Tuần 33 - Ngày 18/03/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Kiến trúc công nghiệp thế giới
Di sản thế giới: Mỏ chì, bạc, kẽm và hệ thống quản lý nước ngầm tại Tarnowskie Góry, Ba Lan |
16/08/2018 |
Thông tin chung:
Công trình: Mỏ chì, bạc, kẽm và hệ thống quản lý nước ngầm tại Tarnowskie Góry (Tarnowskie Góry Lead-Silver-Zinc Mine and its Underground Water Management System)
Địa điểm: Tarnowskie Góry, Ba Lan (N50 26 33.71 E18 51 4.42)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 1672,76 ha, vùng đệm; 2774,35ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (2017; hạng mục i, ii, iv )
Ba Lan (Poland) là một quốc gia nằm tại Trung Âu.
Ba Lan có diện tích 312.679 km2, dân số khoảng 38,5 triệu người (2017). Thủ đô là thành phố Warsaw. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Ba Lan.
Ba Lan được thành lập từ hơn 1000 năm trước đây, vào triều đại Piast với vị vua đầu tiên là Mieszko I (cai trị trong khoảng năm 930–992 sau Công nguyên).
Trong thế kỷ 13 và 14, Ba Lan đã trở thành nơi sinh sống của người Do Thái và Armenia; một điểm đến của người Đức, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch và Scotland.
Ba Lan trở nên thịnh vượng bắt đầu từ Triều đại Jagiellon, được thành lập bởi Jogaila (Władysław II Jagiełło), Đại công tước Lithuania (năm 1377–1434) và sau đó là vua Ba Lan (năm 1386–1434). Triều đại Jagiellon kéo dài đến năm 1572 tạo thành Liên minh Ba Lan – Lithuania, một trong những nước có diện tích lớn nhất, đông dân nhất và hùng mạnh nhất tại châu Âu thế kỷ 16 và 17, là đối thủ của các đế chế Nga, Thụy Điển và Ottoman.
Vào thế kỷ 18, Liên minh Ba Lan – Lithuania bị phân chia bởi các quốc gia láng giềng như Nga, Áo và Phổ.
Ba Lan giành lại được độc lập vào năm 1918, sau Chiến tranh thế giới thứ 1. Năm 2004, Ba Lan tham gia vào Liên minh châu Âu.

Bản đồ Ba Lan và vị trí tỉnh Silesia,
Ngày nay, Ba Lan được chia thành 16 tỉnh.
Tarnowskie Góry là một thành phố quy mô khoảng 6 vạn người tại tỉnh Silesia, miền Nam Ba Lan.
Tên của Tarnowskie Góry có nguồn gốc từ Tarnowice , tên của một ngôi làng địa phương và từ Góry trong tiếng Ba Lan có nghĩa là "mỏ".
Sông Oder (Odra) chạy dọc theo khu vực Silesia, chia thành Hạ và Thượng Silesia (Lower Silesia và Upper Silesia). Khu vực này giàu khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, là địa điểm hình thành một số khu vực công nghiệp quan trọng.
Tarnowskie Góry nằm tại Thượng Silesia, là một trong khu vực khai mỏ chính của trung tâm châu Âu, đóng góp đáng kể cho sản xuất chì, bạc và kẽm toàn cầu.
Lịch sử của thành phố là lịch sử có liên quan đến việc khai thác quặng bạc, chì và sau đó là kẽm. Theo truyền thuyết, mỏ quặng đầu tiên được phát hiện vào năm 1490.
Năm 1526, quặng được khai thác, cùng với đó là hình thành một thành phố mỏ gắn với thương mại và thủ công.
Vào thế kỷ 16, Tarnowskie Góry đã trở thành trung tâm khai thác quặng lớn nhất ở Thượng Silesia (Upper Silesia) và của châu Âu. .
Năm 1742, mở thêm mỏ và xưởng đúc bạc và chì của Hoàng gia có tên là "Frederyk".
Năm 1788, vào thời điểm bắt đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, tại đây đã lắp đặt động cơ hơi nước (một trong những động cơ hơi nước đầu tiên ở lục địa châu Âu, nhập khẩu từ Anh), để bơm nước ra từ các hầm mỏ.

Sơ đồ trục lò gắn với thiết bị vận chuyển quặng, người trong công nghiệp khai khoáng

Toàn cảnh Mỏ hoàng gia "Fryderyk" (Friedrich) khoảng năm 1860-1870
Trong thế kỷ 19, tại khu mỏ đã diễn ra sự bùng nổ tăng trưởng và thịnh vượng. Vào năm 1803, một trong những trường dạy khai mỏ đầu tiên trên thế giới đã được thành lập tại đây. Xuất hiện nhiều nhà máy, xí nghiệp mới gắn với sản phẩm bạc, chì, kẽm và công nghiệp tiêu dùng phục vụ cho dân cư trong khu vực: xưởng đúc thép; nhà máy giấy, nhà in, nhà máy bia, nhà máy xà phòng và nhà máy sản xuất khí tự nhiên. Trong thời gian này, quảng trường của thị trấn và đường phố chính đã được lát đá; hệ thống đèn chiếu sáng bằng khí đốt và hệ thống thoát nước được lắp đặt. Tại đây cũng đã hình thành các tổ chức công đoàn, tổ chức bảo hiểm cho các thợ mỏ cho toàn vùng Upper Silesia với hơn 17 ngàn thành viên. Năm 1857, xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên nối thị trấn với bên ngoài, mở đầu cho việc hình thành hệ thống đường sắt ở Ba Lan…
Vào đầu thế kỷ 20, nguồn quặng đã cạn kiệt và việc khai thác quặng đã kết thúc.
Ngày nay, Tarnowskie Góry là một trung tâm công nghiệp, văn hóa, giáo dục và công nghệ; địa điểm du lịch.
Đây hiện là nơi lưu giữ toàn bộ hầm mỏ với các đường hầm, trục lò và các công trình của hệ thống quản lý nước.
Hầu hết các hiện vật đều nằm dưới lòng đất, phần trên mặt đất chỉ thể hiện lối xuống mỏ và các đống phế thải, cũng như những tàn tích của tram bơm bằng động cơ hơi nước thế kỷ 19.
Các tàn tích mỏ chì, bạc, kẽm và hệ thống quản lý nước ngầm, nằm dưới mặt đất và trên bề mặt là minh chứng cho những nỗ lực liên tục trong 3 thế kỷ khai thác tài nguyên của doanh nghiệp mỏ cung cấp cho ngành công nghiệp.
Mỏ chì, bạc, kẽm và hệ thống quản lý nước ngầm tại Tarnowskie Góry, Ba Lan được UNESCO tồn vinh là Di sản thế giới (năm 2017) với các tiêu chí:
Tiêu chí (i): Mỏ chì, bạc, kẽm và hệ thống quản lý nước ngầm tại Tarnowskie Góry là một đại diện cho tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, trước hết là một kiệt tác về kỹ thuật thủy lực ngầm từ giữa thế kỷ 16 – 19. Khởi đầu xuất phát từ việc dựa vào sức của động vật cho đến việc sử dụng động cơ hơi nước vào cuối thế kỷ 18; biến sự hiện diện không mong muốn của nước ngầm trong mỏ thành một cơ hội cung cấp nước cho các thị trấn và ngành công nghiệp.
Tiêu chí (ii): Đây là nơi thể hiện sự giao lưu kỹ thuật quan trọng và tiên phong giữa khu vực này với Vương quốc Anh và lục địa châu Âu. Một lượng lớn chì được sản xuất tại mỏ Tarnowskie Góry được xuất khẩu tới các nước châu Âu và châu Mỹ. Tarnowskie Góry là nơi dẫn đầu, thúc đẩy sự phục hồi việc khai thác, chế biện quặng bạc, sau đó là kẽm, góp phần vào sự phát triển kinh tế châu Âu và xuất khẩu sang cả Trung Quốc. Các động cơ hơi nước sau khi nhập khẩu đã được nghiên cứu và sau đó tạo thành công nghệ nguồn cho ngành công nghiệp sản xuất động cơ hơi nước tại Ba Lan.
Tiêu chí (iv): Khu vực Di sản là một ví dụ nổi bật về hệ thống cảnh quan công nghiệp độc đáo, là sự kết hợp giữa các yếu tố kỹ thuật với các hoạt động khai thác và cấp, thoát nước trong toàn vùng Silesia vào giữa thế kỷ 15-16 và được mở rộng vào thế kỷ 18,19. Hệ thống cảnh quan công nghiệp nơi đây được thể hiện trước hết qua mạng lưới 50km đường hầm thoát nước chính và 150km hệ thống đường nhánh, và hệ thống cấp nước công cộng; trên mặt đất là các công trình đầu mối.

Sơ đồ vị trí 8 khu vực trong Khu Di sản
Hệ thống cảnh quan thể hiện thành tựu đáng kể trong việc ứng phó với môi trường địa mạo và tạo ra những dòng chảy tự nhiên ổn định. Việc tiếp nhận công nghệ và bố trí hệ thống trạm bơm từ bang Saxony, Đức và Bohemia, Cộng hòa Séc và sau đó từ Anh, cho phép phát triển một hệ thống cực kỳ hiệu quả để thoát nước ngầm và cung cấp nước cho các khu vực công nghiệp và đô thị lân cận.
Di sản bao gồm 8 địa điểm:
A1. Khu vực ngầm dưới đất (Underground)
Khu vực ngầm là toàn bộ Di sản với diện tích khoảng 1672,76 ha, chứa 7 khu vực di sản (ký hiệu từ A2- A8), bao gồm hệ thống hầm mỏ, hệ thống thoát nước và các công trình có liên quan trên bề mặt đất.
Khu vực A1 gần như nằm trong giới hạn bởi hai con sông: Sông Stola tại phía Đông và Bắc; Sông Drama tại phía Nam, gồm hai hệ thống chính:
- Hệ thống đường hầm, mương và cửa xả God Help (God Help Adit), phía Bắc mỏ Friedrich, đổ nước vào sông Stola. Các đường hầm tiêu nước chính được hình thành từ năm 1785- 1807, kéo dài hơn 3km; Hệ thống đường cống ngầm, mương thu nước trong mỏ đạt chiều dài tổng cộng 50km; Ban đầu hệ thống máy bơm chạy bằng sức ngựa, sau này do độ sâu khai thác quặng đến 30 -50m, được thay thế bằng các động cơ hơi nước nhập khẩu từ Anh. Tại đây có trục lò God Help, được hoàn thành vào năm 1832, là trục sâu nhất đến 67m. Trục lò có vai trò là không gian bố trí các thiết bị (tời) vận chuyển người, quặng và lưu thông không khí cho hầm lò.

Trục lò God Help



Một số hình ảnh hầm lò bên trong mỏ
- Hệ thống đường hầm và cửa xả phía Nam mỏ Friedrich, đổ nước vào sông Drama, được xây dựng từ năm 1821- 1834 và là hệ thống sâu nhất của mỏ. Các trục tiêu nước có chiều dài đến 17km, bao gồm các trục thẳng đứng và các tuyến mương ngầm kết nối theo phương ngang. Hiện tại đây đã hình thành một tuyến du lịch ngầm Black Trout Adit dài đến 600m, nằm cách mặt đất 20-30m, trong đó có đoạn đi bằng thuyền dài đến 270m. Tuyến du lịch này vào thông qua 2 trục lò: Ewa, sâu 20m, xây dựng năm 1826 và Sylwester, sâu 30m, xây dựng vào năm 1828. Đường hầm du lịch rộng 1,2m – 2,5m,.cao đến 4m, độ sâu nước từ 0,7 – 1m.
Gần tuyến du lịch Black Trout Adit là Bảo tàng lịch sử mỏ (Historic-Silver-Mine-and-museum) Tarnowskie Góry. Bên ngoài bảo tàng là nơi trưng bày các động cơ hơi nước ngoài trời với tuyến đường sắt khổ hẹp.

Bảo tàng lịch sử mỏ Tarnowskie Góry

Phòng lưu giữ máy bơm hơi nước trong Bảo tàng lịch sử mỏ Tarnowskie Góry.

Tuyến du lịch Black Trout Adit

Cửa vào trục lò Ewa

Cửa vào trục lò Sylwester,

Tuyến mương tiêu nước trong mỏ - Tuyến du lịch Black Trout Adit
A2. Khu vực cửa xả và mương tiêu nước tại mỏ Friedrich (Friedrich Mine adit portal and Ditch)
Cửa xả nằm tại phía Tây Khu Di sản. Nước từ mỏ Friedrich được bơm qua trạm bơm với công suất 50.000 m3/ngày để xả vào một tyến mương. Mương được đào vào năm 1821, chảy song song với sông trong khoảng 1,4 km trước khi đổ vào sông Drama. Cửa xả được xây dựng bằng đá vôi và đá cẩm thạch theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển, được khai trương vào năm 1821. Trên vòm cổng có một biểu tượng hai búa đặt chéo, tượng trưng cho khai thác mỏ.

Cửa xả và mương tiêu nước tại mỏ Friedrich
A3. Khu vực cửa xả và mương tiêu nước tại mỏ mang tên God Help (God Help adit portal and Ditch)
Cửa xả nằm tại phía Bắc của Khu Di sản. Nước từ mỏ được bơm qua trạm bơm chạy bằng động cơ hơi nước, xả vào tuyến mương dài 500 m, đổ vào sông Stola. Mương và cửa xả được xây dựng vào năm 1652, mở rộng vào năm 1785.

Cửa xả và mương tiêu nước God Help
A4. Khu vực hệ thống cấp nước Adolph shaft (Adolph shaft waterworks)
Khu vực này nằm tại phía Nam của Khu Di sản, được xây dựng vào những năm 1884, để bơm nước từ hầm mỏ Friedrich cấp cho Khu công nghiệp Upper Silesian (cách phía Nam Tarnowskie Góry 24km). Hệ thống gồm công trình đầu mối trạm bơm mang tên "Staszic" và "Maszynowy", đường ống. Ngoài ra có có một nhà nồi hơi và tuyến đường sắt chở than.

Hệ thống cấp nước Adolph shaft

Hai công trình trạm bơm đầu mối
A5. Khu vực cảnh quan mỏ (Mining Landscape)
Khu vực nằm tại phía Tây của Khu vực A.4, bao gồm trục lò, các gò phế thải tạo thành địa hình cảnh quan khai thác mỏ, là tàn tích của quá trình khai thác quặng bạc và chì trong thế kỷ 16, và sau đó là khai thác đá vào thế kỷ 19..

Khu vực cảnh quan tàn tích mỏ
A6. Khu vực Silver Moutain và Washing Tip (Silver Moutain and Washing Tip)
Khu vực nằm tại phần cuối phía Nam của Khu Di sản. Đây là tàn tích việc khai thác quặng chì và bạc quy mô lớn vào cuối thế kỷ 15, 16, tiếp đó là khai thác kẽm. Các đống phế thải sau quá trình tuyển quặng cao đến 17m tại đây cho thấy quy mô hoạt động lớn của mỏ. Nhà máy xử lý quặng đóng cửa vào đầu những năm 1900.

Cảnh quan các gò đống phế thải sau tinh luyện quặng
A7. Khu vực vị trí khai thác đầu tiên của mỏ Friedrich (Original Site of Friedrich Mine)
Khu vực nằm tại phía Đông của Khu Di sản. Đây được cho là vị trí ban đầu của mỏ Friedrich, thời điểm được nhà nước tập trung khai thác vào đầu thế kỷ 18- 19. Khu vực gồm: i) Hầm mỏ Rudolphine; ii) Abraham Machineshaft, nơi có những động cơ hơi nước Anh đầu tiên nhập khẩu (vào năm 1788 – hiện không còn tồn tại); iii) Hầm mỏ Heinitz, nơi có động cơ hơi nước nhập khẩu của Anh (hiện không tồn tại); iv) Hầm mỏ Kunst, nơi có một động cơ chạy bằng sức ngựa (1785); v) Hầm mỏ Antonia và Erdmann; vi) Hệ thống các mương tiêu nước.

Tàn tích của vị trí khai thác đầu tiên của mỏ Friedrich
A8. Khu công viên Municipal (Municipal Park)
Khu vực nằm tại trung tâm của Khu Di sản, có diện tích khoảng 22ha. Khu công viên được thành lập vào năm 1903, bằng cách sắp xếp lại và làm đẹp một khu vực đặc trưng bởi đống (hummock), gò và hố phế thải. Một hồ nhân tạo được tạo ra gắn với hệ thống cây xanh. Các gò đất chính trở thành các cột mốc định vị cảnh quan. Trên đó có các công trình nghỉ ngơi, giải trí.


Khu công viên thành phố mỏ
Di sản Mỏ chì, bạc, kẽm và hệ thống quản lý nước ngầm tại Tarnowskie Góry, Ba Lan là một trong những mạng lưới thoát nước mỏ lớn nhất, được bảo quản tốt nhất và dễ tiếp cận nhất trên thế giới. Nơi đây trở thành bảo tàng ngoài trời, trong lòng đất. Di sản là nơi du khách có thể thu thập được các kiến thức về phương pháp khai thác bạc, chì và kẽm, cũng như hệ thống thoát nước ngầm.
Di sản là một trong 850 điểm Di sản công nghiệp tại châu Âu trên Tuyến đường di sản công nghiệp châu Âu – ERIH (European Route of Industrial Heritage)
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/1539
https://en.wikipedia.org/wiki/Poland
https://en.wikipedia.org/wiki/Tarnowskie_G%C3%B3ry
https://en.wikipedia.org/wiki/Historic_Silver_Mine_in_Tarnowskie_G%C3%B3ry
https://pl.wikipedia.org/wiki/Tarnowskie_G%C3%B3ry
https://pl.wikipedia.org/wiki/Kopalnia_rud_o%C5%82owiu,_srebra_i_cynku_wraz_z_systemem
_gospodarowania_wodami_podziemnymi_w_Tarnowskich_G%C3%B3rach
https://www.worldheritagesite.org/list/Tarnowskie+G%C3%B3ry+Lead-Silver+Mine
https://www.polska.pl/tourism/unesco-sites/tarnowskie-gory-lead-silver-zinc-mine/
https://pl.wikipedia.org/wiki/Park_Miejski_w_Tarnowskich_G%C3%B3rach
https://en.wikipedia.org/wiki/European_Route_of_Industrial_Heritage
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 16/08/2018 )
|
Tin đã đưa:- Di sản thế giới: Cơ sở đóng tàu hải quân Antigua và các địa điểm khảo cổ có liên quan
- Cơ sở sản xuất rượu nho Bell-Lloc, Girona, Tây Ban Nha - RCR Arquitectes
- Di sản thế giới: Thành phố (mỏ bạc) Potosi, Bolivia
- Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg, Đan Mạch
- Di sản thế giới: Mỏ thủy ngân ở Almaden, Tây Ban Nha
- Nhà máy xử lý nước thải Gabal el Asfar, Cairo, Ai Cập
- Thành phố công nghiệp Bangalore – Silicon Valley của Ấn Độ
- Nhà máy sản xuất rau Kameoka, Kyoto, Nhật Bản
- Cụm công nghiệp ô tô Hyundai tại Ulsan, Hàn Quốc
- Nhà máy điện mặt trời Golmund, Thanh Hải, Trung Quốc
- Nhà máy sản xuất sữa Vinamilk tại Bình Dương, Việt Nam
- Nhà máy đóng tàu Meyer tại Papenburg, Lower Saxony, Đức
- Nhà máy sản xuất nước ngọt từ nước biển Sorek, Tel Aviv, Israel
- Nhà máy sản xuất máy bay Boeing tại Everett, Washington, Mỹ
- Nhà máy sản xuất ô tô điện Tesla tại Fremont, California, Mỹ
|