Tuần 15 - Ngày 11/11/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên, Việt Nam |
01/04/2020 |
Thông tin chung:
Công trình: Đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Địa điểm: Xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
Quy mô:
Năm hình thành:
Giá trị:
Đền Tống Trân thuộc địa phận thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Đền thờ Tống Trân. Tương truyền là một hiền tài, tấm gương về lòng hiếu thuận, tình nghĩa thủy chung. Đây là nhân vật gắn liền với truyện nôm “Tống Trân – Cúc Hoa” nổi tiếng.
Theo truyền thuyết, Tống Trân đỗ Trạng nguyên khi còn rất trẻ. Ông được vua Lý Nam Đế (Lý Bí, trị vì năm 544- 548, thời Tiền Lý, kéo dài năm 544-602, là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, gắn với quốc hiệu Vạn Xuân), cử đi sứ Bắc Quốc trong 10 năm. Tại đây, ông được vua Trung Quốc phong làm “Lưỡng quốc trạng nguyên”.
Khi Lý Nam Đế băng hà, Triệu Quang Phục lên ngôi hiệu là Triệu Việt Vương (trị vì năm 548 – 571), vời Tống Trân ra làm "Phụ chính đại thần". Đến năm 60 tuổi Tống Trân cáo quan về dạy học. Ông mất tại quê vào năm 621. Sau khi mất, Tống Trân được truy phong làm "Thượng đẳng phúc thần" và được dân lập đền thờ phụng.
Ngôi đền trải qua hơn 1300 năm với nhiều lần trung tu.
Năm 1950 ngôi đền đã bị giặc Pháp phá hủy hoàn toàn.
Đền được phục dựng lại vào các năm từ 1971-1987. Năm 1998 đền Tống Trân được trùng tu toàn bộ.
Đền Tống Trân nằm tách biệt với khu dân cư, tọa lạc trên một khu đất cao để mặt trời và mặt trăng không bị che khuất. Đền có bố cục quay về hướng Đông Nam ra sông Luộc (nối sông Hồng và sông Thái Bình), gồm: Nghi môn, Sân, Tiền đường, Hậu đường và các công trình phụ trợ khác.
Nghi môn và sân đền
Nghi môn của đền là một Tam quan. Hai cổng bên là bức tường tạo thành vòm cổng. Cổng chính dạng vòm cuốn rộng, mái 2 tầng, 8 mái. Phía trên cổng chính có ghi hàng chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên từ môn”.
Phía trước sân đền là một ao, có tên là Mắt Rồng. Giữa ao và sân đền có một bức tường, hai bên có hai trụ biểu, giữa là một bình phong hay cuốn thư đề thơ chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp của ngôi đền.
Trong sân đền còn có một bia đá cổ và một tháp bút cổ.
Nghi môn đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Hai trụ biểu và bức bình phong trước đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Tháp bút cổ nằm bên cạnh ao Mắt Rồng và bức bình phong, đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Sân đền rộng, nơi diễn ra các lễ hội làng, đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Tiền đường
Tiền đường gồm 3 gian, 2 chái, tường hồi bít đốc, 2 mái. Trên đỉnh mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Tường hồi nhô ra 2 trụ biểu. Đỉnh trụ trang trí tứ phượng, thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối. Phía trước mỗi trụ là một con nghê đá ngồi chầu.
Trong gian Tiền tế, nền ở 2 đầu hồi cao hơn nền của 3 gian giữa một khoảng là 45cm, tạo thành không gian lòng thuyền, tương tự như cấu trúc của một ngôi đình truyền thống.
Bên ngoài 3 gian giữa là 3 bộ cửa bức bàn.
Bên trong 3 gian giữa đặt bàn thờ Công đồng với nhiều đồ thờ tự như bát hương, chân đèn, lọ lục bình… Phía trên bàn thờ là 3 bức cửa võng sơn son thếp vàng với các đề tài trang trí Tứ linh, Tứ quý. Phía trên cửa võng là bức Đại tự chữ Hán “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”.
Hai bên các gian giữa ban thờ Công đồng là ban thờ văn võ phụ trợ ngài Tống Trân.
Trong tòa Tiền tế treo các bức cuốn thư, câu đối ca ngợi cảnh đẹp và mảnh đất địa linh của huyện Phủ Cừ.
Phối cảnh tòa Tiền đường đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Kết cấu mái tòa Tiền đường, đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Ban thờ Công đồng bên trong Tiền đường, đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Hậu đường
Hậu đường nằm phía sau Tiền đường, có mặt bằng hình chữ ”đinh” gồm Bái đường và Hậu cung.
Bái đường 3 gian, 2 chái, tường hồi bít đốc, 2 mái.
Gian giữa Bái đường là nơi đặt khám và tượng thờ Trạng Nguyên Tống Trân. Tượng có kích thước tương đối nhỏ (cao 60cm) trong tư thế ngồi. Đầu tượng đội mũ cánh chuồn. Đây được cho là pho tượng mô phỏng lúc Tống Trân còn trẻ, khi vừa đỗ Trạng nguyên.
Phía trước khám thờ là bát hương cổ men lam, đường kính miệng là 22cm. Bát hương trang trí đề tài bát tiên.
Hai gian bên của gian giữa là ban thờ Dương Tam Kha (Dương Bình Vương, là một vị vua Việt Nam, trị vì năm 944- 950) và Đoàn Thượng (vị tướng thời Lý, 1181- 1228). Dương Tam Kha vốn được thờ tại đền xóm Kiều Nguyễn, còn Đoàn Thượng thờ tại đình xóm An Bến, nhưng trong kháng chiến hai di tích này đã bị phá hủy nên nhân dân trong thôn đón các ngài về phối thờ cùng với Tống Trân.
Hậu cung 1 gian, được ngăn cách với tòa Bái đường bằng 4 cánh cửa bức bàn. Trong Hậu cung đặt một khám thờ, bên trong có tượng Trạng nguyên Tống Trân trong tư thế ngồi. Tương truyền đây là hình ảnh của Ngài khi 60 tuổi, từ quan về quê mở lớp dạy học. Tượng cao 80cm, rộng ngang vai 45cm.
Tại Hậu cung còn lưu giữ được một số di vật quý như đôi lọ hoa cổ niên đại thời Thanh, làm từ chất liệu sứ men lam. Phía trước khám thờ là bát hương cổ, đường kính miệng 20 cm.
Mặt bên tòa Tiền đường, Hậu đường, đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Ban thờ tại tòa Bái đường, đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Ban thờ với tượng Tống Trân đỗ Trạng Nguyên khi còn trẻ tại tòa Bái đường, đền Tống Trân, Phù Cừ
Hậu cung đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Tượng thờ Tống Trân khi về già bên trong Hậu cung, đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên
Trong đền, các cột kèo gỗ được trang trí bởi các bức chạm khắc Tứ linh, Tứ quý, sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
Trong đền còn giữ được 7 sắc phong niên đại thời Nguyễn, 1 thần phả, 1 thần tích cùng nhiều đồ tế tự khác và hệ thống hoành phi câu đối ca ngợi tài năng và đức độ của ngài Tống Trân.
Trong cụm Di tích, ngoài đền Tống Trân còn có đền thờ thân phụ, thân mẫu của Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân.
Cách đền Tống Trân chừng 1,6 km về phía Bắc, tại thôn Phượng Hoàng, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ có đền Phượng Hoàng thờ bà Cúc Hoa, vợ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân.
Hàng năm, vào những ngày lễ hội, từ ngày 10 đến 15 tháng 4 âm lịch ngoài các nghi thức tế lễ bao giờ cũng tổ chức rước kiệu bà Cúc Hoa sang đền Tống Trân và rước mũ, hia của Tống Trân sang đền Cúc Hoa.
Đền Phượng Hoàng hay còn gọi là đền Cúc Hoa tọa lạc tại thôn Phượng Hoàng, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ.
Chuyện Tống Trân Cúc Hoa
Tống Trân Cúc Hoa là một truyện thơ Nôm Việt Nam, khuyết danh, gồm 1.689 câu lục bát, xuất hiện vào khoảng từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Nội dung tóm tắt của câu chuyện:
Tống Trân vốn là con cầu tự, khi lên 3 tuổi thì cha mất, nhà lâm cảnh nghèo khó.
Một ngày kia, Tống Trân đưa mẹ tới một ngôi nhà quý phái xin ăn. Cúc Hoa, con gái nhà này, thương tình đem gạo ra cho. Khi nhìn thấy dung mạo Tống Trân bèn đem lòng yêu thương. Không cản ngăn được, cha Cúc Hoa đuổi nàng ra khỏi nhà. Cúc Hoa đi theo Tống Trân, lấy chàng làm chồng. Kể từ đó, Cúc Hoa vừa lo phụng dưỡng mẹ chồng, vừa lo cho chồng ăn học.
Đến kỳ, Tống Trân lên kinh thi và đỗ Trạng nguyên.
Nhà vua muốn gả con gái cho tân trạng, nhưng bị chàng khước từ. Công chúa sinh lòng thù ghét, xui cha cử Tống Trân đi sứ sang nước Tần (Trung Quốc). Sang bên ấy, Tống Trân bị vua Tần khinh ghét vì là sứ giả của nước chư hầu và đặt ra nhiều điều để hãm hại. Nhưng nhờ trí tuệ tài ba, Tống Trân đã vượt qua mọi thử thách, và xử thành công nhiều vụ án rắc rối. Vua Tần dần mến phục, phong Tống Trân làm Lưỡng quốc Trạng nguyên và gả công chúa cho, nhưng chàng từ chối.
Trong khi đó, Cúc Hoa ở nhà nuôi mẹ, chờ chồng. Được 7 năm, cha nàng thấy Tống Trân không về nên ép nàng lấy viên Đình trưởng trong làng. Cúc Hoa không nghe, bị cha đánh đập tàn nhẫn. Để thủ tiết với chồng, Cúc Hoa đến núi Sơn Vi định quyên sinh. Thần Sơn Tinh thấu rõ tình cảnh, hóa phép thành mãnh hổ sang nước Tần để đưa thư của Cúc Hoa cho chồng. Tống Trân dâng bức thư lên vua Tần. Vua cho chàng về nước trước kỳ hạn.
Thời gian ba năm ở rể của Đình Trưởng đã hết, cha Cúc Hoa bèn tổ chức đám cưới. Đúng lúc Cúc Hoa quyên sinh thì Tống Trân xuất hiện. Mẹ con, chồng vợ gặp lại nhau xiết bao mừng rỡ.
Quá thương yêu Tống Trân, công chúa nước Tần xin với vua cha sang nước Việt để gặp chàng. Ra đến biển, thuyền gặp bão lớn, công chúa bị sóng đánh dạt vào bờ, được hươu nai cứu sống rồi nuôi nấng. Tống Trân đi săn trong rừng gặp công chúa nước Tần, rồi đưa nàng về nhà. Cúc Hoa vui lòng để Tống Trân cưới thêm công chúa làm vợ thứ.
Tác phẩm Tống Trân Cúc Hoa lên án những thế lực hắc ám chà đạp lên tình yêu và điều tốt đẹp của con người; ngợi ca tình thương yêu của người dân chống lại những lề thói tham lam của tầng lớp trưởng giả, cũng như ca ngợi tài năng, trí tuệ của bậc hiền tài. Câu chuyện còn phản ánh mối bang giao phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tác phẩm Tống Trân Cúc Hoa, về mặt nghệ thuật, là câu chuyện thuần túy Việt Nam, hầu như không sử dụng điển cố hoặc từ Hán Việt và sử dụng khá nhiều "môtíp" của truyện dân gian Việt Nam. Ngôn ngữ trong truyện cũng rất giản dị, đời thường. Truyện được người dân thời bấy giờ yêu thích và lan truyền rộng rãi.
Bìa cuốn sách Tống Trân - Cúc Hoa
Đền Tống Trân là một trong những di tích văn hóa đặc sắc của người dân xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên gắn với câu truyền nổi tiếng Tống Trân – Cúc Hoa.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%91ng_Tr%C3%A2n_C%C3%BAc_Hoa
http://phucu.hungyen.gov.vn/portal/Pages/2017-10-25/Den-Tong-Tran--
Di-tich-lich-su-cap-quoc-giai8u5yx.aspx
http://baohungyen.vn/dat-va-nguoi-xu-nhan/201403/le-hoi-den-tong-tran-
le-hoi-ton-vinh-su-hoc-461471/
https://www.youtube.com/watch?v=mWY_Irg5-HU
https://www.youtube.com/watch?v=GuYitrz8XEA
- Xem video giới thiệu công trình tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 01/04/2020 )
|
Tin mới đưa:- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đình Đa Ngưu, Văn Giang, Hưng Yên, Việt Nam
- Đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên, Việt Nam
- Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng, Việt Nam
- Đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Việt Nam
- Phủ Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
- Văn Miếu Bắc Ninh, Việt Nam
- Đình Phù Lão, Lạng Giang, Bắc Giang, Việt Nam
- Đình, đền tại Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa tại Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên, Việt Nam
- Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Dương Long, Tây Sơn, Bình Định, Việt Nam
- Tháp Po Klong Garai, Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận
- Đình So, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam
- Đình Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Đình Tường Phiêu, Phúc Thọ, Hà Nội, Việt Nam
|