Thông tin chung:
Công trình: Thành phố lịch sử Luang Prabang (Town of Luang Prabang)
Địa điểm: Luang Prabang, Lào (N19 53 20.004 E102 7 59.988)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản: 820 ha; Vùng đệm: 12.560 ha
Năm hình thành: 698
Giá trị: Di sản thế giới (1995; hạng mục ii; iv; v)
Lào nằm ở trung tâm bán đảo Đông Dương, giáp với Myanmar (Miến Điện) và Trung Quốc tại phía Tây Bắc, Việt Nam tại phía Đông, Campuchia ở phía Tây Nam và Thái Lan tại phía Tây và Tây Nam. Lào là quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á.
Lào có diện tích 237.955 km2, dân số khoảng 6,8 triệu người (2015).
Lào được phân thành 17 tỉnh và thành phố thủ đô Viên Chăn (Vientiane).
Vào năm 2009, tại Động Tam Pa Ling trên dãy Trường Sơn, Bắc Lào người ta đã phát hiện được một hộp sọ người Cổ đại, ít nhất 46.000 năm tuổi, trở thành hóa thạch người hiện đại cổ nhất được tìm thấy cho đến nay ở Đông Nam Á.
Các đồ tạo tác bằng đá thuộc nền văn hóa Hòa Bình (Hoabinhian), thời Đồ đá cũ (12000 – 10000 trước Công nguyên) đã được tìm thấy tại Bắc Lào. Lào cũng là quốc gia có Di sản Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng (Megalithic Jar Sites in Xiengkhuang – Plain of Jars; Di sản thế giới năm 2019), một khu vực khảo cổ cự thạch có niên đại từ thời Đồ sắt (500 năm TCN đến 500 sau Công nguyên) và là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
Giai đoạn tiền lịch sử của Lào được đặc trưng bởi sự tiếp xúc với các nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ. Theo các bằng chứng ngôn ngữ và lịch sử, các bộ lạc nói tiếng Tai tại phía Bắc đã di cư về phía Tây Nam đến các vùng lãnh thổ hiện đại của Lào và Thái Lan vào khoảng giữa thế kỷ 8- 10.
Quốc gia Lào hiện tại có nguồn gốc lịch sử và văn hoá từ Vương quốc Triệu Voi (Lan Xang), được thành lập vào thế kỷ 14, là một vương quốc có diện tích lớn tại Đông Nam Á, tồn tại trong 4 thế kỷ.
Vào thế kỷ thứ 9, Đế chế Khmer (Khmer Empire, tồn tại 802- 1431) khởi nguồn từ vương quốc Phù Nam (Funan, khu vực Đông Nam Á, thủ phủ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tồn tại năm 50 – 550) và vương quốc Chân Lạp (Chenla, một phần của Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam ngày nay, tồn tại năm 550 – 802) đã cai trị hầu hầu hết lục địa Đông Nam Á và một phần miền Nam Trung Quốc.
Vương quốc Triệu Voi (Lan Xang) được khởi dựng từ một vùng đất thuộc Đế chế Khmer.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Đông Nam Á, Vương quốc Triệu Voi trở thành trung tâm thương mại trên đất liền, trở nên giàu có về mặt kinh tế cũng như văn hóa.
Sau một giai đoạn xung đột nội bộ, Lan Xang phân chia thành ba vương quốc riêng biệt: Luang Phrabang, Viêng Chăn và Champasak.
Năm 1893, ba vương quốc hợp thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc Pháp, tiền thân của quốc gia Lào hiện nay.
Lào giành được độc lập trong thời gian ngắn vào năm 1945, sau khi Nhật Bản chiếm đóng. Sau đó người Pháp áp đặt lại quyền cai trị cho đến khi Lào được tự trị vào năm 1949.
Lào độc lập vào năm 1953 với chính thể quân chủ lập hiến. Cuộc nội chiến Lào kết thúc vào năm 1975, chấm dứt chế độ quân chủ, lập nên nhà nước hiện tại.
Bản đồ Lào và vị trí tỉnh Luang Prabang (phía Bắc Lào)
Luang Prabang (tên cổ là Xieng Thong) được hình thành vào năm 698. Từ năm 1707 Luang Prabang trở thành thủ đô của Vương quốc Luang Phrabang, là nơi cư trú của hoàng gia.
Ngày nay, Viên Chăn là thủ đô của Lào, còn Luang Phrabang trở thành một thành phố lịch sử và du lịch nổi tiếng của Lào và của các nước Đông Nam Á.
Luang Prabang là một nơi hội tụ cảnh quan nhân tạo và cảnh quan tự nhiên với các thác nước, hang động và dòng sông Mekong kỳ lạ, bí hiểm.
Luang Prabang đặc biệt bởi di sản kiến trúc và nghệ thuật phong phú, phản ánh sự kết hợp giữa kiến trúc đô thị truyền thống của Lào với kiến trúc đô thị thời thuộc địa. Cảnh quan đô thị được bảo tồn tốt phản ánh sự hòa hợp của hai văn hóa riêng biệt này.
Cố đô Luang Prabang nằm trên một bán đảo với các dinh thự của hoàng gia và quý tộc, khu dân cư và các cơ sở tôn giáo
Trong quy hoạch đô thị truyền thống, giới hạn đô thị là các bức tường phòng thủ; mỗi khu dân cư làng xã đều có đền chùa; hệ thống ao hồ, đường nước…
Trong quy hoạch đô thị thuộc địa, mỗi khu phố đều có đặc điểm gắn với mạng lưới đường phố.
Tại Luang Prabang hai hệ thống đô thị này đã được chồng lên nhau một cách hài hòa.
Sự hài hòa này còn thể hiện trong cả sự pha trộn trong cách sử dụng vật liệu. Phần lớn các tòa nhà truyền thống có cấu trúc bằng gỗ, phên tre nứa; chỉ có những ngôi đền, chùa xây dựng bằng đá. Tại các khu vực thuộc địa, các ngôi nhà xây dựng bằng gạch cao 1 hoặc 2 tầng, thường có ban công với các chi tiết trang trí bằng gỗ, nằm dọc theo các con phố chính và sông Mekong. .
Tại Luang Prabang có nhiều ngôi chùa Phật giáo được trang trí phong phú về điêu khắc, chạm khắc, tranh vẽ, mạ vàng và đồ nội thất, nổi bật là chùa Wat Xieng Thong.
Tại đây còn lưu truyền các yếu tố mang tính tâm linh: Núi Phousi linh thiêng; sông MeKong và sông Khan là nơi cư trú của các vị thần rắn Naga; các nghi lễ thực hành tôn giáo Phật giáo như lễ Khất thực…
Thành phố lịch sử Luang Prabang, Lào được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Luang Prabang phản ánh sự kết hợp đặc biệt giữa kiến trúc truyền thống của Lào và kiến trúc thuộc địa thế kỷ 19 và 20 của châu Âu.
Tiêu chí (iv): Luang Prabang là một ví dụ nổi bật của một quần thể kiến trúc được xây dựng qua nhiều thế kỷ, là sự kết hợp giữa các công trình tôn giáo, các công trình theo phong cách kiến trúc bản địa và phong cách kiến trúc thuộc địa.
Tiêu chí (v): Cảnh quan đô thị của thành phố Luang Prabang được lưu giữ khá tốt, là minh họa tiêu biểu cho một giai đoạn quan trọng về sự pha trộn của hai truyền thống văn hóa riêng biệt: văn hóa bản địa và văn hóa thuộc địa.
Thành phố lịch sử Luang Prabang được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới (1995).
Sơ đồ phạm vi Di sản Luang Prabang, Lào
Thành phố Luang Prabang có 58 làng kề liền, trong đó có 33 làng thuộc phạm vi Di sản. Thành phố có 56.000 cư dân; số dân sống trong khu vực Di sản khoảng 24000 ngàn người.
Bản đồ thành phố Luang Prabang, Lào
Sơ đồ vị trí các điểm thăm quan chính tại thành phố Luang Prabang, Lào
Phối cảnh tổng thể thành phố Luang Prabang, Lào
Tại đây có rất nhiều di tích, trong đó có một số di tích đặc biệt:
Núi Phousi
Núi Phousi (Phousi Hill) là ngọn núi cao 150m so với cạo độ của trung tâm thành phố Luang Prabang. Đứng trên đỉnh núi có thể xem mặt trời mọc và lặn trên sông Mekong.
Trên đường lên đỉnh núi có ngôi đền Wat Tham Phousi với các tượng Phật lớn ngồi trong hang động và một tượng Phật nằm.
Trên đỉnh núi là ngọn tháp dát vàng Wat Chomsi, được xây dựng vào năm 1804.
Núi Phousi, thành phố Luang Prabang, nhìn từ sông Mekong
Tượng Phật nằm trên đường lên đỉnh núi Phousi, Luang Prabang, Lào
Tháp Phật dát vàng trên đỉnh núi Phousi, Luang Prabang, Lào
Chùa Wat Xieng Thong
Chùa Wat Xieng Thong hay Chùa của Thành phố vàng (Golden City Monastery) là ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử và ấn tượng nhất trong số các chùa của cố đô Luang Prabang.
Chùa nằm tại phía Bắc của bán đảo Luang Prabang, được xây dựng từ năm 1559 - 1560 bởi vua Setthathirath (vương quốc Lan Xang, trị vì năm 1548 – 1571, là vị vua xây dựng nhiều ngôi chùa tại Luang Prabang và Vientiane). Chùa được trùng tu vào năm 1928, 1950, 1960, 2012.
Wat Xieng Thong là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất của Lào và là một di tích có ý nghĩa đối với tinh thần tôn giáo, hoàng gia và nghệ thuật truyền thống.
Quần thể chùa có bố cục theo trục Tây Nam – Đông Bắc với khoảng 20 hạng mục công trình.
Chùa có 3 cổng vào: Một cổng chính tại phía Đông Nam hướng về phía thành phố (City Entrance, hình vẽ ký hiệu H), một cổng phía Tây Nam và một cổng tại phía Tây Bắc ra phía bờ sông (River Entry, hình vẽ ký hiệu E) gắn với bến thuyền (Boat Shelter, hình vẽ ký hiệu K). .
Chính điện (Sim, hình vẽ kỹ hiêu F) là một công trình hướng về phía Đông Bắc. Mặt bằng gồm 3 khối đặt song song, sát nhau: Tiền đường, Bái đường và Hậu điện.
Chính điện có hệ thống mái đặc biệt gồm 2 và 3 tầng mái tạo thành 18 mái uốn cong sát mặt đất, như các tầng bậc hướng lên các tầng trời. Mặt tiền trang trí công phu với nhiều chi tiết; màu sắc là sự kết hợp phức tạp của màu hạt dẻ, màu đen và màu vàng.
Nội thất bên trong công trình có 8 cột gỗ đồ sộ đỡ kết cấu mái. Cột, hệ dầm, trần và các bức tường được dát vàng tinh xảo, lộng lẫy. Bên trong Hậu điện có 1 pho tượng Phật lớn, nhiều bức tượng Phật nhỏ và các đồ thờ cúng khác.
Xung quanh Chính điện có nhiều đền thờ nhỏ (Chapel), bảo tháp (Stupas); tháp trống (Drum Tower, hình vẽ ký hiệu A); thư viện kinh Tam Tạng (Tripikata Library, hình vẽ ký hiệu L); nhà nguyện Đỏ (Red Chapel, ký hiệu M); nhà tăng…Các công trình kiến trúc nhỏ trong chùa có hình dáng kiến trúc mô phỏng Chính điện.
Trong chùa có vố số phù điêu, điêu khắc chạm trổ công phu, diễn tả nội dung các câu chuyện nhà Phật.
Sơ đồ mặt bằng chùa Wat Xieng Thong, Luang Prabang, Lào
Phối cảnh Chính điện chùa Wat Xieng Thong, Luang Prabang, Lào
Bên trong Chính điện, chùa Wat Xieng Thong, Luang Prabang, Lào
Nhà nguyện Đỏ, chùa Wat Xieng Thong, Luang Prabang, Lào
Bảo tàng cung điện Hoàng gia
Bảo tàng cung điện Hoàng gia (Royal Palace Museum) hay Haw Kham (Hồ Khâm), được xây dựng từ năm 1904 đến năm 1909 là nơi ở chính thức của hoàng gia vương quốc Luang Prabang.
Tòa nhà nằm tiếp giáp với tả ngạn sông Mekong.
Công trình được xây dựng bằng gạch và vữa, thay vì các vật liệu truyền thống.
Tòa nhà chính là sự pha trộn giữa lối kiến trúc của Lào và kiến trúc Beaux Arts của Pháp (dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa Tân cổ điển Pháp kết hợp Gothic và Phục Hưng/Renaissance, sử dụng vật liệu hiện đại, như sắt và kính; tồn tại cho đến cuối thế kỷ 19).
Công trình được thiết kế chủ yếu bởi người Pháp và được xây dựng với số lượng lớn công nhân đến từ Việt Nam.
Cung điện Hoàng gia là một tòa nhà duyên dáng và hấp dẫn.
Xung quanh cung điện còn có nhiều công trình khác như nhà hát, hội trường, nhà để xe, nhà thuyền và ngôi đền Haw Pha Bang với các trang trí công phu…
Năm 1975, công trình trở thành Bảo tàng Quốc gia.
Phối cảnh tổng thể Bảo tàng cung điện Hoàng gia, Luang Prabang, Lào
Mặt trước và mặt bên Bảo tàng cung điện Hoàng gia, Luang Prabang, Lào
Nội thất Hoàng cung xưa, Bảo tàng cung điện Hoàng gia, Luang Prabang, Lào
Đền Haw Pha Bang tại Bảo tàng cung điện Hoàng gia, Luang Prabang, Lào
Chùa Wat Wisunalat
Chùa Wat Wisunalat (Vixoun, Visounnarath, Vixunhalat, Wisunarat) được xây dựng dưới thời trị vì của vua Wisunarat (hay Vixoun, 1501-1520) vào năm 1513 và đại diện cho phong cách sớm nhất của kiến trúc chùa Lào. Phong cách này cũng bao gồm các mô phỏng của các ngôi chùa Wat That Luang và Wat Mai tại Luang Prabang.
Wat Wisunalat là ngôi chùa hoạt động lâu đời nhất của Luang Prabang.
Tranh vẽ chùa Wat Wisunalat, Luang Prabang vào năm 1860
Chính điện của chùa là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất của Cố đô, có mặt bằng rộng 18m x36m, mái kép nhiều lớp. Kết cấu đỡ mái gồm 12 cây cột gỗ cao đến 30m. Các kết cấu gỗ như cột, xà, cửa, vách ngăn được trang trí công phu, thể hiện một trình độ bậc cao của các nghệ nhân.
Chính điện cũng như chùa bị giặc Cờ Đen phương Bắc (Haw Black Flags) phá hủy hoàn toàn vào năm 1887.
Chính điện hiện tại được dựng lại vào năm 1896- 1898 với phong cách theo kiến trúc xưa, song phần chính của điện là gạch và thạch cao thay thế cho gỗ.
Tại phía Đông Bắc của Chính điện hiện còn lưu giữ được một bảo tháp That Pathoum (Stupa of the Great Lotus).
Bảo tháp có mái hình tròn như quả dưa hấu, rất hiếm tại khu vực bán đảo Đông Dương. Bảo tháp được xây dựng cùng thời với chùa và cũng bị cướp phá vào năm 1887. Công trình được phục dựng lại vào năm 1932.
Bên trong tháp còn lưu giữ được một số tượng Phật.
Chùa Wat Wisunalat, Luang Prabang ngày nay
Ban thờ chính tại Chính điện, chùa Wat Wisunalat; Tượng thờ là một trong những tượng Phật lớn nhất tại Luang Prabang, Lào
Trang trí bên trong chùa Wat Wisunalat, Luang Prabang, Lào
Bảo tháp That Pathoum tại chùa Wat Wisunalat, Luang Prabang, Lào
Đường phố
Trung tâm của thành phố cổ xưa chạy dọc theo 4 tuyến đường chính.
Dọc theo tuyến đường chính là các ngôi nhà được xây dựng thời thuộc địa, cao 1-2 tầng xen lẫn với các công trình tôn giáo.
Một trong các nghi lễ thực hành tôn giáo Phật giáo tại đây là lễ Khất thực, một nghi lễ có từ thế kỷ 14, diễn ra hàng ngày khi mặt trời mọc. Người dân địa phương dậy sớm chuẩn bị thức ăn cho hàng trăm nhà sư Phật giáo khởi hành từ các ngôi chùa ở thành phố, bắt đầu trên con phố chính của Luang Prabang trước khi lan ra tất cả các con phố phụ.
Tại đây có chợ đêm với nhiều sản vật tự nhiên và đồ thủ công mỹ nghệ phong phú rất hấp dẫn du khách.
Các ngôi nhà với kiến trúc thuộc địa chạy dọc theo các tuyến phố chính tại Luang Prabang, Lào
Các nhà sư đi khất thực vào sáng sớm trên các tuyến phố, thành phố Luang Prabang, Lào
Chợ đêm tại Luang Prabang, Lào
Di sản thành phố lịch sử Luang Prabang là một ví dụ nổi bật về sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc thuộc địa châu Âu, tạo thành các giá trị văn hóa nổi bật của quốc gia Lào tại khu vực Đông Nam Á.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/479
https://en.wikipedia.org/wiki/Laos
https://en.wikipedia.org/wiki/Luang_Prabang
https://en.wikipedia.org/wiki/Royal_Palace,_Luang_Prabang
http://www.visit-laos.com/luang-prabang/mount-phousi.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Wat_Xieng_Thong
https://en.wikipedia.org/wiki/Phou_Si
https://www.orientalarchitecture.com/sid/454/laos/luang-prabang/wat-xieng-thong
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|