Tuần 13 - Ngày 03/11/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương |
02/05/2013 |
Thông tin chung:
Công trình: Văn miếu Mao Điền, Hải Dương
Địa điểm: Xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (20°56′6″B 106°11′10″Đ)
Quy mô: Diện tích đất 3,6ha
Năm hình thành: Thế kỷ 15
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, năm 2018)
Văn miếu Mao Điền tọa lạc tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (xưa là xã Mao Điền, tổng Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng), là một trong số ít Văn Miếu còn tồn tại ở Việt Nam (Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội; Văn miếu Xích Đằng, Hưng Yên; Văn miếu Mao Điền, Hải Dương; Văn miếu Bắc Ninh; Văn thánh miếu Huế; Văn miếu Vĩnh Long...).
Văn miếu Mao Điền được khởi dựng vào thời Lê Sơ (1428-1527), nguyên được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa. Nhưng vào thời nhà Mạc (1527-1592), tại đây đã bốn lần tổ chức thi Đại khoa. Năm 1806, thời Tây Sơn, (1778 -1802), để thuận tiện cho việc quản lý, triều đình đã chuyển Văn miếu thờ Khổng Tử (nhà khai sáng Nho giáo, 551 TCN - 479 TCN) từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) về sáp nhập với trường thi Hương ở xã Mao Điền, tạo thành một trung tâm văn hóa lớn thời bấy giờ.
Tại miền Bắc Việt Nam, Văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời, đứng thứ 2, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Năm 1948, Văn miếu Mao Điền bị thực dân Pháp phá hủy, được tôn tạo lại năm 2002.
Bắt đầu từ năm 2002, ngoài việc thờ Khổng Tử, tại Văn miếu Mao Điền còn phối thờ thêm 8 vị Danh nhân nổi tiếng người Việt.
Quần thể Văn miếu Mao điền có quy mô khoảng 3,6ha, quay về hướng Nam, bao gồm các công trình: Nghi môn, Nhà bia Tiến sĩ, hồ Thiên Quang, Nhà bia, Lầu chuông và Lầu trống, tòa Giải vũ, Chính điện và các công trình phụ trợ khác.
Sơ đồ vị trí Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Phối cảnh tổng thể Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Nghi môn
Nghi môn hay Văn miếu môn nằm tại giới hạn Sân ngoài Văn miếu, như một quảng trường rộng lớn.
Nghi môn được phục dựng vào năm 1995, có hình dáng tương tự như Nghi môn của Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, gồm Chính môn, Tả môn và Hữu môn kiểu vòm cuốn. Chính môn cao tính từ nền tới nóc đến 5,7m, 2 tầng, 8 mái. Phía trước Chính môn có hai trụ biểu. Đỉnh trụ đắp nổi 4 phượng chầu; phia dưới là ô lồng đèn, ô đắp câu đối; đế trụ dạng cổ bồng. Tả, Hữu môn mái 2 tầng 8 mái. Hai bên Nghi môn là bức tường giới hạn mặt trước khu vực Văn Miếu.
Nghi môn Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Nhà bia Tiến sĩ
Do nhiều nguyên nhân, trước đây không có bia đề danh Tiến sĩ.
Năm 2002, hai Nhà bia Tiến sĩ đã được xây dựng tại Sân giữa, nằm phía sau Nghi môn. Mỗi Nhà bia có 7 gian, bên trong đặt 14 tấm bia. Trong đó có 1 tấm bia ghi tóm tắt lịch sử Văn miếu và quá trình khắc dựng bia. 13 tấm bia còn lại ghi danh 637 Tiến sĩ, giai đoạn năm 1075-1919, quê tại trấn Hải Dương. Bia mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ Quốc ngữ.
Nhà bia Tiến sĩ, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Hồ Thiên Quang
Tiếp phía sau Sân giữa là hồ Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh). Trước kia là hai chiếc ao đào để lấy nước tưới, được xây dựng cùng thời với Văn miếu (1801). Trải qua năm tháng, ao bị sạt lở. Năm 2002, ao được được phục dựng lại theo mô hình giếng Thiên Quang trong Văn miếu Quốc Tử giám Hà Nội. Hồ mặt bằng hình chữ nhật. Chính giữa hồ, theo trục chính của Văn miếu là cầu qua hồ. Cầu và lan can bằng đá.
Nhà bia
Văn miếu Mao Điền có 2 Nhà bia đặt hai bên hồ Thiên Quang. Tại đây còn lưu giữ được 3 tấm bia bằng đá xanh, ghi nhận những lần trùng tu, tôn tạo di tích. Chỉ có 2 tấm còn rõ chữ, còn 1 tấm đã bị bào mòn không thể đọc.
Tấm bia thứ nhất có tựa đề “Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo” (tạo bia ngày tốt, tháng 8 năm Tân Dậu), có kích thước dài 151cm, rộng 91cm, dày 25cm, ghi việc di chuyển Văn miếu Hải Dương từ Vĩnh Lại (Bình Giang) về Mao Điền (Cẩm Giàng). Bia được tạo dựng vào năm 1801.
Tấm thứ hai có tựa đề “Trùng tu Văn miếu bi ký”,có kích thước dài 141cm, rộng 92cm, dày 19cm, được đặt trên bệ đá, ghi việc trùng tu Văn miếu năm 1806 với việc hoàn thiện các hạng mục công trình: Bái đường, Hậu cung, Khải Thánh, Tây vu, Đông vu, nhà Học hiệu, Lầu chuông, Lầu trống, gác Khuê Văn. Bia được tạo dựng vào năm 1810.
Lầu chuông, Lầu trống
Qua hồ Thiên Quang là đến Sân trong. Hai bên Sân trong là Lầu chuông, Lầu trống, 2 tầng, 8 mái, được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Chuông đặt trong lầu chuông nặng 1042 kg đường kính miệng 115cm, cao 150cm;
Trống trong Lầu trống có miệng 150cm, chu vi tang trống 565cm, dài 188cm.
Công trình được xây dựng vào năm 1806. Năm 2004 được phục dựng lại. Cạnh Lầu chuông có một cây gạo cổ thụ có tuổi hàng trăm năm.
Hồ Thiên Quang và Chính điện, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Cầu đá trên hồ Thiên Hương, dẫn tới Lầu chuông, Lầu Trống và cây gạo cổ thụ
Lầu trống cạnh hồ Thiên Quang, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Tòa Giải vũ
Hai bên Sân trong là 2 tòa Giải vũ, nằm ở hai phía Đông, Tây, đối diện nhau nên còn gọi là nhà Đông vu, Tây vu.
Công trình được xây dựng vào năm 1801, mỗi tòa 5 gian, 4 mái.
Đây là nơi tụ họp của bá quan văn, võ trước khi vào lễ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền. Công trình được phục dựng vào năm 2004, 2015.
Hiện nay, tòa Đông vu được sử dụng làm nhà Giáo dục truyền thống của tỉnh Hải Dương. Tòa Tây vu được sử dụng làm nhà khách của Ban quản lý Di tích.
Điện thờ
Điện thờ Văn miếu Mao Điền có kiến trúc theo kiểu chữ nhị hay "trùng thiềm, điệp ốc”, gồm tòa Bái đường và Hậu đường. Hai tòa có quy mô gần giống nhau, 7 gian, 2 tầng mái, 8 mái. Hậu đường có bề rộng nhà lớn hơn.
Bái đường là nơi lễ bái của các bậc quan trường, học giả. Hiện đây là nơi đặt bàn thờ Công đồng.
Bên trong Bái đường hiện có 2 di vật cổ nhất của văn miếu Mao Điền là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ Công đồng và chiếc khánh đá từ thời Tây Sơn. Chiếc khánh được làm bằng đá nguyên khối, kích thước dài 150cm, cao 73cm, dày 12cm.
Hậu đường là nơi thờ Khổng Tử và 8 vị Đại khoa Nho học hàng đầu của Việt Nam thời phong kiến.
Ban thờ chính đặt tượng trong tư thế ngồi (cao 90- 95cm) của 5 vị:
Chính giữa là ban thờ Đức thánh Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN), được người đời sau tôn vinh là Vạn thế sư biểu (người thầy của muồn đời).
Bên phải ban thờ Đức Khổng Tử là ban thờ Nguyễn Trãi (1380 – 1442), nhà quân sự, chính trị , ngoại giao, nhà văn, thơ, Danh nhân văn hóa thế giới và Anh hùng dân tộc Việt Nam.
Bên trái là ban thờ Chu Văn An (1292 – 1370), nhà giáo, Tư nghiệp Quốc tử giám thời vua Trần Minh Tông (hoàng đế thứ 5 vương triều Trần, trị vì 1314- 1329).
Mở rộng qua bên phải là ban thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), nhà chính trị, nhà triết học, ngoại giao, nhà tiên tri, nhà văn hóa; Trình quốc công Trạng nguyên.
Mở rộng qua bên trái là ban thờ Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346), là Trạng nguyên, Thượng thư. Năm 28 tuổi ông đi sứ Trung Quốc, được hoàng đế nhà Nguyên phong Lưỡng quốc Trạng nguyên.
Trong Hậu đường còn có các khám thờ của 4 vị:
Khám thờ Nguyễn Bá Tĩnh (1330 - 1400), Thánh tổ thuốc Nam, Đại danh y Tuệ Tĩnh.
Khám thờ Phạm Sư Mạnh (1330 - 1384), Nhập hành nội khiển thời vua Trần Minh Tông (hoàng đế thứ 5 vương triều Trần, trị vì 1314- 1329).
Khám thờ Vũ Hữu (1444 – 1530), nhà chính trị, toán học và văn hóa, Thượng thư Bộ Lại thời vua Lê Thánh Tông (hoàng đế thứ 5 triều Hậu Lê, trị vì năm 1442- 1497); được dân gian phong là Trạng Toán.
Khám thờ Nguyễn Thị Duệ (Nguyễn Ngọc Toàn, 1574- 1654), nữ Tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Khoa bảng Việt Nam.
Tổng mặt bằng Chính điện, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Tòa Tả vu (và Hữu vu) hai bên Sân trong phía trước tòa Bái đường, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng
Mặt trước tòa Bái đường, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Mặt bên Tòa Bài đường và Hậu đường, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Khoảng sân giữa tòa Bái đường và Hậu đường, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Bên trong tòa Bái đường với khánh đá cổ, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Gian chính Hậu đường thờ Khổng tử, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Ban thờ Nguyễn Trãi, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Ban thờ Chu Văn An, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Ban thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Ban thờ Mạc Đĩnh Chi, Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giáng, Hải Dương
Phía sau Điện thờ có một gò đất, gọi là "Hậu chẩm", cao 1,2m so với nền sân tòa Bái đường.
Ngoài ra trong Văn miếu Mao Điền có miếu Khải Thánh, là một tòa 3 gian, nơi thờ cha mẹ Khổng Tử, được xây dựng vào năm 1806, phục dựng vào năm 2010; Miếu Thổ Cờ, nơi thờ Thổ thần, đặt tại góc bên phải, phía trước Văn Miếu với kiến trúc kiểu chữ "đinh" hay chữ T, gồm 3 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung.
Văn miếu Mao Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương là địa điểm gắn với các vị danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc: Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Nguyễn Thị Duệ.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%BA%
B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_mi%E1%BA%BFu_Mao_%C4%90i%E1%BB%81n
http://camgiang.haiduong.gov.vn/ViewDetail/1146.aspx
https://www.youtube.com/watch?v=AbkZZO0ZMK4
- Xem video giới thiệu công trình tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 13/02/2020 )
|
Tin mới đưa:- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh và Đền, chùa, đình Hai Bà Trưng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Kiến trúc nhà tạ (thủy tạ) tại cố đô Huế
- Đình Chèm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
- Làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định – Ngôi làng hình cá chép
- Engineering Building của KTS. James Stirling
- Thăng Long tứ trấn: Đền Bạch Mã; Đền Voi Phục; Đền Kim Liên; Đền Quán Thánh
- Đền Huyền Thiên Trấn Vũ - Đền Sái, Thuỵ Lâm, Đông Anh, Hà Nội
- Phủ Quảng Cung, Ý Yên, Nam Định, Việt Nam
- Đền thờ Chử Đồng Tử - Đền Dạ Trạch và đền Đa Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên
- Đền Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội
- Đền Tản Viên Sơn Thánh, Ba Vì, Hà Nội
- Khu phố cổ Hà Nội
- Đền Ghênh, Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, Việt Nam
- Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
|