|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đồi Hoàng gia Ambohimanga, Madagascar |
22/06/2017 |
Thông tin chung:
Công trình: Đồi Hoàng gia Ambohimanga (Royal Hill of Ambohimanga)
Địa điểm: Thành phố Antananarivo, Madagascar (S18 45 33.012 E47 33 46.008)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 59 ha, vùng đệm 425ha
Năm hình thành: Thế kỷ 16
Giá trị: Di sản thế giới (2001; hạng mục iii, iv, vi)
Madagascar bao gồm đảo Madagascar (hòn đảo lớn thứ tư trên thế giới) và nhiều hòn đảo ngoại vi nhỏ hơn với diện tích khoảng 587.041 km2, dân số khoảng 24,43 triệu người (năm 2016). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Antananarivo; Ngôn ngữ chính thức là Malagasy và tiếng Pháp.
Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy, đã có con người sống tại Madagascar từ năm 2000 trước Công nguyên. Song việc định cư của con người tại Madagascar diễn ra vào khoảng năm 350 trước Công nguyên đến năm 550 sau Công nguyên, gồm:
- Các bộ tộc Austronesian, là những người thổ dân khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi với ngôn ngữ Austronesian. Họ vượt biển đến đây;
- Các bộ tộc Bantu, tên chung cho khoảng 300 -600 dân tộc châu Phi nói tiếng Bantu, sống tại Đông và Nam Trung Phi. Họ đến đây qua eo biển Mozambique từ Đông Phi.
Theo thời gian, trên đảo hình thành cộng đồng Malagasy, chia thành hai nhóm: Nhóm trên cao nguyên, có nguồn gốc từ người Austronesian, gồm bộ tộc nhỏ Merina, Sihanaka và Betsileo, hoạt động chủ yếu là trồng lúa; Nhóm ven biển, có nguồn gốc từ những người Bantu.
Cho đến thế kỷ 18, đảo Madagascar bị chia cắt, phân tán theo các bộ tộc, trong đó có Vương triều của bộ tộc người Merina (Merina Kingdom, 1540- 1897), nằm tại trung tâm đảo.
Bắt đầu từ thế kỷ 19, hầu hết các đảo được thống nhất lại dưới quyền cai trị của Vương quốc Madagascar do tầng lớp quý tộc Merina lãnh đạo.
Năm 1897, người Pháp lật đổ Vương quốc Madagascar và chiếm đảo.
Madagascar độc lập từ Pháp vào ngày 26/6/1960.
Hiện tại Madagascar được chia thành 22 tỉnh, 119 huyện và 1579 xã.
Vào giữa thế kỷ 16, Vương quốc Merina được hình thành với thủ đô là Ambohimanga, dưới sự cai trị của vua Andriamanelo (năm 1540-1575). Ông là người khởi xưởng các chiến dịch quân sự để mở mang bờ cõi, đồng hóa dân cư xung quanh và hình thành nên mô hình thị trấn được tăng cường về quân sự (gọi là Rova), tương tự như pháo đài, thành cổ với tường bao bằng đất, cổng đá và các hào rãnh sâu phòng thủ bao quanh.
Vua Andriamanelo được kế vị bởi con trai ông – vua Ralambo (1575-1612). Ông là người đặt tên cho vùng đất của vương quốc là Imerina – Đất nước của những người Merina ("Land of the Merina people ").
Bản đồ Madagascar và vị trí thành phố thủ đô Antananarivo
Đồi Hoàng gia Ambohimanga là một dạng thị trấn được tăng cường về quân sự (Rova), nằm trên một ngọn núi cao khoảng 140m so với khu vực xung quanh, được cho là một trong 12 ngọn núi thiêng liêng của Vương triều Merina và vùng chịu ảnh hưởng Imerina.
Từ Ambohimanga theo tiếng Malagasy có nghĩa là “ngọn đồi” (Ambohi) “thiêng liêng, xanh, đẹp, tốt lành” (manga).
Đồi Hoàng gia Ambohimanga nằm cách thành phố thủ đô Antananarivo 24 km về phía Đông Bắc. Đây là cái nôi của Vương quốc Merina, vương triều đã thống nhất và làm cho Madagascar trở thành một nhà nước hiện đại. Trong giai đoạn này, thủ đô chính trị của Madagascar là Antananarivo (bắt đầu từ năm 1794), thủ đô tinh thần là Ambohimanga.
Vua và gia đình Hoàng gia, các đời kế tục nhau tiến hành các nghĩ lễ Hoàng gia tại Đồi Hoàng gia Ambohimanga, thường xuyên cư ngụ tại đây cho đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Madagascar từ năm 1897 và Hoàng tộc phải lưu vong.
Độ cao đặc biệt của ngọn núi Ambohimanga so với khu vực xung quanh cho thấy tầm quan trọng chính trị của khu vực và tạo cho nó một vị trí trung tâm của Vương quốc Imerina. Đây không chỉ là nơi cung cấp một bức tranh toàn cảnh ra xung quanh, mà còn là sự lựa chọn vị trí chiến lược cho việc phòng thủ, nhằm tạo lập một quyền lực hùng mạnh cho Hoàng gia.
Vị trí Đồi Hoàng gia Ambohimanga so với khu vực xung quanh
Ảnh Đồi Hoàng gia Ambohimanga vào năm 1865
Định hướng và vị trí của nhiều cấu trúc xây dựng tại Ambohimanga tương tự như thành phố thủ đô Antananarivo.
Tại đây hình thành khái niệm về không gian: 4 điểm tại các góc và một điểm tại trung tâm; một quy ước về vị trí đặt công trình theo các hướng: Phần phía Đông, thường là nơi đặt các cấu trúc liên quan đến việc tôn kính tổ tiên, như lăng mộ hoàng gia; Phần phía Bắc, được cho là phù hợp với nam tính và quyền lực chính trị, là nơi bố trí các ngôi nhà của vua; Phần phía Nam, được cho là phù hợp với nữ tính và sức mạnh tinh thần, là nơi bố trí các ngôi nhà của phụ nữ trong Hoàng gia.
Thậm chí còn có các quy ước về sử dụng vật liệu: Ngôi nhà của người sống được làm bằng gỗ và thực vật (vật liệu sống); Ngôi nhà của người chết được làm bằng đá (lạnh và vật liệu trơ).
Đồi Hoàng gia Ambohimanga là một gò núi có diện tích khoảng 59ha, được bao quanh bởi một hệ thống thành lũy bằng đá và hào nước tạo thành 2 lớp thành, hào với 14 cổng ra vào, 7 cổng của lớp thành, hào bên trong và 7 cổng của lớp thành, hào bên ngoài.
Đỉnh núi nằm tại trung tâm của khu vực. Trên đỉnh là các cụm lâu đài Hoàng gia, lăng mộ vua. Xung quanh là các các tòa nhà nằm xen kẽ với vườn cây, hai hồ nước, vùng đất nông nghiệp dạng ruộng bậc thang và các ngôi làng tại thung lũng xung quanh (Tantsaha). Bao xung quanh triền đồi là là mảng rừng nguyên sinh được bảo tồn với các loại thực vật, trong đó có nhiều loại đặc hữu.
Cụm lâu đài hay pháo đài Hoàng gia gồm 3 khu vực: Khu vực Bevato; Khu vực Mahandrihono và Khu vực Nanjakana. Trong đó Khu vực Mahandrihono là lớn nhất và quan trọng nhất. Tiếp cận cụm lâu đài chủ yếu qua con đường tại dải thung lũng hẹp phía Tây Bắc.
Mỗi một khu vực lâu đài thường gồm: Cung điện hoàng gia (Lapa); Khu vực lăng mộ (Fasana) của một hay nhiều người sáng lập và các thành viên trong gia đình Hoàng tộc; Sân (Kianja) với một bệ đá để thực hiện các nghi lễ. Ngôi nhà của chủ nhân lâu đài nằm tại phía Bắc, trong khi gia đình sống tại các ngôi nhà tại phần phía Nam.
Các công trình trong các cụm lâu đài được xây dựng bởi các nhà lãnh đạo vương quốc Merina kế tiếp nhau, theo những phong cách kiến trúc khác biệt, phản ánh những thay đổi ấn tượng của vương quốc trong thế kỷ 19 với những ảnh hưởng của châu Âu.
Đồi Hoàng gia Ambohimanga được coi là một ví dụ điển hình của một tổ hợp kiến trúc và cảnh quan văn hóa, minh họa cho giai đoạn lịch sử giữa thế kỷ 16 đến 19 tại các hòn đảo của Ấn Độ Dương.
Đồi Hoàng gia Ambohimanga liên quan đến các sự kiện lịch sử quan trọng, nợi thống nhất các bộ tộc trong cộng đồng Malagasy, cũng như truyền thống và niềm tin có giá trị phổ quát, thờ cúng tổ tiên. Đây là một địa điểm thiêng liêng, nơi chôn cất, thờ cúng các vị vua, nơi tổ chức các lễ hiến tế thần linh với các linh vật như cây, hồ nước, đá; và là địa điểm hành hương, thể hiện sự tôn trọng và tôn kính của người dân Malagasy qua nhiều thế kỷ.
Đồi Hoàng gia Ambohimanga không chỉ là nơi tôn vinh nền văn hoá Austronesian và nền văn hóa Bantu, mà còn là minh chứng đặc biệt cho nền văn minh phát triển tại cao nguyên trung tâm (Hautes Terres Centrales) của Madagascar từ giữa thế kỷ 15 đến 19. Ngày nay, Đồi Hoàng gia Ambohimanga vẫn tiếp tục là nơi lưu giữ các bằng chứng khảo cổ học và là trung tâm hoạt động tôn giáo truyền thống của người Malagasy.
Đường lên Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Đồi Hoàng gia Ambohimanga, Madagascar được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2001) với tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Đồi Hoàng gia Ambohimanga là biểu tượng quan trọng nhất về bản sắc văn hóa của người dân Madagascar.
Tiêu chí (iv): Thiết kế, vật liệu xây dựng và bố cục truyền thống của quần thể kiến trúc tại Đồi Hoàng gia Ambohimanga là đại diện cho cấu trúc xã hội và chính trị của Malagasy từ ít nhất là thế kỷ 16.
Tiêu chí (vi): Đồi Hoàng gia Ambohimanga là một ví dụ điển hình về nơi mà qua nhiều thế kỷ, kinh nghiệm sống, niềm tin của con người được tập trung vào sự tưởng nhớ, nghi lễ và cầu nguyện.
Phạm vi Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Sơ đồ mặt bằng Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Các hạng mục công trình chính trong Khu vực Di sản gồm:
1) Cổng và hào lũy
Theo điều kiện địa hình, khu vực Đồi Hoàng gia Ambohimanga được bao quanh bởi các lớp thành và hào. Tại đây có 14 cổng, 7 cổng gắn với lớp thành, hào phía ngoài và 7 cổng gắn với lớp thành, hào bên trong. Cổng, thành và hào được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ 18 và xây dựng lại vào đầu thế kỷ 19.
Thành được xây dựng bằng đá với vữa vôi trộn lòng trứng trắng.
Hào bảo vệ (Hadivory) được kết hợp với các khe núi, có khe sâu đến 30m.
Sơ đồ các lớp thành, hào phòng thủ tại Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Cổng chính là cổng được bảo tồn tốt nhất với tên gọi Ambatomitsangana (ký hiệu 2 trong hình vẽ), nằm tại phía Đông Khu vực Di sản. Cửa che chắn cổng là một đĩa đá khổng lồ có đường kính 4,05m, dày 30cm, nặng 12 tấn. Đây là dạng cửa khẩu được cho là điển hình của hầu hết các ngôi làng của bộ tộc Hoàng gia Merina tại khu vực Imerina, trong giai đoạn 1540 – 1897, bảo vệ dân làng khỏi những kẻ cướp biển.
Cổng quan trọng thứ hai có tên là Andakana (ký hiệu 14), nằm tại phía Tây Khu vực Di sản. Đĩa đá chắn cổng hiện vẫn còn nguyên vẹn.
Cả hai cổng Ambatomitsangana và Andakana được coi là cổng ra vào của người sống. Vận chuyển người chết ra khỏi khu vực đi theo các cổng riêng.
Tại một số cổng có các viên đá lớn. Đây được cho là nơi những người cai trị đứng trên các tảng đá này để diễn thuyết trước công chúng.
Tại đây có những lối đi tự nhiên (Ambavahaditsiombiomby) theo điều kiện địa hình, len lỏi giữa các tảng đá, có vai trò quan trọng cho việc phòng thủ.
Cổng chính Ambatomitsangana với viên đá tròn làm cánh cổng tại Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Cổng chính Andakana với viên đá tròn làm cánh cổng tại Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Đường đi tự nhiên dọc theo thành đá tại Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
2) Khu vực lâu đài
- Khu vực Bevato
Tổ hợp Bevato (có nghĩa là “nhiều đá”, còn được gọi là Fidasiana-Bevato) được hình thành từ trước năm 1710, được mở rộng nhiều lần theo thời gian của các vị vua trị vì.
Đầu tiên, đây là nơi ở của vua Andriantsimitoviaminandriana (trị vì từ năm 1710 đến 1730) và Hoàng tộc.
Ban đầu tổ hợp được bao quanh bởi một bức tường bằng đá thấp, sau được thay thế bằng hàng rào gỗ vào thời vua Andriambelomasina (trị vì 1730-1770).
Tại đây có một tảng đá thiêng, nơi vua Andrianampoinimerina (trị vì Vương quốc Imerina từ năm 1787 cho đến khi qua đời năm 1810, được coi là nhân vật thần thoại, nhà lãnh đạo quân sự và chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử Madagascar) đã đăng quang khi đứng trên đỉnh tảng đá này.
Nữ hoàng Ranavalona I (trị vì 1828 -1861) đã mở rộng Tổ hợp về phía Tây và hoàn thành vào thời Nữ hoàng Ranavalona II (trị vì 1868 – 1883).
Tất cả các tòa nhà đều bị người Pháp phá hủy để xây trường học.
Cây thiêng (Aviavy) tại Tổ hợp Fidasiana-Bevato, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Cây thiêng với các sừng bò Zebu còn lại sau Lễ hiến tế tại Tổ hợp Fidasiana-Bevato, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
- Khu vực Mahandrihono
Tổ hợp Mahandrihono là cung điện lớn nhất, được hình thành vào những năm 1710 đến 1730 bởi vua Andriambelomasina (trị vì từ năm 1730-1770), tại phía Đông Nam của sân trung tâm (điểm kết thúc của tuyến đường vào Khu vực Di sản) và nằm ở độ cao cao hơn khu vực Bevato, tượng trưng cho ý nghĩa chính trị lớn hơn.
Ban đầu, đây là cung điện của vua Andrianampoinimerina (trị vì từ năm 1787- 1810) và Hoàng gia.
Dưới thời vua Radama I (trị vì 1810-1828); nữ hoàng Ranavalona I (trị vì 1828 -1861); nữ hoàng Ranavalona II (trị vì từ năm 1869 – 1883) tổ hợp công trình tiếp tục được nâng cấp và mở rộng.
Tổ hợp còn khá nguyên ven, được bao quanh bởi các bức tường đá (có mặt bằng như hình nửa quả trứng, mở ra về hướng Tây Bắc, phía thung lũng). Bên trong là các ngôi nhà của Hoàng gia. Nhà của vua đứng độc lập, nằm cạnh ngôi mộ của tổ tiên.
Phối cảnh Tổ hợp Mahandrihono tại Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Cổng chính vào Tổ hợp Mahandrihono tại Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Các hạng mục công trình chính trong tổ hợp gồm:
+ Cung điện Mahandrihono (Mahandrihono palace):
Trong số các tòa nhà còn tồn tại trong thời vua Andrianampoinimerina (1787-1810), chỉ có cung điện Mahandrihono xưa vẫn còn nguyên vẹn. Đây là ngôi nhà của vua trước khi ông chuyển thủ phủ chính trị của Imerina tới thành phố thủ đô mới Antananarivo. Công trình có cấu trúc bằng gỗ đơn giản, xây dựng theo phong cách truyền thống của tầng lớp quý tộc Imerina: các bức tường được làm bằng gỗ đặc; nhà mái dốc được hỗ trợ bởi các trụ gỗ cao đến 10m.
Đây là địa điểm linh thiêng, vợ của vua cũng không được phép ở lại qua đêm.
Nữ hoàng Rasoherina (trị vì 1863- 1868) và những người kế vị thường ngồi trên tảng đá trước cửa để nói chuyện với người đi cùng. Nhiều người hành hương đến đây để kết nối với tinh thần của vị vua thần thánh Andrianampoinimerina và tổ tiên của mình.
Hiện nay, công trình còn là nơi trưng bày các đồ vật liên quan đến thời kỳ vua Andrianampoinimerina trị vì, như vũ khí, trống, bùa hộ mạng (Talismans). Du khách được yêu cầu vào nhà bằng cách bước vào bằng chân phải và đi ra bằng cách đi lùi, để thể hiện sự tôn kính.
Cung điện Mahandrihono thời vua Andrianampoinimerina tại Tổ hợp Mahandrihono, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
+ Cung điện Hoàng gia (Royal Pawilions):
Cung điện hoàng gia gồm hai tòa nhà trang trí hoa văn được làm từ gỗ, xây dựng vào năm 1871, trên nền một dinh thự cũ.
Tòa nhà lớn có tên gọi Fandriampahalemana, cao hai tầng, tầng 1 là phòng tiếp khách, tầng 2 là phòng ngủ của nữ hoàng Ranavalona II và phục vụ. Phòng ngủ của nữ hoàng được coi là nơi linh thiêng đối với người hành hương.
Tòa nhà nhỏ có tên gọi là Tranofitaratra, được xây dựng vào năm 1862, theo lệnh của nữ hoàng Ranavalona II, là nơi tiếp các bộ trưởng. Công trình có cửa sổ lớn bằng kính với tầm nhìn rộng ra vùng nông thôn xung quanh. Kính làm cửa được nhập khẩu từ Anh.
Cung điện Hoàng gia thời nữ hoàng Ranavalona II tại Tổ hợp Mahandrihono, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
+ Ngôi mộ Hoàng gia (Royal Tombs):
Theo truyền khẩu, vào thế kỷ 19, tại đây có 12 ngôi mộ Hoàng gia, dạng các nhà mồ bằng gỗ không có cửa sổ. Hiện tại đây còn 4 ngôi mộ lớn, nằm tại phía Bắc, bao gồm mộ của vua
Andriantsimitoviaminiandriana, Andriambelomasina, Andriampoinimerina, Ranavalona I và Ranavalona II. Các thành viên Hoàng tộc được chôn trong các ngôi mộ nhỏ hơn.
Khi xâm chiếm Madagascar, người Pháp đã phá hủy và hư hỏng nhiều ngôi mộ tại đây như một nỗ lực nhằm phá vỡ tinh thần phản kháng của người Imerina. Các ngôi mộ được phục hồi lại vào năm 2008.
Đường lên khu 4 lăng mộ vua tại Tổ hợp Mahandrihono, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
4 lăng mộ vua tại Tổ hợp Mahandrihono, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
+ Các di tích khác:
Các di tích nổi bật khác trong Khu vực Mahandrihono gồm: Hai bể nước được xây dựng bởi nữ hoàng Ranavalona I; Cột để buộc bò (Zebu) khi hiến tế.
Di tích Cột để buộc bò (Zebu) khi hiến tế, tại Tổ hợp Mahandrihono, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
- Khu vực Nanjakana
Tổ hợp Nanjakana nằm tại phía Đông Bắc của Tổ hợp Mahandrihono, được xây dựng bởi vua Andrianjafy (trị vì từ năm 1770-1787). Phía Bắc của Khu vực là một gò núi đá cung cấp tầm nhìn rộng ra khu vực xung quanh.
Trong triều đại vua Andrianampoinimerina (trị vì từ năm 1787- 1810), tại đây có 5 ngôi nhà của Hoàng gia.
Các ngôi nhà bị hỏa hoạn năm 1861 và được tái thiết lại một phần sau đó.
Tàn tích Tổ hợp Nanjakana, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
3) Làng xóm và khu vực tự nhiên xung quanh
Các làng (Villages) xung quanh Đồi Hoàng gia Ambohimanga có niên đại ít nhất là vào thế kỷ 16, khi các thung lũng tại phía Bắc và Nam đồi Ambohimanga lần đầu tiên được chuyển thành ruộng lúa dạng bậc thang.
Sau khi thành lập lâu đài Hoàng gia trên đỉnh đồi, các nhà lãnh đạo đã đưa ra các quy định để phát triển các làng xung quanh và quản lý các đối tượng cư ngụ.
Dưới thời vua Andrianampoinimerina (trị vì từ năm 1787- 1810), đã có quy định về số lượng các nhà ở cho thành viên gia tộc được xây dựng xung quanh đồi. Nhà vua cũng thiết lập các quy tắc để cải thiện điều kiện vệ sinh và kiểm dịch.
Một số vị vua còn quy định quy mô, kích thước và kiểu cách trang trí của các tòa nhà xung quanh.
Năm 1883, tại đây mới bỏ quy định không được phép xây dựng nhà thờ. Năm 1870, mới có quy định cho phép xây dựng nhà bằng gạch đá, là vật liệu trước đây chỉ dành cho xây mộ và tường...
Tại khu vực tự nhiên xung quanh có hai con suối. Nước suối được sử dụng để tạo thành hồ thiêng (Amparihy Lake).
Rừng xung quanh khu vực Di sản là mảng rừng nguyên sinh cuối cùng, được coi là rừng thiêng. Việc chặt cây lấy gỗ từ xưa đến nay là điều cấm kỵ.
Rừng vẫn giữ được các chu trình sinh học xưa, đặc biệt là nguồn nước ngầm cấp cho các con suối và hồ nước linh thiêng. Trong rừng chứa một bộ sưu tập các loài cây, cây thuốc bản địa, đặc biệt là cây zahana đặc hữu (phyllarthron madagascariensis).
Ruộng bậc thang xung quanh Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Cây Zahana đặc hữu tại mảng rừng nguyên sinh, Khu Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga
Di sản Đồi Hoàng gia Ambohimanga hiện vẫn giữ được sự toàn vẹn hình ảnh xưa, bao gồm lâu đài Hoàng gia, lăng mộ và các địa điểm linh thiêng. Di sản gắn với niềm tin mạnh mẽ vào bản sắc dân tộc và là nguồn cảm hứng cho khát vọng độc lập; sự thiêng liêng trong việc thực hành các nghi lễ quốc gia; sự tôn trọng tuyệt đối và là hiện thân của một trật tự xã hội lý tưởng được ban phước lành bởi tổ tiên.
Địa điểm này luôn là biểu tượng in đậm trong tâm trí của tất cả người dân Madagascar trong suốt 500 năm qua và là nơi hành hương của những người sống tại quốc gia khác song có nguồn gốc tại đây.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/950
https://en.wikipedia.org/wiki/Madagascar
https://en.wikipedia.org/wiki/Antananarivo
https://en.wikipedia.org/wiki/Merina_Kingdom
https://en.wikipedia.org/wiki/Ambohimanga
http://www.traveladventures.org/continents/africa/rova-ambohimanga09.html
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi |
Cập nhật ( 10/07/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Các tòa nhà truyền thống Asante tại Ghana
- Khu Nghệ thuật đá Chongoni, Malawi
- Trung tâm nhập cư lao động Aapravasi Ghat, Mauritius
- Thị trấn cổ Ouadane, Chinguetti, Tichitt và Oualata tại Mauritania
- Medina của thành phố Fez, Morocco
- Gebel Barkal và các địa điểm khảo cổ Napatan, Sudan
- Đảo Mozambique, Nampula, Mozambique
- Đảo Robben, Nam Phi
- Khu nghệ thuật đá Twyfelfontein, Namibia
- Trung tâm Lịch sử Agadez, Niger
- Cảnh quan văn hóa Sukur, Nigeria
- Thị trấn cổ Lamu, Kenya
- Phong cảnh tự nhiên và văn hoá cao nguyên đá Ennedi, Chad
- Thị trấn Stone trên đảo Zanzibar, Tanzania
- Koutammakou, vùng đất của người Batammariba, Togo
|