|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
NCKH khác
Đế xuất một số giải pháp phát triển NOXH cho CN tại các KCN, khu chế xuất, cụm CN |
16/02/2019 |
Tóm tắt:
Hiện nay, phần lớn công nhân khu công nghiệp đang thuê nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư hoặc thuê, mua tại các dự án, trong đó số lượng thuê nhà trọ tại các khu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng là chủ yếu. Nhiều khu trọ cho công nhân không đảm bảođiều kiện vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như: nhà trẻ, trường học, trung tâm y tế, khu vui chơi, giải trí… Trước thực trạng nêu trên, ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó đã yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân. Do vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách hỗ trợ (về đất đai, đầu tư, tín dụng,...) để góp phần phát triển nhà ở cho công nhân theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết.
Trên cơ sở đó, bài tham luận dưới đây sẽ trình bày một cách khái quát về các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước, những kết quả đã đạt được, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho công nhân trong thời gian tới.
1. Giới thiệu
Trong những năm vừa qua, việc thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm, đặc biệt là nhà ở dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp (sau đây gọi tắt là khu công nghiệp) đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tích cực triển khai với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, và cộng đồng dân cư, đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở được cải thiện chỗ ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo báo cáo của 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến đầu năm 2018 số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở là khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 số lượng sẽ là khoảng 3 triệu người.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện công nhân khu công nghiệp đang thuê nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư hoặc thuê, mua tại các dự án, trong đó số lượng thuê nhà trọ tại các khu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng là chủ yếu.
Do vậy, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển nhà ở cho đối tượng này tại các chỉ thị của thủ tướng, các quy định của pháp luật có liên quan, đề án thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đã đạt được các kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra thì cần giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó, vướng mắc về mặt thực hiện cơ chế, chính sách là vấn đề lớn, cần ưu tiên, giải quyết ngay để tạo điều kiện thông thoáng, ưu đãi trong quá trình đầu tư xây dựng nhà ở cho đối tượng này, cũng như khi công nhân mua, thuê, thuê mua các nhà ở này.
2. Các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước
Pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và các Thông tư hướng dẫn có liên quan của Bộ Xây dựng) đã có những quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội gắn với phát triển hạ tầng cho đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở (trong đó có đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp). Theo đó, chủ đầu tư các dự ánxây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; được địa phương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án (nếu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật); trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp tự lo chỗ ở cho người lao động, nếu đầu tư xây dựng nhà ở, tự mua nhà ở hoặc thuê nhà ở để bố trí cho công nhân lao động của đơn vị mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành thì chi phí mua hoặc thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp... Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đã quy định: UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành các quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích, ưu đãi thêm của địa phương để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó đã chỉ rõ chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Chỉ thị đã yêu cầu các Bộ ngành và chính quyền địa phương phải tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua, cải thiện chỗ ở.
Về các công trình hạ tầng thiết yếu cho công nhân tại các khu công nghiệp sau khi Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành thì ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai Đề án này. Với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tất cả KCN, KCX đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, trong đó giai đoạn 2017 – 2018 phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế công đoàn, từ năm 2018 – 2020 hoàn thành 40 thiết chế công đoàn, đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
3. Những kết quả đã đạt được
Theo báo cáo của 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến đầu năm 2018 số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở là khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 số lượng sẽ là khoảng 3 triệu người. Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện công nhân khu công nghiệp đang thuê nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư hoặc thuê, mua tại các dự án, trong đó số lượng thuê nhà trọ tại các khu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng là chủ yếu.
Đối với nhà ở được phát triển theo dự án thì kết quả đạt được như sau:
- Trên địa bàn cả nước hiện có 173 dự án, với số lượng khoảng 129.400 căn hộ, trong đó đã hoàn thành 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người (mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu nhà ở của số công nhân hiện nay; trong đó: tại Bình Dương (của Tổng công ty Becamex với quy mô 64.000 căn, Dự án nhà lưu trú công nhân tại KCN Đông Nam Củ Chi do Công ty Hoạt Đoan đầu tư với quy mô 500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.500 công nhân KCN…), tại Đồng Nai (của Tổng công ty IDICO với quy mô 10.000 căn), tại Hà Nội (của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà với quy mô 3.000 căn hộ tại Sóc Sơn; dự án khu nhà ở công nhân nam KCN Hòa Lạc của Tổng Công ty Vinaconex với quy mô khoảng 3.300 căn hộ) v.v..
- Hiện đang tiếp tục triển khai 73 dự án, quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 705.000 lao động; trong đó: tại TP. Hồ Chí Minh đã có KCN xây dựng hoàn thành khu lưu trú công nhân, bao gồm: Tân Thuận, Linh Trung I, Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc với 21 block nhà hoàn thành, đáp ứng 14.000 chỗ ở…
Đến nay, có khoảng 20% tổng số công nhân KCN trên phạm vi cả nước có chỗ ở ổn định tại các khu nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án. Số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm tại các nhà trọ của người dân tự xây dựng.
4. Một số khó khăn
Mặc dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đối với nhà ở xã hội, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở cho công nhân khu công nghiệp). Tuy vậy, kết quả thực hiện mới đạt 56% so với mục tiêu đến năm 2015 và đạt 40% so với mục tiêu đến năm 2020 trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030[1], việc triển khai trên thực tế cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể là:
- Về nguồn vốn hỗ trợ:
Mặc dù theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng chính sách xã hội khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Nhưng trên thực tế việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết từ tháng 6/2016, đến nay ngân sách nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 13% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội; riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được giao 500 tỷ đồng. Còn các tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại) khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện có tới 221 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 178.900 căn, tổng diện tích khoảng 8.945.000 m2 (trong đó có 73 dự án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn hộ, tổng diện tích khoảng 4.420.000 m2) nhưng bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây hầu như không có. Do từ cuối tháng 6 năm 2016 đến nay (sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết), việc bố trí vốn cho chương trình này gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng nhu cầu.
- Về công tác quy hoạch:
Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mà chỉ quan tâm thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp; một số địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định của pháp luật; trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, hoặc có bố trí nhưng ở các vị trí không thuận lợi, chưa giải phóng xong mặt bằng…, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.
- Về huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội:
Một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền của các địa phương nhưng chưa được quan tâm đúng mức để thu hút các doanh nghiệp tham gia như:
+ Chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương.
+ Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn rườm rà, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài,...
- Về mức thu nhập của đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội
Mức thu nhập của người dân nói chung, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp so với giá mua nhà ở xã hội vẫn còn thấp, rất khó khăn trong việc mua nhà ở, mặc dù giá mua nhà ở xã hội đã được hỗ trợ, ưu đãi thấp hơn 30-40% so với giá nhà ở thương mại cùng loại. Bên cạnh đó, mặc dù thu nhập còn thấp nhưng tâm lý của đa số người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vẫn muốn mua nhà ở, không muốn thuê nhà ở.
5. Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục tập trung triển khai để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020
5.1. Về hoàn thiện thể chế
Cần tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng, trong đó có công nhân các khu công nghiệp.
5.2. Về nguồn vốn
Nguồn vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội và vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội đã được quy định cụ thể tại Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngoài ra, ngày 02/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-TTg hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc cấp bù chênh lệch lãi suất, cũng như mức lãi suất cấp bù là 3%/năm áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
Để sớm triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo các quy định nêu trên thì cần sớm thực hiện một số nội dung sau:
- Lập kế hoạch cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp hàng năm, cũng như kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất cả năm theo quy định tại Quyết định số 18/2018/QĐ-TTg ngày 02/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ, để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước.
- Cân đối nguồn vốn để triển khai cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngân sách nhà nước sẽ thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định tại Quyết định số 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện tạm cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng trong thời gian mà ngân sách nhà nước chưa được bố trí theo quy định của Luật Đầu tư công.
5.3. Về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm, tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải coi chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở cho công nhân khu công nghiệp) là một chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và 05 năm của địa phương.
Khi xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải căn cứ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở để bảo đảm cân đối cung – cầu nhà ở, bảo đảm ổn định thị trường. Đồng thời phải rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, có các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao...Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
5.4. Về huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội
Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn... để thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đảm bảo công khai, minh bạch các thủ tục về đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp nói riêng.
5.5 Về khuyến khích phát triển nhà ở xã hội để cho thuê
Việc phát triển thị trường nhà ở xã hội để cho thuê (trong đó có nhà ở xã hội cho công nhân thuê) nhằm phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân không có khả năng tự tạo lập nhà ở cho bản thân và gia đình phải được xác định là mục tiêu chiến lược, mang tính dài hạn.
Để thu hút nguồn lực phát triển loại hình nhà ở này, cần có chính sách đặc biệt hơn đối với các dự án nhà ở cho thuê về miễn giảm tiền thuê đất, thuế, vay vốn, hỗ trợ nhiều nguồn vốn với lãi suất khoảng 4-5%/năm; thành lập các ngân hàng tiết kiệm nhà ở (trong đó tập trung cho các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp cho các đối tượng có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; đặc biệt là người lao động tại các KCN, KCX)… như vậy doanh nghiệp và công nhân, người lao động mới có lực đủ mạnh để tham gia vào phân khúc nhà ở này.
Ngoài ra, cần có các chính sách tuyên truyền, giáo dục nhằm tác động đến nhận thức của người dân về việc cần có chỗ ở chứ không phải sở hữu chỗ ở, tiến tới đề nghị tập trung chính sách để phát triển nhà ở cho thuê với tất cả đối tượng, hạn chế bán, cho thuê mua.
5.6. Tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các đề án đầu tư các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 655/QĐ-TTgngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất./.
Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng
Email:
Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó
Bài viết tại Hội thảo”Nơi ở CN KCN: Nhà ở, Sinh kế và Cộng đồng”, Hà Nội, 12/12/2018
[1]Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 thì: mục tiêu đến năm 2015, giải quyết được 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở và mục tiêu đến 2020, có khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. |
|