Tuần 14 - Ngày 01/04/2023
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Thái Lạc, Văn Lâm, Hưng Yên |
24/12/2012 |

Thông tin chung:
Công trình: Chùa Thái Lạc (Thai Lac Temple, Hung Yen Province, Vietnam)
Địa điểm: Huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, VIệt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành: Thế kỷ 14
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích kiến trúc nghệ thuật, năm 2018)
Chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự), tọa lạc ở thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Chùa thuộc hệ thống thờ Tứ Pháp mà cư dân của nền văn hóa nông nghiệp rất coi trọng.
Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là sự hòa hợp giữa đạo Mẫu (yếu tố nội sinh, thờ các vị thần tự nhiên bản địa) và đạo Phật (yếu tố ngoại nhập). Đó là các nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và mẹ của Tứ Pháp là Man Nương. Trong tín ngưỡng thờ Tứ Pháp thì Pháp Vân đứng đầu, đại diện cho cả Tứ Pháp.
Tín ngưỡng này khởi nguồn từ vùng Dâu, Bắc Ninh với ngôi chùa cổ nổi tiếng là Chùa Dâu tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Vùng Dâu, xưa còn gọi là Luy Lâu, là thủ phủ của quận Giao Chỉ và của cả Giao Châu từ năm 111 TCN đến 106 TCN. Luy Lâu thời Bắc thuộc (năm 111 TCN đến 905 sau Công nguyên) không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế - thương mại, trung tâm văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam. Đây là nơi giao lưu của văn hóa Phật giáo, từ Ấn Độ, Trung Á, Nam Á sang và văn hóa Nho Lão, từ phương Bắc (Trung Hoa - Đông Á) xuống, để rồi kết tụ thành văn hóa Kinh Việt.
Chùa được khởi dựng từ đời Trần, đầu thế kỷ 14, được tu sửa nhiều lần ở các thế kỷ 16;17;18;19.
Ngôi chùa hiện nay mặt chính quay về hướng Nam, trên một diện tích khoảng 2000m2, được xây được xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc”.
Ngoài cùng là một tam quan mới xây dựng, 3 cửa ra vào, tạo thành 3 khối cổng cao 2 tầng, 8 mái. Phía trên khối cổng giữa treo chuông.
Tổ hợp công trình chính hình chữ công (H), Tam tòa, gồm:
Tiền đường 7 gian, 2 chái, tường hồi bít đốc. Tiền đường có 4 hàng chân cột, các cột được kê lên chân cột bằng đá xanh. Hệ thống vì kèo kết cấu theo lối giá chiêng, chồng giường.
Thiêu hương: Nối giữa tòa Tiền đường và Thượng điện, 1 gian.
Thượng điện được dựng trên một cấp nền cao hơn so với mặt bằng tổng thể với bốn cạnh gần như vuông, được bó vỉa bằng các hàng gạch. Trên cấp nền này dựng lên một bộ khung kiến trúc bao gồm bốn hàng chân cột, mỗi cột có kích thước khá lớn (cao 2,95m, đường kính 45cm) tạo thành tòa nhà một gian hai chái.
Hậu đường: Nằm kế tiếp ngay sau tòa Thượng điện, cách Thượng điện một khoảng sân nhỏ. Hai dãy hành lang Tả vu và Hữu vu chạy song song hai bên Thượng điện kết hợp với Hậu đường tạo thành một tổng thể khép kín của ngôi chùa. Tòa Hậu đường hiện nay gồm 7 gian, tường hồi bít đốc. Dãy hành lang hai bên 7 gian, dài 18m, rộng 4m, cao 3,5m.
Trong những năm gần đây, trong chùa có một số công trình mới được xây dựng như: Trường hạ, nơi ăn uống của tăng ni, giảng đường; Lầu Quan Âm…

Phối cảnh tổng thể chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Tam quan chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Tiền đường, chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Nội thất Tiền đường, chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Ban thờ tại Thượng điện, chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Tượng nữ thần Pháp Vân trong ban thờ tại Thượng điện, chùa Thái Lạc, Hưng Yên


Tòa Tả vu, Hữu vu và Hậu đường bao quanh Tam tòa, chùa Thái Lạc, Hưng Yên
Chùa Thái Lạc còn giữ được bộ vì gỗ ở gian giữa tòa thượng điện, kiến trúc thời Trần, còn khá nguyên vẹn. Loại hình này ở Việt Nam rất hiếm, ngoài chùa Thái Lạc chỉ còn thấy ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Bộ vì kiến trúc kiểu giá chiêng, dựa trên kết cấu bốn hàng chân cột. Trên bộ vì được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí.
Trên các cốn, các đố của bộ vì và trên các cột, đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn vô cùng tinh xảo.
Trên ván bưng chạm tiên nữ đầu người mình chim. Trên thân cột trụ chạm hình các ông phỗng giơ tay đỡ bệ sen phía trên.
Trên ván nong trang trí đề tài các tiên nữ: Tiên nữ đang cưỡi phượng, người thổi tiêu, người kéo nhị; Tiên nữ đang thổi sáo, đánh đàn; Tiên nữ đầu người mình chim đang giơ tay dâng hoa. Độc đáo hơn còn có cảnh chạm khắc dàn nhạc đang sử dụng những nhạc cụ dân tộc.
Những bức chạm khắc này không chỉ là những bức chạm khắc sinh động, mang phong cách thời Trần, mà là những tiêu bản là duy nhất.




Kết cấu mái kết hợp với các tấm trang trí, chùa Thái Lạc, Hưng Yên
Ngoài các bức chạm tiêu biểu trên, chùa Thái Lạc hiện còn lưu giữ được một số pho tượng cổ có niên đại vào thời hậu Lê, khoảng thế kỷ 17- 18 như tượng Pháp Vân được đặt ở trung tâm của tòa Tam Bảo, bộ tượng Tam thế Phật; Hệ thống tượng Thập điện Diêm Vương và Quan Âm Nam Hải mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Bên cạnh đó, chùa Thái Lạc hiện còn lưu giữ được một số tấm bia đá tiêu biểu như: Bia đá niên hiệu Hoằng Định năm thứ 12 (1611); Bia đá niên hiệu Dương Hòa năm thứ 2 (1636); Bia đá niên hiệu Chính Hòa, năm thứ 24 (1703). Các tấm bia này ghi quá trình trùng tu, tôn tạo chùa.
Tại gian Thượng điện của chùa Thái Lạc hiện treo một quả chuông đồng có tên “Pháp Vân tự chung”, trên thân chuông có ghi niên đại là Hoàng triều Minh Mệnh, năm thứ 19 (1838). Trên thân chuông có chia ô và khắc các bài minh văn.
Hiện chùa Thái Lạc đang lưu giữ một bản in bùa trấn Tứ pháp được làm bằng gỗ mít, có kích thước rộng 32cm, dài 80 cm, dày 2,5cm. Các họa tiết và nội dung của bản in được khắc nổi, bước đầu niên đại được định là sản phẩm của thế kỷ 17.

Bức chạm khắc 2 Tiên nữ đầu người, mình chim dâng hoa, chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Bức chạm khắc Tiên nữ đầu người, mình chim dâng hoa, chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Bức chạm khắc Tiên nữ cưỡi chim, người thổi tiêu, người kéo nhị, chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Bức chạm khắc Tiên nữ đánh đàn, chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Bức chạm khắc rồng chầu sen, chùa Thái Lạc, Hưng Yên

Bức chạm khắc rồng, chùa Thái Lạc, Hưng Yên
Chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự), huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là một ngôi chùa đẹp và nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc kiến trúc gỗ thời Trần, có giá trị tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam.
Chùa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt năm 2018.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Th%C3%A1i_L%E1%BA%A1c
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_
%C4%91%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
http://bmktcn.com/index.php?option=com_content&task=view&id=5551&Itemid=153
https://vtv.vn/video/kham-pha-viet-nam-kien-truc-go-chua-thai-lac-327484.htm
http://www.spnttw.edu.vn/userfiles/files/11_nguyenvanba.pdf
Xem video giới thiệu chùa tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 25/12/2019 )
|
Tin mới đưa:- Nhà thờ Bourges, Pháp
- Tượng đài trắng của Vladimir và Suzdal, Nga
- Tu viện Poblet, Tarragona, Catalonia, Tây Ban Nha
- Chùa hang Rangiri Dambulla, Matale, Sri Lanka
- Trung tâm lịch sử San Gimignano, Ý
- Tu viện Daphni, Tu viện Hosios Loukas và Tu viện Nea Moni tại Chios, Hy Lạp
- Nhà thờ Đức Bà, Tu viện cổ Saint-Remi và Cung điện Tau, Reims, Pháp
- Quần thể kiến trúc Kizhi Pogost, Medvezhjegorskij, Karelian, Nga
- Trung tâm lịch sử Saint Petersburg và các nhóm di tích liên quan, Nga
- Cung điện và Công viên tại Potsdam và Berlin, Đức
- Quần thể di tích Phật giáo tại Sanchi, Ấn Độ
- Địa điểm khảo cổ học Olympia, Hy Lạp
- Thành phố cổ Salamanca, Tây Ban Nha
- Tu viện Alcobaça, Bồ Đào Nha
- Nhà thờ Canterbury, Tu viện St Augustine và Nhà thờ St Martin, Kent, Anh
Tin đã đưa:- Chùa Nôm, Văn Lâm, Hưng Yên
- Chùa Giác Lâm, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh
- Chùa Hòe Nhai, Ba Đình, Hà Nội
- Chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Chùa Thiên mụ, Huế
- Chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh
- Chùa Kim Liên, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Bổ Đà, Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang
- Chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh
- Chùa Hà và đình Bối Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
- Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội Việt Nam
- Chùa Thày, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
- Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội
|