|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Gebel Barkal và các địa điểm khảo cổ Napatan, Sudan |
09/06/2017 |
Thông tin chung:
Công trình: Gebel Barkal và các địa điểm khảo cổ Napatan (Gebel Barkal and the Sites of the Napatan Region)
Địa điểm: Karima và Meroe, Sudan
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 182,5ha, vùng đệm 46,5ha.
Năm hình thành: 1500 trước Công nguyên – thế kỷ 6 sau Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (2003; hạng mục i, ii, iii, iv, vi)
Sudan là nước lớn thứ ba ở châu Phi, phía Đông giáp Ai Cập, Biển Đỏ (Red Sea), Eritrea và Ethiopia; phía Nam giáp Nam Sudan; phía Tây Nam giáp Cộng hòa Trung Phi; phía Tây giáp Chad; phía Tây Bắc giáp Libya.
Sudan có diện tích khoảng 1.886.068 km2, dân số khoảng 40,23 triệu người (năm 2015). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Khartoum. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Ả Rập và tiếng Anh; Tôn giáo chính là đạo Hồi.
Vào năm 3500 trước Công nguyên đây thuộc Vương quốc của người Nubian, là khu vực dọc theo sông Nile nằm ở phía Bắc Sudan và phía Nam Ai Cập ngày nay. Đây có thể coi là cái nôi của nền văn minh cổ châu Phi.
Vào thế kỷ 15 trước Công nguyên, Pharaoh Thutmose III (vua cai trị Ai Cập từ năm 1479 – 1425 trước Công nguyên) đã chinh phục Vương quốc Nubian, thành lập thành phố Napata và lấy ngọn núi nhỏ Gebel Barkal là ranh giới phía Nam của Đế chế Ai Cập (New Kingdom of Egypt).
Vào năm 1075 trước Công nguyên, người Nubian giành lại quyền tự trị và thành lập một vương quốc mới – Vương quốc Kush (Kingdom of Kush) với trung tâm là thành phố Napata (nằm tại phía Tây sông Nile, thuộc thành phố Karima hiện tại).
Trong giai đoạn này, hình thành các công trình kiến trúc, tranh vẽ, các hình thức nghệ thuật và văn hóa được gọi là phong cách Kush. Phong tục mai táng Ai Cập được phục hồi, bao gồm cả việc xây dựng các tòa nhà dạng kim tự tháp. Một số vị thần Ai Cập được thờ phụng, trong đó nổi bật nhất là Amun. Ngôi đền thờ Amun tại chân núi Jebel Barkal là ngôi đền quan trọng nhất tại Napata.
Vào giai đoạn từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, thủ đô Vương quốc Kush là Meroe (giai đoạn này còn được gọi là Meroitic Kingdom), một vùng được bao bọc bởi sông Nile, Atbarah và Blue Nile. Người Kush là những người đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ luyện kim sắt.
Vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, Vương quốc Kush bị Vương quốc Aksum chinh phục (Kingdom of Aksum, là vương quốc cổ tại vùng Ethiopia, được cai trị bởi người Aksumite, tồn tại từ năm 100 đến năm 940 sau Công nguyên, thủ đô là thành phố Axum).
Từ thế kỷ thứ 6, tại đây có nhiều vương quốc kế tiếp nhau được thành lập và suy tàn.
Năm 1504, khu vực này thuộc quyền thống trị của triều đại Sennar. Năm 1820, Sudan hợp nhất với Ai Cập.
Năm 1899- 1956, Sudan được điều hành bởi một thống đốc do Ai Cập bổ nhiệm với sụ đồng ý của Anh.
Ngày 1/1/1956, Sudan tuyên bố độc lập từ người Anh và Ai Cập.
Ngày 15/1/2011, Nam Sudan tách khỏi Sudan.
Ngày nay Sudan được chia thành 18 bang và 133 tỉnh.
Phạm vi Vương quốc Kush vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên
Bản đồ Sudan và vị trí hai thành phố Karima và Meroe
Gebel Barkal và các địa điểm khảo cổ Napatan bao gồm năm địa điểm khảo cổ (Gebel Barkal, Kurru, Zuma, Nuri, và Sanam), nằm cách 400km về phía Bắc thủ đô Khartoum, trên một đoạn cong lớn của sông Nile, thuộc bang Northern, trong một vùng đất được gọi là Nubia (khu vực dọc theo sông Nile, tại phía Nam của Ai Cập và Bắc Sudan, được cho là nơi khởi nguồn nền văn minh cổ châu Phi), thuộc thị trấn Karima tại bờ Tây sông Nile (3 địa điểm: Gebel Barkal, Kurru và Zuma) và thị trấn Meroe tại bờ Đông và Nam sông Nile (2 địa điểm: Nuri và Sanam).
Các địa điểm khảo cổ đại diện cho nền văn hoá Napatan (900 - 270 trước Công nguyên) và nền văn hóa Meroitic (270 trước Công nguyên - 350 sau Công nguyên) tại Vương quốc Kush.
5 địa điểm khảo cổ gồm các ngôi mộ, có và không có kim tự tháp, đền thờ, hầm mộ và kho chứa, các khu phức hợp sinh sống và cung điện. Tất cả thể hiện một truyền thống kiến trúc hình thành nên chính trị, tôn giáo, xã hội và nghệ thuật tại khu vực Bắc và Trung thung lũng sông Nile trong hơn 2000 năm (1500 trước Công nguyên – thế kỷ 6 sau Công nguyên).
Vị trí 5 địa điểm khảo cổ (Gebel Barkal, Kurru, Zuma, Nuri, và Sanam) dọc theo sông Nile
Gebel Barkal và các địa điểm khảo cổ Napatan được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2003) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Kim tự tháp, cung điện, đền thờ, mộ táng và nhà nguyện tại Gebel Barkal và các địa điểm khảo cổ của vùng Napatan cùng các tác phẩm chạm khắc, bài viết và tranh vẽ trên tường cho thấy một tuyệt tác về tài năng sáng tạo thể hiện nghệ thuật, chính trị và tôn giáo của một cộng đồng người trong hơn 2000 năm. Các cấu trúc vòm của các ngôi mộ tại Kurru tạo thành một kỹ thuật xây dựng mới có ảnh hưởng đến kiến trúc Địa Trung Hải từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến những năm sau này.
Tiêu chí (ii): Kiến trúc của cộng đồng dân cư tại 5 địa điểm khảo cổ là bằng chứng về sự hồi sinh của ngôn ngữ và tôn giáo liên quan: Chữ viết và tín ngưỡng của vương quốc do vị thần Ai Cập cổ đại Amun trị vì (từ thế kỷ 21 trước Công nguyên; Vào thế kỷ 16 -11 trước Công nguyên, vương quốc của thần Amun - State God Amun trở nên có vai trò quan trọng, thông qua sự hợp nhất của ông với thần mặt trời – Ra, tạo thành Amun-Ra, vua của các vị thần).
Tiêu chí (iii): Gebel Barkal và các địa điểm khảo cổ khác là bằng chứng đặc biệt của một nền văn minh Napato-Meroitic (Kushite) đã chiếm ưu thế trong thung lũng sông Nile từ thế kỷ 9 trước Công nguyên tới giai đoạn Kitô giáo hoá đất nước vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Nền văn minh này có liên kết chặt chẽ với các nền văn hóa của Ai Cập cổ đại và các nền văn hoá Châu Phi khác.
Tiêu chí (iv): Hình mẫu của các tòa nhà, chi tiết và cách bố trí của các kim tự tháp tại Gebel Barkal, Nuri và Kurru với góc dốc và trang trí bề mặt, cùng với các hầm mộ được sơn trang trí đã chiếm một vị trí nổi bật tại khu vực trong một thời gian dài (thế kỷ 9 đến thế kỷ 4 trước Công nguyên). Các hầm mộ tại Zuma trở thành cách thức chôn cất truyền thống lưu truyền cho đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên.
Tiêu chí (vi): Từ thời Ai Cập cổ đại, núi Gebel Barkal liên quan chặt chẽ đến các truyền thống tôn giáo và văn hoá dân gian địa phương. Vì lý do này, các đền thờ lớn nhất (ví dụ như đền Amun) được xây dựng dưới chân núi vẫn là địa điểm thiêng liêng của cộng đông dân cư địa phương.
Năm địa điểm khảo cổ trong Khu vực Di sản gồm:
1) Gebel Barkal
Phạm vi khu vực Di sản có diện tích 121 ha, vùng đệm 40 ha.
Jebel Barkal hoặc Gebel Barkal nằm tại bờ Tây của sông Nile, thuộc thị trấn Karima, bang Northern, nằm cách 400km về phía Bắc thủ đô Khartoum.
Gebel Barkal là tên một ngọn núi nhỏ có chiều cao khoảng 98m so với địa hình bằng phẳng xung quanh, là cột mốc của các thương nhân trên tuyến đường giữa Trung Phi, Ả Rập và Ai Cập. Trong khu vực, núi còn được gọi là Nubia.
Vào khoảng năm 1450 trước Công nguyên, Pharaoh Thutmose III của Ai Cập đã mở rộng đế chế của mình đến đây và xem núi Gebel Barkal là giới hạn phía Nam của đế chế.
Khoảng 300 năm sau, Gebel Barkal trở thành thủ đô của Vương quốc Kush.
Từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, khu vực núi Gebel Barkal được coi như nghĩa trang hoàng gia của Vương quốc Kush (giai đoạn Meroitic 270 trước Công nguyên - 350 sau Công nguyên) với 7 ngôi mộ vua và 2 mộ nữ hoàng.
Người Sudan và Ai Cập đều coi đây là ngọn núi thiêng liêng.
Ngọn núi thiêng Gebel Barkal
Vị trí và phạm vi Khu vực Di sản tại địa điểm Gebel Barkal
Những tàn tích của các công trình lịch sử tại đây được các nhà thám hiểm châu Âu phát hiện vào năm 1820, bao gồm hai nhóm: Đền thờ và kim tự tháp.
- Tàn tích đền thờ (Temple) : Khu vực đền thờ nằm tại phía Đông Nam núi Gebel Barkal. Tại đây đã phát hiện được ít nhất 13 đền thờ và 3 cung điện. Một số hiện vật sau khi khai quật được chuyển về Bảo tàng Cairo Ai Cập (Egyptian Museum), Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Museum of Fine Arts, Boston), Hoa Kỳ. Một số đền thờ nổi bật trong khu vực:
+ Đền thờ nữ thần Mut (kết hợp của thần Hathor và Sekhmet, ký hiệu B300): là ngôi đền được bảo tồn tốt nhất tại Gebel Barkal. Đền được cho là còn nguyên vẹn đến năm 1800, bị sụp đổ vào năm 1829.
+ Đền thờ chính thờ thần Amun (Temple of Amun, ký hiệu B 500): là ngôi đền lớn nhất tại Gebel Barkal. Đền được xây dựng vào năm 1333 – 1324 trước Công nguyên, trên cơ sở phục hồi ngôi đền bị người La Mã tàn phá trước đó và được mở rộng thêm. Đền có vị trí trung tâm so với bố cục núi Gebel Barkal phía sau, được coi là có tầm đặc biệt quan trọng đối với Vương quốc Kush. Toàn bộ đền thờ có chiều dài 150m. Các tàn tích còn lại của đền thờ gồm các bức tượng (thần Amun), tường trang trí, bia, trụ cột…
+ Đền thờ thần Amun (ký hiệu B700): là ngôi đền nhỏ, được xây dựng vào năm 640 trước Công nguyên. Đền nổi tiếng với các hình và chữ khắc trên các cột và vách đền. Một số điều khắc của đền được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Hoa Kỳ.
Sơ đồ khu đền thờ tại Khu vực Di sản Gebel Barkal
Vị trí các ngôi đền được khảo sát, phục dựng tại Khu vực Di sản Gebel Barkal
Mặt bằng đền thờ nữ thần Mut (ký hiệu B300)
Tàn tích đền thờ nữ thần Mut (ký hiệu B300)
Nội thất đền thờ nữ thần Mut (ký hiệu B300)
Sơ đồ mặt bằng đền thờ thần Amun (đền thờ lớn, ký hiệu B 500)
Lối vào đền thờ thần Amun (đền thờ lớn, ký hiệu B 500)
Tàn tích đền thờ thần Amun (đền thờ lớn, ký hiệu B 500)
Sơ đồ mặt bằng đền thờ thần Amun (đền thờ nhỏ, ký hiệu B700)
Tàn tích đền thờ thần Amun (đền thờ nhỏ, ký hiệu B700)
Điêu khắc trên đá tại đền thờ thần Amun (đền thờ nhỏ, ký hiệu B700)
Phối cảnh phục dựng trên máy tính đền thờ thần Amun (đền thờ nhỏ, ký hiệu B700)
- Tàn tích Kim tự tháp (Pyramids): Khu vực kim tự tháp nằm tại phía Tây và Tây Nam núi Gebel Barkal, tạo thành nghĩa trang hoàng gia của Vương quốc Kush Meroitic (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên). Tại đây đã phát hiện được 15 ngôi mộ dạng kim tự tháp của các vua và hoàng hậu, nữ hoàng…
Kim tự tháp chia làm hai nhóm:
+ Nhóm kim tự tháp kiểu Kush (Kush Pyramids): là các kim tự tháp có quy mô nhỏ, cạnh kim tự tháp có đường viền, bề mặt của tháp không phải là hình tam giác đều, góc nhọn phía trên làm tháp có vẻ chiều cao lớn hơn. Nhóm này nằm tại phía Tây núi Gebel Barkal.
+ Nhóm kim tự tháp kiểu Ai Cập (Egyptian Style Pyramid): là kim tự tháp có quy mô lớn hơn, bề mặt của tháp có hình tam giác đều. Nhóm này nằm tại phía Tây Nam núi Gebel Barkal.
Sơ đồ vị trí hai nhóm kim tự tháp so với đền thờ chính Amun tại Khu vực Di sản Gebel Barkal
Tàn tích nhóm kim tự tháp kiểu Kush tại Khu vực Di sản Gebel Barkal
Tàn tích nhóm kim tự tháp kiểu Ai Cập tại Khu vực Di sản Gebel Barkal
2) El-Kurru
Phạm vi khu vực Di sản có diện tích 4,5ha, vùng đệm 6,5ha.
El-Kurru nằm bên bờ Tây sông Nile, thuộc thị trấn Karima, bang Northern.
Đây là nghĩa trang của gia đình hoàng tộc Nubia (Vương quốc Kush), chủ yếu là các kim tự tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ 11 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Trong giai đoạn này có thể phân làm 4 kiểu mộ:
- Kiểu mộ tròn (Tumulus), được xây dựng vào năm 1100 – 1000 trước Công nguyên;
- Kiểu mộ tròn (Tumulus), xung quanh có tường bao, được xây dựng vào năm 1000 – 900 trước Công nguyên;
- Kiểu mộ hình chóp cụt, xung quanh có tường bao, được xây dựng vào năm 850 -800 trước Công nguyên;
- Kiểu mộ hình kim tự tháp, xung quanh có tường bao, hầm mộ lớn, được xây dựng vào năm 747 đến 716 trước Công nguyên.
Khu vực được chia thành 3 phần, ngăn cách nhau bởi hai thung lũng.
Về phía Bắc, là một ngôi mộ tròn Tumulus 6 (dạng xung quanh có tường bao);
Phần trung tâm là lâu đời nhất chứa một số ngôi mộ tròn, là một kiểu có từ trước giai đoạn Vương quốc Kush - Napata. Phần cao nhất của nghĩa trang có bốn ngôi mộ Tumulus (Tum 1, 2, 4 và 5). Phía Đông của khu vực trung tâm là một hàng 8 mộ hình chóp cụt và một ngôi mộ tròn (ký hiệu K.7,8, 9,10,11, 13,14 và 19). Tiếp đó là một hàng 4 kim tự tháp (ký hiệu K1, 15,16,17). Các kim tự tháp đều có một hành lang hẹp đi vào hầm mộ.
Về phía Nam là một cụm 5 kim tự tháp: Naparaye (ký hiệu K.3), Khensa (K.4), Qalhata (K.5), Arty (K.6) và một kim tự tháp lớn (K.2).
Sơ đồ phạm vi Khu vực Di sản El-Kurru
Sơ đồ mặt bằng các cụm lăng mộ tại Khu vực Di sản El-Kurru
Các dạng lăng mộ tại Khu vực Di sản El-Kurru
Tàn tích kim tự tháp (K1) tại Khu vực Di sản El-Kurru
Tàn tích các lối vào hầm mộ (có hoặc không có mái che) tại Khu vực Di sản El-Kurru
Trang trí bên trong hầm mộ (Burial Chamber) ngôi mộ K16 của Tanutamani (vua triều đại Kushite hay Nubia, 664- 653 trước Công nguyên) tại Khu vực Di sản El-Kurru
3) Zuma
Phạm vi khu vực Di sản có diện tích 20ha.
Zuma nằm bên bờ Tây sông Nile, thuộc thị trấn Karima, bang Northern.
Các cuộc khai quật hiện đại bắt đầu vào năm 2004. Trên bề mặt đất nhận thấy 29 gò mộ, phân thành 3 loại:
- Loại 1, bao gồm các gò mộ, được bao phủ hoàn toàn bằng đá. Các gò mộ có đường kính 25-53 mét và cao 6-13,5 mét.
- Loại 2, nhỏ hơn, có đường kính 21-31m, được làm bằng cát và viên đá, bao quanh là một vòng đá. Hầm mộ chôn dưới đất, gồm hai phòng, một phòng cho tang lễ và một phòng đặt mộ.
- Loại 3, phẳng cao khoảng 1m, đường kính 9-20m, chỉ có một phòng mộ.
Tất cả các ngôi mộ đã bị cướp phá, chỉ còn sót lại các tàn tích gốm (sản xuất vào cuối thế kỷ thứ 5, đầu thế kỷ 6), mảnh kim loại và xương động vật.
Sơ đồ phạm vi Khu vực Di sản Zuma
Phối cảnh khu gò mộ tại Khu vực Di sản Zuma
Mặt bằng khu gò mộ tại Khu vực Di sản Zuma
Phối cảnh một gò mộ tại Khu vực Di sản Zuma
4) Nuri
Phạm vi khu vực Di sản có diện tích 17ha.
Nuri nằm bên bờ Nam sông Nile, thuộc thị trấn Meroe, bang Northern.
Đây cùng với khu vực El-Kurru là nơi chôn cất gia đình hoàng tộc Nubia (Vương quốc Kush).
Nói chung các kim tự tháp nơi đây có quy mô nhỏ hơn và hiện chỉ còn tàn tích do bị phá hủy theo thời gian. Trong giai đoạn sau này, tại đây còn xuất hiện cả nhờ thờ Cơ đốc giáo với các tảng đá lấy từ lăng mộ.
Các kim tự tháp nằm trên hai gò đất tách biệt, gò phía Tây và gò phía Đông.
Tại khu vực gò phía Tây, điểm cao nhất nơi đặt lăng mộ vua Taharqa (trị vì trong giai đoạn 690 – 664 trước Công nguyên). Kim tự tháp có diện tích 51,75m2, cao 40-50m và là lăng mộ có quy mô lớn nhất. Lăng mộ được cho là xuất hiện sớm nhất tại đây. Xung quanh lăng mộ vua Taharqa là các lăng mộ của các phụ nữ hoàng gia, chia thành ba nhóm: Nhóm nằm tại phía Tây và Tây Nam là nơi chôn cất các bà mẹ của vua; Nhóm kim tự tháp bố trí thành hai hàng tại phía Bắc là nơi chôn cất các vợ vua; Nhóm các ngôi mộ rất nhỏ nằm tại khu vực xa hơn về phía Bắc có thể là nơi chôn cất các bà vợ có cấp bậc thấp hơn.
Tại khu vực gò phía Đông là nơi đặt lăng mộ của các vị vua khác.
Sơ đồ phạm vi Khu vực Di sản Nuri
Mặt bằng khu lăng mộ tại Khu vực Di sản Nuri
Sơ đồ mặt cắt ngang một kim tự tháp tại Khu vực Di sản Nuri
Phối cảnh cụm kim tự tháp tại Khu vực Di sản Nuri
5) Sanam
Phạm vi khu vực Di sản có diện tích 20ha,
Sanam là một ngôi làng nằm bên bờ Đông sông Nile, thuộc thị trấn Meroe, bang Northern.
Tại đây đã tìm thấy tàn tích của thị trấn cổ xưa phát triển chủ yếu trong thời kỳ Vương quốc Kush với trung tâm là thành phố Napata, vào khoảng thời gian năm 800 – 300 trước Công nguyên.
Vào năm 1912- 1913, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật tại đây và phát hiện một nghĩa trang lớn của người dân thị trấn.
Sơ đồ phạm vi Khu vực Di sản Sanam
Tàn tích khu nghĩa trang tại Khu vực Di sản Sanam
Di sản văn hóa Gebel Barkal và các địa điểm khảo cổ Napatan tại Karima và Meroe, Sudan là bằng chứng về một nền văn hóa đã tồn tại và phát triển rực rỡ trong khu vực sông Nile châu Phi.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1073
https://en.wikipedia.org/wiki/Sudan
https://en.wikipedia.org/wiki/Napata
https://en.wikipedia.org/wiki/Kingdom_of_Kush
https://en.wikipedia.org/wiki/Jebel_Barkal
http://www.moin-monja.de/egypt/Nubien/Gebel%20Barkal/Gebel%20Barkal%20Tempel/gebel_barkal_tempel.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Amun,_Jebel_Barkal
https://en.wikipedia.org/wiki/El-Kurru
http://www.yare.org/essays/The%20Cemetery%20of%20el%20Kurru.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Zuma,_Sudan
https://en.wikipedia.org/wiki/Nuri
https://en.wikipedia.org/wiki/Sanam,_Sudan
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 09/07/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đảo Mozambique, Nampula, Mozambique
- Đảo Robben, Nam Phi
- Khu nghệ thuật đá Twyfelfontein, Namibia
- Trung tâm Lịch sử Agadez, Niger
- Cảnh quan văn hóa Sukur, Nigeria
- Thị trấn cổ Lamu, Kenya
- Phong cảnh tự nhiên và văn hoá cao nguyên đá Ennedi, Chad
- Thị trấn Stone trên đảo Zanzibar, Tanzania
- Koutammakou, vùng đất của người Batammariba, Togo
- Đấu trường El Jem, Tunisia
- Hệ sinh thái và cảnh quan văn hoá Lopé-Okanda, Gabon
- Vòng tròn đá Senegambia tại Senegal và Gambia
- Các lăng mộ vua Buganda tại Kasubi, Uganda
- Thị trấn lịch sử Grand-Bassam, Côte d'Ivoire
- Cidade Velha, Trung tâm lịch sử của Ribeira Grande, Cabo Verde
|