|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội, Việt Nam |
27/05/2020 |
Thông tin chung:
Công trình: Đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Địa điểm: xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:Thế kỷ 17
Giá trị:
Đình là tên gọi công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp, tổ chức lễ hội của người dân.
Đình Hạ Hiệp nằm tại thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.
Đình Hạ Hiệp cùng với đình Tường Phiêu (Di tích quốc gia đặc biệt, năm 2018), huyện Phúc Thọ thuộc những ngôi đình nổi tiếng của Hà Nội và quốc gia.
Đình thờ Hoàng Đạo, một danh tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trong những năm 40 – 43. Sau này, ông trở về làng tại bãi Bãi Vân (Hạ Hiệp) và hóa tại đó. Nay mộ ông vẫn còn.
Dân làng Hạ Hiệp lập đình và rước ông về thờ tại hậu cung. Đình còn có tên là đình Liên Hiệp hay đình Kẻ Hiệp.
Ngôi đình ngày nay được phục dựng vào thế kỷ 17, có bố cục quay về hướng Tây Nam, gồm Nghi môn, Tiền tế, Đại đình, Tả vu, Hữu vu và các công trình phụ trợ.
Tổng mặt bằng đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Nghi môn
Phía trước Nghi môn là ao đình.
Nghi môn gồm 4 trụ biểu. Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng; thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí ô câu đối. Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu, thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí ô câu đối. Đế của cả 4 trụ biểu đều thắt dạng cổ bồng.
Giữa hai trụ biểu cao là cổng chính. Giữa trụ biểu cao và trụ biểu thấp là bức tường, phía trên trang trí rồng chầu.
Hai bên các trụ biểu là hai cổng phụ dạng vòm, mái 2 tầng, 8 mái.
Sau Nghi môn là hồ Bán nguyệt mới được xây dựng những năm gần đây và sân đình.
Nghi môn (phía trong) đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Sân đình, nhìn từ hồ Bán Nguyệt, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Tiền tế
Tiền tế hay Bái đường gồm 3 gian, 2 chái, mái chồng diêm, 8 mái.
Công trình có 4 hàng cột vuông, hai hàng giữa bằng gỗ, hai hàng ngoài bằng đá; để mở thoáng cả 4 phía.
Tòa Tiền tế mới xây dựng lại vào thế kỷ 20.
Hai bên tòa Tiền tế là tòa Tả vu và Hữu vu. Cả hai công trình cũng đều mới được xây dựng lại những năm gần đây.
Tòa Tiền tế hay Bái đường, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Bên trong tòa Tòa Tiền tế, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Trang trí bên trong tòa Tòa Tiền tế, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Đại đình
Đại đình có hình chữ “đinh” hay chữ T gồm Chính điện và Hậu cung, nằm trên một bệ nền cao một bậc so với mặt sân, có niên đại vào thế kỷ 17 (khoảng năm 1663).
Chính điện gồm 5 gian, 2 chái, có sáu hàng cột, kết cấu kiểu chồng giường giá chiêng.
Đình xưa kia cũng có dạng: gian chính giữa lòng thuyền, sàn lát gạch đặt trên mặt đất; các gian còn lại hai bên có sàn bằng gỗ, kiểu nhà sàn (nơi các vị chức sắc trong làng hội họp), đặt cách nền đất khoảng 0,8m; trên mặt đứng, khoảng không gian dưới sàn được trang trí bằng các lỗ thoáng.
Ngày nay, phần sàn gỗ không còn, thay bằng nền lát gạch Bát Tràng; chỉ còn lại vết tích các lỗ mộng dầm đỡ sàn tại chân cột. Hiện tại, mặt đầu hồi và mặt sau của đình phần lớn được bao che bởi hệ thống các thanh gỗ thoáng.
Hậu cung được nằm tại vị trí trung tâm, đặt dọc, 2 mái, vuông góc với mái chính điện.
Hậu cung đặt trên một bệ nền cao 2 bậc so với nền Chính điện (bằng cao độ nền của sàn gỗ xưa).
3 gian phía trước Hậu cung có các bức chạm khắc công phu với các hình tượng Tiên và Rồng.
Bên trong Hậu cung là nơi trang trọng, thâm nghiêm, đặt ngai thờ Thành hoàng làng, các vật thiêng, đồ thờ cúng. Hậu cung quanh năm đóng cửa, trừ những ngày lễ hội.
Mặt trước Chính điện, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Mặt bên Đại đình, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Đầu hồi tòa Chính điện, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Trang trí trên đầu bẩy, Đại đình, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Nội thất Chính điện, phía trước Hậu cung, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Phía trước Hậu cung, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Các mảng chạm khắc trang trí bên trong đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Nghệ thuật chạm khắc
Như các ngôi đình nổi tiếng khác tại xứ Đoài, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ có hơn 20 mảng chạm khắc trang trí tại đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, đấu, ván nong, ván lá đề, con rường, vì nóc… được tạo tác qua kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nổi, chạm thủng. Ngoài ra, các đề tài trang trí nghệ thuật còn được thể hiện trên các di vật: Khám thờ, hương án, long ngai…
Đình Hạ Hiệp có thể coi như như một bảo tàng về nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian, một câu chuyện kể về các sự tích văn hóa, sự kiện đời sống nổi bật của cộng đồng dân cư, về tự nhiên và về đức tin của họ thời bấy giờ.
Các đề tài được tập trung vào ít nhất ba loại hình cơ bản: Cảnh cõi trần và cõi tiên; Cảnh tự nhiên; Cảnh sinh hoạt đời thường;
Về cảnh cõi trần và cõi tiên: Các chạm khắc phản ảnh con người và tự nhiên là một, cõi trần và cõi tiên là một. Nhiều hình tượng cô tiên dang tay như dang cánh, như đang đậu xuống cõi trần để hưởng niềm vui tại hạ giới. Có nhiều bức chạm miêu tả cảnh người nhà trời cưỡi rồng xuống trần thế hay cũng có thể là một thần nhân cưỡi rồng lên trời.
Các bức chạm "Tiên cưỡi rồng", đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Bức chạm "Tiên và linh thú", gồm các chép hóa rồng, rồng, kỳ đà, tai đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ
Bức chạm “Ông quan cưỡi rồng”, đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Về tự nhiên: Tại đây có vô số các chạm khắc từ các loài linh vật như long, ly, quy, phụng, đến các con vật gắn với các sự tích như cá chép hóa rồng, đặc biệt là có các bức chạm con kỳ đà hay mãng xà, hình ảnh ít gặp tại các ngôi đình vùng xứ Đoài.
Hình tượng rồng, ổ rồng chiếm một vai trò chủ đạo, được chạm khắc sinh động trên các đầu dư, xà, bẩy và các mảng vách gỗ của nội thất ngôi đình.
Trong đình còn có các bức chạm các họa tiết trang trí cây cỏ, mây cuộn (vân xoắn) bố cục đan xen các linh vật, con người.
Bức chạm "Ổ rồng và kỳ đà", đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Bức chạm "Tiên, rồng, ký dà", đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Về cảnh sinh hoạt đời thường: Hình tượng con người được thể hiện sinh động như đánh cờ, uống rượu, đấu vật, nhảy múa, đánh trống, chọi trâu; cưỡi ngựa, ôm gà đi chọi..; Con người và phong tục tập quan như: Mả táng hàm rồng…
Hình ảnh con người bình thường trên các vùng miền được ghi nhận qua khuôn mặt, trang phục, ví như tượng để đầu trần, tượng đội mũ, đội khăn, tay cầm đồ vật.
Tại đây có bức chạm độc đáo “Đi săn”, trong đó có “Ông tây bắn hổ”, thể hiện hình tượng một người nước ngoài cầm súng bắn hổ. Vào thế kỷ 17, Kinh kỳ và Phố Hiến, Hưng Yên đã có nhiều người phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đến buôn bán và sinh sống. Hình tượng người nước ngoài trên bức chạm khắc có lẽ miêu tả hình ảnh đã trở nên bình thường thời bấy giờ.
Bức chạm "Đánh cờ", đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Bức chạm "Đấu vật", đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Bức chạm "Uống rượu", đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Bức chạm "Mả táng hàm rồng", đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Bức chạm "Đi săn" với hình tượng "Ông tây bắn hổ", đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội
Đình Hạ Hiệp còn lưu giữ được 27 đạo sắc phong (kể từ thời Lê Trung Hưng đến các đời Nguyễn) ghi nhận công lao của đức tướng công Hoàng Đạo.
Lễ hội đình Hạ Hiệp diễn ra vào ngày 13 tháng hai Âm lịch, ngày hóa của thành hoàng làng Hoàng Đạọ.
Đình Hạ Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân địa phương, nơi hội tụ cộng đồng làng xã, mà còn như là một cuốn sách lâu bền với các chạm khắc về sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân Việt đương thời; là một công trình có giá trị tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật đình làng Việt Nam.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%
C4%91%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1033
https://www.youtube.com/watch?v=j1Cb8JxQpn0
http://www.didulich.net/V%C4%83n-h%C3%B3a/Ki%E1%BA%BFn-tr%
C3%BAc-m%E1%BB%B9-thu%E1%BA%ADt/di%CC%80nh-ha%CC%
A3-hie%CC%A3p-noi-tho-phung-ho-quoc-cong-than-21006
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 27/05/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đình An Cố, Thái Thụy, Thái Bình, Việt Nam
- Đình Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng, Việt Nam
- Cụm đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
- Đình Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh, Việt Nam
- Tháp Po Nagar, Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam
- Đình Chu Quyến, Ba Vì, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Đồng Bằng, Quỳnh Phụ, Thái Bình, Việt Nam
- Đền Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên, Việt Nam
- Đình Đa Ngưu, Văn Giang, Hưng Yên, Việt Nam
- Đình Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên, Việt Nam
- Thái miếu nhà Mạc, Kiến Thụy, Hải Phòng, Việt Nam
- Đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng, Việt Nam
- Phủ Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam
- Văn Miếu Bắc Ninh, Việt Nam
- Đình Phù Lão, Lạng Giang, Bắc Giang, Việt Nam
|