Tuần 24 - Ngày 19/01/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh |
06/12/2012 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Dâu hay Chùa Pháp Vân (Dau or Phap Van Temple, Bac Ninh Province, Vietnam)
Địa điểm: Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, VIệt Nam (21.035534 'N, 106.042595' E)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành: Thế kỷ thứ 2
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, năm 2013)
Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân, Cổ Châu hay chùa Cả, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km.
Đây là ngôi chùa được coi là nơi thờ cúng lâu đời nhất của người Việt. Chùa được xây dựng vào buổi đầu Công Nguyên năm 187 và hoàn thành năm 226. Các dấu tích vật chất của chùa xưa không còn. Chùa nay được dựng lại vào thế kỷ 14.
Chùa nằm ở vùng Dâu, xưa còn gọi là Luy Lâu, là thủ phủ của quận Giao Chỉ và của cả Giao Châu từ năm 111 TCN đến 106 TCN. Luy Lâu thời Bắc thuộc (năm 111 TCN đến 905 sau Công nguyên) không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế - thương mại, trung tâm văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Đây là nơi giao lưu của văn hóa Phật giáo, từ Ấn Độ, Trung Á, Nam Á sang và văn hóa Nho Lão, từ phương Bắc (Trung Hoa - Đông Á) xuống, để rồi kết tụ thành văn hóa Kinh Việt.
Vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: chùa Dâu thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ, chùa Tướng thờ Pháp Lôi, chùa Dàn thờ Pháp Điện và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp.
Có nhiều nhận thức về tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Trong đó có nhận thức về tôn giáo bản địa – Thần đạo Việt Nam (thờ tổ tiên, cha mẹ, các vị có công với dân với nước, tự nhiên xung quanh), không chỉ là đức tin kết nối con người với con người, con người với tự nhiên, vũ trụ mà còn kết nối cả tôn giáo với tôn giáo. Tứ Pháp là một hình thức tín ngưỡng được hình thành chính từ sự kết nối, hòa hợp giữa Thần đạo Việt Nam - đạo Mẫu (thờ các vị thần tự nhiên bản địa, mang yếu tố nội sinh) và đạo Phật (yếu tố ngoại nhập).
Chùa Đậu tại vùng Dâu đã bị phá hủy trong chiến tranh nên pho tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) được thờ chung trong chùa Dâu.
Trong tín ngưỡng thờ Tứ Pháp thì Pháp Vân đứng đầu, đại diện cho cả Tứ Pháp. Mỗi khi triều đình thỉnh tượng về kinh đô cầu đảo, có thể rước cả bốn tượng hoặc chỉ mình Pháp Vân. Vì vậy, Chùa Dâu đã trở thành trung tâm của tín ngưỡng này ở vùng Dâu và cả nước.
Chùa Dâu gắn liền với sự tích Phật Mẫu Man Nương, thờ tại chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự) ở làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách chùa Dâu 1 km.
Man Nương là một nữ tu từ năm 10 tuổi tại chùa Phúc Nghiêm. Vị sự trụ trì chùa là Khâu Đà La, theo truyền thuyết là nhà sư Ấn Độ, sang Giao Châu vào thời Hán Linh Đế (hoàng đế thứ 27 triều Hán, tại vị từ năm 168- 189). Tối đến Man Nương ngủ tại thềm chùa. Một buổi tối, Khâu Đà La bước qua thềm. Man Nương có thai, qua 20 tháng sinh hạ một bé gái và mang đến chùa trả cho thiền sư.
Thiền sư hóa phép đứa bé nhập vào thân một cây cổ thụ cạnh chùa.
Sau đó, Khâu Đà La trao cây gậy tích trượng của mình cho Man Nương và dặn khi nào hạn hán thì mang ra dùng. Khi vùng Dâu hạn hán 3 năm liền, nhớ lời dặn của Thiền sư, Man Nương mang cây tích trượng cắm xuống đất. Ngay lập tức, nước phun lên, chúng sinh thoát nạn.
Tiếp đó có trận mưa to, cuốn cây cổ thụ cạnh chùa xuống sông Dâu, dạt về Luy Lâu. Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiêp (cai trị giai đoạn năm 187- 226) cho người vớt lên, song không được. Man Nương đi qua, nhận ra cây cổ thụ ở chùa xưa, làm phép với cây lên. Thái Thú thấy thế kinh sợ và cho người lấy gỗ cây thiêng tạc 4 pho tượng Phật mẫu, tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên: Tạc xong pho thứ nhất thì trời hiện mây ngũ sắc nên đặt tên tượng là Pháp Vân; Tạc xong pho thứ hai thì trời đổ mưa nên đặt tên tượng là Pháp Vũ; Tạc xong pho thứ ba thì trời nổi sấm nên đặt tên tượng là Pháp Lôi; Tạc xong pho thứ tư thì trời nổi sét nên đặt tên tượng là Pháp Điện.
4 tượng được thờ trong 4 chùa trong cùng khu vực: Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng.
Khi tạc tượng, những người thợ phát hiện trong thân cây cổ thụ một khối đỏ tỏa sáng. Khối đá ấy gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng), được mang về thờ trong Chùa Dâu.
Chùa Dâu được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông (vị vua thứ 4 của vương triều Trần, trị vì 1293- 1314) đã sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272- 1346) về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Hiện nay, ở tòa Thượng điện, chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời nhà Trần và thời nhà Lê.
Phối cảnh tổng thể Chùa Dâu, Bắc Ninh
Sơ đồ mặt bằng Khu vực chính Chùa Dâu, Bắc Ninh
Cũng như nhiều chùa trên đất Việt Nam, Chùa Dâu được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Chùa quay về hướng Tây. Theo trục Thần đạo, từ ngoài vào trong, Chùa Dâu gồm các hạng mục công trình chính:
Tam quan, Tiền đường và Tháp Hòa Phong
Tam quan của chùa gồm 3 gian với bộ khung gỗ gác trên 4 hàng chân cột, mái ngói. Tường hồi bít đốc, mở thông thoáng cả 3 gian.
Ngoài cùng của chùa Dâu là tòa Tiền đường (hình vẽ ký hiệu 1), gồm 7 gian, 2 chái, suốt theo chiều ngang của chùa. Nhà dạng khung gỗ, 4 mái, lợp ngói, đầu đao cong. Nội thất bày một số bàn ghế để khách sắp lễ, trước khi vào lễ Phật.
Phía sau tòa Tiền đường là một sân rộng (hình vẽ ký hiệu 2).
Trung tâm của sân là tháp Hòa Phong (hình vẽ ký hiệu 3). Tháp được cho là xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 6, cấu trúc hiện tại được xây dựng vào năm 1737. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Tháp cao chín tầng, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17m. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ "Hòa Phong tháp". Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7 m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Tứ trấn Thiên Vương cao 1,6 m ở bốn góc, bằng đất phủ sơn. Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m, là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán.
Tòa Tiền đường, phía sau là Tháp Hòa Phong, Chùa Dâu, Bắc Ninh
Tháp Hòa Phong với tòa Bái đường phía sau, Chùa Dâu, Bắc Ninh
Nội thất Tháp Hòa Phong với tượng Tứ chấn, Chùa Dâu, Bắc Ninh
Nội thất Tháp Hòa Phong với chuông, chiêng bằng đồng đúc năm 1817
Cừu đá ngàn năm tuổi dưới chân tháp Hòa Phong, Chùa Dâu, Bắc Ninh
Khu vực chùa chính: Bái đường, Thiêu hương và Thượng điện
Chùa chính gồm một cụm ba tòa tạo thành hình chữ công (H): Bái đường, Thiêu hương và Thượng điện.
Bái đường (hình vẽ ký hiệu 6) gồm 7 gian. Nhà dạng khung gỗ, 2 mái, lợp ngói. Trên các đầu kẻ, bẩy, cốn đều được chạm nổi hoa văn mây lá, tứ linh, tứ quý. Bái đường là nơi thờ Hộ Pháp, Đức Ông, Đức Thánh Hiền, Bát Bộ Kim Cương…
Thiêu hương (hình vẽ ký hiệu 7) gồm 3 gian, 2 mái, nối với Bái đường và Thượng điện bằng một đoạn hành lang (ống muống). Thiêu hương thờ Thập điện Diêm Vương, Tam châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi...Tại đây đặt tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) chuyển từ chùa Đậu tới.
Thượng điện (hình vẽ ký hiệu 8) gồm 3 gian, 2 chái với 4 mái đao cong. Gian giữa đặt tượng Bà Dâu, hay Pháp Vân. Tượng màu đồng hun gần như đen, cao gần 2m, có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới nữ thần Ấn Độ. Ở hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Phía trước là một hộp gốm, bên trong đặt Thạch Quang Phật. Hai bên ban thờ còn có tượng Bà Trắng và Bà Đỏ. Những tượng này đều có niên đại thế kỷ 18.
Bên trái của tòa Thượng điện có pho tượng thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Thiền sư người Ấn Độ, sang Việt Nam khoảng năm 580, cư trú tại chùa Pháp Vân, Bắc Ninh). Tượng được đặt trên một bệ gỗ hình sư tử đội tòa sen, có thể có niên đại thế kỷ 14.
Mặt trước tòa Bái đường, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Nội thất tòa Bái đường, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Nội thất tòa Thiêu hương, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Tượng các vị thần dọc theo hai bên tường tòa Thiêu hương, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Tượng Pháp Vũ, Bà Đậu, chuyển từ Chùa Thành Đạo ( do bị phá năm 1947) đến đặt tại tòa Thiêu hương, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Gian thờ Pháp Vân - Bà Dâu tại Thượng điện, hai bên là Kim Đồng, Ngọc Nữ đứng và Bà Đỏ và Bà Trắng ngồi, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Tượng Pháp Vân - Bà Dâu; phía trước là hộp đựng Thạch Quang Phật, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Tượng thờ hai bên Thượng điện, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
|
|
Tượng thờ Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi, người sáng lập Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, ở tòa Thượng điện (ảnh bên trái); Tượng thờ Mạc Đĩnh Chi tại tòa Thiêu hương (ảnh bên phải), Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Tòa Hậu điện và Hành lang bao quanh chùa
Phía sau chùa chính là Hậu điện (hình vẽ ký hiệu 9), gồm 9 gian, 2 mái, nơi đặt các tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng. Hậu điện kết nối với hai dãy hàng lang song song với nhau và với Tiền đường tạo thành không gian hình chữ nhật (chữ quốc) bao quanh chùa.
Hai dãy hành lang hai bên (hình vẽ ký hiệu 4 và 5) , mỗi dãy có 22 gian 2 mái và được chia thành 2 phần: Hành lang phía trước 12 gian; Hành lang phía sau 10 gian. Ngăn cách với nhau bởi một bộ cửa ván bưng. Hành lang phía sau thờ 18 vị La Hán. Bên cạnh chùa là Tổ đường và Vườn tháp. Tại đây hiện có 8 tháp gạch, là nơi yên nghỉ của các vị sư trụ trì chùa, có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn, khoảng từ thế kỷ 14 đến 19.
Bàn thờ Tam thế Phật tại Hậu điện, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Bàn thờ Đức Ông tại Hậu điện, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Hành lang hai bên chùa, thờ các vị La Hán, Chùa Pháp Vân, Bắc Ninh
Chùa Dâu hay Chùa Pháp Vân, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một minh chứng về sức mạnh của Thần Đạo Việt Nam, không chỉ kết nối con người với con người, con người với tự nhiên, con người với đức tin mà còn kết nối giữa tôn giáo và tôn giáo.
Chùa Dâu hay Chùa Pháp Vân được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gian năm 1962.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_D%C3%A2u
https://en.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2u_Pagoda
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%A2u_%C4%90%C3%A0_La
https://vi.wikipedia.org/wiki/Luy_L%C3%A2u
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_T%E1%BB%95
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_M%E1%BA%ABu_Man_N%C6%B0%C6%A1ng
https://www.orientalarchitecture.com/sid/1379/vietnam/bac-ninh-province/dau-or-phap-van-temple
Xem video giới thiệu chùa tại đây
- Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
- Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
- Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 05/04/2020 )
|
Tin mới đưa:- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
Tin đã đưa:- Chùa Bổ Đà, Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang
- Chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Hà và đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội Việt Nam
- Chùa Thày, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
- Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội
- Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
- Chùa Chuông, Khu di tích Phố Hiên, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Phổ Minh, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Keo, Vũ Thư, Thái Bình, Việt Nam
- Trung tâm Direzionale di Fontivegge, Perugia, Ý - KTS Aldo Roosi
- Chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam
- Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội
- Chùa Kiến Sơ, Gia Lâm, Hà Nội
|