Tuần 24 - Ngày 05/06/2023
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
NCKH khác
Khái quát việc làm, đời sống của CN và thiết chế của tổ chức công đoàn phục vụ CN trong KCN |
11/02/2019 |
Khái quát việc làm, đời sống của công nhân, lao động trong các doanh nghiệp và chủ trương xây dựng thiết chế của tổ chức công đoàn Việt Nam phục vụ công nhân, lao động trong các khu công nghiệp

Ảnh minh họa
Tóm tắt: Bảo đảm việc làm và không ngừng nâng cao đời sống là khát khao của mỗi người lao động và cũng là trách nhiệm của Nhà nước cũng như của các tổ chức xã hội. Đó cũng phương châm lấy con người làm mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong hơn 30 năm Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, vấn đề này đã được cài thiện rất nhiều. Tuy nhiên, đời sống, việc làm của phần lớn công nhân, lao động (CNLĐ) trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bấp bênh. Hầu hết CNLĐ phải làm thêm nhiều giờ mới đủ sống. Họ sẽ rơi ngay vào tình trạng nghèo khó nếu bị ốm đau hoặc không làm thêm giờ. Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội, việc bảo đảm các điều kiện sinh sống bên “ngoài hàng rào” doanh nghiệp, bên “ngoài hàng rào” khu công nghiệp đang là vấn đề hết sức đáng quan tâm. Đặc biệt là vấn đề nhà ở và các cơ sở hạ tầng giáo dục – y tế - thể thao - văn hoá – giải trí… đang là vấn đề bức xúc, cấp bách ở hầu hết các khu công nghiệp trong cả nước. Vì vậy, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm với Nhà nước, với CNLĐ, Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã chủ trì huy động các nguồn lực để bắt đầu đầu tư, xây dựng các thiết chế quan trọng này. Phấn đấu đến năm 2030, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn nhằm hỗ trợ CNLĐ trong các KCN giảm bớt khó khăn, giúp NLĐ an cư lạc nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cả nước.
I. Khái quát việc làm, đời sống của lao động trong các loại hình DN
- Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 14,88 triệu CNLĐ trong các loại hình doanh nghiệp, tăng 29,8% so với năm 2013, nhưng tăng không đồng đều giữa các ngành, loại hình doanh nghiệp.
Trong 05 năm qua, số lượng CNLĐ tăng khá nhanh, bình quân 5,49%/năm. Trong khi CNLĐ khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngành nông – lâm – thuỷ sản giảm, thì CNLĐ trong doanh nghiệp doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ lại tăng nhanh[1], [2].
Số lượng CNLĐ trong các doanh nghiệp giai đoạn 2013 – 2017
Đơn vị: Triệu người
|
12/2013 |
12/2014 |
12/2015 |
12/2016 |
12/2017 |
Tổng số |
11,46 |
12,05 |
12,86 |
14,01 |
14,88 |
Theo khu vực |
|
|
|
|
|
Khu vực doanh nghiệp nhà nước |
1,56 |
1,45 |
1,37 |
1,29 |
1,24 |
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước |
6,85 |
7,15 |
7,71 |
8,57 |
9,06 |
Khu vực có vốn đầu tư nuớc ngoài |
3,05 |
3,45 |
3,77 |
4,15 |
4,58 |
Theo ngành kinh tế |
|
|
|
|
|
Nông - Lâm nghiệp và Thuỷ sản |
0,26 |
0,26 |
0,26 |
0,25 |
0,25 |
Công nghiệp, xây dựng |
7,49 |
7,94 |
8,45 |
9,09 |
9,64 |
Thương mại và dịch vụ |
3,71 |
3,84 |
4,14 |
4,67 |
4,95 |
Nguồn: Số liệu năm 2013 – 2016: Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, tháng 5/2018. Số liệu năm 2017 là do Viện CNCĐ tính toán.
Không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng nhìn chung của CNLĐ cũng có một số mặt chuyển biến tích cực; trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của CNLĐ tăng nhưng không nhiều, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc còn hạn chế; năng suất lao động tăng nhưng chậm[3], [4], [5].
- Mặc dù có nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ được tạo ra, nhu cầu tuyển dụng lao động không ngừng tăng lên, nhưng hầu hết là việc làm sử dụng lao động phổ thông, với tiền lương, thu nhập khá thấp.[6], [7]
Dệt may, da giày, điện tử, chế biến thuỷ hải sản là những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông nhất và mức tiền lương, thu nhập cũng thấp nhất trong các ngành[8].Việc thực hiện hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đã đạt được nhiều tiến bộ, tỷ lệ ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc 2-3 năm tăng. Tuy vậy, phần lớn hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài là có thời hạn[9]. Mặc dù vậy, vẫn còn gần 10% CNLĐ chưa được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động đúng theo quy định: CNLĐ chỉ được giao kết hợp đồng bằng lời nói, hợp đồng thời vụ hoặc hợp đồng ngắn hạn ngay cả khi đang làm những công việc có tính chất ổn định, lâu dài tại doanh nghiệp. Nhiều CNLĐ đã buộc phải chấp nhận ký 3 - 4 lần hợp đồng lao động ngắn hạn theo yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Có không ít CNLĐ đã bị mất việc và ra khỏi dây chuyền sản xuất sau khi đã làm việc trong thời gian tương đối dài cho doanh nghiệp (sau nhiều lần ký hợp đồng lao động ngắn hạn) để doanh nghiệp tuyển lao động mới.[10] Điều này đang đặt ra nhiều thách thức về bảo đảm việc làm bền vững và việc sửa đổi thực thi chính sách, luật lao động hiện nay.
- Tiền lương, thu nhập của CNLĐ mặc dù đã từng bước được cải thiện nhưng vẫn đang là vấn đề bức xúc nhất hiện nay.[11]
Do việc làm bấp bênh, cùng với một số hạn chế trong việc áp dụng chính sách tiền lương hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đã tăng 1,69 lần[12] trong vòng 5 năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, nên hiện có một bộ phận không nhỏ CNLĐ có thu nhập thấp, cuộc sống khá khó khăn. Số CNLĐ có dư dật, tích lũy và khá hài lòng, an tâm với việc làm, cuộc sống hiện nay chủ yếu thuộc lao động quản lý, lao động có trình độ chuyên môn cao.[13]
Một tình trạng khá phổ biến là nhiều doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho CNLĐ dựa trên mức lương tối thiểu vùng nên mức lương cơ bản, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ rất thấp, chỉ trên mức lương tối thiểu vùng khoảng 10 - 15%. thậm chí, cókhông ít nơi, CNLĐ bị cắt giảm các chế độ phúc lợi, tiền thưởng khi tiền lương tối thiểu và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng.[14]
- Tiền lương thấp, thu nhập chưa đảm bảo, cùng với chính sách sử dụng lao động thiếu bền vững của nhiều doanh nghiệp dẫn đến sự biến động lao động lớn, số lao động di chuyển, thất nghiệp, tìm kiếm việc làm mới, chấm dứt quan hệ lao động tăng.[15]
Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số người chấm dứt hợp đồng lao động tăng cao trong những năm gần đây: trong 04 năm, từ năm 2014 đến năm 2017, trung bình có 540.000 người nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp/năm; số người chấm dứt quan hệ việc làm để hưởng bảo hiểm xã hội một lần trung bình là 650 nghìn người/năm – một con số đáng báo động.[16]Nếu tình trạng này tiếp diễn, hệ quả sẽ rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội quốc gia và đời sống của NLĐ và gia đình họ về sau.[17]
Có một nghịch lý khá phổ biến là, mặc dù lương và thu nhập không cao nhưng CNLĐ hiện đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài. CNLĐ ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản... Nguyên nhân CNLĐ phải làm thêm giờ một phần là do sức ép từ phía doanh nghiệp (để kịp đơn hàng, giao nộp sản phẩm kịp thời, bảo đảm tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp chọn biện pháp làm thêm giờ thay cho việc đầu tư thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng…); một phần do tiền lương quá thấp, khó bảo đảm nhu cầu sống của bản thân, cộng với chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, phụng dưỡng cha mẹ tăng nhanh khiến cho CNLĐ muốn làm thêm giờ và buộc phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Những CNLĐ có thu nhập bảo đảm, đều muốn làm việc đúng giờ theo quy định, để có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân và gia đình, học tập, vui chơi, giải trí.
- Điều kiện sống của CNLĐ được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhà ở và các tiện nghi sinh hoạt đã được cải thiện, các cơ sở giáo dục mầm non phục vụ con CNLĐ, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các khu công nghiệp tập trung đã được Nhà nước, các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần ổn định đời sống CNLĐ. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ CNLĐ vẫn phải sống trong những khu trọ chật trội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu tiện nghi sinh hoạt, thiếu sự giao lưu, chia sẻ, đời sống tinh thần nghèo nàn.
Để nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, CNLĐ đang phải làm việc rất vất vả, thời gian kéo dài, hy sinh việc chăm sóc con cái, nghỉ ngơi, ảnh hướng xấu đến sức khoẻ trước mắt và lâu dài. CNLĐ sẽ rơi ngay vào tình cảnh “nghèo khó, túng quẫn” khi họ gặp những cú sốc dù nhỏ, hoặc nghỉ làm việc ít ngày và ngay cả khi không làm thêm giờ. Đặc biệt, những gia đình CNLĐ đang nuôi con hoặc phụng dưỡng cha mẹ… thì phải sống rất kham khổ, phải sử dụng các sản phẩm – dịch vụ rẻ tiền, kém an toàn… nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Vì thế, CNLĐ không có điều kiện để vui chơi, giải trí, hưởng thụ đời sống văn hoá – tinh thần.
- Vấn đề an ninh việc làm, an sinh xã hội và bảo đảm việc làm bền vững của CNLĐ cũng đang là vấn đề bức thiết.
Số lượng CNLĐ không hài lòng về việc làm, cuộc sống hiện tại có xu hướng giảm nhưng chậm.[18]Có một thực tế đang tồn tại là, 98% số doanh nghiệp ở nước ta hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 72,8% là doanh nghiệp siêu nhỏ, sản xuất thiếu ổn định, cạnh tranh kém, nên số lượng thành lập lớn, nhưng giải thể, phá sản hàng năm cũng cao.Hiện tượng các đơn vị, doanh nghiệp có biểu hiện tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động không công bằng đối với lao động trung niên, lao động có số năm làm việc cao, đặc biệt là lao động nữ gia tăng nhưng còn thiếu các biện pháp xử lý, gây bức xúc cho CNLĐ.[19]
- Việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội đã có một số mặt tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm và là một trong những vấn đề gây bức xúc trong CNLĐ.
Tính đến hết năm 2017, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13.591 nghìn người, tăng 26,8% so với năm 2013; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,4 triệu người, tăng 37,9% so với năm 2013[20]. Theo cơ quan quản lý, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm diễn ra khá phổ biến. Hiện có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động, nhưng chỉ có 235 nghìn doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, đạt khoảng 47%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động còn thấp, mới đạt 25,05%. Nhiều CNLĐ nữ không được giải quyết chế độ thai sản do doanh nghiệp nợ đọng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp, trung bình bằng khoảng 70% mức lương thực tế và chỉ xấp xỉ mức lương tối thiểu vùng. Điều này dẫn đến những bức xúc trong CNLĐ.[21]
- Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các bên, việc xây dựng quan hệ lao động “hài hoà, ổn định và tiến bộ” đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Hiện tượng quản lý hà khắc, đối xử thiếu công bằng, xúc phạm CNLĐ đã giảm rõ rệt. Nhiều kiến nghị bức thiết của CNLĐ đã được lắng nghe và từng bước giải quyết. Nhiều doanh nghiệp không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, đồng thời chú trọng hơn công tác bảo hộ lao động. Tuy nhiên, điều kiện lao động ở nhiều cơ sở vẫn còn hạn chế, nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, nồng độ bụi, hơi khí độc ở nhiều cơ sở vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cả trước mắt và lâu dài cho CNLĐ[22]. Việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại nhiều cơ sở chưa nghiêm, tình hình tai nạn lao động có xu hướng gia tăng cả về số vụ cũng như mức độ thiệt hại, có nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người.[23]
- Mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động; tranh chấp lao động xẩy ra ở khu vực doanh nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trong 05 năm, từ năm 2013 đến hết năm 2017,cả nước đã xảy ra 1.622cuộc đình công, ngừng việc tập thể. Đình công chủ yếu diễn ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong các ngành dệt may, giày da, chế biến gỗ, điện, điện tử.[24]Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, đình công là do nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vi phạm pháp luật lao động; điều kiện làm việc chậm được cải thiện, an toàn vệ sinh lao động không đảm bảo, phân phối tiền lương, phúc lợi tập thể thiếu minh bạch, chưa công bằng; tình trạng làm thêm giờ vượt quá mức quy định diễn ra phổ biến, nợ hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, không đảm bảo điều kiện làm việc cho CNLĐ v.v…. Vai trò của công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở trong giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tại doanh nghiệp chưa tốt; chưa kịp thời phát hiện những vấn đề mâu thuẫn trong quan hệ lao động để phối hợp xử lý, hoà giải, đối thoại, thương lượng nhằm giải quyết tranh chấp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và CNLĐ cũng là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp lao động.
II. Chủ trương xây dựng thiết chế của Công đoàn Việt Nam phục vụ CNLĐ trong các khu công nghiệp trong cả nước
Đứng trước thực trạng cơ sở hạ tầng phục vụ CNLĐ trong các khu công nghiệp tập trung hiện nay, cùng với nhu cầu chính đáng và mong muốn của CNLĐ và các doanh nghiệp trong KCN, được sự ủng hộ của Nhà nước và các Tỉnh, Thành phố, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt và giao cho Công đoàn chủ trì thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” bắt đầu tư năm 2017[25].
Nội dung cơ bản của Đề án là giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, huy động các nguồn lực của Công đoàn, Chính quyền các Tỉnh, Thành phố và các nguồn lực xã hội để xây dựng nhà ở, nhà trẻ, cơ sở giáo dục, y tế, nhà thuốc, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao và các công trình hạ tầng thiết yếu khác...
tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm quan tâm, tạo điều kiện nâng cao đời sống CNLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.
Sau hơn 1 năm triển khai, tính đến cuối năm 2018, cả nước đã có tổng cộng 22 tỉnh thành có giới thiệu địa điểm đất, trong đó: Có 03 tỉnh xong thủ tục chuẩn bị đầu tư: Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang; Có 05 tỉnh đã có chủ trương đầu tư và đang lập quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500: Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Trà Vinh; Có 14 tỉnh, thành phố có giới thiệu sơ bộ về địa điểm, đang nghiên cứu nhu cầu để trình thủ tục xin chủ trương đầu tư của Tổng Liên đoàn: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Tuyên Quang, Vĩnh Long...[26]
Đến thời điểm hiện tại Tổng Liên đoàn đã phê duyệt chủ trương đầu tư của 08 dự án tại các tỉnh: Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Trà Vinh, Vĩnh Phúc. Các công trình – thiết chế này đang trong quá trình xây dựng và sẽ sớm đi vào vận hành. Góp phần cùng Nhà nước, xã hội và bản thân mỗi CNLĐ trong việc nỗ lực cải thiện điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Đó cũng là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và tổ chức đại diện của NLĐ – tổ chức Công đoàn.
TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Bài viết tại Hội thảo”Nơi ở CN KCN: Nhà ở, Sinh kế và Cộng đồng”, Hà Nội, 12/12/2018
Tài liệu tham khảo
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2018): Đề tài cấp Bộ “Giải pháp nâng cao phúc lợi cho đoàn viên và người lao động”.
2. Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2018): Báo cáo tình hình công nhân, lao động, cán bộ, công chức phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
3. Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tổng hợp một số kết quả khảo sát, điều tra công nhân – công đoàn – tiền lương từ năm 2007 đến nay.
4. Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng – Tổn cục Thống kê: Báo cáo số liệu lao động trong các loại hình doanh nghiệp 2013 – 2017 phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
[1]. Theo số liệu của Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê: Số CNLĐ cuối năm 2017 tăng 3,42 triệu người, tương đương tăng 29,8%, so với năm 2013. Trong đó: doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên là 1,24 triệu người (giảm … so với 2013), doanh nghiệp ngoài nhà nước là 9,06 triệu người (tăng….. % so với năm 2013), doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 4,58 triệu người (tăng.% so với 2013).
Cơ cấu lao động nền kinh tế năm 2017: dịch vụ chiếm 34,13%; công nghiệp, XD chiếm 26,12%; nông lâm thủy sản, chiếm 39,75%. Năm 2013 tỷ lệ tương ứng là: 32,0%; 21,2%, 46,8%
[2]. Theo báo cáo Bộ LĐTBXH, năm 2017, cả nước đã tuyển sinh mới khoảng 2,2 triệu người, trong đó cao đẳng, trung cấp nghề là 540 nghìn người; sơ cấp và đào tạo ghề dưới 3 tháng là 1.660 nghìn người. Có khoảng 600 nghìn lao động nông thôn và 20 nghìn người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng là 50%; vào cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 23%; học nghề tại trung tâm đào tạo nghề là 13%.
[3]. So với năm 2013, trình độ CNLĐ tốt nghiệp đại học trở lên tăng 2,6%; cao đẳng giảm 0,9%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 0,2%; có chứng chỉ nghề tăng 3,3%.
[4]. Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 16, quý 4 năm 2017 của Bộ LĐTB&XHvà Tổng cục Thống kê:đến hết quý 4/2017,cả nước có 12,02triệu người trong lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ,chiếm 21,8% lực lượng lao động, tăng nhẹso với cùng kỳ năm trước, trong đó: tỷ lệ lao động có trình độđại học trở lên là 9,74%; cao đẳng là3,44%; trung cấp là 5,23%; sơ cấp nghề là3,39%.
[5]. Khảo sát của TLĐ 2017: Năm 2017, có tới 77,3% CNLĐ có nhận thức tốt hơn về chính sách, pháp luật lao động, trên 83% CNLĐ đã có tiến bộ về tác phong công nghiệp, tính kỷ luật, tính tập thể và lối sống; 77,7% CNLĐ đã đáp ứng tốt công việc đảm nhận,v.v… Mặc dù vậy, vẫn còn19,7% CNLĐ trình độ, kỹ năng còn hạn chế; 14,8% CNLĐ chấp hành nội quy kỷ luật chưa tốt; 54,5% CNLĐ làm việc với tinh thần trách nhiệm còn hạn chế, v.v…
[6]. Xem bảng 2: Trong vòng 05 năm, hơn 2 triệu việc làm mới được tạo ra, trong đó, việc làm trong lĩnh vực thủ công, lắp ráp, vận hành máy móc, thiết bị tăng nhanh, chiếm trên 90% số việc làm được tạo ra.
[7]Bản tin cập nhật Thị trường lao động số 1 (quý I/2014) và số 16 (quý IV/2017) của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Năm 2013, có tới 80% nhu cầu tuyển dụng lao động là lao động phổ thông. Đến năm 2017, con số này là 67,7%.
[8]Khảo sát tiền lương, thu nhập của Viện CNCĐ các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017:
[9]. Khảo của Viện CNCĐ năm 2017: có 91,81% CNLĐ được ký hợp đồng lao động, trong đó có 5,4% hợp đồng ngắn hạn (thời hạn dưới 12 tháng); 31,1% có hợp đồng có thời hạn từ 12 – 36 tháng; 54,3% có hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Tỷ lệ NLĐ có hợp đồng lao động, tại doanh nghiệp nhà nước chiếm 97,9% (không xác định thời hạn là 62,01%); các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là: 92,0% (không xác định thời hạn là 37,3%); các doanh nghiệp dân doanh là: 80,37% (không xác định thời hạn là 47,3%).
[10]. Khảo của Viện CNCĐ năm 2017.
[11]. Khảo sát của Viện CNCĐ năm 2017: Chỉ có 51,3% CNLĐ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống;Vẫn còn 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0%cho biết thu nhập không đủ chi tiêu, phải làm thêm để cải thiện cuộc sống. Có 46,0% CNLĐ đang bức xúc vì tiền lương, thu nhập còn thấp so với công sức họ bỏ ra.
[12]. Mức lương tối thiểu trung bình của các vùng lương áp dụng năm 2013 là 1,975 triệu đồng/tháng, áp dụng năm 2018 là 3,342 triệu đồng/tháng.
[13]. Khảo sát của Viện CNCĐ năm 2017: Tiền lương và thu nhập của một bộ phận CNLĐ tại doanh nghiệp tăng (bình quân tăng 37,5% sau 05 năm), chỉ có có 20% CNLĐ (chủ yếu là cán bộ quản lý, công nhân tay nghềo cao…) có dư dật, tích lũy và khá hài lòng, an tâm với việc làm, cuộc sống hiện nay.
[14]. Khảo sát của Viện CNCĐ năm 2017.
[15]. Có 17,8% CNLĐ có ý định thay đổi công việc đang làm trong 03 năm tới.
[16]. Đài truyền hình Việt Nam: http://vtv.vn/linh-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan.html
[17]. Tỷ lệ biến động lao động cao nhất thuộc các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện – điện tử, dệt may, giày da, thủy sản, chế biến gỗ - nhiều nơi là 20 – 30%/năm.
[18]. Hiện có khoảng 2/3 số CNLĐ (tập trung ở hầu hết số lao động trực tiếp) chưa hài lòng với việc làm và cuộc sống hiện tại; Thậm chí có tới 1/3 CNLĐ có thái độ tiêu cực trong lối sống, suy nghĩ và hành động.
[19]. Khảo sát của Viện CNCĐ năm 2017: Hiện nay, bình quân độ tuổi của CNLĐ trực tiếp trong các doanh nghiệp chỉ là 31,2, trong đó CNLĐ: điện - điện tử là 26,9, dệt may giầy da là 29,5, chế biến – chế tạo là 30,9…; Thời gian trung bình CNLĐ trực tiếp làm cho doanh nghiệp chỉ là 6,7 năm.
[20]. Báo cáo của Bảo Hiểm xã hội Việt Nam năm 2017.
[21]. Khảo sát của Viện CNCĐ năm 2017: 18,7% CNLĐ bức xúc vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội; 16,4% CNLĐ bức xúc vì DN không chốt sổ bảo hiểm xã hội khi NLĐ nghỉ việc; gần 20% bức xúc vì thanh toán chế độ bảo hiểm chưa kịp thời; gần 50% NLĐ bức xúc vì mức hưởng chế độ bảo hiểm thấp; Đặc biệt, có tới 62 % CNLĐ bức xúc vì nâng số năm đóng bảo hiểm lên 5 năm (30 năm lên 35 đối với nam; 25 năm lên 30 năm đối với nữ).
[22]. Theo báo cáo bộ Y tế, hàng năm cả nước chỉ có khoảng 20% CNLĐ được khám sức khỏe, nên tình trạng bệnh nghề nghiệp khó kiểm soát. Trong đó, số người khám sức khỏe chuyên sâu chỉ 100 nghìn người, phát hiện trên 5 nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp.
[23]. Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TLÐ ngày 19/11/2012 của Ðoàn Chủ tịch TLĐLĐVN về việc thực hiện thống kê, báo cáo tai nạn lao động trong hệ thống công đoàn: Từ năm 2013 – 2017, cả nước đã thống kê được 34.501 vụ tai nạn lao động. Trung bình mỗi năm đã xảy ra gần 7.000 vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương trên 7.000 người, trong đó có 3.182 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 3.427 người chết.
[24]. Tổng hợp của Ban Quan hệ lao độngTLĐ: Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 68,74%: Trong số 1.115 cuộc, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc xảy ra 443 cuộc, chiếm 39,73%; Đài Loan xảy ra 300 cuộc, chiếm 26,91%; Nhật Bản xảy ra 71 cuộc, chiếm 6,37%; các nước khác xảy ra 302 cuộc, chiếm 27,09%; doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 30,83%; doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,43%. Đình công chủ yếu xảy ra trong ngành dệt may (41,3%), giày da (14,3%); nhưng phát triển thêm sang ngành chế biến gỗ (9,0%); ngành điện - điện tử giảm về tỷ lệ (5,43%). Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai là 03 địa phương có tỷ lệ CNLĐ đình công nhiều nhất, chiếm lầ lượt là 22,6%; 22,2%; và 10,0% – chiếm tới 75,9% tổng số cuộc đình công, ngừng việc tập thể trong cả nước.
[25]. Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
[26]. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2018): Kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ “Giải pháp nâng cao phúc lợi cho đoàn viên và người lao động”.
|
Cập nhật ( 11/02/2019 )
|
|