Tuần 34 - Ngày 25/03/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Thiết kế đô thị
Hình thái, kiến trúc cảnh quan đô thị dưới góc nhìn kinh tế đô thị |
06/03/2015 |

Để quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị gắn liền với kinh tế đô thị tạo thành hình thái đặc trưng đô thị góp phần phát triển đô thị bền vững hơn cần có cách nhìn đa chiều, liên ngành để đặt vấn đề, nhận thức về kiến trúc cảnh quan đô thị gắn liền với hoạt động kinh tế đô thị, đưa ra các mô hình quy hoạch phù hợp hơn và các thể chế, quản lý khai thác linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu biến động kinh tế xã hội đô thị trong tương lai.
Hình thái đô thị được hiểu là hình thức phản ánh cấu trúc của đô thị. Kiến trúc cảnh quan đô thị được hiểu là không gian trống giữa các công trình kiến trúc, là phong cảnh tự nhiên, cây xanh, mặt nước,… có sự phản ánh của con người. Mối liên hệ giữa hình thái đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị có sự mật thiết và tương trợ lẫn nhau. Cả hai thành phần này đều đóng góp cho việc nhìn nhận, đánh giá và phản ánh quá trình hình thành, phát triển đô thị.
Hình thái đô thị có thể được nhận diện là yếu tố kiến trúc cảnh quan nổi bật, đặc trưng nhất của đô thị. Kiến trúc cảnh quan đô thị có thể là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn phương án quy hoạch, là trọng tâm của sự hình thành, nhận diện hình thái đô thị bên cạnh các yếu tố khác như : chức năng, giao thông, hình thức,…




Kiến trúc cảnh quan đô thị thành phố Paris, Pháp
Kiến trúc cảnh quan đô thị có thể hình thành từ trước khi phát triển đô thị mới (từ khi lập phương án quy hoạch) tới khi hoàn thành các khu vực đô thị mới, nhưng hình thái đô thị chỉ nhận diện được khi đô thị đã cơ bản hoàn thành và đang quản lý, khai thác.
Các yếu tố chính của kiến trúc cảnh quan đô thị trở thành hình thái đô thị có thể là: công viên, cây xanh, mặt nước, giao thông, không gian trống giữa các công trình kiến trúc, phong cảnh tự nhiên được giữ lại trong phương án quy hoạch,…có quy mô lớn, có tính lặp lại, phổ quát, tính nhận diện trực quan, dễ dàng và độc đáo, riêng có.
Nhìn nhận hình thái, kiến trúc cảnh quan đô thị dưới góc độ kinh tế đô thị góp phần làm rõ quá trình nhận biết, xây dựng, hiện thực không gian kiến trúc cảnh quan đô thị từ bản vẽ quy hoạch đô thị ra thực tế trong trường hợp kiến trúc cảnh quan đô thị là yếu tố chính để nhận diện hình thái đô thị; Kiến trúc cảnh quan đô thị là không gian để các hoạt động kinh tế đô thị phù hợp diễn ra.
Trong thực tế thì việc chuyển từ đồ án quy hoạch xây dựng đô thị sang dự án, hiện thực các quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị là một quá trình kéo dài, có sự biến động lớn và nhiều khi rất khó khăn. Kiến trúc cảnh quan điển hình như các công viên cây xanh cần nhiều nguồn lực để chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ nông nghiệp, đô thị sang đất công viên cây xanh như: nguồn kinh phí lớn giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng hạ tầng lớn; thời gian thi công xây dựng kéo dài; đòi hỏi sự đồng bộ về thiết kế, quản lý, khai thác,…và thường không đem lại nhiều lợi ích kinh tế trực tiếp từ chính chức năng công viên.
Hình thái đô thị Hà Nội có đặc trưng là kiến trúc cảnh quan đô thị với rất nhiều hồ nước, gắn với không gian công viên cây xanh, gắn với chức năng hạ tầng đô thị nhưng ngày càng khó khăn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển bởi nhiều yếu tố như: quy hoạch, quy mô đất đai, nguồn vốn đầu tư, quản lý, khai thác,… và quan trọng là không gắn kết hoặc liên hệ rất yếu với các hoạt động kinh tế đô thị. Rất nhiều hồ, công viên cây xanh ở Hà Nội bị lấn chiếm, biến thành nơi đổ rác, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường,…, hạn chế giá trị của đất đai, hạn chế hoạt động của con người, hạn chế các hoạt động kinh tế có lợi ích cộng đồng và sự phát triển bền vững của đô thị.


Kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội
Quy hoạch xây dựng đô thị có thể có 2 cách tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan là: dựa vào không gian tự nhiên và dựa vào không gian nhân tạo. Tuy nhiên việc hiện thực hóa các không gian kiến trúc cảnh quan đô thị từ bản vẽ quy hoạch đô thị cần phải gắn liền với việc ai sẽ đầu tư xây dựng, ai sẽ quản lý, khai thác và ai sẽ hưởng thụ không gian này. Các không gian kiến trúc cảnh quan này không chỉ đóng vai trò cải thiện tiện nghi môi trường sống của người dân, thẩm mỹ đô thị mà còn phải đóng vai trò là không gian cho các hoạt động kinh tế đô thị diễn ra thì dự án kiến trúc cảnh quan đô thị mới khả thi và có hiệu quả.


Kiến trúc cảnh quan đô thị nhân tạo
Kiến trúc cảnh quan góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên đô thị, tiết kiệm và tái tạo năng lượng; thích ứng với biến đổi khí hậu; tái tạo lịch sử, văn hóa,..là nền tảng đánh giá khảo sát hiện trạng, tiền đề cho việc lựa chọn vị trí phát triển đô thị, lựa chọn các phương án quy hoạch đô thị mới phù hợp với vị trí, kết nối các vùng miền lân cận để đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn,…Ví dụ như các khu đô thị du lịch, khu đô thị sinh thái, khu đô thị ven biển, khu đô thị nghỉ dưỡng,..


Hình ảnh kiến trúc cảnh quan của các khu đô thị mới, khu du lịch
Quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị nhìn từ hướng kinh tế đô thị là tạo không gian làm tăng khả năng tái tạo sức lao động của thị dân; cân bằng cuộc sống giữa vật chất, tinh thần;.. tạo môi trường để con người giao tiếp, kết nối, phát triển văn hóa, kinh tế vào những thời gian trống giữa các thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Ví dụ như cảnh quan công viên, cây xanh, mặt nước, không gian công cộng,… có thể trở thành các khu vui chơi giải trí, các hoạt động dịch vụ thể dục thể thao, dịch vụ du lịch, văn hóa, biểu diễn, nghệ thuật, triển lãm,..làm tăng hiệu quả tăng trưởng kinh tế xã hội đô thị.


Hình ảnh kiến trúc cảnh quan công viên, khu vui chơi giải trí
Kiến trúc cảnh quan đóng vai trò giảm chi phí xã hội, chi phí ô nhiễm môi trường, là 1 thành phần hạ tầng đô thị hỗ trợ sự phát triển chức năng khác của đô thị,…Kiến trúc cảnh quan đóng vai trò là 1 “tài sản” của đô thị bởi nó có giá trị kinh tế tự thân, tạo sự ảnh hưởng tới các giá trị khu vực chức năng đô thị xung quanh,.. Các công trình bên cạnh hồ, công viên đẹp có giá trị bất động sản rất cao, cao hơn hẳn các khu vực khác không có cảnh quan đẹp bằng.
Đồng thời không gian cảnh quan là thành phần quan trọng để nhận diện hình thái đô thị, thương hiệu đô thị, góp phần phát triển kinh tế du lịch,… Ví dụ: Dubai từ một nơi không có cảnh quan tự nhiên hấp dẫn đã sáng tạo nên các kiến trúc cảnh quan đô thị nhân tạo để góp phần tăng phát triển kinh tế đô thị: làm tăng giá trị bất động sản, tăng giá trị kinh tế du lịch, hấp dẫn du khách, phát triển các ngành kinh tế khác, thu hút các nguồn lực từ khắp thế giới đổ về,…
Có thể nói chính hoạt động kinh tế đô thị là một yếu tố quan trọng, quyết định phương pháp tổ chức quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan và tạo lập hình thái đô thị.




Kiến trúc cảnh quan đô thị tại Dubai- yếu tố quan trọng thu hút các nguồn lực phát triển
Kiến trúc cảnh quan chính là không gian tạo lập môi trường hoạt động nghỉ ngơi, phát triển kinh tế du lịch, kinh tế bất động sản, tạo môi trường học tập, nghiên cứu sáng tạo, bảo tồn… và chính gắn với các hoạt động kinh tế đó mới phát triển được kiến trúc cảnh quan đô thị. Hoạt động kinh tế trong không gian kiến trúc cảnh quan có tĩnh, có động nhưng phải đồng thời đem lại lợi ích tổng thể xã hội, lợi ích nhà quản lý và lợi ích của nhà đầu tư.
Khi xác định rõ vai trò, giá trị và cách thức xây dựng, đầu tư, quản lý, khai thác các không gian kiến trúc cảnh quan như hình thái đô thị gắn kết hoạt động kinh tế đô thị sẽ giúp cho nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư cùng tham gia quy hoạch, đầu tư, giữ gìn, bảo tồn, phát triển, tái phát triển các không gian đó phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội địa phương và tổng thể đô thị.


Kiến trúc cảnh quan đô thị phải gắn kết với hoạt động kinh tế đô thị, môi trường và văn hóa
Như vậy để việc gắn liền các hoạt động kinh tế đô thị với các giải pháp quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị từng địa phương như tận dụng lợi thế địa thế, địa hình địa phương làm nền tảng để phát triển kiến trúc cảnh quan tự nhiên đồng thời phải tìm được các hoạt động kinh tế đô thị địa phương mang tính riêng có như: hoạt động văn hóa dân gian, dân tộc địa phương riêng có; hoạt động văn hóa du lịch tâm linh; hoạt động kinh tế làng nghề gắn với tổ chức lễ hội;…sẽ làm nên bản sắc đặc trưng của hình thái, kiến trúc cảnh quan từng khu vực cụ thể một cách chủ động và liên tục phát triển; đồng thời sẽ tạo sức sống, tăng tính khả thi, huy động nhiều nguồn lực tham gia xây dựng, quản lý các dự án quy hoạch kiến trúc cảnh quan có hiệu quả hơn, gắn liền với thực tế hơn.
Trở lại với Hà Nội thì những con đường, dòng sông, những hàng cây, những hồ nước, những mái đình,… đã đi vào thi ca, vào các hoạt động văn hóa tâm linh, du lịch, vào văn hóa lối sống người Hà Nội và cả du khách,.. đó là những giá trị vật thể và phi vật thể tạo nên bản sắc hình thái, kiến trúc cảnh quan của Hà Nội. Tuy nhiên với sự mở rộng đô thị Hà Nội cũ với Hà Tây đã đặt hình thái, kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội mang tầm vóc mới, rộng lớn hơn nhưng nhận diện cũng khó khăn hơn.
Có lẽ “Hành lang xanh” trong quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 sẽ phải đặt mình trong sứ mệnh làm yếu tố đặc trưng, bản sắc hình thái, kiến trúc cảnh quan của Thủ đô trong tương lai. Nơi đây sẽ không chỉ là yếu tố “công viên cây xanh” bình thường mà là nơi những hoạt động kinh tế đô thị theo hướng “xanh”, “ tăng trưởng xanh”, “đô thị sinh thái’, “kiến trúc xanh”, phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và quan trọng nhất phải là nơi chứa đựng những hoạt động kinh tế văn hóa đô thị truyền thống đặc trưng như lễ hội, như làng nghề, như du lịch tâm linh, lịch sử, vui chơi giải trí mang tính sinh thái, dịch vụ nghiên cứu, công nghệ cao, thúc đẩy tiến bộ xã hội …của vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả nước; tạo điều kiện thúc đẩy sự giao lưu hội nhập, liên kết, thu hút nguồn lực, du khách quốc tế và bên ngoài. Nếu được như vậy thì Hành lang xanh sẽ có tính khả thi cao hơn, phát triển bền vững hơn và sẽ làm nên sự khác biệt của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến so với thế giới.


"Hành lang xanh" phải trở thành các không gian kiến trúc cảnh quan gắn với hoạt động kinh tế theo hướng sinh thái và phát triển bền vững
NCS. KTS. Lê Xuân Trường , ĐHXD, Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 1+2/2015) |
Cập nhật ( 06/03/2015 )
|
|