Tuần 32 - Ngày 16/03/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Dạm, Bắc Ninh, Việt Nam |
07/01/2013 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Dạm, Bắc Ninh
Địa điểm: Xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, VIệt Nam
Quy mô: Diện tích đất khoảng 0,7ha
Thời gian hình thành: Thế kỷ 11
Giá trị:
Chùa Dạm,tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội), cũng được gọi là chùa Lãm Sơn, theo tên xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Vùng đất Nam Sơn có dãy núi Dạm, tên chữ là Đại Lãm Sơn, nổi lên giữa một vùng đồng bằng. Các làng mạc nằm quanh chân núi Dạm được gọi là các "làng Dạm".
Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về Nam, phía sông Đuống (cách khoảng 5,5km).
Công trình là một đại danh lam từ thời Lý (1009 – 1225) và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm.
Chùa Dạm là công trình diện quốc tự, do vua xây dựng, chứ không phải diện đất của vua, chùa của làng.
Chùa được vua Lý Nhân Tông (hoàng đế thứ 4 nhà Lý, trị vì năm 1072 – 1128) cho xây dựng từ năm 1086 đến 1097, đặt tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, ban 300 mẫu ruộng tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi hương khói và bảy gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng - mở cửa chùa. Năm 1105, lại cho xây ba tháp đá ở chùa Dạm.
Năm 1088, vua Lý Nhân Tông đến chùa, ở lại chùa, ban đêm tổ chức ban yến cho văn võ triều thần ở đây. Chùa Dạm, như một hành cung, có quy mô to lớn ngang với chùa Phật Tích (tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Sự bề thế củc chùa Dạm không chỉ do tầm quan trọng của chùa như là một trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt, mà còn thể hiện sự giàu mạnh của quốc gia và đề cao Phật giáo thời Lý.
Thời Trần (1226- 1400), chùa vẫn được duy trì với 12 tòa nhà, mang tên Thần Quang tự.
Đến thời Hậu Lê (1428 – 1789), chùa được trùng tu quy mô lớn với khoảng 100 gian trên diện tích đất 0,7ha.
Vào những năm 1946-1947, khi quân đội thực dân Pháp về đây đóng bốt, chùa đã bị phá huỷ hoàn toàn. Ngôi chùa bị cháy mấy ngày đêm mới hết. Đêm chùa cháy có một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mịt mù, dân làng kinh hãi bảo nhau sau này nhất quyết phải dựng trả lại chùa để không đắc tội với thần linh.
Hầu như toàn bộ di vật, cổ vật đã mất hết, chỉ còn giữ được tượng mẫu Nguyên phi Ỷ Lan (Linh Nhân Hoàng thái hậu,1044 – 1117, mẹ ruột của vua Lý Nhân Tông) và tượng vua Lý Nhân Tông gửi vào chùa Hàm Long gần đó.
Năm 1986 chùa được phục dựng với ba gian điện nhỏ thờ thần Phật và ba gian đền thờ hai cổ vật còn sót lại là tượng Nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông.
Hiện tại chùa Dạm đang được phục dựng lại theo Dự án bảo tồn và xây dựng chùa Dạm, thuộc Khu du lịch văn hóa và sinh thái núi Dạm với tổng diện tích khoảng 198 ha.
Dự án bảo tồn và xây dựng chùa Dạm có tổng diện tích khoảng 4,7 ha, được chia thành 2 dự án thành phần: Dự án bảo tồn Khu di tích gốc, là phần lõi khảo cổ, có diện tích khoảng 0,7ha; Diện tích mở rộng quy hoạch để xây dựng chùa mới quanh khu đất chùa cổ, khoảng 4ha.

Sơ đồ tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan Khu du lịch sinh thái và văn hóa núi Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh (quy hoạch năm 2015), trong đó có Dự án bảo tồn và xây dựng chùa Dạm

Tổng mặt bằng chùa Dạm, với các công trình xây dựng mới bao quanh Khu di tích gốc

Một trong những công trình chùa mới được xây dựng tại Dự án bảo tồn và xây dựng chùa Dạm (bên ngoài Khu di tích gốc)
Chùa Dạm xưa nằm trên một khu đất có diện tích khoảng 7.200m2, với bốn bậc nền cao dần trên một trục dài 120m bám theo triền dốc của núi Dạm, chiều rộng mặt nền khoảng 70m.
Ranh giới của các cấp bậc nền đều xếp đá chống xói lở, chân hơi choãi, chếch khoảng 70 độ và cao 5–6 m. Đá xếp đều khai thác tại chỗ, đẽo gọt vuông vắn như viên gạch dài rộng chừng 50 cm - 60 cm.
Đi lên xuống giữa các bậc nền là đường dốc bậc.
Mặt của các bậc thềm nền được lát gạch thời Lý với hoa văn hình rồng, phượng, sen dây, cúc dây.
Trên các bậc thềm nền vẫn lưu lại di tích những chân cột đá 0,75m x 0,75m, chạm nổi cánh sen.

Toàn cảnh chùa Dạm xưa với tàn tích của các bậc nền

Hệ thống tường đá kè tạo thành các bậc nền tại chùa Dạm, Bắc Ninh

Một điện thờ xây dựng tạm (tại Bậc nền thứ hai) trong chùa Dạm, Bắc Ninh
Bậc nền thứ nhất
Bậc nền đầu tiên được dân địa phương gọi là Bãi Hội.
Tại đây có một khoang bậc rộng 16m lên Bậc nền thứ hai.

Tàn tích Bậc nền thứ nhất, chùa Dạm, Bắc Ninh

Nhìn từ Bậc nền thứ nhất lên Bậc nền thứ hai, chùa Dạm, Bắc Ninh
Bậc nền thứ hai
Từ Bậc nền thứ nhất lên Bậc nền thứ hai có 3 lối hẹp hơn so với lối lên Bậc nền thứ nhất.
Bậc nền thứ hai là nền chùa chính. Đây cũng là nơi lưu giữ những di tích quan trọng nhất.
Kè đá tạo bậc nền có chạm hoa văn hình sóng nước, nét hoa văn to nổi khối, do chạm sâu.
Trên Bậc nền thứ hai có dựng một tấm bia trên lưng rùa; thân bia cao 1,5m, rộng 1m, mặt bia đều mòn mờ, khó đọc. Diềm bia có hoa văn dây leo có lẽ được khắc sau này, quãng thế kỷ 16.
Trên bậc thềm này có hai bệ hình vuông và hình tròn:
Bệ hình vuông mỗi cạnh dài 7m, cao 2 m. Không rõ xưa kia trên bệ này đặt công trình gì. Đá kè bao quanh bệ hình hộp được chạm hoa văn văn sóng nước thời Lý;
Bệ hình tròn, nằm phía đối diện Bệ hình vuông, có đường kính khoảng 4,5 m, cao 1 m, cũng được kè đá chạm hoa văn sóng nước Lý. Chính giữa Bệ hình tròn là một cột đá lớn nguyên khối, cao gần 5m, không kể phần chôn sâu vào trong nền đất, gồm hai thớt khối theo hình tượng trời tròn, đất vuông.
Khối gốc vuông tiết diện 1,4m x 1,6m.
Khối hình trụ đặt ở trên khối vuông, đường kính khoảng 1,3m. Đoạn dưới trụ tròn chạm nổi đôi rồng phong cách thời Lý với đầu vươn cao chầu vào viên ngọc, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Hình dáng rồng với mào bốc lửa, bờm thành búi như cờ đuôi nheo, thân tròn uốn khúc, chân chim năm móng.. Hai chân phía trước của rồng có móng sắc, nhọn, giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm. Đôi rồng nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc, tinh xảo.
Có người cho rằng cột đá này là biểu tượng sinh thực khí Linga và Yoni, bắt nguồn từ văn hóa Champ đã được Việt hóa với mơ ước sinh sôi, nảy nở.
Song có người lại cho rằng, cột đá chỉ là phần còn lại của kiến trúc Liên hoa đài, là phần chân nâng đỡ một kiến trúc phía trên.
Cột đá chùa Dạm được coi là biểu tượng của Mỹ thuật Việt Nam.
Bậc nền thứ hai này còn có giếng Bống, theo truyền thuyết về cô Tấm nuôi cá bống trong truyện cổ dân gian.

Tàn tích Bậc nền thứ hai, chùa Dạm, Bắc Ninh

Bệ vuông và Bệ tròn tại Bậc nền thứ hai, chùa Dạm, Bắc Ninh

Bệ vuông tại Bậc nền thứ hai, chùa Dạm, Bắc Ninh

Bệ tròn với trụ đá bên trên, chùa Dạm, Bắc Ninh

Trang trí hình tượng rồng trên trụ đá tại chùa Dạm, Bắc Ninh

Tàn tích Giếng cổ gắn liền với sự tích bà Tấm tại Bậc nền thứ hai, chùa Dạm, Bắc Ninh
Bậc nền thứ ba và Bậc thềm thứ tư
Từ Bậc nền thứ hai lên Bậc nền thứ ba và thứ tư chỉ có hai lối hẹp.
Bậc nền thứ ba và tư vẫn còn lưu lại dấu vết của các điện thờ, đền thờ cô Tấm và Nguyên phi Ỷ Lan.
Ở đây còn lưu giữ tấm bia đá nhỏ, khắc năm 1696, cao 0,65m, rộng 1,4m. Tấm bia mang tên "Đại Lãm Thần Quang tự tân tạo Hộ pháp" cho biết trước đây chùa chưa có Hộ pháp và hàng nghìn người làm việc phúc đã tu bổ chùa, dựng thêm tượng.
Tại Bậc nền thứ tư, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu móng trụ cột cùng dải gạch bó nền, gạch lát nền, ngói mũi sen. Đặc biệt, cũng tại cấp nền này đã tìm được móng trụ cột hình tròn có đường kính lớn tới 1,7m cùng hệ thống trụ cột hình vuông.

Tàn tích Bậc nền thứ ba, chùa Dạm, Bắc Ninh

Bậc nền thứ tư, bậc nền trên cùng với các tàn tích nền móng, chùa Dạm, Bắc Ninh

Tàn tích bậc lên xuống giữa Bậc nền thứ ba và thứ tư, chùa Dạm, Bắc Ninh
Ngoài ra, ở di tích chùa Dạm còn tìm được phần đầu tượng đá Kim Cương; các chân đế cột bằng đá cỡ lớn chạm khắc hoa văn và nhiều mảnh đất nung hình rồng, hoa lá...
Chùa Dạm đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1962.
Lễ hội của chùa Dạm vào ngày mùng 8 tháng 9 (âm lịch). Các làng quanh chùa Dạm mở hội và rước kiệu thành hoàng làng lên chùa Dạm yết kiến Thánh Mẫu (hay vua bà Ỷ Lan).

Các hố thám sát, khai quật tại chùa Dạm, Bắc Ninh

Tàn tích chân cột đá có trang trí hình hoa sen tại chùa Dạm, Bắc Ninh

Tàn tích móng tường tại chùa Dạm, Bắc Ninh

Tàn tích gạch bó nền thời Lý tại chùa Dạm, Bắc Ninh
Tàn tích các hiện vật trang trí nghệ thuật thời Lý tại chùa Dạm, Bắc Ninh

Phiên bản cột đá chùa Dạm, Bắc Ninh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
Chùa Dạm tại xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hiện chỉ còn lưu lại các di tích nền móng, song luôn tồn tại trong ký ức về một ngôi chùa Dạm, trung tâm Phật giáo, đại danh lam thời nhà Lý, Đại Việt.
Việc phục dựng chùa Dạm tại Dự án bảo tồn và xây dựng chùa Dạm là cơ hội lớn cho ngành văn hóa và xây dựng Việt Nam trong việc nghiên cứu và hình thành công nghệ mới, từ khảo cổ, quét 3D đến phục dựng số toàn bộ công trình; là cơ sở cho đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất vật liệu mới; bảo tồn, tôn tạo di tích một cách chuyên nghiệp để có hiệu quả lâu dài cho xã hội.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_D%E1%BA%A1m
http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-van-hoa/-/details/20182/phuc-dung
-chua-dam-ngoi-co-tu-ngan-nam-tuoi
http://bacninh.gov.vn/news/-/details/20182/cong-bo-quy-hoach-du-an-bao-ton-va-xay-dung-chua-dam
https://phatgiao.org.vn/phuc-dung-chua-dam-ngoi-quoc-tu-ngan-nam-tuoi-bi-bo-quen
-trong-hoang-phe-d34010.html
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/199/album/0
- Xem video giới thiệu chùa tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 04/04/2020 )
|
Tin mới đưa:- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
Tin đã đưa:- Chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
- Chùa Thái Lạc, Văn Lâm, Hưng Yên
- Chùa Nôm, Văn Lâm, Hưng Yên
- Chùa Giác Lâm, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
- Chùa Hòe Nhai, Ba Đình, Hà Nội
- Chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Chùa Thiên mụ, Huế
- Chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh
- Chùa Kim Liên, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Bổ Đà, Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang
- Chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Hà và đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội Việt Nam
|