|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Lâu đài Himeji, Hyōgo, Nhật Bản |
27/11/2007 |

Thông tin chung:
Công tình: Lâu đài Himeji (Himeji Castle)
Địa điểm: Hyōgo, Nhật Bản (N34 49 60 E134 41 60)
Tư vấn thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Khu vực Di sản 107ha, Khu vực bảo vệ 143ha
Năm hoàn thành: 1346
Giá trị : Di sản thế giới (1993; hạng mục i, iv)
Nhật Bản là một đảo quốc tại Đông Á, Thái Bình Dương, được gọi là "Đất nước Mặt Trời mọc". Quốc gia này nằm bên rìa phía Đông của biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông Nga, trải dài từ biển Okhotsk ở phía Bắc xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan ở phía Nam.
Nhật Bản có diện tích 377.972,75 km2, là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo, phần lớn diện tích là rừng và núi với nguồn tài nguyên khoáng sản hạn chế.
Bốn hòn đảo lớn nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền.
Nhật Bản có số dân khoảng 126,7 triệu người (năm 2017), thủ đô là thành phố Tokyo.
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Nhật. Ngày lập nước là ngày 11/2/660 trước Công nguyên (TCN).
Các nghiên cứu khảo cổ đã chỉ ra rằng con người định cư tại Nhật Bản từ 15.000 năm TCN. Các tư liệu lịch sử Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên đã có ghi chép đầu tiên về quốc gia này. Ban đầu Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ bên ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tiếp sau là giai đoạn tự cách ly và thoát khỏi sự chi phối của thế giới phương Tây. Từ đây đã hình thành được những nét đặc trưng trong lịch sử và văn hóa Nhật Bản.
Từ thế kỷ 12 đến năm 1868, Nhật Bản liên tục thuộc quyền cai trị của các võ tướng (Shōgun) với quyền lực rất lớn nhân danh Thiên hoàng. Các dòng họ tướng quân này làm việc trong các dinh thự gọi là Mạc Phủ. Thời kỳ Mạc phủ bắt đầu từ Mạc phủ gia tộc Kamakura (năm 1192–1333); tiếp đó là Mạc phủ Muromachi/ Ashikaga (năm 1336- 1573) và cuối cùng là Mạc phủ Tokugawa (năm 1603 - 1868).
Từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16, xen kẽ giữa các dòng họ Mạc phủ, nước Nhật trong tình trạng mất ổn định do ngoại xâm, nội chiến và chia rẽ, như Thời kỳ Tân chính Kemmu (năm 1333 - 1336); Thời kỳ Nam – Bắc triều (từ năm 1336 – 1392); Thời kỳ Chiến quốc (từ giữa thế kỷ 15 – giữa thế kỷ 16).
Dưới thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, quốc gia này bước vào giai đoạn cô lập kéo dài suốt nửa đầu thế kỷ 17 (năm 1633) và chỉ kết thúc vào năm 1853 khi một hạm đội của Hoa Kỳ gây áp lực buộc Nhật Bản phải mở cửa với phương Tây.
Vào năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị loại bỏ chế độ Mạc Phủ, thiết lập lại trật tự mới, dời đô từ Kyōto về Tōkyō, khai sinh Đế quốc Nhật Bản và tái thiết lại đất nước. Nước Nhật bắt đầu thời kỳ công nghiệp hóa. Chỉ tới đầu thế kỷ 20 Nhật Bản đã trở thành quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất châu Á. Thiên Hoàng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Nhật Bản.
Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thắng lợi trong các cuộc chiến tranh Trung – Nhật, Nga – Nhật và Chiến tranh thế giới thứ 1 đã cho phép Nhật Bản mở rộng đế chế của mình và củng cố quyền lực theo Chủ nghĩa quân phiệt. Cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1937 đã nhanh chóng lan rộng thành một phần của Chiến tranh thế giới thứ 2, bắt đầu vào năm 1941. Chiến tranh kết thúc vào năm 1945 sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Năm 1947, Nhật Bản có bản Hiến pháp mới với một chính thể mới, duy trì chế độ quân chủ lập hiến kết hợp dân chủ đại nghị, trong đó cơ quan lập pháp dân cử là Quốc hội Nhật Bản.
Về hành chính, Nhật Bản được chia thành 8 vùng với 47 tỉnh.
Hyōgo là một tỉnh nằm ở vùng Kinki (Kansai), trên đảo Honshu. Trung tâm hành chính là thành phố Kobe.
Himeji là một trung tâm giao thông quan trọng ở phia Tây Nhật Bản từ thời xa xưa. Thành phố Himeji được thành lập năm 1889, trở thành thành phố lớn thứ 2 (sau tỉnh lỵ Kobe) của tỉnh Hyōgo.

Bản đồ phân chia các tỉnh Nhật Bản và vị trí tỉnh Hyōgo (số 28)
Lâu đài Himeji ở thành phố Himeji nằm trên một gò núi mang tên Himeyama, có độ cao 45,6 m so với mực nước biển và nổi bật so tại khu vực đồng bằng Harima ở xung quanh, dọc theo tuyến đường chiến lược tới cố đô Kyōto.
Tòa thành được xây dựng vào năm 1346 vào đầu của thời kỳ Mạc Phủ (Shogun), bởi võ tướng Akamatsu Sadanori. Công trình xây dựng trên nền của một tòa lâu đài cũ có từ năm 1333.
Lâu đài Himeji được hoàn thiện, trùng tu và xây dựng bổ sung vào những năm 1561; 1581; 1601- 1609; 1617- 1618.
Lâu đài hoạt động liên tục như là trung tâm quyền lực của một địa phương trong gần ba thế kỷ, cho đến năm 1868, khi chính thể Mạc Phủ (Shogun) sụp đổ và mở đầu chính thể Thiên Hoàng Minh Trị.
Trong thời Minh Trị, nhiều tòa thành Mạc Phủ bị phá hủy. Lâu đài Himeji bị bỏ hoang. Vào năm 1871, lâu đài được bán đấu giá. Người mua (với giá 23 Yên Nhật, khoảng 200.000 Yên hoặc 2258 đô la Mỹ ngày nay) muốn phá hủy lâu đài để lấy đất cho mục đích khác, song do chi phí phá hủy quá lớn nên giữ lại.
Trong hơn 400 năm tồn tại, Lâu đài Himeji may mắn vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả trong những trận đánh bom trong Chiến tranh thế giới lần 2 và trận động đất lớn tại Kobe vào năm 1995.
Công việc phục dựng lại công trình bắt đầu từ năm 1956 với chi phí 250.000 ngày công và 550 triệu Yên.
Lâu đài Himeji là một trong những kiến trúc cổ nhất còn sót lại ở Nhật Bản và là kiến trúc tiêu biểu cho các thành quách thời cận đại của Nhật Bản. Lâu đài Himeji cùng với Lâu đài Matsumoto (thuộc tỉnh Nagano) và Lâu đài Kumamoto (thuộc tỉnh Kumamoto), tạo thành "Ba tòa thành quý báu của quốc gia/Tam đại quốc bảo thành". Trong đó, Lâu đài Himeji nổi tiếng nhất.

Lâu đài Matsumoto, một trong 3 tòa lâu đài nổi tiếng Nhật Bản

Lâu đài Kumamoto, một trong 3 tòa lâu đài nổi tiếng Nhật Bản

Lâu đài Himeji, nổi tiếng nhất trong 3 tòa lâu đài nổi tiếng của Nhật, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Nhật Bản
Lâu đài Himeji có diện tích 107 ha, bao gồm 82 tòa nhà với các hệ thống phòng thủ tiên tiến (thời Phong kiến) bao quanh. Công trình trở thành một điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu, có thể nhìn thấy từ bất kỳ điểm nào trong thành phố Himeji.
Nhiều bộ phận khác nhau của Lâu đài Himeji đã được công nhận là quốc bảo của Nhật Bản.

Phối cảnh Lâu đài Himeji
Lâu đài Himeji, tại Hyōgo, Nhật Bản được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1993) với các tiêu chí :
Tiêu chí (i): Lâu đài Himeji là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong xây dựng bằng gỗ. Công trình kết hợp được hiệu quả của chức năng sử dụng với sự hấp dẫn thẩm mỹ và vẻ ngoài thanh lịch, được nhấn mạnh bởi các bức tường đất trát vữa màu trắng và tinh tế của các khối mái cong nhiều lớp.
Tiêu chí (iv): Công trình là một ví dụ nổ bật về một kiếu kiến trúc lâu đài xây dựng bằng gỗ tại Nhật Bản và hiện bảo tồn được được nguyên vẹn tất cả các tính năng quan trọng.

Vị trí Di sản văn hóa thế giới Lâu đài Himeji, phạm vi Di sản và khu vực bảo vệ
Lâu đài Himeji là một trong những lâu đài lớn nhất Nhật Bản, ví dụ tốt nhất còn sót lại về kiến trúc lâu đài từ đầu thế kỷ 16,17 của Nhật Bản.
Theo hướng từ Đông sang Tây, tòa thành có chiều dài 950-1600m; từ Bắc đến Nam dài 900 -1700m với chu vi khoảng 4200m, diện tích lên đến 200ha.
Tòa thành được chia thành 3 lớp, ngăn cách bởi hệ thống hào. Hai lớp ngoài cùng là khu dân cư, lớp trong cùng hay khu vực trung tâm là đền, miếu thờ, cung điện. Khoảng cách giữa 3 lớp hào rộng ở các hướng Bắc, Nam và Đông, hẹp và gần như chập vào nhau tại hướng Tây.

Bản vẽ Lâu đài Himeji vào năm 1761

Sơ đồ mặt bằng Lâu đài Himeji với 3 lớp vòng hào
Khu vực trung tâm với các tòa tháp
Khu vực trung tâm của tòa thành nằm trên một ngọn đồi cao 45,6m, được bao quanh bởi hào nước và tường thành.
Bên trong khu vực trung tâm có 83 tòa nhà bằng gỗ gắn với hệ thống phòng thủ được cho là tiên tiến nhất thời bấy giờ, gồm: 11 hành lang, 16 tháp pháo, 15 cổng, 32 bức tường thành bằng đất, đá với những bức tường cao đến 26m.
Tại trung tâm của Lâu đài Himeji là một tòa tháp chính (Tenshu) cao 46,4m (tương đương với độ cao 92m so với mực nước biển), cùng với 3 tòa tháp nhỏ (Tháp Đông, Tháp Tây Bắc và Tháp Tây) tạo thành một cụm tháp.
Tòa tháp chính (Tenshu, cũng được gọi là Tenshukaku) là một kiến trúc thường thấy trong các tổ hợp lâu đài Nhật Bản, thường là các tháp cao nhất. Công trình có đặc trưng kết cấu khung gỗ, nhiều tầng, đặt trên bệ móng đá. Ngoài vật liệu gỗ, công trình sử dụng đá, gạch, vữa thạch cao.
Tòa tháp chính cao 6 tầng và 1 tầng hầm (hình dáng bên ngoài tháp chỉ như 5 tầng). Cấu trúc chịu lực chính của tháp là hệ khung gỗ. Trong đó đặc biệt có hai cột gỗ chính đặt tại trung tâm của tháp cao suốt 1 tầng hầm và 5 tầng nổi. Cột phía Đông có đường kính phía gốc đến 97cm, làm bằng nguyên cả cây thông. Cột phía Tây có kích thước 85 x 95cm, làm từ cây bách Nhật Bản.
Tầng hầm có diện tích 385m2, là không gian cho nhà phụ, bếp, nhân viên gác cổng;
Tầng đầu tiên của lâu đài có diện tích khoảng 554m2, hiện lưu giữ hơn 330 tấm thảm Tatami (thảm lát sàn trong kiến trúc truyền thống của Nhật) và là nơi chứa vũ khí với 280 khẩu súng và 90 giáo;
Tầng hai có diện tích 550m2;
Tầng ba có diện tích 440m2; Tầng bốn có diện tích 240m2. Đây là các tầng có thể quan sát, phóng vũ khí vào những kẻ tấn công lâu đài;
Tầng thứ 5 và 6 có diện tích khoảng 115m2. Tại đây có một gian thờ nhỏ;
Mái và cửa mái của tòa tháp có hình thái khác nhau theo từng tầng với các chi tiết trang trí vô cùng sinh động và đẹp đẽ. Do hình dáng uốn cong về hai phía của mái có hình tượng như cánh hạc đang vẫy trên bầu trời cùng với màu tường trắng do được phủ bằng thạch cao để chống cháy nên tòa lâu đài còn được gọi là “Lâu đài hạc trắng” (Shirasagijo).

Sơ đồ vòng trong của Lâu đài Himeji với khu vực tòa tháp trung tâm


Mặt cắt qua khu vực trung tâm Lâu đài Himeji

Phối cảnh khu vực trung tâm, Lâu đài Himeji

Mặt bằng tòa tháp chính (Tenshu) cao 46,4m cùng với 3 tòa tháp nhỏ (Tháp Đông, Tháp Tây Bắc và Tháp Tây), Lâu đài Himeji

Mặt cắt ngang và măt đứng tòa tháp chính, Lâu đài Himeji


Cụm tháp chính tại khu vực trung tâm, Lâu đài Himeji

Một trong số các cổng vào khu vực trung tâm Lâu đài Himeji

Hình dáng mái chồng mái và các họa tiết trang trí tòa tháp chính, Lâu đài Himeji


Nội thất bên trong tòa tháp chính, Lâu đài Himeji
Hệ thống phòng thủ
Lâu đài Himeji chứa các hệ thống phòng thủ tiên tiến thời phong kiến với các lỗ châu mai trong dạng hình tròn, hình tam giác, hình vuông và chữ nhật nằm dọc theo các bức tường của lâu đài để có thể bất ngờ tấn công kẻ thù mà không lộ diện. Hiện còn tồn tại đến khoảng 1000 lỗ châu mai như vậy.
Xung quanh lâu đài có 3 tuyến hào. Tuyến hào bên ngoài hiện đã không còn. Hai tuyến còn lại với những con hào có chiều rộng trung bình 20m, chiều rộng tối đa 34,5m, sâu khoảng 2,7m. Tại đây có 3 đoạn mương với diện tích rộng 2500m2, vừa là hào vừa là để trữ nước phòng ngừa hỏa hoạn.
Xung quanh lâu đài còn có các dãy nhà kho dự trữ gạo, muối và nước, sử dụng trong trường hợp bị bao vây.
Trong vòng hào phía trong có đến 33 giếng, trong đó 13 giếng hiện vẫn còn. Giếng sâu đến 30m.
Một trong những yếu tố phòng thủ quan trọng của Lâu đài là hệ thống của các con đường bên trong như một mê cung rối rắm ngoằn nghèo, kéo dài, dốc và hẹp. Tại đây có đến 84 lối ra vào. Hiện nay, 21 lối vẫn còn nguyên vẹn

Hệ thống hào nước bao quanh khu vực trung tâm, Lâu đài Himeji

Cầu từ bên khu vực vòng ngoài qua hào vào khu trung tâm thành, Lâu đài Himeji

Hệ thống ma trận các lối đi bên cạnh các tường thành với các lỗ châu mai, Lâu đài Himeji
Di sản thế giới Lâu đài Himeji tại Hyōgo, Nhật Bản là nơi thu hút rất đông đảo khách thăm và là bối cảnh cho nhiều truyền thuyết và phim truyện nổi tiếng trên thế giới.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/661
https://en.wikipedia.org/wiki/Himeji
https://en.wikipedia.org/wiki/Himeji_Castle
http://www.japan-guide.com/e/e3501.html
http://www.himeji-castle.gr.jp/index/English/
https://www.archdaily.com/872445/ad-classics-himeji-castle-ikeda-terumasa
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 09/02/2019 )
|
Tin mới đưa:- Di tích Paleochristian và Byzantine tại Thessalonika, Hy Lạp
- Meteora tại Trikala, Hy Lạp
- Núi Athos, Hy Lạp
- Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
- Hang động Elephanta, Ấn Độ
- Venice và đầm phá xung quanh, Veneto, Ý
- Piazza del Duomo, Pisa, Tuscany, Ý
- Nhà thờ lớn, Alcázar và Archivo de Indias ở Seville, Tây Ban Nha
- Địa điểm khảo cổ học Delphi, Phokis, Hy Lạp
- Thành phố Bath, Avon, Anh
- Cung điện Westminster và Tu viện Westminster bao gồm cả Nhà thờ Saint Margaret, London, Anh
- Nemrut Dağ, Lăng mộ vua Antiochus I, Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ
- Hattusa: Thủ đô của Đế chế Hittite, Boğazkale, Thổ Nhĩ Kỳ
- Thành phố lịch sử Toledo, Castile-La Mancha, Tây Ban Nha
- Các tượng đài La Mã, Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà tại Trier, Đức
Tin đã đưa:- Quần thể Angkor, Siem Reap, Campuchia
- Nhà thờ thánh Basil, Moskva, Nga
- Khách sạn Burj Al Arab, Dubai, United Arab Emirates
- Nhà máy sản xuất giày, Alfeld, Đức - KTS Walter Gropius
- Trung tâm Văn hóa Jean Marie Tjibaou, New Caledonia – KTS. Renzo Piano
- Tháp đôi Petronas Towers, Kuala Lumpur, Malaysia
|