Thông tin chung:
Công trình: Đền Cờn, Hoàng Mai, Nghệ An
Địa điểm: phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, Việt Nam
Quy mô: gồm Đền Cờn Trong và Đền Cờn Ngoài
Năm hình thành: Thế kỷ 13
Giá trị:
Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một phần của Thần đạo Việt Nam. Tín ngưỡng hay đức tin này có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa, không chỉ là việc đề cao vai trò của người phụ nữ, mà còn trở thành một trong những yếu tố văn hóa cốt lõi về tình thương yêu (như của người mẹ), trải ra đủ rộng, thấm vào đã sâu trong xã hội; một trong cội nguồn những điều tốt đẹp và linh khí của dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của Phật Giáo và Đạo giáo, một phần bị thu hẹp (ví dụ như tín ngưỡng thờ Tứ Pháp), một phần phát triển đạt đến mức "Đạo" vào thế kỷ 17,18, thay thế dần Đạo giáo Trung Hoa. Đó là đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ gắn với vị Giáo chủ được người dân thần phục là Thánh mẫu Liễu Hạnh (một trong bốn vị thánh Tứ bất tử của Việt Nam cùng Tản viên Sơn Thánh; Phù Đổng Thiên Vương; Chử Đồng Tử).
Đạo Mẫu theo chân người Việt di cư vào Nam trong quá trình mở mang bờ cõi. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã giao thoa, tiếp biến với các tục thờ Mẫu của người Champa, người Khmer. Từ đó tạo nên các dạng thức địa phương của Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam ở cả ba miền Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là sự kết hợp giữa tôn giáo bản địa và tôn giáo du nhập, vươn tới tầm Thần đạo, thể hiện qua việc đã có Quan niệm về tự nhiên, Cách sắp đặt thờ tự và Thực hành tín ngưỡng…
Hệ thống Tam phủ (hay quan niệm về tự nhiên và vũ trụ) bao gồm: Thiên phủ (miền trời); Nhạc phủ (miền rừng núi); Thủy phủ (miền sông nước). Đây là những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội nông nghiệp. Cai quản Thiên phủ có Mẫu Thượng Thiên, làm chủ các quyền năng mây, mưa, sấm, chớp (tương tự như Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Cải quản Nhạc phủ có Mẫu Thượng Ngàn, trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh. Cai quản Thủy phủ có Mẫu Thoải, trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.
Hệ thống Tứ phủ gồm Hệ thống Tam phủ có thêm Địa phủ. Cai quản Địa phủ là Mẫu Địa, quản lý đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống. Trong nhiều trường hợp Địa phủ và Nhạc phủ là một; Tứ phủ và Tam phủ là một.
Hệ thống thần linh trong Đạo Mẫu Tam phủ rất đông đảo, song được phân thành các cấp bậc thờ tự:
Hàng thứ nhất: Phía trên cùng là Phật Thích Ca, Quán Âm Bồ Tát.
Hàng thứ hai: Tam vị đức vua (còn gọi là Ba vị vua cha hay Tam phủ ba vua) gồm: Vua Cha Thiên phủ, Ngọc Hoàng Thượng đế; Vua Cha Nhạc phủ, Tản viên Sơn Thánh; Vua Cha Thoải phủ, Bát Hải Long Vương.
Hàng thứ ba: Tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu đệ nhất Thượng Thiên (Mẫu Liễu Hạnh); Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn; Mẫu đệ tam Thoải Cung. Trong Đạo Mẫu, tín đồ thường tập trung thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng xoay quanh hàng thứ ba, Tam tòa Thánh Mẫu trở xuống.
Hàng Quan: Từ 5- 10 vị, gồm Ngũ vị Tôn quan: Quan đệ nhất Thượng Thiên, Quan đệ nhị Thượng Ngàn, Quan đệ Tam Thoải Cung, Quan đệ Tứ Khâm sai, Quan đệ ngũ Tuần tranh; Lục phủ Tôn quan.
Hàng Chầu bà: Từ 4- 12 vị, trong đó có: Chầu đệ nhất Thượng Thiên, Chầu đệ nhị Thượng Ngàn, Chầu đệ tam Thoải Cung, Chầu đệ tứ Khâm Sai…
Hàng ông Hoàng: Từ 5 - 10 vị, trong đó có: Hoàng Cả Thượng Thiên, Hoàng Đôi Thượng Ngàn, Hoàng Bơ Thoải phủ, Hoàng Bảy, Hoàng Chín, Hoàng Mười…
Hàng Cô: 12 vị, trong đó có: Cô Cả Thượng Thiên, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Bơ Thoải Cung, Cô Chín Sòng Sơn, Cô bé Đông Cuông …
Hàng Cậu: 12 vị, trong đó có: Cậu Hoàng Cả, Cậu Hoàng Đôi, Cậu Hoàng Bơ, Cậu Hoàng Tư Địa Phủ, Cậu Bé Bản Đền.…
Hàng Ngũ Hổ và ông Lốt: 5 ông Hổ với màu sắc tượng trưng ngũ hành và 2 vị Thanh xà, Bạch xà Đại tướng quân.
Sự khác nhau về số lượng các vị thần trong từng hàng (quan, chầu bà, ông hoàng, cô, cậu) do khác biệt trong quan niệm ở các vùng miền.
Các thần linh Tứ phủ có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc ít người như Tày, Nùng, Dao, Champa, Khmer, Hoa…. Bên cạnh đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử được thần thánh hóa như Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo…
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có rất nhiều nghi thức, từ lễ phục, âm nhạc, hầu đồng, rước Mẫu, thỉnh kinh, rước đuốc đến lễ hội (gắn với nghi lễ cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, quốc gia; cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe đáp ứng nhu cầu của đời sống thường nhật)…là một trong những thành tố đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Practices related to the Viet beliefs in the Mother Goddesses of Three Realms).
Theo sử sách, Năm 1279, sau thất bại trong trận hải chiến Nhai Sơn, giữa nhà Nguyên (tồn tại 1271- 1368) và nhà Tống (tồn tại 960 -1279), vua Tống Đế Bính (Triệu Bính, năm 1271- 1279, vị hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của vương triều Nam Tống, trị vì 5/1278- 3/1279), khi đó mới 9 tuổi, cùng hoàng tộc và quân thần bỏ chạy ra biển. Do quân Nguyên truy sát và biết không thể thoát, vua Tống, hoàng tộc cùng quần thần đã nhảy xuống biển tuẫn tiết. Bảy ngày sau, có đến hàng ngàn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống Đế Bính cũng ở trong số đó.
Có 4 xác trôi về làng chài Cờn Môn (nay thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Người dân theo hình dáng và trang phục biết là người tôn quý nên đắp mộ và dựng ngôi miếu nhỏ để thờ. Sau này, mới biết đó là Thái hậu Dương Nguyệt Quả, là mẹ của vua Tống Đoan Tông (vị hoàng đế thứ 8 nhà Nam Tống, trị vì 1276- 1278, anh trai của vua Tống Đế Bính), hai công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Từ đó, ngôi miếu được xây dựng khang trang hơn, trở thành đền Cờn và còn thờ thêm cả vua Tống Đế Bính cùng các quan đại thần của ngài. Các bà thường hiển linh về giúp nhân dân trong vùng.
Năm 1294, vua Trần Anh Tông (hoàng đế thứ 4 triều Trần, trị vì năm 1293- 1314) thân chinh đi đánh giặc Chiêm Thành, qua đây thấy khung cảnh yên tĩnh đã cho quân dừng lại. Đêm hôm đó, Tứ vị thánh nương đã ứng mộng phù trợ, giúp nhà vua Trần Anh Tông đánh thắng giặc Chiêm Thành; sau đó được vua phong làm ”Đại kiền quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương”, ban vàng bạc và cho xây dựng mở rộng đền.
Năm 1470, Vua Lê Thánh Tông (hoàng đế thứ 5 triều Lê,trị vì 1460- 1479) trên đường mang quân đánh dẹp phương nam cũng dừng chân tại cửa Cờn và vào Đền làm lễ cầu đảo. Sau khi thắng giặc trở về, vua cấp tiền bạc cải tạo đền và phong sắc “Đại kiền quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương Thượng đẳng thần”, ghi nhận công đức của Tứ vị Thánh nương giúp nước, giúp dân.
Vào cuối thế kỷ 18, vua Quang Trung (hoàng đế thứ 2 triều Tây Sơn, trị vì 1788 – 1792), mỗi khi đi đánh trận qua đền Cờn đều lập đàn tế lễ, cầu xin Tứ vị thánh nương phù hộ cho thắng trận.
Đền Cờn sau này trở thành đền Mẫu. Đại kiền quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương được thờ vào Hàng Chầu bà. Vua Tống Đế Bính được thờ vào hàng ông Hoàng, là ông Hoàng Chín (còn gọi là ông Hoàng Chín Cờn) cai quản vùng biển.
Đền Cờn là một trong 4 ngôi đền thiêng ở tỉnh Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.
Tại Phố Hiến, thành phố Hưng Yên có đền Mẫu, liên quan trực tiếp đến đền Cờn, Nghệ An. Đền Mẫu, Phố Hiến được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 bởi quan Thái giám họ Du, vương triều nhà Nam Tống. Khi nhà Nguyên diệt nhà Tống, ông tị nạn sang Phố Hiến, Đại Việt. Quan Thái giám họ Du có công lập nên làng Hoa Dương; truyền dạy dân nghề thủ công, trồng dâu nuôi tằm, đánh cá; góp phần thu hút người Hoa đến Phố Hiến buôn bán, lập nghiệp. Khi ông mất, người dân tôn là Thành hoàng làng Hoa Dương.
Truyền thuyết cho rằng, một hôm Thái giám họ Du được Thái hậu Dương Nguyệt Quả báo mộng về đền Cờn, Nghệ An. Ông tìm đường đến thăm và sau đó trở về Phố Hiến lập đền thờ Tứ vị thánh nương để người dân gốc Nam Tống có nơi tưởng nhớ về quê hương. Khi đền dựng xong, người Hoa, người Việt đến thắp hương, cầu đảo mọi việc, đặc biệt là chuyện giao thương trên sông, biển, đều rất linh ứng.
Di tích Đền Cờn, Hoàng Mai, Nghệ An gồm có hai đền: Đền Cờn Trong và Đền Cờn Ngoài.
Sơ đồ vị trí đền Cờn Trong và đền Cờn Ngoài, Hoàng Mai, Nghệ An
Đền Cờn Trong
Đền Cờn Trong nằm trên gò Diệc, hướng Bắc, ra dòng Mai Giang, thờ Nam Hải Tứ vị Thánh nương.
Đền Cờn Trong được xây dựng vào thời Trần, phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy, di tích mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn. Trải qua thời gian, ngôi Đền hiện chỉ còn tòa Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Tiền điện, Trung điện, Hậu điện và một số công trình phụ trợ.
Tổng mặt bằng đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Phối cảnh tổng thể đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Nghi môn ngoại
Nghi môn ngoại gồm 4 trụ biểu nằm tại sân thấp phía trước đền, cạnh bậc xuống mép nước sông.
Hai trụ biểu giữa cao, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu, thân trụ phía trên là các ô lồng đèn, phía dưới trang trí ô câu đối, đế trụ thắt dạng cổ bồng. Hai trụ biểu hai bên thấp. Đỉnh trụ không trang trí. (Đây là sự khác biệt so với các trụ biểu trong các ngôi đình, đền tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, các trụ biểu thường có dạng: 2 trụ biểu giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng; hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu).
Hai bên Nghi môn ngoại có 2 tượng voi chầu và người dắt voi (hiện được xây mái che).
Nghi môn ngoại, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Nghi môn nội
Nghi môn nội và toàn bộ đền nằm trên một bệ cao. Từ sân lên Nghi môn nội qua 11 bậc đá, hai bên có lan can.
Nghi môn nội là một tòa nhà 3 gian, mái chồng diêm 2 tầng. Tầng dưới đầu hối bít đốc, 2 mái; tầng trên 4 mái. Mặt trước Nghi môn là cửa bức bàn, kiểu “Thượng song, hạ bản”.
Tiếp theo hàng voi chầu tại sân đền, hai bên Nghi môn nội có các hàng tượng đá chầu vào, từ dưới lên là hàng ngựa chầu, người hầu cưỡi kỳ lân, nghê chầu…
Hai bên Nghi môn nội có hai cổng phụ vào đền.
Nghi môn nội, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Sau Nghi môn nội là Tiền điện, Trung điện và Hậu điện nằm kề liền nhau, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Tiền điện
Tiền điện hay Hạ điện nằm sát ngay phía sau Nghi môn nội, 5 gian, 4 mái. Đây là nơi thờ ban Công đồng.
Gian chính giữa thờ các vị thánh hàng thứ hai trong đạo Mẫu Tam phủ là vua Cha Bát Hải hay vua Cha Thoải phủ (một trong Tam vị đức vua cùng với: Vua Cha Thiên phủ, Ngọc Hoàng Thượng đế; Vua cha Nhạc phủ, Tản viên Sơn Thánh).
Gian hai bên gian chính là lối vào tòa Trung điện phía sau.
Gian hai bên đầu hồi là nơi đặt ban thờ Quan Hoàng Chín và Đức Trần Triều.
Sân bên Hữu tòa Tiền điện có một nhà Bia.
Đầu hồi gian Tiền điện phía sau Nghi môn nội, bên cạnh là nhà Bia, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Ban thờ vua Cha Bát Hải tại gian chính Tiền điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Ban thờ Đức Trần Triều tại gian bên tả Tiền điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Ban thờ Quan Hoàng Chin tại gian bên hữu Tiền điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Lối vào từ tòa Tiền điện tới tòa Trung điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Trung điện
Trung điện nằm sát ngay phía sau Tiền điện, đặt trên một bệ cao 3 bậc so với Tiền điện. Công trình có mặt bằng hình chữ “đinh” hay hình chữ T, gồm Chính điện và Thiêu hương.
Chính điện 3 gian, 4 mái. Gian chính giữa đặt ban thờ Ngũ vị tôn quan, phía trước là Tứ phủ Thánh hoàng.
Gian hai bên gian chính là lối vào tòa Hậu điện phía sau.
Gian hai bên đầu hồi là nơi đặt ban thờ Phật và Quan đệ Tam Thoải Cung.
Thiêu hương đặt dọc nối Trung điện và Hậu điện. Bên trong đặt ban thờ Tam tòa Thánh mẫu.
Hai bên của tòa Trung điện có tòa Giải vũ (Tả vu, Hữu vu), 3 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái, là nơi chuẩn bị các đồ tế lễ.
Ban thờ Ngũ vị tôn quan, phía trước là Tứ phủ Thánh hoàng tại gian chính tòa Trung điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu tại gian Thiêu hương, tòa Trung điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Hậu điện
Hậu điện hay Thượng điện nằm sát ngay phía sau Trung điện, có hình dáng tương tự khối chính của tòa Trung điện, gồm 3 gian, 4 mái.
Gian chính Hậu cung là ban thờ Tứ vị thánh nương.
Hai bên gian chính là gian thờ Mộc thần (linh vật là khúc gỗ) và Cốc thần (linh vật là hạt lúa), là 2 linh vật có liên quan đến nghề làm ruộng và đánh cá của người dân nơi đây.
Ban thờ Tứ vị Thánh nương tại gian chính Hậu điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Ban thờ Linh vật Cốc thần tại gian bên tả Hậu điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Ban thờ Linh vật Mộc thần tại gian bên hữu Hậu điện, đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Đền Cờn Trong hội tụ nhiều nét kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa đặc sắc, từ vật liệu xây dựng Đền cho đến các mạng chạm khắc quanh đề tài “Tứ linh, tứ quý”.
Một mảng chạm khắc tại kết cấu mái đền Cờn Trong, Hoàng Mai, Nghệ An
Tại đây còn lưu giữ 142 hiện vật quý giá, ngoài các loại bằng sắc, câu đối, đại tự, đồ tế khí: kiệu, tàn lọng, đồ ngà, đồng; bia đá 2 mặt, cao 1,6m, rộng 1,2m dựng năm 1665; chuông đồng đúc năm 1752 nặng 300 kg, 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ thời Lê; khánh đồng...thể hiện sự quan tâm của các bậc vương quyền.
Đền Cờn Ngoài
Đền Cờn Ngoài nằm cách đền Cờn Trong khoảng 1km về phía Bắc, tọa lạc trên núi Hùng Vương, sát cửa biển Lạch Cờn, hướng về phía Nam. Đền Cơn Ngoài có quy mô nhỏ hơn so với đền Cờn Trong.
Đền thờ vua nhà Tống (Trung Quốc) Tống Đế Bính và 3 vị quan Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt, Văn Thiên Tường. Theo Đạo Mẫu Tam Phủ, vua Tống Đế Bính thuộc hàng ông Hoàng, còn gọi là ông Hoàng Chín Cờn.
Đền Cờn Ngoài được xây dựng sau đền Cờn Trong, được tôn tạo và hoàn chỉnh vào thế kỷ 19 cùng lúc với việc tu bổ đền Cờn Trong.
Trải qua thời gian, đền Cờn Ngoài hiện chỉ còn tòa Nghi môn, Tiền điện và Hậu điện và một số công trình phụ trợ.
Phối cảnh tổng thể đền Cờn Ngoài, Hoàng Mai, Nghệ An
Nghi môn
Phía trước Nghi môn là sân đền nằm tại bậc thềm thứ nhất, phía trên vách đá sát biển.
Nghi môn và sân sau Nghi môn nằm trên bậc thềm thứ hai.
Nghi môn gồm 4 trụ biểu. Hai trụ biểu giữa cao, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu, thân trụ phía trên là các ô lồng đèn, phía dưới trang trí ô câu đối, đế trụ thắt dạng cổ bồng. Hai trụ biểu hai bên thấp. Đỉnh trụ trang trí búp sen.
Hai bên Nghi môn là các hàng tượng người hầu, voi, nghê.
Nghi môn đền Cờn Ngoài, Hoàng Mai, Nghệ An
Tiền điện
Tiền điện hay Hạ điện nằm trên sườn núi, gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái.
Gian chính giữa thờ Quan Hoàng Chín, Quan Hoàng Mười; bên phải, bên trái là ban thờ quan Nam Tào, quan Bắc Đẩu; hai đầu hồi là cung thờ Cậu bé, Cô bé Bản đền.
Phối cảnh tòa Tiền điện, phía sau là tòa Hậu điện, hai bên là Tả vu, Hữu vu, đền Cờn Ngoài, Hoàng Mai, Nghệ An
Mặt trước tòa Tiền điện, đền Cờn Ngoài, Hoàng Mai, Nghệ An
Ban thờ Quan Hoàng Chín, Hoàng mười, hai bên là gian thờ quan Nam Tào, Bắc Đẩu tại Tiền điện, đền Cờn Ngoài, Hoàng Mai, Nghệ An
Hậu điện
Hậu điện hay Thượng điện đặt sát cạnh Tiền điện, có mặt bằng hình chữ “đinh” hay chữ T, gồm Bái đường và Hậu cung.
Bái đường 5 gian, đây là nơi đặt ban thờ Ngũ vị Tôn quan (Ngũ vị Tôn ông).
Hậu cung đặt dọc, gồm 3 gian, là nơi đặt ban thờ ông Hoàng Chín Cờn (vua Tống Đế Bính) và hầu cận.
Hai bên Hậu điện là tòa Tả vu, Hữu vu, 3 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái, là nơi chuẩn bị đồ tế lễ.
Ban thờ Ngũ vị Tôn Ông tại gian Bái đường, tòa Hậu điện, đền Cờn Ngoài, Hoàng Mai, Nghệ An
Khám thờ ông Hoàng Chín Cờn và hầu cận tại Hậu cung, đền Cờn Ngoài, Hoàng Mai, Nghệ An
Lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 19 - 21/1 âm lịch hàng năm là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến đền chiêm bái và ghi nhớ công tích của Tứ vị Thánh Nương.
Đền Cờn, Hoàng Mai, Nghệ An không chỉ là một công trình kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc tại Nghệ An, mà còn là một minh chứng cho việc mở mang Thần đạo Việt Nam – Đạo Mẫu Tam phủ về phương Nam; một ví dụ đặc sắc của người xưa trong việc bao dung và sử dụng hiền tài trong và ngoài nước, người đang sống và những người đã hóa, để làm những việc tốt đẹp cho dân, cho nước.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_C%E1%BB%9Dn
https://baonghean.vn/linh-thieng-den-con-24033.html
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1660
https://www.youtube.com/watch?v=BJyTUMVCQzM
https://www.youtube.com/watch?v=9DknVq0olKE
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|