Tuần 29 - Ngày 22/02/2019
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Design kiến trúc XXI
Trụ sở mới tập đoàn công nghệ Apple Park, California, Mỹ - KTS. Norman Foster |
09/10/2017 |
Thông tin chung:
Dự án: Trụ sở mới Tập đoàn công nghệ Apple Park (Apple Campus 2)
Địa điểm: Thành phố Cupertino, California, Mỹ (37°20′8″B 122°0′33″T)
Thiết kế kiến trúc: KTS. Norman Foster và cộng sự
Quy mô: Diện tích khu đất 71ha;
Năm hoàn thành: 2017
Apple (Apple Inc.) là một tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Hoa Kỳ, có trụ sở chính đặt tại Cupertino, California, Hoa Kỳ.
Sản phẩm của Tập đoàn: Sản phẩm phần cứng gồm điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, máy tính cá nhân Mac, máy nghe nhạc iPod, màn hình thông minh Apple Watch, trình phát media kỹ thuật số Apple TV và loa HomePod; Phần mềm tiêu dùng, gồm các hệ điều hành macOS và iOS, trình phát media iTunes, trình duyệt web Safari, các bộ sản phẩm sáng tạo và năng suất của iLife và iWork; Các dịch vụ trực tuyến, gồm iTunes Store, iOS App Store và Mac App Store, Apple Music và iCloud…
Ba nhà sáng lập ra Apple là Stephen Wozniak, Steve Jobs và Ronald Wayne.
Apple là tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới theo doanh thu với 215 tỷ đô la cho năm tài chính 2016 và trở thành công ty đầu tiên của Hoa Kỳ có giá trị hơn 700 tỷ đô la Mỹ. Tập đoàn sử dụng 116.000 nhân viên làm việc toàn thời gian (năm 2016).
Apple Park, còn có tên gọi khác là Apple Campus 2, có diện tích khoảng 71ha, là trụ sở mới của Tập đoàn Apple ở Cupertino, California, Hoa Kỳ.
Apple Park được hoàn thành vào cuối quý 1 năm 2017 (bắt đầu xây dựng năm 2013). Chi phí xây dựng 5 tỷ USD (riêng đất giá 160 triệu USD).
Nhà sáng lập Steve Jobs (người Mỹ, 24/2/1955- 5/10/2011), người dành phần lớn thời gian trong hai năm cho dự án trước khi ông qua đời vào tháng 10/2011, muốn toàn bộ khuôn viên rộng khoảng 71ha này được thiết kế sao cho ít giống một khu văn phòng mà giống như một không gian thiên nhiên, nơi con người ẩn trú. 80% diện tích mặt bằng được dành cho trồng cây xanh, là các loại thực vật bản địa của vùng Cupertino.
Tổ hợp công trình do Norman Foster (KTS người Anh -1/6/1935, giải thưởng Pritzker năm 1999) và cộng sự thuộc hãng Foster and Partners thiết kế.
Tổ hợp công trình được quy hoạch và thiết kế kiến trúc theo phong cách kiến trúc Vị lai mới (Tương lai mới - Neo- Futurism).

Norman Foster (KTS người Anh -1/6/1935, giải thưởng Pritzker năm 1999)

Vị trí Trụ sở mới Tập đoàn công nghệ Apple Park (Apple Campus 2)

Mặt bằng tổng thể Trụ sở mới Tập đoàn công nghệ Apple Park (Apple Campus 2)
Apple Park bao gồm các hạng mục công trình chính sau:
Tòa nhà chính (Main Building)
Đây là một cấu trúc tập trung lớn, một tòa nhà hình vòng, giống với ý tưởng cổ điển của một tàu không gian hình đĩa bay vừa hạ cánh, được quảng cáo là “một vòng tròn hoàn hảo” với đường kính 461m. Vành ngoài và vành bên trong của tòa nhà là các hành lang.
Trong vòng tròn có 8 khối nhà, cách nhau bởi 9 hành lang nhỏ.
Công trình có 4 tầng nổi trên mặt đất và 3 tầng ngầm, diện tích sàn khoảng 260.000m2 có sức chứa khoảng 12 ngàn nhân viên.
Bên trong của tòa nhà vòng tròn là một công viên rộng 12ha có hồ nước, cây ăn quả, đường dạo quanh co như các vườn cây ăn trái của California. Không gian sân trong của công trình được cho là lấy cảm hứng từ sân trong chính (Main Quad) của Đại học Stanford ở California (một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, có tổ chức gây quỹ kiếm được 1 tỷ USD/năm; Các giảng viên và cựu sinh viên của trường đã thành lập được một số lượng doanh nghiệp có doanh thu hàng năm khoảng 2,7 ngàn tỷ USD, tương đương nền kinh tế thứ 10 thế giới).
Tường của khối nhà bằng kính để tạo ra tầm nhìn rộng ra cảnh quan bên ngoài và vườn tại sân trong. Tại đây sử dụng các tới 900 tấm kính cong, 1600 tấm kính làm mái hiên, 510 tấm kính làm cửa sổ…. Hiện tại tấm kính tốt nhất thế giới được sản xuất với sai số là 0,3175 cm, nhưng các tấm kính của tổ hợp Apple Park chỉ có độ sai số là 0,08 cm…
Trong tòa nhà có đến 7700m2 không gian dành cho các cuộc hội họp và giao tiếp.
Tất cả đồ gỗ nội thất được sử làm từ gỗ cây phong (Acer, phát triển đến độ cao 10-45m). Có 19 quốc gia thiết kế và cung cấp nguyên vật liệu cho việc xây dựng công trình.
Sàn và trần nhà sử dụng các tấm bê tông rỗng có vai trò như một hệ thống HVAC (HVAC System –Heating, Ventilation and Air conditioning System, hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí, là tiêu chuẩn công nghiệp cho xây dựng các tòa nhà hiện đại, tạo cho tòa nhà có thể “thở”). Có 4.300 tấm như vậy đã được sử dụng để xây dựng. Một số tấm có trọng lượng đến 27 tấn.

Mặt bằng Tòa nhà chính (tầng 1)


Mặt cắt ngang qua Tòa nhà chính và toàn bộ Tổ hợp

Phối cảnh tổng thể Tòa nhà chính

Một trong những sảnh vào Tòa nhà chính gắn với lối vào tầng hầm để xe

Một trong những sảnh vào Tòa nhà chính gắn không gian cà phê

Tòa nhà chính trong quá trình lắp dựng; mái công trình được phủ tấm pin năng lượng mặt trời
Hội trường (Corporate Auditorium)
Hội trường được đặt tên là "Nhà hát Steve Jobs", là nơi công bố, họp báo các sản phẩm mới của Apple.
Sảnh của hội trường hình trụ, được bao quanh bằng các bức tường thủy tinh. Không gian không có cột và trần mái được phủ bằng các tấm sợi carbon. Từ đây có thể nhìn 360 độ về các không gian cây xanh xung quanh. Mỗi tấm sợi carbon mái nặng đến 73 tấn, được đỡ bằng các khung kim loại, gồm 44 tấm giống nhau, mỗi tấm dài 21m và rộng 3,4m. Các tấm này được lắp ráp và thử nghiệm ở sa mạc Dubai trước khi được vận chuyển đến lắp ráp tại tổ họp.
Từ sảnh có một cầu thang máy dẫn xuống hội trường dưới lòng đất với quy mô 1000 chỗ ngồi. Nhà hát có 350 chỗ đỗ xe riêng.

Phối cảnh Hội trường; phía sau là Tòa nhà chính

Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt Hội trường

Lắp dựng mái cho phần sảnh Hội trường;
Tòa nhà nghiên cứu và phát triển (Research and Development 1- 4 và 4- 7)
Tòa nhà nghiên cứu và phát triển nằm tại phía Đông của tổ hợp, gồm hai cụm công trình: Cụm thứ nhất gồm 3 tòa nhà giống hệt nhau, ký hiệu 1- 3; cụm thứ hai gồm 4 tòa nhà giống hệt nhau, ký hiệu 4- 7.
Các tòa nhà nghiên cứu và phát triển có diện tích rộng 28.000m2, cho hơn 2 ngàn nhân viên Apple làm việc. Công trình cao 2 tầng, Tầng trên của mỗi công trình là bộ phận thiết kế công nghiệp và tạo lập các giao thức người dùng trong các sản phẩm công nghệ thông tin.

Phối cảnh các khối Nhà nghiên cứu và phát triển
Trung tâm tiếp đón du khách (Visitor Center)
Trung tâm nằm tại phía Đông của Tòa nhà chính, là một khối công trình có diện tích rộng 1876m2, với các phòng ăn uống rộng 222m2, sàn quan sát nhìn ra khuôn viên bên ngoài công trình và tòa nhà chính.

Phối cảnh Trung tâm tiếp đón du khách
Giao thông công cộng, chỗ đỗ xe ô tô và xe đạp
Nhân viên đi làm chủ yếu bằng xe buýt.
Tổ hợp có tổng cộng 14200 chỗ đỗ xe, trong đó có hai công trình đỗ xe dưới đất (Parking Structure), nằm tại phía Tây Nam của tổ hợp với sức chứa 2 ngàn xe.
Trong khu vực có 1000 xe đạp để cho người lao động đi lại trong khuôn viên và có thêm 2000 chỗ đỗ xe đạp.

Phối cảnh hai công trình đỗ xe tập trung
Ngoài ra trong tổ hợp còn có các hạng mục công trình:
Trung tâm chăm sóc Sức khỏe (Corporate Fitness Center)
Trung tâm chăm sóc sức khỏe nằm tại phia Tây Bắc của tổ hợp với diện tích hơn 9000 m2 có thể phục vụ cho 20 ngàn nhân viên đến từ khắp nơi. Ngoài phòng tập thể dục, trung tâm thể dục có các tiện nghi khác như phòng thay đồ, phòng tắm, dịch vụ giặt là…
Café
Tổ hợp có 7 không gian cà phê, trong đó lớn nhất là quán cà phê ba cấp cho 3.000 người ngồi tại sảnh vào tòa nhà chính. Không gian tầng lửng rộng 1.900 m2 có thể chứa 600 người; 1.750 chỗ ngồi trên sân hiên bên ngoài nhà, có khả năng phục vụ 15.000 bữa ăn trưa mỗi ngày. Bàn được làm bằng gỗ sồi với 500 chiếc được thiết kế đặc biệt, dài 5,5 m và rộng 1,2m. Các bàn, ghế được thiết kế tạo thành phong cách “cửa hàng của Apple”. Những cánh cửa kính lớn của nhà hàng 3 tầng này cao đến 28m, vào loại lớn nhất thế giới.
Công viên bên ngoài và sân trong
Có 9000 cây trong khuôn viên, trong số đó có 309 loài bản địa.
Sân trong rộng 12ha, bao phủ bởi cây ăn quả và hồ nước.
Cung cấp năng lượng
Toàn bộ tổ hợp được cung cấp chủ yếu từ năng lượng tái tạo, được đánh giá là một trong những tòa nhà tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới.
Các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái của khuôn viên có thể tạo ra 17MW điện, đủ để cung cấp 75% trong thời gian cao điểm ban ngày, làm cho công trình trở thành một trong những mái nhà năng lượng lớn nhất trên thế giới.
Nguồn năng lượng bổ sung cho công trình cũng đến từ một dự án năng lượng mặt trời công suất 130MW ở lân cận. Ngoài ra trong công trình còn sử dụng năng lượng tái tạo từ nhiên liệu sinh học hoặc khí tự nhiên.
Việc tiết kiệm năng lượng trong công trình còn đạt được qua việc sử dụng hệ thống HVAC và tận dụng thông gió tự nhiên trong suốt 9 tháng trong năm.
Siêu dự án khổng lồ và ấn tượng Apple Park đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều tạp chí kiến trúc và hãng truyền thông nổi tiếng trên thế giới.
Steve Jobs trong lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng trước khi mất vào tháng 10 năm 2011 đã dự đoán về tương lai của Apple Park: Chúng tôi sẽ xây dựng tòa nhà văn phòng tốt nhất thế giới. Tôi thực sự nghĩ rằng các sinh viên kiến trúc sẽ đến đây để xem nó.
Hy vọng rằng, Apple Park sẽ trở thành một trong những hình mẫu lý tưởng về không gian làm việc của con người trong thế kỷ XXI – thế kỷ của tri thức và văn hóa; là một trong những mô hình khởi nguồn cho sáng tạo và đổi mới kiến trúc.
KTS. Nguyễn Minh Hoàng, học viên CH lớp KDHN 1605 - ĐHXD
Nguồn:
https://en.wikipedia.org/wiki/Apple_Inc.
https://en.wikipedia.org/wiki/Main_Quad_(Stanford_University)&usg=
ALkJrhhzjU0Fy_deFj2Ku6KD8Ftn6jtsgw
https://en.wikipedia.org/wiki/Apple_Park
http://www.archdaily.com/tag/apple-campus
https://www.dezeen.com/2017/09/12/apple-park-steve-jobs-theater-keynote-foster-partners/
http://www.idesignarch.com/foster-partners-to-design-new-apple-campus-in-cupertino/
http://www.archdaily.com/160044/more-about-foster-partners-new-apple-campus-in-cupertino
https://www.apple.com/newsroom/2017/02/apple-park-opens-to-employees-in-april/
https://www.theverge.com/2012/6/8/3073803/apple-campus-2-floor-plans
https://www.designboom.com/architecture/apple-campus-2-drone-video-update-cupertino-spaceship-california-01-06-2017/
|
Cập nhật ( 09/10/2017 )
|
Tin mới đưa:- Trung tâm Sinh viên Đại học Trent, Peterborough, bang Ontario, Canada
- Trung tâm Văn hóa Tsuruoka, Yamagata, Nhật Bản – KTS. Kazuyo Sejima và Ryue Nishizawa
- Trung tâm Giáo dục Roy và Diana Vagelos, Trung tâm Y tế Đại học Columbia, New York, Mỹ
- Trường mẫu giáo Fuji, tại Tachikawa, Tokyo, Nhật Bản.
- Bảo tàng Soulages tại thành phố Rodez, Aveyron, Pháp - RCR Arquitectes
- Bảo tàng Nghệ thuật tỉnh Oita, Nhật Bản - KTS. Shigeru Ban
- Bảo tàng Chiến tranh thế giới lần hai tại thành phố cảng Gdańsk, Ba Lan
- Trung tâm Bloomberg tại Công viên Công nghệ Cornell Tech, New York, Mỹ - KTS. Thom Mayne
- Trung tâm hòa nhạc và triển lãm tại Tbilisi, Georgia
- Trung tâm đào tạo Lanka, Batticaloa, Sri Lanka
- Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc và Công nghệ MAAT, Lisboa, Bồ Đào Nha
- Tòa nhà Khoa Nghệ thuật, Âm nhạc và Thiết kế, Đại học Tổng hợp Bergen, Na uy
- Siêu thị Lideta, Addis Ababa, Ethiopia
- Bảo tàng lịch sử Triển lãm Thế giới, Shanghai, China
Tin đã đưa:- Cơ sở sản xuất rượu nho Bell-Lloc, Girona, Tây Ban Nha - RCR Arquitectes
- Bảo tàng lịch sử leo núi Messner tại Corones, Nam Tyrol, Ý - KTS. Zaha hadid
- Tòa nhà văn phòng Pixel, Melbourne, Australia
- Trường Trung học Y tế Sức khỏe nghề nghiệp - IHSCA, Chicago, Hoa Kỳ
- Trung tâm thể thao cộng đồng Mercator, Amsterdam, Hà Lan
- Trung tâm Hội nghị Quốc tế Mons, Bỉ
- Trường Đại học Hàng hải Piri Reis, İstanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
- Bảo tàng Hồi giáo Aga Khan, Toronto, Canada – KTS. Fumihiko Maki
- Trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại Selangor, Malaysia
- Trung tâm Giáo dục Môi trường Tartu, Estonia
- Khu nhà ở Hualien, Đài Loan
- Trung tâm Văn hóa và Phúc lợi Seongdong Seoul, Hàn Quốc
- Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian, Học viện Nghệ thuật Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc
- Trung tâm nghệ thuật và văn hóa Carnal Hall, Trường nội trú Le Rosey, Rolle, Thụy Sĩ
- Nhà ga đường sắt phía Nam Quảng Châu, Trung Quốc
|