Trong lịch sử phát triển thế giới, đô thị hóa đã phát sinh ngay trong thời kỳ văn minh nông nghiệp. Trải qua các thời kỳ tiền công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp, hậu công nghiệp và hiện đại, đô thị hóa đã có vai trò quan trọng song hành cùng với sự phát triển không gian kinh tế - văn hóa – xã hội. Đô thị hóa là quá trình tiến triển về kinh tế, không gian vật thể gắn với phát triển khoa học – kỹ thuật, phát triển nghề nghiệp mới, chuyển dịch cơ cấu lao động phát triển văn hóa – lối sống, cơ chế quản lý và kết cấu hạ tầng mới. Đô thị hóa nhanh hay chậm tùy thuộc từng thời kỳ và từng khu vực. Đến nay Châu Á nói chung đang là khu vực đô thị hóa nhanh. Việt Nam từ sau thống nhất đất nước, nhất là từ sau giai đoạn “đổi mới: thì đô thị hóa càng được đẩy mạnh hơn gắn kết hội nhập với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 1986 cả nước có gần 400 đô thị với dân số đô thị hơn 11 triệu trong tổng số dân là hơn 61 triệ (=19%) thì đến 2013 đã có tới 770 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 33,47% và định hướng đến 2025 cả nước có khoảng 1000 đô thị, dân số đô thị khoảng 52 triệu chiếm 50% dấn số cả nước. Quá trình đô thị hóa đã tạo nên nhiều tiền năng, động lực, cơ hội để phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, song cũng bộc lộ những thách thức cần quan tâm trong giai đoạn tới.
Ảnh minh hoạ
Đô thị ở Việt Nam hình thành sớm hơn so với nhiều nước trên thế giới nhưng tốc độ đô thị hóa chậm do chịu nhiều lực cản và có đăch trưng riêng. Giai đoạn phong kiến đã xây dựng nền nông nghiệp chủ đạo, văn minh lúa nước có bản sắc dân tộc, đô thị hòa đồng với nông thôn, cơ cấu lao động chưa phân hóa rõ ràng, đô thị hóa chưa tiếp cận với cách mạng khoa học kỹ thuật. Giai đoạn thuộc địa đã có đóng góp thúc đẩy KHKT nhưng tạo nên nền kinh tế phụ thuộc, tự sản tự tiêu không khuyến khích công nghiệp nên hệ thống đô thị chủ yếu là hành chính và nhỏ bé. Sau cách mạng nước ta lại bước vào giai đoạn chiến tranh, dân số bị xáo trộn, tốc độ đô thị hóa chậm. Hòa bình lập lại với chính sách kinh tế “đóng”, nguồn vốn Nhà nước còn hạn hẹp nên cản trở phần nào đến phát triển đô thị, đến huy động sức đóng góp của cộng đồng và nhất là tạo áp lực cho kết cấu hạ tầng đô thị. Sau giai đoạn “đổi mới” nhiều thuận lợi cho đô thị hóa tăng nhanh, chuyển biến cả về số lượng và chất lượng nhang cũng thấy rõ áp lực quá lớn về kết cấu hạ tầng nhất là các đô thị đã có quá trình phát triển như: Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh,…đó là:
- Cấu trúc dân cư đô thị có nhiều biến động
- Tốc độ đô thị hóa chậm với dân cư đô thị biến động do chiến tranh, quản lý dân cư đô thị có nhiều khó khăn, còn hiện tượng nông thôn hóa đô thị, phát triển không gian đô thị còn “tự phát” nhiều xóm liều, khu dân cư “chất lượng sống thấp” tác động nhiều đến môi trường và thấy rõ nhất là bất cập phát triển đô thị với hệ thống kết cấu hạ tầng.
- Phát triển đô thị đã hình thành các khu phát triển mới hiện đại, nhưng cũng thấy rõ chưa có sự hài hòa phát triển với quỹ bảo tồn di sản đô thị, mà ngày nay tạo lập bản sắc cho đô thị là tạo sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập.
Trong nhiều tồn tại như nêu trên thì với Hà Nội – đô thị lịch sử, là Thủ đô thách thức về kết cấu hạ tầng là vấn đề cần làm rõ. Đây cũng là vấn đề Nghị quyết 13/NQ-TW (hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành TW Đảng khóa XI_ đã xác định trong chiến lược phát triển KT – XH giai đoạn 2011 – 2020, đó là: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Khái niệm kết cấu hạ tầng ở đây được hiểu là toàn bộ cơ sở hạ tầng nền tảng đảm bảo cho phát triển KT – XH, bao gồm: kết cấu hạ tầng cứng là toàn bộ cơ sở hạ tầng vật chất; kết cấu hạ tầng mềm là hệ thống cơ chế chính sách; kết cấu hạ tầng xã hội là cơ sở để phát triển trực tiếp văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và kết cấu hạ tầng kinh tế là cơ sở hạ tầng trực tiếp cho phát triển kinh tế hệ thống giao thông, năng lượng, thông tin,…
Thách thức về kết cấu hạ tầng với Hà Nội là vấn đề đã được quan tâm trong cả quá trình phát triển và rõ nét là 60 năm từ sau hòa bình lập lại đến nay. Nhìn lại quá trình này để thấy rõ bài học kinh nghiệm, thách thứ mới là rất cần.
Ngay từ những ngày đầu giải phóng, Nhà nước và chính quyền Thủ đô đã chú trọng cải thiện chỗ ở cho dân nghèo và ổn định chỗ ở cho CB – VC, từ các khi lao động chật trội, lầy lội, mất vệ sinh đã cải tạo xây dựng một số khu ở mới như: Tương Mai, An Dương, Phúc Tân… Giai đoạn 1954 – 1958 Hà Nội đã xây mới 5 vạn m2 nhà ở, gần 90 trường phổ thông được khôi phục, xây dựng mới, hệ thống công trình dịch vụ với các cửa hàng mậu dịch quốc doanh đã đóng góp lớn vào khôi phục kinh tế và ổn định duy trì đời sống dân cư.
Tháng 9/1959 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về Qui hoạch cải tạo, mở rộng thành phố Hà Nội. Để thực hiện định hướng này và chuẩn bị kế hoạch 5 năm (1960 – 1965), với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan đã giúp lập phương án quy hoạch phát triển Thủ đô với quy mô 1 triệu dân, xu hướng phát triển phía Bắc sông Hồng và không gian rộng lớn về phía Ba Vì và Sơn Tây. Tháng 11/1959 Bác Hồ đã xem xét quy hoạch và căn dặn sự cản trở đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi. Năm 1961 Chính phủ đã phê duyệt qui hoạch tổng thể mặt bằng Thủ đô Hà Nội.
Một số khu công nghiệp được xây dựng mới như Thượng Đình, Minh Khai…đã tạo ra một cấu trúc mới cho đô thị góp phần phát triển kinh tế và cải thiện công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt là một số khu nhà ở tập thể như: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ…được xây dựng với những mô hình căn hộ xã hội chủ nghĩa và giải pháp kết cấu mới. Cùng việc xóa mỳ chữ, nhiều trường đại học lớn ra đời: Tổng hợp, Bách khóa, Sư phạm, Nông lâm…một số bệnh viện cũ được cải tạo nâng cấp, một số bệnh viện mới được ra đời như: Viêt Nam – Cu Ba, Y học dân tộc,… về kiến trúc công sở một số trụ sở cơ quan mới được xây dựng như khu liên cơ Vân Hồ, Tổng cụ Thống kê…
Trong giai đoạn này, sự kiện có ý nghĩa lớn là năm 1961 mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội lên 586km2 tạo tiềm năng mới để phát triển Hà Nội. Đến năm 1965 Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Diện mạo đô thị thay đổi lớn, nhất là nhà ở, công trình công cộng. Bước đầu hình thành mạng đường giao thông vành đai ven nội thành.
Khi cuộc chiến tranh ở miền Nam đã trở nên ác liệt, từ tháng 6/1966, Mỹ đánh phá trực tiếp vào Hà Nội, đặc biệt là trận bom rải thảm 12 ngày đêm tháng chạp 1972 công tác xây dựng gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Ngay sau chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ thất bại. Nhiều xí nghiệp của Trung ương và địa phương Hà Nội bị đánh giá đã được xây dựng lại. Tháng 02/1973 cầu Long Biên được nối liền. Thành phố đã xây dựng mới và sửa chữa mở rộng gần 100 xí nghiệp, một số công trình giao thông quan trọng mới đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng: Cầu Đuống, Cảng Phà Đen, Sân bay Quốc tế Nội Bài…giữa thời kỳ đánh phá ác liệt của chiến tranh phá hoại thì Hà Nội lại bị đe dọa bởi thiên tai bão lụt (đợt tháng 8/1971 mực nước sông Hồng lên tới 12,5m). Trong bối cảnh như vậy rõ ràng, cần xem xét lại hướng phát triển của Thủ đô, điều chỉnh qui hoạch đã duyệt, đặc biệt xác lập sự gắn kết với khu vực xung quanh Sơn Tây, Xuân Mai. Nhiều phương án về luận chứng phát triển Thủ đô đã được nghiên cứu. Năm 1974 phương án chọn là khống chế Hà Nội với 40 vạn dân, phát triển Thủ đô lên Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Khái niệm chùm đô thị Hà Nội đã được triển khai.
Năm 1975 thống nhất đất nước, cuộc chiến tranh chống Mỹ toàn thắng đã mở ra giai đoạn mới phát triển Hà Nội xứng tầm là Thủ đô. Các chuyên gia Liên Xô đã cùng chuyên gia Việt Nam nghiên cứu qui hoạch chung điều chỉnh. Hội đồng Chính phủ đã có quyết định phê quyệt số 163/CP ngày 17/7/1976 phê quyệt Qui hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 qui mô dân số là 1,5 triệu dân. Ngoại thành Hà Nội là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố tí các hoạt động văn hóa nghỉ ngơi, các công trình đầu mối giao thông và vành đai bảo vệ môi trường, các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội làm chức năng công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch, nghỉ mát: Xuân Mai – Sơn Tây – Ba Vì, Vĩnh Yên – Tam Đảo – Bắc Ninh. Với định hướng liên kết vùng như vậy tháng 12/1978 Chính phủ đã quyết định điều chỉnh lại ranh giới Hà Nội, sát nhập thêm Ba Vì, Phú Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Thị xã Sơn Tây, Hà Đông…Thủ đô Hà Nội có diện tích đất tự nhiên 2136Km2 với dân số 3,5 triệu người. Sau thống nhất đất nước diện mạo Hà Nội đã có bước chuyển biến mới đó là xây dựng các khu chung cư, khu nhà ở lớn như: Thành Công, Giảng Võ, Trung Tự, Thanh Xuân với cấu trúc “tiểu khu nhà ở XHCN” đồng bộ cơ sở hạ tầng. Mô hình căn hộ ở độc lập khép kín được thay thế mô hình “công xã” trước đây. Cùng với đa dạng về nhà ở là các công trình trường học, nhà trẻ, với kiến trúc hiện đại như: Trung Tự, Việt Nam – Cu Ba, Hà Nội – Amstecdam…các nhà hàng bách hóa Thanh Xuân, Viện Khoa học Việt Nam, nhà triển lãm Giảng Võ, ga hàng không Nội Bài…Năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, yêu cầu phát triển đô thị gắn với quan điểm an ninh quốc phòng một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Hướng phát triển chủ điểm an ninh quốc phòng một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Hướng phát triển chủ yếu cho Hà Nội là ở phía Nam sông Hồng. Các chuyên gia nước ngoài và chuyên gia Việt Nam đã phối hợp nghiên cứu điều chỉnh tổng mặt bằng qui hoạch Thủ đô tới năm 2000 bà phương án chọn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 100/TTg ngày 24/10/2981, theo đồ án qui hoạch này dân số Thủ đô nội thị là 1,5 triệu với qui mô đất xây dựng là 100km2, vùng ngoại thị được mở rộng với 11 huyện thị. Hệ thống giao thông đã được định hướng với 3 vùng vành đai và 6 trục xuyên tâm vào thành phố.
Ngày 21/01/1983 Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa V) ra nghị quyết 08/NQ – TW về công tác Thủ đô Hà Nội đã xác định: Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế. Mặc dù có những khó khăn nhất định song đây cũng là thời kỳ tốc độ xây dựng đô thị nhất là nhà ở có những kết quả đáng kể. Thời kỳ 1981 – 1985 đã xây dựng được 45 vạn mét vuông nhà ở đồng bộ với hạ tầng xã hội. Năm 1986 Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường mối đổi mới kinh tế, chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, kinh tế Thủ đô đã có nhiều khởi sắc. Trong đô thị nhiều yếu tố mới được xuất hiện đòi hỏi phải có sự điều chỉnh qui hoạch. Trong thời kỳ này đã có 2 đợt điều chỉnh. Quy hoạch được duyệt năm 1981 có nhiều khó khăn trong thực hiện kết cấu hạ tầng khung, đặc biệt là phải phá dỡ, giải phóng mặt bằng lớn để xây dựng các tuyến đường trục. Do vậy năm 1984 đã điều chỉnh về tổ chức không gian song vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Qui hoạch điều chỉnh này là định hướng thực hiện cho đến 1992. Do mối quan hệ với vùng và cơ cấu đô thị nội thành ngoại thành; Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ 9 (12/1991), ranh giới Hà Nội được điều chỉnh và chuyển lại 7 huyện, thị về Hà Tây, Vĩnh Phúc. Với điều chỉnh này quy mô đất đai tự nhiên Hà Nội còn 924Km2. Tổng mặt bằng qui hoạch Thủ đô Hà Nội lại được nghiên cứu điều chỉnh và được phê duyệt tại Quyết định 132/CT ngày 18/4/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với định hướng phát triển chủ yếu về Nam sông Hồng. Cơ cấu tổ chức về quản lý xây dựng qui hoạch – được đổi mới.
Theo qui hoạch: qui mô dân số 2010 là 1,5 – 1,7 triệu dự phòng phát triển tới 2 triệu dân, đất dai sử dụng 7.600 – 9.000ha, dự phòng 120Km2. Trung tâm vẫn khẳng định là khu vực hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình từng bước phát triển lên Hồ Tây. Khai thác triệt để hệ đường hướng tâm kết hợp với đường vành đai, hướng phát triển chủ yếu vẫn là ở hữu ngạn sông Hồng và dọc theo trục chính vào Thành phố, một phần phát triển ở tả ngạn sông Hồng và cũng dự báo chuẩn bị điều kiện và để phát triển sang Bắc sông Hồng đồng bộ, hiện đại.
Qua 6 năm thực hiện, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có thay đổi, nhất là yêu cầu hội nhập đòi hỏi phải có điều chỉnh QHC. Các cơ quan tư vấn và chuyên gia Việt Nam chủ trì phối hợp với chuyên gia Nhật Bản, Mỹ đã nghiên cứu điều chỉnh QHC và đã được chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/QĐ-TTg ngày 20/6/1998. Qui hoạch lần này định hướng phát triển chủ yếu ở phía Tây, ưu tiên phát triển phía Bắc sông Hồng hình thành trung tâm Hà Nội mới. Quy mô dân số nội thành dự báo 2,5 triệu. Phát triển Thủ đô gắn với yêu cầu bảo tồn di sản, cảnh quan thiên nhiên, nâng cấp công trình phục vụ lợi ích công cộng, tạo thêm các khu giải trí cho nhân dân. Khớp nối cơ sở hạ tầng giữa phát triển mới với khu cải tạo và bảo tồn.
QHC lần này được định hướng chú trọng đến phát triển cả hai bên sông Hồng với mục tiêu xây dựng Hà Nội là Thành phố vừa dân tộc vừa hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống ngàn năm văn hiến xứng đáng là Thủ đô của cả nước và có vị trí xứng đáng trong khu vực Đông Nam Á và Thế giới. Để thực hiện rất cần có những đột phá về XD kết cấu hạ tầng nhất là giao thông nội đô, cấp thoát nước và liên kết 2 bên sông Hồng.
Quá trình thực hiện đã tạo lập được diện mạo mới cho Thủ đô, đó là gần 200 khu đô thị mới, khu công nghệ cao, các công trình kiến trúc mới hiện đại, công trình công cộng với qui mô lớn. Ngành CN – XD giai đoạn 2000 – 2005 đã đóng góp 45% cho tăng trưởng kinh tế nói chung. Bình quân mỗi năm xây dựng khoảng 1,0 đến 1,5 triệu m2 nhà ở. Những năm gần đây 2-3 triệu m2/năm. Bên cạnh kết quả cũng đã bộc lộ những tồn tại về áp lực dân số và hạ tầng kỹ thuật. tháng 8/2008 Hà Nội lại được điều chỉnh địa giới từ 924km2 lên 3344km2 (đô thị có qui mô lớn nhất nước) dân số 6,4 triệu trong đó dân số đô thị là 2,6 triệu (40%). Sau 2 năm nghiên cứu với tham gia, đóng gớp ý kiến của cộng đồng, các tổ chức tư vấn trong, ngoài nước. QHC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1259/QĐ – TTg ngày 26/7/2011. theo QHC mô hình cấu trúc không gian là chùm đô thị với dự báo dân số đến 2030 là 9,0 đến 9,2 triệu dân, đất xây dựng đô thị từ 18.000ha lên 94,700ha (28,3% đất tự nhiên) vào 2030. Đây là sự kiện lớn mở ra nhiều tiềm năng, động lực để Hà Nội phát triển với mục tiêu “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và bền vững).
Trong tổ chức thực hiện, nhiều thách thức về kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kỹ thuật nói riêng được đặt ra, đó là:
- Định hướng phát triển công nghiệp: với mục tiêu công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp trong nội thành, hình thành các Khu CN cao, công nghệ sinh học, chế biến nông sản hiện đại. Kiểm soát các làng nghề để có biện pháp bảo vệ môi trường.
- Về hệ thống giao thông rất cần được sự ưu tiên phát triển đồng bộ đáp ứng nhu cầu gia tăng về giao thông và phù hợp với mô hình cấu trúc chùm đô thị. Giao thông công cộng được giải quyết ưu tiên, chú trọng đến ách tắc trong nội đô.
- Vấn đề phòng chống lũ lụt được xem xét có tính đến tác động của biến đổi khí hậu.
- Cấp thoát nước: cải tạo, nâng cấp trong khu vực nội thành, các khu cũ, khu vực nông thôn.
- Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn hiện đại với mạng lưới phù hợp với cấu trúc đô thị, xây dựng mạng lưới nghĩa trang hợp lý theo QH đã phê quyệt…
Thực hiện QHC lần này trong bối cảnh có Nghị quyết 11/Q-TW (2012) của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô (2013)cùng với sự quyết tâm của Chính quyền, cộng đồng sẽ tạo động lực, tiềm năng mới để phát triển Thủ đô bền vững.
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội; Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội
Bài viết tại Hội thảo 60 năm giải phóng Thủ đô (3.10.2014)
|