Trong chiến lược phát triển tài năng để xây dựng đội ngũ nhân tài đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần chú ý đến các tài năng: quản lý kinh tế, quản lý xã hội (đặc biệt là quản lý kinh tế vĩ mô); sản xuất, kinh doanh (nhất là đội ngũ doanh nhân); khoa học và công nghệ; tài năng văn học, nghệ thuật; quân sự và an ninh; thể thao..
Tài năng trẻ và tài năng
Điều 1 của Luật Thanh niên quy định: tuổi thanh niên hiện nay là từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Như vậy, tuổi của tài năng trẻ có thể lấy mức dưới 30 tuổi. Với độ tuổi này, tài năng trẻ bao gồm các thanh niên tài năng, thiếu niên và nhi đồng tài năng. Giai đoạn tài năng trẻ là một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển tài năng. Đây là giai đoạn đang hoàn thiện về thể chất, học vấn, nghề nghiệp, việc làm và phát triển tài năng. Giai đoạn này có thể coi là giai đoạn nền tảng cho sự phát triển tài năng.
Mỗi con người bình thường đều tiềm ẩn một số mầm mống năng khiếu, tài năng, tuy nhiên quá trình hình thành, phát triển, trưởng thành của mỗi con người đều chịu tác động của các nhân tố sinh học và di truyền; môi trường tự nhiên và xã hội (cả môi trường vi mô như đất ở, quê hương, "địa linh nhân kiệt", gia đình và dòng họ, nhóm bạn, nhà trường, doanh nghiệp, làng xóm, chẳng hạn như làng khoa bảng, v.v.. cho tới môi trường vĩ mô như đất nước, thời đại, chính sách quốc gia, v.v..); sự nỗ lực, năng động, sáng tạo "khổ luyện" của mỗi người kết hợp với quá trình đào tạo có hệ thống. Sự tương tác giữa các yếu tố trên có thể làm gia tăng hoặc làm giảm cơ hội xuất hiện tài năng, thậm chí làm cho nhiều mầm mống năng khiếu, tài năng ở nhiều người bị mai một, thui chột. Như vậy, tài năng hoặc thiên tài là đặc tính trội có lợi của một cá thể trong cộng đồng, có mầm mống từ một chương trình di truyền xác định, đòi hỏi những điều kiện sinh học - xã hội thuận lợi để xác lập từng bước và chỉ được thể hiện một cách đầy đủ hoàn toàn trong một vị thế xã hội tối ưu nào đó. Vấn đề tài năng có được phát huy và biểu lộ hay không, điều đó tùy thuộc rất nhiều vào những năm đầu hình thành nhân cách trẻ em.
Nhân cách của những người tài năng rất đa dạng, tuy nhiên vẫn có những đặc điểm chung và đặc thù. Các năng lực đặc thù liên quan tới năng khiếu, sở trường, gắn với các đặc điểm tâm - sinh lý của mỗi người, mà việc bộc lộ, phát triển, định hình mỗi loại tài năng lại xuất hiện khác nhau. Việc phát hiện sớm năng khiếu để có môi trường đào tạo, bồi dưỡng thích hợp, tạo cơ hội cho năng khiếu phát triển, bộc lộ thành tài năng là rất quan trọng và cần thiết trong quá trình giáo dục và đào tạo ở nhà trường phổ thông. Đây là giai đoạn cơ sở cho đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm và phát triển tài năng.
Hệ thống giáo dục là một kênh quan trọng nhất để phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ. Mỗi năm bình quân có khoảng 2.000 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia; trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, học sinh Việt Nam cũng thường xuyên xếp ở tốp đầu. Số có trình độ trên đại học khoảng gần 23.000. Đây là nguồn lực chất lượng cao vô cùng quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
|
Tài năng là khả năng lao động sáng tạo. Sức sáng tạo của tài năng được thể hiện ở những sản phẩm sáng tạo. Đây là tiêu chí trung tâm, hạt nhân để nhận diện tài năng.
Xem xét tiêu chí xã hội, tài năng được đánh giá ở thành tích xuất sắc và cống hiến lớn lao cho sự phát triển xã hội. Bằng sức sáng tạo của mình, tài năng đem lại cho xã hội một chất lượng mới của sự phát triển. Vì vậy, tài năng là nhóm ưu tú, tinh hoa của một xã hội, một dân tộc, một thời đại. Tài năng được xã hội tôn vinh, thừa nhận. Tài năng trở thành niềm tự hào, vinh dự của mỗi quốc gia. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", là tài sản vô giá của nhân loại.
Phát triển tài năng trẻ
Đảng, Nhà nước ta từ lâu đã rất quan tâm tới vấn đề phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và rèn luyện thanh niên, giúp đỡ thanh niên phát triển tài năng. Trên thực tế, Đoàn đã có nhiều hoạt động cụ thể có hiệu quả như hoạt động "tuổi trẻ sáng tạo" trong thanh niên công nhân, phong trào thanh niên nông thôn "sản xuất kinh doanh giỏi", phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, v.v.. Đoàn đã hình thành "Quỹ khuyến khích tài năng trẻ", tổ chức bình chọn và trao giải thưởng cho "10 gương mặt tiêu biểu trong năm", giải "Sao tháng giêng", giải thưởng "Sao đỏ", giải thưởng các cuộc thi tin học, kiến trúc, v.v..
Nhiều năm qua, ngành giáo dục nước ta cũng đã có những chủ trương, biện pháp quan trọng trong phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và đến nay đã thu được những kết quả nhất định. Nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện, bồi dưỡng và phát triển tốt. Hằng năm, chất lượng học sinh trong các trường năng khiếu tăng trung bình khoảng 10%, trong đó, tỷ lệ thi đỗ đại học của học sinh năm cuối đạt khoảng 80%.Trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, số học sinh đoạt giải ngày càng tăng và dần đã phân chia tương đối đồng đều trên những địa bàn khác nhau trong phạm vi cả nước. Số học sinh đạt giải quốc gia từ năm 2000 tới 2007 là 16.897 em. Mỗi năm có bình quân trên dưới 2.000 học sinh giỏi đoạt giải cấp quốc gia trên tổng số hơn 4.000 học sinh giỏi cả nước tham gia. Trong các kỳ thi quốc tế, số học sinh Việt Nam tham gia và đoạt giải thuộc loại cao so với nhiều nước khác.
Đến nay, Việt Nam có tới 22.691 người có trình độ trên đại học, phân bố không đều theo vùng lãnh thổ. Vùng núi và trung du phía Bắc chiếm 4,5%, đồng bằng sông Hồng: 34%, vùng Bắc Trung Bộ: 5,7%, duyên hải miền Trung: 2%, Tây Nguyên: 2,6%, Đông Nam Bộ: 44,6%, đồng bằng sông Cửu Long: 6,5%. Tỷ lệ nhân tài của nước ta nhìn chung so với các nước trong khu vực còn thấp, tuổi bình quân cao. Tuổi bình quân của cán bộ trên đại học: 48,5 (năm 1995), 53,1 (năm 2000); tuổi bình quân của tiến sĩ: 52,9, tiến sĩ khoa học 57,2 (năm 2000); trong cơ cấu theo nhóm tuổi của tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, tuổi dưới 40 chỉ chiếm 6,15%. Thời gian gần đây, tình hình trên có được cải thiện. Nghiên cứu thống kê 132 tiến sĩ tuổi dưới 30 cho thấy: 16,7% là nữ; 89,4% được đào tạo ở nước ngoài, 64,4% tiến sĩ trẻ tập trung làm việc tại Hà Nội, 24,2% làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, 52,3% làm việc tại các trường đại học cao đẳng, 19,7% làm việc tại các viện nghiên cứu, 19,7% tiến sĩ trẻ làm việc tại các doanh nghiệp.
Do công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài một cách khoa học còn là một công việc khá mới mẻ, trên thực tế, Việt Nam chưa có một cuộc nghiên cứu, khảo sát quy mô, chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, một số cơ sở đào tạo đã có những kiến nghị phong phú với Đảng và Nhà nước nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng trẻ. Nhiều địa phương đã có những chính sách riêng khuyến học, khuyến tài và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, trọng dụng tài năng. Theo Hội Khuyến học Việt Nam, cả nước đã có hơn 300 quận, huyện, thị thành lập hội, hơn 5.000 hội cơ sở phường, xã và hơn 35.000 cấp thôn có chi hội Khuyến học, chiếm tỷ lệ 50%.
Để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao, nhất là cán bộ khoa học công nghệ phục vụ các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, Chính phủ đã phê duyệt và bắt đầu thực hiện đề án gửi người đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước từ năm 2000. Tính đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tuyển được gần 1.000 lưu học sinh, nghiên cứu sinh và thực tập sinh. Ngành giáo dục đã chỉ đạo một số trường mở các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao, phổ thông chuyên để đào tạo nhân tài như là đầu tàu của nguồn nhân lực.
Vấn đề lớn nhất hiện nay đối với phát triển tài năng trẻ là chính sách sử dụng tài năng. Sử dụng đúng tài năng là cơ sở để phát triển tài năng, thúc đẩy tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng. Hiện tượng "chảy máu" chất xám, thui chột tài năng do không được bố trí, sử dụng đúng, chưa có chính sách khuyến khích đúng đắn, tạo điều kiện về điều kiện làm việc đã làm cho nhiều tài năng trẻ không phát huy được hết khả năng phát triển tài năng của mình.
Chính sách tài năng trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta là con đường phát triển rút ngắn. Để làm được như vậy, cần phát huy các lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt tới trình độ công nghệ tiên tiến, từng bước phát triển kinh tế tri thức. Những ngành muốn đi nhanh vào kinh tế tri thức phải có đội ngũ trí thức đồng bộ và có chất lượng cao, đội ngũ những tài năng đủ sức sáng tạo và làm chủ công nghệ, nắm được bí quyết công nghệ cao. Vì vậy, phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo phải trở thành quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố nguồn lực con người, bảo đảm thành công của sự nghiệp đưa đất nước ta vượt qua tình trạng nước nghèo và chậm phát triển.
Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta là con đường rút ngắn. Thực hiện “xã hội hóa học tập” nhằm làm cho “dân cường nước thịnh” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là quốc sách hàng đầu. Nhà nước tạo mọi điều kiện để tài năng được phát hiện, bồi dưỡng và cống hiến; đi đôi với việc thu hút tài năng là sự đãi ngộ. Nhiều địa phương cũng đang áp dụng chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài.
|
Luật Thanh niên quy định: "Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng: Có cơ chế, chính sách để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những thanh niên có năng khiếu, có thành tích xuất sắc trong học tập, hoạt động khoa học và công nghệ, lao động, sản xuất, kinh doanh, quản lý, an ninh, quốc phòng, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao để trở thành những người tài năng. Tôn vinh và tạo điều kiện cho thanh niên tài năng phát triển và làm việc để phát huy khả năng đóng góp cho đất nước". Việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên sẽ tạo nên những thuận lợi mới cho thanh niên Việt Nam nâng cao sức khỏe, học vấn, nghề nghiệp, việc làm và phát triển tài năng, tạo môi trường và điều kiện cho họ cống hiến và trưởng thành trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhà nước đầu tư đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chuyên sâu cả về nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện "Giáo dục cho mọi người", "cả nước thành xã hội học tập"; phấn đấu thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho "dân cường, quốc thịnh". Đồng thời với đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân, Nhà nước đã gửi nhiều tài năng trẻ đi học tập, nghiên cứu, đào tạo ở nước ngoài, nhanh chóng tiếp cận các công nghệ hiện đại của thế giới. Nhà nước cũng đã thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, gia tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, và hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ; có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc, với văn nghệ sĩ tài năng, các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho đất nước; chú trọng đào tạo các văn nghệ sĩ, cán bộ khoa học trẻ; đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư vào khoa học - công nghệ, từng bước hình thành và phát triển thị trường khoa học - công nghệ.
Đối với trí thức, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để thu nhận thông tin, tiếp cận các thành tựu mới của khoa học, công nghệ và văn hóa thế giới, nâng cao trình độ chính trị, kiến thức chuyên môn; khuyến khích tự do sáng tạo, phát minh, cống hiến; phát hiện, tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đúng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng; phát huy năng lực của trí thức trong việc thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu và xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều địa phương đã và đang thực hiện chính sách "chiêu hiền đãi sĩ", không chỉ "trải thảm đỏ để đón rước các nhà đầu tư" mà còn "trải thảm đỏ để đón rước nhân tài". Kinh nghiệm của nhiều địa phương là cần đột phá về chính sách đãi ngộ, sử dụng trí thức: bố trí việc làm phù hợp nhằm sử dụng và phát huy tài năng, cải thiện chế độ thu nhập, nhà ở; tạo điều kiện để tiếp tục học tập và nâng cao trình độ. Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương ban hành quy định chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao về công tác tại địa phương. Hà Nội đã thông qua "Quy định tạm thời về ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ Đô" và "Quy định tạm thời về thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao". Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình đầu tư lớn cho Vườn ươm tài năng... Mặc dù kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, sức hút chưa đủ mạnh, nhưng đó là những tín hiệu ban đầu thể hiện bước chuyển động mới từ địa phương trong phương hướng đột phá về chính sách đầu tư, "chiêu hiền đãi sĩ".
Tuy đã có một số tiến bộ, đổi mới trong sự quan tâm tới sự phát triển tài năng trẻ, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của thời đại kinh tế tri thức, và so với các nước tiên tiến, chúng ta còn có quá nhiều bất cập. Việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống còn rất nhiều hạn chế. Chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa tiểu kỷ, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, bệnh quan liêu "quan cách mạng", tham nhũng, giáo điều, chủ nghĩa địa phương cục bộ, "một người làm quan cả họ được nhờ", tâm lý "Bụt chùa nhà không thiêng", "xấu đều hơn tốt lỏi" ghét trội vượt, tâm lý cha chú, coi thường thanh niên, coi thường lớp trẻ, tâm lý chạy theo thành tích kiểu "gà chọi", v.v.. là những độc tố làm ô nhiễm môi trường phát triển tài năng nước ta. Trong các khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ tài năng theo đúng cống hiến, thì khâu sử dụng và chính sách đãi ngộ là những khâu yếu nhất. Chế độ tiền lương, thưởng, và chế độ tài chính cho sự phát triển khoa học và công nghệ quá lạc hậu, nặng về chủ nghĩa bình quân. Rất nhiều tài năng trẻ không được trọng dụng. Thiếu những chế độ đãi ngộ phù hợp có sức thu hút, tạo động lực phát huy tài năng đã dẫn tới hiện tượng "chảy máu chất xám", "thui chột tài năng". Nói cách khác, trên thực tế chúng ta vẫn thiếu một "chiến lược nhân tài" để phát triển và trọng dụng tài năng, tạo môi trường thuận lợi cho tài năng phát triển.
Tài năng không tự nhiên mà có. Để trở thành một tài năng, con người phải phấn đấu vươn lên không ngừng, nhưng mặt khác, cũng cần phải có sự quan tâm từ phía xã hội. Vấn đề tài năng luôn gắn với những chính sách xã hội. Phát hiện năng khiếu mà không có chính sách đầu tư để năng khiếu phát triển thành tài năng thì năng khiếu sẽ tự tàn lụi. Việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng phải tuân theo một quy trình chặt chẽ, theo một cơ chế liên tục từ thấp lên cao, kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức ở các trường học với rèn luyện trong thực tiễn. Phát triển tài năng trẻ, hình thành một lớp thanh niên nam, nữ ưu tú, vững vàng về chính trị, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh giỏi, những chuyên gia xuất sắc trên mọi mặt hoạt động của xã hội nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu rất quan trọng của sự nghiệp giáo dục đào tạo ở nước ta.
Để đạt mục tiêu đó, cần xây dựng chiến lược và chính sách phù hợp. Hệ thống giáo dục đại học có mối quan hệ mật thiết với chiến lược phát triển tài năng. Phổ cập học vấn đại học cho một bộ phận lớn thanh niên sẽ làm tăng xác suất xuất hiện tài năng trẻ. Để tiềm năng trí tuệ trở nên phong phú, đất nước phải trở thành một xã hội học tập. Chỉ có phát triển xã hội học tập thì những năng khiếu mới có mảnh đất thuận lợi để nảy nở thành tài năng. Phải nuôi dưỡng năng khiếu từ gia đình, sau đó, "gieo trồng" vào mảnh đất "xã hội học tập" màu mỡ thì mới chắc chắn có được những tài năng. Tài năng là của cải vô giá của quốc gia. Vì vậy, lãng phí chất xám, lãng phí tài năng, làm thui chột tài năng là có tội đối với sự phát triển. Vì vậy, phát triển tài năng phải trở thành một chuẩn đo sự phát triển đất nước.
Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển tài năng trẻ
Tăng cường quản lý nhà nước về tài năng, tài năng trẻ, trước hết, cần coi trọng hệ thống hóa các văn bản luật về tài năng. Đổi mới chính sách tài năng trẻ theo hướng không lạc hậu hơn so với các nước trong khu vực. Chính phủ có chiến lược phát triển và xây dựng hệ thống chính sách tài năng trẻ, tạo khung pháp lý để đưa công tác quản lý nhà nước ngày càng có nền nếp, hiệu quả. Nên có bộ phận hoặc cơ quan chuyên trách phát hiện và ươm trồng phát triển những tài năng.
Cải cách giáo dục mạnh mẽ theo hướng: đào tạo một đội ngũ những người lao động trung thực, có học vấn rộng, giỏi nghề, thích ứng nhanh với biến đổi của khoa học - công nghệ và thị trường; độc lập suy nghĩ, sáng tạo.
Cải cách chế độ tiền lương, tiền thưởng và chính sách thu nhập, thực hiện phân phối theo hiệu quả lao động, kiên quyết chống chủ nghĩa bình quân, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động tài năng là then chốt để chống tình trạng "chảy máu" chất xám, thui chột tài năng đang diễn ra bức xúc hiện nay.
Gắn đào tạo với sử dụng, tạo thuận lợi để tài năng trẻ được quyền lựa chọn nơi làm việc, tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở, đi lại, dinh dưỡng, thông tin, v.v.. để tài năng trẻ yên tâm làm việc; đồng thời có cơ chế, có luật ràng buộc chặt chẽ giữa quyền lợi, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm.
Cần xây dựng chương trình quốc gia về bảo vệ và đổi mới quỹ gen của người Việt Nam; coi trọng đào tạo tài năng tổ chức quản lý từ tuổi trẻ. Công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta nên bắt đầu từ cán bộ Đội thiếu niên. Xây dựng trung tâm nghiên cứu quốc gia về tài năng và chính sách tài năng, trong đó đặc biệt chú ý tới tài năng trẻ.
Quan tâm tổng kết thực tiễn về thực thi chính sách tài năng trẻ. Xây dựng chuẩn quốc gia về tài năng; tiến hành xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án điều tra chọn mẫu tiến tới tổng điều tra về tài năng của quốc gia, trong đó một bộ phận rất quan trọng là tài năng trẻ. Tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học về tài năng; đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ.
Tạo cơ chế, khuyến khích toàn xã hội tham gia vào việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển tài năng. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để xã hội hóa cao hơn công tác bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tạo ra quy trình phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ, phát huy tài năng. Thực sự coi trọng đội ngũ trí thức, trong đó có đội ngũ tài năng trẻ và nhân tài ở trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường hơn nữa những cuộc giao lưu, hợp tác giữa trí thức trẻ trong nước và trí thức ngoài nước ở nhiều cấp độ khác nhau. Có chế độ khuyến khích thu hút nhân tài ở nước ngoài về cống hiến và phụng sự cho Tổ quốc./.
Nguyễn Văn Thanh
TS.Viện Nghiên cứu Thanh niên
|