Từ những kết quả đã đạt được và cả những vấn đề còn tồn tại sau 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội xác định đổi mới tư duy để xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại".
Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn - Ảnh: VGP/GH
Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn
Theo UBND thành phố Hà Nội, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội.
Hà Nội cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm và đã đạt được những kết quả khá toàn diện, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế duy trì tăng trưởng khá; đảm bảo các cân đối lớn ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; mô hình tăng trưởng chuyển dần về chiều sâu; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được cải thiện, hiệu quả đầu tư tăng lên. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh. Xây dựng nông thôn đạt kết quả nổi bật, dẫn đầu cả nước về số xã đạt nông thôn mới; 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành và khởi công. Xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm ao, hồ… từng bước được cải thiện. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực.
Sự nghiệp văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; y tế; khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến; các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy. Tiếp tục dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên; huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp cùng chung tay đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng; phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh.
Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét; đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả tích cực.
Thách thức đặt ra trong thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô
Bên cạnh những kết quả kể trên, TP. Hà Nội cũng nhìn nhận một số vấn đề khó khăn thách thức trong phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Theo UBND thành phố Hà Nội, kinh tế duy trì tăng trưởng khá, chống chịu tốt trước những tác động từ bên ngoài, nhất là đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021, tuy nhiên chưa hoàn thành mục tiêu đề ra các nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020. Các thị trường nguồn lực đầu vào cho phát triển Thủ đô chưa đồng bộ, Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu tiên phong, đi đầu trong đổi mới kinh tế.
Ngân sách của Thủ đô mặc dù có nguồn thu lớn nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư phát triển trong thời gian qua và những năm tới. Kinh tế tri thức và kinh tế đô thị phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; nhiều dự án lớn có từ trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô chậm được triển khai, còn vướng mắc và khó giải quyết. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu. Xây dựng hạ tầng kinh tế (các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, trung tâm thương mại, chợ, khu du lịch, trung tâm logistics...) chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp nói chung còn thấp, quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng, giá trị chưa cao; cơ cấu sản xuất còn chưa bền vững, chưa phù hợp với đặc điểm tự nhiên và điều kiện phát triển tại một đô thị đặc biệt. Công tác xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên các tiêu chí đạt còn chưa bền vững; điều kiện sống ở khu vực nông thôn còn có khoảng cách với thành thị. Thu nhập và đời sống của nông dân tuy đã được cải thiện nhưng nhìn chung còn thấp.
Quá trình triển khai công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của Thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến không đủ điều kiện triển khai, không đảm bảo mục tiêu đã đề ra… Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có quy mô còn nhỏ (76,6% vốn dưới 5 tỷ đồng). Sự liên kết, hợp tác giữa các HTX còn yếu; mô hình liên hiệp HTX hiệu quả chưa cao. Năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất của nhiều HTX còn hạn chế.
Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Chưa có nhiều các dự án đầu tư FDI trong các ngành có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao. Mức độ chuyển giao công nghệ còn chậm. Việc liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa hiệu quả. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp. Hầu hết vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chế biến và chế tạo.
Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh (PCI), thủ tục hành chính và dịch vụ công cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tuy có cải thiện nhưng chưa tạo ra sự vượt trội so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước; vẫn còn những rào cản như: Chỉ số gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai... Chỉ số PCI xu hướng giảm và ở vị trí thấp.
Các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý quy hoạch, đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ; Về quốc phòng, an ninh, hợp tác phát triển và hội nhập quốc tế cũng còn có những khó khăn nhất định.
Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước - Ảnh: VGP
Ưu tiên công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển và quản lý đô thị
Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hà Nội tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, quán triệt, thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại"
Phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động, tập trung và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ NSNN, từ khu vực kinh tế tư nhân và xã hội cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, quy hoạch và phát triển đô thị, cải thiện hệ thống văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, khoa học - công nghệ, cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị, mở rộng các không gian kinh tế mới.
Đặc biệt, Hà Nội cũng sẽ ưu tiên công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường
Triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.
Quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành phục vụ việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành; thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan toả từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai (đầu tư khép kín 07 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5) nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng; hiện đại hoá các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô; phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.
Thành phố Hà Nội cũng đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị trên địa bàn Thủ đô.
Đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển thủ đô: Thành phố, thị xã, quận, huyện, hành lang xanh - nông thôn. Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô, tạo ra chùm đô thị với các thành phố, thị xã trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, khu vực đô thị hình thành theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị làm đối trọng và giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.
Hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch...
Cải tạo, chỉnh trang, phục hồi, tái thiết đô thị hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử.
Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải, nước thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị… Bảo đảm phân loại đất đô thị gắn với quy hoạch đô thị và mục đích sử dụng đất: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt và quy hoạch hạ tầng. Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại. Thực hiện hoàn thành và chuẩn hóa hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai và tài nguyên vào năm 2025.
Minh Anh
Nguồn:
https://thanglong.chinhphu.vn/phat-trien-ha-noi-tro-thanh-thu-do-xanh-van-hien-thong-minh-hien-dai-103230731134448303.htm
|