
Thông tin chung:
Công trình: Nhà thờ và Tu viện dòng Dominica tại Santa Maria delle Grazie với “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci (Church and Dominican Convent of Santa Maria delle Grazie with “The Last Supper” by Leonardo da Vinci)
Địa điểm: thành phố Milan, vùng Lombardy, Ý (N45 27 57,2 E9 10 13,8)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 1,5ha
Năm hình thành: thế kỷ 15
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1980; hạng mục i, ii)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu), những người đã đặt tên cho bán đảo này.
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480, với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc) và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ.
Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật.
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.

Bản dồ Italia và vị trí thành phố Milan
Nhà thờ và Tu viện dòng Dominican ở Santa Maria delle Grazie (Convent of Santa Maria delle Grazie) nằm tại thành phố Milan, thủ phủ của vùng Lombardy.
Dòng Dominican (Dominican Order/Order of Preachers/Dòng Đa Minh/Dòng Anh em) là một dòng tu của Giáo hội Công giáo, thành lập vào thế kỷ 13 (22/12/1216). Thay vì chỉ ở bên trong các bức tường tu viện, các tu sĩ dòng tu này mong muốn đi vào dân chúng để truyền bá kinh Phúc Âm. Dòng tu Dominican nổi tiếng với truyền thống trí tuệ, sản sinh ra nhiều nhà thần học và triết học hàng đầu.
Quần thể Nhà thờ và Tu viện dòng Dominican ở Santa Maria delle Grazie được hình thành dưới sự bảo trợ của Công tước Milan Francesco I Sforza (năm 1401- 1466). Nhà thờ và Tu viện được xây dựng trên nền của một nhà nguyện cũ vào năm 1463 – 1469 bởi Guiniforte Solari (nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kỹ sư người Ý, năm 1429 – 1481). Sau đó, Công tước Milan Ludovico Sforza (năm 1452 – 1508, con trai của Công tước Francesco I Sforza) đã quyết định chọn Nhà thờ làm nơi chôn cất của gia đinh dòng họ Sforza và giao cho Donato Bramante (kiến trúc sư và họa sỹ người Ý, năm 1444- 1514; người giới thiệu kiến trúc Phục hưng đến Milan và phong cách Phục hưng cao cấp đến Rome) xây dựng lại tu viện, hầm mộ. Công việc bắt đầu vào năm 1492.
Những năm sau này, Nhà thờ và Tu viện tiếp tục được mở rộng, nâng cấp dưới sự chỉ đạo của nhiều kiến trúc sư khác nhau. Vào cuối thế kỷ 19, công trình được trùng tu lại.
Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie ngày nay là một quần thể nhà thờ, nhà nguyện và các công trinh phục vụ, kết nối với nhau bằng hệ thống hành lang và sân trong.
Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie nổi tiếng bởi bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng” (Last Supper), kiệt tác vô song được vẽ từ năm 1495 đến 1497 của Leonardo da Vinci (người Ý, thiên tài trong nhiều lĩnh vực, năm 1452 – 1519) bên trong một tòa nhà của Tu viện.
Bức tranh mô tả khoảnh khắc ngay sau khi Chúa Giêsu nói: “Một trong số các người sẽ phản bội ta”. Bức tranh thể hiện 4 nhóm, mỗi nhóm 3 nhân vật ở hai bên Chúa Giêsu. Biểu cảm và hành động của 12 Sứ đồ đã được ghi lại một cách tuyệt vời trong tác phẩm. Bức tranh cũng là một tuyệt tác về sử dụng ánh sáng và phối cảnh xa gần mạnh mẽ.
Bất chấp những thiệt hại do các trận đánh bom vào năm 1943 trong Chiến tranh thế giới 2, Quần thể Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie may mắn vẫn bảo tồn được cấu trúc quy hoạch và kiến trúc ban đầu, cũng như bức bích họa nổi tiếng.
Sự hiện diện của Dòng tu Dominican và việc thực hành tôn giáo liên tục tại đây đã góp phần bảo vệ tính toàn vẹn của Quần thể.

Chân dung kiến trúc sư người Ý Donato Bramante

Các giai đoạn xây dựng Quần thể Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý sau các trận đánh bom vào năm 1943, trong chiến tranh Thế giới 2
Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie với bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci, tại thành phố Milan, vùng Lombardy, Ý được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1980) với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, thành tựu nghệ thuật vượt thời gian và độc đáo với giá trị phổ quát nổi bật;
Tiêu chí (ii) : Tác phẩm này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển về chủ đề biểu tượng, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ phát triển hội họa. Ludwig Heinrich Heydenreich (nhà sử học nghệ thuật người Đức nổi tiếng, năm 1903- 1978) đã viết về sự "siêu chiều" (superdimension) của cơ thể các nhân vật trong mối quan hệ với không gian trong bức tranh “Bữa tối cuối cùng”. Tác phẩm là một trong những bức tranh cổ điển đầu tiên tập trung vào một khoảnh khắc thời gian chính xác và rất ngắn, thay vì một khoảnh khắc dài.
Sau 5 thế kỷ, “Bữa tối cuối cùng” là một trong những bức tranh được sao chép nhiều nhất, và việc tạo ra nó vào năm 1495-1497 được coi là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử nghệ thuật của nhân loại.

Vị trí và phạm vi Di sản Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý



Phối cảnh các góc Di sản Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Sơ đồ mặt bằng Di sản Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý:
1) Nhà nguyện Đức Trinh nữ Maria; 2) Gian giữa do Guiniforte Solari xây dựng; 3)Hợp xướng/Tribune; 4) Kho nhỏ chứa đồ thánh lễ; 5) Nhà nguyện mang tên the Frogs; 6) Phòng Thánh lễ cũ; 7) Nhà nguyện mang tên the Prior; 8) Phòng Thánh lễ mới; 9)Phòng họp; 10) Phòng khách; 11)Nhà nguyện mang tên the Dead; 12) Cánh phía bắc của Nhà nguyện mang tên the Dead, trên đó là thư viện; 13) Phòng ăn
Di sản Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý là một quần thể với nhiều hạng mục công trình, gồm:
Nhà thờ
Nhà thờ Santa Maria delle Grazie
Nhà thờ Santa Maria delle Grazie (Church of Santa Maria delle Grazie, hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía nam Quần thể Di sản.
Ban đầu, công trình do nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kỹ sư người Ý Guiniforte Solari xây dựng và tiếp theo được kiến trúc sư và họa sỹ người Ý Donato Bramante hoàn thiện để có diện mạo như ngày nay.
Trong số tất cả các nhà thờ ở Milan, Santa Maria delle Grazie là một trong những nhà thờ truyền cảm hứng nhất với phong cách pha trộn giữa Gothic và Phục hưng (Renaissance).
Nhà thờ có bố cục chính theo hướng đông – tây. Lối vào từ phía tây.
Công trình không có Sảnh hiên (Narthex);
Hội trường/Gian giữa (Nave) gồm 3 gian, gian giữa cao với 3 hàng cột, 2 gian hai bên thấp với 2 hàng cột và các vách ngăn tạo thành các phòng nhỏ; Đây là khối công trình xây dựng trong giai đoạn đầu theo phong cách Gothic.
Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome, hình vẽ ký hiệu 3) với tháp tròn đường kính 20m, cao 40m, vượt lên phía trên. Tại phía bắc và nam có tường vòng cung nhô ra bên ngoài; Đây là khối công trình xây dựng bổ sung trong giai đoạn sau theo phong cách Phục hưng. Gian Hợp xướng cũng là nơi đặt hầm mộ của gia đinh dòng họ Sforza. Vị trí của lăng mộ là một phiến đá cẩm thạch trắng, bên trên khắc hình Công tước Ludovico Sforza và vợ là nữ Công tước Beatrice d'Este.
Hậu đường (Apse) hẹp với tường vòng cung phía sau theo phong cách Phục hưng. Phần công trình này được cho là thiết kế của Donato Bramante. Phía bắc của Hậu đường là Kho nhỏ chứa đồ thánh lễ (Small Sacristy, hình vẽ ký hiệu 4).
Nhà thờ Santa Maria delle Grazie được xây dựng bằng gạch đỏ và như một biểu tượng của sự hoàn hảo: Cân đối về tỷ lệ giữa chiều rộng của gian giữa với chiều cao mặt trước và đường kính mái vòm; hình khối, trang trí bề mặt dạng hình học rõ ràng; sự lặp lại theo quy luật của các hình lỗ tròn (tondi) trang trí trên bề mặt trong và ngoài nhà…
Mặt đứng đầu hồi là một hình tam giác, phân thành các mảng tường bởi 2 trụ lớn tại 2 góc và 4 trụ nhỏ phía trong. Các mảng tường giữa các trụ có cửa với vòm tròn phía trên. Bề mặt tường được trang trí bởi các lỗ cửa hình tròn. Chính giữa mặt đứng là một sảnh nhỏ bằng đá cẩm thạch với cột hai bên đỡ mái vòm.
Mặt bên phía nam của Nhà thờ tại khu vực Hội trường có 7 bước gian. Mỗi bước gian có 2 cửa sổ hẹp; Giữa 2 cửa là một ô lỗ cửa hình tròn tương tự như mặt đứng đầu hồi.
Mặt bên phía bắc của Nhà thờ tương tự như mặt bên phía nam, song gắn liền với hành lang của Nhà nguyện mang tên the Dead (hình vẽ ký hiệu 11).
Đầu hồi phía đông của Nhà thờ có hình dáng phức tạp, gồm: Khối tròn nhô ra tại mặt đông, bắc và nam, có bề mặt phân vị thành 3 tầng; tầng dưới cùng là phần bệ và hai tầng trên là các ô cửa. Phía trên của các khối tròn là một khối có dạng chữ thập, cao 1 tầng. Trên cùng là một tháp tròn (tại vị trí trung tâm gian Hợp xướng/Choir/Tribune) có bề mặt phân vị thành 2 tầng; tầng dưới với các cụm 2 ô cửa; tầng trên thu nhỏ lại tạo thành hành lang bao quanh với các hàng cột vòm; Đỉnh tháp lợp mái ngói.
Bên trong Nhà thờ, hệ thống cột làm bằng đá granite với đầu cột kiểu Corinthe; được liên kết với nhau bởi các vòm tường để đỡ các vòm mái theo kiến trúc Gothic. Cột và các vòm mái có nhiều bức bích họa và họa tiết trang trí.

Mặt bằng và mặt cắt Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Phối cảnh mặt phía tây - nam Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Phối cảnh mặt phía đông Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý


Nội thất gian Hội trường, Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Nội thất gian Hợp xướng, Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Không gian vòm mái phía trên gian Hợp xướng, phía sau là Hậu đường, Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Phiến đá cẩm thạch trắng, bên trên khắc hình Công tước Ludovico Sforza và vợ là nữ Công tước Beatrice d'Este, gian Hợp xướng, Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý
Phòng Thánh lễ cũ
Phòng Thánh lễ cũ (Old Sacristy/Bramante Sacristy, hình vẽ ký hiệu 6) nằm tại phía bắc của Nhà thờ, được thiết kế bởi Donato Bramante (kiến trúc sư và họa sỹ người Ý, năm 1444- 1514). Công trình được xây dựng vào những năm 1490, cùng thời điểm với việc xây dựng gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome). Tòa nhà được trùng tu vào thế kỷ 19. Đây là nơi chuẩn bị đồ lễ, kho lễ phục, đồ nội thất, thánh tích, hồ sơ giáo xứ.
Công trình có quy mô nhỏ, mặt bằng hình chữ nhật rộng 11m, dài 22m, bố cục theo hướng bắc nam. Cửa vào tại phía nam, từ Nhà nguyện mang tên the Frogs (Cloister of the Frogs, hình vẽ ký hiệu 5).
Tòa nhà cao 1 tầng. Mái lợp ngói, 4 mái.
Nội thất bên trong được hình thành bởi hệ thống vòm trần và các bức bích họa trang trí hình học đặc biệt khiến người ta cho rằng các bức tranh này có thể do Leonardo da Vinci thực hiện.
Phòng thờ được chiếu sáng bởi 10 cửa sổ hình dáng hoa hồng tại phía trên và 8 cửa số hình chữ nhật tại phía dưới (hiện một số cửa sổ đã bị che lấp).
Dọc theo hai bên tường phòng, phía dưới là các tủ gỗ để đựng đồ vật thiêng liêng của Tu viện.
Ngày nay, Old Sacristy là Trung tâm Văn hóa Dominica (Centro Culturale alle Grazie).

Mặt cắt ngang Phòng Thánh lễ cũ, nhìn về phía bắc, Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Nội thất Phòng Thánh lễ cũ, nhìn về phía bắc, Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý
Phòng Thánh lễ mới
Phòng Thánh lễ mới (New Sacristy, hình vẽ ký hiệu 8) nằm tại phía bắc Nhà thờ chính.
Công trình có quy mô nhỏ, mặt bằng hình chữ nhật rộng 10m, dài 15m, bố cục theo hướng bắc nam. Cửa ra vào chính từ phía đông tại Nhà nguyện mang tên the Frogs (Cloister of the Frogs, hình vẽ ký hiệu 5) và từ phía tây tại Nhà nguyện mang tên the Dead (Cloister of the Dead, hình vẽ ký hiệu 11).
Hiện tại công trình cao 1 tầng, mái bằng, được chiếu sáng bằng 4 cửa sổ trên tường.

Hình vẽ tái tạo bằng kỹ thuật số Phòng Thánh lễ mới, nhìn về phía nam, Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý
Tu viện
Nhà nguyện Đức Trinh nữ Maria
Nhà nguyện Đức Trinh nữ Maria (Nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi/Chapel of Our Lady of the Rosary/Cappella della Vergine Adorante, hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại phía bắc của Nhà thờ chính. Tòa nhà tồn tại trước khi xây dựng Quần thể và là hạt nhân ban đầu của tổ hợp.
Ngày nay, đây là một phòng nhỏ, phía nam thông với gian Hội trường của Nhà thờ chính (hình vẽ ký hiệu 2); phía đông thông với Phòng Thánh lễ mới (New Sacristy, hình vẽ ký hiệu 8); phía tây thông với hành lang của Nhà nguyện mang tên the Dead (hình vẽ ký hiệu 11).
Hiện tại công trình cao 1 tầng, mái bằng cùng mái với phòng Thánh lễ mới.
Phòng thờ được trang trí bởi các bức bích họa miêu tả sự tích liên quan đến Đức Trinh nữ Maria và các bức phù điêu ghi lại công tích của gia đình quý tộc người Ý, nghệ sĩ trong việc xây dựng Tu viện.

Nội thất Nhà nguyện Đức Trinh nữ Maria, Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý
Nhà nguyện mang tên the Frogs
Nhà nguyện mang tên the Frogs (Cloister of the Frogs/Nhà nguyện Ếch, hình vẽ ký hiệu 5), nằm tại phía bắc của Nhà thờ chính và phía nam của Gian thờ cũ (Old Sacristy, hình vẽ ký hiệu 6).
Nhà nguyện được xây dựng vào năm 1497, hoàn thành vào khoảng năm 1504; sau đó được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Vào thời Napoléon chiếm đóng Tu viện, năm 1799, Nhà nguyện chuyển đổi thành doanh trại quân đội.
Công trình có mặt bằng bố cục hình vuông với dãy phòng kiểu hành lang bao quanh sân trong.
Nhà nguyện có cửa thông ra bên ngoài tại phía đông và phía nam.
Hành lang bao quanh sân trong có hàng cột với vòm cuốn phía trên đỡ kết cấu mái lợp ngói.
Sân trong có đường dạo bố cục thành một vòng tròn. Trung tâm của vòng tròn là một bể phun nước hình tròn, 4 phía được trang trí bởi 4 con ếch bằng đồng (là tên cho Nhà nguyện).

Mặt cắt ngang hiện tại Nhà nguyện mang tên the Frogs, nhìn về phía tây, Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý 

Sân trong Nhà nguyện mang tên the Frogs, Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý
Nhà nguyện mang tên the Prior
Nhà nguyện mang tên the Prior (Cloister of the Prior/Nhà nguyện đầu tiên; hình vẽ ký hiệu 7), nằm tại phía bắc của Phòng thờ mới (New Sacristy, hình vẽ ký hiệu 8).
Nhà nguyện ban đầu cao 2 tầng, hiện chỉ còn lại 1 tầng, gồm các phòng tại mặt phía bắc và tây, bao quanh một sân trong nhỏ.

Mặt cắt ngang hiện tại Nhà nguyện Prior, nhìn vế phía đông; Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý
Nhà nguyện mang tên the Dead
Nhà nguyện mang tên the Dead (Cloister of the Dead, hình vẽ ký hiệu 11) nằm tại phía bắc của Hội trường/Gian giữa Nhà thờ chính.
Tu viện có quy mô lớn với một sân trong rộng, bao quanh là hành lang. Công trình cao 1-2 tầng, mái lợp ngói.
Phía bắc của Nhà nguyện là các dãy phòng nhỏ, được gọi là Cánh phía bắc của Nhà nguyện mang tên Dead (Cloister of the Deads Northem, hình vẽ ký hiệu 12); Cánh này cao 2 tầng, tầng trên là thư viện.
Phía tây của Nhà nguyện là Phòng ăn của Tu viện (Refectory, hình vẽ ký hiệu 13).
Tên của Nguyện có thể liên quan đến Cái chết Đen (Black Death). Đây là bệnh dịch diễn ra tại châu Âu vào năm 1347- 1350, do bọ chét mang theo trên các tàu thuyền trở về từ các cảng ở châu Á. Tại nước Anh với dân số khi đó khoảng 4,2 triệu người, thì có tới 1,4 triệu chết vì dịch bệnh. Tại nước Ý, dân số của vùng Florence đã giảm tới gần một nửa.
Sự kiện này dẫn đến sự thay đổi to lớn trong thế giới quan của người dân Ý cũng như châu Âu vào thế kỷ 14. Các nhà tư tưởng quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống trên trái đất hơn là về tâm linh và thế giới bên kia. Đồng thời thúc đẩy làn sóng sùng đạo mới, thể hiện qua việc tài trợ cho các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo.
Sau bệnh dịch, nhu cầu lao động tăng cao, giá trị của tầng lớp lao động tăng lên và người dân được hưởng nhiều tự do hơn; nguồn lực đất đai phong phú hơn.
Các trận ném bom năm 1943 đã khiến Nhà nguyện bị phá hủy phần lớn. Sau chiến tranh, công trình được trùng tu từng phần; chỉ có hành lang phía đông và phía tây được xây dựng lại như ban đầu, nhưng không có tranh vẽ trang trí; hành lang phía bắc và nam không còn.

Mặt cắt ngang qua sân trong Nhà nguyện mang tên the Dead, nhìn về phía tây (sau năm 1480), trong giai đoạn này vẫn tồn tại hành lang phía bắc và nam; Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Phối cảnh sân trong Nhà nguyện mang tên the Dead; Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý
Phòng họp
Phòng họp (Chapter House, hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại phía bắc của Nhà nguyện Đức Trinh nữ Maria, hình vẽ ký hiệu 1) và có cửa thông ra hành lang của Nhà nguyện mang tên the Dead (hình vẽ ký hiệu 11).
Phòng khách
Phòng khách (Locutory, hình vẽ ký hiệu 10) nằm tại phía bắc của Phòng họp (Chapter House, hình vẽ ký hiệu 9) và có cửa thông ra hành lang của Nhà nguyện mang tên the Dead (hình vẽ ký hiệu 11).
Phòng ăn
Phòng ăn (Refectory, hình vẽ ký hiệu 13) nằm tại phía tây của Quần thể, nằm cạnh hành lang của Nhà nguyện mang tên the Dead (hình vẽ ký hiệu 11.
Công trình được xây dựng vào khoảng năm 1467 và hoàn thành vào khoảng năm 1488.
Công trình có mặt bằng hình chữ nhật dài 35m, rộng 8,8m, cao 1 tầng, mái ngói; Mặt ngoài có 2 lớp cửa như một ngôi nhà 2 tầng. Để chiếu sáng cho các bức tranh vẽ trong phòng, cửa sổ sau đó được sửa đổi với kích thước lớn hơn vào cuối thế kỷ 19.
Đây là địa điểm nổi tiếng nhất của Di sản, là nơi lưu giữ bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng” (Last Supper), tuyệt tác của Leonardo da Vinci. Bức tranh được trùng tu lần cuối vào năm 1999.
Bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo da Vinci được vẽ trên mặt tường hồi của nhà. Hiện có nhiều biện pháp được thực hiện để bảo vệ bức tranh, trong đó có việc giới hạn 900 du khách mỗi ngày.
Tường hồi đối diện với bức tranh "Bữa ăn tối cuối cùng" có một bức tranh có tên “Đóng đinh” (Crucifixion) của Giovanni Donato da Montorfano (họa sĩ người Ý, năm 1460 – 1502) vào năm 1495.
Các trận ném bom năm 1943 đã khiến Phòng ăn hư hại nặng nề. Hầm và bức tường phía đông bị phía hủy hoàn toàn. Bức tường phía bắc (với bức tranh Last Supper), bức tường phía nam (với bức tranh Crucifixion) và bức tường phía tây may mắn còn tồn tại. Sau chiến tranh, bức tường phía đông được phục hồi song không có các trang trí.

Mặt cắt ngang qua Phòng ăn, nhìn về phía bắc; Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Nội thất Phòng ăn, nhìn về phía bắc; Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý

Bức tranh “Bữa tối cuối cùng” (Last Supper) của Leonardo da Vinci trên bức tường Phòng ăn, Tu viện Santa Maria delle Grazie, thành phố Milan, vùng Lombardy, Ý

Bức tranh “Đóng đinh” (Crucifixion) của Giovanni Donato da Montorfano trên bức tường Phòng ăn, Tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý
Ngoài ra, tại đây còn có một số nhà nguyện khác được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau: Nhà nguyện Della Torre (Capella Della Torre); Nhà nguyện S. Martino de Porres (Chapet of S. Martino de Porres); Nhà nguyện Marliani (Chapel of the Marliani/Angels); Nhà nguyện S. Corona (Chapet of S. Corona); Nhà nguyện Sauli (Chapet of the Sauli/San Domenico); Nhà nguyện Atellani (Chapet Atellani/S. Vincenzo Ferrer); Nhà nguyện S. Giovanni Battista (Chapet of S. Giovanni Battista); Nhà nguyện Santa Caterina (Chapet of S. Caterina/Della Famiglia Bolla; Nhà nguyện Conti – Casati (Chapet Conti – Casati); Nhà nguyện San Giuseppe (Chapet of S. Giuseppe)…
Di sản Nhà thờ và Nhà nguyện dòng Dominica tại Tu viện Santa Maria delle Grazie là một trong những thành tựu cao nhất của thời kỳ Phục hưng ở miền bắc nước Ý. Cùng với bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci, Di sản trở thành một trong những biểu tượng nổi bật của thành phố Milan, vùng Lombardy, Ý.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/93/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Dominican_Order
https://en.wikipedia.org/wiki/Black_Death
https://it.wikipedia.org/wiki/Ludovico_il_Moro
https://en.wikipedia.org/wiki/Guiniforte_Solari
https://en.wikipedia.org/wiki/Donato_Bramante
https://en.wikipedia.org/wiki/The_Last_Supper_(Leonardo)
https://it.wikipedia.org/wiki/Chiesa_di_Santa_Maria_delle_Grazie_(Milano)
https://en.wikipedia.org/wiki/Santa_Maria_delle_Grazie,_Milan
https://www.researchgate.net/publication /342785712_Reliving_history_
the_digital_reconstruction_of_the_convent_of_Santa_Maria_delle_Grae_in_Milan
http://www.santuarimariani.org/sm-italia/lombardia/milano/eu-i-mi-smgrazie4.htm
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|