Tuần 37 - Ngày 20/04/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Thành phố thời tiền Colombo Teotihuacan, Mexico |
15/10/2017 |
Thông tin chung:
Công trình: Thành phố thời tiền Colombo Teotihuacan (Pre-Hispanic City of Teotihuacan)
Địa điểm: Teotihuacan De Arista và San Martin De Las Piramides, Mexico (N19 41 30.012 W98 50 30.012)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 3.381,71 ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (1987; hạng mục i; ii; iii; iv, iv)
Mexico phía Bắc giáp Hoa Kỳ, Nam và Tây giáp Thái Bình Dương, Đông Nam giáp Guatemala, Belize và biển Caribe, phía Đông là vịnh Mexico. Mexico có diện tích 1.964.375 km², dân số khoảng 120 triệu người (năm 2015), ngôn ngữ chính là Tây Ban Nha, thủ đô là thành phố Mexico.
Năm 1521, Đế chế Tây Ban Nha chinh phục và chiếm đóng Mexico.
Ngày 16/9/1810, Mexico tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha.
Mexico ngày nay là một liên bang bao gồm 31 tiểu bang và một thực thể liên bang đặc biệt.

Bản đồ Mexico và vị trí thành phố Mexico
Thời kỳ tiền Columbian, Mexico là nơi có nhiều nền văn minh Mesoamerica tiên tiến (là một khu vực và vùng văn hóa châu Mỹ, kéo dài từ miền Trung Mexico qua Belize, Guatemala, El Salvador, Honduras,Nicaragua và phía Bắc Costa Rica; trong đó nổi bật là nền văn minh của người Maya, Olmec, Aztec, Teotihuacan…).
Đây là nơi tập trung các đặc điểm điển hình của các nền văn minh thời bấy giờ: sự phát triển đô thị, phân tầng xã hội, hệ thống truyền thông và tri thức (ví dụ như chữ viết, lịch, thiên văn, toán học, nghệ thuật…), sự độc lập và hòa nhập môi trường tự nhiên, cùng với đó là các đặc điểm về kinh tế và xã hội: tập trung con người và hình thành các khu định cư, chuyên môn hóa lao động, xuất hiện các tư tưởng và tôn giáo, kiến trúc hoành tráng, thuế, xã hội nông nghiệp, chủ nghĩa bành trướng kiểm soát con người và lãnh thổ...
Một trong những địa điểm khởi nguồn cho nền văn minh Mesoamerican là Thung lũng Mexico (Valley of Mexico). Đây là tên gọi khu vực cao nguyên tại trung tâm Mexico, là địa điểm của thành phố Mexico ngày nay. Thung lũng được bao quanh bởi các ngọn núi lửa. Đây là trung tâm của các nền văn minh Tiền Columbia, bao gồm Teotihuacan, Toltec và Aztec;
Khu đô thị cổ Teotihuacan, còn có tên gọi là Nahuatl, nằm trong thung lũng phụ cận của Thung lũng Mexico, tại thị trấn Teotihuacán de Arista San và Martín de las Pirámides thuộc thành phố Teotihuacan, bang Mexico, cách thành phố thủ đô Mexico 48km về phía Đông Bắc. Teotihuacan được biết đến như là địa điểm của các kim tự tháp Mesoamerica quan trọng nhất được xây dựng tại châu Mỹ thời Tiền Columbian.
Teotihuacan được cho là thành lập vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, bắt đầu như là một trung tâm tôn giáo mới ở Thung lũng Mexico, song phát triển rực rỡ nhất trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 1 đến thứ 7.
Teotihuacan là một quốc gia đa sắc tộc, gồm các bộ tộc Nahua, Otomi hoặc Totonac…
Về tôn giáo, một trong vị thần chính là Nữ thần vĩ đại của Teotihuacan (Great Goddess of Teotihuacan).
Tại Teotihuacan, chính trị dựa trên tôn giáo nhà nước và các nhà lãnh đạo tôn giáo là những nhà lãnh đạo chính trị.
Vào thời phát triển cực thịnh, Teotihuacan có diện tích đến 3.381,71 ha, dân số ước tính khoảng 12,5 vạn người, trở thành một trong những thành phố lớn nhất châu Mỹ và là thành phố lớn thứ 6 trên thế giới thời bấy giờ.
Trung tâm nghi lễ (tôn giáo, tinh thần) của đô thị Teotihuacan có kích thước khổng lồ, chiếm đến 10% diện tích của thành phố; xung quanh là các cung điện, khu dân cư có quy mô lớn, ví dụ như La Ventilla, Tetitla, Zacuala và Yayahuala về phía Tây, Xala và Tepantitla về phía Đông của Trung tâm nghi lễ...
Teotihuacan được coi là một trong những mô hình đô thị hóa và quy hoạch quy mô lớn, có ảnh hưởng sâu rộng tới các khái niệm văn hóa thời bấy giờ và sau này.

Vị trí của Thung lũng Mexico và Teotihuacan tại khu vực văn hóa Mesoamerican

Bản tổng hợp Niên đại chung của Teotihuacan (Cronología general de Teotihuacan)

Bức tranh miêu tả Đại nữ thần Mưa (Tlaloc, tên gọi theo người Aztec) tại Teotihuacan

Đồ bằng đất nung tại Teotihuacan
Đô thị cổ Teotihuacan được quy hoạch gắn với các yếu tố tự nhiên của thung lũng Teotihuacan. Trục tổ hợp chính thành phố theo hướng Bắc – Nam, là cơ sở để bố cục các đền tháp và tổ hợp công trình hoành tráng, trong đó nổi bật là kim tự tháp mang tên Mặt Trời, Mặt Trăng và quần thể Great Compound với đền Quetzalcoatl…
Một đặc trưng của kiến trúc dân sự và tôn giáo của thành phố là được xây dựng theo phong cách "Talud- Tablero", bao gồm một bề mặt dốc được gọi là Talud và một khối vuông nhô ra, có thể có gờ trên và dưới, gọi là Tablero. Đây là một phong cách kiến trúc phổ biến nhất được sử dụng trong các bệ, đền thờ và kim tự tháp tại khu vực nền văn hóa Mesoamerica và rất phổ biến tại đô thị cổ Teotihuacan.

Sơ đồ mặt bằng Trung tâm nghi lễ của đô thị cổ Teotihuacan, Mexico

Phối cảnh tổng thể Trung tâm nghi lễ của đô thị cổ Teotihuacan, Mexico


Phong cách "Talud- Tablero" của các công trình kiến trúc tại vùng văn hóa Mesoamerica
Các tòa nhà được trang trí các bức tranh tường, thế hiện thế giới quan và môi trường cảnh quan thời bấy giờ.
Ngoài các kim tự tháp chiếm ưu thế, Teotihuacan còn là khu vực cư trú đa dạng, nơi kết hợp giữa khu dân cư và làm việc. Tại trung tâm thành phố có các tổ hợp công trình nhà ở chứa nhiều gia đình, có công trình chứa đến 60 -80 gia đình.
Vật liệu xây dựng công trình là đá núi lửa, loại đá xốp và cứng, màu đen hoặc đỏ, gạch đất sét bùn, chịu được thời tiết xấu. Tại đây gỗ được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và là nguồn năng lượng cho các hộ gia đình.
Các hồ rộng lớn (hồ Texcoco) của lưu vực sông Mêxicô (sông San Juan, San Lorenzo và Huixulc) tạo cơ hội cho người dân xung quanh cải tạo các đầm lầy, xây dựng hệ thống kênh dẫn nước sinh hoạt.
Teotihuacan còn là trung tâm của ngành thủ công nghiệp với các ngôi nhà của thợ gốm, thợ kim hoàn và các thợ thủ công khác. Đây là nơi xuất khẩu dụng cụ mang tên Obsidian, một loại vật liệu cứng, giòn và sắc cạnh bắt nguồn từ nham thạch núi lửa, để cắt, xỏ lỗ, làm đầu mũi tên, dao mổ phẫu thuật…sử dụng rộng khắp vùng Mesoamerica.

Công cụ làm bằng đá đen Obsidian
Xác người và động vật đã được tìm thấy trong quá trình khai quật các kim tự tháp tại Teotihuacan, cho thấy nơi đây đã thực hành nghi lễ hiến tế. Nạn nhân hiến tế có thể là người dân, tù binh. Những con vật hiến tế, tượng trưng cho sức mạnh, như chó sói, đại bàng, chim ưng, rắn độc…
Điều đặc biệt là trong đô thị cổ Teotihuacan chưa tìm thấy các công trình quân sự.
Hiện vẫn còn đang có nhiều tranh luận về mức độ quan hệ về chính trị, văn hóa giữa Teotihuacan và các trung tâm của nền văn minh Maya tại lân cận (cũng như các nơi khác ở Mesoamerica).
Đô thị cổ Teotihuacan (Nahuatl) bắt đầu suy giảm dân số vào thế kỷ 6, có thể liên quan đến các cuộc đấu tranh nội bộ; nông nghiệp bị tàn phá bởi sự phun trào của núi lửa vào năm 535; hạn hán kéo dài, nạn đói và bị các bộ tộc lân cận xâm lấn.
Kề liền về phía Tây Nam của Teotihuacan là đô thị Tenochtitlan (nay là thành phố Mexico). Đây là trung tâm của người Aztec, là một bộ tộc sống tại miền trung Mexico, thống trị phần lớn vùng Trung châu Mỹ từ thế kỷ 14 đến 16. Nhận thấy những giá trị nghệ thuật, văn hóa tuyệt vời tại Teotihuacan, người Aztec đã tuyên bố rằng họ có chung tổ tiên với người Teotihuacanos và kế thừa nền văn minh này.Cái tên Teotihuacan được đặt bởi người Aztec với ý nghĩa là "Nơi sinh của các vị thần" hay “Thành phố của các vị thần”.
Các tàn tích tại Trung tâm nghi lễ của Teotihuacan cho thấy nơi đây đã bị đốt phá vào thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8. Đô thị cổ Teotihuacan được khám phá lần đầu tiên vào năm 1864, được khai quật từ năm 1884. Một số di tích đã được phục hồi vào đầu thế kỷ 20.
Thành phố thời tiền Colombo Teotihuacan, Mexico được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1987) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Trung tâm nghi lễ của đô thị cổ Teotihuacan thể hiện một tuyệt tác nghệ thuật độc đáo với các kích thước đa dạng của các di tích (Kim tự tháp Mặt Trời, đáy rộng 225m x222m và cao 75m, mặt trên rộng 350 m2 với tổng khối lượng khoảng 1 triệu m3); được bố trí nghiêm ngặt dựa trên sự hài hòa với vũ trụ. Nghệ thuật tại Teotihuacans là một trong những nghệ thuật của nền văn minh cổ nhất tại Mexico. Tại đây, nó kế thừa và bổ sung: Các yếu tố hình học của các kim tự tháp Mặt Trăng, Mặt Trời; Trang trí điêu khắc và sơn với một sự phong phú đặc biệt của kim tự tháp Quetzalcoatl, Plumed Serpent.
Tiêu chí (ii): Với Teotihuacan ảnh hưởng của nền văn minh cổ đại Mesoamerican lần đầu tiên đã được lan truyền trên toàn bộ vùng Trung tâm của Mexico, bang Yucatán của Mexico và Kaminaljuyu của Guatemala trong thời kỳ Teotihuacan III (thời kỳ năm 300 – năm 500 sau Công nguyên).
Tiêu chí (iii): Lớn hơn nhiều so với khu vực Trung tâm nghi lễ, Khu khảo cổ Teotihuacan tương ứng với một thành phố ít nhất 2,5 vạn dân. Teotihuacan và thung lũng bao quanh là bằng chứng độc đáo về cấu trúc đô thị của Mexico cổ đại.
Tiêu chí (iv): Nằm trên đại lộ Avenue of the Dead, nhóm duy nhất của các di tích linh thiêng và các địa điểm thờ tự ở Teotihuacan (Kim tự tháp Mặt trăng, Mặt Trăng, Quetzalcoatl; Cung điện Quetzalmariposa, Jaguars, Yayahuala và các khu vực khác) tạo thành một ví dụ nổi bật của một trung tâm nghi lễ thời kỳ Tiền-Columbian.
Tiêu chí (vi): Khi Teotihuacán bị phá hủy và bỏ rơi vào năm 650 sau Công nguyên, những tàn tích tại đây đã trở thành huyền thoại. Tên Aztec của Teotihuacán có nghĩa là "Nơi mà các vị thần được tạo ra". Theo các ghi chép từ thế kỷ 16, những vị vua Moctezuma cai trị Aztec thực hiện thường xuyên nghi lễ tại đây để chứng minh sự bền bỉ của đức tin, làm cho Teotihuacan trở thành một nơi thiêng liêng có giá trị đặc biệt.

Sơ đồ phạm vi Khu Di sản Teotihuacan, Mexico
Khu Di sản Teotihuacan hiện vẫn đang tiếp tục được khám phá, các hạng mục công trình chính trong Trung tâm nghi lễ Teotihuacan gồm:
Đại lộ của thành phố (City's Broad Central Avenue)
Đại lộ rộng lớn của Trung tâm nghi lễ còn được gọi là Đại lộ của người chết (đền thờ, lăng mộ) - "Avenue of the Dead" (Calzada de los Muertos). Đại lộ là trục trung tâm của đô thị, theo hướng chếch Bắc – Nam, rộng khoảng 40m và dài 4 km, chạy qua sông Rio San Juan, được bố trí theo nguyên tắc địa lý, là một vị dụ điển hình của truyền thống Mesoamerican về quy hoạch các thành phố, khu định cư và các tòa nhà gắn với quan điểm về vũ trụ. Quy hoạch của đại lộ cũng như của đô thị được sắp xếp chính xác nghiêng 15,5 độ về phía Đông Bắc, được cho là phù hợp với hướng chuyển động của mặt trời…
Xung quanh Đại lộ là các tàn tích của các công trình kiến trúc ấn tượng, gồm: Kim tự tháp Mặt trời (Pyramid of the Sun) nằm bên cạnh và giữa Đại lộ; Kim tự tháp Mặt trăng (Pyramid of the Moon) và Quần thể đền thờ thần Rắn (Temple of the Feathered Serpent Quetzalcoatlare) được đặt tại hai đầu của Đại lộ…Dọc theo đại lộ còn có nhiều kim tự tháp nhỏ dạng bậc kiểu Talud-Tablero.
Ngoài Đại lộ theo hướng chếch Bắc Nam, tại đây còn có một trục không gian khác chếch theo hướng Đông – Tây, tại vị trí khu vực Quần thể Đền thờ Thần Rắn (Ciudadela), hiện tại trục này đã không còn.

Phối cảnh Đại lộ, nhìn từ Kim tự tháp Mặt Trăng
Kim tự tháp Mặt trời (Pyramid of the Sun) .
Kim tự tháp Mặt Trời là kim tự tháp khổng lồ, lớn thứ 3 trên thế giới sau Kim tự tháp Cholula (Great Pyramid of Cholula) tại Puebla, Mexico và Kim tự tháp Giza (Great Pyramid of Giza) tại Ai Cập.
Công trình nằm bên cạnh, tại mặt phía Đông của Đại lộ.
Kim tự tháp dạng bậc, có phần đáy dài 225m, rộng 222m; cao khoảng 75m, độ nghiêng của bậc 32,5 độ, được hoàn thành vào những năm 200 sau Công nguyên.
Tên Kim tự tháp Mặt Trời do người Aztec đặt, là đài tưởng niệm, tôn thờ vị thần vĩ đại nhất là thần Mặt Trời.
Công trình được xây dựng theo hai giai đoạn chính. Giai đoạn đầu vào khoảng năm 100 sau Công nguyên, tạo thành phần bệ kim tự tháp. Giai đoạn hai là xây dựng đền thờ trên mặt bệ kim tự tháp (rộng 350m2). Hiện đền thờ đã không còn.
Kim tự tháp Mặt Trời được xây dựng bằng đá vôi với vữa thạch cao lấy từ khu vực xung quanh. Trên đó vẽ các bức tranh tường màu sắc rực rỡ.
Phía dưới Kim tự tháp là một đường hầm, dẫn đến hầm mộ của Hoàng gia. Xung quanh Kim tự tháp đã tìm thấy được nhiều hiện vật như đầu mũi tên, tượng hình người và các bộ xương người liên quan đến tục hiến tế. Vào năm 1889, người ta tìm thấy dưới chân Kim tự tháp Mặt Trời một tác phẩm điêu khắc bằng thạch cao hình một con mèo, được gọi là Ocelot Teotihuacan.

Hình vẽ so sánh Kim tự tháp Mặt Trời tại Teotihuacan, Mexico và Kim tự tháp Cholula tại Puebla, Mexico và Kim tự tháp Giza tại Ai Cập.

Kim tự tháp Mặt Trời nhìn từ khu vực quảng trường phía trước Kim tự tháp Mặt trăng, Teotihuacan


Phối cảnh Kim tự tháp Mặt Trời, Teotihuacan

Tác phẩm điêu khắc thạch cao Ocelot Teotihuacan, thế kỷ 5 -6, hình tượng một con mèo, có thể là một khay đựng trái tim của người hiến tế (Bảo tàng Anh quốc).
Kim tự tháp Mặt trăng (Pyramid of the Moon)
Kim tự tháp Mặt Trăng là kim tự tháp lớn thứ hai sau Kim tự tháp Mặt Trời tại Trung tâm nghi lễ Teotihuacan, còn được gọi là Tenan, đền Đại Nữ thần bảo trợ (Great Goddess).
Kim tự tháp được xây dựng vào năm 200 -250 sau Công nguyên, nằm tại điểm đầu phía Bắc của Đại lộ.
Bệ kim tự tháp có đáy rộng 45m x45m cao 45m. Trên đỉnh của Kim tự tháp là đền thờ Đại Nữ thần bảo trợ, tượng trưng cho thần sông nước, thần đất, thần sinh sôi nảy nở và thần sáng tạo (đền hiện không còn). Tại phần đáy của Kim tự tháp đã phát hiện các tác phẩm điêu khắc dành riêng cho Đại Nữ thần.
Đối diện với Kim tự tháp Mặt Trăng là quảng trường Mặt Trăng. Quảng trường có một bàn thờ nằm tại trung tâm và xung quanh có các kim tự tháp nhỏ.
Năm 1998, các nhà khảo cổ đã khai quật dưới Kim tự tháp Mặt Trăng và phát hiện đường hầm phía dưới. Các tàn tích trong đường hầm cho thấy, Kim tự tháp đã trải qua ít nhất 6 lần tu sửa. Tại đây cũng phát hiện các bộ xương người, động vật, đồ trang sức, lưỡi dao…

Hình vẽ Kim tự tháp Mặt Trăng, Teotihuacan

Phối cảnh Kim tự tháp Mặt Trăng với Đại lộ, quảng trường phía trước và quần thể các kim tự tháp nhỏ bao quanh

Phối cảnh Kim tự tháp Mặt Trăng, Teotihuacan
Đền thờ Thần Rắn (Temple of the Feathered Serpent Quetzalcoatlare)
Đền thờ Thần Rắn là kim tự tháp (Feathered Serpent Pyramid) lớn thứ 3 tại Teotihuacan, được xây dựng vào năm 150 đến 200 sau Công nguyên.
Quần thể Đền thờ Thần Rắn nằm tại cuối phía Nam của Đại lộ, có tường lớn bao quanh như một pháo đài (Ciudadela).
Lớp ngoài cùng tạo thành thành một hình vuông mỗi chiều khoảng 400m, gồm một lớp tường dày gắn với các kim tự tháp nhỏ cả bốn phía (mặt Bắc, Nam, Đông có 4 kim tự tháp và mặt Tây có 3 kim tự tháp).
Lớp trong cùng gồm: Một sân hình chữ nhật đặt tại phía Đông, giữa có một bệ thờ; Cụm công trình đặt tại phía Tây, gồm 2 kim tự tháp đặt liền nhau (Đền thờ Thần Rắn) và một quần thể tàn tích các hạng mục công trình nhà ở và xưởng chế tác thủ công.
Đền thờ Thần Rắn được xây dựng theo phong cách Talud- Tablero. Các cạnh bên ngoài của mỗi bậc được trang tri bằng các đầu của Thần Rắn (Tlaloc) với các vây phía trên, biểu tượng cho thần mưa và mùa màng trong nông nghiệp, hoặc là biểu tượng của thần chiến tranh. Trong Kim tự tháp đã phát hiện các bộ xương người, động vật, vũ khí và đồ trang sức.
Quần thể Đền thờ Thần Rắn được cho là một trong những địa điểm trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của thành phố Teotihuacan.

Phối cảnh Quần thể Đền thờ Thần Rắn, Teotihuacan

Phối cảnh Kim tự tháp - Đền thờ Thần Rắn

Chi tiết trang trí các đầu của Thần Rắn (Tlaloc) với các vây phía trên tại bệ tháp (phần Tablero)
Ngoài 3 cụm công trình chính trên, tại Trung tâm nghi lễ Teotihuacan còn có các hạng mục công trình nổi bật:
- Khu phức hợp Quetzalpapálotl (Quetzalpapálotl complex)
Khu phức hợp Quetzalpapálotl nằm tại phía Tây Nam Kim tự tháp Mặt Trăng. Tổ hợp công trình nổi tiếng với Cung điện Quetzalpapálotl (Palace of the Quetzalpapálotl); Cung điện Jaguars (Palace of the Jaguars) và các bệ kim tự tháp bằng đá xung quanh.
Khu phức hợp được xây dựng vào khoảng năm 450- 500, trên nền của một cấu trúc xây dựng trước đó vào năm 250 – 300.
Cung điện Quetzalpapálotl được cho là nơi cư ngụ của một vị linh mục cấp cao với các phòng, hàng hiên và sân.
Các cột đá hàng hiên quanh sân có trang trí hình ảnh các loài chim (Quetzalpapalotl), là một sinh vật thần thoại của nền văn hoá Mesoamerican, là sự kết hợp giữa chim và bướm. Bên trong cung điện có những bức tranh tường trang trí hình động vật, biểu tượng của thần mưa. Dưới lòng đất có các hầm mộ, trên tường miêu tả hình ảnh về những con chim màu xanh và các đồ vật có liên quan đến nước và sự sống.
Cung điện Jaguars có bức tranh tường miêu tả những con mèo lớn với những chiếc mũ cắm lông chim, miệng ngậm kèn bằng vỏ ốc…
Khu phức hợp được khám phá vào năm 1962.

Phối cảnh Khu phức hợp Quetzalpapálotl, Teotihuacan

Trang trí trên hàng cột của Cung điện Quetzalpapálotl, Teotihuacan

Trang trí bên trong Cung điện Jaguars với các bức tranh tường miêu tả những con mèo
- Cung điện Tepantitla (Palace of the Tepantitla)
Cung điện nằm tại phía Đông của Kim tự tháp Mặt trời, là nơi cư trú của các thành viên thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Tổ hợp công trình bao gồm một sân trong, có vai trò là không gian cộng đồng, xung quanh là các không gian sinh hoạt. Tại đây có các bức tranh tường miêu tả các vị thần, linh mục liên quan đến tục thờ nước và mùa màng nông nghiệp.
Bức tranh tường mô tả một lễ nghi nghi thức gieo hạt cầu vụ mùa. Linh mục đội mũ có hình dạng đầu và hàm trên của một con cá sấu, phía trên mủ là các lông vũ.
Bức tranh thờ Đại Nữ thần mưa gắn với ngọn núi Cerro Gordo, núi lửa đã tắt, và trở thành nguồn nước của thành phố. Nhiều người cho rằng đây là bức tranh miêu tả thiên đường (Tlalocan, một trong 13 tầng trời), được cai trị bởi thần Tlaloc hay Đại nữ thần Mưa.

Mặt bằng Cung điện Tepantitla, điển hình cho các loại cung điện tại Trung tâm nghi lễ Teotihuacan

Phối cảnh sân trong Cung điện Tepantitla, Teotihuacan

Trang trí trên tường Hình ảnh của cây vũ trụ với các tầng với bốn nhánh cây và hoa

Bức tranh thờ Đại Nữ thần mưa gắn với ngọn núi Cerro Gordo, núi lửa đã tắt, và trở thành nguồn nước của thành phố
- Cung điện Yayahuala (Palace of the Yayahuala)
Cung điện nằm tại phía Tây của Trung tâm nghi lễ, cách biệt với Đại lộ, hiện chỉ còn tàn tích nền móng và các bức tường. Cung điện có cấu trúc mặt bằng gồm một sân trong, giữa là một bệ thờ, bao quanh sân trong là hành lang kết nối các công trình có mặt bằng hình học với các bề mặt tường theo phong cách Talud- Tablero. Kề liền phía Nam của Cung điện Yayahuala là Cung điện Zacuala (Palace of the Zacuala) có quy mô và cấu trúc tương tự.

Tàn tích Cung điện Yayahuala, Teotihuacan
Di sản Thành phố thời tiền Colombo Teotihuacan, Mexico là một trong những trung tâm lịch sử, văn hóa hùng mạnh và lâu đời nhất ở vùng Mesoamerica, trở thành địa danh thiêng liêng của người dân Mexico và khu vực Nam Mỹ. Đây là một trong những địa điểm khảo cổ học được nhiều người đến thăm quan nhất ở Mexico.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/414
https://en.wikipedia.org/wiki/Mexico
https://en.wikipedia.org/wiki/Mesoamerica
https://en.wikipedia.org/wiki/Civilization
https://en.wikipedia.org/wiki/Teotihuacan
https://www.ancient.eu/Teotihuacan/
https://en.wikipedia.org/wiki/Mesoamerican_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Talud-tablero
https://en.wikipedia.org/wiki/Pyramid_of_the_Sun
https://en.wikipedia.org/wiki/Pyramid_of_the_Moon
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_the_Feathered_Serpent,_Teotihuacan
https://en.wikipedia.org/wiki/Quetzalpapálotl
https://es.wikipedia.org/wiki/Teotihuac%C3%A1n
https://es.wikipedia.org/wiki/Arquitectura_de_Teotihuacán
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 22/10/2017 )
|
Tin mới đưa:- Quần thể Tu viện Novodevichy, Moscow, Nga
- Công viên Muskauer / Công viên Mużakowski, Đức và Ba Lan
- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
Tin đã đưa:- Thành phố thời tiền Colombo và Công viên quốc gia Palenque, Mexico
- Monticello và Đại học Virginia ở Charlottesville, Virginia, Hoa Kỳ
- Trung tâm lịch sử Oaxaca và Khu khảo cổ Monte Alban, Mexico
- Những hình vẽ trên cao nguyên Nazca và Palpa, Peru
- Pháo đài bên bờ biển Panama: Portobelo-San Lorenzo
- Kênh Rideau, Ontario, Canada
- Trung tâm lịch sử của thành phố Ouro Preto, Brazil
- Vườn quốc gia Tongariro, New Zealand
- Sách Lịch sử Kiến trúc Công nghiệp, NXB Xây dựng 2016
- Vườn quốc gia Rapa Nui, tại đảo Phục Sinh, Chile
- Địa điểm thử nghiệm hạt nhân - Đảo san hô Bikini, tại Quần đảo Marshall
- Khu thành cổ Jerusalem
- Asmara tại Eritrea – một thành phố hiện đại châu Phi
- Quần thể đền Sambor Prei Kuk tại Khu di tích Kinh đô cổ Ishanapura, Campuchia
- Mbanza Kongo, di tích cố đô Vương quốc cổ Kongo, Angola
|