|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội |
30/04/2013 |
Thông tin chung:
Công trình: Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm
Địa điểm: quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam (21,0307°B 105,852°Đ)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, năm 2013)
Đền Ngọc Sơn là một ngôi đền nằm trên đảo Ngọc Sơn của hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm, có diện tích khoảng 12 ha (dài tối đa khoảng 700m, rộng tối đa khoảng 250m, chu vi 1750m, độ sâu trung bình 1- 1,4m).
Trước kia, hồ còn có tên là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm). Tương truyền các tiên nữ thường về đây ca hát. Hồ không chỉ có Tiên mà còn có Rùa thần.
Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ, hoàng đế Đại Việt, trị vì năm 1428- 1433) trả gươm báu cho Rùa thần. Theo truyền thuyết, trong một lần vua Lê Lợi dạo thuyền trên hồ, bỗng một con rùa vàng nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả thanh gươm mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược. Nhà vua trả lại gươm cho Rùa thần. Từ đó hồ được lấy tên là hồ Hoàn Kiếm.
Vào thế kỷ 16, chúa Trịnh cho xây dựng lầu Ngũ Long (dùng để duyệt quân) nằm ở bờ Đông hồ Hoàn Kiếm, đình Tả Vọng trên đảo Ngọc Sơn. Năm 1728 Trịnh Giang (chúa Trịnh thứ 6 thời Lê Trung Hưng, trị vì năm 1729 – 1740), cho đào hầm ở vị trí phía Nam hồ để xây dựng cung điện ngầm gọi là Thưởng Trì cung; cho ngăn hồ lớn thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Hồ Hữu Vọng được dùng làm nơi duyệt quân thuỷ chiến của triều đình. Đến đời vua Tự Đức (hoàng đế thứ 4 triều Nguyễn, trị vì 1847-1883), hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân, còn hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm. Từ năm 1884, nhà nước bảo hộ Pháp cho lấp hồ Thuỷ Quân để mở rộng trung tâm Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm có nhiều di tích: Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, Thủy tạ, đền thờ vua Lê…
Tháp Rùa nằm ở trung tâm hồ, trên gò Rùa, được xây dựng vào năm 1884 – 1886. Công trình có hình thức ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật. Tầng 1: dài 6,28m (mặt Đông, Tây), mỗi mặt có 3 ô cửa; rộng 4,54m (mặt Bắc, Nam), mỗi mặt có 2 ô cửa; các cửa đều được xây cuốn vòm nhọn. Tầng 2: dài 4,8m, rộng 3,64m và có kiến trúc như tầng một. Tầng 3: dài 2,97m, rộng 1,9m; chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68m, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa). Tầng đỉnh: có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2m.
Tháp Hòa Phong nằm tại phía Đông của hồ, là di vật còn sót lại của chùa Báo Ân (bị người Pháp phá bỏ năm 1898). Tháp cao 3 tầng, cửa theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Ứng với mỗi cửa tháp có dòng chữ Hán: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hoà Phong tháp, Báo Thiên tháp. Tầng một to và cao hơn hai tầng trên cùng. Bốn mặt của tầng 2, tầng 3 tạo thành các ô ghi chữ.
Đền Bà Kiệu nằm tại phía Đông Bắc của hồ, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Do việc mở đường nên đền bị tách làm hai phần: Tam quan ở sát bờ hồ, còn Điện thờ ở về phía bên này đường. Ngôi đền thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ.
Thủy Tạ nằm tại phía Tây Bắc của hồ, được khởi công năm 1937 trên nền Tả Vọng đình thời Trịnh Sâm (chúa Trịnh thứ 7, thời Lê Trung Hưng, trị vì 1767-1782).
Đền thờ vua Lê nằm tại phía Tây của hồ. Phía trước đền có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm lưỡi kiếm trả lại cho Rùa thần hồ Gươm.
Người ta cho rằng, tại hồ Gươm có 4 vị “Rùa thần”. Ngày 19/1/2016, vị "Rùa thần" cuối cùng của hồ Gươm đã về trời.
Hồ Gươm là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết lịch sử, văn hoá dựng và giữ nước linh thiêng từ hàng ngàn năm của người Việt.
Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tượng vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa Thần, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tháp Hòa Phong, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tòa Bái đường của đền Bà Kiệu, cạnh Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội
Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn là một quần thể kiến trúc, nằm tại phía Đông hồ Hoàn Kiếm, gồm nhiều lớp kéo dài từ bờ hồ Hoàn Kiếm ra đảo Ngọc Sơn.
Khởi nguyên, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn, hoàng đế sáng lập nhà Lý, trì vì từ năm 1009- 1028) dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, năm 1010, đặt tên ngôi đền đã có tại đây là Ngọc Tượng và đảo được gọi là Ngọc Tượng sơn.
Đến đời nhà Trần, đền được đổi tên là Ngọc Sơn, là nơi thờ những anh hùng liệt sỹ trong kháng chiến chống Nguyên- Mông (vương triều Trung Quốc, tồn tại năm 1271- 1368).
Lâu ngày đền ấy sụp đổ. Đến thời nhà Lê – Trịnh (1735 - 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thụy Khánh và đắp núi Độc Tôn ở trên bờ phía Đông đối diện với Ngọc Sơn. Cuối đời nhà Lê, cung bị Lê Chiêu Thống (hoàng đế thứ 16 và cuối cùng của vương triều Lê, trị vì 1786 -1789) phá huỷ. Một nhà từ thiện, nhân nền cung cũ đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi là đền Ngọc Sơn, vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân và Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Đến năm 1865, nhà nho Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây tháp Bút, đài Nghiên, đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc.
Quần thể đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Mặt bằng quần thể đền Ngọc Sơn (ba đỉnh của tam giác là tháp Bút, đài Nghiên và đình Trấn Ba), hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cổng ngoài và tháp Bút
Cổng ngoài hay Nghi môn ngoại của đền Ngọc Sơn là hai trụ hoa biểu, hai bên có hai chữ Phúc và Lộc lớn màu son.
Phía sau Nghi môn, nằm bên phải là tháp Bút bằng đá. Tháp được xây dựng trên núi Độc Tôn. Núi được xếp bằng đá, đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có 5 tầng, cao 28m. Đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ "Tả Thanh Thiên" (viết lên trời xanh), thế hiện chí khí của các bậc hiền tài đương thời.
Trong bài "Bút Tháp chí" do Nguyễn Văn Siêu soạn năm 1865 được khắc ngay trên thân tháp, có câu: “…Tháp nhờ Núi mà cao thêm, Núi nhờ Tháp mà truyền mãi, Núi là biểu tượng của Chiến công mà Tháp là biểu tượng của Văn hóa. Cả hai cái đó dựa vào nhau mà tồn tại”, với hàm ý: Nếu Võ công và Văn trị hòa hợp được với nhau thì nước Việt có thể tồn tại mãi trong sử xanh của trời.
Quần thể đền Ngọc Sơn được phân thành các lớp: Cổng ngoài, tháp Bút, Cổng giữa và tiếp vào phía trong
Cổng ngoài hay Nghi môn ngoại đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tháp Bút, đền Ngọc Sơn với ba đại tự "Tả Thanh Thiên" màu đỏ trên thân tháp
Cổng giữa thứ nhất, Cổng giữa thứ hai gắn với đài Nghiên
Tiếp theo là lớp Cổng giữa. Cổng giữa gồm 2 lớp cổng.
Cổng giữa thứ nhất có hai bên xây hai cửa làm giả kiểu 2 tầng 8 mái. Mặt trước đắp nổi, một bên là hình rồng với hai chữ Long Môn và một bên là hổ trắng với hai chữ Hổ Bảng, tượng trưng vị thế cao quý của những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng sức học hành.
Cổng giữa thứ nhất , đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Sau Cổng giữa thứ nhất đến lớp Cổng giữa thứ hai (cổng thứ ba từ ngoài vào) có tường cao, mái, 3 cửa cuốn với cánh cửa gỗ sơn son. Trên mái đặt một nghiên đá, cho nên cổng cũng có tên là đài Nghiên. Nghiên được tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm. Bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi 2m. Đội nghiên là ba con cóc như ba cái chân kiềng. Trên nghiên có khắc một bài minh gồm 64 chữ Hán nói về công dụng của cái nghiên mực theo cách nhìn triết học. Người đời sau ca ngợi là: "Nhất đài Phương Đình bút".
Hai bên đài Nghiên có hai câu đối: “Tràn quanh đảo, ngấn mực đầy hồ; Chạm bầu trời, thế bút ngất núi”.
Lớp Cổng giữa thứ hai gắn với đài Nghiên, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm
Nghiên đá với 3 con cóc đội nghiên phía trên Cổng giữa thứ hai, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm
Cầu Thê Húc
Sau lớp Cổng giữa thứ hai với đài Nghiên là cầu Thê Húc (nghĩa là nơi đậu lại ánh sáng Mặt trời buổi sớm). Cầu hướng về phía Đông, làm bằng gỗ và sơn màu đỏ, có 32 chân cột tròn, 15 nhịp, sàn và lan can. Cầu được tái thiết vào năm 1897. Năm 1952, cầu được nâng cấp, hình dáng như cũ, song chân cột, dầm thay bằng bê tông cốt thép, mặt cầu và lan can vẫn là gỗ.
Cầu Thê Húc nối bờ hồ ra đảo Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cổng trong - Đắc Nguyệt lâu
Qua cầu Thê Húc đến Cổng trong đền Ngọc Sơn với tên gọi là Đắc Nguyệt lâu (lầu lưu lại được ánh Mặt trăng).
Cổng xây 2 tầng. Tầng 2 có 2 mái, 4 mặt với những ô cửa hình tròn. Hai bên cổng có hai bức tranh gắn bằng mảnh sứ vỡ, một bên là bức Long Mã Hà Đồ, bên kia là bức Thần Quy Lạc Thư.
Cổng trong - Đắc Nguyệt Lầu, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đền Ngọc Sơn và đình Trấn Ba
Đền Ngọc Sơn nằm tại phía Bắc của quần thể.
Đền là một dãy Tam tòa, gồm tòa Tiền đường, Trung đường và Hậu đường.
Tòa Tiền đường (hay Bái đường) là nơi hành lễ đầu tiên. Chính giữa Bái đường đặt một hương án lớn. Hai bên hương án có đôi chim anh vũ (tức chim vẹt, xuất xứ từ giai thoại con vẹt đã giúp nghĩa quân Lam Sơn tìm thấy quả chín dùng làm thực phẩm khi bị kẻ địch bao vây trong rừng).
Tòa Trung đường thờ Văn Xương Đế Quân (vị thần chủ về công danh, phúc lộc của giới nhân sĩ; Văn Xương hay Văn Khúc là tên một vì sao trên trời), Quan Vũ…là những vị thần được các văn nhân, quan lại, nho sĩ theo quan niệm Nho giáo tôn thờ.
Tòa Hậu đường được xây cao hơn so với Tiền đường và Trung đường. Đây là nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Hai bên tượng Trần Hưng Đạo là tượng Trần Liễu, cha của ông và tượng thần linh Thổ Địa.
Hai bên Tam tòa có 2 gian chái, trong đó gian bên phải là nơi trưng bày hai tiêu bản rùa Hồ Gươm: Di thể của vị về trời năm 1967, nặng 250kg, dài 2,1m, ngang 1,2m và di thể của vị cuối cùng về trời năm 2016, nặng 169kg, dài 2,08m, ngang 1,08m.
Trong đền có một hệ thống hiện vật cổ phong phú với nhiều bia đá, chuông, khánh, tượng thờ, câu đối… có từ thời nhà Nguyễn.
Trên đảo Ngọc Sơn có rất nhiều cây cổ thụ, làm cho quần thể đền thêm cổ kính.
Tòa Tiền đường, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Bên trong tòa Tiền đường, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Bên trong tòa Trung đường, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Phía trước gian thờ, bên trong tòa Hậu đường, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ban thờ bên trong tòa Hậu đường, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nơi trưng bày hai tiêu bản rùa Hồ Gươm. Tiêu bản bên trái ảnh là di thể của vị về trời năm 1967; Tiêu bản bên phải ảnh là của vị về trời năm 2016
Bia đá, chuông, khánh, tượng thờ, câu đối... phong phú trong đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Vẻ đẹp kiến trúc của đền Ngọc Sơn còn được tôn lên bởi rất nhiều cây cổ thụ bao quanh.
Đình Trấn Ba nằm tại phía Nam của quần thể đền Ngọc Sơn. Tên Chắn Sóng của đình, có nghĩa: Hiền tài Võ công và Văn trị như những trụ cột che chắn cho quốc gia đứng vững trước bể sóng chao đảo của thời cuộc. Đây cũng là điều ghi trong cấu đối trên cột đình: “Kiếm sót khí thiêng ngời tựa nước; Văn cùng trời đất thọ như non.”
Đình Trấn Ba thêm một lần nhắc nhở những điều ghi trên tháp Bút ngoài cổng đền cho giới chính thể thời hậu thế.
Đình có mặt bằng hình vuông, phía trên 2 tầng, 8 mái, có 8 cột chống đỡ, 4 cột ngoài bằng đá, 4 cột trong bằng gỗ. Đình không có tường bao quanh.
Đình Trấn Ba, quần thể đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Quần thể kiến trúc đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm có vẻ đẹp cổ kính, hài hòa với thiên nhiên, là nơi chứa đầy các biểu tượng lịch sử và văn hóa, mang đậm triết lý, tư tưởng của kẻ sĩ Bắc Hà.
Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của người Việt, là một di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam, nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các đề tài nghệ thuật.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%BA%B7c
_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_Ho%C3%A0n_Ki%E1%BA%BFm
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Ng%E1%BB%8Dc_S%C6%A1n
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1p_B%C3%BAt_(H%E1%BB%93_G%C6%B0%
C6%A1m)
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A7u_Th%C3%AA_H%C3%BAc
https://vi.wikipedia.org/wiki/R%C3%B9a_H%E1%BB%93_G%C6%B0%C6%A1m
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/101/album/966
- Xem video giới thiệu đền Ngọc Sơn tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 15/06/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh và Đền, chùa, đình Hai Bà Trưng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Kiến trúc nhà tạ (thủy tạ) tại cố đô Huế
- Đình Chèm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
- Làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định – Ngôi làng hình cá chép
- Engineering Building của KTS. James Stirling
- Thăng Long tứ trấn: Đền Bạch Mã; Đền Voi Phục; Đền Kim Liên; Đền Quán Thánh
- Đền Huyền Thiên Trấn Vũ - Đền Sái, Thuỵ Lâm, Đông Anh, Hà Nội
- Phủ Quảng Cung, Ý Yên, Nam Định, Việt Nam
- Đền thờ Chử Đồng Tử - Đền Dạ Trạch và đền Đa Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên
- Đền Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội
- Đền Tản Viên Sơn Thánh, Ba Vì, Hà Nội
- Khu phố cổ Hà Nội
- Đền Ghênh, Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, Việt Nam
- Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
- Di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam
|