Tuần 18 - Ngày 07/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
09/12/2012 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Thiên Mụ (Thiên Mụ Pagoda, Hue, Vietnam)
Địa điểm: Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích 4,24ha
Thời gian hình thành: Năm 1601
Giá trị: Là một công trình trong Quần thể di tích Cố đô Huế, Di sản thế giới (năm 1993).
Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1993) với tiêu chí: Là một ví dụ nổi bật về một thủ đô phong kiến phương Đông.
Di sản Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm các 14 hạng mục Di sản, trong đó có chùa Thiên Mụ.
Sơ đồ vị trí 14 hạng mục Di sản trong Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Sơ đồ Khu vực Chùa Thiên Mụ - Hạng mục Di sản 10; Màu đỏ: Phạm vi Di sản
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ (hạng mục Di sản 10) nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Huế. Khu vực Di sản có diện tích 4,24 ha.
Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm 1601, đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong, trị vì năm 1558- 1613). Trước đó, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa mang tên Thiên Mẫu của người Chăm.
Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị mở mang cơ nghiệp cho họ Nguyễn sau này. Trong một lần đi dọc sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ có tên Hà Khê nhô lên bên dòng nước với thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
Vào năm 1601, Nguyễn Hoàng đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là chùa Thiên Mụ.
Năm 1665, chùa được chúa Nguyễn Phúc Tần (vị chúa Nguyễn thứ 4 ở Đàng Trong, trị vì 1648- 1678) cho trùng tu. Và từ cuối thế kỷ 17 trở đi, sau khi thủ phủ chuyển về đất Phú Xuân, chùa Thiên Mụ thay thế hẳn vị thế của chùa Sùng Hóa (hiện mất dấu tích) và chiếm vị trí quốc tự hàng đầu của Đàng Trong.
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (vị chúa Nguyễn thứ 6 ở Đàng Trong, trị vì năm 1691- 1752) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn hơn. Năm 1710, chúa cho đúc một chiếc chuông lớn, có chiều cao 2,5m, đường kính miệng 1,40m, nặng hơn 2 tấn, gọi là Đại Hồng Chung, trên có khắc một bài minh. Đến năm 1714, chùa lại được đại trùng tu với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn. Chúa Nguyễn Phúc Chu còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2,6m,rộng 1,2m) nói về tiến trình xây dựng các công trình kiến trúc; việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh; ca tụng triết lý của đạo Phật; ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.
Năm 1844, chùa được xây dựng bổ sung thêm tháp bát giác Phước Duyên (tên ban đầu là Từ Nhân), phương đình Hương Nguyện...
Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong thời bấy giờ.
Chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.
Năm 1904, chùa bị trận bão tàn phá nặng nề, nhiều công trình bị hủy hoại hoàn toàn, trong đó có phương đình Hương Nguyện. Năm 1907, vua Thành Thái (vị hoàng đế thứ 10 triều Nguyễn, trị vì từ năm 1889- 1907) cho xây dựng lại chùa, nhưng quy mô không còn được to lớn như trước nữa.
Từ năm 2003-2006, chùa Thiên Mụ đã được đại trùng tu.
Qua nhiều đợt tu sửa lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật như tượng, hoành phi, câu đối, bia đá, khánh đồng (đúc năm 1677) chuông đồng (đặc biệt là Đại Hồng Chung, bảo vật quốc gia cùng bộ Cửu vị thần công và bộ Cửu đỉnh trong kinh thành Huế)...ghi lại thời kỳ vàng son của chùa Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ, Huế
Phối cảnh tổng thể chùa Thiên Mụ, Huế
Phối cảnh khu vực Tam tòa, chùa Thiên Mụ, Huế
Chùa Thiên Mụ nằm theo trục Bắc Nam, hướng về sông Hương tại phía Nam, bao gồm các hạng mục công trình chính: Nghi môn ngoại; Nghi môn Nội; Tháp Phước Duyên; Tam tòa gồm điện Đại hùng, điện Địa Tạng và điện Quán Âm, Tả vu, Hữu vu và vườn.
Nghi môn ngoại
Nghi môn ngoại nằm ngay cạnh bến thuyền sông Hương, gồm 4 trụ biểu tạo thành 3 lối vào. Trụ hình vuông, 4 mặt thân trụ đắp các dòng câu đối. Từ Nghi môn ngoại theo 15 bậc thang lên sân chùa. Tại đây, trước kia có phương đình Hương Nguyện, này chỉ còn di tích nền móng do trận bão năm 1904 tàn phá.
Bốn trụ biểu Nghi môn ngoại và các bậc thang dẫn lên chùa Thiên Mụ
Tháp Phước Duyên
Phía sau di tích phương đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên. Đây là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ.
Tháp cao 21m, gồm 7 tầng, đặt tại phía trước chùa.
Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Cấu trúc xây dựng của tháp bằng bê tông, trang trí bằng Pháp lam Huế.
Hai bên tháp Phước Duyên có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời vua Thiệu Trị (hoàng đế thứ 3 triều Nguyễn, trị vì năm 1841-1847). Sâu vào bên trong là hai nhà lục giác, một nhà để bia và một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Tháp Phươc Duyên với 4 lầu bia, lầu chuông hình tứ giác và lục giác ở hai bên
Nghi môn nội
Nghi môn nội là một tòa 3 gian, 4 mái. Gian giữa có cao 2 tầng với 4 mái. Hai bên Nghi môn nội có lầu Chuông, lầu Trống.
Nghi môn Nội, chùa Thiên Mụ, Huế
Nghi môn Nội, chùa Thiên Mụ, Huế; nhìn từ trong ra
Điện Đại Hùng
Điện Đại Hùng nằm phía trước (Tiền đường), gồm 2 tòa đặt song song kề liền nhau: Tòa Bái đường và tòa Chính điện.
Tòa Bái đường nằm phía ngoài, gồm 5 gian 2 chái, mái 2 tầng, 8 mái; bên trong thờ Phật Di Lặc.
Tòa Chính điện nằm phía trong, gồm 5 gian 2 chái, mái 2 tầng, 8 mái, song có chiều rộng gấp đôi so với tòa Bái đường; bên trong thờ Tam Thế Phật, hai bên thờ Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát.
Tòa Bái đường, điện Đại Hùng, chùa Thiên Mụ, Huế
Ban thờ Phật trong Chính điện, tòa Đại Hùng, chùa Thiên Mụ, Huế
Điện Địa Tạng
Sau điện Đại Hùng là điện Địa Tạng (tòa Trung đường) được xây trên nền điện cũ. Tòa nhà có mặt bằng hình vuông, gồm 3 gian, mái 3 tầng, 8 mái. Đây là ngôi nhà dựng lại theo cấu trúc phương đình Hường Nguyện.
Điện Quán Âm
Sau điện Địa Tạng là điện Quán Âm, là điện thờ sau cuối chùa (tòa Hậu đường). Toàn nhà gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái. Trong điện có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được đúc bằng đồng đen, phía trước có một bức tượng đá nằm trong tủ kính. Ở hai bên đặt tượng Thập Vương.
Điện Quán Âm, chùa Thiên Mụ, Huế
Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ
Bia đá chùa Thiên Mụ, Huế
Trong khuôn viên của chùa có hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn (1845 – 1907); Chiếc xe ô tô - di vật của Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897- 1963) để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm năm 1963.
Cuối khu vườn là khu mộ tháp của Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905- 1992), vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ.
Chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức
Khu mộ tháp của Hòa thượng Thích Đôn Hậu
Chùa Thiên Mụ là một trong những ngôi chùa cổ nhất và đẹp nhất xứ Huế.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/678
http://www.hueworldheritage.org.vn
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Thi%C3%AAn_M%E1%BB%A5
http://hueworldheritage.org.vn/TTBTDTCDH.aspx?TieuDeID=35&TinTucID=48&l=vn
http://redsvn.net/chum-anh-chua-thien-mu-ngoi-co-tu-noi-tieng-nhat-mien-trung/
- Xem video giới thiệu chùa tại đây
- Xem bài viết về Di sản thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 30/01/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh
- Chùa Kim Liên, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Bổ Đà, Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang
- Chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Hà và đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội Việt Nam
- Chùa Thày, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
- Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội
- Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội
- Chùa Chuông, Khu di tích Phố Hiên, Hưng Yên, Việt Nam
- Chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Phổ Minh, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Keo, Vũ Thư, Thái Bình, Việt Nam
|