Tuần 34 - Ngày 24/03/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên, Việt Nam |
29/03/2020 |

Thông tin chung:
Công trình: Đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên
Địa điểm: Xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (20°57´43”N, 105°57´0”E)
Quy mô:
Năm hình thành: Thế kỷ 11
Giá trị:
Đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân giải quyết các công việc làng (phân chia công điền thổ, giải quyết tranh chấp, thu thuế), ăn khao, hội làng, biểu diễn hát múa dân gian, rước lễ…
Đình Cửu Cao thuộc thôn Nguyễn, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Thế đất Cửu Cao được ví như một con hạc. Tên Cửu Cao với ý nghĩa là tiếng kêu của con hạc đến 9 tầng mây.
Đình Cửu Cao lại được xây dựng trên lưng con hạc, vào thời Lý. Cũng từ đây, vùng đất này trở thành đất lành, sinh ra nhiều người đỗ đạt.
Trong đình thờ 4 vị Thành hoàng đã có công đánh giặc.
Theo thần tích, thời bấy giờ, tại trang Cửu Cao, có gia đình Trưởng lệnh, chồng là Nguyễn Húy Tư, tinh thông chữ nghĩa, vợ là Bùi Thị Hằng, tu nhân tích đức. Đã ngoài 40 tuổi, ông bà vẫn chưa có con. Một hôm, ông nằm mơ thấy một vị thần áo mũ chỉnh tề cưỡi hạc đến báo rằng hai vợ chồng phải chịu khó tu tại gia thì sẽ có con. Sau đó, bà mang thai và sinh được 4 người con, lần lượt đặt tên là Nguyễn Tuấn, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Phúc và Nguyễn Hồng.
Khi 4 người con đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ qua đời. Đây cũng là lúc người Chiêm sang xâm lấn nước ta. Cả 4 ông theo công chúa nhà Lý có tên là Hoàng Phương đi đánh giặc. Các ông đi đến đâu, giặc tan tới đó.
Vua phong quan tước, nhưng các ông đều từ chối và xin về quê làm ruộng.
Ngày 26/8 âm lịch, nghe tin công chúa Hoàng Phương đi thuyền rồng du ngoạn dọc sông Hồng ghé vào thăm trang Cửu Cao, 4 ông vội vàng lên thuyền rồng bái kiến. Bỗng đâu trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội làm đắm thuyền. Cả công chúa và 4 ông đều hóa ở đó.
Nhà vua nghe tin vô cùng thương tiếc, sai các quan về tận nơi cùng dân vớt xác 4 ông lên an táng vào 4 lăng mộ, riêng công chúa thờ được an táng và thờ ở chính nơi thuyền rồng bị đắm, gọi là Miếu Nghè.
Hàng năm, cứ vào ngày sinh, ngày kỵ của các ông, nhân dân địa phương lại tổ chức tế lễ.
Đình Cửu Cao là một trong những ngôi đình có quy mô lớn tại tỉnh Hưng Yên.
Đình được trung tu nhiều lần. Hình thức kiến trúc, nghệ thuật của đình hiện tại theo phong cách thời Hậu Lê.
Đình nằm trên một gò đất cao ráo, quay về hướng Tây ra phía sông Hồng. Phía trước là ao đình.
Đình gồm: Nghi môn, Sân đình, Đại đình và các công trình phụ trợ khác.

Sơ đồ tổng mặt bằng đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên

Hội làng tại đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên
Nghi môn
Nghi môn của đình mới được tu bổ vào năm 1994, có hình thức rất phổ biến của các ngôi đình, đền vùng đồng bằng Bắc Bộ, gồm 4 trụ biểu tạo thành tam quan. Trụ biểu xây bằng gạch.
Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu.
Cả 4 trụ biểu có thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng.
Giữa hai trụ biểu cao là cổng chính vào đình.
Hai bên cổng chính là hai cổng phụ, mái chồng diêm, 2 tầng, 8 mái. Xung quanh đình có tường bao.

Mặt trước Nghi môn đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên
Sân đình
Sân đình dài 26m, rộng 25m, lát bằng gạch Bát Tràng, tạo vẻ bề thế cho đình.
Hai bên đầu sân là hai tòa Tả vu và Hữu vu. Đây là nơi chuẩn bị các đồ tế lễ.
Đại đình
Đại đình có mặt bằng hình chữ “nhị”, gồm 2 tòa Chính điện và Hậu cung đặt song song với nhau.
Chính điện 5 gian, 2 chái, 4 mái, dài 24,8m, rộng 13,7m.
Nền bên trong Chính điện có dạng kiểu lòng thuyền như các ngôi đình truyền thống với gian chính giữa thấp, các gian hai bên có sàn cao cách nền khoảng 0,6m, là nơi các quan viên trong làng ngồi bàn việc họ.
Bao quanh Chính điện là 18 cánh cửa bức bàn bằng gỗ lim.
Kết cấu cột, dầm của đình bằng gỗ lim.
Hậu cung nằm song song với chính điện, 3 gian, 2 mái, dài 6,8m, rộng 4,5m. Bên trong Hậu cung đặt bài vị thờ 4 Thành hoàng lang. Cả 3 gian Hậu cung đều có tường bao là cửa bức bàn.
Nghệ thuật chạm khắc
Ban thờ chính điện có bộ cửa võng với hoa văn tầng tầng, lớp lớp, được sơn son thếp vàng rực rỡ. Đây được cho là một trong những bộ cửa võng đặc sắc nhất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Phía trên cửa võng chạm khắc Tứ linh, Tứ quý, đao lửa; bên dưới chạm khắc các mảng hoa văn.
Trên các khoảng trống của rường mái đều được chạm khắc, đặc biệt tại gian chính với nhiều chạm khắc rất tinh xảo. Tương tự như trong các ngôi đình truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ, các mảng chạm khắc trong đình Cửu Cao như hòa vào làm một với giải pháp kiến trúc và trở thành bảo tàng sống động về các cung bậc của đời người, từ hệ thống tư tưởng hay tín ngưỡng thể hiện ước vọng của người dân, các quan niệm về tự nhiên, hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa đến đời sống thường nhật thanh bình của cư dân thời bấy giờ; từ những nội dung hết sức nghiêm túc theo quy tắc truyền thống đến các nội dung mang tính dân gian, thể hiện các chủ đề thường thấy trong các ngôi đình: Cảnh cõi tiên và cõi trần; Cảnh tự nhiên; Cảnh sinh hoạt đời thường…
Tại đây có nhiều bức chạm “Cô tiên”, miêu tả như đang dang cánh, đậu xuống cõi trần để hưởng niềm vui tại hạ giới, bên cạnh là các vị thần cũng đang dõi xuống.
Trong tòa Chính điện, phổ biến nhất là chạm rồng. Cả 4 đầu dư của gian trung tâm đều chạm đầu rồng. Các bức chạm “Ổ rồng” có vai trò bố cục chính, từ đây đan xen các hình tượng, từ các loài linh vật đến các loài vật gần gũi với người như ngựa, trâu, chim, cá…Ngoài ra, xen trong các hình tượng “Ổ rồng” còn có cả hình tượng miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường.
Bên trong Hậu cung hầu như không có các mảng chạm khắc.
Trong đình hiện lưu giữ được 10 sắc phong của 8 triều đại và một quyển thần tích bằng chữ Hán.

Mặt trước tòa Đại đình, đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên

Mặt bên tòa Đại đình, đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên

Bên trong Chính điện, đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên

Không gian lòng thuyền tại gian giữa tòa Chính điện, đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên

Trang trí cửa võng trước Ban thờ tại Chính điện, đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên

Các bức chạm " Cô tiên", "Ổ rồng" tại rường mái, đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên

Bức chạm "Ổ rồng" xen lẫn với người, linh vật, động vật...tại rường mái, đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên
Miếu Nghè
Miếu Nghè nằm về phía Nam của đình Cửu Cao, cách khoảng 950m, nằm cạnh một nhánh sông nhỏ thông với sông Bắc Hưng Hải, ra sông Hồng.
Miếu Nghè thờ công chúa Hoàng Phương, tại nơi thuyền đắm và bà hóa về trời. Miếu rất linh thiêng, thời Pháp thuộc, giặc Pháp cũng không dám xâm phạm miếu.

Bên trong Miếu Nghè, Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên
Với vị trí không thuận lợi về chính trị, kinh tế, việc người dân xã Cửu Cao dựng được ngôi đình trang trọng, bề thế như vậy là một kỳ tích. Tuy không có nhiều mảng chạm khắc nghệ thuật đặc sắc như một số ngôi đình nổi tiếng tại Đồng bằng Bắc Bộ, song đình Cửu Cao là một báu vật về tinh thần và lực lượng của cộng đồng dân cư nơi đây, nhằm kết nối với thánh thần, tiền nhân để thu hút và nảy sinh những người con mạnh mẽ, sáng suốt và bao dung. Nhà văn hóa trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới sau này không thể so sánh.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://vangiang.hungyen.gov.vn/portal/Pages/2017-7-7/XA-CUU-CAOd8w0qy.aspx
http://tuyengiaohungyen.vn/bai-viet/le-hoi-truyen-thong-xa-cuu-cao-nam-2015.aspx
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1264
https://www.youtube.com/watch?v=199JW3APnFU
- Xem video giới thiệu công trình tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 30/03/2020 )
|
Tin mới đưa:- Công viên Muskauer / Công viên Mużakowski, Đức và Ba Lan
- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
Tin đã đưa:- Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng, Việt Nam
- Đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Việt Nam
- Phủ Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
- Văn Miếu Bắc Ninh, Việt Nam
- Đình Phù Lão, Lạng Giang, Bắc Giang, Việt Nam
- Đình, đền tại Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa tại Khu di tích Phố Hiến, Hưng Yên, Việt Nam
- Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Dương Long, Tây Sơn, Bình Định, Việt Nam
- Tháp Po Klong Garai, Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận
- Đình So, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam
- Đình Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Đình Tường Phiêu, Phúc Thọ, Hà Nội, Việt Nam
- Đền thờ Lê Hoàn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên, Việt Nam
|