Một thành phố thật lạ lùng về quy hoạch cũng như cảnh quan. Bốn mặt là sông nước, bên phải là nước, bên trái cũng là nước và sau lưng, trước mặt, bên trên cũng là nước!
|
Vẫn là nhà liền kề, nhà phố nhưng nhờ có luật quy hoạch, thành phố vẫn đẹp và hài hòa |
|
Hoa tulip - hình ảnh quen thuộc của Hà Lan |
Amsterdam có những thứ mà thế giới không có! Cả thiên đàng lẫn địa ngục. Vào thành phố, chúng tôi như lọt giữa một ma trận, không sao tìm được một điểm nhấn để từ đó định hướng và hình dung được điểm khởi đầu và kết thúc. Đi qua một khu vực bốn bề sông nước cứ ngỡ sẽ quay lại chiếc cầu cũ để qua lại bờ bên này nhưng lại lọt vào một vùng đảo khác với một bờ bên kia. Một thành phố thật lạ lùng về quy hoạch cũng như cảnh quan.
Bốn mặt là sông nước, bên phải là nước, bên trái cũng là nước và sau lưng, trước mặt, bên trên cũng là nước! Sống chung với nước. Không lạ gì khi người dân nơi đây đã biết phát triển giao thương, công nghiệp đóng tàu, bảo trì, sửa chữa vào bậc nhất thế giới và làm bàn đạp cho các ngành khác phát triển như gang thép, cơ khí, điện tử, in ấn, xuất bản, gia công kim cương, may mặc và nhất là ngành du lịch và xây đê điều, đập nước.
Cũng có một miền Tây Nam bộ với một đồng bằng sông Cửu Long cùng sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhưng Việt Nam dường như vẫn thiếu một quy hoạch tổng thể về giao thông và một chiến lược phát triển cho công nghiệp đóng tàu và các dịch vụ đi kèm, và cái thiếu ấy không khỏi ảnh hưởng đến sự tăng tốc của vùng đất này. Đã qua thế kỷ 21 mà người dân nơi đây vẫn “tắc ráng, vỏ lãi” là phương tiện chuyên chở chủ yếu từ bao đời.
Con tôm, con cá và mảnh ruộng có thể nuôi sống người dân, nhưng muốn bứt phá lên ở tầm cao thì đồng bằng sông Cửu Long có thể lấy Amsterdam làm khuôn mẫu để có một “Venise của Việt Nam”.
Là thành phố cảng lớn thứ hai của Hà Lan, một trong những cảng hàng hóa trung chuyển quốc tế của vùng Trung Âu, Amsterdam hiện là thủ đô của Hà Lan (cơ quan chính phủ ở Copenhagen) do vừa gần cửa sông Amsterdam và hồ Izsselmeer, lại có nhiều thuận lợi về đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Tàu bè qua lại trên kênh đào Amsterdam và hồ Izsselmeer hơn 100.000 chuyến mỗi năm.
|
Khu trung tâm lịch sử Amsterdam |
|
Sông là đường, nhà là phố |
|
... Đường bộ và đường sông vẫn giao nhau với tĩnh không thấp, nhờ những chiếc cầu đóng mở đơn giản, nhẹ nhàng... |
Một thành phố lạ lùng về địa thế với địa chất do trầm tích của Thiên niên kỷ thứ IV tạo thành, nhưng lại thấp hơn mặt biển một mét. Amsterdam xưa là một làng chài, đất thấp nên lũ lụt triền miên. Năm 1270, người ta xây dựng một con đê ngăn lũ có tên là Amsterdam. Từ đó, tên con đê cũng là tên của thành phố và thủ đô.
Cuối thời trung đại, thương mại phát triển phồn thịnh với các nước dọc bên bờ Địa Trung Hải và biển Baltic. Hạm đội và thương thuyền của Hà Lan đã theo chân các đòan quân đi xâm chiếm nhiều thuộc địa đến những vùng đất xa xôi để vơ vét tài nguyên, nông sản đem về trao đổi mua bán, tạo cho Amsterdam trở thành một thương cảng quan trọng và sầm uất của châu Âu.
Thời bấy giờ tức vào năm 1623, để rộng đường thông thương và sử dụng các con sông hiệu quả, Hà Lan đã phát triển một mạng lưới kênh rạch khổng lồ kéo theo các công trình được xây dựng dọc theo các con sông, các đầu mối kênh đào, hình thành nên một thành phố hình cung như hiện nay. Kênh đầu tiên ăn thông với Biển Bắc (North Sea) được khởi công xây dựng từ năm 1865 và đến năm 1876 thì hoàn thành.
Năm 1962, kênh đào Amsterdam - Rhein được hoàn thành, từ đó các con kênh phụ được đào để nối với kênh chính, hình thành hơn 90 khu đảo nối liền bằng 600 cây cầu theo đủ loại phong cách kiến trúc. Chính vì thế, Amsterdam được mệnh danh là “Venise phương Bắc”.
Tuy không ở vào một vị trí “đắc địa” cho việc xây dựng một thủ đô lâu dài, nhưng trải qua hàng thế kỷ, được các cư dân nơi đây bồi đắp mỗi ngày, Amsterdam hôm nay đã là một trong những thành phố nổi tiếng thế giới về văn hóa nghệ thuật và khoa học. Khu thành cổ ở cửa sông Amsterdam trở thành trung tâm thành phố với 40% kiến trúc là di tích thời trung đại, những lâu đài cổ vẫn đẹp và hoành tráng như ngày nào, nhất là tòa nhà hội đồng thành phố nay là hoàng cung.
Thành phố mở rộng về phía nam và phía Đông bằng các kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn giữ được đặc trưng chung của một thành phố cổ kính. Trong 100 năm qua Amsterdam vẫn không ngừng phát triển với những khu ở mới, những đô thị mới như Blauw Zand có 804 ngôi nhà độc lập (1931), khu Buikslotredam có 1397 ngôi nhà cho công nhân xưởng đóng tàu, đô thị vệ tinh Nieuwerdammerham có 2142 đơn nguyên nhà liên kế và 330 nhà biệt thự, như đô thị tự trị Mercatorplein được xây dựng khá đồng bộ giữa một cánh đồng trồng trọt.
Các khu đô thị này có chiều cao trung bình 7 tầng trở lại với vật liệu cùng màu sắc khá hài hoà và vẫn còn giữ được nét duyên dáng đến ngày nay. Đến thăm những đô thị nhỏ này, thật dễ cảm nhận được sự gắn kết công đồng khá cao của các cư dân nơi đây: từng nhóm nhà có sân trong chung, nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng sôi nổi trong ngày nghỉ lễ. Những không gian mở đó thường cũng nằm dọc theo kênh rạch, người ta ngồi bên dòng kênh ngâm thơ, đọc sách, ca hát và….yêu nhau.
“Nertheland” là “vùng đất trũng” hay “vùng đất thấp”, bởi thủ đô Amsterdam chỉ cao hơn mặt biển 0,7m, có những nơi thấp hơn.“Thượng đế tạo ra biển, người Hà Lan tạo ra đất liền”. Họ đã tự hào thốt lên như vậy. Cối xay gió, một phát minh của thế kỷ 15 của nhân loại, bây giờ là biểu tượng thanh bình của người Hà Lan trong những lễ hội truyền thống hàng năm và được giữ gìn như vị thần bảo hộ. Ở miền quê trên những ruộng đồng, cối xay gió mọc lên trông nên thơ và hiên ngang bên những dòng kênh xanh với những kiểu dáng đẹp lạ của nhiều thế hệ xây dựng. Amsterdam đã từng bị biển cả đe dọa xoá sổ trong suốt thời kỳ thành lập.
Thế kỷ 13 trận lụt lớn đã biến 4000km2 ruộng đồng thành biển cả, đến năm 1916 nước biển đã nhấn chìm cả thủ đô. Cuộc chiến đấu sinh tồn và hòa hợp thiên nhiên đã được người Hà Lan thực hiện trong suốt những thế kỷ tồn tại. Zuinderzee con đê chắn Biển Bắc độc đáo và lớn nhất thế giới được thực hiện trong suốt 5 năm (1927 – 1932) dài 30 km, rộng 90m cao hơn mặt biển 7m với hai miệng cống, biến một vùng rộng lớn thành đồng ruộng với năm vùng canh tác, lập được 12 thành phố “biến thương hải thành trung điền”.
|
Quy hoạch khu ở với luật lệ rõ ràng, từng ô phố, vách mặt tiền đường, màu sắc, lộ giới đường, sông... Nhà cao tầng không có đất sống ở đây! |
Công việc cải tạo đất lấn biển được tiến hành kỹ lưỡng: thoạt tiên, người ta hút cạn nước biển, cho máy bay gieo hạt trồng cỏ lác và lau sậy. Sau đó, người ta đốt lau sậy, lấy tro cải tạo đất qua vài lần để không còn độ mặn, phèn. Khi cát biển đã trở thành đất thịt, họ mới tiến hành xây dựng thành phố và trồng trọt…
Cũng là lấn biển để xây đô thị mới, nhưng đô thị lấn biển Rạch Giá ở Kiên Giang hiện đang bị lún nước, sụt lở nghiêm trọng vì người ta đã quá nóng vội mở rộng đất để kinh doanh địa ốc, điều này đang dự báo những nguy cơ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Ở Khánh Hòa, Nha Trang, người ta đang san lấp, lấn biển để biến cả một vùng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp trở thành tài sản riêng của những công ty địa ốc.
Họ dành cho những đại gia mới nổi những miếng đất sát biển với du thuyền, bãi biển riêng, những resort thượng lưu cao cấp, án ngữ cả một vùng biển của hàng triệu người dân sinh sống lâu đời - san lấp vội vã, xử lý chất thải bỏ ngỏ?
Sẽ ra sao trong tương lai gần đối với vùng biển xinh đẹp, hài hòa này? Câu trả lời vẫn còn phía trước. TP.HCM cũng có dự án lấn biển ở Cần Giờ. Công việc này quả không đơn giản bởi người Hà Lan đã mất 50 năm để có được một vùng đất màu mỡ, trong khi đó Cần Giờ là một vùng đất ngập mặn được bảo vệ bởi rừng sinh thái. Là nơi chứa đựng nước thải của nhiều thành phố ở thượng nguồn, vùng này thấp hơn 80 so với thượng nguồn, nếu xây kè lấn biển sẽ phát sinh nhiều hệ quả mà chúng ta chưa lường hết được!
|
Góc phố đầy kỷ niệm của chuyến lữ hành |
|
Bảo tàng Rijks |
|
Bảo tàng Nemo |
|
Khách sạn Amstel nằm ngay bên kênh đào |
Năm 1953, sóng biển lại tràn vào phía Tây Nam Hà Lan, 200.000km đất bị nhấn chìm, hàng ngàn người chết, Hà Lan lại tiếp tục dự án lấn biển gọi là “công trình tam giác chân”. Với việc xây mới con đê ở nơi hợp lưu của các con sông đổ ra biển là sông Rhin, Maast, Shieder – một hệ thống phức hợp trị thủy vĩ đại, Amsterdam đã làm nên một thành tựu to lớn, tạo thêm được 20% diện tích lãnh thổ. Họ vẫn tiếp tục xây dựng những con đê khác bởi như họ nói “Đất nước tôi vì tương lai mà tồn tại, vì tương lai mà xây dựng “.
Đến thăm những vùng đất này trước kia từng bị nước biển tràn ngập, chúng tôi như bị xâm chiếm bởi một cảm giác choáng ngợp trước một kỳ công do con người tạo nên. Họ đã làm được những điều từng là không thể. Ý chí sinh tồn của một dân tộc còn mãnh liệt hơn cả sóng thần!
Amsterdam còn nổi tiếng cộng đồng châu Âu về một khu vực tự do nằm giữa một ốc đảo nhỏ, chung quanh là các dòng kênh tuyệt đẹp với những cây cầu đá bắc qua. Ở đây ma túy, thuốc lắc, rượu mạnh được bày bán tự do, các “nàng Kiều” từ khắp thế giới tụ hội về. Đường phố và các chi tiết nhà cửa, trụ đèn đều mang hình dáng của “linga” và “yoni”. Dòng người từ khắp nơi trên thế giới cứ lũ lượt băng qua các cây cầu đá đông như trẩy hội ! Nhiều gia đình vợ chồng con cái cùng dắt díu nhau vào nhìn các cửa hàng chuyên bán dụng cụ phòng the hay tò mò dừng chân bước vào những studio chỉ toàn là phim ảnh của người lớn.
Thành phố tự do này hoạt động 24/24, với các tủ kính chuyên trưng bày những “manequin” bằng xương bằng thịt!
|
Tòa nhà chứng khoán cũ của Amsterdam |
|
Bảo tàng Anne Frank - thu hút hàng trệu khaách du lịch mỗi năm |
|
Cung điện Hoàng gia và quản trường Dam |
Thế nhưng, có điều lạ là dân số Amsterdam ngày càng giảm (mỗi năm giảm xuống 10.000 người). Vì kinh tế ngành nghề thay đổi? Vì tự do quá trớn? Vì một điều gì khác nữa? Chỉ biết rằng dân Amsterdam ngày càng không thích lập gia đình sớm và có con. Thành phố tuyệt đẹp nhưng vắng hẳn tiếng vui đùa của trẻ nhỏ.
Chúng tôi gặp một gia đình người Việt mở quán ăn tại đây. Anh chị người miền Nam qua đây học đóng tàu rồi quyết định ở lại, thu nhập chính là một quán ăn bình dân này. Người vợ giải thích: ngoài giờ làm ở công sở, anh chị cũng tất bật với quán ăn này, con cái là một gánh nặng mà mọi người ở đây không muốn nghĩ tới….
Các nhà khí hậu, thủy văn dự báo việc tan băng ở Bắc Cực và bầu khí quyển nóng lên sẽ dẫn đến việc mực nước biển ở các Đại dương sẽ dâng cao từ 9 - 88cm! Làm thế nào cứu thành phố không chìm trong nước biển trong 100 năm tới đang là một đề tài nan giải ở Amsterdam.
Trên thế giới đã từng có nhiều thành phố bị nhận chìm dưới nước biển như thành phố huyền thoại Atlantis, hoặc Venise của Ý đang có nguy cơ bị xóa sổ trong vòng 100 năm nữa. Dự án MOSE với chi phí khoảng 1 tỉ euro đã được thực hiện từ tháng 5 năm 2003 bằng việc xây dựng những chiếc cầu di động có khả năng ngăn thủy triều không xâm hại thành phố. Người ta đang đề xuất một dự án khổng lồ, táo bạo và tốn kém hơn là bơm khí CO2 hay nước biển xuống đáy thành phố để nhấc toàn bộ hòn đảo này lên cao thêm vài cm! Mọi nỗ lực để cứu thành phố đang được xúc tiến.
Lang thang khắp các thành phố, đôi chân rệu rã, tôi ngồi bên dòng kênh nhìn những chiếc thuyền nho nhỏ lướt qua. Những khuôn mặt rạng rỡ của những con người hạnh phúc, an bình cũng lướt qua nhanh. Tôi bỗng nhớ đến mùa nước nổi ở đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền trong lúc ở vùng hạ lưu sông Cửu Long nước ngập mênh mông và bàng bạc thanh bình với dòng phù sa, mùa cá tôm, mùa đánh bắt rắn, lươn, chuột đồng, cua đồng, cá linh…
Vào những ngày nước nổi ấy, tôi theo chân lão Bốn với cô Tư “mặt ngọc” đi “làm mùng”. Cái mùng nilon được kéo lên thả xuống là những chú cá linh, cá lòng tong nhảy lượn choi choi mang sắc bạc của vũ điệu đồng bằng. Cô Tư dùng cái “vá” vớt lấy vớt để, đầy ắp. Tôi thích được bồng bềnh trên chiếc “vỏ lãi”, móc cơm vào lườn, thả chạm mặt nước, ngồi câu.
Một chú cá mập ú cuộn mình nằm gọn trong cái nồi nước lúc này đang sôi cùng với lá giang, hành, tỏi…. Rượu gạo Gò Đen nhậu với cá Linh nấu chua, chiên giòn giữa mênh mông biển nước, hải sản miền Tây Nam Bộ, ôi sao đã thiệt! Lão Bốn đã ngoài sáu mươi vẫn làm ruộng, nuôi bốn đứa con ăn học ở Sài Gòn, còn cô Tư ở lại giúp cha mà lang thang trên chiếc vỏ lãi mùa nước nổi. Mỗi dịp rảnh rỗi tôi lại thích về với lão loanh quanh về tận Cà Mau, Rạch Gía, Long Xuyên lên Cần Thơ ghé chợ nổi Cái Răng, qua Phong Điền, ngã bảy Phụng Hiệp…
Dù đã lang thang khá nhiều nơi trên thế giới, nhưng không đâu bằng không khí ấm áp, đậm tình người ở những cái chợ nổi miền Tây Nam Bộ. Hàng ngàn ghe thuyền, vỏ lãi, ca nô ngược xuôi tấp nập hàng hóa, sản vật không thiếu thứ gì, nơi họp chợ, trao đổi mua bán hàng hoá, nơi giúp nhau miếng bánh, lọ muối, ly rượu bao bọc cho biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh của trẻ lang thang, của tuổi xế chiều cô đơn, của những mối tình sông nước. Tôi thích làm một ly “xây chừng” nóng hổi mỗi buổi chiều ghé lại, lão Bốn bán cá, cô Tư đi chợ!
Ngồi một mình nơi đầu mũi, lắng nghe thanh âm của chợ nổi. “Vé số chiều xổ, nguyên cặp đâyyyy”, “ bánh bao đặc biệt…”, “kem Sài Gòn vừa mút vừa nhai nè”, bánh tiêu, bánh Dầu Châu, quẩy vừa thổi vừa ăn nè…”.
Những thanh âm í ới chào hỏi, những tiếng bốc vác trao đổi hàng hóa. tiếng mái chèo bì bõm. Tràn ngập thanh âm, khướu giác, vị giác là một cảnh quan tạo ra cái hồn sông nước đẹp như trong tranh không nơi nào có. Cô Tư kêu ghé quán bán hủ tíu nấu cho mỗi người một tô. Ngồi húp xì xụp nóng hổi, cay xè với những miếng lát ớt mỏng, những cọng giá mập ú dòn tan, những ánh mắt, nụ cười người miền sông nước.
Chợ nổi Phụng Hiệp với một bước xuống thuyền, hai bước lên ghe. Những ngôi nhà sàn, bám mặt sông làm kế sinh nhai, chứa nông sản, tôm cá, chiếc võng đung đưa bên giọng ca vọng cổ văng vẳng, tạo nên bản sắc độc đáo. Tôi mong vùng này được nhà nước quan tâm với một quy hoạch đặc thù: nơi nào dành cho những ngôi nhà sàn lắp ghép đầy đủ tiện nghi, giá rẻ…. nơi nào cho phép họp chợ trên sông, nơi nào để dành cảnh quan công viên đôi bờ, nơi nào phát triển thành khu công nghiệp, phố xá, thành thị.
|
Tháp Montelbaans |
Một buổi chiều, chúng tôi đến thăm khu phố cổ của thành phố, một khu phố Hà Lan điển hình màu đỏ bordeau với cối xay gió nổi tiếng cùng vài anh bạn kiến trúc sư trong đoàn. Một nữ cảnh sát du lịch Hà Lan xinh đẹp cho biết thành phố đã có lực lượng cảnh sát du lịch để hỗ trợ du khách, để tránh mọi phiền toái xảy ra. Với nụ cười trên môi, cô hướng dẫn chúng tôi đến nơi cần và không quên hẹn ngày trở lại mà còn tặng chúng tôi một tấm bản đồ thành phố và cuốn cẩm nang du lịch.
Chúng tôi vào một quán bar như hàng trăm quán bar, cà phê ở Việt Nam. Nhưng ở đây thay vì hỏi khách uống gì, ông chủ quán lại hỏi khách dùng cái gì với một tập album dày cộm trong đó giới thiệu cần sa, thuốc phiện, heroin, thuốc lắc cùng vô vàn những thứ kích thích khác! Tôi được nghe kể ở Amsterdam việc bán ma túy, cần sa và mãi dâm được công khai và tập trung, đã có một cuộc chiến tranh thật sự giữa chính quyền và xã hội “Manequin” bằng xương bằng thịt ở Amsterdam
Khu “đèn đỏ”, một đặc sản của Amsterdam đen khi thế lực ngầm này tổ chức công khai một câu lạc bộ mang tên “Thiên sứ và địa ngục” và nó có chi nhánh khắp nơi như Anh, Bỉ, Đức, Pháp, Đông Âu và cả Nga… với biểu tượng là chiếc jacket da in hàng chữ: “Thiên sứ - Địa ngục”. Cuộc chiến dai dẳng và phức tạp này chẳng đến đâu, dường như hai bên đã có một thoả thuận nào đó và ngừng chiến, không còn bắt bớ khủng bố, không còn đấu súng và thanh trừng giữa các băng đảng, tất cả mọi chuyện được thực hiện với một trật tự đến lạ lùng!
Nhưng phía sau của thiên sứ ấy là quỉ dữ! Phía sau của sự êm đềm, thanh bình là sóng thần và bão táp! Phía sau sự thánh thiện bao giờ cũng có sự tối tăm! Thành phố của tự do, của cám dỗ, của cảnh quan thiên nhiên kết hợp nét tài hoa của con người lại là cơn sóng ngầm của ma túy, những thân phận phụ nữ bị mua bán, vùi dập được che đậy tinh vi đàng sau những mỹ từ…
Amsterdam có những thứ mà thế giới không có! Cả thiên đàng lẫn địa ngục. Tôi mong sẽ có dịp quay lại để thử lý giải những điều lạ lùng đó!!!.
Theo KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG - Lang Thang Phố Thị
|