Tóm tắt
Đặc trưng đô thị và nét hấp dẫn của Khu phố cổ Hà Nội đang bị suy giảm nghiêm trọng dưới các áp lực phát triển mới, sự thay đổi phong cách sống và quá trình gia tăng dân số. Sự suy giảm nét hấp dẫn cảnh quan Khu phố cổ Hà Nội đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc đánh giá thực trạng cảnh cảnh quan, đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp môi trường cảnh quan của khu vực đồng thời khôi phục các đặc trưng văn hóa, truyền thống vốn làm nên bản sắc riêng của KPC. Phương pháp có sự tham gia của cộng đồng đã được áp dụng trong nghiên cứu thí điểm “ Cải thiện và khôi phục cảnh quan tuyến phố Hang Buồm” trong khuôn khổ dự án thí điểm “ Phát triển bền vững khu phố cổ Hàn Nội” thuộc chương trình “ Quy hoạch tổng thể thành phố Hà Nội đến năm 2020- HAIDEP” do JICA tài trợ. Thông qua nghiên cứu này, tác giả muốn kiểm chứng phương pháp luậnvề lý thuyết áp dụng trong thực tiễn cũng như rút ra bài họckinh nghiệm cho việc áp dụng phương pháp có sự tham gia trong việc quy hoạch cải tạo môi trường cảnh quan đô thị tại Việt Nam.
Summary
The townscape attractiveness of Hanoi Ancient Quarter(AQ) is damaged considerably by the impact of new development, the change of lifestyle and the over-growth of population. The degradation of AQ’s townscape is requiring a demand for re-assessing current situation of townscape, proposals for improving townscape environment of the area while revitalizing the unique characteristics of the AQ. In the pilot research of “ Improving Hang Buom street’s townscape which is in the extent of pilot project of “ Sustainable Development of Hanoi Ancient Quarter” supported by JICA, the method of Community Participatory is applied. By this research, the author would like to examine and test research’s methodology, research’s outputs and find out a lesson- learned for applying this method of Community Participatory in planning and improving the urban townscape in Vietnam.
Có thể nói, nét hấp dẫn của không gian đô thị chủ yếu được tạo nên bởi cảnh quan của các tuyến phố và các hoạt động tại không gian đường phố. Đúng như Jane Jacob đã nhận xét, hình ảnh về những con phố luôn là những hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm thức khi nghĩ về một thành phố.
Think of a city and what comes to mind? Its streets. (Jacobs, 1961, p39)
Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với Khu phố cổ Hà Nội (KPC), nơi thể hiện rõ nhất nét hấp dẫn cảnh quan đô thị thông qua đặc trưng của mỗi tuyến phố, không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử và các hoạt động thương mại sầm uất. Tuy nhiên, đặc trưng đô thị và nét hấp dẫn của Khu phố cổ đang bị suy giảm nghiêm trọng dưới các áp lực phát triển mới, sự thay đổi phong cách sống và quá trình gia tăng dân số.
Các biểu hiện của sự suy giảm này có thể nhận thấy thông qua sự lộn xộn của mặt đứng tuyến phố, nhiều công trình tôn giáo có giá trị văn hóa lịch sử bị xâm hại và xuống cấp. Hơn thế nữa, môi trường trong KPC đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi tiếng ồn, khói bụi, mùi cống rãnh và rác thải… do các áp lực phát triển đô thị và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, KPC cũng đang chịu sự tác động của các áp lực thương mại khác (như các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng ở bên ngoài) đối với đặc trưng đô thị và bầu không khí của khu vực. Vai trò thương mại cũng là một trong những lý do lôi cuốn và tạo nên đặc trưng của môi trường khu vực nhưng cũng gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cảnh quan KPC. Theo điều tra Hộ gia đình tiến hành năm 2005 với 750 hộ dân trong KPC, 34,6% số người dân trong KPC cho rằng sự thay đổi của cảnh quan trong khu vực là xấu đi so với 5 năm trước đây.
Sự suy giảm nét hấp dẫn cảnh quan Khu phố cổ Hà Nội đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc đánh giá thực trạng cảnh cảnh quan, đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp môi trường cảnh quan của khu vực đồng thời khôi phục các đặc trưng văn hóa, truyền thống vốn làm nên bản sắc riêng của KPC.Để đánh giá thực trạng cảnh quan khu vực có thể tiến hành bằng nhiều phương pháp với những công cụ khác nhau. Có thể thông qua việc nghiên cứu, đánh giá chủ quan của các nhà chuyên môn (nhà quy hoạch đô thị, nhà nghiên cứu đô thị, chuyên gia kiến trúc cảnh quan, kỹ sư môi trường,v..v) dựa trên việc phân tích các kết quả nghiên cứu, khảo sát. Đây là phương pháp mà chúng ta vẫn đang sử dụng. Phương pháp thứ hai hiện nay đang được áp dụng phổ biến trên thể giới, đặc biệt tại các nước đã phát triển như Canada, Mỹ, Úc, Anh… là phương pháp đánh giá thực trạng cảnh quan khu vực có sự tham gia của cộng đồng. Việc cộng đồng nhận thức như thế nào về cảnh quan khu vực họ đang ở sẽ quyết định đến việc cảnh quan đó có được chăm sóc và gìn giữ hay không. Theo Aprodicio Laquian, “…nếu chỉ có những nhà quy hoạch chuyên môn tiến hành các khảo sát, nghiên cứu và sử dụng những kết quả nghiên cứu này để đề xuất chiến lược giải pháp cho việc quy hoạch cải tạo thì chưa đủ và không sát thực với những yêu cầu mong muốn mà người dân cho là cần thiết. Cách tốt nhất là đảm bảo sự tham gia trực tiếp của người dân vào quá trình quy hoạch, đánh giá.”
Như vậy, có thể khẳng định rằng phương pháp có sự tham gia của cộng đồng trong việc đánh giá thực trạng cảnh quan khu vực là phương pháp có nhiều ưu điểm so với phương pháp thông thường mà chúng ta đang áp dụng.
Khái niệm về sự tham gia của cộng đồng : Sự tham gia của cộng đồng là một quá trình mà Chính phủ và cộng đồng cùng nhận một số trách nhiệm cụ thể và tiến hành các hoạt động chung để cung cấp dịch vụ đô thị cho tất cả các cộng đồng.
Hay có thể hiểu: Sự tham gia của cộng đồng là một quá trình trong đó các nhóm dân cư của cộng đồng tác động vào quá trình đánh giá, quy hoạch, thực hiện, quản lý sử dụng hoặc duy trì một dịch vụ, trang thiết bị hay phạm vi hoạt động.Yếu tố quan trọng nhất của sự tham gia của cộng đồng là đảm bảo đảm cho những người chịu ảnh hưởng của dự án được tham gia vào quyền quyết định dự án.
Các yếu tố cần thiết cho sự tham gia của cộng đồng : Để tiến hành được việc quy hoạch cải tạo với sự tham gia của cộng đồng, yếu tố cần thiết hàng đầu đó là sự nỗ lực tham gia của người dân . Người dân phải thể hiện tính tự chủ tối đa và nỗ lực để cải thiện điều kiện sống và môi trường nơi họ đang ở. Ngoài ra, cần tồn tại các nguồn lực của cộng đồng: tiền, sức lao động, kiến thức, kỹ năng, sự lãnh đạo, hệ thống tổ chức xã hội trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự trợ giúp về kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ của Chính phủ hoặc các tổ chức nào đó để khuyến khích óc sáng tạo, sự giúp đỡ lẫn nhau và tính tự lực của cộng đồng.
Phương pháp đánh giá có sự tham gia của cộng đồng
Phương pháp đánh giá có sự tham gia của cộng đồng (Participatory Rapid Appraisal- goi tắt là PRA) là phương pháp mà thực chất của nó là hệ thống tiếp cận, vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng tham gia vào quá trình đánh giá thực trạng của mình và cộng đồng mình nhằm mục tiêu phát triển cộng đồng. Đối với phương pháp này, các công cụ đơn giản, gần gũi với người dân và kỹ năng trao đổi được phát huy để tăng tính hiệu quả, thu hút được sự tham gia của người dân khu vực trong quá trình phát triển cộng đồng. Đây là một phương thức giúp cho sự phát triển bền vững , gắn kết giữa cộng đồng ( sức mạnh nội lực ) và những sự hỗ trợ từ bên ngoại ( sức mạnh ngoại lực), tăng tính khả thi và tăng chất lượng, số lượng các hoạt động phát triển cộng đồng
Áp dụng phương pháp đánh giá có sự tham gia của cộng đồng vào việc đánh giá, cải tạo cảnh quan tuyến phố Hàng Buồm và đề xuất các chiến lược, kế hoạch hành động nhằm cải thiện và khôi phục cảnh quan tuyến phố.
Phố Hàng Buồm là một trong những tuyến phố thương mại sầm uất nhất của KPC Hà Nội. Nhắc đến phố Hàng Buồm, người Hà Nội liên tưởng ngay đến hình ảnh tuyến phố chuyên doanh bánh kẹo, rượu bia ngoại và các loại hình ẩm thực đặc sắc như thịt lợn quay, vịt quay, bít tết.v.v. Phố Hàng Buồm còn là điểm đến của khách du lịch với di tích lịch sử quốc gia Đền Bạch Mã, một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long.Thêm vào đó, kiến trúc mặt đứng phố Hàng Buồm vẫn đâu đây phảng phất nét kiến trúc pha trộn phong cách kiến trúc Trung Hoa hiển hiện qua hình thức kiến trúc của một số công trình cổ có niên đại gần 100 năm và các ngôi nhà cổ, nhà cũ trên tuyến phố như: Hội quán Trung Hoa 22 Hàng Buồm, ngôi nhà cổ 60, 96, 98 Hàng Buồm, nhà 53, 57 Hàng Buồm v.v. Bề dày lịch sử và sự đan xem của các lớp văn hóa, kiến trúc, xã hội đã tạo cho phố Hàng Buồm một môi trường cảnh quan đặc trưng, có những nét riêng so với các tuyến phố khác của KPC.Tuy nhiên, cảnh quan phố Hàng Buồm hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đứng tuyến phố lộn xộn, nhiều ngôi nhà cổ đã biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng với hình thức lai căng thiếu thẩm mỹ, nhiều công trình di tích lịch sử bị hư hại, không gian đô thị bị ô nhiễm, bản sắc tuyến phố suy giảm v.v.
Với những đặc điểm nêu trên, phố Hàng Buồm đã được dự án thí điểm “ Phát triển bền vững Khu Phố Cổ Hà Nội” lựa chọn là tuyến phố thí điểm cho việc tiến hành đánh giá, khảo sát để đề xuất các mục tiêu, chiến lược phát triển tuyến phố và tiến hành thí điểm một số hoạt động cụ thể nhằm kiểm chứng hiệu quả của phương pháp có sự tham gia trong việc quy hoạch cải thiện cảnh quan khu vực.
Mục tiêu của đánh giá
- Nhằm xác định các giá trị vật thể và phi vật thể được coi là các giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc riêng của tuyến phố Hàng Buồm, các giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị này một cách hợp lý trong quá trình phát triển hiện tại và tương lai của tuyến phố.
- Đánh giá thực trạng những vấn đề liên quan đến sự suy giảm cảnh quan tuyến phố, suy giảm tính thu hút và hấp dẫn của tuyến phố.
- Đưa ra hình ảnh mong muốn trong tương lai của tuyến phố. Đề xuất được một số yêu cầu và giải pháp về cảnh quan của tuyến phố trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài
Cách thức tiến hành
1) Ban dự án lập đề cương chi tiết hướng dẫn đánh giá thực trạng tuyến phố và xác định các mục tiêu để xây dựng chiến lược phát triển tuyến phố
2) Họp với UBND Phường, thông qua mục đích dự án và yêu cầu hỗ trợ của cơ quan quản lý địa phương.
3)Thành lập nhóm đánh giá cảnh quan, bao gồm các đối tượng tham gia sau : Nhóm hướng dẫn (3 người): bao gồm các cán bộ tư vấn của dự án va cán bộ địa chính của phường.Nhóm nòng cốt (3 người) : trong đó có tổ trưởng dân phố, 1 đại diện là cán bộ lớn tuổi, am hiểu về lịch sử, am hiểu về cộng đồng. Đại diện người dân (5 người) bao gồm các thành phần khác nhau : cán bộ hưu trí, người làm ăn buôn bán, công nhân, sinh viên...
4) Nhóm cán bộ nòng cốt và đại diện người dân sau khi đã được lựa chọn tham gia trao đổi và chia sẻ về phương pháp đánh giá có sự tham gia của cộng đồng. Tập huấn cho nhóm nòng cốt các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tham gia vào dự án (2 ngày liên tục)
5) Tổ chức cuộc họp toàn thể cộng đồng lần 1: giới thiệu về dự án (kết hợp với phát thanh Phường)
6) Tiến hành đánh giá thực trạng: chia nhóm theo chủ đề như Cảnh quan, Giao thông, Nhà ở. Mỗi chủ đề sẽ có 1 số thành viên nhóm nòng cốt và các cư dân khác, có sự hộ trợ của các cán bộ chuyên môn và cán bộ Phường
7) Phân tích – Tìm giải pháp - Lựa chọn hoạt động ưu tiên: nhóm cộng đồng, CB Phường, CB chuyên môn
8) Tổ chức cuộc họp toàn thể cộng đồng lần 2: giới thiệu kết quả và các hoạt động ưu tiên, kế hoạch huy động nguồn lực
Các công cụ sử dụng trong phương pháp đánh giá có sự tham gia của cộng đồng
Trong trường hợp nghiên cứu thí điểm tại phố Hàng Buồm, có 05 loại công cụ khác nhau đã được sử dụng, bao gồm :
Công cụ 1 : Thu thập các tài liệu đã có, các đánh giá đã tiến hành về cảnh quan tuyến phố Hàng Buồm, các tài liệu liên quan đến các chủ trương, chính sách của địa phương và việc thực hiện chủ trương đó liên quan đến những nội dung về cảnh quan, môi trường mà phương pháp PRA đã lựa chọn
Công cụ 2: Thảo luận - họp
|
Đây là công cụ không thể thiếu trong phương pháp có sự tham gia. Các cuộc họp, thảo luận thường được tổ chức nhiều lần trong 1 dự án nhằm trao đổi, thống nhất, đồng thuận và đi đến quyết định. Để các cuộc họp được hiệu quả, cần phải xác định rất rõ Mục đích, Nội dung, Thời gian của từng cuộc họp. Ơ đây, khâu chuẩn bị là hết sức quan trọng.
|
Công cụ 3: Quan sát trực tiếp như: Dạo quanh tuyến phố, quan sát và ghi nhận những vấn đề liên quan đến cảnh quan tuyến phố. Mục đích của công cụ này :Thông qua đi dạo dọc tuyến phố, người cộng đồng sẽ giúp nhóm công tác bước đầu hiểu được về các yếu tố có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến cảnh quan.Bước đầu sẽ tạo ra sự đồng cảm, hiểu biết lẫn nhau và là cơ sở để những ngày sau đó cả hai bên ( tư vấn và người dân) cùng tiến hành những hoạt động cụ thể tại cộng đồng thuận lợi và hiệu quả.
Công cụ 4 :Vẽ bản đồ, đánh dấu các thông tin, các yếu tố tác động đến cảnh quan tuyến phố lên bản đồ.
|
Đây là công cụ giúp chúng ta thấy một cách tổng quát thực trạng các vấn đề, các tiềm lực, là công cụ hữu ích đề trao đổi, thảo luận các nội dung một cách có hệ thống nhất. |
Công cụ 5: Sử dụng các công cụ dùng để xếp hạng, như: Xếp hạng ưu tiên, xếp hạng theo tầm quan trọng nhằm xác định những vấn đề bất cập, mong muốn bức tranh phố cổ trong tương lai, giải pháp để đạt được mục tiêu (giải pháp kỹ thuật, giải pháp tài chính, thể chế) Tiến hành cho điểm để xếp hạng ưu tiên.
Sau khi tiến hành các công cụ nêu trên, nhóm đánh giá đã xác định được 5 vấn đề nổi cộm nhất, liên quan đến sự suy giảm cảnh quan kiến trúc, bao gồm: Hình thức kiến trúc mặt đứng tuyến phố lộn xộn, thiếu hệ thống thùng rác công cộng thu gom rác thải trên tuyến phố, vỉa hè chật chội, bị lấn chiếm, hệ thống đường dây diện chằng chịt, mất mỹ quan tuyến phố, hệ thống cống hở gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan tuyến phố.
Các vấn đề đã được xem xét kỹ lưỡng, đề xuất các giải pháp rât cụ thể để khắc phục các vấn đề đã nêu ra theo từng giai đoạn, đồng thời đề xuất vai trò của các bên liên quan trong việc tham gia cũng như đóng góp về mặt tài chính.Trong khuôn khổ thời gian 01 tháng và nguồn kinh phí cho phép, nhóm nòng cốt đã đề xuất 3 hoạt động cụ thể để cải thiện cảnh quan tuyến phố Hàng Buồm, đó là :
1. Lắp đặt đồng bộ hệ thống mái hiên di động nhằm cải thiện cảnh quan tuyến phố
2. Bố trí hệ thống thùng rác công cộng cố định trên tuyến phố và bổ sung thiết bị cho việc thu gom rác thải của khu vực
3. Thu nhỏ các biển hiệu, biển quảng cáo với kích thước quá lớn, hình thức xấu, đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người dân để làm cảnh quan tuyến phố thêm đẹp
Các hoạt động khác như chỉnh trang lớp lát vỉa hè, cải tạo mặt đứng một số ngôi nhà cổ cũ nát, ngầm hóa hệ thống cống hở, ngầm hóa đường dây điện,v.v. cũng đều được đề xuất trong quy hoạch hành động cho tuyến phố trong tương lai.
Hoạt động triển khai “Lắp đặt đồng bộ hệ thống mái hiên di động” trên tuyến phố Hàng Buồm
Trình tự tiến hành: Nhóm nòng cốt triển khai điều tra nhanh ý kiến người dân về việc “Lắp đặt đồng bộ hệ thống mái hiên di động” và khả năng chi trả. Kết quả thu được là 96% số người dân được phỏng vấn đồng ý với việc lắp đặt đồng bộ về màu sắc, kiểu dáng, độ cao cho mái hiên di động. Bên cạnh đó, UBND Phường tiến hành gửi thông báo về hoạt động đến từng hộ gia đình và đến dự trong buổi họp dân để bàn về việc triển khai và đóng góp kinh phí. Nhóm nòng cốt và cán bộ Phường đã tổ chức họp dân để thông qua về mục đích, ý nghĩa của việc làm này. Giới thiệu với người dân những hình ảnh mô phỏng cảnh quan tuyến phố được cải thiện khi làm mới mái hiên di động đồng bộ. Lấy ý kiến thống nhất về việc đóng góp tài chính và thời điểm tiến hành. Người dân tự nguyện đóng góp 40% kinh phí lắp đặt. Sau đó, nhóm nòng cốt chịu trách nhiệm vận động người dân làm mái hiên và thu 40% kinh phí, phần còn lại do thành phố và các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
|
|
Hiện trạng Hàng Buồm trước khi lắp đặt mái hiên di động |
Hình ảnh tuyến phố Hàng Buồm sau khi khi lắp đặt đồng bộ mái hiên di động |
Kết quả đạt được: Sau 25 ngày tiến hành thay bạt, lắp đặt đồng bộ mái hiên di động trên đoạn phố thí điểm từ ngã tư Hàng Đường – Hàng Buồm tới ngã tư Hàng Giầy, bộ mặt một đoạn phố đã được cải thiện đáng kể so với thời gian trước rất nhếch nhác và sập xệ. Người dân và chính quyền rất hân hoan trước kết quả này. Điều này chứng tỏ trong tương lai, việc cải tạo, thâm chí tái hiện lại mặt đứng tuyến phố là hoàn toàn khả thi và có sự hợp tác về tài chính của người dân nếu có sự tuyên truyền và vận động người dân đúng đắn và có hiệu quả.
Bài học kinh nghiệm: Điều quan trọng nhất là phải giúp người dân thấy được lợi ích của hoạt động này đối với cuộc sống của họ (Ví dụ : giúp cho việc cải thiện cảnh quan, thu hút khách hàng, giúp cho việc kinh doanh tốt hơn, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng) và vận động họ tham gia vào hoạt động với sự ủng hộ cao. Bên cạnh đó, cần thảo luận dân chủ để đề ra một mức đóng góp phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Thực tế, người dân đủ khả năng đóng góp để thực hiện những hoạt động tương tự. Tổ trưởng tổ dân phố, đại diện của Phường có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục người dân hưởng ứng hoạt động và cam kết đóng góp về tài chính, hỗ trợ về nhân lực để triển khai dự án. Tuy nhiên, chính quyền Phường phải tích cực tham gia hơn nữa trong các hoạt động cộng đồng mới có thể đạt được hiệu quả cao cho các hoạt động này.
Kết luận chung: Thông qua nghiên cứu thí điểm về đánh giá thực trạng tuyến phố Hàng Buồm (với đánh giá thực trạng cảnh quan tuyến phố là một hợp phần trong dự án) áp dụng phương pháp có sự tham gia của cộng đồng, kết quả thu được rất khả quan. Người dân cùng với ban cố vấn của dự án đã đưa ra một viễn cảnh phát triển tuyến phố trong tương lai, đồng thời đề xuất chiến lược phát triển cho tuyến phố tới 2020, cụ thể là các chiến lược về bảo tồn các giá trị văn hóa cốt lõi, định hướng phát triển kinh tế cho tuyến phố và cải thiện cảnh quan, điều kiện sống cho người dân.
Đi kèm theo đó là đề xuất các hoạt động cụ thể trong khoảng thời gian xác định và các hoạt động trong tương lai. Đã tổ chức thành công “Tuần lễ sự kiến tuyến phố” diễn ra từ 18/6 –26/6/2006 với sự tham gia đông đảo của người dân. Dự án cũng đưa ra được 1 tài liệu hướng dẫn (guidebook) cho việc đánh giá có sự tham gia của cộng đồng. Ban cố vấn dự án và cơ quan quản lý địa phương đã có được những kinh nghiệm bổ ích trong phương pháp thu hút sự đóng góp tài chính từ phía người dân.
Tuy nhiên, khi đối chiếu các hoạt động thực tiễn tiến hành với lý thuyết, có thể rút ra một số nhận xét như sau : Người dân chưa thật chủ động, tự chủ (do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan) trong việc tham gia đề xuất, giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến điều kiện sống và môi trường cảnh quan khu vực họ ở.
Người dân ( đặc biệt là các hộ dân sống tại mặt tiền trong KPC) hoàn toàn có khả năng đóng góp về mặt tài chính trong những hoạt động chỉnh trang, cải thiện cảnh quan khu phố nơi họ sống, kinh doanh và buôn bán. Điều quan trọng ở đây là làm thế nào để người dân nhận thức được vấn đề và vận động được họ đóng góp nhân lực, vật lực cho các hoạt động này.
Ngoài ra, nguồn kinh phí từ Chính phủ hoặc các cơ quan quản lý địa phương cho việc cải thiện cảnh quan khu phố là rât eo hẹp, thậm chí là tại các cơ quan quản lý địa phương( Phường) hầu như không có kinh phí cho những hoạt động cải tạo, khôi phục cảnh quan khu vực. Trong khi đó, theo lý thuyết thì Chính phủ cần hỗ trợ về tài chính cho những hoạt động có sự tham gia của cộng đồng và vì cộng đồng. Một điều rất quan trọng là cần phải đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền địa phương trong việc cùng nhau cải tạo, khôi phục, gìn giữ nét hấp dẫn của cảnh quan khu phố, đặc biệt là KPC Hà Nội.
Những người đại diện cho cộng đồng như tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, cán bộ hội phụ nữ, hội cựu chiến binh , trưởng số nhà là những người có vai trò rất quan trọng trong việc vận người dân tham gia các hoạt động cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khi áp dụng phương pháp có sự tham gia, cần phát huy tối đa vai trò của những người dân nòng cốt này.Thông qua nghiên cứu thí điểm tại tuyến phố Hàng Buồm, dự án đã đưa ra các khuyến nghị về cơ chế thực hiện và giám sát dựa trên sự tham gia và các bên liên quan trong việc bảo tồn và phát triển khu phố cổ trong tương lai cũng như đề xuất áp dụng phương pháp có sự tham gia cộng đồng cho việc quy hoạch cải tạo cảnh quan các khu vực đô thị nói chung để làm cho hình ảnh các đô thi Việt Nam ngày cành đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
Tài liệu tham khảo:1. Aprodicio Laquian.1998. “Mô hình và các công cụ quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng”, Dự án quốc gia VIE/95/050 Nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý đô thị tại thành phố Hà Nội.
2. Jane Jacobs. 1961. "The Death and Life of Great American Cities"
3. TSKH Bạch Quốc Khang. 2004.”Sổ tay hướng dẫn xây dựng phát triển làng nghề sử dụng phương pháp có sự tham gia của cộng đồng”, Nhà xuất bản nông nghiệp.
4. Các số liệu điều tra Hộ gia đình trong khu phố cổ Hà Nội , tiến hành năm 2005 do JICA tài trợ
(ThS. KTS. Tạ Quỳnh Hoa - Baì đăng trên Tạp chí Kiến trúc – số 139, vol 11. Hà Nộii ,2006) |