Ở Việt Nam, vấn đề “nóng” nhất hiện nay là đô thị hoá rộng khắp trên mọi vùng lãnh thổ. Đô thị hóa nhanh chóng góp phần không nhỏ để thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội, đồng thời cũng để lại hậu quả nặng nề, do càng phát triển đô thị càng bộc lộ các yếu kém gây tác hại lâu dài.
MỞ ĐẦU
Ở Việt Nam, vấn đề “nóng” nhất hiện nay là đô thị hoá rộng khắp trên mọi vùng lãnh thổ. Đô thị hóa nhanh chóng góp phần không nhỏ để thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội, đồng thời cũng để lại hậu quả nặng nề, do càng phát triển đô thị càng bộc lộ các yếu kém gây tác hại lâu dài. Các căn bệnh đô thị như: Kiến trúc lộn xộn, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường, dự án đô thị- phòng ngủ thiếu vắng việc làm và dịch vụ đời sống thiết yếu… Nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp tập trung và phân tán cũng đang trở thành một vấn đề nan giải. Xem xét một cách sâu xa, chúng ta đang thiếu một hoạch định tổng thể được nghiên cứu hệ thống, liên ngành giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa, giữa đô thị hóa với con người cụ thể có nhu cầu sử dụng đô thị phù hợp với việc làm và đời sống và văn hóa rất đa dạng trong phát triển.
Số liệu đô thị hóa ở VN, tính đến tháng 11/2018 tỷ lệ đô thị hóa đã đạt 38,3% dân số với 819 đô thị và 74 000 điểm dân cư (Cục phát triển đô thị). Tốc độ tăng trưởng đô thị vẫn ngày ngày một tăng khi đang có tới 1000 khu đô thị mới có qui mô hơn 20ha, tổng diện tích lên tới 102000ha. Chưa kể hàng chục ngàn dự án qui mô nhỏ hơn đang tiến hành xây dựng, trải khắp các đô thị toàn quốc. Con số đô thị lớn như vậy có liên quan gì đến hơn 220 khu công nghiệp tập trung và hàng chục ngàn khu công nghiệp ở qui mô vừa và nhỏ, đang hầu hết thiếu quĩ nhà ở cho công nhân làm việc? Và liệu dòng “đô thị công nghiệp” có ra đời song hành với khu công nghiệp lớn để tạo bộ mặt đô thị đặc thù trong giai đoạn công nghiệp hóa đang chuyển đổi phần lớn lực lượng lao động trẻ ở nông thôn VN ( đang chiếm đến 2/3 tổng số lao động toàn quốc) trong tương lai gần.
NHẬN DẠNG HIỆN TRẠNG ĐÔ THỊ HÓA Ở VN
Trong khoảng 10 năm gần đây, nhiều nghiên cứu quốc tế và trong nước đã lên tiếng cảnh báo về sự bùng nổ dân số đô thị và hiện tượng đô thị hóa không bình thường ở Việt Nam, càng đặc biệt khi vấn đề này lan rộng ở quy mô toàn quốc, kể cả vùng sâu vùng xa, có thể trở thành vấn nạn ở tầm mức quốc gia nếu không quan tâm đúng mức. Trào lưu đô thị hoá kiểu này không dễ gì kiểm soát và cần phân tích từ góc độ đáp ứng quĩ nhà ở cho công nhân – một bộ phận không nhỏ của đô thị hóa.
Đô thị hoá là hệ quả tự nhiên của công nghiệp hoá ở phương Tây.
W.Curtis, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về kiến trúc hiện đại thế kỷ 20 đã khẳng định “Quy luật của sự chuyển hoá thời kỳ hiện đại cho thấy đô thị là sản phẩm tất yếu của quá trình công nghiệp hoá. Nước Anh trước khi phát triển những thành phố hiện đại đầu tiên có 80 năm công nghiệp hoá, nước Mỹ là 50 năm và các con rồng châu Á là 30 năm”.
Như vậy gần 150 năm trước trào lưu đô thị hoá bắt đầu ở phương Tây lan sang Mỹ những năm cuối thế kỷ 19 và châu Á là những thập niên 60, 70 thế kỷ 20 đều là hệ quả tự nhiên của quá trình hiện đại hoá đất nước thông qua cuộc Cách mạng Công nghiệp. Trước đó nữa, sự chuyển biến các chức năng đô thị thời kỳ giao lưu hàng hoá, tiền tệ đã xuất hiện hàng loạt nhà ga mới, hệ thống hạ tầng giao thông, điện nước, các phương thức xây dựng mới và vật liệu bê tông, sắt, thép với các chủ đầu tư mới, làm thay đổi bộ mặt của đô thị, kiến trúc thế giới. Chỉ trong thế kỷ 20 các nước phát triển đã chuyển gần như 80, 90% dân số cư trú từ nông thôn sang cư trú ở đô thị, đưa số người sống trong đô thị hiện nay lên 50% dân số của trái đất (khoảng hơn 3 tỷ người chỉ trong một thế kỷ). Trong trào lưu đô thị hoá, không có điểm khởi đầu rõ ràng nhưng chính cuộc Cách mạng Công nghiệp đã chuyển hoá cả thành thị và nông thôn một cách sâu sắc và toàn diện. Khác với chúng ta, các nước phát triển có cả hàng trăm năm để xây dựng nếp sống, văn minh đô thị. Họ có đô thị với những cư dân đã quen đi làm theo thời gian biểu của nhà máy, công xưởng và đi lại bằng các phương tiện công cộng. Họ dần quen với các chức năng chung của đô thị và coi trọng các giá trị công ích của đô thị - vốn rất nhiều thành phần cho công cộng. Họ có văn hoá đô thị hình thành trong nhiều thế hệ.
Chính thời điểm công nghiệp hóa gần như phủ khắp Âu-Mỹ đầu thế kỷ 20, Le Corbusier đã đưa ra chủ thuyết công năng cho đô thị và đại chúng hóa nhà ở chung cư tập thể cho giới bình dân và công nhân. Mở đầu là việc xây dựng khu nhà ở chung cư Cité Radieuse, Marseille. Sau thế chiến II, trước thách thức dân số thành thị trong đó lực lượng lao động công nghiệp tăng nhanh, và cần cải thiện điều kiện sống, vệ sinh cho các khu nhà tập thể, Le Corbusier là người đã thành công trong việc xây dựng ba triệu căn hộ trong vỏn vẹn ba thập niên, với một tiêu chí: tạo không gian xã hội hài hòa, tiện nghi và bình đẳng cho tất cả mọi thành phần công dân, bằng cuộc cách mạng kiến trúc trong những khu nhà tập thể. Le Corbusier đã đưa ra phương thức xây dựng kiểu công nghiệp hóa các khu ở tập thể với năm nguyên tắc của chủ nghĩa công năng, Đặc biệt, với lý thuyết “thành phố trong thành phố”, các thiết kế khu nhà tập thể có đầy đủ chức năng công cộng, như một thành phố thu nhỏ.
Sự đảo ngược - Việt Nam, đô thị hoá xảy ra nhiều năm trước công nghiệp hoá.
Ít ai nhận ra rằng ở Việt Nam quá trình đô thị hoá xảy ra nhiều năm trước quá trình công nghiệp hoá, khiến cho các mô hình và tư duy đô thị gặp sự khủng hoảng lớn. Chưa kịp phân tích nguyên nhân do đâu dẫn tới hiện tượng này (có thể do sức ép nhà ở, sau chiến tranh và giá quá hời do đầu cơ nhà đất chăng?) nhưng ai cũng nhận thấy các đô thị Việt Nam càng phát triển càng bộc lộ các yếu kém gây tác hại lâu dài. Các căn bệnh đô thị như hạ tầng không theo kịp phát triển đô thị mới, giao thông tắc ngẽn, lũ lụt trên diện rộng, chất thải sinh hoạt khó chôn lấp, di dân tự do, an ninh xã hội…ngày càng trầm kha. Công tác hoạch định đô thị chưa bao giờ là đối tượng quan tâm hàng đầu của quốc gia. Kéo theo là hệ lụy thiếu nhà ở xã hội, ngay cả các khu công nghiệp tập trung cũng có vấn đề lớn với nhà ở cho công nhân của mình.
Sự lệch pha lớn không giống ai này tạo hậu quả gì? Ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có tới hàng chục vạn người (nếu không nói là cả gần triệu người, riêng Bình dương tới cả gần nửa triệu) dân nhập cư, lao động tay nghề thấp trong công nghiệp và dịch vụ. Họ sống chen chúc trong các khu trọ tối tăm, không được thoả mãn nhu cầu tối thiểu của họ và gia đình về nhà ở, việc làm, chưa nói đến các nhu cầu dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, nước sạch và hạ tầng kỹ thuật…Điều này càng trở nên nan giải khi dòng người nhập cư không chính thức từ nông thôn ra thành phố và các khu công nghiệp càng tăng trong diễn biến đô thị hoá toàn diện hiện nay ở Việt Nam.
Theo kết quả điều tra dân số năm 2009, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu người nhập cư vào các thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh dân số là 7.109.251 người thì dân nhập cư chiếm 28,9 %, chưa kể số người nhập cư không chính thức. Còn theo TS. W. Frenner - Trưởng đại diện Viện Konrad – Adenouer tại Việt Nam “Đến 2020 dân số Việt Nam sẽ tăng khoảng gần 100 triệu và đến 2030 có 70% tức là 70 triệu người sẽ làm việc tại các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Họ sẽ cư trú và làm việc tại đâu, phân bố trong mạng lưới đô thị nào hay sẽ chảy vào các thành phố và khu công nghiệp ? Đây thật sự là thách thức lớn của thời đại.
NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA NHÀ Ở CÔNG NHÂN
Hiện trạng khó kiểm soát
Không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia phát triển trên thế giới trong nhiều giai đoạn đều có các gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân, những người mới rời bỏ làng quê lên làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, các gói hỗ trợ chính phủ thường chủ yếu để kích thích và giải quyết các phân khúc thị trường “nóng” này do đối tượng quá thiếu nhà ở và không có giúp đỡ cộng đồng.
Các chiến lược định cư quốc gia hiện nay đều chú trọng tính toán sự cân bằng của 6 yếu tố cơ bản sau trong xây dựng các khu ở mới, đặc biệt các khu vực mà đại đa số người lao động muốn tiếp cận: 1, Tích tụ nhiều việc làm như xây các khu công nghiệp và đô thị trong tương lai; 2, Giao thông đi lại giữa khu vực ở và làm việc; 3, Đủ nguồn nước sạch và thoát được nước thải; 4, Cung ứng năng lượng với tỷ trọng năng lượng rẻ và tái tạo cao; 5, Có chuỗi cung cấp thực phẩm tiện lợi và an toàn; 6, Xây dựng nhiều mô hình nhà ở đa dạng ( Là đối tượng của nhà ở xã hội hướng đến). Hoạch định này thường nghiên cứu nhiều năm trước khi tiến hành quy hoạch khu công nghiệp và đô thị mới.
Các dự án nhà ở công nhân hiện nay chủ yếu chủ đầu tư sử dụng các diện tích đất nông nghiệp hoặc có sẵn ở làng xã gần kề khu công nghiệp, hay phó mặc cho người dân xung quanh xây nhà trọ cho thuê. Các dạng này hầu như chưa trả lời câu hỏi: Cư dân sẽ làm việc ở đâu, đi lại bằng gì? Quĩ thời gian và các vấn đề xã hội được giải đáp trong tổ chức ở ?. Nghịch lý hiện nay ai cũng nhận rõ khi các dự án loại này nằm dàn trải ở các khu vực ngoại vi rất xa nơi làm việc và các tiện ích công cộng đời sống. Một thế hệ công nhân sẽ sớm thành hai ba thế hệ trong vài chục năm và thành các vấn đề xã hội nan giải.
Lựa chọn địa điểm nhà ở công nhân thế nào để khỏi bị động, chỉ tính lợi ích trước mắt, nhưng lâu dài người công nhân thu nhập thấp sẽ lựa chọn các khu nhà trọ giá rẻ do dân tự xây để thuê, mua trong khu đô thị công nghiệp, hay các nhà ở nhỏ lẻ cạnh việc làm. Hậu quả cóa thể là các khu ở tự phát to nhỏ lại mọc tràn lan khắp nơi như hiện nay. Đôi khi đến các khu công nghiệp tập trung, lổn nhổn những con phố tự xây bao quanh xây loại nhà ở kiêm cả nơi làm việc, bán hàng tạp hóa, quán cơm, quán nước, kiếm sống dịch vụ lẫn nhau.
An cư với cả gia đình là yếu tố hàng đầu để lựa chọn địa điểm cho nhà ở giá thấp.
Nhà ở giá thấp cho người công nhân cũng là một vấn đề rất phức tạp. Địa điểm xây dựng có vai trò quyết định tới hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng. Với các người thu nhập thấp, chi phí và thời gian đi lại được tính toán hàng đầu. Thay vì ở xa, họ có thể chọn ngay việc thuê lại các diện tích ở chật hẹp nhưng có sẵn trong đô thị, gần nơi làm việc như Định Công, Tứ Liên, Thanh Trì, Hà Đông, Vĩnh Tuy, Gia Lâm. Các khu ở này nếu ai khảo sát sẽ thấy gần với kiểu ổ chuột bám vào dịch vụ, khu công nghiệp, làng xã cũ. Nhà ở chưa bao giờ theo tiêu chuẩn mà chỉ để chui rúc. Mỗi người sư dụng riêng hay chia nhau căn hộ với chi phí thuê chỗ ở chỉ khoảng 300 – 400.000 đồng/1 người/1 tháng, dùng xe đạp, xe máy đến nơi làm việc. Với thu nhập tổng cộng cả tháng khoảng từ 3-4triệu đồng, hầu hết người dân lao động hiện nay hầu như không đủ thời gian và chi phí đi lại do làm nhiều giờ hơn nếu từ các nơi xa như Bắc An Khánh, Quốc oai, Vành đai 4…
Cần hiểu và xác định rõ hiện nay về hiện trạng nhu cầu thực tế về nhà ở của bộ phận số đông người công nhân ra sao. Về cơ bản đây là lực lượng lao động từ di cư ra kiếm sống hay làm việc theo thời vụ và những thành phần mới đi làm, chiếm khoảng 20-30% dân số đô thị. Theo nghiên cứu của Anh và Pháp thời kỳ công nghiệp hóa đầu thế kỷ 20, họ lại là những cư dân đóng góp lớn nhất để giảm sự đắt đỏ và đưa đến tiện ích của dịch vụ đời sống hàng ngày trong đô thị. Trong quá trình tích tụ công nghiệp và đô thị, luôn song hành hai hình thức kinh tế: Kinh tế chính thức và phi chính thức. Trong đó kinh tế phi chính thức bao gồm các lực lượng lao động tự do, lao động nhập cư, buôn bán vỉa hè – có thể phần lớn họ đi theo lao động công nghiệp chính…Sở dĩ được định danh là phi chính thức bởi đây là các hoạt động kinh tế nhỏ, rất khó thống kê về thuế, bảo hiểm, bởi mang nhiều tính thời vụ, tự phát và chủ yếu nằm trong “bóng tối”. Do đó vấn đề nhà ở của nhóm cư dân thuộc thành phần kinh tế công nghiệp cần được tính cho việc họ có gia đình chứ không thể tính theo đầu lao động để xây nhà ở. Đây là một vấn đề nhạy cảm và là thước đo tính nhân văn của một xã hội.
Từ đó có định hướng rõ ràng trong việc quy hoạch mới hoặc cải tạo xen cấy nhà ở công nhân, nhà ở giá thấp, đồng thời đảm bảo việc chỉnh trang các khu nhà trọ cho thuê . Việc đề xuất các địa điểm xây dựng, mô hình ở, loại căn hộ, chính sách hỗ trợ, tín dụng nhà ở, tiết kiệm nhà ở...phải tính trong bài toán chung cho phù hợp. Hiện tại, quá trình thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa thực hiện đồng bộ 2 yếu tố căn bản là khảo sát xã hội học của người sử dụng và xác lập không gian cư trú và việc làm bền vững cho các khu công nghiệp hay khu đô thị công nghiệp. Làm tốt các yếu tố này sẽ tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên cho công nhân-người mua, thuê nhà tụ họp sinh sống trong các khu vực có qui hoạch và phát triển đồng bộ như dang đô thị công nghiệp thời công nghiệp hóa. Có như vậy, quá trình phát triển nhà ở công nhân và nhà ở giá thấp mới đúng đối tượng và bền vững.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI HAY NHÀ Ở GIÁ THẤP CHO CÔNG NHÂN HOẶC NHỮNG NGƯỜI MỚI GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CÔNG NGHIÊP, DỊCH VỤ
Singapore có thể coi là một bài học thực tiễn thành công cho phát triển đô thị từ thập niên 60 của thế kỷ 20 đến bây giờ. Giai đoạn đầu tiên, chính phủ cho xây các khu đô thị ven trung tâm cũ để giải tỏa tái thiết lại trung tâm. Giai đoạn hai: xây dựng các loại hình tăng việc làm trong đô thị: Ưu tiên bố trí thêm các xưởng lắp ráp điện tử quy mô vừa và nhỏ trong các nhà cao tầng xây xen lẫn trong các khu ở. Khi cư dân quần tụ đông đúc, dựa trên các quy hoạch mở rộng từ ban đầu, chính quyền một lần nữa đầu tư xây dựng mở rộng các khu công viên khoa học – Scien park ( Dịch vụ nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và thí nghiệm...), Khu Đại học quốc gia, trung tâm dịch vụ đường biển, công viên quốc gia, khu sản xuất rau sạch.... tạo ra chỗ làm cho chính cư dân nơi đó, tiết kiệm và giãn được mật độ giao thông đi lại vào trung tâm đô thị. Giai đoạn 3: Chính cách làm tự cung tự cấp tại chỗ về nơi ở và việc làm đã hấp dẫn dân cư ra ở vòng ngoài đô thị, tạo ra cơ hội để tái thiết khu trung tâm thành các khu CBD siêu cao tầng cho dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, hội thảo, hội nghị quốc tế. Không gian trung tâm được tổ chức cho kinh tế trí thức và là bộ mặt cua quốc gia. Người dân quốc đảo cứ có việc làm là được mua nhà trả góp nên tài chính cho nhà ở luôn dồi dào và nhiều hình thức tín dụng cùng tồn tại. Quĩ nhà ở cho thuê của hệ thống an sinh đô thị dần dần trở thành quĩ nhà cho thuê lớn nhất trong các loại hình nhà ở. Đây cũng là lý do họ luôn có tiền để đổi mới đô thị và tăng chất lượng tiện nghi cho nhà ở.
Đây chính là cách làm phát triển thành công nhà ở xã hội bằng cách gắn việc làm với các khu ở tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, tích lúy tài chính nhà ở dồi dào cho người dân trong tương lại.
Một số kinh nghiệm có thể sử dụng ở VN giai đoạn này:
Xây xen cấy nhà cao tầng tại nội đô cạnh các khu nhiều việc làm: Có thể ưu tiên áp dụng cải tạo các khu vực thấp tầng, lô đất diện tích quá nhỏ trong nội đô, kết hợp với kết quả khảo sát xã hội học, tiến hành đầu tư theo hướng xây chen, xen cấy các khu nhà ở cao tầng giá thấp vào khu trung tâm nhiều việc làm hiện hữu. Quá trình này có thể thực hiện kết hợp với công cụ điều chỉnh đất đai (Land readjustment), cải tạo các diện tích nhà ở nhỏ theo dạng phân bổ lại đất đai theo kiểu hiện đại hóa các chung cư hiện nay. Xây nhà cao tầng để tái định cư tại chỗ, còn lại cho người thu nhập thấp thuê, mua. Đây cũng là cách để cải tạo kiến trúc và cảnh quan cho đô thị có chất lượng sống tốt, dẹp bỏ các khu ổ chuột đang tồn tại hiện nay.
Xây dựng nhà ở giá thấp do cộng đồng dân cư tự chịu trách nhiệm: Ở các làng xã ven đô, hoặc trong nội đô có các vị trí gần hơn, thuận lợi với việc làm thường dân tự xây nhà cho minh và nhà trọ cho thuê không đúng qui định. Nhà nước hỗ trợ cơ chế chính sách tạo dựng tín dụng và tài chính nhà ở theo hướng xã hội hóa và ban hành tiêu chuẩn nhà ở tiện nghi tối thiểu để tạo ra quỹ nhà ở do cộng đồng dân cư tự xây, sửa chữa, nâng cấp nhà ở ( Theo tín thác hoặc theo hợp tác xã tín dụng nhà ở...). Các cộng đồng dân cư tự bình chọn người được quyền mua nhà, thuê nhà. Trường hợp dự án lớn họ có quyền định hướng xem các dự án của họ nên phát triển như thế nào. Cách làm này thực sự là công việc chỉnh trang đô thị, đồng thời cũng dễ áp dụng với quá trình phát triển nhà ở giá thấp do cộng đồng tự quản ở nước ta giai đoạn hiện nay. Bài học trợ giúp nhau xây nhà ở nông thôn VN rất đáng học hỏi để xây dựng chính sách và cơ chế.
Quy hoạch đồng bộ giữa việc làm và nhà ở xã hội: Sau sốt đất, các dự án chuyển đổi từ thương mại sang nhà ở xã hội hiện nay như như Bắc An Khánh, Quốc Oai, Xuân Mai…hầu như đều chưa giải quyết tốt bài toán kết nối và giảm khoảng cách giữa nơi ở và chỗ làm việc, dẫn đến không có tính hấp dẫn với người sử dụng. Đặc biệt với các đối tượng thu nhập thấp vốn tối cần việc làm. Xa hơn, các khảo sát xã hội học định cư cần dự báo các nhu cầu giao thông bao gồm phát triển các tuyến giao thông kết nối nơi ở-việc làm để tăng các phương tiện công cộng cho đại bộ phận người dân. Giao thông không chỉ kết nối với trung tâm đô thị mà quan trọng hơn nó phải kết nối được các khu việc làm, trung tâm dịch vụ đời sống, công viên, trường học, bệnh viện. Với các khu nhà ở xã hội đồng bộ này, điểm mấu chốt cần tích hợp và thiết lập thành công một cộng đồng đủ để tự tạo ra sự sầm uất và thịnh vượng.
Cùng với tư duy trên, nếu được hoạch định và quy hoạch đồng bộ, các khu nhà ở xã hội ven đô xen ghép trong các dự án nhà ở thương mại có thể là một giải pháp tốt để giảm áp lực cho đô thị lõi, tạo cơ hội cải thiện cảnh quan đô thị và chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nên những khu dân cư thịnh vượng.
Xây nhà hay...nên Sản xuất nhà ở đa dạng và rẻ:
Những năm 91-93 thế kỷ 20, do biến động chính trị ở Liên xô cũ có đến 2 triệu người Do thái đến định cư tại Ixrael. Trong hai năm đất nước nhỏ bé này đã sản xuất và lắp ghép đủ chỗ ở cho trên 2 triệu người. Thật là vĩ đại. Tôi có trong tay tài liệu của quá trình công nghiệp hóa sản xuất nhà ở kiểu này, kêu gọi mãi mà chưa thấy cơ quan nào đứng ra nghiên cứu áp dụng cho VN - đang bước vào hiện đại hóa, tỉ lệ sản xuất công nghiệp và dịch vụ đang dịch chuyển đến 80% GDP, áp lực thiếu nhà ở tăng rất cao trong các thành phố mà chưa có điều tra xã hội học nhà ở trên toàn quốc để xác định trong chiến lược phát triển đô thị. Bài toán này chỉ có thể giải đáp bằng công nghệ sản xuất nhà ở giá rẻ.
Đối với các cư dân có thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt với nhóm cư dân thuộc thành phần công nhân lao động rất nhiều người không có nhu cầu sở hữu những căn hộ vĩnh cửu, nhưng lại rất cần những chỗ ở có giá rẻ, tiện ích thiết yếu tối thiểu. Chính vì vậy, giải pháp các khu nhà ở giá rẻ cho thuê, mua trả góp cần lắm các công nghệ mới để “Sản xuất nhà” thay bằng “ Xây nhà” như truyền thống. Đến nay chưa có văn bản nào công bố các qui chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ sản xuất nhà ở VN cho các doanh nghiệp áp dụng. Chậm quá so với nhu cầu bức bách của dân cư đô thị - nguồn lực chính cho hiện đại hóa.
Cần xây dựng nhà ở xã hội, giá thấp trên quy mô công nghiệp với các ứng dụng về thiết kế, sử dụng công nghệ lắp ghép tiền chế cho hệ khung, trần, tường, sàn; các tiêu chuẩn về diện tích cần nới lỏng theo nhu cầu, nhưng tiêu chuẩn tiện nghi phải thật cao để sáng tạo ra các căn hộ linh hoạt, thông minh hơn so với nhà ở thương mại - vốn rộng rãi. Các công nghệ về năng lượng mặt trời, gió... phải áp dụng cho các không gian công công vốn bị thiếu kinh phí chi trả do dân ở đây ít tiền: Các tiện ích như điện hàng lang, cầu thang, sảnh, thang máy, tiện ích công cộng. (Để giải bài toán này, nhà nước hỗ trợ công nghệ lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để trợ giúp năng lượng cho cộng đồng, giảm chi phí năng lượng khi vận hành công trình). Đây cũng là một cái trào lưu mới đầu tư năng lượng tái tạo cho các công trình phục vụ cộng đồng.
Bê tông cốt thép là vật liệu phổ biến nhưng thi công toàn khối tại công trường khiến công trình có giá thành cao. Đây cũng là loại vật liệu sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, hết tuổi thọ lại gây ô nhiễm môi trường trong quá trình cải tạo và nâng cấp. Với nhà ở xã hội phân phối theo hình thức bán giá thấp hoặc bán trả góp hiện nay, chừng nào bài toán công nghiệp hóa xây dựng và xây dựng bền vững còn chưa được tính đến thì vẫn rất khó có được một giá bán hợp lý nhất cho người dùng. Các công trình nhà ở này cần được ứng dụng các công nghệ xây mới, tiên tiến hiện đại, có thời gian thi công ngắn sau thời gian sử dụng có thể được tái cải tạo bằng các loại vật liệu thay thê bê tông cốt thép và gạch xây hiện nay như thép, nhựa, composite…
Nhật Bản, New Zealand đã có nhiều phương án thay thế rất tốt kết cấu bê tông cốt thép bằng kết cấu gỗ hay thép để xây cao tầng (vách ngăn chia nhẹ, sàn thép tiền chế với lắp ghép hệ thống kỹ thuật trên trần…) và cho người dân tự xây dựng ngôi nhà của mình với giá thành hết sức hợp lý. Phương thức xây dựng vật liệu nhẹ còn giảm khoảng 60% giá thành móng nhà. Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng và thay thế phương pháp thi công truyền thống cũng rất quan trọng. Một khi nhà nước có nghiên cứu và khống chế giá thành nhà ở xã hội ở mức độ phù hợp, các doanh nghiệp sẽ tham gia mạnh mẽ chủ động tìm và ứng dụng công nghệ. Nhưng các quốc gia tiến tiến làm việc này một cách chủ động và bài bản. Nhà nước bỏ tiền đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, ban hành các tiêu chuẩn và cho doanh nghiệp các lộ trình để nhập công nghệ dần dần cho thị trường làm quen và hỗ trợ công nghệ trong thời gian đầu.
Chúng ta tại sao lại dậm chân tại chỗ về công nghệ sản xuất nhà, trong khi đa số người lao động khó tiếp cận nhà ở ?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục
Bài viết tại Hội thảo”Nơi ở CN KCN: Nhà ở, Sinh kế và Cộng đồng”, Hà Nội, 12/12/2018
|