Thông tin chung:
Công trình: Thành phố cổ Palmyra (Site of Palmyra)
Địa điểm: Homs, Syria (N34 33 15.012 E38 16 0.012)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 1640ha, Vùng đệm 16800ha
Năm hình thành: Thế kỷ 1 - 3 sau Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (1980; sửa đổi ranh giới vào năm 2017, hạng mục i; ii; iv)
Syria là một đất nước ở Tây Á, phía tây nam giáp Lebanon, phía tây là biển Địa Trung Hải, phía bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ, phía đông giáp Iraq, phía nam giáp Jordan, phía tây nam giáp Israel; diện tích rộng 185.180 km2, dân số khoảng 17,5 triệu người (năm 2020); thủ đô là thành phố Damascus.
Syria là một đất nước của đồng bằng màu mỡ, núi cao và sa mạc, là nơi sinh sống của các nhóm tôn giáo và sắc tộc đa dạng, bao gồm người Ả Rập Syria, Kurd, Turkemens, Assyria, Armenia, Circassian, Mandeans và người Hy Lạp.
Người Ả Rập là nhóm dân tộc lớn nhất và Sunni Islam (giáo phái lớn nhất của đạo Hồi) là nhóm tôn giáo lớn nhất.
Syria ngày nay phân thành 14 tỉnh.
Bản đồ Syria và vị trí của Thành phố cổ Palmyra, Homs, Syria
Từ khoảng 10.000 năm trước Công nguyên (TCN), Syria là một trong những trung tâm của văn hóa thời kỳ đồ đá mới, nơi nông nghiệp và chăn nuôi gia súc xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới.
Nền văn minh bản địa được ghi nhận sớm nhất vào khoảng năm 3500 TCN.
Cái tên Syria trước kia gồm toàn bộ vùng Levant (Đại Syria/ al-Sham, bao gồm Syria, Lebanon, Jordan, Israel, Palestine và phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại.
Syria là vùng đất trải qua nhiều vương triều.
Syria bị Đế quốc Hy Lạp Macedonia (Ancient Kingdom, tồn tại năm 808 - 168), thời Alexander Đại đế (trị vì năm 336- 323 TCN) chinh phục, sau đó trở thành tỉnh Coele-Syria của Đế chế Seleucid Hy Lạp (Seleucid Empire, là một quốc gia phân chia từ Đế quốc Hy Lạp Macedonia, tồn tại 312 - 63 TCN). Cái tên vùng đất Syria bắt đầu từ thời kỳ này.
Vào năm 83 TCN, Syria thuộc sự kiểm soát của Vương triều Armenia (Kingdom of Armenia, tồn tại năm 331 TCN đến năm 428 sau Công nguyên).
Tiếp sau, Syria thuộc quyền kiểm soát của các Đế chế La Mã (Đông và Tây La Mã). Với số dân đông đảo và thịnh vượng, Syria là một trong những tỉnh quan trọng nhất của Đế chế La Mã, đặc biệt vào thế kỷ thứ 2 và 3 sau Công nguyên.
Vào giữa thế kỷ thứ 7, Syria thuộc quyền cai trị của triều đại Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750), đặt thủ đô tại Damascus. Tiếng Ả Rập trở thành ngôn ngữ chính, thay thế tiếng Hy Lạp và ngôn ngữ cổ Aramaic của thời đại Byzantine (Đế chế Đông La Mã - Eastern Roman Empire, tồn tại năm 395- 1435).
Năm 750, triều đại Umayyad bị lật đổ bởi triều đại Abbasid (Caliphate Abbasid). Thủ đô chuyển từ Damascus sang Baghdad (thủ đô của Iraq ngày nay).
Trong khoảng thời gian từ 1098 đến 1189, Syria bị chia cắt bởi các cuộc Thập Tự Chinh của các lãnh chúa Pháp, Anh, Ý và Đức.
Tiếp đó, Syria bị Vương triều Ayyubid (Ayyubid Dynasty, tồn tại năm 1171- 1260) Ai Cập chinh phục.
Trong cuộc chiến chống lại Đế quốc Mông Cổ (Mongol Empire, tồn tại năm 1206- 1368), nhiều thành phố của Syria bị tàn phá, trong đó có thủ đô Damascus.
Vào thế kỷ 13, Syria nằm dưới sự thống trị của Vương quốc Mamluk Ai Cập (Mamluk Sultanate Cairo, tồn tại năm 1250 - 1517).
Năm 1516, Đế quốc Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại từ 1299 - 1922, kiểm soát phần lớn Đông Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi từ giữa thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20) đã đánh bại Vương quốc Mamluk Ai Cập, chinh phục Syria và sáp nhập vào đế chế của mình.
Nhà nước Syria hiện đại được thành lập vào năm 1946 sau nhiều thế kỷ dưới thời Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ và một thời gian ngắn dưới thời thực dân Pháp.
Thành phố Palmyra, thuộc tỉnh Homs, nằm cách thủ đô Damascus của Syria 215km về phía đông bắc. Thành phố nằm trong một ốc đảo được bao quanh bởi những cây cọ (Palma, với hơn 20 loại). Người ta cho rằng tên của thành phố bắt nguồn từ điều này.
Palmyrene dựa vào 2 dãy núi: Dãy núi tại phía tây với 2 sườn núi Al Damous (Jabal Al Damous) và Husaiyyat (Jabal Husaiyyat), thuộc cao nguyên Aleppo (Aleppo Plateau, độ cao trung bình là 400m); Dãy núi Palmyrene tại phía nam.
Phía nam và đông của thành phố là sa mạc Syria.
Một thung lũng nhỏ (Wadi/al-Qubur) với cao độ trung bình 460m – 360m, từ các ngọn núi phía tây chạy băng qua thành phố tới các khu vườn phía đông của ốc đảo. Phía nam của thung lũng là con suối có tên Efqa.
Thành phố Palmyra bắt đầu được hình thành từ một khu định cư nhỏ gần suối Efqa trên bờ nam của thung lũng Wadi al-Qubur, sau đó mở rộng đến bờ bắc của thung lũng.
Palmyra thuộc nhiều vương triều và nền văn hóa khác nhau trước khi trở thành một phần của Đế chế La Mã vào thế kỷ 1 sau Công nguyên. Thành phố được hưởng quyền tự trị và trực thuộc tỉnh Coele-Syria của La Mã.
Nhờ sự màu mỡ của đất với diện tích được tưới tiêu lên đến 1000 ha và các dòng suối bao quanh, đây là khu vực phát triển nông nghiệp và chăn nuôi từ rất sớm. Palmyra đã xây dựng được hệ thống thủy lợi gồm hồ chứa và kênh. Công trình thủy lợi đáng chú ý nhất là đập Harbaqa được xây dựng vào cuối thế kỷ 1 sau Công nguyên, nằm cách 48 km về phía tây nam của thành phố, có thể chứa 140.000m3. Tuy nhiên, vào thời kỳ đông dân số, lương thực tại đây không đủ cung cấp và phải nhập từ bên ngoài.
Thành phố Palmyra cũng như quốc gia Syria trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử.
Ngay từ thế kỷ 2 TCN, ốc đảo Palmyra đã được biết đến rộng rãi với tư cách là địa điểm do các thương nhân thành lập dọc theo Con đường Tơ lụa (Silk Road), nối Đế chế La Mã với Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc.
Palmyra, không chỉ là một trung tâm về sản xuất nông nghiệp, mục vụ (chăm sóc và tư vấn tinh thần được thực hiện bởi các cá nhân và tổ chức tôn giáo) mà còn là trung tâm thuế quan, thương mại, trạm dừng chân cho các đoàn lữ hành qua sa mạc và trở thành điểm giao của một số nền văn minh thời bấy giờ.
Palmyra giàu có nhờ các đoàn lữ hành buôn bán. Mặt hàng thương mại tạo thu nhập chính là lụa phương Đông xuất sang phương Tây; các mặt hàng trung chuyển khác gồm: Ngọc bích, xạ hương, gia vị, gỗ mun, ngà voi và đá quý. Đối với thị trường nội địa, Palmyra nhập khẩu nhiều loại hàng hóa như: Dầu ô liu, hàng nhuộm, tinh dầu (Myrrh), nước hoa và cả nô lệ.
Một bức phù điêu miêu tả đoàn lữ hành buôn bán qua Palmyra; Bảo tàng khảo cổ học Palmyra, Syria
Đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, Palmyra đã trở thành một đô thị thịnh vượng với hơn 20 vạn dân; đạt đến đỉnh cao trong những năm 260, khi nơi đây trở thành thị quốc (Palmyrene Monarchs) với quyền tự trị nội bộ thuộc Đế chế La Mã.
Năm 273, Hoàng đế La Mã Aurelian (trị vì năm 270- 275) đã tấn công và phá hủy thành phố; cư dân bị thảm sát và các ngôi đền bị cướp phá.
Sau đó, thành phố được Hoàng đế La Mã Diocletian (trị vì năm 284- 305) khôi phục lại với quy mô nhỏ hơn.
Người Palmyrenes chuyển đổi sang Cơ đốc giáo trong thế kỷ 4 và chuyển sang Hồi giáo trong thế kỷ 7 sau cuộc chinh phục của Vương triều Rashidun Caliphate (tồn tại năm 632- 661). Tiếng Palmyrene và tiếng Hy Lạp được thay thế bằng tiếng Ả Rập. Palmyra trở thành một phần của tỉnh Homs, Syria.
Thành phố phục hồi một phần dưới thời Vương triều Umayyad Caliphate (tồn tại năm 661- 750) và Vương triều Abbasid Caliphate (tồn tại năm 750 -1258; 1261- 1571).
Động đất tàn phá Palmyra vào năm 1068 và 1089.
Tiếp đó, Palmyra cũng như toàn Syria nằm dưới quyền cai trị của Đế chế Seljuk (Seljuk Empire, tồn tại năm 1037–1194) và Vương triều Ayyubid (Ayyubid Dynasty, tồn tại năm 1171- 1260).
Năm 1400, Đế chế Turco-Mông Cổ (Timurid_Empire (tồn tại năm 1370–1507) phá hủy thành phố, biến nơi đây chỉ còn như một thị trấn nhỏ với số dân khoảng 6000 người.
Khi Syria trở thành một phần của Đế chế Ottoman vào năm 1516, Palmyra là thủ phủ của một đặc khu hành chính (Sanjak).
Dưới thời cai trị của thực dân Pháp vào năm 1932, cư dân trong thành phố cổ chuyển đến thị trấn mới Tadmur kề liền. Thành phố Palmyra cổ xưa trở nên hoang tàn, thành nơi khai quật khảo cổ học.
Trong Nội chiến Syria năm 2015, nhiều di tích của Thành phố cổ lại tiếp tục bị phá hủy.
Dân số của Palmyra là sự pha trộn của các dân tộc khác nhau, trước hết là người Ả Rập (Arameans) và Amorite (người Palmyrene với khoảng 30 thị tộc). Cư dân nói tiếng Ả Rập và Amorite trong sinh hoạt hàng ngày và nói tiếng Hy Lạp cho các mục đích thương mại và ngoại giao.
Văn hóa Hy Lạp-La Mã ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa của Palmyra, biến đây thành nơi sản sinh ra nghệ thuật và kiến trúc kết hợp phương tây với phương đông; kết hợp các hình thức nghệ thuật Hy Lạp-La Mã với các yếu tố bản địa và ảnh hưởng của Ba Tư (Iran).
Cư dân của Palmyra thờ cúng các vị thần Hy Lạp - :La Mã, các vị thần Semitic địa phương (có tới hơn 60 vị thần) và các vị thần vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia, vùng của hệ thống sông Tigris – Euphrates).
Sự đa dạng văn hóa còn thể hiện rõ trong các chiến thuật quân sự, trang phục và nghi lễ của Thị quốc Palmyrene.
Các tàn tích còn lưu lại trong thành phố cổ cho thấy vị thế của Palmyra thời thịnh vượng: Một con phố lớn có hàng cột dài 1100m tạo thành trục hoành tráng cùng với các đường ngang có hàng cột thứ cấp, nối các di tích công cộng lớn như Đền thờ Bel, Doanh trại Diocletian, Khu vực Agora, Nhà hát, các ngôi đền và ô phố. Bên ngoài các bức tường bao quanh thành phố là tàn tích của một cầu dẫn nước La Mã và thung lũng lăng mộ rộng lớn.
Thành phố Palmyra lần đầu tiên xuất hiện trong một cuốn sách học thuật vào năm 1696. Năm 1751, một đoàn thám hiểm đã bắt đầu nghiên cứu kiến trúc của Palmyra. Tiếp sau đó là cuộc khảo sát sâu rộng các di tích của thành phố vào năm 1785 với hơn 100 bản vẽ về tòa nhà và lăng mộ. Năm 1902 diễn ra cuộc khai quật đầu tiên, mở đầu cho các cuộc khai quật quy mô lớn sau này.
Phối cảnh tổng thể tàn tích vĩ đại - Thành phố cổ Palmyra, Homs, Syria
Hệ thống cống cấp, thoát nước gắn với suối Efq, Thành phố cổ Palmyra, Homs, Syria
Địa điểm Palmyra, Homs, Syria được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1980, sửa đổi ranh giới vào năm 2017 ) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Vẻ tráng lệ của tàn tích Palmyra, nhô lên khỏi sa mạc Syria ở phía đông bắc Damascus, là minh chứng cho thành tựu thẩm mỹ độc đáo của một ốc đảo lữ hành giàu có không liên tục dưới sự cai trị của Đế chế La Mã từ thế kỷ 1 - 3 sau Công nguyên. Các tuyến phố chính với hàng cột tạo thành ví dụ đặc trưng của một loại cấu trúc đại diện cho bước phát triển lớn về nghệ thuật, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Sự công nhận về vẻ tráng lệ của tàn tích Palmyra bởi du khách trong thế kỷ 17 và 18 đã góp phần to lớn vào sự hồi sinh sau này của phong cách kiến trúc cổ điển và thiết kế đô thị ở phương Tây.
Tiêu chí (iv): Tuyến phố có hàng cột lớn hoành tráng, mở ở trung tâm với những lối đi hai bên có mái che và những con phố phụ có thiết kế tương tự, cùng với các tòa nhà công cộng lớn, tạo thành một minh họa nổi bật về kiểu kiến trúc và bố cục đô thị ở thời kỳ đỉnh cao về ảnh hưởng của La Mã và giao lưu với phương Đông.
Ngôi đền Bel được coi là một trong những công trình tôn giáo quan trọng nhất của thế kỷ 1 sau Công nguyên ở phương Đông và có thiết kế độc đáo. Các bức chạm khắc của cổng vòm hoành tráng vào đền là một ví dụ nổi bật của nghệ thuật Palmyrene. Các di tích lăng mộ quy mô lớn bên ngoài bức tường thành phố, được gọi là Thung lũng lăng mộ, thể hiện các phương pháp trang trí và xây dựng đặc biệt.
Ranh giới Khu vực Di sản thành phố cổ Palmyra, tại tỉnh Homs, Syria
Sơ đồ vị trí các công trình chính tại Di sản thành phố cổ Palmyra, Homs, Syria
Di sản Palmyra, Homs, Syria là một quần thể với nhiều hạng mục di tích, trong đó có công trình chính sau:
Bức tường bao quanh Thành cổ Palmyrene
Bức tường đá bao quanh Thành cổ Palmyra (Walls of Palmyra) trải qua 3 giai đoạn phát triển:
Giai đoạn 1 bắt đầu vào thế kỷ 1 sau Công nguyên. Trong giai đoạn này, các đoạn tường thành được xây dựng kết hợp với các ngọn núi dốc xung quanh.
Giai đoạn 2 bắt nguồn từ thời Hoàng đế La Mã Aurelian (trị vì năm 270- 275) vào thế kỷ 3. Các bức tường trong giai đoạn này đã được mở rộng, song chưa bao kín toàn bộ thành phố và chưa đủ kiên cố để bảo vệ trước sự tấn công từ bên ngoài;
Giai đoạn 3 bắt nguồn từ thời Hoàng đế La Mã Diocletian (trị vì năm 284- 305). Các bức tường được xây dựng nhằm khắc phục hạn chế thời Aurelian. Trung tâm của thành phố với diện tích khoảng 80ha được bao kín bởi các bức tường thành. Các bức tường phòng thủ và tháp canh trong giai đoạn này có vai trò hiệu quả chống lại bão cát của sa mạc Syria, ngăn chặn kẻ cướp và cho phép thành phố kiểm soát các hoạt động thương mại.
Hiện tại, tàn tích của các bức tường thành vẫn được bảo tồn tốt.
Tàn tích của bức tường thành đá bao quanh Thành phố cổ Palmyra, Homs, Syria
Phố chính với các hàng cột
Phố chính với các hàng cột (Great Colonnade) dài 1,1 km, chạy chếch theo hướng đông nam – tây bắc, phân thành 2 đoạn:
Đoạn 1: Từ đầu đông nam là Cổng vòm (Monumental Arch) và điểm giữa là Tượng đài Tetrapylon.
Đoạn 2: Từ điểm giữa Tượng đài Tetrapylon tới điểm cuối tây bắc là Đền Funerary (Temple Funerary).
Dọc theo Phố chính là các cửa hàng, tòa nhà và cơ sở công cộng. Về mặt tôn giáo, đây là tuyến phố tổ chức các lễ rước tới các đền thờ trong thành phố.
Các hàng cột
Cột bố trí dọc Phố chính được xây dựng vào thế kỷ 2 sau Công nguyên. Cột bằng đá. Mỗi cột cao 9,50m với hình thức theo phong cách Corinthian.
Một số cột trên Phố chính có vai cột (như con sơn, đặt tại vị trí 2/3 chiều cao cột), bên trên đặt tượng nhỏ hoặc tấm bảng ghi nhận sự hảo tâm của khách lữ hành đã đóng góp công của cho việc xây dựng tuyến phố.
Dọc theo Phố chính, người ta phát hiện được các đường ống dẫn nước cấp cho Đài phun nước và Nhà tắm công cộng, là 2 công trình điển hình của một đô thị có địa vị cao trong Đế chế La Mã.
Phố chính với các hàng cột (ảnh trái); Vai cột với các dòng chữ khắc ghi nhận hảo tâm đóng góp xây dựng công trình (ảnh phải), Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Phần phía đông nam của Phố chính với các hàng cột; phía sau là Đền Bel, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Đoạn giữa của Phố chính với các hàng cột có vai cột, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Cổng vòm
Cổng vòm (Monumental Arch) nằm tại đầu phía đông nam của Phố chính với các hàng cột. Công trình là một trong những biểu tượng chính của Di sản Palmyra.
Cổng vòm được xây dựng bằng đá, vào thời của Hoàng đế La Mã Septimius Severus (trị vì năm 193- 211), có lẽ là để kỷ niệm những chiến thắng của Hoàng đế đối với người Iran Parthia (Parthian Empire, tồn tại năm 247 TCN – 224 sau Công nguyên).
Cổng vòm có lối trang trí cầu kỳ mang đặc trưng của thời bấy giờ.
Cổng vòm (Monumental Arch) nhìn từ phía đông nam, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Tượng đài Tetrapylon
Tượng đài Tetrapylon nằm tại điểm giữa của tuyến Phố chính với các hàng cột, là dạng tượng đài mà người La Mã đặt ở giao lộ của các đường phố chính.
Tượng đài được xây dựng vào cuối thế kỷ 3 sau Công nguyên.
Tượng đài nằm trong một không gian có mặt bằng hình elip, mang dáng dấp của một khải hoàn môn.
Quần thể bao gồm 4 khối (Tetra) giống nhau. Mỗi khối gồm 4 cột đỡ một mái tượng trưng.
Các cột chuyển đến từ Ai Cập, được chạm khắc bằng đá granit màu hồng.
Bên trong mỗi khối, giữa 4 cột đá, đặt một bệ đỡ bức tượng nặng 150 tấn.
Công trình bị phá hoại nặng nề vào trong Nội chiến Syria năm 2017.
Sơ đồ mặt bằng Tượng đài Tetrapylon, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Tranh vẽ phục dựng Tượng đài Tetrapylon, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Tàn tích Tượng đài Tetrapylon, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Đền thờ tại thành cổ Palmyra
Đền Bel
Đền Bel (Temple of Bel; Bel theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là chủ, hoặc chúa) nằm trên một ngọn đồi thấp tại phía đông nam Khu vực Di sản; gần với điểm đầu phía đông nam của Phố chính với các hàng cột.
Ngôi đền thờ 3 vị thần: Thần Baalshamin (Bel Shamem, là một danh hiệu được áp dụng cho các vị thần khác nhau của người Semitic/Semitic people, vùng Lưỡng Hà); Thần Mặt trăng Aglibol và Thần Mặt trời Yarhibol. Người ta cho rằng, đền được xây dựng với triết lý tôn giáo bản địa theo hướng độc thần, khác với tôn giáo Hy Lạp với hệ thống đa thần (được miêu tả như các quan chức trong vương triều, thường hay tranh luận với nhau).
Ngôi đền được xây dựng vào năm 32 sau Công nguyên, trên nền của một ngôi đền Hy Lạp trước đó; là trung tâm đời sống tôn giáo ở Palmyra.
Đền Bel đã được chuyển đổi thành một nhà thờ Thiên chúa giáo trong thời kỳ Byzantine (Đế chế Đông La Mã - Eastern Roman Empire, tồn tại năm 395- 1435).
Một số cấu trúc Đền đã bị người Ả Rập sửa đổi vào năm 1132 để chuyển thành một nhà thờ Hồi giáo.
Đền Bel đươc coi là một trong những nơi được bảo tồn tốt nhất tại Palmyra, cho đến khi bị phá hủy trong Nội chiến Syria vào năm 2015, hiện chỉ còn lại tàn tích.
Quần thể đền có mặt bằng hình vuông, rộng 207m x 207m; giới hạn 4 mặt bởi hàng hiên và một cổng vòm.
Hàng hiên có tường bao kín bên ngoài. Tường xây bằng đá sa thạch với các bổ trụ. Bên trong hàng hiên, chạy dọc theo sân có hàng cột tròn theo phong cách Corinthian.
Cổng vòm phía tây là lối vào sân đền với quy mô bề thế và được chạm khắc trang trí đẹp đẽ, là một trong những ví dụ nổi bật của trường phái nghệ thuật Palmyrene.
Điện thờ nằm tại trung tâm của sân đền, trên bệ nền cao nhiều bậc.
Điện thờ có mặt bằng theo trục bắc – nam, kích thước 55m x 30m, được bao quanh bởi các hàng cột đỡ mái theo phong cách Corinthian. Cột cao 15,8m.
Gian thờ có kích thước 39m x 16m với 2 ban thờ (Adyta), một ở đầu bắc và một ở đầu nam. Bên trong ban thờ phía bắc đặt tượng (hoặc có thể là bức phù điêu lớn) của 3 vị thần. Ban thờ phía nam đặt một bức tượng không cố định, để rước vào những ngày lễ.
Nhiều kíp thợ thợ thủ công, bao gồm người Hy Lạp – La Mã và người địa phương đã xây dựng ngôi đền.
Bức phù điêu thế kỷ I sau Công nguyên được tìm thấy gần Palmyra mô tả Thần Baalshamin (giữa ảnh), Thần Aglibol (Mặt trăng, bên trái ảnh) và Thần Malakbel (Mặt trời; bên phải ảnh), tất cả đều trong trang phục quân đội La Mã (Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp)
Tàn tích một viên đá có trang trí, Quần thể Đền Bel, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Bức tranh vẽ Quần thể Đền Bel, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Sơ đồ mặt bằng Quần thể Đền Bel: A: Bàn hiến tế; B: Nơi tổ chức các nghi lễ; C: Phòng tiệc; D: Bệ nghi lễ; E: Đường dốc dùng để hiến tế động vật. F: Đền thờ; G: Sảnh chính.
Sơ đồ mặt bằng Điện thờ, Đền Bel, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Tàn tích phía trong hàng hiên với dãy cột, Quần thể Đền Bel, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Tàn tích Điện thờ, Quần thể Đền Bel, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Tàn tích Ban thờ phía bắc Điện thờ, Quần thể Đền Bel, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
Đền Nabu
Đền Nabu (Temple of Nabu) nằm tại phía đông Khu vực Di sản, gắn với đầu phía đông nam của Tuyến phố chính với các hàng cột.
Đền thờ Thần Nabu, vị thần bảo trợ cho văn học, triết học tự nhiên và trí tuệ.
Quần thể Đền Nabu được xây dựng vào thế kỷ 1 sau Công nguyên, có bố cục tương tự như Đền Bel.
Đền có mặt bằng hình chữ nhật, trục chính của đền theo hướng bắc – nam.
Bao quanh đền là hiên với hàng cột. Một số cột có vai cột như cột trên Phố chính. Bên trên vai cột đặt tượng nhỏ hoặc tấm bảng.
Sảnh ngoài (Propylaea) nằm tại phía nam.
Giữa sân trong là điện thờ với hàng hiên bao quanh.
Đền Nabu hoàn toàn đổ nát, chỉ còn lưu lại một số ít tàn tích.
Sơ đồ mặt bằng Quần thể Đền Nabu, Di sản thành cổ Palmyra, Homs, Syria
|