Tuần 32 - Ngày 16/03/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đền Ghênh, Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, Việt Nam |
16/03/2013 |
Thông tin chung:
Công trình: Đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Địa điểm: Thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên
Quy mô: Diện tích 6500m2
Năm hình thành: Thế kỷ 12, được xây dựng lại vào năm 1989.
Giá trị:
Đền Ghênh nằm tại thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, thờ bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.
Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (1044- 1117), tên thường gọi là Lê Thị Khiết, quê làng Thổ Lỗi (còn gọi là làng Ghênh Sủi), phủ Thuận An, sứ Kinh Bắc xưa, nay là thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh.
Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan còn goi là Linh Nhân Hoàng thái hậu, là phi tần của vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 nhà Lý, trị vì 1054- 1072); mẹ ruột của vua Lý Nhân Tông (hoàng đế thứ 4 nhà Lý, trị vì 1072- 1128).
Năm bà 18 tuổi, vua Lý Thánh Tông đi tuần du qua vùng này, thấy bà là người thông minh, xinh đẹp và hiền dịu, bèn đưa về Thăng Long và phong làm Ỷ Lan phu nhân.
Bà sinh hai hoàng nam là Lý Càn Đức và Lý Minh Nhân. Lý Càn Đức nối ngôi vua hiệu là Lý Nhân Tông. Vua phong cho Ỷ Lan Phu nhân là Thần phi và đổi tên làng từ Thổ Lỗi sang Siêu Loại.
Bà là người phụ nữ duy nhất của đất nước đã hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước.
Năm 1069, khi bà mới 25 tuổi, vua Lý Thánh Tông chinh chiến ngoài biên ải, bà đã cùng các đại thần đề ra những kế sách quyết đoán, táo bạo để khắc phục nạn đói, đẩy mạnh sản xuất và trừng trị bọn phản loạn nhân cơ hội nhà vua đi đánh giặc.
Năm 1072, Vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, Thái tử nối ngôi còn nhỏ tuổi. Bà trở thành Hoàng Thái hậu, lại một lần nữa thay vua cùng Thái úy Lý Thường Kiệt giữ vững kỷ cương triều chính và đập tan âm mưu xâm lược của quân nhà Tống.
Bà quan tâm mở mang Phật giáo; có công đưa ca múa dân gian vào cung đình; đắp đê chống lụt, làm thủy lợi, khuyến khích phát triển nông nghiệp, ra sắc lệnh cấm giết trâu bò cày, phát triển nghề nuôi tằm, dệt vải. Bà còn quan tâm đến tầng lớp dân nghèo, lấy tiền trong kho của triều đình chuộc các cô gái nhà nghèo đã bán mình ở đợ, rồi lập gia đình cho họ.
Vào năm 1115, thấy tuổi đã cao, Bà về quê lập chùa, đền ngay trên nền nhà cũ. Bà cho đổi tên xưa thành thôn Ngọc Kinh, xã Như Kinh, tổng Như Kinh, để người dân được hưởng mọi quyền lợi như người dân Kinh đô.
Bà qua đời vào năm 1117, được hỏa táng, đưa tro về quê hương nhà Lý ở phủ Thiên Đức, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đền Ghênh được xây dựng vào năm 1115.
Đền Ghênh đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo.
Vào thời khánh chiến chống Pháp (1947- 1954), đền Ghênh đã bị giặc Pháp phá hủy gần như hoàn toàn.
Dân địa phương đã kịp thời chuyển pho tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và một số cổ vật gửi nhờ đền – chùa Dương Xá, Gia Lâm – Hà Nội.
Năm 1989, đền Ghênh được xây dựng lại một phần trên nền đất cũ. Pho tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan từ đền – chùa Dương Xá được rước về an vị tại đền Ghênh.
Hiện tại, đền Gênh có diện tích khoàng 6500m2, bố cục hướng Nam, về sông Tam Giao (Tam Giao thủy), nhánh sông nối liền với sông Bắc Hưng Hải, ra sông Hồng. Đền nay được xây dựng phỏng theo cấu trúc của đền xưa.
Đền xưa có bố cục theo kiểu "nội công, ngoại quốc" gồm: Nghi môn, Sân đền, Tiền đường, Thiêu hương, Hậu điện và các công trình phụ trợ khác.

Phối cảnh đền Ghênh xưa, cơ sở cho việc phục dựng đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Nghi môn
Nghi môn đền Ghênh đặt trên một bệ cao 3 bậc so với sân trước đền, cao 9 bậc so với sân trong đền, gồm 3 khối cổng.
Khối cổng chính giữa rộng, cao 2 tầng. Mái kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái. 4 góc của khối cổng chính là 4 trụ biểu nhô ra phía trước. Đỉnh trụ trang trí rồng cuộn; thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối, đế trụ thắt dạng cổ bồng.
Hai khối cổng phụ hai bên nhỏ, thấp, có mái kiểu chồng diêm, 2 tầng, 8 mái. Giữa khối cổng chính và cổng phụ có tượng hộ pháp cầm đao đứng chầu.
Bên ngoài Nghi môn còn có hai trụ biểu phụ, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu.

Nghi môn đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Sân đền
Sau Nghi môn là sân đền, chia làm hai phần. Sân dưới đổ vữa xi măng, chính giữa có con đường lát gạch.
Giữa sân dưới có một sập đá. Tương truyền đây là nơi quan lại đặt đồ tế lễ và chờ để vào dâng hương tưởng niệm đức Linh Nhân Hoàng thái hậu.
Sân trên cao 9 bậc đá so với sân dưới. Mặt sân lát gạch. Đây chính là nền của tòa Tiền đường xưa.
Tại các bậc giữa sân trên và sân dưới đặt hai phỗng đá giống nhau, quỳ khoanh tay; được cho là thể hiện sự quy hàng của vua Chiêm Thành...

Sân đền nhìn từ Nghi môn vào trong, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên

Sân đền, nhìn từ trong ra ngoài Nghi môn, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Tiền đường
Tiền đường của đền Ghênh xưa gồm 7 gian, 2 chái, 4 mái. Tiền đường hiện chỉ còn phần móng. Nay đang có dự án phục dựng lại.
Thiêu hương
Thiêu hương là tòa nhà 5 gian đặt dọc nối Tiền điện với Hậu điện. Ngày nay mới xây dựng được 1 gian phía trước Hậu điện. Đây hiện là nơi đặt các đồ tiền tế. Tòa Thiêu hương cũng đang có dự án phục dựng lại.

Tòa Thiêu hương mới được dựng lại một phần, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên

Ban thờ bên trong gian Thiêu Hương, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Hậu điện
Hậu điện đền Ghênh có kiến trúc kiểu ”chữ đinh” hay chữ T, gồm Bái đường và Hậu cung.
Bái đường có chiều dài như Tiền đường xưa kia, gồm 7 gian, 2 chái, dài 12m, rộng 5m, đầu hồi bít đốc, 2 mái.
3 gian chính giữa Bái đường là nơi đặt các bài vị, lễ khí và là nơi treo các bức hoành phi câu đối cổ.
3 gian bên phải Bái đường là không gian của một ngôi chùa nhỏ, mang tên Tu Kinh tự. Đây là nơi bà Hoàng Thái hậu tu tại gia.
3 gian bên trái Bái đường là nơi thờ 4 vị cận thần của bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.

Bên trong tòa Bái đường, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên

3 gian bên phải Bái đường là không gian chùa Tu Kinh, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên

Ban thờ Phật bên trong Tu Kinh tự, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên

3 gian bên trái Bái đường là nơi thờ 4 vị cận thần của bà Thái Hậu, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên

Một trong bốn ngai thờ bốn vị cận thần của bà Thái Hậu, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Hậu cung 3 gian, dài 8,5m, rộng 8,5m. Xưa kia, đây là nơi ở của bà Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan khi trở về quê. Trong Hậu cung có tượng của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, được đặt trong long kiệu sơn son thiếp vàng, hai bên có 6 vị tiên cô đứng hầu, cùng nhiều đồ thờ bằng gỗ và gốm sứ.
Hậu cung có bức đại tự “Mẫu nghi thiên hạ” và đôi hàng câu đối cổ nói về công đức của bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.

Hậu cung với tượng thờ bà Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên


Tượng 6 vị Tiên cô hầu cận hai bên Thánh mẫu Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Hai bên hậu điện có hai Nhà khách, 5 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái; tạo thành 2 sân trong.
Sân trong bên phải Hậu điện đặt một trụ đá 8 cạnh hay đài Kính Thiên với các chạm khắc độc đáo. Đài Kính Thiên được xây dựng nhằm cảm tạ trời đất đã ban cho mưa thuận, gió hòa;
Sân trong bên trái Hậu điện đặt bia đá. Bên trong sân có cây hoa Ngọc Lan cổ (được cho gắn với tên của bà Thái hậu Ỷ Lan).

Sân trong bên phải tòa Bái đường với đài Kính Thiên, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên

Phần chóp đài Kính Thiên là phần cổ xưa, phần dưới của tháp mới phục dựng lại

Sân trong bên trái tòa Bái đường với bia đá, đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Sau đền có hai giếng nước cổ gọi là giếng Mắt Rồng. Trên bờ có hai cây đa cổ thụ lớn nhất vùng. Nằm giữa hai giếng nước là điện Mẫu thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Công đồng Tam phủ.
Đền Ghênh ngày nay còn lưu giữ lại được di vật cổ như sập đá, tượng Hoàng Thái hậu, lọ lộc bình cổ, đài Kính thiên, tấm bia đá ghi lại những năm xây dựng, trùng tu tôn tạo đền.
Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ được các di vật thời Lý như: Chân tảng đá kê cột, tượng trang trí....
Gần đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại đây nhiều di vật kiến trúc và nghệ thuật thời Lý. Việc khảo sát nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.

Một trong hai giếng Mặt Rồng và cây đa cổ phía sau đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên

Phù điêu chim uyên ương thời Lý được tìm thấy trong một đợt khảo sát tại đền Ghênh, Văn Lâm, Hưng Yên
Hàng năm, tại đền Ghênh, dân làng Như Quỳnh tổ chức các lễ vào ngày sinh và ngày mất của Hoàng Thái hậu Phi Ỷ Lan.
Đền Ghênh thờ Mẫu Hoàng Thái hậu Phi Ỷ Lan tại thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là một công trình kiến trúc nghệ thuật còn mang nhiều dấu ấn thời Lý. Đây là nơi lưu dấu ấn lịch sử của bà Ỷ Lan, một bậc mẫu nghi thiên hạ, có công xây dựng nhà Lý thành một quốc gia cường thịnh.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BB%B6_Lan
http://baohungyen.vn/dat-va-nguoi-xu-nhan/201507/tham-khu-di-tich-den-ghenh-627032/
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1260/album/363
https://www.youtube.com/watch?v=rKJgSG_Iiqo
https://www.youtube.com/watch?v=w06pDVgzmFw
http://hungyentv.vn/net-dep-xu-nhan/den-ghenh-niem-tu-hao-cua-nguoi-dan-hung-yen
- Xem video giới thiệu đền tại đây.
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây |
Cập nhật ( 02/04/2020 )
|
Tin mới đưa:- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Tin đã đưa:- Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
- Di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam
- Lăng đá cổ ở Hiệp Hoà, Bắc Giang
- Công trình Casa de Luis Barragan, Mexico – KTS Luis Barragan
- Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội
- Chùa Trăm Gian, Chương Mỹ, Hà Nội
- Chùa Côn Sơn tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
- Chùa Liên Phái, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Chùa Từ Hiếu, Thuỷ Xuân, Huế
- Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội
- Chùa, miếu trên cụm di tích núi Sam, Châu Đốc, An Giang
- Chùa Vĩnh Tràng, TP Mỹ Tho, Tiền Giang
- Chùa trên núi Bà Đen, Hoà Thành, Tây Ninh
- Danh lam xứ Lạng- chùa Thành, chùa Tam Thanh
- Những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng
|