Tuần 18 - Ngày 07/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội |
14/03/2013 |
Thông tin chung:
Công trình: Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Van Mieu Temple)
Địa điểm: Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích 54331m2
Thời gian hình thành: Năm 1070
Giá trị: Di tích Quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, năm 2012)
Văn Miếu- Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam thành Thăng Long, xưa thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Bốn mặt đều là phố, cổng chính – phía Nam là phố Quốc Tử Giám, phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu.
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức. Ông là con trai vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 triều Lý, trị vì 1054- 1072) với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi, đến năm 1072 lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông (hoàng đế thứ 4 triều Lý, trị vì 1072- 1128).
Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Đây có thể coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Năm 1156, Lý Anh Tông (hoàng đế thứ 6 triều Lý, trị vì 1138 – 1175) cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.
Năm 1253, vua Trần Thái Tông (hoàng đế đầu tiên của triều Trần, trị vì 1226- 1258) đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, cho mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Chức năng trường Quốc học ngày càng nổi bật hơn chức năng của một nơi tế lễ.
Vào thời vua Trần Minh Tông (hoàng đế thứ 5 triều Trần, trị vì 1314 – 1329), Chu Văn An (nhà giáo, thày thuốc, quan viên, 1292- 1370) được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông (hoàng đế thứ 8 triều Trần, trị vì 1370 – 1372) cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.
Sang thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành, Văn Miếu được tôn tạo nhiều lần.
Vào năm 1484, Lê Thánh Tông (hoàng đế thứ 4 triều Lê, trị vì 1422 – 1497) cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. Mỗi khoa dựng một tấm bia đặt trên lưng rùa. Hiện tại đây có 82 bia tiến sĩ.
Năm 1762, Lê Hiển Tông (hoàng đế thứ 28 triều Hậu Lê, trị vì 1740 – 1786) cho sửa lại Quốc Học Viện là Quốc Tử Giám, làm cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình.
Với hơn 700 năm hoạt động, Quốc Tử Giám đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.
Đời nhà Nguyễn, Quốc Tử giám lập tại kinh đô Huế. Năm 1802, vua Nguyễn ấn định nơi đây là Văn Miếu - Hà Nội (chỉ còn vai trò tế lễ là chủ yếu). Tổng trấn Bắc thành cho xây thêm Khuê Văn Các bên giếng vuông. Như vậy, vào đầu thời Nguyễn, Văn miếu – Quốc tử Giám Thăng Long chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội. Còn Quốc Tử Giám thì đổi thành nhà Thái Học, học đường của phủ Hoài Đức và sau đó phá bỏ để xây đền Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử.
Đầu năm 1947, thực dân Pháp nã đại bác phá huỷ hoàn toàn khu vực đền Khải Thánh.
Năm 1999, trên nền đất đền Khải Thánh, khu Thái học được phục dựng lại, làm nơi trưng bày các hiện vật về nền giáo dục Nho học Việt Nam; nơi thờ Chu Văn An và các vị tiền nhân đã có công tạo lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội năm 1960
Quẩn thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám có diện tích khoảng 54331m2, bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, được cho là mô phỏng theo khu Văn Miếu thờ Khổng Tử ở quê hương ông tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc, song quy mô và kiến trúc đơn giản hơn.
Kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Phần lớn Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay là kiến trúc truyền thống Việt Nam giai đoạn thế kỷ 17 – 19, thời nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn. Một số công trình xây dựng bổ sung vào thời hiện đại.
Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chia làm ba khu vực chính: Hồ Văn; Vườn Giám và Khu nội tự Văn Miếu. Kiến trúc chủ thể là Văn Miếu, nơi thờ Khổng Tử (nhà khai sáng Nho giáo, năm 551 TCN – 479 TCN) và Quốc Tử Giám.
Khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong gồm các hạng mục công trình chính: Văn Miếu môn; Đại Trung môn; Khuê Văn các; Giếng Thiên Quang; Bia Tiến sỹ; Đại Thành môn; Khu điện thờ; Đền Khải Thánh - Quốc Tử Giám; Nhà Tiền đường, Hậu đường.
Sơ đồ Văn Miếu – Hà Nội thời nhà Nguyễn, Quốc Tử giám chuyển vào kinh đô Huế; Khu Thái Học chuyển thành đền Khải Thánh thờ cha, mẹ Khổng Tử
Hình ảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội vào năm 1935
Sơ đồ Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện tại, khu Thái học được phục dựng lại
Hồ Văn và Vườn Giám
Hồ Văn và vườn Giám là khu ngoại tự của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Hồ Văn hay hồ Minh Đường, dân gian thường gọi là hồ Giám, nằm tại phía Nam, trước mặt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, diện tích khoảng 12297m2. Giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thủy đường, là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa. Năm 1863, 1998 hồ được tu sửa lại.
Vườn Giám chạy dọc bờ tường bên phía Tây của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Vườn tạo không gian mở phía trước cho quần thể.
Khu vực hồ Văn, phía trước Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Hình ảnh Vườn Giám, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Văn Miếu môn
Phía trước Văn Miếu môn là tứ trụ (Nghi môn) và hai tấm bia Hạ Mã. Xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ. Tứ trụ được xây bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn trên có hình hai con nghê chầu vào. Quan niệm tâm linh cho rằng đây là vật linh thiêng có khả năng nhận ra kẻ ác hay người thiện. Hai trụ ngoài đắp nổi bốn con chim phượng xoè cánh chắp đuôi vào nhau.
Văn Miếu môn tức là cổng tam quan phía ngoài. Cổng có ba cửa, cửa giữa cao to và xây 2 tầng. Tầng trên có ba chữ Văn Miếu môn.
Tứ trụ (Nghi môn), Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội
Cổng Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Văn Miếu môn), Hà Nội
Đại Trung môn
Từ Văn Miếu môn vào không gian thứ nhất gọi là khu Nhập đạo, theo đường thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang hàng với Đại Trung môn bên trái có Thành Đức môn, bên phải có Đạt Tài môn.
Trong khu vực có 2 hồ chữ nhật nằm dài sát theo chiều dọc tường bao.
Đại Trung môn xây theo kiểu 3 gian, trên nền gạch cao; có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc; mái lợp ngói mũi hài. Gian giữa của cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ Đại Trung môn.
Từ Đại Trung môn đi tiếp là tới Khuê Văn Các.
Đại Trung Môn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Cổng phụ bên cạnh Đại Trung Môn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Khuê Văn Các
Khuê Văn Các nghĩa là "Gác vẻ đẹp của sao Khuê", được xây dựng vào năm 1805.
Công trình có kiểu dáng hài hòa và độc đáo, là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ. Gác được dựng trên một nền vuông rộng 6,8m, lát gạch Bát Tràng.
Tầng dưới của gác là 4 trụ gạch vuông, kích thước khoảng 1m x1m. Mặt trụ đều đắp các hoa văn tinh xảo.
Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng. Mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao.
Sàn gỗ có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ tinh vi. Bốn góc sàn làm lan can con tiện bằng gỗ.
Bốn mặt tường của tầng trên bịt ván gỗ, mỗi mặt có một cửa tròn với những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa tròn và những thanh gỗ chống hình tượng cho tia sáng sao Khuê. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ Khuê Văn Các. Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng.
Gác Khuê Văn xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Gác nhỏ, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, nằm trong cảnh quan những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang đầy nước trong in bóng gác. Ngày nay, Khuê Văn Các ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Khuê Văn Các, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
|
|
Khuê Văn Các, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Giếng Thiên Quang, bia Tiến sĩ
Giếng Thiên Quanh hay Thiên Quang tỉnh ("Giếng soi ánh sáng bầu trời") còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Đặt tên này cho giếng, người xưa mong muốn con người thu nhận được tinh túy của trời đất để soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can. Bao quanh giếng là một con đường nhỏ lát gạch. Người ta còn cho rằng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám: giếng Thiên Quang hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn Kinh đô.
Di tích có giá trị bậc nhất tại Văn Miếu là 82 tấm bia đá Tiến sĩ, được đỡ bởi các con rùa bằng đá xanh.
Theo tín ngưỡng Việt Nam, rùa là biểu tượng của sự trường thọ và sự khôn ngoan.
Các tấm bia được đặt ở hai bên giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng.
Giữa mỗi vườn bia có một tòa nhà hình vuông, 4 mặt bỏ trống. Xưa kia hàng năm xuân thu nhị kỳ trong Văn Miếu làm lễ tế thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước Việt mà quý tính cao danh được khắc trên bia đá.
Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, tấm cuối cùng dựng vào năm 1780.
Các bia tiến sĩ có ghi đầy đủ thông tin về khoa thi, triều vua và triết lý về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài của triều đại Lê và Mạc từ năm 1442 đến 1779. Trong khoảng thời gian này đỗ đại khoa có đến 18 trạng nguyên, 21 bảng nhãn, 33 thám hoa và khoảng 1300 tiến sĩ.
Trong bài văn bia tiến sĩ đầu tiên nói về khoa thi năm 1442 có đoạn viết: “...Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”
Các tấm bia cung cấp một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị lớn về lịch sử, giáo dục, nghệ thuật và văn học của Việt Nam, một nền văn hóa khuyến khích mọi người trở nên tốt đẹphơn, coi trọng giáo dục, tài năng và trí tuệ.
Các nhà sử học có thể tìm thấy ở đây những tư liệu về lịch sử giáo dục; những tên tuổi gắn bó với lịch sử dân tộc; quê quán, danh tính những bậc nhân tài, thông qua đó có thể xác định tuổi cho nhiều di tích ở những nơi không ghi niên đại.
Các nhà địa lý có thể tra cứu ở đây những địa danh cổ để tìm ra những vùng đất cổ liên quan đến thời hiện tại.
Các nhà nghiên cứu triết học có thể tìm ở đây những chứng cứ xác định vai trò của Nho giáo ở Việt Nam.
Những người Việt Nam ở khắp có thể về đây tìm tên họ vị tổ thuộc dòng họ nhà mình đã có tên trong khoa bảng.Đây còn là những tư liệu có hệ thống liên tục, ít nhất cũng trong vòng 4 thế kỷ (từ 15 tới 18) về kỹ thuật điêu khắc đá, từ những hình dáng bia, rùa, hoa văn đến các mô típ chạm khắc. Đã có nhiều bài viết về bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, song việc nghiên cứu vẫn còn tiếp tục.
|
|
Giếng Thiên Quang, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Hình ảnh dãy bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (ảnh chụp vào thời kỳ 1926-1951)
Hai dãy nhà Bia Tiến sĩ mỗi bên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Đại Thành môn và Khu điện thờ
Qua cửa Đại Thành (cửa của sự thành đạt lớn) là vào không gian thứ ba, khu vực chính của Quốc Tử Giám - Văn Miếu. Cũng như cửa Đại Trung, cửa Đại Thành là một kiến trúc 3 gian với hai hàng cột hiên trước sau và một hàng cột giữa. Chính giữa, trên giáp nóc có treo một bức hoành khắc 3 chữ Đại Thành môn. Hai bên Đại Thành môn có hai cửa nhỏ là Kim Thành môn và Ngọc Chân môn.
Qua cửa Đại Thành tới một sân rộng lát gạch Bát Tràng. Chính giữa là tòa Đại Bái đường cùng với 2 dãy Tả Vu và Hữu Vu tạo thành cụm công trình kiến trúc hình chữ U.
Sau Đại Bái đường là tòa Thượng Điện. Hai tòa nối với nhau bằng Tiểu đình tạo thành hình chữ công (chữ H).
Tòa Đại Bái có 9 gian, nhưng chỉ xây 2 tường hồi còn mặt trước mặt sau để trống, có chức năng hành lễ trong những kỳ tế tự. Chỉ gian chính giữa có hương án thờ còn các gian khác đều bỏ trống.
Thượng Điện ở phía sau cũng có 9 gian, tường xây 3 phía, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian giữa, 4 gian đầu hồi có cửa chấn song cố định. Đây là nơi thờ các vị tổ đạo Nho. Gian chính giữa đặt bài vị thờ Khổng Tử, hai bên đặt bài vị thờ học trò của Khổng Tử.
|
|
Đại Thành môn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Đại Bái đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Sơ đồ Đại Bái đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Tượng thờ Khổng Tử trong tòa Thượng Điện hay Đại Thành Điện, được làm năm 1729
Đền Khải Thánh
Đền Khải Thánh là khu sau cùng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đền thờ cha mẹ Khổng Tử, được ngăn cách với Khu điện thờ bằng bức tường với cổng nhỏ ra vào. Đền được xây dựng trên nền của khu Thái Học hay Quốc Tử Giám xưa. Đền Khải Thánh cũng có bố cục chữ U với Tả Vu và Hữu Vu hai bên. Năm 1947, khu vực này bị người Pháp phá hủy hoàn toàn.
Nhà Tiền đường, Hậu đường khu Thái Học
Đây là công trình xây dựng hoàn toàn mới vào năm 1999, trên nền của đền Khải Thánh.
Khu Thái Học có tường bao quanh với cổng vào.
Nhà Tiền đường 9 gian, là nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến truyền thống hiếu học, tôn sự trọng đạo, nơi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam.
Hậu đường là kiến trúc 2 tầng. Tầng 1 gồm 9 gian, 2 chái, là nơi tôn vinh Danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, nơi trưng bày về Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long và nền giáo dục Nho học Việt Nam. Tầng 2 có 5 gian, là nơi tôn thờ các vị tiền nhân đã có công xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Nho học của Việt Nam. Đó là các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Trong sân khu Thái Học có nhà đặt trống và đặt chuông.
Cổng Khu Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Nhà Tiền đường Khu Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Nhà Hậu đường Khu Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Tượng thờ Danh sư Chu Văn An tại Hậu đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Nhà Trống Khu Thái Học với Trống Sấm được làm vào năm 2011 bởi các nghệ nhân làng trống Đọi Tam, xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trống có đường kính 2,01m, cao 2,65m.
Nhà Chuông Khu Thái Học với chuông bằng đồng, nặng 1,97 tấn, cao 2,34m, đường kính đáy 1,28m, hoàn thành năm 2009.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.
Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, Việt Nam với bộ sưu tập 82 bia đá chứa thông tin liên quan đến các vị đỗ đại khoa của triều đại Lê và Mạc (Stone stele records of imperial examinations of the Lê and Mạc dynasties), đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2010.
Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh, sinh viên xuất sắc, nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa danh được in trên tờ tiền của Việt Nam.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://vi.wikipedia.org/wiki/Văn Miếu - Quốc Tử Giám
https://en.wikipedia.org/wiki/Confucius
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Confucius,_Qufu
https://en.wikipedia.org/wiki/Stone_stele_records_of_imperial_examinations
_of_the_L%C3%AA_and_M%E1%BA%A1c_dynasties
http://vanmieu.gov.vn/m/vi/kien-truc-van-mieu---quoc-tu-giam-
228972092a285b1bad16a70ba44a3dbe.html
https://36hn.wordpress.com/2016/06/22/chum-anh-toan-canh-ha-noi-thoi-
thuoc-dia-nhin-tu-may-bay/
https://vi.wikipedia.org/wiki/Bia_ti%E1%BA%BFn_s%C4%A9_
V%C4%83n_Mi%E1%BA%BFu_Th%C4%83ng_Long
https://en.wikipedia.org/wiki/Stone_stele_records_of_imperial_examinations_
of_the_L%C3%AA_and_M%E1%BA%A1c_dynasties
https://www.orientalarchitecture.com/sid/650/vietnam/hanoi/van-mieu-temple
https://ashui.com/mag/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/1314-phong-trao-lam-
moi-di-tich-va-kinh-nghiem-phuc-che-efeo.html?tmpl=component&print=1&page=
- Xem video giới thiệu công trình tại đây.
- Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
- Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
- Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 15/06/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam
- Lăng đá cổ ở Hiệp Hoà, Bắc Giang
- Công trình Casa de Luis Barragan, Mexico – KTS Luis Barragan
- Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội
- Chùa Trăm Gian, Chương Mỹ, Hà Nội
- Chùa Côn Sơn tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
- Chùa Liên Phái, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Chùa Từ Hiếu, Thuỷ Xuân, Huế
- Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội
- Chùa, miếu trên cụm di tích núi Sam, Châu Đốc, An Giang
- Chùa Vĩnh Tràng, TP Mỹ Tho, Tiền Giang
- Chùa trên núi Bà Đen, Hoà Thành, Tây Ninh
- Danh lam xứ Lạng- chùa Thành, chùa Tam Thanh
- Những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng
- Chùa Hang, Kiên Lương, Kiên Giang
|