Tuần 33 - Ngày 17/03/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Quy hoạch đô thị
Tạo đột phá phát triển bằng "Cực đô thị kinh tế biển” |
30/05/2020 |
Kinh tế đô thị Việt Nam chủ yếu dựa vào thừa kế của tiền nhân từ hàng trăm năm trước, là 2 cực đô thị Hà Nội và Sài Gòn (TP HCM). Cần có tư duy mới, giải pháp mới để kiến tạo các cực đô thị kinh tế biển, thay thế cách thức chỉ tập trung phát triển tại 2 cực đô thị hiện hữu.
Thiếu mô hình phát triển đô thị phù hợp với giai đoạn mới
Từ khi thống nhất đất nước, năm 1975, đến nay đã 45 năm, Việt Nam vẫn là quốc gia thuộc Nhóm nước đang phát triển. Đặc trưng của nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên giản đơn, sản xuất công nghiệp dựa vào mô hình FDI hay nói cách khác là công nghiệp hóa bằng công nghệ của người khác. Dự địa phát triển của Việt Nam đang dần bị thu hẹp, bị chậm lại do thiếu động lực phát triển mới, trong khi thế giới đang tiến rất nhanh và tụt hậu không còn là nguy cơ mà đã thành hiện hữu.
Các vấn đề Việt Nam đang gặp phải không chỉ thể hiện trong quá trình công nghiệp hóa mà cả trong quá trình đô thị hóa, thể hiện trước hết là việc phát triển quá tập trung vào 2 cực đô thị Hà Nội và TP.HCM.
Đến nay, 2 thành phố này chiếm khoảng 17% dân số, gần 60% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 1/3 GDP của cả nước, khoảng 30% tổng thu ngân sách quốc gia,…Nhưng đây cũng là nơi đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, khó phát triển các đô thị vệ tinh; chủ yếu mở rộng theo kiểu “vết dầu loang”, đầu tư cơ bản dựa vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với đặc điểm "chia lô bán nền" và đổi đất lấy hạ tầng, phát triển kinh tế tiêu dùng cấp thấp, dân cư đô thị có mật độ cao - “đô thị nén”, di dân cơ học ngày càng nhiều với số dân tăng thêm khoảng 200.000 người/năm/đô thị.
Hậu quả là nơi Việt Nam đang kỳ vọng là hình mẫu tiêu biểu của đô thị hóa, công nghiệp hóa, thì lại là chính là nơi diễn ra những vấn đề mà các nước đi trước đã gặp phải cách đây hàng trăm năm: Sự quá tải hạ tầng, tắc đường, úng ngập, ô nhiễm khói bụi, rác thải, chất thải và sự xuống cấp về văn hóa. Tại đây, chính quyền của 2 thành phố buộc phải huy động thêm nhiều khoản thuế của người dân để xây dựng đường sắt, đường bộ trên cao, đường ngầm (với chi phí vô cùng tốn kém dạng "đắt nhất hành tinh") để giải quyết các vấn nạn về giao thông…

Làng ven biển điển hình Việt Nam |

Làng chài trên biển, vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, Việt Nam |
Đổi mới mô hình phát triển đô thị là nhu cầu tất yếu
Sự tụt hậu của Việt Nam hiện nay, trước hết là sự tụt hậu về đô thị hóa, trong đó có việc chậm đổi mới các mô hình phát triển đô thị trong thời CMCN 4.0.
Xu thế của thế giới là kết nối, trong đó có kết nối đô thị. Các đô thị ngày nay không chỉ đóng vai trò là nơi cư trú, mà còn là điểm nút của các dòng chảy hàng hóa và nhân lực, công nghệ và tài chính, tri thức và văn hóa. Việc quy hoạch mở rộng đô thị không phải là mở rộng phần đất để chia lô bán nền, mà mở rộng chức năng, hay các hệ khung để tạo thành điểm nút thu hút các dòng chảy kinh tế và tri thức; lưu thông các dòng chảy này trong nước và vươn ra bên ngoài; cũng không phải là dạng "đô thị thông minh" gắn với việc tiêu dùng các thiết bị thông minh mà là "đô thị toàn cầu" thuộc mạng lưới dòng chảy kinh tế và tri thức toàn cầu.
Xu thế của thế giới là hướng ra biển, coi biển là không gian sinh tồn, xây dựng kinh tế biển, tự do hàng hải, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học biển,…theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Các nước lớn từ gần đến xa đã, đang khẳng định tham vọng, quyền lực, lợi ích trên biển không chỉ qua các thỏa thuận hợp tác chung mà còn công khai giành dật, gây cản trở các nước khác tiến ra biển tới mức sẵn sàng gây xung đột, chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn: Đất liền là nhà, biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?
Hầu hết các nước có biển và đầu tư vào kinh tế biển đều phát triển nhanh hơn, mạnh hơn các nước khác mà không phụ thuộc vào quy mô dân số lớn hay nhỏ. Na Uy với dân số chỉ hơn 5 triệu người nhưng là một cường quốc về kinh tế biển, đứng thứ 6 thế giới về dầu mỏ, đứng thứ 2 thế giới về khí tự nhiên, đội tàu vận tải biển, xuất khẩu hải sản. Nhiều nước như Nhật, Braxin, Australia,...muốn tạo ra sự phát triển đột phá, tạo động lực mới đã di chuyển thủ đô, tạo thành cực không gian mới; địa điểm thường được chọn là ven biển. Đặc biệt như Dubai- Ả Rập, xây dựng đô thị mới ra giữa biển để tạo cực thu hút cả thế giới.
Trong rất nhiều trường hợp, sự thịnh vượng quốc gia biểu hiện qua hình thái đô thị kinh tế biển.
.

Đô thị kinh tế biển Dubai, Ả Rập |

Đô thị kinh tế biển Yokomaha, Nhật
|
Mô hình cực đô thị kinh tế biển
Việt Nam nằm tại phía Đông bán đảo Đông Dương, án ngữ tuyến đường kết nối khu vực Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á; kết nối trên đất liền với các nước châu Á và kết nối hàng hải với phần còn lại của thế giới. Bờ biển Việt Nam dài hơn 3.260 km từ Bắc xuống Nam, với 28 tỉnh thành ven biển (vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2; hơn 3.000 hòn đảo trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa) và dân số vàng (96 triệu người).
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đáng ra phải sớm trở thành cường quốc về kinh tế biển; đáng ra phải sớm tiến ra biển, lấy biển làm không gian sinh tồn, tạo động lực và niềm tin mới không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai. Song ta mới chỉ dừng ở mức ra chủ trương, kết quả thực tế còn hạn chế.
18 Khu kinh tế ven biển và một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ cũng đã được lựa chọn tập trung đầu tư và có những thành tựu nhất định, nhưng vẫn chưa tạo ra sức hút đủ lớn để trở thành cực kinh tế tương tự như Hà Nội và TP.HCM. Thiếu chiến lược phát triển cực đô thị kinh tế biển đã làm cho việc đầu tư bất động sản đô thị, du lịch các khu ven biển cũng theo phong trào chia lô bán nền như bên trong đất liền, dàn trải, “xí phần”, hiệu quả sử dụng đất thấp, thiếu cơ sở pháp lý (condotel, officetel,..) và tăng trưởng chậm.
Việc quá lệ thuộc vào 2 cực Hà Nội và TP. HCM còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn không chỉ với nền kinh tế mà còn là vận mệnh của cả quốc gia bởi 2 cực này cách xa nhau, tập trung quá nhiều tài nguyên, nguồn lực, dân cư, chi phí đầu tư kết nối rất lớn, đã quá tải, ô nhiễm,...và sẽ trở lên nguy hiểm, chia cắt nếu xảy ra sự cố thiên tai, địch họa. Kiến tạo thêm các cực đô thị kinh tế mới để kéo giãn, giảm lệ thuộc vào 2 cực kinh tế này là việc cấp thiết.
Tiền đề cho việc hình thành cực đô thị kinh tế biển Việt Nam
Hà Nội và TP. HCM trở thành cực đô thị kinh tế tầm quốc gia và quốc tế hấp dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhờ sự hiện diện của các trung tâm quản lý hành chính cấp quốc gia, quốc tế; Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước hết là giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng hóa, sân bay quốc tế; Quy mô và mật độ dân số đủ lớn; Tập trung các hoạt động công nghiệp và dịch vụ, tổ chức KHCN, giáo dục và đào tạo, y tế, thương mại, tài chính; Điều kiện địa chất, địa hình, khí hậu phù hợp xây dựng công trình kiến trúc quy mô lớn và có khả năng mở rộng; Đảm bảo an ninh...Cực đô thị kinh tế biển phải có xu hướng hình thành được các điều kiện nêu trên.
Giai đoạn đầu, tại các cực đô thị kinh tế biển cần hình thành các Khung thể chế và Khung văn hóa vượt trội để có thể hình thành Khung con người và Khung hội nhập, nhằm thu hút được hiền tài của mọi tầng lớp xã hội, trong và ngoài nước; thu hút đồng thời cả “Sơn Tinh” và “Thủy Tinh”, tạo thành “Cú hích mới” mở mang, phát triển đất nước.
Giai đoạn đầu cũng cần tập trung nguồn lực để hình thành Khung kết cấu hạ tầng đồng bộ. Các cực đô thị kinh tế biển (không tính TP.HCM) phải có cảng biển loại IA hoặc loại I, phục vụ phát triển liên vùng hoặc là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế; Phải có sân bay quốc tế, hệ thống logistics, KHCN, tài chính, chuyển đổi số...; Có khả năng mở rộng, phát triển.
Cực đô thị kinh tế biển phải là đô thị loại 1 trở lên, có khả năng tồn tại độc lập và chủ động hội nhập; Có hoạt động kinh tế biển- đại dương là chủ đạo; Có sức hút lớn tới các vùng xung quanh; Cân bằng hoạt động kinh tế nội tại (đáp ứng nhu cầu bên trong) với hoạt động kinh tế phát triển, xuất khẩu (đáp ứng nhu cầu bên ngoài vào); Kết nối trực tiếp với thị trường trong và ngoài nước; Có quy mô dân số lớn hơn 2 triệu người, khu vực nội thành đạt từ 1 triệu người trở lên.
Hình thành 8 Cực đô thị kinh tế biển đến năm 2035
Căn cứ vào điều kiện chính thể; quy mô đất đai, nguồn lực, dân số; thị trường; địa hình, môi trường; hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối với Hà Nội, TP HCM và các vùng xung quanh,…đề xuất lựa chọn kiến tạo thêm 8 Cực đô thị kinh tế biển (nếu nhiều hơn sẽ phân tán nguồn lực, thiếu dân số, còn nếu ít hơn sẽ không tận dụng hết tiềm năng các vùng kinh tế trọng điểm hiện có) như sau:
- 2 cực mới tại miền Bắc là Quảng Ninh (phát triển về phía Vân Đồn) và Hải Phòng (liên kết vùng, mở rộng thêm về phía Thái Bình);
- 2 cực mới tại miền Trung là cực ghép Nghệ An + Hà Tĩnh và cực ghép Huế + Đà Nẵng + Quảng Nam;
- 4 cực mới tại miền Nam là cực Khánh Hòa (phát triển về phía Vân Phong); cực ghép giữa Đồng Nai + Bà Rịa-Vũng Tàu (liên kết vùng tận dụng lợi thế của cả 2 tỉnh); cực ghép Cần Thơ + Hậu Giang + Sóc Trăng (liên kết vùng, chuỗi đô thị hướng ra biển) và cực cuối cùng là Kiên Giang (phát triển về phía Phú Quốc).
Như vậy, đến năm 2035, toàn quốc sẽ có tổng cộng 10 cực đô thị kinh tế quan hệ gắn kết, tương trợ hữu cơ với nhau, gồm 8 cực đô thị kinh tế biển mới và 2 cực hiện có Hà Nội, TP. HCM.
8 cực đô thị kinh tế biển thu hút được khoảng 100.000 dân/năm/cực (số dân tăng lên toàn quốc là khoảng 1,0 triệu người/năm) và sau 10 năm, quy mô dân số mỗi cực tạm đáp ứng đủ cho các hoạt động đô thị - kinh tế biển và chỉ bằng 1/5 cực Hà Nội hoặc 1/7 TP HCM hiện nay.

10 Cực đô thị kinh tế trong đó có 8 Cực đô thị kinh tế biển Việt Nam đến năm 2035
Lời kết
Lựa chọn xây dựng phát triển thêm 8 cực đô thị kinh tế biển mới gắn kết với 2 cực đô thị cũ là cách tiếp cận phù hợp với xu thế phổ quát và nhu cầu cấp thiết của xã hội. Đây có thể coi là một trong những giải pháp cần được quan tâm khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh và cần có sự quyết tâm lớn, đồng bộ, đồng lòng và đồng hành của nhiều bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội.
Đây là cũng chính là cơ hội tạo lập các điểm nút liên kết thị trường, khởi đầu các công nghệ mới, khởi nghiệp và phân bổ lại nguồn lực; góp phần tăng tốc quá trình đô thị hóa; kiến tạo thể chế mới, văn hóa mới.
Cực đô thị kinh tế biển Việt Nam sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đa dạng và bền vững, giảm lệ thuộc vào 2 cực kinh tế Hà Nội, TP HCM; tạo tiền đề trở thành các trung tâm của vùng, là thủ phủ của các “bang” tương tự như ở các nước phát triển và lan tỏa nhanh ra các khu vực ven biển khác của cả nước.
Đầu tư xây dựng phát triển các Cực đô thị kinh tế biển sẽ góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành Cường quốc kinh tế biển.
TS. KTS. Lê Xuân Trường
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố năm 2016;
- GS. David S.Landes, "Sự giàu và nghèo của các dân tộc” Nhà xuất bản thống kê, 2001
- GS. Richard Thaler (tác giả lý thuyết “Kinh tế học hành vi” đạt giải Nobel năm 2017),“Cú Hích”, Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2017;
- Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Văn kiện Đại hội Đảng XII, Nhà xuất bản CTQG, 2016;
- Phát biểu của GS.TS Vương Đình Huệ, P.Thủ tướng Chính phủ trong Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26;
- TS. Phùng Quốc Hiển- P.Chủ tịch Quốc hội, Kinh tế biển Việt Nam: Tầm nhìn táo bạo, Tạp chí cộng sản ngày 24/7/2019;
- Trang web: chinhphu.vn; wikipedia.org Trang thông tin của Bộ Xây dựng, Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, tp Hà Nội, HCM; Tổng cục thống kê; báo nhân dân; Tạp chí cộng sản; tapchikientruc.com.vn; kientrucvietnam.org.vn và một số văn bản pháp luật hiện hành có liên quan (nguồn hình ảnh minh họa trên internet).
|
Cập nhật ( 01/06/2020 )
|
|