|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đình So, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam |
29/02/2020 |
Thông tin chung:
Công trình: Đình So, Quốc Oai
Địa điểm: Làng So, xã Cộng Hòa và xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội
Quy mô: Diện tích đất 1100m2
Năm hình thành: thế kỷ 17
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích kiến trúc nghệ thuật, năm 2018)
Đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân.
Đình So là đình của làng So xưa kia (còn có tên gọi là làng Sơn Lộ), nay bao gồm toàn bộ xã Cộng Hòa và xã Tân Hoà ( ngoại trừ thôn An Ninh và Thổ Ngoã), huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Đây là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài (vùng phía Tây Hà Nội). Dân gian có câu “Đẹp đình So - To đình Cấn”. Đình được xây dựng năm 1673, thờ Tam vị thành hoàng là Tam vị Đại Vương, tướng nhà Đinh có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng (hoàng đế sáng lập triều Đinh, nước Đại Cồ Việt, trị vì năm 968- 979) dẹp loạn 12 sứ quân.
Thần tích đình So chép rằng: Xưa kia, vùng này có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc làm nghề đánh cá trên sông. Hai ông bà hay làm việc thiện. Đến năm 50 tuổi, hai người vẫn chưa có con, sau đó đi cầu tự và sinh được 3 con trai (năm 933). Ba đứa trẻ lớn lên thành những chàng trai mạnh mẽ, theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, sắc phong 3 ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, Tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự và cho trang Sơn Lộ đời đời thờ phụng.
Có một truyền thuyết khác về 3 vị Thành hoàng làng với tên gọi Hiện Hồ, Thiên Gia, Mệnh Gia có công giúp Đinh Bộ Lĩnh. Các ngài là con của Long thần, đầu thai sống cùng người trần, giỏi việc sông nước lại tinh thông võ nghệ. Tướng quân Hiện Hồ được phong làm Chỉ huy sứ, Tướng Thiên Gia được phong làm Đô úy, Tướng Mệnh Gia được phong làm Hiệu úy và lập được nhiều công trạng. Khi thiên hạ thái bình, các vị hóa về miền Thoải phủ vào ngày mùng 10 tháng 12 âm lịch. Vua Đinh Tiên Hoàng phong cho Hiện Hồ là “Đống Linh Thông hiệu Nguyên Súy Đại Vương”, phong cho Thiên Gia và Mệnh Gia là “Nguyên Súy Đại Vương”.
Sơ khai, đình là một ngôi miếu nhỏ được xây dựng vào thời nhà Đinh (968-980) thờ Tam vị Nguyên soái đại vương. Đến năm 1673, thời Lê Trung Hưng (1533-1788), miếu được tu bổ cũng như mở rộng thành đình.
Ngôi đình đã trải qua 4 lần trùng tu vào các năm 1743, 1924, 1928, 1953.
Năm 1953, khi làng So tách làm hai xã Tân Hòa và Cộng Hòa thì cả hai xã có chung một đình So.
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, về cơ bản ngôi đình vẫn giữ được nguyên vẹn kiểu kiến trúc thời Hậu Lê.
Đình nằm gối lên một gò đất, trước mặt là đê sông Đáy đã được nắn, tạo thành một hồ nước hình bán nguyệt.
Đình nằm trên khu đất diện tích 1100m2, có cấu trúc như một ngôi đền (chùa) với kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”; tòa Đại đình bên trong có hình dạng chữ H, xung quanh có các công trình phụ trợ kiểu hành lang bao quanh tạo thành hình chữ nhật.
Đình được xây dựng hướng về Đông, ra sông Đáy, gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Sân đình, Đại đình, Tả vu, Hữu vu và một số công trình phụ trợ.
Phối cảnh đình So, Quốc Oai; đê sông Đáy uốn cong tạo thành hồ Bán Nguyệt trước đình
Đình So, Quốc Oai, nhìn từ hồ Bán Nguyệt
Phối cảnh tổng thể đình (đền) So, Quốc Oai
Nghi môn
Nghi môn hay cổng Tam quan của đình nằm trên một nền cao với 5 tầng bệ. Có một cầu thang với 18 bậc bằng đá dẫn lên đến bệ trên cùng. Hai bên bậc là lan can đá xanh với hai biểu tượng mây, sóng cuộn.
Nghi môn của đình là một tòa nhà (tương tự như tại một ngôi đền), khác với các ngôi đình khác chỉ là các trụ biểu, có 3 gian, mái 2 tầng, 8 mái. Hàng cột ngoài bằng đá. Hai bên Nghi môn còn có thêm hai cổng phụ xây gạch với mái 2 tầng, 8 mái.
Tòa Nghi môn có kiến trúc như một tháp chuông với nhiều chạm khắc tinh xảo và đẹp đẽ, hiện vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
Hai đầu của Nghi môn có hai cây đại cổ thụ.
Nghi môn đình So, Quốc Oai
Bên trong Nghi môn, đình So, Quốc Oai
Sân đình
Sân đình không rộng, lát gạch đỏ kết hợp với ô đất trồng cây, tương tự như sân đền. Sân rộng dành cho lễ hội đông người là sân phía trước Nghi môn, hình chữ nhật, nhô ra hồ Bán Nguyệt.
Sân trong phía sau Nghi môn, đình So, Quốc Oai
Đại đình
Đại đình gồm: Tiền đường, Thiêu hương và Hậu cung.
Tòa Tiền đường nằm trên một thềm 3 bậc đá.
Bậc cửa chính của Tiền đường có hai con rồng đá, dài 1,55m, cao 0,92m, dày 0,32m, được tạc rất công phu.
Tiền đường 7 gian, 2 chái, 4 mái. Kết cấu là các vì gỗ theo kiểu "chồng rường giá chiêng".
Bên trong, các cột gỗ lim lớn nhỏ xếp thành 6 hàng ngang, 10 hàng dọc với 32 cột lớn một vòng tay người ôm không xuể và 32 cột nhỏ bao quanh.
Tại gian giữa tòa Tiền đường, sàn nhà lát đá đặt trên mặt đất. Đây là gian đặt Hương án thờ Tam thánh. Phía trước Hương án là một cửa võng lớn với các bức chạm nhiều linh vật, bên trên có bức đại tự với 4 chữ “Vạn cổ anh linh”.
Tại các gian còn lại của tòa Tiền đường, sàn nhà lát gỗ, kiểu nhà sàn, đặt cách nền đất khoảng 0,6m, là nơi hội họp của cộng đồng. Trên mặt đứng của tòa Tiền đường, khoảng không gian dưới sàn là phần được trang trí bằng các lỗ hình chữ thập.
Bao quanh Tiền đường là cửa bức bàn phía trên, chấn song con tiện phía dưới, kết hợp hài hòa giữa gạch và gỗ. Vào những ngày hội, các cánh cửa ở mặt trước và hai bên đầu hồi sẽ được mở ra, tạo không gian rộng rãi thông ra bên ngoài.
Tại Tiền đường, các chi tiết của kết cấu mái như bẩy, kẻ, nghé bẩy, đầu dư, ván nong...đều được chạm khắc hình tượng tứ linh, tứ quý…vô cùng tinh xảo và đẹp đẽ.
Từ Tiền đường có một tòa nhà dọc, tòa Thiêu Hương, nối với Hậu cung phía sau. Tòa Thiêu hương có 1 gian 2 mái. Tòa Hậu cung 3 gian, 2 mái, đầu hồi bít đốc.
Hậu cung là nơi đặt 3 bộ ngai thờ Tam vị Đại Vương, chỉ mở cửa vào dịp hội làng và cũng chỉ cho một số người có bổn phận được vào trong hầu Tam thánh. Người dân nơi đây cho rằng các vị thành hoàng vẫn thường xuyên hiển thánh giúp mưa thuận, gió hòa, cuộc sống an lành.
Hai bên Đại đình có tòa Tả vu, Hữu vu xây gạch, 2 mái. Đây là nơi lưu giữ các đồ tế lễ, chỉ mở khi có hội làng.
Trong đình, duy nhất có cửa võng phía trước Hương án là sơn son thiếp vàng, các mảng kiến trúc và điêu khắc gỗ khác vẫn giữ nguyên chất liệu gỗ..
Trong đình hiện còn giữ được 40 đạo sắc phong thần từ năm 1601 (thời nhà Lê) đến năm 1924 (thời nhà Nguyễn), cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ. Ngoài ra, đình So còn lưu được nhiều di vật cổ có giá trị như: án thư, lư hương, kiệu thờ, trống cái, lọng thờ, bia đá…
Mặt trước tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Một góc mặt trước tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Mặt bên tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Phối cảnh phía sau đình So, Quốc Oại
Mặt bên đình So, Quốc Oai; nhìn từ tòa Tả vu
Bên trong tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Hương án thờ Tam thánh tại tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Chạm khắc trên Hương án tại tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Ban thờ Tam thánh trong Hậu cung, đình So, Quốc Oai
Nghệ thuật chạm khắc
Đình So nằm trong hệ thống các ngôi đình xứ Đoài (vùng đất phía Tây đồng bằng sông Hồng) nổi tiếng với những mảng chạm khắc dân gian rất đặc sắc thế kỷ 17.
Đình So cũng như các ngôi đình khác tại xứ Đoài không có những đột phá về kỹ thuật xây dựng. Trong cái vỏ kiến trúc phổ biến đó, chính hoạt động lễ hội và các bức chạm khắc đã làm nên linh hồn của ngôi đình.
Các bức chạm khắc trong đình không chỉ thể hiện trình độ thẩm mỹ thời bấy giờ, mà còn là thông điệp về tư tưởng và văn hóa mà tiền nhân gửi lại cho thế hệ sau. Thông điệp mà ai trong cộng đồng cũng có thể hiểu và biến truyền thống văn hóa đó trở thành sức sống mãnh liệt, truyền từ đời này sang đời khác.
Các mảng chạm khắc trong đình So như hòa vào làm một với giải pháp kiến trúc và làm nơi đây thành bảo tàng văn hóa sống động.
Một điều đặc biệt là tại đình So, các bức chạm khắc chỉ tập trung thể hiện quan niệm về tín ngưỡng và về tự nhiên, mà không thấy có cảnh miêu tả thần tiên và sinh hoạt đời thường như tại một số đình xứ Đoài khác. Có lẽ tại đây, tính chất ngôi đền vẫn chiếm vị trí chủ đạo hơn ngôi đình.
Các bức chạm tại đây tập trung miêu tả các loài linh vật như: Tứ linh (Long, ly, quy, phượng); Cá chép; Tứ quý: (Mai, Cúc, Trúc, Tùng) và các hình tượng tự nhiên khác như mây cuộn, sóng cuộn...
Rồng là linh vật được chạm khắc nhiều nhất. Điều này được cho là liên quan đến 3 vị Thành hoàng làng đều có nguồn gốc từ Long thần. Người ta còn gọi đình So là đình Rồng hay đền Rồng và đây cũng chính là điều đặc hữu so với tất cả các ngôi đình khác.
Tại Nghi môn có bức chạm "Long, Ly, Quy, Phụng" nổi tiếng. Trung tâm của bức chạm là 2 con rồng lớn đang trong tư thế quay đầu vào nhau; Phia sau đuôi rồng là 2 con phượng đang tung cánh; Phía dưới có 2 con kỳ lân và 2 con long mã (hóa thân của kỳ lân) đặt đối xứng nhau. Cùng với long mã có rùa chở cuốn thư (Quy lạc thư) miệng phun nước. Tại đây còn có bức chạm "Long cuốn thủy" với hình tượng rồng và cá chép...
Hình tượng rồng trong bức chạm "Long, Ly, Quy, Phượng" tại Nghi môn, đình So, Quốc Oai
Bức chạm "Long cuốn thủy" với hình tượng rồng và cá chép" tại Nghi môn, đình So, Quốc Oai
Tại tòa Tiền đình, trên 12 đầu dư của kết cấu mái đều được chạm khắc hình tượng đầu rồng. Các bức chạm có kích thước giống nhau, song rất khác nhau về hình thức; có thể do nhiều kíp thợ thực hiện.
Ngoài ra, tại đình So còn có các chạm khắc họa tiết mây, hoa, lá, lồng nghép với chữ Thọ, được khắc trên ấn triện ở các bức cốn. Toàn bộ đầu bẩy cũng đều chạm hình chữ Thọ.
Các mảng chạm khắc trên kết cấu "chồng rường, giá chiêng" tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Hình tượng đầu rồng tại đầu dư kết cấu mái tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Trang trí hình tượng rồng và lân tại nghé bẩy, kết cấu mái tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Trang trí hình tượng lá và mây cuộn tại nghé bẩy, kết cấu mái tòa Tiền đường, đền So, Quốc Oai
Trang trí rùa, hoa lá tại kẻ bẩy, kết cấu mái tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Trang trí hoa văn trên kẻ, kết cấu mái tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Trang trí rồng và mây cuộn tại đầu bẩy, kết cấu mái tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Trang trí hoa lá, mây cuộn và chữ "Thọ" tại đầu bẩy, kết cấu mái tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Bức chạm "Rồng, long mã và cá chép", tại kết cấu mái tòa Tiền đường, đình So, Quốc Oai
Đình làng So một năm có 3 lễ lớn: Lễ hội mùng 8 tháng 2 âm lịch; Lễ khao quân mùng 10 tháng 7 âm lịch: Lễ Thánh hóa mùng 10 tháng 12 âm lịch.
Đình làng So là một công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc về sự kết hợp hài hòa giữa đền và đình: Về tổng thể, tổ hợp có bố cục như một ngôi đền; Về bố cục công trình chính – tòa Tiền đường, có cấu trúc của một ngôi đình (với kiểu nhà sàn tại các gian bên); Về chạm khắc, các hình tượng được miêu tả như trong một ngôi đền..
Cùng với các ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài khác như đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội; đình Tường Phiêu, Phúc Thọ, Hà Nội; Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội; đình Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.., đình làng So, Quốc Oai, Hà Nội là ngôi đình (đền) tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ, thế kỷ 17.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%
BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%ACnh_So
http://truyenhinhdulich.vn/diem-den/chiem-nguong-ve-dep-ngoi-dinh-
dac-biet-nhat-xu-doai-11412.html
http://hanoitv.vn/dinh-so-d96038.html
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 04/06/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đình Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Đình Tường Phiêu, Phúc Thọ, Hà Nội, Việt Nam
- Đền thờ Lê Hoàn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam
- Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên, Việt Nam
- Tháp Hòa Lai, Thuận Bắc, Ninh Thuận, Việt Nam
- Đình Đại Phùng, Đan Phượng, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Bà Triệu, Lăng tháp Vua Bà và Đình Phú Điền tại Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, Việt Nam
- Đình Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An, Việt Nam
- Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia, Cẩm Giàng, Hải Dương, Việt Nam
- Đền Trần Thương, Lý Nhân, Hà Nam
- Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dày, Vụ Bản, Nam Định
- Đền Sóc, Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Cửa Ông và đền Cặp Tiên, Quảng Ninh, Việt Nam
- Đền Hùng, Phú Thọ, Việt Nam
- Tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh, Sông Lô, Vĩnh Phúc, Việt Nam
|