Tuần 33 - Ngày 17/03/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lý thuyết kiến trúc
Phát triển kiến trúc hiện đại Việt Nam ở Hà Nội |
10/09/2007 |
Trong bối cảnh phức tạp trên, may mắn chúng ta trong nhiều năm qua đã xác định được con đường xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là sự lựa chọn mang tầm thời đại.
Theo dòng đổi thay của trào lưu kiến trúc hiện đại quốc tếThế giới đã chứng kiến nhiều lần sự ra đời, phát triển và lụi tàn của các trào lưu và xu hướng kiến trúc, đồng hành với sự đổi thay của nhận thức thẩm mỹ trong văn học nghệ thuật. Khi nói xu hướng kiến trúc hiện đại, là chúng ta nói theo cách của người Phương Tây, ở đấy họ hiểu hiện đại là một quá trình chuyển đổi mang tính lịch sử diễn ra ở Châu Âu và Hoa Kỳ, gắn liền với những khái niệm về tự do dân chủ, nhân quyền và chủ nghĩa cá nhân... Dòng chảy của hiện đại mạnh mẽ trở thành một chủ nghĩa năng động và phổ biến. Mỗi trào lưu kiến trúc đều được hình thành từ trào lưu và phong cách trước đó, nhưng ý tưởng hình thành và sự phát triển của kiến trúc hiện đại thì có sự phong phú nổi bật. Đặc biệt, từ lúc người ta bắt đầu nhận thức được những hạn chế của kiến trúc hiện đại, rồi sự nhàm chán của phong cách quốc tế, cái khô khan của chủ nghĩa công năng thuần tuý. Kiến trúc hiện đại mà nguồn cảm hứng được phát triển trong một giai đoạn sôi động của sáng tạo nghệ thuật, dựa trên những định hướng sáng tạo, phong cách và thẩm mỹ Châu Âu, dần dần đã phải chịu sự lên án với những lời nặng nề như khô cứng và khổ hạnh, vô hồn và hình thức. Để đến ngày 15 tháng 7 năm 1972, kiến trúc hiện đại coi như được khai tử cùng với dự án phát triển khu nhà ở Pruitt-Igoe tại St.Louis mà trong đó không ít lý do quy kết thực sự là oan uổng. Để thêm phần kịch tính, Charles Jencks còn tuyên bố cả đến giờ và phút của ngày đáng nhớ đó và cũng là thời điểm của Kiến trúc hậu hiện đại ra đời, cùng với những diễn giải về triết lý đa nguyên, vị tha và nhân văn đầy hấp dẫn... Bản thân hậu hiện đại là một hiện tượng văn hoá toàn cầu; ngay từ tên gọi đã thể hiện tính chuyển động và mối quan hệ hợp tác giữa hiện đại và hậu hiện đại. Rồi lời nói không đi đôi với việc làm, kiến trúc hậu hiện đại nhanh chóng đã chết, không tức tưởi nhưng cũng đầy hổ thẹn. ở thời kỳ tiếp theo của Kiến trúc Hiện đại, ngoài Hậu hiện đại còn nổi lên các trào lưu mạnh mẽ như: Công nghệ cao, Giải toả kết cấu, Hiện đại mới..., mà cho đến nay thực sự đã cống hiến rất nhiều cho nghệ thuật kiến trúc thế giới. Như vậy, sự bắt đầu và phát triển của Kiến trúc hiện đại mang ý nghĩa vô cùng to lớn và lâu bền. Wiliam Lim nhận xét: “Điều mà những nhà lý luận kiến trúc không thể không thừa nhận là cho tới thời gian gần đây, chủ nghĩa hiện đại vẫn tồn tại như một sự chi phối và vận hành mọi sự tranh luận về kiến trúc và quy hoạch đô thị trên toàn thế giới...”.
 |
Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội
ở Việt Nam, sự phát triển của kiến trúc từ cuối thế kỷ XIX đến nay tuy không hoàn toàn theo những bước đi của kiến trúc Phương Tây, nhưng nói chung những định hướng từ bên ngoài đã tác động khá mạnh mẽ. Thoạt đầu là từ Trung Âu, Tây Âu và Hoa Kỳ, tới nửa cuối thế kỷ XX chúng ta có thêm Đông Âu xã hội chủ nghĩa. Chỉ riêng tại Hà Nội, các phong cách kiến trúc từ cổ điển cho tới hiện đại và sau hiện đại gần như đều được thể nghiệm và đón nhận, không ít còn giữ lại được cho tới hôm nay, mặc cho những khó khăn kéo dài và sự tàn phá của chiến tranh. Chúng ta đang sống ở một thời kỳ đầy biến động, thời kỳ của bùng nổ thông tin, thời kỳ đầy lo âu với hiện tượng toàn cầu hoá. Các nước đang phát triển, đang trải qua cơn khủng hoảng về bản sắc; đang phải hướng theo con đường xa rời bản sắc và phi lãnh thổ hoá, trong lúc các ranh giới về kinh tế xã hội cũng như biên giới quốc gia lại là những hiện hữu và mong muốn trường tồn. Và mọi người nhận ra rằng: Chính những tính chất địa phương, cái cốt lõi của bản sắc mới là điểm tựa an toàn cho những giá trị đạo đức và tinh thần của mỗi dân tộc. Kiến trúc hiện đại Việt Nam, con đường lựa chọn của chúng ta Trong bối cảnh phức tạp trên, may mắn chúng ta trong nhiều năm qua đã xác định được con đường xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là sự lựa chọn mang tầm thời đại. Kiến trúc hiện đại Việt Nam luôn cố gắng khai thác những đặc điểm thiên nhiên khí hậu cũng như tình cảm và quan niệm về cuộc sống của người Việt Nam; mà chúng ta gọi chung là bản sắc. Gạt bỏ những mặt tiêu cực, thói quen do nghèo hèn và dị đoan hằn sâu trong ký ức dân tộc, gạn lọc, tôn vinh những bản chất tích cực, những giá trị đạo đức lâu bền. Bản sắc trong kiến trúc mà ta đang nhìn nhận có một nửa thuộc về khách quan của địa lý, rất ít thay đổi, và nửa kia là những giá trị về tinh thần, những mong muốn được gìn giữ, có biến động qua sàng lọc lâu dài của cộng đồng. Mỗi quốc gia gìn giữ như thế nào bản sắc của dân tộc mình sẽ là tuỳ ở quan niệm và ý chí của quốc gia đó. Đây là một vấn đề khó, chẳng đơn giản như khi ta bắt chước cho giống nước ngoài không thôi. Xây dựng một nền kiến trúc hiện đại Việt Nam tiên tiến và bản sắc là con đường dài, nhiều chông gai. Hiểu và vận dụng hẳn phải cần thêm nhiều trao đổi và trải nghiệm, nhưng chắc chắn đây là một định hướng khoa học cho kiến trúc sư Việt Nam sáng tạo.
 |
Nhà học H2 - Đại học Xây dựng Hà NộI
Cụm từ hiện đại mà chúng ta đang tiếp cận rõ ràng không chỉ nói riêng về thời kỳ hiện đại và sau hiện đại với các xu hướng và phong cách đang phát triển cho tới gần đây, mà với một cách nhìn rộng hơn, cởi mở hơn, gần như tương ứng với sự nghiệp phát triển cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội trước đây và của công nghiệp hoá hiện đại hoá ngày nay. Chúng ta sẽ không đề cập nhiều tới trường phái này phong cách nọ mà chủ yếu nêu những thành tựu cũng như thực trạng, những mặt kìm hãm hoặc hời hợt với cuộc sống con người, gây hại với môi trường cảnh quan đô thị và sự phát triển bền vững. Nhận biết của chúng ta về hiện đại trong kiến trúc thường là ở sự khúc chiết, tinh lọc, cởi mở, coi trọng yêu cầu của công năng và của cuộc sống đương đại. Khối hình thay nhiều cho đường nét, khai thác cái đẹp bản chất của vật liệu tự nhiên và sử dụng rộng rãi các vật liệu nhân tạo, của thép và kính. Khai thác tính hợp lý và mới mẻ của kết cấu, của trang thiết bị, của hạ tầng kỹ thuật và chiếu sáng đô thị, tiên tiến trong thi công, bảo trì khai thác, hướng tới sự hài hoà với tự nhiên và phát triển bền vững... Hiện đại không đồng nghĩa với việc thay những công trình cũ bằng những công trình mới một cách máy móc. Bằng những giải pháp tiên tiến, làm cho những giá trị của cái cũ được bộc lộ, được trường tồn, được dễ tiếp cận và hài hoà bên cạnh những kiến trúc mới, đấy cũng chính là hiện đại. Có người cho rằng đã là kiến trúc hiện đại thì ít ra cũng phải là những công trình kiên cố không có những mái lợp bằng ngói. Có hẳn vậy không? Cảm hứng cho trào lưu hiện đại ra đời trước hết là những khái niệm về tự do và con người, thì sao nó không có thể là những mái ngói giản dị như Bảo tàng Găng - đi nổi tiếng của ấn Độ và của tất cả những kiến trúc mái dây căng, mái thổi bằng hơi, có lúc chỉ là dựng lên tạm thời. Cho đến bây giờ ấn tượng về hai công trình bán kiên cố của cố kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện là Nhà hát nhân dân Hà Nội và Hội trường lớn trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn luôn là những bài học về sáng tác theo tư duy của kiến trúc hiện đại khá mẫu mực. Chỉ là hai công trình bán kiến cố, xây rất gấp vào những ngày hoà bình đầu tiên sau cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1955 và 1956) nhưng lại có công suất sử dụng rất lớn. Đặc biệt, nhà hội trường xây dựng với vật liệu chủ yếu là gạch và gỗ hồng sắc, mái lợp ngói không trần, không có những trang trí đáng kể, ngoại trừ phần kết thúc của hai chiếc cột chính là đèn chiếu sáng, phía ngoài bọc đồng dập hình những chiếc lá a - kan. Công trình có sức chứa hơn 5000 người với tầm nhìn khá tốt. Có lẽ trước đó và sau này cũng sẽ không bao giờ có thể có một công trình như thế, tôi nghĩ đấy là một kỷ lục kiến trúc ở ta. Kiến trúc hiện đại Việt Nam cứ hình thành bằng những hình ảnh như vậy mà sự manh nha vốn đã có từ trước Cách mạng Tháng tám do người Pháp và những kiến trúc sư người Việt của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thực hiện vào cuối những năm 1920 đến 1940 như Nhà Bưu điện quốc tế, trụ sở hãng Shell, Ngân hàng Đông Dương và hàng loạt biệt thự ở 25 Phan Bội Châu, biệt thự số 6 và số10 Lê Hồng Phong, số 63 và số 65 Lý Thường Kiệt, 54 và 67 Nguyễn Du ... với các kiến trúc sư tên tuổi như Nguyễn Cao Luyện, Tạ Mỹ Duật, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thuỵ...Dòng kiến trúc hiện đại tiếp tục phát triển ở những giai đoạn tiếp theo cho đến sau ngày đất nước thống nhất, với các tác phẩm tiêu biểu như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Khoa học Việt Nam, Nhà khách Chính phủ, nhà Văn hoá thiếu nhi Hà Nội, Cung Văn hoá Lao động Việt Xô, Bệnh viện Nhi Trung ương, Khách sạn Thắng Lợi,... được thiết kế bởi các kiến trúc sư nước ngoài hoặc các kiến trúc sư trong nước. Cụm từ hiện đại ở ta, theo thói quen được hiểu hơi thiên về hình ảnh vật chất, biểu hiện ở sự mới mẻ, sự mở rộng các kích cỡ nhờ khả năng của kết cấu và vật liệu mới, có các trang thiết bị hoàn thiện và nội thất thời thượng. Tiếc thay, trước đây trong điều kiện của chiến tranh kéo dài, chúng ta buộc phải sử dụng những giải pháp chắp vá, thủ công; sắt thép chỉ được sử dụng ở mức tối thiểu. Kiến trúc Việt Nam sẽ không quên, đã có thời kỳ mà tất cả những lối vào bằng đường biển ở miền Bắc bị phong toả bằng thuỷ lôi dày đặc, sắt thép chỉ có thể dành cho những bộ phận và công trình thực cần thiết. Tác phong chiến tranh không phù hợp với những khe khắt của hoàn thiện, dần người thi công ngại cả làm những bộ phận công trình phẳng phiu, có góc cạnh kích cỡ tăm tắp. Đã có nhiều kiến trúc sư, đơn giản muốn có một mặt tường bằng phẳng, mà rồi chẳng dám vẽ, tốt hơn là ở giữa nên có chiếc cửa hay vài đường nét gì đó, cốt để làm xong có méo mó cũng còn dễ trông. Khỏi nói hoàn cảnh ấy tác động đến sáng tác như thế nào. Rất nhiều thành tựu và ứng dụng thế giới đã làm từ lâu, cả đến thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, mà ở miền Bắc gần đây mới bắt đầu thực hiện, đó là một thực tế mà chúng ta rất cần ghi nhận (1): Không riêng với nhiều thể loại công trình đã được xây dựng; kiến trúc hiện đại Việt Nam thực sự cũng đã là động lực cho sự phát triển của các lĩnh vực:
- Quy hoạch chung thành phố và các quy hoạch khu vực, các quy hoạch chi tiết.- Quy hoạch và thiết kế xây dựng các khu công nghiệp.- Quy hoạch và xây dựng nông thôn ngoại thành.
- Thiết kế và thể hiện kiến trúc nội ngoại thất, kiến trúc cảnh quan.
- Bảo tồn tôn tạo các di sản kiến trúc, khu phố cổ, khu phố cũ, các làng nghề truyền thống...
 |
Bưu điện Quốc tế Hà Nội
Kiến trúc hiện đại Việt Nam ở Hà Nội, từ thời kỳ mở cửa đến nay Sau nhiều năm khó khăn, sự nghiệp xây dựng và phát triển đô thị bắt đầu một thời kỳ mới. Vốn đầu tư tăng dần từ các nguồn trong nước, từ liên doanh hoặc từ nước ngoài. Lực lượng tư vấn thiết kế trong nước được tổ chức lại và trưởng thành. Sự góp sức của tư vấn thiết kế nước ngoài và Việt kiều ngày một mạnh mẽ. Một không khí sôi động lan toả đều khắp. Người ta bắt đầu dỡ bỏ những ngăn che tạm bợ, sửa sang và hoàn thiện nhà cửa trong các khu phố nội thành. Khu phố cũ hồi sinh, để lộ những giá trị kiến trúc vốn có. Nhà ở do dân tự xây bung ra đều khắp và tuỳ tiện, mọi người quay lưng lại với nhà chung cư, những khu ở xây dựng theo tư duy hiện đại nhưng các chỉ tiêu sử dụng hạn chế, lại không được đầu tư đồng bộ và thiếu sự chăm sóc quản lý. Người người đua nhau dàn ra mặt đường, hy vọng khá lên nhờ kinh doanh và dịch vụ, như một sự hưởng ứng với những khách sạn và văn phòng cho thuê cao tầng được mọc lên nơi nơi. Cho đến sau năm 1997, những Khu đô thị mới dần dần hình thành, bắt đầu một thời kỳ phát triển xây dựng nhà ở có đầu tư đồng bộ, ưu tiên cao tầng, một yêu cầu tất yếu của đô thị hoá nhanh chóng. Hà Nội trở thành một công trường lớn, bộ mặt thay đổi hàng ngày. Song mặt yếu của phát triển đô thị là không tạo nên được những tổng thể ổn định, hạn chế được những chắp vá, vụn vặt và tuỳ tiện. Các chủ đầu tư mới đua nhau làm đẹp công trình của mình bằng cách bắt chước những công trình đã xây trong quá khứ, không cần biết đến tính thời đại của kiến trúc, gây những lãng phí và tạo nên ô nhiễm mới cho đô thị. Những bất cập có nhiều và bức xúc, trách nhiệm là của nhiều ngành, nhiều người nhưng hàng đầu hẳn phải là những cơ quan quản lý. Không ít người luôn nói về công nghiệp hoá hiện đại hoá, tiên tiến và bản sắc, nhưng hành động của họ lại ít đồng hành với kiến trúc hiện đại Việt Nam. Nếu như trước đây, khi còn ở thời kỳ bao cấp, chúng ta có thể yên tâm với sự vững chắc đi lên của Kiến trúc hiện đại dù cho với rất nhiều khó khăn, thì giờ đây, đã sau nhiều năm đổi mới, ta lại thấy sức cản đối với Kiến trúc hiện đại Việt Nam cũng thực sự đang hiện diện đầy lo ngại. Mọi việc không thể chờ cho đến lúc mọi người tự nguyện từ bỏ sự manh mún, hoài cổ, ngoại lai, những kệch cỡm và thô thiển, trở về với trong sáng lành mạnh, cũng như chờ cho đến lúc thay đổi được những con người, những bộ máy quản lý mới. Đây là một trách nhiệm chung của bất kỳ ai quan tâm đến kiến trúc Hà Nội, văn hoá Hà Nội. Vượt qua sự lộn xộn và dồn ép của những mặt tiêu cực. Rất nhiều công trình kiến trúc đã được xây dựng với nhiều cố gắng của anh chị em kiến trúc sư. Công nghệ mới, cách suy nghĩ mới, vật liệu và trang thiết bị mới dần được sử dụng, phương tiện làm nghề và khả năng cập nhật thông tin đóng vai trò hỗ trợ vô cùng quan trọng. Chúng ta mong muốn sẽ nở rộ những phong cách khác nhau trong nền Kiến trúc hiện đại Việt Nam, những năm qua bước đầu đã bắt gặp không ít tác giả và tác phẩm đầy tâm huyết. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng những đánh giá mà Giải thưởng kiến trúc toàn quốc tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 1994 cũng giúp chúng ta hình dung về những công trình tiêu biểu, những tác phẩm của nền Kiến trúc hiện đại Việt Nam, trong lòng Thủ đô Hà Nội.
- Năm 1994:Khu nhà ở ngoại giao đoàn Vạn Phúc II (KTS Nguyễn Khôi Nguyên, KTS Trần Bình Trọng), Khách sạn Phương Đông (KTS Lê Văn Lân), Khách sạn Royal (KTS Võ Thành Lân), Nhà ở cơ quan UNDP (KTS Nguyễn Khôi Nguyên, KTS Trần Bình Trọng, KTS Phạm Gia Lộc), Mitsubishi Hà Nội (KTS Nguyễn Văn Hải), Vườn triển lãm Trà Hoa Viên (KTS Nguyễn Thanh Thuỷ).
- Năm 1996:Khách sạn Sofitel Metropole (KTS Remi Lopes, KTS Jean Paul Pinceloup, KTS Bemard Kirchhoff), Bảo tàng Phòng không Hà Nội (KTS Ngô Doãn Đức), Nhà điều hành Tổng Công ty thép Việt Nam (KTS Lê Quang Hải), Khách sạn De Syloia Hà Nội (KTS Nguyễn Trí Thành); Tu bổ tôn tạo khu di tích đền Sóc Hà Nội (KTS Lê Thành Vinh); Quy hoạch tôn tạo khu xung quanh Hồ Gươm (KTS Cao Xuân Hưởng, KTS Lê Hồng Kế), Chợ Đồng Xuân (Lê Văn Lân); Bảo tàng chiến thắng B52 Hà Nội ( KTS Trần Xuân Diễm, KTS Nguyễn Mạnh Hùng); Làng kiến trúc phong cảnh (KTS Nguyễn Thanh Thuỷ).
- Năm 1998:Trung tâm Hội nghị quốc tế (KTS Nguyễn Thúc Hoàng, KTS Đặng Kim Khôi và một số KTS Pháp); Làng văn hoá dân tộc Việt Nam Đồng Mô (KTS Nguyễn Ngọc Khôi, KTS Lê Trung Hải); Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (KTS Hà Đức Lịnh); Công ty Thông tin di động (VMS) (KTS Vũ Bình); Trụ sở công an Quận Hoàn Kiếm (KTS Nguyễn Trực Luyện, KTS Cao Xuân Hưởng). Mở rộng nâng cấp khách sạn Hà Nội (KTS Lê Văn Lân, KTS Nguyễn Phú Đức) Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại Nông nghiệp (KTS Vũ Hồng Hải, KTS Trịnh Cường, KTS Thu Hà); Khu nhà nghỉ Vàng (KTS Bùi Duy Nghĩa); Tu bổ cải tạo nâng cấp Nhà hát Lớn Hà Nội (KTS Hồ Thiệu Trị), Quy hoạch chi tiết khu dịch vụ và nhà ở Hồ Linh Đàm (KTS Đỗ Viết Chiến) Quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ thủ đô (KTS Hoàng Ngọc Hoa); Trung tâm giao dịch quốc tế Vinaconex (KTS Vũ Quý Hách), Nhà học H1 Học viện kỹ thuật quân sự (KTS Trần Thanh Bình), Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ (KTS Phan Đăng Sơn); Trụ sở Đoàn B16 (KTS Phan Đăng Sơn), Khách sạn Bảo Sơn (KTS Trịnh Hồng Đoàn), Làng Hữu nghị Hội Cựu chiến binh Việt Nam (KTS Nguyễn Thúc Hoàng). Trung tâm Báo chí và khách sạn (KTS Ngô Quang Sơn), Trung tâm Văn hoá quận Hai Bà Trưng (KTS Hoàng Minh Phái).
- Năm 2000:Hội Sở ngân hàng công thương Việt Nam (KTS Nguyễn Thúc Hoàng), Khu Thái học - Văn miếu Quốc tử Giám Hà Nội (KTS Lê Thành Vinh), Quy hoạch chi tiết khu Liên hiệp thể thao quốc gia (KTS Ngô Trung Hải, KTS Phan Thanh Mai); Nhà học H2, Đại học Xây dựng Hà Nội (KTS Nguyễn Mạnh Thu); Công viên nước Hà Tây (KTS Nguyễn Trần Lang), Khu mới Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (KTS Hà Đức Lịnh), Đại học Quốc gia Hà Nội (bước 1) (KTS Hà Đức Lịnh); Bảo tồn tôn tạo nhà cổ 38 Hàng Đào (KTS Tô Thị Toàn).
- Năm 2002:Nhà ga T1 Sân bay quốc tế Nội Bài (KTS Lương Anh Dũng, KTS Trần Hồng Linh), Các toà nhà: Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Viện lão khoa Việt Nam, khoa Dinh dưỡng, khoa Quốc tế (Bệnh viện Bạch Mai) (KTS Nguyễn Vũ Hưng); Quy hoạch chi tiết trục đường Láng Hạ, Thanh Xuân (KTS Ngô Thu Thanh, KTS Nguyễn Thanh Bình); Cải tạo nâng cấp thư viện quốc gia (KTS Nguyễn Hải); Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (KTS Claude Cuvelier, KTS Đào Đức Bẩy, KTS Vũ Hữu Trác); Biệt thự trong khu đô thị mới Định Công (KTS Đoàn Kỳ Thanh), Nhà A1 Làng sinh viên Hacinco (KTS Dương Đức Tuấn, KTS Trần Tường), Nhà A1 khu di dân Vĩnh Phúc (KTS Trần Nam Trung).
- Năm 2004:Nhà ở gia đình vùng giáp ranh (KTS Đoàn Kỳ Thanh); Trung tâm thương mại dịch vụ Vincom (KTS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trần Đức Toàn, Cao Việt Dũng); Quy hoạch chi thiết khu đô thị mới Việt Hưng (KTS Lê Đức Thắng) - Tổ hợp nhà tiêu chuẩn cao (KTS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Lê Huy, Đổng Tiến Đạt, Đỗ Hoàng Vân).
KTS. Lê Văn Lân
Ghi chú:
(1) Ghi nhận về những ứng dụng mở đầu tại Hà Nội:
- Phòng họp 1200 chỗ xây kiên cố đầu tiên: Trường Đảng Nguyễn ái Quốc (1960).
- Tiểu khu nhà ở được xây dựng đầu tiên: Kim Liên (1961).
- Nhà có sàn lắp bằng tấm panen hộp đầu tiên: Trụ sở Bộ Kiến trúc, Vân Hồ (1961)
- Nhà ở lắp bằng tấm lớn nhẹ thí điểm: Khu nhà ở Tương Mai, Yên Lãng (1969).- Nhà ở lắp ghép tấm lớn đầu tiên: Khu ở Trung Tự (1972).
- Công trình lắp đặt thang máy đầu tiên: Nhà văn hoá thiếu nhi Hà Nội (1975)- Công trình lắp đặt thang cuốn đầu tiên: Chợ Đồng Xuân (1994)
- Nhà ở lắp ghép tấm lớn cao 11 tầng đầu tiên : Giảng Võ - Hà Nội (1980 sau chữa thành khách sạn)- Khách sạn cao 18 tầng đầu tiên: Khách sạn Hà Nội (1996)
- Bức tranh gốm lớn cho mặt ngoài công trình đầu tiên: Nhà văn hoá thiếu nhi Hà Nội (1975).
- Mái giàn không gian lớn cho công trình đầu tiên: Nhà ga T1 Hàng không Nội Bài (2000)
- Nhà chung cư cao cấp đầu tiên: Khu ở ngoại giao đoàn Vạn Phúc (1993)- Chung cư cao tầng đầu tiên: Khu ở Linh Đàm (1998)
- Ngôi nhà trong phố cổ được tôn tạo đầu tiên: nhà 87 Mã Mây (1999)
|
|
Cập nhật ( 08/10/2014 )
|
|