Thông tin chung:
Công trình: Quần thể lịch sử Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng (Historic Ensemble of the Potala Palace, Lhasa)
Địa điểm: Lhasa, Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc (N29 39 28.512 E91 7 1.812)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 60,5ha; Vùng bảo vệ 198,8ha
Năm hình thành: Năm 1645
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1994, bổ sung năm 2000, 2001; hạng mục i, iv, vii)
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất.
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên.
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907.
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279.
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên.
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644.
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912.
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phân thành 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc (thuộc Trung Quốc Đại lục) và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Tây Tạng (Tibet),là một khu vực ở Đông Á, bao phủ phần lớn cao nguyên Tây Tạng với diện tích khoảng 2,5 triệu km2. Đây là quê hương truyền thống của người Tây Tạng, Monpa, Tamang, Qiang, Sherpa Lhoba và một số dân tộc khác. Tôn giáo chính ở Tây Tạng là Phật giáo Tây Tạng.
Tây Tạng là khu vực cao nhất trên Trái đất, với độ cao trung bình 5.000m. Núi Everest tại Tây Tạng là ngọn núi cao nhất Trái đất với cao độ 8.848m so với mực nước biển.
Bản đồ Trung Quốc và vị trí Khu tự trị Tây Tạng
Lịch sử của một Tây Tạng thống nhất khởi đầu từ Songtsen Gampo (569-649), người đã hợp nhất các tiểu quốc tại thung lũng sông Yarlung và thành lập Đế chế Tây Tạng (Tibetan Empire, tồn tại năm 618–842). Tại Đế chế Tây Tạng, Phật giáo trở thành quốc giáo.
Vào năm 780 - 790, Đế chế Tây Tạng đạt đến vinh quang khi cai trị và kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn, ngày nay thuộc Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Burma, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan.
Tây Tạng tiếp tục là một đế chế Trung Á mạnh mẽ cho đến giữa thế kỷ thứ 9, dần suy tàn, bị phân chia thành nhiều tiểu quốc.
Vào thế kỷ 13, triều đại Mamluk (Mamluk Dynasty, trị vì từ năm 1206 - 1290) của Vương quốc Delhi (Delhi Sultanate, là một phần của Afghanistan, Bangladesh Ấn Độ, Pakistan ngày nay) đã xâm chiếm Tây Tạng, nhằm tham gia kiểm soát Con đường Tơ Lụa (Silk Road), từ Trung Quốc đến Trung Á.
Tây Tạng là quốc gia độc lập trong suốt triều đại nhà Minh (1368-1644) và nằm dưới sự bảo hộ của nhà Thanh (1644-1911). Từ giữa thế kỷ 18, một phần của Tây Tạng thuộc thống trị của nhà Thanh và bị sát nhập vào các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Phần đất miền Trung còn lại của Tây Tạng hiện trở thành Khu tự trị Tây Tạng (Tibet Autonomous Region), được thành lập vào năm 1965 với diện tích khoảng 1,2 triệu km2, dân số khoảng 3,2 triệu người (năm 2014). Tại đây sắc tộc cơ bản là người Tạng.
Tượng vua Songtsen Gampo (giữa), hai bên là công chúa người Trung Quốc Wencheng (phải) và công chúa người Nepal Bhrikuti Devi (trái)
Quần thể lịch sử Cung điện Potala nằm ở Lhasa, thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng (Tibet), là quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất Tây Tạng và là một trong những quần thể cung điện cổ xưa nhất trên thế giới.
Quần thể lịch sử Cung điện Potala gồm Cung điện Potala, Thiền viện Jokhang và Cung điện Norbulingka.
Cung điện Potala là cung điện mùa Đông của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ thế kỷ thứ 7, tượng trưng cho Phật giáo Tây Tạng; có vai trò là trung tâm trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống Tây Tạng. Công trình được xây dựng vào năm 1645, trên tàn tích của một tu viện có từ thế kỷ thứ 7, hiện chỉ còn lại hang Dharrna (Dharrna Cave) và tàn tích Nhà nguyện của các Thánh (Saints’ Chapel). Khu đất có diện tích rộng khoảng 13ha, nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao 3750m so với mực nước biển, cao 117m so với nền quanh cung điện và cao khoảng 300m so với thung lũng lân cận, như là một điểm nhấn cho cảnh quan thiên nhiên và núi non hùng vĩ xung quanh. Cung điện Potala (Potala Palace) là nơi cư trú chính của Đức Đại Lai Lạt Ma cho đến năm 1959, nay trở thành bảo tàng.
Thiền viện Jokhang (Jokhang Temple Monastery) được thành lập vào thế kỷ thứ 7, là một phức hợp tôn giáo đặc biệt trên khu đất rộng 7,5ha, nằm tại phía Đông Cung điện Potala, cách khoảng 1000m. Đây là ngôi đền thiêng liêng và quan trọng nhất ở Tây Tạng. Phong cách kiến trúc của ngôi đền là sự kết hợp giữa thiền viện kiểu Ấn Độ, kiểu Nepal và Tây Tạng.
Cung điện Norbulingka là cung điện mùa Hè của Đức Đạt Lai Lạt Ma, được xây dựng vào thế kỷ 18 bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7, là một trong những kiệt tác của nghệ thuật Tây Tạng, có vai trò như trung tâm hành chính và văn hóa của quốc gia. Công trình nằm tại phía Tây Nam của Cung điện Potala, cách 2km, trên khu đất có diện tích khoảng 40ha, là khu vườn tôn giáo lớn nhất Tây Tạng và là khu vườn ở độ cao cao nhất thế giới. Công trình gần như bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc Đại Cách mạng văn hóa (1966-1976).
Quần thể lịch sử Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Quần thể lịch sử Cung điện Potala là một kiệt tác về trí tưởng tượng và tài năng sáng tạo của con người, bởi thiết kế, trang trí và không gian của nó hài hòa trong một cảnh quan đầy ấn tượng.
Quần thể lịch sử Cung điện Potala cùng với Tu viện Jokhang và Cung điện Norbulingka tạo thành một ví dụ nổi bật về kiến trúc truyền thống Tây Tạng.
Tiêu chí (iv): Quy mô và sự giàu có về nghệ thuật của Quần thể lịch sử Cung điện Potala đại diện cho đỉnh cao của kiến trúc Tây Tạng. Quần thể công trình là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc thần quyền, là ví dụ cuối cùng còn sót lại trong thế giới hiện đại.
Tiêu chí (vi): Quần thể lịch sử của Cung điện Potala tạo thành một biểu tượng mạnh mẽ và đặc biệt về sự hợp nhất giữa chính thể thế tục và tôn giáo.
Quần thể lịch sử bao gồm 3 địa điểm: Cung điện Potala; Thiền viện Jokhang và Cung điện Norbulingka.
Mã hiệu
|
Tên vị trí
|
Tọa độ
|
Diện tích
Di sản
|
Diện tích
vùng đệm
|
707-001
|
Cung điện Potala (Potala Palace)
|
N29 39 19.746
E91 7 6.305
|
13ha
|
-
|
707-002
|
Thiền viện Jokhang
(Jokhang Temple Monastery)
|
N29 39 0.893
E91 8 1.637
|
7,5ha
|
130ha
|
707-003
|
Cung điện Norbulingka
|
N29 39 5.504
E91 5 35.232
|
40ha
|
68,8ha
|
Sơ đồ vị trí 3 địa điểm di sản tại Quần thể lịch sử Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Cung điện Potala
Cung điện Potala (Potala Palace) là một trong những cung điện thuộc thành phố Lhasa, Tây Tạng. Đây là cung điện mùa Đông của Dalai Lamas từ năm 1649 đến 1959.
Cung điện được đặt theo tên của núi Potalaka (tại vùng biển phía Nam Ấn Độ), nơi ở huyền thoại của Bồ tát Quán Thế Âm.
Dalai Lama đời thứ 5 (1617-1682, là một nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng của Phật giáo Tây Tạng và là nguyên thủ quốc gia thời Tây Tạng độc lập với nhà Minh) đã khởi công xây dựng trong năm 1645. Đây là nơi cư ngụ của Dalai Lama, văn phòng chính phủ Tây Tạng và nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo quan trọng.
Bức tranh xưa về Cung điện Potala, tại Lhasa, Tây Tạng
Công trình nằm tại một ví trí lý tưởng cho tòa nhà chính phủ vì nằm giữa Thiền viện Drepung (Drepung Monastery), thiền viện Sera (Sera Monastery) và thành phố cổ Lhasa.
Cung điện Potala, được xây dựng trên nền một cung điện có từ năm 637, do vị vua đầu tiên của Đế chế Tây Tạng Songtsen Gampo xây dựng cho vợ mình là công chúa Wencheng; hiện chỉ còn lại hang Dharrna được cho là nơi vua Songtsen Gampo ngồi thiền.
Do lịch sử và quá trình đô thị hóa, cung điện Potala ngày nay trở thành một ốc đảo bởi hàng ngàn ngôi nhà hình hộp hiện đại bao quanh, cho dù ở đây đã ban hành một quy tắc là cấm các công trình xây dựng trong khu vực lân cận cung điện có chiều cao cao hơn 21m.
Ngày ngay Potanal như một ốc đảo cô độc giữa vô vàn các tòa nhà hình hộp bao quanh
Nhìn từ xa, Cung điện có hình tượng như một ngọn núi.
Phần bệ công trình là các bức tường nghiêng đỡ phần công trình nhấp nhô phía trên có màu trắng như những sườn núi tuyết phủ.
Phía trên công trình là các khối nhà có màu đỏ và màu trắng. Khối nhà có màu đỏ như đỉnh núi nhọn, nơi tuyết không thể phủ kín. Mái nhà dát vàng chiếu sáng lấp lánh trên trời cao.
Cung điện Potala dài 400m theo hướng Đông – Tây, rộng 350m theo hướng Bắc - Nam. Bao quanh là các bức tường, cổng và tháp canh bằng đất nung và đá. Tường thành xây nghiêng, dày 3-5m. Móng đá được xây kết hợp với đồng có khả năng chống được động đất.
Cung điện có 13 tầng nhà chứa hơn 1000 phòng, 10.000 miếu thờ và khoảng 200.000 bức tượng. Với quy mô như vậy, cấu trúc bên ngoài (tường, công trình...) phải xây dựng mất 3 năm, còn nội thất bên trong phải mất 45 năm mới hoàn thành.
Cung điện Potala gồm 2 khối nhà chính là Nhà Trắng và Nhà Đỏ, đặt trên nền là các khối nhà thấp màu trắng phía dưới.
Cung điện Potala có hình tượng như ngọn núi phủ đầy tuyết vào mùa Đồng
Cung điện Potala như một điểm hội tụ cảnh quan vào mùa Hè
Sơ đồ mặt bằng và mặt đứng Cung điện Potala, tại Lhasa, Tây Tạng
Sơ đồ vị trí một số tòa nhà chính; vị trí bảo tháp tại Cung điện Potala, tại Lhasa, Tây Tạng
Cung điện Potala với màu trắng, màu đỏ ở tường, màu vàng trên mái.
Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng, nhìn từ phía dưới chân đồi
Đường lên Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Khối Nhà Trắng
Khối Nhà màu Trắng (White Palace hay Potrang Karpo) nằm tại bên trái Cung điện
Potala, là nơi sinh hoạt của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khối nhà này được xây dựng trong suốt cuộc đời của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Ông và chính phủ của ông đã chuyển vào làm việc tại đây từ năm 1649. Trong những năm sau này, công trình được mở rộng phục vụ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma từ thứ 6 đến 13, chủ yếu cho mục đích thế tục.
Nhà Trắng cao 7 tầng. Tầng trên cùng là phòng sinh hoạt cá nhân của Dalai Lamas.
Tầng thứ 6, thứ 5 được sử dụng để làm việc và các công việc thường ngày khác.
Tầng thứ 4 có một hội trường quan trọng nhất của Cung điện Potala – Hội trường Coqen (Coqen Hall), rộng khoảng 700m2, nơi đặt ngai vàng của Dalai Lamas. Nhiều nghi lễ quan trọng đã được tổ chức tại đây.
Trong công trình có 698 bức tranh tường, gần 10.000 cuộn giấy vẽ, nhiều tác phẩm điêu khắc, thảm, mái che, rèm cửa, sứ, ngọc, trang sức bằng vàng, bạc, cũng như một bộ sưu tập lớn kinh điển và các tài liệu lịch sử quan trọng.
Khối Nhà Trắng với khối tầng bệ màu trắng, Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Nhà Trắng với lối vào chính, Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Khối Nhà Đỏ
Khối Nhà màu Đỏ (Red Palace hay Potrang Marpo) nằm tại bên phải Cung điện Potala, là nơi nghiên cứu tôn giáo và cầu nguyện. Cung điện gồm một bố cục phức tạp của nhiều phòng, gian thờ và thư viện trên nhiều cấp độ nền khác nhau với một loạt các phòng trưng bày nhỏ hơn và lối đi quanh co.
Hội trường trung tâm của Nhà Đỏ là Hội trường phía Tây. Bên trong Hội trường nổi bật là những bức tranh tường mô tả các sự kiện trong cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5.
Phía Bắc của Hội trường trung tâm là đền thờ Phật linh thiêng nhất của Cung điện Potala. Ở tầng bên dưới, có một lối đi thấp dẫn vào hang Dharma (Dharma Cave), địa danh gắn với vua Songtsen Gampo.
Phía Nam của Hội trường trung tâm là đền thờ Padmasambhava, một tu sỹ người Ấn Độ vào thế kỷ 8.
Phía Đông của Hội trường trung tâm là đền thờ Tsong Khapa, nhà triết học và lãnh tụ tinh thần tôn giáo Tây Tạng, người thành lập trường học Phật giáo Tây Tạng (Gelug).
Phía Tây của Hội trường trung tâm là phòng cầu nguyện Kalachakra có chứa các bảo tháp là mộ của Đạt Lai Lạt Ma. Các bảo tháp được trang trí cầu kỳ với bằng vàng, bạc, ngọc trai, mã não, san hô, kim cương. Bảo tháp chính cao 14,85m, nơi đặt xác ướp của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, được xây dựng bằng gỗ đàn hương, bên trong mạ 3272kg vàng và đính 18680 viên ngọc trai và ngọc quý khác.
Toàn bộ nóc của Cung điện được phủ một hệ thống các mái bằng vàng (Golden roofs).
Khối Nhà Đỏ với khối tầng bệ màu trắng, Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Mái dát vàng trên mái Nhà Đỏ, Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Trang trí bên trong Hội trường phía Tây của Nhà Đỏ, Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Phòng nghỉ của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong Nhà Đỏ, Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Bảo tháp của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 tại Nhà Đỏ, Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Biểu tượng Mandala 3 chiều mạ vàng, đường kính 6,2m, chi tiết tinh xảo với hơn 170 bức tượng tại phòng cầu nguyện Kalachakra, Nhà Đỏ Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Trong cung điện Potala còn có rất nhiều phòng trưng bày, nơi lưu giữ hàng chục ngàn bộ sưu tập của các di tích văn hóa đa dạng, tinh xảo về lịch sử và văn hóa đa sắc tộc Tây Tạng, như tượng Phật, tranh tường, kiểu tranh đặc biệt Thangka. Đây là một loại tranh về Phật giáo Tây Tạng vẽ trên vải, lụa, thường miêu tả một vị thần Phật giáo, cảnh quan hoặc biểu tượng Mandala, là một biểu tượng hình học hình tròn, nhằm tập trung sự chú ý, như một công cụ hướng dẫn tâm linh; để thiết lập một không gian linh thiêng và như một sự trợ giúp cho thiền định và cảm ứng thôi miên tại tôn giáo phương Đông. Tranh Thangka như một bức rèm trang trí có thể cuộn lên.
Tại đây còn lưu giữ được cụm tượng linh thiêng nhất của Cung điện Potala là tượng Phật Arya Lokeshvara, vị thần hộ mệnh của vua Songtsen Gampo; hai bên là tượng Tara (Đa La Bồ Tát) và Avalokiteshvara (Bồ tát Quán Thế Âm). Cả 3 bức tượng đều làm bằng gỗ đàn hương, mạ vàng, nạm ngọc, một trong số ít cổ vật còn sót lại của Cung điện thế kỷ thứ 7. Tương truyền đây là một trong 108 tượng, được vua Songtsen Gampo dự kiến đặt tại các ngôi đền ở Tây Tạng để khuất phục ma quỷ.
Cụm tượng Phật hộ mệnh của vua Songtsen Gampo và vương quốc Tây Tạng, tại Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng nguyên khối và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 bằng bạc, tại Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Một trong vô vàn bức tranh tường đẹp đẽ tại Cung điện Potala tại Lhasa, Tây Tạng
Thiền viện Jokhang
Người Tây Tạng xem đất nước của họ như một thực thể sống. Vua Songtsen Gampo (vị vua đầu tiên của một Tây Tạng thống nhất) phát triển một kế hoạch xây dựng 12 ngôi đền trên khắp đất nước, thể hiện hình hài của cơ thể quốc gia. Những ngôi đền được xây dựng trong ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, trung tâm Tây Tạng được bao phủ bởi 4 ngôi đền. Tại giai đoạn 2, xây dựng 4 ngôi đền nữa bên ngoài khu vực trung tâm. Giai đoạn 3 xây dựng 4 ngôi đền trên biên giới quốc gia.
Thiền viện hay đền Jokhang (Jokhang Temple Monastery) là 1 trong 4 ngôi đền đầu tiên được chính quyền thành lập vào thế kỷ thứ 7.
Di sản Thiền viện Jokhang có diện tích khoảng 7,5ha, nằm tại trung tâm Khu phố cổ Lhasa.
Một bức tranh vẽ Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Tổng mặt bằng Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Người dân cầu nguyện trước Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Một góc Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Người Tây Tạng từ lâu gắn Thiền viện Jokhang với nguồn gốc văn minh tôn giáo và văn hóa của họ. Phần cổ nhất của thiền viện được xây dựng vào năm 639, chủ yếu bởi những thủ công người Nepal.
Vào thế kỷ thứ 9, đầu thế kỷ thứ 10, Đế quốc Tây Tạng suy tàn, các hoạt động chống Phật giáo nổi lên, đền bị bỏ hoang. Từ thế kỷ 14, ngôi đền được phục hồi gắn với sự phát triển thiền phái Gelug (Kim Cương thừa).
Trong những năm tiếp theo, ngôi đền đã được mở rộng nhiều lần với lần cải tạo cuối cùng được thực hiện vào năm 1642. Năm 1972, thiền viện Jokhang tu bổ lại các hư hại sau cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.
Phong cách kiến trúc của ngôi đền là sự kết hợp pha trộn giữa kiểu thiền viện Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng.
Công trình có bố cục theo trục Đông Tây. Cổng chính hướng về phía Tây. Bắt đầu là một cổng vòm, tiếp theo là sân trong và hội trường Phật giáo cao 3- 4 tầng, được bao quanh 4 phía bởi các phòng ở cho các nhà sư và nhà kho. Tầng 1 và 2 được cho là nguyên gốc ban đầu, các tầng trên được xây dựng bổ sung từ thế kỷ 17.
Một hệ thống lưới lưới 8 x 8 = 64 ô vuông hoặc 9 x 9 = 81 ô vuông là cơ sở để tạo lập cấu trúc xây dựng thiền viện.
Mặt bằng Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Mặt cắt qua khối chính Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Kết cấu chính của Thiền viện chủ yếu là gỗ và đá. Tường được xây dựng phần lớn bằng đá, phủ trắng bằng vữa thạch cao.
Các hàng cột gỗ bên trong đều có các trang trí, được đánh giá như là một biểu tượng về kiến trúc gỗ tôn giáo Ấn Độ cổ xưa nhất còn tồn tại.
Mái nhà có các chi tiết trang trí bằng đồng mạ vàng.
Các ô cửa là những cấu trúc điển hình với nhiều chạm khắc. Bên ngoài cửa là hệ thống rèm che bằng vải và bằng đồng được trang trí bằng các biểu tượng có nguồn gốc Ấn Độ.
Hình tượng đầu sư tử được sử dụng rất nhiều tại các mảng chạm khắc trong Thiền viện. Ngoài ra còn có một số chạm khắc miêu tả các vị thần có nguồn gốc Ân Độ.
Trong Thiền viện còn lưu trữ hơn 3.000 hình ảnh của Đức Phật, các vị thần, nhân vật lịch sử khác cùng với nhiều kho báu và bản thảo khác. Những bức tường trong Cung điện được bao phủ bởi các bức tranh tường mô tả sự kiện lịch sử và truyền thuyết tôn giáo.
Trong Thiền viện Jokhang có một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, được đưa đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7 khi Phật giáo trở thành quốc giáo tại Đế chế Tây Tạng.
Bức tượng Phật tại Hội trường chính Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Tượng vua Songtsen Gampo tại Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Thiền viện Jokhang không chỉ là nơi linh thiêng nhất Tây Tạng với một lối đi dành cho khách hành hương đi tụng niệm quanh thiền viện, mà còn là tâm điểm của các hoạt động thương mại, điểm giao của các tuyến đường trong thành phố.
Phía trước thiền viện là quảng trường Barkhor, là một quảng trường chợ ở trung tâm Lhasa. Quảng trường được đánh dấu bởi 4 trụ đá (sankang), 2 trong số đó ở phía trước của thiền viện và 2 ở phía sau. Trên bề mặt các trụ cột có các dòng chữ bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Trung ghi lại các sự kiện tiêu biểu của quốc gia và Phật giáo, ví dụ như một số điều khoản của hiệp ước phân định ranh giới quốc gia giữa vua Tây Tạng và hoàng đế Trung Hoa.
Quảng trường trước Thiền viện Jokhang, Lhasa, Tây Tạng
Cung điện Norbulingka
Cung điện Norbulingka là cung điện mùa Hè (Norbulingka Summer Palace) của Dalai Lama, được xây dựng vào năm 1755, nằm trên bờ sông Lhasa, cách Cung điện Potala khoảng 2km về phía Tây.
Công trình là nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo và ký kết các thỏa thuận chính trị.
Quần thể cung điện Norbulingka với diện tích khoảng 40ha, được chia thành 3 khu vực: Khu vực phía Đông, Khu vực trung tâm và Khu vực phía Tây.
Sơ đồ mặt bằng Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Khu vực phía Đông
Khu vực phía Đông bao gồm lối vào và phần công viên phía trước cung điện Tsokyil Phodrang.
Bức tường màu vàng bao quanh và cổng vào Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Khu vực Trung tâm
Khu vực Trung tâm là phần chính của Quần thể cung điện Norbulingka. Tại đây có 3 tòa nhà: Kelsang Podrang; Tsokyil Portrang, Takten Migyur Portrang.
Kelsang Podrang (Kelsang Palace) nằm tại góc Đông Nam của Quần thể cung điện Norbulingka, là tòa nhà lâu đời nhất ở đây. Công trình được đặt theo tên của vị Dalai Lama thứ 7, người đã xây dựng cung điện. Công trình cao 3 tầng, xây dựng theo phong cách Tây Tạng điển hình. Bên trong tòa nhà có phòng đặt ngai vàng của Dalai Lama thứ 7, phòng thờ Phật, phòng ngủ, phòng đọc sách, nơi tổ chức diễn các vở opera dân gian. Tại đây lưu giữ 100 bức tranh quý giá và nhiều bức tượng Phật.
Tòa nhà Kelsang Podrang, Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Không gian đặt ngai vàng Dalai Lama thứ 7, tại tòa nhà Kelsang Podrang, Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Tsokyil Portrang (Tsokyil Palace) nằm trên một hồ nước nhân tạo hình vuông, là nơi đẹp nhất của Quần thể Norbulingka. Công trình nằm tại phía Bắc của cung điện Kelsang Podrang, do Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 8 xây dựng. Đây là nơi Đạt Lai Lạt Ma tiếp khách. Cảnh quan xung quanh như một vườn cây cảnh cổ điển Tô Châu (Classical Gardens of Suzhou) với những cây cổ thụ, cung điện, lầu nghỉ chân, mặt nước, cầu. Cảnh quan xung quan cung điện cho thấy văn hóa của người Hán đã lan truyền và phổ biến tại Tây Tạng.
Bên cạnh Tsokyil Portrang, cũng có một hồ nước hình vuông. Giữa hồ là tòa nhà mang tên Dragon King (Dragon King Pavilion). Xung quanh hồ cũng có lan can đá như tại Tsokyil Portrang.
Tòa nhà Tsokyil Portrang trên hồ, Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Takten Migyur Portrang là công trình Mùa hè mới (New Palace) của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, được xây dựng vào năm 1954, nằm tại phía Bắc của tòa nhà Tsokyil Portrang. Mặc dù là một kiến trúc hiện đại, nhưng công trình vẫn truyền tải được phong cách truyền thống trong diện mạo của nó.
Công trình là sự kết hợp giữa đền thờ và cung điện, cao 2 tầng với mái mạ vàng; hơn 40 phòng, bao gồm các phòng hội trường, phòng ngủ của Dalai Lama thứ 14.Các bức tường trong các tòa nhà phủ hơn 300 bức tranh tường và tranh Thangka với các chủ đề về lịch sử Phật giáo và Tây Tạng.
Công trình Takten Migyur Portrang, Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Nội thất phòng ở của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại Takten Migyur Portrang, Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Khu vực phía Tây
Khu vực phía Tây là khu vực vườn mang tên Golden Lingka, được xây dựng vào năm 1922, vào thời của Dalai Lama thứ 13. Trong khu vườn có bố cục với nhiều loại cảnh quan khác nhau, là sự kết hợp giữa tiếp thu kỹ thuật truyền thống của Tây Tạng kết hợp với cảnh quan vườn Trung Hoa.
Tại khu vực phía Tây có cung điện Chensal Podrang (Chensal Palace), được xây dựng vào năm 1926. Cung điện Chensal Podrang được trang trí rất cầu kỳ với mái hiên màu vàng, đồ trang trí bằng vàng và những bức tường màu trắng, đỏ. Bên trong Cung điện có Hội trường chính, nơi Dalai lần thứ 13 tiếp các quan chức, tu sĩ và người dân. Tại đây có một vườn bách thú nhỏ (Norbulingka Zoo).
Tòa nhà Chelsang Podrang, Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Một trong số các bức tranh trang trí tại Cung điện Norbulingka, Lhasa, Tây Tạng
Di sản Quần thể lịch sử Cung điện Potala (Cung điện Potala, Cung điện Norbulingka và Thiền viện Jokhang) tại Lhasa, Tây Tạng với môi trường xây dựng (thiết kế, vật liệu, bố cục…) và môi trường lịch sử vẫn còn tương đối nguyên vẹn; là đại diện cho đỉnh cao của kiến trúc truyền thống Tây Tạng; một ví dụ nổi bật của kiến trúc thần quyền và sự hòa nhập của các thế lực thế tục và tôn giáo.
Quần thể công trình luôn mãi là biểu tượng, niềm tin tôn giáo và sức sống văn hóa mãnh liệt của người dân Tây Tạng.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/707
https://en.wikipedia.org/wiki/China
https://en.wikipedia.org/wiki/Tibet
https://en.wikipedia.org/wiki/Tibet_Autonomous_Region
https://en.wikipedia.org/wiki/Architecture_of_Lhasa
https://en.wikipedia.org/wiki/Potala_Palace
http://www.darkroastedblend.com/2007/10/potala-palace-in-tibet.html
http://www.travelchinaguide.com/attraction/tibet/lhasa/potala.htm
https://mustseeplaces.eu/potala-palace-lhasa-china/
https://en.wikipedia.org/wiki/Jokhang
https://en.wikipedia.org/wiki/Norbulingka
https://www.chinadiscovery.com/tibet/lhasa/norbulingka.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Thangka
https://en.wikipedia.org/wiki/Mandala
https://www.tibetdiscovery.com/what-to-see/norbulingka/
http://www.vtibet.cn/en/calture/architecture/201407/t20140731_217303.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Bhrikuti
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|