Tuần 10 - Ngày 07/10/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam |
17/12/2012 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Địa điểm: Xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, VIệt Nam
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị:
Chùa Tiêu Sơn, thường gọi là chùa Tiêu, tên chữ là Thiên Tâm Tự, xưa có tên là chùa Lục Tổ, thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Tiêu từ lâu đã nổi tiếng là danh lam cổ tự, nằm tại sườn phía Tây núi Tiêu, quay về hướng Tây Nam, ra phía đền Lý Bát Đế (cách khoảng 4,8 km). Sát phía Bắc núi Tiêu là sông Tiêu Tương cổ, một nhánh của sông Ngũ Huyện Khê, chảy tới khu vực thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) ra sông Đuống.
Theo truyền thuyết, chùa Tiêu đã có từ lâu đời.
Đến thời Lý, đây là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi trụ trì của Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1018, họ Nguyễn, quê ở châu Cổ Pháp, nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Theo truyền thuyết, Thiền sư từ nhỏ đã thông minh khác người. Năm 21 tuổi ông xuất gia. Thiền sư tinh thông Đạo Phật, Đạo giáo và còn có tài tiên tri. Hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là sấm truyền.
Vua Lê Ðại Hành (Lê Hoàn, hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê, trị vì năm 980 – 1005) rất tôn kính Thiền sư, nhiều lần triệu ông vào hỏi những việc đại sự như cuộc chiến đánh quân Tống và quân Chiêm Thành. Những lời Thiền sư tiên tri về việc thắng Tống, bình Chiêm đều thành sự thật.
Về sau này, những lời sấm truyền của ông về nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê cũng đều ứng nghiệm.
Về tài tiên tri xuất chúng, sử sách nước Việt thường ca ngợi ông cùng với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585).
Tại chùa Tiêu Sơn, Thiền sư Vạn Hạnh có công nuôi dạy Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ, hoàng đế sáng lập nhà Lý, trị vì từ năm 1009 – 1028, quê tại châu Cổ Pháp, nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) từ năm 3 tuổi đến khi trưởng thành.
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh tại đỉnh núi Tiêu, cạnh chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Xưa kia chùa Tiêu còn là một thiền viện, nơi đào tạo chư tăng và cung cấp kinh sách nhà Phật cho vùng Kinh Bắc và cả nước.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy phần lớn, chỉ còn lại các mộ tháp của các vị sư tổ.
Chùa Tiêu hiện tại là kiến trúc của nhiều lần trùng tu tôn tạo.
Chùa gồm các công trình: Nghi môn, Chính điện, Nhà tổ, Nhà bia, Vườn tháp mộ và các công trình phụ trợ khác.
Sơ đồ vị trí chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Phối cảnh tổng thể chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Nghi môn
Phía trước Nghi môn là hồ nước. Giữa hồ là một đảo nhỏ. Cạnh đảo đặt một lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Từ đảo vào bờ có một cây cầu nhỏ.
Từ đường phía trước chùa có một hàng bậc rộng lên Nghi môn. Hai bên có lan đá hình tượng rồng.
Nghi môn chùa Tiêu Sơn gồm 4 trụ biểu. 2 trụ biểu trong cao, đỉnh trụ trang tri tứ phượng, giữa hai trụ biểu tạo thành cổng vào chùa. 2 trụ biểu ngoài thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Cả 4 trụ biểu có thân trụ phía trên trang trí ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng.
Giữa hai trụ biểu cao và thấp là bức tường trang trí Tứ quý. Trên các mảng tường phia trên đắp các bức đại tự.
Phía trước cổng có hai tượng đá hình tượng chú tiểu chắp tay đứng chầu.
Ao trước chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Cầu ra đảo với lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, phía trước chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn
Nghi môn chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Chính điện
Từ Nghi môn theo một đường bậc thang dài dẫn lên Nhà bia. Bên trong nhà bia có đặt tấm bia đá có tên “Lý Gia Linh Thạch”, niên đại 1793. Nội dung bia kể về sự tích sinh hạ vua Lý Công Uẩn và việc vua được gửi nhờ nuôi tại chùa Tiêu. Nhà bia là điểm trung tâm của chùa Tiêu Sơn.
Từ Nhà bia rẽ vào bên phải là tòa Chính điện hay Tam bảo.
Chính điện có mặt bằng hình chữ “đinh” hay chữ T gồm Bái đường và Hậu cung.
Bái đường chùa Tiêu 5 gian, được đặt trên một bệ cao 5 bậc so với sân phía trước, đầu hồi bít đốc, 2 mái. Phía trước có một hàng hiên. Hai bên đầu hồi tòa Bái đường có hai lầu nhỏ với mái chồng diêm, 8 mái, như một cổng vào sân trước Bái đường. Mặt trước 5 gian Bái đường là cửa bức bàn, kiểu thượng song, hạ bản.
Hậu đường chùa Tiêu nằm dọc so với Bái đường, dài 3 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái. Bên trong đặt các ban thờ Phật.
Kết cấu chịu lực của tòa Tam bảo bằng gỗ lim, bên trong trang trí theo phong cánh kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê, Nguyễn.
Phía bên phải tòa Tam bảo là một con đường bậc, dẫn lên đỉnh Tiêu Sơn.
Trên đỉnh núi Tiêu Sơn có tượng đài Thiền sư Vạn Hạnh, mới được dựng năm 1993.
Bậc lên phía sau Nghi môn dẫn lên Chính điện, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn
Nhà bia, điểm trung tâm của chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Hai đầu tòa Bái đường có hai lầu như hai cổng, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Tòa Bái đường chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Ban thờ bên trong tòa Bái đường, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Ban thờ Phật bên trong Hậu đường, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Phía sau Chính điện với đường dẫn lên đỉnh núi, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Nhà tăng và Nhà tổ
Từ Nhà bia rẽ sang trái là Nhà tăng, gồm 2 tòa đặt song song liền nhau, dài 5 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái.
Bên trái Nhà tăng là Nhà tổ, gồm 2 tòa đặt song song liền nhau, dài 3 gian, 2 chái. Cả hai toàn đều có mái kiểu chồng diêm, 2 tầng, 8 mái.
Bên trong Nhà tổ đặt ban thờ các vị tổ sư trụ trì chùa, trong đó có khám thờ với với tượng đồng Thiền sư Vạn Hạnh và tượng nhục thân của Thiền sư Như Trí.
Chùa Tiêu xưa từng lưu giữ ván in sách Thiền Uyển tập anh, một tác phẩm ghi chép về các danh tăng Việt Nam, có giá trị về văn học, sử học, triết học.
Sân phía trước nhà Tăng, bên phải Nhà bia, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Nhà tổ chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Ban thờ bên trong Nhà tổ, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh, bên trái ban thờ tổ tại Nhà tổ, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn
Tượng nhục thân Thiền sư Như Trí, bên phải ban thờ tổ tại Nhà tổ, chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn
Vườn tháp
Trong chùa Tiêu có nhiều tháp mộ, nằm rải rác từ chân núi, lên đến sườn núi. Đây là nơi chôn cất các vị sư trụ trì chùa.
Đặc biệt, trong vườn tháp mộ của chùa Tiêu có tháp mộ của Thiền sư Như Trí, viên tịch năm 1723, là người có công khắc in cuốn Thiền Uyển tập anh. Trong tháp mộ lưu giữ nhục thân của Thiền sư trong tư thế ngồi kiết già.
Năm 2004, nhục thân Thiền sư Như Trí bị hư hại nặng và đã được rước ra khỏi ngôi tháp mộ để phục hồi. (Một phiên bản tượng được đặt lại vào tháp mộ).
Tượng nặng 34kg, cao 78,5cm, là một trong những pho tượng thiền táng còn nguyên vẹn hiếm có tại Việt Nam. Hiện tượng được lưu giữ tại nhà Tổ chùa Tiêu Sơn.
Vườn tháp mộ, chùa Tiêu, Từ Sơn, Bắc Ninh
Tháp mộ của Thiền sư Như Trí tại chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh
Quần thể kiến trúc chùa Tiêu, Từ Sơn, Bắc Ninh được phục dựng từ một ngôi chùa cổ, còn lưu giữ được nhiều di tích liên quan trực tiếp đến vị Anh hùng dân tộc Việt Nam Lý Công Uẩn và vị cao tăng nổi tiếng Thiền sư Vạn Hạnh.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%A1n_H%E1%BA%A1nh
http://truyenhinhdulich.vn/video/chua-tieu-son-diem-hanh-huong-phat-giao-noi-tieng-5923.html
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/251/0/13646/Van_canh_chua_Tieu_Bac_Ninh
https://phatgiao.org.vn/chua-tieu-son-va-bi-an-nhuc-than-thien-su-nhu-tri-gan-300-nam-d33975.html
Xem video giới thiệu chùa tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 03/04/2020 )
|
Tin mới đưa:- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
Tin đã đưa:- Chùa Thiên mụ, Huế
- Chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh
- Chùa Kim Liên, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Bổ Đà, Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang
- Chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Hà và đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội Việt Nam
- Chùa Thày, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
- Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội
- Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
- Chùa Chuông, Khu di tích Phố Hiên, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Phổ Minh, Nam Định, Việt Nam
|