Thông tin chung:
Công trình: Thành phố thời tiền Colombo và Công viên quốc gia Palenque (Pre-Hispanic City and National Park of Palenque)
Địa điểm: Palenque, bang Chiapas, Mexico (N17 28 59.988 W92 2 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 1772 ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (1987; hạng mục i; ii; iii; iv)
Mexico phía Bắc giáp Hoa Kỳ, Nam và Tây giáp Thái Bình Dương, Đông Nam giáp Guatemala, Belize và biển Caribe, phía Đông là vịnh Mexico. Mexico có diện tích 1.964.375 km², dân số khoảng 120 triệu người (năm 2015), ngôn ngữ chính là Tây Ban Nha, thủ đô là thành phố Mexico.
Năm 1521, Đế chế Tây Ban Nha chinh phục và chiếm đóng Mexico.
Ngày 16/9/1810, Mexico tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha.
Mexico ngày nay là một liên bang bao gồm 31 tiểu bang và một thực thể liên bang đặc biệt.
Chiapas là một trong 32 thực thể liên bang Mexico, thủ phủ là thành phố Tuxtla Gutiérrez, nằm tại phía Nam của Mexico.
Palenque là một đô thị nằm tại phía Bắc bang Chiapas, được đặt tên từ cách đây 200 năm khi những tàn tích của người Maya nổi tiếng gần đó được phát hiện vào thế kỷ 18. Thành phố là nơi có số đông người bản địa, người Ch'ol, con cháu của người Maya sinh sống. Palenque nằm gần sông Usumacinta, tại khu vực có cao độ 150m so với mực nước biển.

Bản đồ Mexico và vị trí bang Chiapas

Bản đồ vị trí bang Chiapas và thành phố Palenque tại phía Bắc
Thời kỳ tiền Columbian, Mexico là nơi có nhiều nền văn minh Mesoamerica tiên tiến (là một khu vực và vùng văn hóa châu Mỹ, kéo dài từ miền Trung Mexico qua Belize, Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua và phía Bắc Costa Rica), trong đó nổi bật là nền văn minh (Civilization) của người Maya. Đây là nơi tập trung các đặc điểm điển hình của một nền văn minh thời bấy giờ: sự phát triển đô thị, phân tầng xã hội, hệ thống truyền thông và tri thức (ví dụ như chữ viết, lịch, thiên văn, toán học, nghệ thuật…), sự độc lập và hòa nhập môi trường tự nhiên, cùng với đó là các đặc điểm về kinh tế và xã hội: tập trung con người và hình thành các khu định cư, chuyên môn hóa lao động, xuất hiện các tư tưởng và tôn giáo, kiến trúc hoành tráng, thuế, xã hội nông nghiệp, chủ nghĩa bành trướng kiểm soát con người và lãnh thổ...
Nền văn minh Maya được phát triển bởi các dân tộc Maya, được biết đến nhiều nhất là chữ viết tượng hình, là hệ thống chữ viết duy nhất tại châu Mỹ thời tiền Columbic, cũng như về nghệ thuật, kiến trúc, toán học, lịch và hệ thống thiên văn. Nền văn minh Maya phát triển trong một khu vực bao gồm phía Đông Nam Mexico, tất cả Guatemala, Belize và phần phía Tây Honduras và El Salvador.
Nền văn minh Maya khởi nguồn từ trước năm 2000 trước Công nguyên với các ngôi làng nông nghiệp.
Từ năm 2000 trước Công nguyên đến năm 250 sau Công nguyên (thời kỳ Tiền Cổ điển - Preclassic), xuất hiện các xã hội nông nghiệp phức tạp đầu tiên. Đô thị Maya bắt đầu hình thành vào năm 750 - 500 trước Công nguyên. Trong các đô thị Maya cổ đã xuất hiện các công trình kiến trúc độc đáo, gồm các đền thờ lớn với mặt tiền trang trí vữa phức tạp. Văn bản chữ viết được sử dụng vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Bắt đầu vào khoảng năm 250 sau Công nguyên (thời kỳ Cổ điển - Classic), nền văn minh Maya đã xây dựng một số lượng lớn các thành phố - tiểu vương quốc, được kết nối bởi một mạng lưới thương mại phức tạp, nổi bật là các đô thị Tikal, Calakmul, Palenque…
Vào thế kỷ thứ 9 (thời kỳ Hậu Cổ điển – Postclassic), xuất hiện nhiều cuộc chiến tranh tương tàn giữa các bộ tộc Maya, nền văn minh Maya dần suy vong. Vào thế kỷ 16, Đế quốc Tây Ban Nha chiếm vùng Mesoamerican. Nojpetén, đô thị cuối cùng của người Maya sụp đổ vào năm 1697.

Sơ đồ vị trí các khu vực thuộc các nền văn minh Mesoamerica

Sơ đồ vị trí khu vực nền văn minh Maya và các đô thị cổ quan trọng
Vùng đất Palenque là một trong những địa điểm của nền văn minh Maya, phát triển chủ yếu vào thời kỳ Cổ điển (Classisc Sites), trải qua nhiều triều đại cai trị:
- K'uk 'Bahlam, năm 431- khoảng 435 AD (AD - sau Công nguyên)
- " Casper ", năm 435- khoảng 487 AD
- B'utz Aj Sak Chiik 487- khoảng 501 AD
- Ahkal Mo 'Nahb, năm 501- 524 AD
- K'an Joy Chitam, năm 529- 565 AD
- Ahkal Mo 'Nahb, năm 565- 570 AD
- Kan Bahlam, năm 572- 583 AD
- Yohl Ik'nal, năm 583- 604 AD (nữ)
- Ajen Yohl Mat, năm 605- 612 AD
- Janahb Pakal, khoảng năm 612 AD (không chắc chắn)
- Sak K'uk ', năm 612-615 AD (nữ)
- K'inich Janaab Pakal I, năm 615- 683 AD
- K'inich Kan Bahlam II, năm 684- 702 AD
- K'inich K'an Joy Chitam, năm 702- 711 AD
- K'inich Ahkal Mo 'Nahb, năm 721- khoảng 736 AD
- K'inich Janaab Pakal II, khoảng năm 764 AD
- K'inich Kan Bahlam II, khoảng năm 751 AD
- K'inich K'uk 'Bahlam II, năm 764- khoảng 783 AD
- Janaab Pakal III, năm 799- ? AD
Đô thị cổ Palenque, cũng được biết đến với cái tên Lakamha, nghĩa là "Big Water", được thành lập trong thời kỳ Cổ điển muộn (Late Preclassic, năm 300 trước Công nguyên – 300 sau Công nguyên). Cư dân đầu tiên của thành phố có thể đến từ các địa điểm khác nhau trong khu vực gần đó. Họ luôn chia sẻ các nét văn hóa của nền văn minh Maya, cũng như mức độ phát triển cho phép họ thích ứng với môi trường tự nhiên.
Vị vua Maya nổi tiếng nhất tại Palenque là K'inich Janaab 'Pakal - Pakal Đại đế (năm 615- 683 sau Công nguyên). Trong giai đoạn trị vì của vị vua này, nhiều cung điện và đền thờ được xây dựng. Trong những năm tiếp theo của hai vị vua kế vị sau đó, đô thị Palenque phát triển mạnh mẽ đến mức có thể cạnh tranh với Tikal (là một đô thị cổ tại Guatemala hiện nay. Tikal từng là thủ đô một vương quốc hùng mạnh nhất của người Maya cổ đại và là một trong những thành phố lớn nhất tại Châu Mỹ thời bấy giờ. Vào thời hoàng kim, năm 600- 800, dân số TiKal có thể đã đạt đến 10 vạn người).
Palenque trở thành trung tâm của một khu vực với diện tích đến 1772ha, gồm 9 khu với 1400 tòa nhà đã được khám phá, ghi nhận.
Năm 711, Palenque thua trận trong cuộc chiến với quốc gia láng giềng. Vua bị bắt làm tù binh. 10 năm tiếp sau Palenque không có vua. Năm 722, Palenque mới có vua và cũng là thời điểm đánh dấu sự suy tàn của triều đại này. Trong vòng 800 năm sau đó, không có công trình nào được xây dựng tại Trung tâm nghi lễ của Palenque. Một số hộ nông dân vẫn tiếp tục sống tại đây trong vài thế hệ, sau đó dần bỏ đi. Năm 1520, người Tây Ban Nha đã tìm đến đây và cai trị.
Palenque là một đô thị cổ có quy mô trung bình khi so sánh với Tikal (Guatemala); Chichen Itza (Mexico) và Copán (Honduras), song nó chứa một số công trình kiến trúc, điêu khắc tuyệt đẹp do người Maya tạo dựng.
Phần lớn lịch sử của Palenque đều được ghi chép lại bởi các chữ khắc tượng hình trên nhiều di tích. Tại đây đã tìm thấy mộ của các vị vua nổi tiếng nhất của Palenque.
Thành phố được quy hoạch cho phép bố trí các công trình kiến trúc hoành tráng của nền văn minh Maya. Các khu dân cư, hoạt động sản xuất được bố trí quanh trung tâm hành chính và nghi lễ tôn giáo.
Bố cục và hình thức kiến trúc công trình tại đây đã hình thành nên một phong cách riêng biệt, còn được gọi là Phong cách Palencano (Palencano Style).
Phong cách này thể hiện ở mức độ cao sự tinh tế, nhẹ nhàng và hài hóa; trong hình thức bệ xây dựng công trình là các kim tự tháp dạng bậc, phía trên là các tòa nhà với những mái vòm; Nội thất được trang hoàng bằng các tấm điêu khắc đá và vữa trang trí tại các tấm trụ tường, cột, vòm mái nhọn.
Các thiết kế kiến trúc phức tạp và trang trí phong phú của Phong cách Palencano phản ánh lịch sử, ý thức hệ và tri thức của tầng lớp cai trị; được lồng ghép trong cảnh quan xung quanh, tạo nên một đô thị trung tâm có cảnh quan đẹp và độc đáo.
Sau khi bị rơi vào quên lãng, không người sinh sống, thành phố với các đền thờ và cung điện hòa chìm dần vào rừng cây xung quanh. Song cũng chính thảm thực vật dày đặc này đã bảo vệ cho các tòa nhà khỏi nạn cướp phá. Hiện tại, mới chỉ có khoảng 10% diện tích Palenque được khám phá, phần lớn vẫn còn được rừng rậm bao phủ.

Chữ tượng hình của người Maya

Tượng vua K'inich Janaab Pakal - Pakal Đại đế (năm 615- 683 sau Công nguyên). Dưới triều đại ông, Palenque phát triển rực rỡ (tượng lưu giữ tại Bảo tàng Nhân chủng học Quốc gia, Thành phố Mexico )

Hình tượng vua K'inich Kan Bahlam II (năm 684- 702 sau Công nguyên), người tiếp nối Pakal Đại đế xây dựng Palenque, Mexico
Thành phố thời tiền Colombo và Công viên quốc gia Palenque, Mexico được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1987) với các tiêu chí:
Tiêu chí (i): Palenque là một tuyệt tác không thể so sánh được của nghệ thuật Maya. Các cấu trúc xây dựng đặc trưng bởi sự nhẹ nhàng, được tạo ra từ các kỹ thuật xây dựng mới và các phương pháp thoát nước để giảm độ dày của các bức tường. Không gian nội thất rộng mở, nhiều lối vào và không gian sảnh, tạo cho kiến trúc một vẻ thanh nhã hiếm có, được trang trí bằng những tác phẩm điêu khắc và một loại vữa chưa từng thấy trước đó.
Tiêu chí (ii): Ảnh hưởng của Palenque là rất đáng kể trong toàn lưu vực sông Usumacinta, thậm chí còn vươn xa tới đô thị Comalcalco, bang Tabasco, México, biên giới phía Tây của khu vực văn hoá Maya.
Tiêu chí (iii): Palenque là một bằng chứng độc đáo về thần thoại và các nghi thức của người Maya, trong đó đáng chú ý là số lượng lớn các bức hình điêu khắc trên toàn bộ bức tường bên trong các cung điện và đền thờ.
Tiêu chí (iv): So với Tikal, tại đây có các những công trình lớn được xây dựng. Nhóm các tòa nhà nghi lễ ở Palenque là một ví dụ nổi bật về một khu nghi lễ và công cộng tại khu vực văn minh Maya.
Sơ đồ phạm vi Khu vực Di sản Thành phố thời tiền Colombo và Công viên quốc gia Palenque, Mexico

Khu tập trung các tàn tích, trung tâm của Khu vực Di sản Thành phố thời tiền Colombo và Công viên quốc gia Palenque, Mexico

Sơ đồ vị trí các công trình chính trong Trung tâm nghi lễ thuộc Khu Di sản Palenque, Mexico
Địa điểm khảo cổ Palenque ở bang Chiapas được đánh giá là một trong những khu vực nổi tiếng nhất của nền văn minh Maya.với những di tích kiến trúc, điêu khắc đặc biệt và được bảo tồn tốt. Các cấu trúc quan trọng tại Palenque gồm:
Đền Inscriptions
Đền Inscriptions (Temple of the Inscriptions) còn được gọi là Đền của những chữ khắc, được thiết kế dành cho việc tưởng niệm K'inich Janaab Pakal (năm 615-683 AD) - Pakal Đại đế, vị vua cai trị Palenque hơn 70 năm. Công trình được xây dựng vào năm 675.
Đền thờ Inscriptions có cấu trúc bệ là một kim tự tháp dạng bậc, rộng 60 mét, dài 42,5 mét và cao 27,2 mét, gồm 9 bậc và là một trong những kim tự tháp dạng bậc có cấu trúc lớn nhất tại Trung Mỹ được xây dựng bởi người Maya và được coi là một trong những công trình đầu tiên vừa là đền thờ vừa là lăng mộ.
Trên mặt bệ kim tự tháp là một đền thờ rộng 25,5 mét, dài 10,5 mét và cao 11,4 mét, theo dạng cấu trúc ống, được định hướng về bầu trời.
Mái của đền thờ là các tảng đá nặng 12 – 15 tấn. Mặt trước của ngôi đền có 6 trụ hay các tấm đứng, được ký hiệu từ A đến F. Mỗi tấm trụ đều có có văn bản và các biểu tượng nghệ thuật được thực hiện bằng vữa trang trí. Tấm trụ A và F chỉ trang trí các văn bản chữ tượng hình (Glyphs Text); Tấm trụ B đến E trang trí chữ tượng hình, người, rắn …
Các văn bản chữ tượng hình tại đây được đánh giá là văn bản chữ tượng hình dài thứ hai tại nền văn minh Maya (văn bản dài nhất là tại Kim tự tháp với các chữ tượng hình - Hieroglyphic Stairway ở đô thị cổ Copan, Honduras).
Các văn bản tượng hình tại Đền Inscriptions ghi lại khoảng 180 năm lịch sử của thành phố, từ K'atun thứ 4 đến thứ 12. (k'atun là một đơn vị đo thời gian của người Maya, tương đương 7200 ngày).
Bên trong ngôi đền, có một cầu thang dẫn đến hầm mộ chứa đựng hài cốt của vua Pakal.
Vào năm 1952, khi ngôi mộ của vua Pakal đã được khám phá, đã phát hiện những những đồ trang trí bằng ngọc bính, các bộ xương bên ngoài phòng mộ..., hình vẽ chạm khắc, và những tác phẩm điêu khắc vữa trang trí trên các bức tường trong mộ, đặc biệt là một tấm đá lớn nặng đến 7 tấn đậy trên mộ. (Hiện vẫn chưa rõ làm cách nào để đưa tấm đá lớn như vậy qua các lối đi hẹp xuống mộ).
Nắp đậy bằng đá trên mộ trong đền Inscriptions là một tác phẩm độc đáo và nổi tiếng của nghệ thuật Maya Cổ điển. Xung quanh nắp là một dải trang trí các dấu hiệu vũ trụ học, bao gồm cả mặt trời, mặt trăng và sao. Trên mặt tấm đá được cho là miêu tả một phi hành gia cổ đại, bằng chứng về một ảnh hưởng ngoài trái đất đối với nền văn minh Maya.

Phối cảnh tàn tích đền Inscriptions, Khu Di sản Palenque, Mexico

Cấu trúc xây dựng của đền thờ Inscriptions, gồm bệ kim tự tháp dạng bậc, phía trên là đền thờ có đường dẫn xuống hầm mộ

Mặt bằng và mặt trước của đền thờ Inscriptions, khối thờ trên bệ kim tự tháp, đền Inscriptions, Palenque, Mexico

Bên trong hầm mộ. Mộ vua Pakal được che bằng một tấm đá khổng lồ

Mộ vua Pakal, đền Inscriptions, Palenque, Mexico

Trang trí trên tấm đá đậy mộ vua Pakal, đền Inscriptions miêu tả một phi hành gia cổ đại
Cụm đền Cross
Cụm đền Cross (Temples of the Cross Group) nằm tại phía Nam của trung tâm Khu Di sản, bao gồm 3 cấu trúc chính: Đền Mặt trời (Temple of the Sun); Đền Cross (Temple of the Cross) và Đền Foliated Cross (Temple of the Foliated Cross).
Tên Cross của cụm đền thờ không mang nghĩa về Chữ thập thánh giá, mà mang ý nghĩa về Cây Thế giới, Cây Vũ trụ (World Tree), là một motif hiện diện trong nhiều tôn giáo và thần thoại tại Ấn Độ, Siberia, châu Mỹ bản địa…, có biểu tượng hình cái cây kết nối thế giới trên mặt đất với các tầng trời. Trong nền văn hóa Mesoamerica, Cây Thế giới gồm các tầng 4 nhánh cây, tượng trưng cho 4 hướng chính của thế giới mặt đất; giữa là thân cây, tượng trưng cho trục vũ trụ (Axis Mundi), kết nối thế giới mặt đất với các tầng trời, là cực thiên văn, địa lý, nơi 4 hướng tụ lại, điểm khởi đầu của vũ trụ...
Cả 3 ngôi đền đều có bệ là kim tự tháp dạng bậc. Trên đỉnh 3 kim tự tháp là 3 ngôi đền. Mỗi ngôi đền đều được chạm khắc tinh tế bên trong với nhiều biểu tượng và chữ tượng hình.
Cụm đền Cross được xây dựng từ đá vôi có trong khu vực. Bề mặt đền được trát vữa trang trí, sơn màu xanh lam và đỏ.

Biểu tượng về Cây Thế giới trong nền văn hóa Mesoamerica, Mexico
Đền Cross
Đền Cross (Temple of the Cross) là kim tự tháp lớn nhất và quan trọng nhất của Cụm đền Cross.
Ngôi đền là một kim tự tháp dạng bậc, được xây dựng để thờ vua K'inich Kan Bahlam II (năm 684- 702 sau Công nguyên), lên ngôi sau cái chết của Pacal Đại đế.
Trong đền có nhiều chạm khắc, thể hiện sự tiếp nối nghệ thuật từ đền Inscriptions. Tại đây, có các họa tiết thể hiện biểu tượng Cây Trời, trung tâm của vũ trụ theo thần thoại Maya, các tấm ghi chép chữ tượng hình về lịch sử tổ tiên của vua K'inich Kan Bahlam.

Phối cảnh tàn tích đền Cross, Khu Di sản Palenque, Mexico

Mô hình đền Cross, Khu Di sản Palenque, Mexico

Sơ đồ cấu trúc xây dựng khối thờ phía trên đền Cross, Mexico

Mội tấm trang trí với các hình tượng và chữ tượng hình tại đền Cross, Khu Di sản Palenque, Mexico
Đền Mặt Trời
Đền Mặt Trời (Temple of the Sun) nằm tại phía Tây Nam đền Cross.
Đền có nhiều tấm phù điêu trang trí các hình tượng miêu tả về chiến tranh, cái chết.

Phối cảnh tàn tích đền Mặt Trời tại cụm đền Cross, Khu Di sản Palenque, Mexico

Mô hình đền Mặt Trời tại cụm đền Cross, Khu Di sản Palenque, Mexico

Một tấm trang trí bên trong đền Mặt Trời tại cụm đền Cross, Khu Di sản Palenque, Mexico
Đền Foliated Cross
Đền Foliated Cross (Temple of the Foliated Cross) nằm tại phía Đông Nam đền Cross
Toàn bộ bức tường phía trước và mái vòm của đền đã bị sập, làm cho tòa nhà có vẻ ngoài khác thường. Ban đầu, đền thờ trông giống như đền thờ Mặt trời, với bốn tấm trụ tường được chạm trổ. Xung quanh cụm 3 đền chính còn có một số ngôi đền nhỏ.

Tàn tích đền Foliated Cross tại cụm đền Cross, Khu Di sản Palenque, Mexico
Cung điện
Cung điện (Palace) là một tổ hợp xây dựng lớn nhất ở Palenque, bao gồm nhiều hạng mục công trình, nằm tại trung tâm của đô thị cổ, được xây dựng bởi nhiều triều đại trên một bệ kim tự tháp bậc trong suốt 4 thế kỷ.
Cung điện có chức năng là nơi quản trị, nghi lễ và giải trí của tầng lớp quí tộc của người Maya.
Trong cung điện có rất nhiều tác phẩm điêu khắc và chạm khắc.
Điểm nổi bật nhất của tổ hợp cung điện là một tòa tháp cao 4 tầng, còn được gọi là tháp quan sát. Tháp quan sát cũng như nhiều tòa nhà khác trong khu vực có hình dáng giống mái lều (mansard). Hình dạng lều mái này được hình thành từ kiểu kiến trúc mái vòm nhọn (Corbel Arch).
Trong cung điện được trang trí nhiều phòng tắm lớn, phòng xông hơi. Các phòng này được cung cấp nước ngọt từ hệ thống dẫn nước phức tạp. Tại đây phát hiện tàn tích các kênh dẫn nước được xây bằng các khối đá lớn với vòm cao 3m, dẫn nước từ sông Otulum chảy tới bên dưới quảng trường chính.

Mặt bằng Cung điện, Khu Di sản Palenque, Mexico

Phối cảnh tàn tích Cung điện, Khu Di sản Palenque, Mexico

Mô hình Cung điện, Khu Di sản Palenque, Mexico

Tàn tích Cung điện và hệ thống kênh dẫn nước, Khu Di sản Palenque, Mexico

Cấu trúc xây dựng hành lang bên trong Cung điện, Khu Di sản Palenque, Mexico

Tàn tích bên trong sân Cung điện, Khu Di sản Palenque, Mexico
Các công trình đáng chú ý khác
Đền Cout
Đền Cout (Temple of the Count): Đền thuộc nhóm các công trình nằm tại phía Bắc của trung tâm Khu Di sản; được đặt theo tên của Jean-Frédéric Waldeck (1766 – 1875), là một nhà khảo cổ, thám hiểm người Pháp. Đền được xây dựng vào năm 640 -650, là một trong những công trình lâu đời nhất tại Khu Di sản.
Tương tự như các đền đài mang phong cách Palencano (Palencano Style), đền gồm một kim tự tháp dạng bậc với cầu thang trung tâm dẫn lên một ngôi đền trên đỉnh tháp. Đền có 3 lối vào dẫn đến gian thờ trung tâm và gian phụ hai bên. Bốn tấm trụ tường giữa các lối vào đền được trang trí bằng các tấm điêu khắc đá và vữa. Trên đỉnh của đền là một mái vòm được trang trí lộng lẫy. Trong hầm mộ có 3 ngôi mộ với các vật hiến tế xung quanh.

Tàn tích đền Count, Khu Di sản Palenque, Mexico
Đền thờ và lăng mộ của Nữ hoàng Đỏ
Đền thờ và lăng mộ của Nữ hoàng Đỏ (Tomb of the Red Queen) - Đền XIII nằm ngay sát phía Tây của Đền Inscriptions, lăng Pakal Đại đế. Nữ hoàng Đỏ là một phụ nữ quý tộc chưa được biết rõ, có thể là vợ vua.
Công trình hình thành vào năm 600 – 700 sau Công nguyên.
Lăng mộ được phát hiện vào năm 1994. Tên của đền được gọi từ việc khi quan tài đá (Sarcophagus) mở ra, bên trong toàn màu đỏ bởi một thứ bột đỏ bao phủ tất cả những gì còn lại bên trong mộ.
Hầm mộ là căn phòng có chiều dài 3,8m và rộng 2,5m, có trần nhà bằng đá vòm. Không có đồ trang trí hoặc tranh vẽ trên tường. Trong mộ có một quan tài đá và xung quanh là các bộ xương của người hầu cận. Bên trong quan tài đá là một bộ xương của người phụ nữ quý tộc khoảng 60 tuổi với các trang trí bằng ngọc bích…

Tàn tích đền XIII - đền thờ và lăng mộ của Nữ hoàng Đỏ, Khu Di sản Palenque (bên trái là đền Inscriptions)

Vị trí đặt mộ trong hầm mộ Nữ hoàng Đỏ, tại đền XIII, Khu Di sản Palenque, Mexico

Mặt nạ trang trí bằng ngọc bích trong hầm mộ Nữ hoàng Đỏ, tại đền XIII, Khu Di sản Palenque, Mexico
Đền Jaguar
Đền Jaguar (Temple of The Jaguar), còn gọi là Đền thờ của Cái đẹp cứu rỗi (Temple of the Beautiful Relief), nằm Nam tại phía của đền Inscriptions. Tên của đền xuất phát từ hình vẽ chạm khắc hình vị vua ngồi trên một chiếc xe hai đầu, mỗi đầu là một con báo đốm châu Mỹ (Jaguar). Hiện ngôi đền chỉ còn lại tàn tích.

Tàn tích đền Jaguar, Khu Di sản Palenque, Mexico

Sơ đồ cấu trúc xây dựng đền Jaguar, Khu Di sản Palenque; phia trong của đền có bức chạm khắc hình của vị vua ngồi trên một chiếc xe hai đầu, mỗi đầu là một con báo đốm châu Mỹ.

Bức chạm khắc hình của vị vua ngồi trên một chiếc xe hai đầu, mỗi đầu là một con báo đốm châu Mỹ tại đền Jaguar, Khu Di sản Palenque, Mexico
Ngoài ra tại Khu Di sản còn có một số ngôi đền, mộ và các khu nhà ở của tầng lớp thượng lưu, sân chơi bóng, cây cầu đá….
Di sản Thành phố thời tiền Colombo và Vườn quốc gia Palenque, bang Chiapas, Mexico với di tích khu dân cư, các tòa nhà có chức năng chính trị, hành chính và nghi lễ tôn giáo được bảo tồn tốt như trong bối cảnh ban đầu đã biến nơi đây thành một bảo tàng sống.
Di sản minh họa cho một trong những thành tựu quan trọng nhất của nhân loại tại châu Mỹ, hiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu khám phá và trở thành địa điểm thu hút du khách hàng đầu trong số các tàn tích của nền văn minh Mesoamerican.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/411
https://en.wikipedia.org/wiki/Mexico
https://en.wikipedia.org/wiki/Maya_civilization
https://en.wikipedia.org/wiki/Maya_calendar
https://en.wikipedia.org/wiki/Palenque,_Chiapas
https://en.wikipedia.org/wiki/Palenque
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_the_Inscriptions
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_the_Cross_Complex
https://en.wikipedia.org/wiki/Mesoamerican_world_tree
https://en.wikipedia.org/wiki/Tomb_of_the_Red_Queen
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|