trường (Ampitheatre, hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại phía đông của cụm di tích (N49 44 52,00 E6 38 58,00). Diện tích Di sản khoảng 2,0ha.
Đây là công trình thường có trong nhiều thành phố La Mã, được xây dựng vào thế kỷ 2, dưới thời cai trị của Hoàng đế Antoninus Pius (năm 138- 161). Đấu trường được tích hợp vào tường thành như một cổng ra vào tại phía đông thành phố.
Công trình được đào vào sườn đồi, để tạo thành khán đài cao đến 22m, có thể chứa được khoảng 20.000 khán giả.
Vào năm 293, thời Hoàng đế Constantius Chlorus (còn được gọi là Constantius I, là một trong bốn thành viên ban đầu của Chế độ Tetrarchy; hoàng đế cấp dưới - Caesar từ năm 293 đến 305 và hoàng đế cấp cao - Augustus từ năm 305 đến 306), Ampitheatre đã được cải tạo lại.
Đấu trường được sử dụng cho nhiều mục đích: Đấu giữa người và người, đấu giữa người và thú hoang dã. Tầng hầm của Đấu trường được sử dụng làm nơi giam giữ đấu sĩ, là tù nhân bị kết án tử hình và nhốt động vật hoang như sư tử châu Phi, hổ châu Á. Ngoài ra, Đấu trường cũng được sử dụng cho các cuộc tụ họp, lễ hội tôn giáo.
Khi Đế chế La Mã diệt vong, Đấu trường bị bỏ hoang. Vào thế kỷ 13, nơi này trở thành địa điểm chứa vật liệu và cung cấp đá xây dựng. Các tầng của Đấu trường được sử dụng làm nơi nấu và kho chứa rượu.
Vào đầu thế kỷ 19, Đấu trường Ampitheatre được khai quật, khám phá.
Hiện nơi đây trở thành địa điểm trình diễn hòa nhạc ngoài trời.
Tổng mặt bằng Đấu trường Ampitheatre, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Phối cảnh tổng thể Đấu trường Ampitheatre, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Phối cảnh lối vào Đấu trường Ampitheatre, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Bên trong tầng hầm Đấu trường Ampitheatre, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Cầu Moselle
Cầu Moselle hay Cầu La Mã (Moselle Bridge/ Römerbrücke, hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía tây cụm 8 di tích, qua sông Mosel (N49 45 7,00 E6 37 34,80). Diện tích Di sản 0,25ha.
Cầu Moselle là một trong những cây cầu lâu đời nhất nước Đức.
Cầu có 9 trụ đỡ vòm cầu với niên đại từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Trụ đỡ vòm cầu được xây dựng bằng các khối đá lớn, liên kết với nhau bằng chốt sắt. Mặt bằng trụ móng có một đầu nhọn hướng về phía thượng lưu để chống lại lũ lụt và băng tan. Cầu rộng khoảng 10m, cao thông thủy so với mặt sông khoảng 14m.
Phần trên của cầu đã được làm mới hai lần, vào đầu thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 18, sau khi bị tàn phá trong chiến tranh. Vào đầu thế kỷ 18, một cây thánh giá và bức tượng của Thánh Nicholas đã được dựng lên trên trụ cầu thứ năm từ phía tây. Thế kỷ 19, tháp cổng đầu cầu bị phá bỏ. Năm 1931, cây cầu được mở rộng với lối đi bộ vươn ra như hiện nay.
Phối cảnh tổng thể Cầu Moselle, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Một bức tranh vẽ Cầu Moselle vào năm 1646, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Trang trí trên một trụ cầu, Cầu Moselle, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Nhà tắm Barbara
Nhà tắm Barbara (Barbara Baths/ Barbarathermen, hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại phía tây cụm 8 di tích, gần Cầu Moselle (N49 45 0,00 E6 37 50,00). Diện tích Di sản 1,2ha.
Nhà tắm Barbara được xây dựng vào thế kỷ 2 và vẫn được sử dụng cho đến cuối thế kỷ 4.
Nhà tắm Barbara là một khu phức hợp nhà tắm kiểu La Mã, như một lâu đài thời Trung cổ với tường bao quanh và nhiều tòa nhà cao 1 – 2 tầng với các sân trong. Đây là một trong những Nhà tắm La Mã lớn nhất của Đế chế La Mã.
Các phòng tắm có diện tích 42.000m2. Tại đây, du khách được chăm sóc sức khỏe và thư giãn ở mức cao nhất. Ngoài bồn tắm nước nóng, hồ bơi, Nhà tắm Barbara còn có trung tâm văn hóa, thư viện, nhà hàng, cửa hàng và thẩm mỹ viện.
Các bồn tắm nước nóng được trang trí bằng đá cẩm thạch và có các hốc được thiết kế dưới dạng hang động biển.
Nhà tắm Barbara vẫn còn được sử dụng cho đến cuối thế kỷ 4.
Công trình bị dỡ bỏ và lấy đá để xây dựng, hiện chỉ sót lại tàn tích nền móng của nhà tắm, đường hầm dịch vụ, hệ thống cống, lò đốt, hồ bơi và hệ thống sưởi.
Phối cảnh tổng thể tàn tích Nhà tắm Barbara, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Mô hình phục dựng Nhà tắm Barbara, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Tàn tích móng, tường Nhà tắm Barbara, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Tàn tích một lò làm ấm nước và sưởi, Nhà tắm Barbara, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Cột bia Igel
Cột bia Igel (Igel Column, hình vẽ ký hiệu 4) nằm tách biệt so với cụm 8 di tích, tại phía tây của Khu vực Di sản (N49 42 32,50 E6 32 59,50). Diện tích Di sản 0,003ha.
Cột bia Igel đứng tại thị trấn Igel, Trier, làm bằng đá sa thạch. Cột được dựng vào năm 250, là bia tưởng niệm tại nghĩa trang gia đình thương nhân buôn vải Secundinii, thể hiện nghi thức tang lễ của một gia đình La Mã giàu có thời bấy giờ.
Cột bia có chiều cao 30m, chia thành nhiều tầng:
Phần chân đế có 4 bậc: 2 bậc dưới hình hộp, bậc thứ 3 hình chóp cụt, bậc thứ 4 hình hộp; kết thúc là một đường diềm nhô ra.
Phần thân như một ô cửa. 4 góc là 4 cột kiểu Corinthian. Giữa ô cột là bức phù điêu trang trí miêu tả các vị thần, động vật, cây cối. Phía trên 4 cột là một phần như diềm mái.
Phần mái có dạng mái đầu hồi. Bề mặt tường mái, cả 4 phía được trang trí bằng các bức phù điêu tinh xảo miêu tả một đám rước, bữa tiệc, hoạt động đời thường (buôn vải) của gia chủ, cha con chia tay, người hầu...
Phần trên cùng là một tháp trang trí, như một vương miện với các bức chạm khắc thần La Mã Jupiter (vua của các vị thần, thần sấm sét) và Thiên thần Ganymede.
Mặt phía trước Cột bia Igel, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Mặt phía sau Cột bia Igel, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Bức phù điêu miêu tả cảnh cha con chia tay nhau, Cột bia Igel, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Bức phù điêu miêu tả những con la đang kéo một chiếc xe 4 bách chở kiện vải, Cột bia Igel, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Cổng Nigra
Cổng Nigra (Porta Nigra, hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại phía bắc cụm 8 di tích ( N49 45 35,20 E6 38 40,00). Diện tích Di sản 0,3ha.
Porta Nigra theo tiếng Latinh có nghĩa là cổng đen (Black Gate), do đá xây dựng có màu xám trắng, theo thời gian chuyển thành màu sẫm). Đây là một cổng thành lớn của La Mã ở Trier, một trong những cổng thành La Mã lớn nhất ở phía bắc của dãy Alps.
Vào thời La Mã, Thành phố Trier có mặt bằng hình chữ nhật, diện tích đến 285ha, được bao quanh bởi các bức tường thành dài 6,4km với 4 cổng thành và 47 tháp canh.
Porta Nigra là một phần của hệ thống 4 cổng thành. Mỗi cổng nằm tại một bên của thành phố hình chữ nhật:
Cổng Porta Nigra (Cổng Đen) nằm tại mặt phía bắc của thành phố;
Cổng Porta Alba (Cổng Trắng, tích hợp với Đấu trường Ampitheatre) được xây dựng ở phía đông;
Cổng Porta Media (Cổng Giữa) ở phía nam;
Cổng Porta Inclyta (Cổng Nổi tiếng) ở phía tây, bên cạnh Cầu La Mã bắc qua sông Moselle.
Trong số 4 cổng này, chỉ có Porta Nigra là còn tồn tại cho đến ngày nay.
Porta Nigra được xây dựng sau năm 170, bằng đá sa thạch (có khối nặng nhất tới 6 tấn) không dùng vữa, kết nối và cố định bằng những đai và chốt sắt.
Cổng ban đầu bao gồm hai tháp bốn tầng, hình bán nguyệt ở mặt ngoài. Một khoảng sân hẹp ngăn cách hai cổng mở hai bên.
Việc xây dựng cổng dường như vẫn dang dở. Cổng đã được sử dụng cho đến cuối kỷ nguyên La Mã ở Trier.
Vào đầu thời Trung cổ, cổng thành La Mã không còn được sử dụng cho chức năng ban đầu và đá của cổng đã bị lấy đi và tái sử dụng cho các công trình khác. Tại Porta Nigra, không chỉ đá, mà cả các thanh giằng bằng sắt và chì đã bị phá bỏ khỏi các bức tường để tái sử dụng.
Porta Nigra không bị phá hủy hoàn toàn nhờ một tu sĩ đến từ Sicily vào năm 1028, tên là Simeon (được tôn là thánh trong Chính thống giáo Đông phương và trong Giáo hội Công giáo Đức). Ông sống 7 năm cho đến khi qua đời (năm 1035) như một ẩn sĩ trong tầng trệt tại tháp phía đông của Porta Nigra. Tu sĩ Simeon đã được Giáo hoàng tôn làm thánh. Tu viện Simeonstift được xây dựng bên cạnh Porta Nigra để tôn vinh ông.
Porta Nigra đã được chuyển đổi thành hai nhà thờ cao 2 tầng với sơ đồ tầng giống hệt nhau: Một nhà thờ tại tầng 1 mở cửa cho công chúng với một cầu thang lớn dẫn lên từ tầng trệt; Một nhà thờ tại tầng 2 dành cho tu sĩ trong Tu viện, đi lên bằng cầu thang nhỏ bên ngoài.
Trong quá trình chuyển đổi, các cổng tại tầng trệt đã bị bịt kín lại, cấu trúc tháp thứ hai bị phá bỏ.
Hội trường (Gian giữa, Nave) của nhà thờ được tạo ra bằng cách thay thế không gian sân trong.
Tại phía đông, phía sau gian Hợp xướng, mở rộng thêm gian Hậu đường (Apse, hiện vẫn được bảo tồn) vào năm 1148 – 1158.
Tại phía tây, một Tháp chuông kiểu La Mã được xây dựng.
Ngoài ra, tại đây còn bổ sung tiếp các công trình nhà nguyện, phòng khám bệnh và môt cổng mới có tên là Simeons tại phía đông Porta Nigra. Cổng này tồn tại cho đến thế kỷ 18, được thay thế bằng một cổng với phong cách kiểu Baroque. Năm 1875, cổng này cũng bị phá bỏ.
Khi người Pháp xâm chiếm Trier vào năm 1795, Tu viện đã bị giải thể và kết thúc hoạt động của hai nhà thờ.
Sau khi sáp nhập vùng Moselle vào nhà nước Pháp, trong chuyến thăm đến Trier vào năm 1804, Napoléon (Hoàng đế Pháp, trị vì năm 1804- 1814; 3/1815- 6/1815) đã ra lệnh loại bỏ hầu hết các xây dựng bổ sung và chuyển đổi thời Trung cổ để khôi phục lại kiến trúc thời La Mã.
Bậc tam cấp và tháp cổng đã được cải tạo, sân trong đã được khôi phục lại.
Sân thượng với cầu thang bao quanh phía nam và bắc tầng trệt đã bị dỡ bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, phần đỉnh tháp phía tây chỉ được bảo tồn ở dạng bị cắt ngắn và tháp phía đông không được xây dựng lại theo chiều cao ban đầu.
Tàn tích Porta Nigra ngày nay hầu như không thay đổi so với diện mạo được phục hồi lại theo lệnh của Napoléon, bao gồm một khối nhà bao quanh một sân trong, rộng 36m, sâu 26m. Khối nhà được nhấn mạnh bởi hai tháp cổng hai bên. Tầng trệt có hai cổng vòm lớn dẫn vào sân trong. Ở phía nam của Porta Nigra vẫn còn lưu lại dấu tích của hai hàng cột La Mã nằm dọc hai bên đoạn phố cuối cùng dẫn đến cổng, dài 100 m.
Phối cảnh tổng thể Cổng Porta Nigra, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Mô hình phục dựng Cổng Porta Nigra vào thời La Mã (khoảng năm 400), Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Mô hình phục dựng giai đoạn Cổng Porta Nigra bị bao phủ bởi các khối nhà thờ xây dựng vào thế kỷ 11, 12 (màu xanh), hiện đã bị dỡ bỏ.
Mặt bằng Cổng Porta Nigra thời La Mã, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Phối cảnh Porta Nigra ngày nay (nhìn từ phía bắc), Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Phối cảnh Porta Nigra ngày nay (nhìn từ phía nam) với tàn tích hàng cột La Mã, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Sân trong giữa hai khối cổng, Porta Nigra, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Bên trong Cổng Porta Nigra, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Cổng Simeons tại phía đông Porta Nigra trước năm 1875, đã bị phá bỏ
Nhà Tắm Hoàng gia
Nhà Tắm Hoàng gia (Imperial Baths, hình vẽ ký hiệu 6) nằm tại phía nam cụm 8 di tích (N49 44 58,00 E6 38 32,00). Diện tích Di sản 2,5ha.
Nhà tắm Hoàng gia Trier (tiếng Đức: Kaiserthermen) là một khu phức hợp nhà tắm La Mã lớn ở Trier, là một trong những thành phần của Cung điện Hoàng gia.
Phức hợp được xây dựng bởi Hoàng đế Constantius I Chlorus, là một trong bốn vị vua ban đầu của chính thể " Tetrarchy ", được thành lập bởi Hoàng đế La Mã Diocletian vào năm 293. Ông là một hoàng đế cấp dưới – (Caesar) từ năm 293 đến 305 và là hoàng đế cao cấp (Augustus) từ năm 305 đến 306. Hoàng đế Constantius là cha của Constantine Đại đế, hoàng đế Cơ đốc đầu tiên của La Mã.
Công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ 3 và tiếp tục hoàn thiện vào thế kỷ 4.
Tàn tích của công trình cho thấy cấu trúc chung tại đây gồm 2 phần:
Khu vực Tập luyện thể thao (Palaestra) với một sân tập luyện kích thước 160m x 130m, bao quanh sân là tường bao và các nhà phụ trợ với các hàng cột.
Khu vực Nhà tắm (Thermae) nằm tại phía đông của phức hợp, trên một khu đất, mỗi chiều khoảng 90m; có bố cục đối xứng, gồm 4 không gian chính:
Caldarium (C) là một căn phòng có bồn ngâm nước nóng. Đây là một căn phòng rất nóng và ẩm ướt với một hệ thống sưởi dưới sàn được cấp bởi không khí nóng từ các đường hầm. Trong phòng tắm, có một bồn tắm, đặt chìm xuống sàn và đôi khi có một khu vực khô nóng để tiết mồ hôi (Laconicum). Khách hàng sử dụng dầu ô liu để làm sạch cơ thể. Nhiệt độ của Caldarium khoảng 50–55 ° C.
Tepidarium (T) là phòng tắm ấm áp. Đây là căn phòng được sưởi ấm dưới sàn, tạo cảm giác dễ chịu từ bức xạ nhiệt của tường, sàn nhà tác động trực tiếp lên cơ thể con người. Đây cũng là nơi những người tắm tập hợp lại với nhau trước khi chuyển sang phòng tắm nước nóng hoặc nước lạnh khác. Tepidarium là không gian có những trang trí nghệ thuật phong phú.
Frigidarium (F) là một hồ bơi nước lạnh trong nhà, thường nằm cạnh các bồn tắm.
Natatio (N) là một bể bơi ngoài trời.
Trong những năm sau này, Phức hợp Nhà tắm Hoàng gia được các vị vua tiếp sau chuyển đổi thành lâu đài, doanh trại và tu viện.
Hiện công trình chỉ còn lại tàn tích móng, đường hầm và tường tại phía đông của phức hợp, như một minh chứng về một loại công trình kiến trúc điển hình thời La Mã.
Phối cảnh tổng thể tàn tích Nhà tắm Hoàng gia, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Sơ đồ mặt bằng Nhà tắm Hoàng gia, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Mô hình phục dựng Nhà tắm Hoàng gia, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Phối cảnh tàn tích Nhà tắm Hoàng gia, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
.
Phần còn lại của các bức tường và lối đi ngầm, Nhà tắm Hoàng gia, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Vương cung thánh đường Aula Palatina
Vương cung thánh đường Aula Palatina (Aula Palatina Basilica/ Konstantinbasilika, hình vẽ ký hiệu 7) nằm tại trung tâm cụm 8 di tích (N49 45 14,00 E6 38 36,50). Diện tích Di sản 0,2ha.
Vào thời Cổ điển, Aula Palatina, còn được gọi là Vương cung thánh đường Constantine (Konstantinbasilika), là một nhà thờ tại cung điện hoàng gia La Mã, được Constantinus Đại Đế (trị vì năm 306–337, là hoàng đế La Mã đầu tiên chuyển sang Cơ đốc giáo) ủy quyền xây dựng vào khoảng năm 310.
Ban đầu nó là một phần của khu phức hợp cung điện với tòa thị chính, hội trường và một số tòa nhà dịch vụ.
Trong thời Trung cổ, công trình được sử dụng làm dinh thự cho Giám mục của Trier. Tầng hầm đã được thiết kế lại thành các khu sinh hoạt và các tháp nhọn được thêm vào trên cùng của các bức tường.
Vào thế kỷ 17, Tổng giám mục của Tier là Lothar von Metternich (năm 1551- 1623), đồng thời là Hoàng tử của Đế chế La Mã Thần thánh (trị vì năm 1599- 1623) đã xây dựng cung điện của mình ngay bên cạnh Aula Palatina và sau đó đã đưa Vương cung thánh đường trở thành một phần của cung điện.
Vào thế kỷ 19, vua Phổ (Prussia) Frederick William IV (trị vì năm 1840 – 1861 đã ra lệnh khôi phục tòa nhà về trạng thái La Mã ban đầu.Năm 1856, Aula Palatina trở thành nhà thờ Tin lành.
Năm 1944, tòa nhà bị cháy trong do chiến tranh và được sửa chữa lại ngay sau đó.
Ngày nay, công trình được sử dụng làm Nhà thờ Chúa Cứu thế (Church of the Redeemer) và thuộc sở hữu của một giáo đoàn Tin lành ở Rhineland.
Vương cung thánh đường Aula Palatina có mặt bằng theo hướng bắc – nam, vào từ phía nam, gồm các khối:
Tiền sảnh (Atrium, ký hiệu A): gồm một hàng hiên với hai cột nhô ra; Đây là sảnh nhà thờ lớn nhất từ thời Cổ đại còn tồn tại. Hiện tại, một phần hàng hiên đã bị cắt ngắn lại.
Hội trường (Gian giữa, Nave, hình vẽ ký hiệu B): Dài 67m, rộng 26,05m và cao 33m.
Sân trong (Peristyle Court, hình vẽ ký hiệu C): Gồm hai sân hẹp, nằm hai bên của Hội trường. Một phía sân trong là tường của Hội trường với các trụ tường. 3 mặt còn lại của Sân trong là một dãy hành lang với hàng cột tròn. Sân trong với hàng hiên bao quanh hiện đã không còn.
Hậu đường (Apse, hình vẽ ký hiệu D): Có bố cục là một nửa đường tròn với tường bao có có 4 dãy cửa cao 2 hàng và 5 trụ tường với các hốc tường dạng nửa đường tròn.
Phối cảnh tổng thể Vương cung thánh đường Aula Palatina, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt và một góc mặt đứng Vương cung thánh đường Aula Palatina, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Phối cảnh mặt đứng hướng tây Vương cung thánh đường Aula Palatina, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Bên trong Vương cung thánh đường Aula Palatina, Khu phố La Mã tại Trier, Đức
Nhà thờ St. Peter ở Trier
Nhà thờ Lớn của Thánh Peter ở Trier (High Cathedral of Saint Peter in Trier/ Hohe Domkirche St. Peter zu Trier), còn gọi là Nhà thờ Trier (Trier Cathedral/ Trierer Dom, hình vẽ ký hiệu 8), nằm tại trung tâm cụm 8 di tích (N49 45 23,00 E6 38 35,20). Diện tích Di sản 0,7ha.
Đây là một nhà thờ Công giáo La Mã ở Trier, một nhà thờ lâu đời nhất ở Đức và là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất ở Trier với tuổi thọ lâu dài và thiết kế hoành tráng.
Nhà thờ do Constantinus Đại Đế tổ chức xây dựng vào thế kỷ thứ 4, trên nền cung điện của Thánh Helen (Hoàng hậu của Đế chế La Mã, năm 246/248 – 330), mẹ của ông.
Sau khi Constantine cải đạo sang Cơ đốc giáo, Giám mục Maximin (năm 329-346) được cho là đã điều phối việc xây dựng nhà thờ.
Trên nền khu vực xây dựng Nhà thờ, người ta phát hiện có tới 4 vương cung thánh đường, một nhà rửa tội và các công trình phụ được xây dựng từ thời La Mã cổ đại, thời mà thành phố Trier còn mang tên Augusta Treverorum. Những công trình này vẫn còn để lại tàn tích là những bức tường gạch bên ngoài Nhà thờ.
Nhà thờ ban đầu bị phá hủy vào thế kỷ thứ 4 và thế kỷ 9, sau đó đã được xây dựng lại.
Trong suốt nhiều thế kỷ, Nhà thờ tiếp tục được tôn tạo, theo phong cách của các thời kỳ với mái vòm Gothic, tác phẩm điêu khắc thời Phục hưng và Nhà nguyện kiểu Baroque, nhưng tổng thể công trình vẫn mang phong cách cốt lõi Romanesque thời La Mã.
Nhà thờ Trier hiện tại có bố cục theo hướng đông tây, lối vào chính từ hướng tây.
Nhà thờ có kích thước mặt bằng dài 112,5 m, rộng 41 m.
Các bức tường gạch thời La Mã cao đến 26m vẫn có thể nhìn thấy tại mặt tiền phía bắc.
Khối phía tây của Nhà thờ với bố cục đối xứng hoành tráng, điển hình của kiến trúc Romanesque dưới thời các hoàng đế Vương triều Salian (Salian Dynasty, cung cấp 4 vị hoàng đế La Mã Thần thánh, năm 1027- 1125).
Công việc xây dựng lại khởi đầu dưới thời Tổng giám mục của Tirer là Egbert (nhiệm kỳ năm 977 - năm 993).
Khối công trình phía tây được bắt đầu xây dựng bởi Tổng giám mục Poppo von Babenberg (nhiệm kỳ năm 1016-1047) và hoàn thành bởi Tổng giám mục Eberhard (nhiệm kỳ năm 1047-1066).
Mặt tiền phía tây được nhấn mạnh bởi 4 tháp. Hai tháp nhỏ (tháp cầu thang) tại hai góc tương tự nhau. Hai tháp phía trong khác nhau. Tháp phía bắc có 2 tầng vươn khỏi mái nhà thờ. Tháp phía nam có 3 tầng với đồng hồ gắn ở tường ngoài. Dòng chữ Latinh phía trên đồng hồ ghi dòng chữ "NESCITIS QVA HORA DOMINUS VENIET" (Bạn không thể biết Chúa sẽ đến vào thời điểm nào).
Chính giữa mặt tiền phía tây nhô ra một khối có mặt bằng nửa đường tròn (Apsidal), nơi đặt Gian Hợp xướng (West Choir), được hoàn thành vào năm 1196.
Mặt đứng khối phía tây của Nhà thờ Trier trở thành hình mẫu, được sao chép nhiều lần cho thiết kế công trình nhà thờ tại Đức.
Hội trường (Gian giữa, Nave) với 3 bước gian và 3 nhịp, nhịp giữa rộng, nhịp hai bên hẹp với các hàng cột hình chữ thập theo phong cách Romanesque với mái vòm kiểu Gothic.
Gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) có mặt bằng chữ nhật, được định hình bởi 4 cột lớn. Đây là 4 cột được cải tạo lại vào thế kỷ 11 với mặt bằng dạng chữ thập.
Gian ngang (Transept) như là phần kéo dài của gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome), giao với gian Hội trường và gian Hợp xướng tạo cho mặt bằng Nhà thờ có hình một cây thánh giá La Mã (chữ thập). Phía sau gian Hợp xướng bệ đặt Ban thờ (High Altar). Phía bắc của Ban thờ có một không gian, ngăn cách với Gian ngang bằng Cổng Vàng (Golden Gate).
Phía sau Bệ thờ là một Hậu đường tại phía đông (East Choir). Đây là phần được xây dựng bổ sung vào giai đoạn sau này. Hai bên Hậu đường là hai tòa tháp nhọn cao 3 tầng vươn khỏi mái của hai gian bên.
Bên ngoài, phía sau Hậu đường tại phía đông là một tòa tháp có mặt bằng hình bát theo phong cách Baroque; là nơi bố trí nhà nguyện mang tên Nhà nguyện Áo dài Thánh (Chapel of the Holy Tunic).
Sơ đồ tổng mặt bằng Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Phối cảnh mặt phía tây của Nhà thờ St. Peter, bên phải ảnh là Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Phối cảnh mặt phía đông Nhà thờ St. Peter và Nhà nguyện Holy Tunic (bên trái ảnh) tại Trier, Đức
Mặt đứng hướng tây với 4 tòa tháp, Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Tàn tích tường gạch thời La Mã tại mặt tiền phía bắc Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Chi tiết trang trí mặt tiền phía tây theo phong cách Salian, Nhà thờ St. Peter tại Trier , Đức
Nội thất Nhà thờ St. Peter tại Trier, nhìn về phía Đông
Nội thất Nhà thờ St. Peter tại Trier, nhìn về phía tây
Trần mái vòm tại Gian Hợp xướng phía tây, Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Cổng Vàng bên trong Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Nhà thờ Trier còn có một số di tích đáng chú ý khác gồm:
Kho bạc của Nhà thờ Trier (Trier Cathedral Treasury): Tồn tại ít nhất 800 năm, là một trong những kho bạc nhà thờ lớn nhất ở Đức. Vào khoảng năm 1200, Kho bạc là một căn phòng riêng biệt ở phía bắc của Gian Hợp xướng phía đông. Kho bạc đã được chuyển đến một căn phòng lớn hơn vào năm 1480 tại Tu viện. Vào thời gian người Pháp chiếm giữ Trier, tài sản bên trong Kho bạc phần lớn bị cướp đoạt. Nhiều đồ vật bằng vàng và bạc bị nấu chảy. Trong suốt thế kỷ 19, 20, Kho bạc đã được khôi phục một phần. Việc trưng bày Thánh tích Áo dài Thánh (Seamless Robe of Jesus/ Holy Robe/Holy Tunic…được Chúa Jesus mặc trong hoặc một thời gian ngắn trước khi bị hành hình) đã thu hút một số lượng người hành hương. Năm 1844, có tới 0,6 triệu khách hành hương; Năm 1891, hơn 1 triệu khách. Lần cho du khách thăm quan Thánh tích Áo dài Thánh là vào năm 2012.
Ngày nay, Kho bạc trở thành một bảo tàng nghệ thuật Thiên chúa giáo và nghệ thuật thời Trung cổ tại Trier.
Bảo làng lưu giữ một số di vật có giá trị nhất của Nhà thờ như đồ lưu niệm, ban thờ, đồ thờ, bản thảo và các đồ vật nghệ thuật khác, ví dụ: Hộp sọ của Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine, được trưng bày trong hầm mộ phía đông của Nhà thờ; Chiếc cốc uống nước của Thánh Helena; Ban thờ di động với tên gọi là Đền Egbert, lưu giữ đế giày Thánh Anrê và các thánh tích khác...
Bên trong Kho bạc Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Những người hành hương đến chiêm ngưỡng Thánh tích Áo dài, Kho bạc Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Ban thờ di động Đền Egbert, Kho bạc Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Hộp sọ của Thánh Helena, Kho bạc Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Tu viện (Cloisters): Được xây dựng từ năm 1245 đến 1270, theo phong cách Gothic. Công trình kết nối Nhà thờ Trier và Nhà thờ Đức Mẹ (Liebfrauenkirche). Tu viện có một sân trong với các khối nhà như trường học, nơi phân phát bánh mì cho người nghèo và hành lang bao quanh. Ở phần phía tây của Tu viện là một nhà nguyện với các hầm mộ, nơi chôn cất Tổng giám mục tại Trier.
Sân trong Tu viện,Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Hành lang bao quanh Tu viện, Nhà thờ St. Peter tại Trier, Đức
Nhà thờ Đức bà
Nhà thờ Đức Bà (Liebfrauenkirche/Church of Our Lady, hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại trung tâm cụm 8 di tích, kề liền Thánh đường (N49 45 22,20 E6 38 34,20). Diện tích Di sản 0,15ha.
Nhà thờ Đức Bà cùng với Nhà thờ Magdeburg là một trong những nhà thờ Gothic đầu tiên ở Đức.
Ban đầu tại đây có một nhà thờ La Mã. Phần phía nam đã bị phá bỏ vào khoảng năm 1200 và được thay thế hoàn toàn bởi Nhà thờ Đức Bà theo kiểu Gothic sớm (Early Gothic Style).
Công trình bắt đầu được xây dựng vào năm 1230 bởi Tổng giám mục của Trier Theodoric II (Dietrich von Wied/ Theoderich von Wied, Hoàng tử của Trier từ năm 1212 - 1242); hoàn thành vào năm 1260.
Công trình được sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong suốt quá trình tồn tại.
Nhà thờ Đức Bà có sơ đồ mặt bằng hình tròn, bao quanh bởi các 8 hốc ban thờ tròn để tạo thành một mặt bằng giống như một bông hồng 12 cánh.
Nhà thờ Đức Bà có bố cục đặt theo hướng đông tây, song song với Nhà thờ Trier, với lối vào chính từ phía tây.
Trung tâm hay Gian Hội trường (Gian giữa, Nave) có 4 cột tròn lớn, xung quanh 4 phía có tổng cộng 8 cột tròn nhỏ. Giữa của 4 cột tròn là Gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome). Từ Gian Hợp xướng kéo dài về phía đông là Ban thờ (High Altar).
Phối cảnh mặt trước Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Trang trí xung quanh Cửa chính Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Bên trong Gian Hội trường, Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Ban thờ bên trong Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Trang trí trần Nhà thờ Đức Bà Trier, Đức
Di sản Các tượng đài La Mã, Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà tại Trier, bang Rhineland-Palatinate, Đức là một minh chứng đặc biệt cho nền văn minh La Mã. Đây cũng là nơi liên quan trực tiếp và hữu hình tới một trong những sự kiện lớn của lịch sử nhân loại gắn với việc công nhận Cơ đốc giáo tại Đế chế La Mã.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/367
https://en.wikipedia.org/wiki/Germany
https://en.wikipedia.org/wiki/Trier
https://en.wikipedia.org/wiki/Tetrarchy
https://en.wikipedia.org/wiki/Roman_Monuments,
_Cathedral_of_St_Peter_and_Church_of_Our_Lady_in_Trier
https://en.wikipedia.org/wiki/Trier_Amphitheater
https://en.wikipedia.org/wiki/Roman_Bridge_(Trier)
https://en.wikipedia.org/wiki/Barbara_Baths
https://en.wikipedia.org/wiki/Igel_Column
https://en.wikipedia.org/wiki/Porta_Nigra
https://www.trierer-original.de/Uns-Trier/spektakulaere-Bauwerke/Porta-Nigra-51622.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Trier_Imperial_Baths
https://en.wikipedia.org/wiki/Aula_Palatina
https://en.wikipedia.org/wiki/Trier_Cathedral
https://germanculture.com.ua/travel-to-germany/st-peter-cathedral-in-trier/
https://en.wikipedia.org/wiki/Trier_Cathedral_Treasury
https://en.wikipedia.org/wiki/Seamless_robe_of_Jesus
https://en.wikipedia.org/wiki/Liebfrauenkirche,_Trier
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|