Tuần 37 - Ngày 20/04/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Thành phố cổ Maya và Khu bảo tồn rừng nhiệt đới tại Calakmul, Campeche, Mexico |
23/11/2017 |
Thông tin chung:
Công trình: Thành phố cổ Maya và Khu bảo tồn rừng nhiệt đới tại Calakmul, Campeche (Ancient Maya City and Protected Tropical Forests of Calakmul, Campeche)
Địa điểm: Bang Campeche, Mexico (N18 3 10.9 W89 44 14.22)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 331,397ha; Khu vực bảo vệ 391,788 ha
Năm hình thành: Từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 1000 sau Công nguyên
Giá trị: Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới (2002, mở rộng 2014; hạng mục i, ii, iii, iv, ix, x)
Mexico phía Bắc giáp Hoa Kỳ, Nam và Tây giáp Thái Bình Dương, Đông Nam giáp Guatemala, Belize và biển Caribe, phía Đông là vịnh Mexico. Mexico có diện tích 1.964.375 km², dân số khoảng 120 triệu người (năm 2015), ngôn ngữ chính là Tây Ban Nha, thủ đô là thành phố Mexico.
Năm 1521, Đế chế Tây Ban Nha chinh phục và chiếm đóng Mexico.
Ngày 16/9/1810, Mexico tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha.
Mexico ngày nay là một liên bang bao gồm 31 tiểu bang và một thực thể liên bang đặc biệt.

Bản đồ Mexico và vị trí thành phố Campeche
Thời kỳ tiền Columbian, Mexico là nơi có nhiều nền văn minh Mesoamerica tiên tiến (là một khu vực và vùng văn hóa châu Mỹ, kéo dài từ miền Trung Mexico qua Belize, Guatemala, El Salvador, Honduras,Nicaragua và phía Bắc Costa Rica), trong đó nổi bật là nền văn minh của người Maya, Toltec, Olmec, Teotihuacan, Aztec ….
Đây là nơi tập trung những đặc điểm điển hình của các nền văn minh thời bấy giờ: sự phát triển đô thị, phân tầng xã hội, hệ thống truyền thông và tri thức (ví dụ như chữ viết, lịch, thiên văn, toán học, nghệ thuật…), sự độc lập và hòa nhập môi trường tự nhiên, cùng với đó là các đặc điểm về kinh tế và xã hội: tập trung con người và hình thành các khu định cư, chuyên môn hóa lao động, xuất hiện các tư tưởng và tôn giáo, kiến trúc hoành tráng, thuế, xã hội nông nghiệp, chủ nghĩa bành trướng kiểm soát con người và lãnh thổ...
Mesoamerica được phân thành nhiều giai đoạn: Thời kỳ Paleo-Indian (đến năm 3500 trước Công nguyên); Thời kỳ Archaic (3500-2000 trước Công nguyên); Thời kỳ Tiền cổ điển (Preclassic or Formative, 2000 trước Công nguyên - 200 sau Công nguyên); Thời kỳ Cổ điển (Classic, 200 – 1000 sau Công nguyên); Thời kỳ Hậu cổ điển (Postclassic, 1000 – 1697). Việc phân chia thời kỳ tại Mesoamerica chịu ảnh hưởng của nền văn minh Maya. Ví dụ, năm 1697 kết thúc thời kỳ Hậu cổ điển cũng là năm Nojpetén, đô thị cuối cùng của người Maya sụp đổ, Đế quốc Tây Ban Nha chiếm vùng Mesoamerican.

Sơ đồ phạm vi khu vực nền văn minh Maya
Campeche là một trong 32 bang của Mexico, nằm tại bán đảo Yucatán, giáp vịnh Mexico. Thành phố thủ phủ của bang là Campeche. Thời kỳ tiền Colombo, bán đảo Yucatán có tên là Mayab. Đây là một địa điểm quan trọng của nền văn minh Maya.
Calakmul là địa điểm khảo cổ học Maya lớn nhất ở bang Campeche, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Calakmul, là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất tại Mexico.
Calakmul là một trong những thành phố lớn nhất của nền văn minh Mesoamerica và là một trong những vùng đất trung tâm của người Maya. Thành phố nằm tại vùng đất thấp Maya, thuộc lưu vực sông Peten, phía Bắc của bán đảo Yucatán, được xây dựng chủ yếu vào năm 500 - 900 sau Công nguyên.
Calakmul được cho là tên gọi của Vương quốc Rắn (Snake Kingdom), tồn tại trong hầu hết Thời kỳ Cổ điển (Classic, 200 – 1000 sau Công nguyên) với diện tích khoảng 13000km2, quy mô dân số vào thời cực thịnh đến 1,75 triệu người. Thành phố cổ Calakmul là thủ đô của vương quốc, có diện tích 70km2, quy mô dân số khoảng 5 vạn người, có tầm kiểm soát các địa điểm cách xa đến 150km.
Trong giai đoạn này, thành phố cổ Calakmul có thể đua tranh với thành phố cổ Tikal tại Guatemala về quy mô và dân số (Tikal có diện tích khoảng 16km2, từng là thủ đô của một vương quốc hùng mạnh nhất nền văn minh Maya cổ đại và là một trong những thành phố lớn nhất tại Châu Mỹ thời bấy giờ với dân số đến 10 vạn người).
Thành phố cổ Maya tại Calakmul, Campeche là khu vực hiện hầu như không có người ở và được bao phủ bởi rừng nhiệt đới phát triển trong điều kiện khô hạn theo mùa, có chứa hệ sinh học đa dạng, phong phú. Tại khu vực trung tâm của thành phố cổ đã phát hiện được khoảng 6000 tàn tích, gồm hệ thống đền thờ, phần lớn dành cho thờ cúng tổ tiên, xung quanh là cung điện của tầng lớp thượng lưu.

Calakmul theo chữ tượng hình của người Maya
Thành phố cổ Maya và Khu bảo tồn rừng nhiệt đới tại Calakmul, Campeche được UNESCO tôn vinh là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới với các tiêu chí:
Tiêu chí (i): Nói chung, khu vực này là địa điểm độc đáo, nơi bảo tồn gần như nguyên vẹn các tuyệt tác phát triển nhanh chóng của nền văn minh Maya trong một môi trường khắc nghiệt của rừng nhiệt đới.
Các di tích khảo cổ nơi đây là minh chứng khoa học quan trọng cho việc hiểu rõ nhiều khía cạnh của nền văn hóa Maya và sự tiến triển của nền văn minh này trong vùng đất thấp tại trung tâm bán đảo Yucatán. Các di tích khảo cổ tại khu vực hình thành trong khoảng thời gian 1500 năm (từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 1000 sau Công nguyên), thể hiện sự tăng trưởng dân số và tiến triển phân tầng xã hội được điều chỉnh thích nghi với môi trường xung quanh; các thành tựu về phát triển công nghệ được phản ánh trong kiến trúc, chữ viết tượng hình, điêu khắc tượng đài và mỹ thuật.
Tiêu chí (ii): Phù hợp với nền văn minh Maya thời Tiền cổ điển và Cổ điển, văn hóa của khu vực thể hiện các đặc điểm của địa phương kết hợp với các ý tưởng đến từ khu vực lân cận. Sự hòa hợp sáng tạo các truyền thống khác nhau đã tạo ra phong cách kiến trúc, mỹ thuật và thiết kế cảnh quan độc đáo. Tại trung tâm của đô thị cổ Calakmul đã phát hiện được 120 bia đá (Stela) khắc các chữ tượng hình với những thông tin quan trọng về lịch sử chính trị khu vực và vùng. Một số bia đá khác cũng được tìm thấy tại một số địa điểm lân cận như: La Muñeca, Uxul, Oxpemul, Balakbal, Champerico, Altamira và Cheyokolnah.
Tiêu chí (iii): Đây là nơi chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chưa từng thấy của một nền văn minh phi thường và kết thúc vào giai đoạn Hậu cổ điển. Sự suy giảm mạnh mẽ dân số do người dân trong các khu định cư rời đi vào thế kỷ 9 và 10. Đến nay, khu vực này hầu như không có người ở và ít bị can thiệp. Nhờ vậy, nơi đây trở thành một địa điểm lưu giữ các bằng chứng đặc biệt về một nền văn minh, cung cấp cơ hội để nghiên cứu và hiểu được sự phát triển huy hoàng cũng như nguyên nhân sụp đổ của nó.
Tiêu chí (iv): Các di tích khảo cổ trong khu vực chứa đựng một số công trình kiến trúc tượng đài (Monumenta) của người Maya, liên quan đến phong cách kiến trúc lưu vực sông Peten và phong cách vùng Rio Bec, phía Đông Bắc của địa điểm.
Phong cách đầu tiên được minh họa bởi các cung điện và kim tự tháp đền thờ lớn tại các địa điểm như Calakmul, Yaxnohcah và Balakbal, phản ánh sự phát triển phức tạp của xã hội trong giai đoạn Tiền cổ điển và Cổ điển. Phong cách thứ hai đại diện cho sự phát triển muộn hơn, thông thường trong hình dạng tháp đôi, trang trí mặt tiền bằng đá chạm khắc. Đây cũng là nơi định đô của Kaan, một trong những triều đại hùng mạnh nhất, mà trong Thời kỳ Cổ điển đã chuyển thủ phủ từ Dzibanché đến Calakmul.
Tiêu chí (ix): Rừng nhiệt đới của Calakmul là nơi cung cấp bằng chứng phi thường về sự tương tác lâu dài giữa con người và thiên nhiên, cho đến khi hình thành hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp. Định cư và tái tạo các hệ thống tự nhiên được coi là truyền thống của các cộng đồng bản địa, mà hiện vẫn còn định cư trong vùng đệm và khu vực xung quanh.
Các quá trình này dẫn đến một bức tranh đan xen phức tạp của rừng nhiệt đới với mạng lưới cư dân và hoạt động nông nghiệp. Đây cũng là nơi tích nước chính cho toàn bộ bán đảo Yucatán và là một yếu tố quan trọng đối với quá trình phát triển của nền văn hoá Maya ở thành phố cổ Calakmul và khu vực xung quanh.
Tiêu chí (x): Thảm thực vật rừng mưa nhiệt đới của khu vực và vùng Calakmul, phát triển trong điều kiện khô hạn theo mùa, có chứa hệ sinh học đa dạng, phong phú; là môi trường sống cho một số loài và các quần thể hiện bị đe doạ tuyệt chủng. Nơi đây, các điều kiện địa mạo và môi trường như lượng nước và độ ẩm thấp, sự hiện diện thường xuyên của cháy rừng, bão, cát…, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển các loại cây đặc trưng của rừng nhiệt đới. Khu vực có sự phong phú của hệ động vật hoang dã và đa dạng cao nhất của loài động vật có vú tại khu vực Maya. Đây cũng là nơi có hai trong số 3 loài linh trưởng, hai trong số 4 loài động vật có vú gặm nhấm (Edentates) và năm trong số 6 loài mèo ở Mexico.
.jpg)
Phạm vi Khu vực Di sản và khu vực có liên quan
Khu vực Di sản và khu vực có liên quan bao gồm:
- Khu vực Di sản - Thành phố cổ Maya tại Calakmul (Ancient Maya City of Calakmul).
- Khu vực bảo vệ xung quanh Di sản (Boundary of the Nominated Property).
- Khu dự trữ sinh quyển Calakmul (Calakmul Biosphere Reseve) bao quanh.
Khu vực Di sản – Thành phố cổ Maya tại Calakmul
Tên cổ của Calakmul là Ox Te' Tuun, có nghĩa là "Ba tảng đá", được nhà sinh vật học Cyrus L. Lundell (người Mỹ, 5/11/1907- 28/3/1994) phát hiện từ trên không vào năm 1931. Ông đặt tên cho thành phố là Calakmul, có nghĩa là "Thành phố có hai kim tự tháp liền kề nhau".
Thành phố cổ Calakmul nằm trong một khu vực đầm lầy theo mùa. Đầm lầy có kích thước 34km x 8km và là nguồn nước quan trọng chứa trong mùa mưa, được kết nối với hệ thống kiểm soát nước bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo như rãnh, kênh rạch. Rìa của đầm lầy là vùng đất đai màu mỡ và các khối đá vôi. Thành phố nằm trên một nền nhân tạo bằng đá vôi có cao độ 35m.
Khu vực Di sản là phần lõi của thành phố cổ Calakmul, có diện tích khoảng 331,397ha, gồm các công trình đền đài, cung điện; xung quanh là các công trình dân cư dày đặc khoảng với diện tích khoảng 20km2.
Các công trình tại đây bố cục theo kiểu tập trung với hơn 6 ngàn cấu trúc, được xây dựng bằng đá vôi mềm. Tại đây có nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, có tới 92 cấu trúc xây dựng trên các bệ kim tự tháp lớn, đặt xung quanh các quảng trường và sân.
Các hạng mục công trình chính trong Khu vực Di sản:

Sơ đồ các hạng mục công trình chính tại trung tâm thành phố cổ Calakmul
Kiểm soát nước (Water control)
Thành phố cổ Calakmul được bao quanh bởi một mạng lưới rộng lớn các kênh rạch và hồ chứa. Có 13 hồ chứa trong đó có 5 hồ chứa lớn với tổng công suất khoảng 200000m3, có khả năng hỗ trợ cho khoảng 5 vạn đến 10 vạn người, chủ yếu cho mục đích sinh hoạt. Hồ lớn nhất trong số đó và cũng là hồ lớn nhất tại khu vực Maya là hồ Aguada 1, có diện tích bề mặt khoảng 5ha. Hồ vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến ngày nay.

Hồ Aguada 1 tại Di sản thành phố cổ Calakmul
Đường đắp cao hay xa lộ
Xung quanh thành phố cổ là 8 con đường đắp cao (Causeways), như là những tuyến đê trên mặt đầm lầy của vùng đất ngập nước. Đây không chỉ là mạng lưới đường kết nối trung tâm thủ đô Calakmul với các địa phương mà còn vươn tới các quốc gia đồng minh, tương tự như các tuyến đường cao tốc (Sacbe) ngày nay.

Tuyến đường đắp cao kết nối đô thị cổ Calakmul với khu vực xung quanh
Công trình xây dựng
Tại Khu vực lõi của Di sản có nhiều công trình xây dựng, tiêu biểu gồm các cấu trúc:
- Cấu trúc I (Structure 1): nằm tại phía Đông - Nam của Khu vực lõi hay Khu vực trung tâm, là một kim tự tháp cao 50m. Công trình được xây dựng trên một ngọn đồi thấp.

Cấu trúc I tại đô thị cổ Calakmul
- Cấu trúc II : nằm gần giữa Khu vực trung tâm, là một trong những ngôi đền kim tự tháp lớn nhất nền văn minh Maya với diện tích 120m2, cao hơn 45m. Tương tự như các kim tự tháp khác tại vùng Maya, kim tự tháp này được xây dựng trên một ngôi đền có sẵn. Lõi của công trình là một kim tự tháp (cấu trúc 2A) được xây dựng vào Thời kỳ Tiền cổ điển. Đây là công trình cao nhất trong tổ hợp. Tại phần bệ thấp có 6 bức tường trang trí khổng lồ, chia làm hai khối nằm giữa các hàng bậc. Vào Thời kỳ Cổ điển, một kim tự tháp khác được xây dựng thêm vào phía trước, che 6 bức tường trang trí của kim tự tháp 2A. Trên bệ kim tự tháp mở rộng này có 3 đền thờ (cấu trúc 2B, 2C, 2D). Mỗi đền thờ đều có lối ra vào riêng. Vào thời kỳ Hậu cổ điển, trên đỉnh của phần mở rộng lại xây dựng thêm một cung điện với kích thước 19,4 x 12 mét, chia làm 9 phòng, chia thành 3 dãy. Hai dãy hàng đầu được sử dụng để chuẩn bị thúc ăn, cối xay, bếp lò. Phòng số 7 được sử dụng làm phòng tắm hơi.

Phối cảnh tổng thế Cấu trúc II tại đô thị cổ Calakmul

Phối cảnh tổng thế Cấu trúc IIB tại đô thị cổ Calakmul

Sơ đồ mặt cắt ngang Cấu trúc II tại đô thị cổ Calakmul
- Cấu trúc IV : là một nhóm gồm ba ngôi đền ở phía Đông của Quảng trường Trung tâm (Central Plaza). Cấu trúc được chia thành 3 phần, ký hiệu 4a, 4b và 4c. Cấu trúc trung tâm 4b được xây dựng trên một cấu trúc con có niên đại trước Thời kỳ Tiền cổ điển. Cùng với Cấu trúc VI tại phía đối diện Quảng trường, những tòa nhà này hình thành nên Nhóm E (E-Group), một tên gọi tổ hợp công trình của nền văn minh Maya, được xây dựng theo sự chuyển động của mặt trời với các cấu trúc phía Bắc phù hợp với mặt trời mọc tại thời điểm Hạ chí (tháng 6); cấu trúc phía Nam phù hợp với mặt trời mọc tại thời điểm Đông chí (tháng 12); cấu trúc trung tâm phù hợp với mặt trời mọc tại thời điểm Xuân phân (tháng 3) và Thu phân (tháng 9).

Phối cảnh tổng thế Cấu trúc IV tại đô thị cổ Calakmul

Cấu trúc IV và Cấu trúc VI tạo thành Nhóm E (E-Group),tên gọi tổ hợp công trình của nền văn minh Maya, được xây dựng theo sự chuyển động của mặt trời

Sơ đồ phối cảnh tổng thể khu vực Quảng trường trung tâm tại đô thị cổ Calakmul
- Cấu trúc V: là một tòa nhà nằm trên Quảng trường Trung tâm, phía Bắc của Cấu trúc II. Công trình được bao quanh bởi 10 bia đá (Stelae), được xây dựng vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Còn tòa nhà được xây dựng vào những năm đầu của Thời kỳ Tiền cổ điển).

Cấu trúc V với các bia đá (Stelae) ký hiệu 34, 33, 35
- Cấu trúc VII: là một kim tự tháp ở phía bắc của Quảng trường Trung tâm Plaza. Kim tự tháp cao 24m, hướng về phía Nam, phía Quảng trường. Phía Nam của kim tự tháp có 5 bia đá, được xây dựng trong nhiều giai đoạn. Trên đỉnh bệ kim tự tháp là một ngôn đền 3 phòng, có một mái che cao.

Cấu trúc VII với các bia đá (Stelae) ký hiệu 2, 3, 4, 5, 6
- Cấu trúc VIII: là một tòa nhà nhỏ nằm tại phía Đông của Cấu trúc VII, gắn liền với bia đá ký hiệu 1 (Stelae 1).Mặt phía Nam của Cấu trúc là một sân bóng (Ball Court).

Cấu trúc VIII với các bia đá (Stelae) ký hiệu 1
- Cấu trúc XIII: là một kim tháp gắn với một tổ hợp công trình tại phía Tây của Cấu trúc VII. Mặt phía Nam của Cấu trúc là một sân bóng (Ball Court).

Cấu trúc XIII với các bia đá (Stelae) ký hiệu 88

Phối cảnh sân bóng tại tại đô thị cổ Calakmul
- Cấu trúc XIV và XV: là một tổ hợp nằm tại phía Tây của Cấu trúc VI.

Cấu trúc XIV với các bia đá (Stelae) ký hiệu 61

Cấu trúc XV với các bia đá (Stelae) ký hiệu 75-79
Ngoài các Cấu trúc có tên trên, tại đây còn có các cụm công trình: Nhóm phía Bắc (North Group), nằm tại phía Đông Bắc Khu vực Di sản; Pháo đài Pequena (Pequena Acropolis), nằm tại phía Đông; Cụm công trình House of the 6th Ahau, nằm tại phía Tây Bắc; Tổ hợp nhà ở (Residental Complex) tại phía Tây.
Bia đá, tranh tường, đồ gốm sứ
- Tại đây đã tìm thấy được 166 bia đá Maya (Maya Stelae), là những bia đá cao, được điêu khắc và thường gắn với các viên đá tròn thấp. Đây là loại bia phổ biến rộng rãi trong khu vực nền văn minh Maya và tại Calakmul số lượng bia tìm thất là lớn nhất.
Bia được làm bằng đá vôi mềm, được chạm khắc trên một hoặc nhiều mặt với hình khắc chạm nổi và chữ tượng hình ((Glyphs). Người ta cho rằng hầu hết các bia đá May được sơn màu đỏ, vàng, đen, xanh dương và các màu khác. Bia phần lớn miêu tả về các vị vua, hoàng tộc và các sự kiện có liên quan.

Bia đá số 51 (Stela 51), có niên hiệu năm 731, miêu tả vị vua Yuknoom Took 'K'iwil.
- Nhiều bức tranh tường (Maya Murals) phức tạp đã được khám phá tại Calakmul. Những bức tranh tường này không miêu tả hoạt động của tầng lớp cái trị, mà miêu tả xã hội như cảnh mua bán các sản phẩm như nước giải khát làm từ ngô (Atole), món ăn từ ngô (Tamales), thuốc lá, đồ dệt may. Những bức tranh tường cũng có các chữ tượng hình (Glyphs) miêu tả các hoạt động thường xảy ra thời bấy giờ.
- Tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy được nhiều tàn tích gốm (Maya Ceramics)

Tàn tích các bức tranh tường bên trong đền thờ tại đô thị cổ Calakmul.

Đồ gốm tại đô thị cổ Calakmul
Lăng mộ
Khu vực Di sản có nhiều lăng mộ (Tomb). Ngôi mộ nổi tiếng nhất được đặt vào Cấu trúc 2B. Ngôi mộ có một bộ xương người đàn ông quấn trong vải dệt và da cá mập, được bảo quản một phần bằng nhựa cây. Trong ngôi mộ có nhiều vật phẩm phong phú, gồm đồ trang trí bằng ngọc bích, mặt nạ khảm ngọc bích, vỏ sò, lưỡi dao, đồ gốm sứ và đồ gỗ. Theo những dòng chữ tượng hình ghi trên bia đá số 115, 116, đây là ngôi mộ của vua Yuknoom Yich'aak K'ak, trị vì vương quốc vào thế kỷ thứ 7.
Khu vực Di sản thiên nhiên
Khu dự trữ sinh quyển Calakmul (Calakmul Biosphere Reserve) tại Campeche nằm trong một vùng nhiệt đới, khí hậu ẩm ướt, với mùa mưa được xác định và mùa khô tương đối khô từ cuối mùa Đđông đến đầu mùa Xuân. Lượng mưa trung bình hàng năm thay đổi từ 900 đến 2000 mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26 độ C với mức cao đến 36 độ vào mùa Hè và thấp nhất là 17 độ C vào mùa Đông.
Khu dự trữ sinh quyển Calakmul (Calakmul Biosphere Reseve, khu dự trữ sinh quyển được thành lập vào năm 1989, có diện tích khoảng 7231km2, là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất tại Mexico), thuộc bán đảo Yucatán, giáp với Khu bảo tồn sinh quyển Maya (Maya Biosphere Reserve) thuộc tỉnh El Petén của Guatemalan ở phía Nam, tạo thành một trong những khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất và ít bị xáo trộn nhất tại Bắc Mỹ. Rừng được phân thành các loại rừng khô tại phía Tây và rừng nhiệt đới lâu năm và nhiều năm ở phía Đông với nhiều loại cây đặc hữu.
Đây cũng là nơi sinh sống của 86 loài động vật có vú, trong đó có 18 loài thuộc loại có nguy cơ bị tuyệt chủng và nhiều loại quý, hiếm tại Mexico.

Bao quanh Khu vực trung tâm của Di sản là Khu bảo tồn rừng nhiệt đới Calakmul

Heo vòi tại Khu bảo tồn rừng nhiệt đới Calakmul
Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Thành phố cổ Maya và Khu bảo tồn rừng nhiệt đới tại Calakmul, Campeche, Mexico, tồn tại trong hơn 1500 năm, tạo thành một ví dụ xuất sắc về sụ hình thành và phát triển của một khu vực văn hóa Calakmul.
Ngày nay đây vẫn địa điểm minh chứng cho một trong những nền văn hóa cổ đại vĩ đại của thế giới. Di sản không chỉ gồm các tàn tích của thành phố, mà còn là các mô hình kết hợp nông lâm nghiệp và sử dụng nước.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1061
https://en.wikipedia.org/wiki/Campeche
https://en.wikipedia.org/wiki/Calakmul
https://en.wikipedia.org/wiki/Calakmul_Biosphere_Reserve
http://pronatura-ppy.blogspot.com/2013/05/mamiferos-de-la-peninsula-de-yucatan.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Maya_stelae
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 25/08/2020 )
|
Tin mới đưa:- Quần thể Tu viện Novodevichy, Moscow, Nga
- Công viên Muskauer / Công viên Mużakowski, Đức và Ba Lan
- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
Tin đã đưa:- Thành phố thời tiền Colombo Uxmal, Mexico
- Thành phố thời tiền Colombo Chichén Itzá, Mexico
- Thành phố thời tiền Colombo Teotihuacan, Mexico
- Thành phố thời tiền Colombo và Công viên quốc gia Palenque, Mexico
- Monticello và Đại học Virginia ở Charlottesville, Virginia, Hoa Kỳ
- Trung tâm lịch sử Oaxaca và Khu khảo cổ Monte Alban, Mexico
- Những hình vẽ trên cao nguyên Nazca và Palpa, Peru
- Pháo đài bên bờ biển Panama: Portobelo-San Lorenzo
- Kênh Rideau, Ontario, Canada
- Trung tâm lịch sử của thành phố Ouro Preto, Brazil
- Vườn quốc gia Tongariro, New Zealand
- Sách Lịch sử Kiến trúc Công nghiệp, NXB Xây dựng 2016
- Vườn quốc gia Rapa Nui, tại đảo Phục Sinh, Chile
- Địa điểm thử nghiệm hạt nhân - Đảo san hô Bikini, tại Quần đảo Marshall
- Khu thành cổ Jerusalem
|