Tuần 24 - Ngày 16/01/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đền Huyền Thiên Trấn Vũ - Đền Sái, Thuỵ Lâm, Đông Anh, Hà Nội |
28/03/2013 |
Thông tin chung:
Công trình: Đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Địa điểm: Thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị:
Đền Sái nằm trên núi Sái, một ngọn núi nổi lên giữa cánh đồng mênh mông ven sông Cà Lồ. Theo các huyền tích, núi Sái là ngọn núi lớn nhất trong bảy ngọn núi thiêng Thất Diệu Sơn ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội. 7 gò núi như 7 con rùa, trong đó con rùa đầu đàn là núi Sái.
Đền thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ (Chấp Minh, Chân Vũ, Trấn Võ).
Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong những vị thần được thờ phụng phổ biến tại Trung Quốc và các nước Á Đông.
Đây là vị thần tượng trưng cho sao Bắc cực và là thủy thần. Theo hầu Trấn Vũ là tướng Quy, Xà và Ngũ long thần tướng.
Theo truyền thuyết, vào thuở sơ khai, ngài bắt nguồn từ loài Rùa cổ đại, rồi trở thành vị thần Bắc Đẩu Tinh Quân trên Thiên giới, thuộc nhóm Tứ linh (một khái niệm hình tượng trong thiên văn, triết học, phong thủy,... phương Đông): Thanh Long của phương Đông; Bạch Hổ của phương Tây; Chu Tước của phương Nam; Huyền Vũ của phương Bắc. Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ phụng ở nhiều nơi. Tượng thần Chân Vũ thường được tạc dáng đang ngồi, tay trái bắt quyết, tay phải chống lên thanh gươm; thanh gươm chống lên lưng rùa, có con rắn cuốn quanh.
Tương truyền, vua An Dương Vương (vua Việt Nam, trị vì 257 - 208 TCN / 208 - 179 TCN) xây thành Cổ Loa, cứ ngày đắp, đêm lại bị đổ. Vua bèn lập đàn cầu khẩn, được Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy hiện ra mách kế giết kẻ phá thành là yêu ma Bạch Kê Tinh. Sau đó, thành mới xây xong.
Tưởng nhớ công tích của Đức thánh, vua đã cho xây đền trên đỉnh núi Thất Diệu để thờ. Đây cũng là nơi Huyền Thiên đã tu luyện và cũng được gọi là Vũ Đương Sơn.
Hằng năm cứ đến tiết xuân, vua Thục Phán An Dương Vương lại đưa quan quân về bái yết. Nơi này trở thành một hành cung, vì vậy còn có tên là Kim Khuyết Cung.
Về sau, thấy đại giá đi lại làm hao phí thời giờ và tiền bạc của dân, nên vua giao cho dân Thụy Lôi thay mặt mình thực hành nghi lễ cúng tế. Ngày nay, hằng năm dân làng lại chọn ra người có đủ tài đức đóng vai vua và các quan tứ trụ cận vệ để rước vào ngày 11 tháng giêng.
Lễ hội Rước vua đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Vua Lý Thái Tổ (hoàng đế sáng lập nhà Lý, trị vì năm 1009 – 1028) sau khi dời đô ra Thăng Long, đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn, nhà vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía Bắc kinh thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về đó để thờ. Từ đấy, Huyền Thiên trở thành vị thần trấn Bắc trong "Thăng Long tứ trấn". Đây là khái niệm xuất hiện trong dân gian để chỉ về bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các phương của thành Thăng Long: Trấn Đông là đền Bạch Mã tại phố Hàng Buồm, thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội; Trấn Tây là đền Voi Phục hay đền Thủ Lệ tại Công viên Thủ Lệ, thờ Linh Lang - một hoàng tử thời nhà Lý; Trấn Nam là đền Kim Liên tại phường Phương Liên, Đống Đa, thờ Cao Sơn Đại Vương; Trấn Bắc là đền Quán Thánh hay đền Trấn Vũ tại đường Thanh Niên, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.
Đền Sái nằm trên đỉnh núi Sái, có bố cục hướng Nam với nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, Gác chuông, Kính Thiên, Tiền tế, Chính điện, chùa, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ khác.
Sơ đồ mặt bằng đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Phối cảnh tổng thể đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Nghi môn
Phía trước Nghi môn là sân trước đền, bao quanh bởi cánh đồng lúa. Chính giữa trục của sân trước đền có một bức đại tự bằng đá. Hai bên sân có hai ao hình tròn, có tên là Ao Tiên.
Nghi môn đặt trên sườn đồi. Từ đường lên tới Nghi môn phải qua một hệ thống bậc với 15 bậc chính và hai dãy bậc nhỏ hai bên. Phân cách giữa dãy bậc chính và dãy bậc phụ hai bên là lan can đá chạm hình tượng rồng.
Nghi môn (Ngũ môn quan) đền Sái tạo thành một khối cổng có tới 5 lối ra vào.
Khối cổng chính giữa tương tự như tam quan của các ngôi đình, đền khác với cổng chính rộng, mái chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Phân chia 3 cổng là trụ tường, thân trụ có các ô câu đối.
Giới hạn hai bên của khối cổng chính là 2 trụ biểu mỗi bên. Hai trụ biểu phía ngoài, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu; Hai trụ biểu phía trong, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Cả 4 trụ biểu có thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Giữa trụ biểu và cổng là mảng tường trang trí hình tượng voi. Hai cổng phụ hai bên nhỏ, có mái che. Rìa của cổng phụ cũng có 2 trụ biểu nhỏ, trang trí đơn giản.
Phía trước Nghi môn đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Ngũ môn đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Sân đền, Gác chuông và tòa Kính Thiên
Sân đền sau Nghi môn được chia thành nhiều bậc thềm, lên cao dần. Giữa các bậc thềm là hệ thống bậc cho người đi lại.
Gác chuông nằm trên một bậc thềm cao, phía sau Nghi môn. Công trình 3 gian, 2 chái, cao 2 tầng, theo kiểu chồng diêm với 8 mái; bốn phía không có tường bao quanh; các cột chính bằng gỗ, riêng 4 cột góc xây gạch. Công trình mới được phục dựng lại từ năm 1989. Trên gác treo quả chuông đúc vào thời vua Thành Thái (hoàng đế thứ 10 triều Nguyễn, trị vì 1889- 1907). Một bên của Gác chuông còn treo một chiêng đồng.
Tòa Kính Thiên nằm trên một bậc thềm cao hơn bậc thềm đặt Gác chuông, sát phía trước tòa Tiền tế. Công trình có mặt bằng hình vuông; mái chồng diêm; 2 tầng 8 mái; 4 cột trong bằng gỗ; 4 cột góc xây gạch. Chính giữa tòa Kính Thiên là tấm bia hình trụ có tên “Huyền Thiên Đạo Quán”, dựng năm 1701. Bốn mặt bia đều khắc chữ, ca ngợi cảnh đẹp vùng núi Sái, lịch sử và công đức của Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ…và các vị có công trong việc xây dựng đền.
Từ Nghi môn qua bậc thang tới sân đền với Gác chuông, đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Gác chuông đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Bên trong Gác chuông đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Từ Gác chuông qua hệ thống bậc dấn đến Nhà bia hay tòa Kính Thiên, đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Nhà Bia hay tòa Kính Thiên, đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Bia hình trụ có tên “Huyền Thiên Đạo Quán” trong tòa Kính Thiên, đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Tiền tế
Tòa Tiền tế đặt trên một bậc thềm cao hơn bậc thềm đặt tòa Kính Thiên.
Công trình mới được trùng tu năm 1999, gồm 5 gian, 4 mái.
Tòa Tiền tế đặt trên một bậc thầm cao dần lên so với Nhà bia và Tháp chuông, đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Nội thất tòa Tiền tế, đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Chính điện
Chính đền Sái nằm kề liền tòa Tiền tế, có cấu trúc mặt bằng kiểu “chữ công” hay chữ H, gồm Tiền đường (Bái đường), Thiêu hương và Hậu cung (Chính ngự).
Tòa Tiền đường 5 gian, 4 mái, Hậu điện 3 gian, 4 mái, tòa Thiêu hương 1 gian đặt dọc nối liền tòa Tiền đường và Hậu cung.
Nền nhà Hậu cung vẫn còn lưu lại những viên gạch lát cổ, mặt gạch có dạng vân rồng.
Ban thờ Hậu cung có tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, là tượng đất, nhưng rất to lớn bề thế, cao 2,25m, đường kính 0,9m, một chân đạp lên lưng rùa, chân kia dẫm lên lưng con rắn. Phía sau tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là các pho tượng hầu cận nhỏ hơn và bàn thờ thân phụ, thân mẫu của Ngài.
Một góc tòa Tiền đường, phía sau tòa Tiền tế, dền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Ban thờ bên trong tòa Tiền đường (Bái đường) đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ trong Hậu cung (Chính ngự) đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Trong đền Sái còn lưu giữ được nhiều di vật, đồ thờ thời Hậu Lê (thế kỷ 17- 18).
Chùa và nhà Mẫu
Đền Sái được xây dựng theo kiểu “Tiền Thần, hậu Phật”.
Phía sau Chính điện là nhà Phật, hay chùa Thích Ca. Công trình được xây dựng cùng thời với đền Sái, có mặt bằng hình “chữ đinh” hay chữ T, gồm tòa Bái đường 5 gian và tòa Hậu đường 2 gian.
Ngoài ra, phía sau đền Sái còn có các công trình thờ Mẫu Tam Phủ như nhà Mẫu, Lầu cô, Lầu cậu…
Phía Đông Bắc của đền Sái có giếng Tiên, là một hốc đá nằm bên trong một tảng đá chứa đầy nước.
Hòn đá với hốc đá - Giếng Tiên, đền Sái, Đông Anh, Hà Nội
Đền Sái, Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội là một ngôi đền nổi tiếng của đất Kinh Kỳ, gắn liền với sự tích của Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ; tục lệ chọn người đóng và rước vua Thục Phán.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A5n_V%C5%A9
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1318
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/19751/djen-sai-di-tich-lich-su-van-hoa
-noi-tieng-cua-thang-long-ha-noi.html
- Xem video giới thiệu đền Sái tại đây.
- Xem bài viết về Thăng Long Tứ trấn (trong đó có đền Quán Thánh)
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 23/03/2020 )
|
Tin mới đưa:- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
Tin đã đưa:- Phủ Quảng Cung, Ý Yên, Nam Định, Việt Nam
- Đền thờ Chử Đồng Tử - Đền Dạ Trạch và đền Đa Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên
- Đền Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội
- Đền Tản Viên Sơn Thánh, Ba Vì, Hà Nội
- Khu phố cổ Hà Nội
- Đền Ghênh, Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, Việt Nam
- Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
- Di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam
- Lăng đá cổ ở Hiệp Hoà, Bắc Giang
- Công trình Casa de Luis Barragan, Mexico – KTS Luis Barragan
- Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội
- Chùa Trăm Gian, Chương Mỹ, Hà Nội
- Chùa Côn Sơn tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
- Chùa Liên Phái, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Chùa Từ Hiếu, Thuỷ Xuân, Huế
|