Ban quản lý là cơ quan đầu mối trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư trong KCN, KCX, KCNC, KKT theo thẩm quyền của mình, đồng thời là đầu mối phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan để xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. Tuy nhiên, do mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý chưa được kiện toàn, tổng kết đánh giá và chưa xây dựng được mô hình chung giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời cơ chế “một cửa, tại chỗ” và cơ chế phối hợp giữa Ban quản lý với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và giữa trung ương và địa phương chưa thực sự được hiểu và thực hiện một cách thống nhất.
Ngày 22/9/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Nghị định số 108/2006/NĐ-CP). Nghị định này đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý KCN, KCNC, KKT (Ban quản lý) trong quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có đầu tư vào KCN, KCNC, KKT. Có thể nói, Nghị định 108/2006/NĐ-CP ra đời tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong tư duy quản lý nhà nước từ quan điểm tập trung quản lý nhà nước vào các cơ quan trung ương sang quan điểm tập trung quản lý đầu tư trên địa bàn vào các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; từ cơ chế “một cửa” thông qua quản lý đầu tư theo uỷ quyền sang cơ chế “một cửa” thông qua thẩm quyền quản lý đầu tư được phân cấp trực tiếp cho Ban quản lý, tăng cường tính chất “tại chỗ” và “một đầu mối”. Nghị định 108/2006/NĐ-CP đã bãi bỏ Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác quản lý nhà nước KCN, KCX, KCNC, KKT.
Việc triển khai Nghị định 36/CP và cơ chế uỷ quyền thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận
Trước đây, theo quy định của Nghị định số 36/CP, những nội dung chủ yếu của công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KCNC bao gồm:
- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển KCN, KCX, KCNC;
- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động KCN, KCX, KCNC;
- Quy định và hướng dẫn việc hình thành, xây dựng, phát triển và quản lý hoạt động của KCN, KCX, KCNC;
- Cấp, điều chỉnh và thu hồi các loại giấy phép và thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước liên quan;
- Tổ chức bộ máy, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ;
- Kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động của KCN, KCX, KCNC và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Ban quản lý KCN là cơ quan quản lý trực tiếp KCN, KCX và thực hiện quản lý hoạt động KCN, KCX theo nguyên tắc “một cửa” thông qua cơ chế uỷ quyền của các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Theo cơ chế đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã uỷ quyền cho Ban quản lý cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đầu tư với những điều kiện nhất định; Bộ Thương mại đã uỷ quyền trong việc phê duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D và quản lý hoạt động thương mại; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội uỷ quyền trong việc cấp phép cho người lao động nước ngoài; Bộ Tài chính uỷ quyền trong việc chấp thuận chế độ kế toán; UBND cấp tỉnh uỷ quyền quyết định việc chấp thuận và cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho các dự án trong nước đầu tư vào KCN, thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình thuộc dự án đầu tư vào KCN ở một số tỉnh. Đồng thời, các cơ quan quản lý chuyên ngành như hải quan, công an, phòng cháy chữa cháy, ngân hàng... cũng được thành lập tại một số KCN, KCX ở một số địa phương.
Từ năm 2003, quản lý nhà nước đối với KCNC được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghệ cao và đối với KKT được thực hiện theo các quy chế thành lập và hoạt động của các KKT. Việc quản lý hoạt động KCNC, KKT được thực hiện thông qua cơ chế uỷ quyền của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh với những nội dung chủ yếu đã áp dụng đối với KCN, KCX và có bổ sung thêm một số nội dung về quản lý vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCNC, KKT từ nguồn ngân sách nhà nước, quản lý đất đai tại KCNC, KKT, quản lý và phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ tại KKT.
Ở trung ương, các bộ, ngành tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KCNC, KKT thông qua các công cụ quản lý chủ yếu gồm: xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách; hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ đối với Ban quản lý. Trực tiếp tham gia vào quá trình này gồm các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công nghiệp, Nội vụ, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ.
Ở địa phương, UBND cấp tỉnh và Ban quản lý là cơ quan quản lý trực tiếp KCN, KCX, KCNC, KKT và có nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển của KCN, KCX, KCNC, KKT và doanh nghiệp.
Thực tế, qua hơn 16 năm phát triển KCN, Ban quản lý với các thẩm quyền gián tiếp nêu trên đã góp phần giải quyết nhanh chóng yêu cầu của các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, góp phần cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp tại KCN, KCX, KCNC, KKT.
Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác quản lý nhà nước KCN, KCX, KCNC, KKT thông qua cơ chế uỷ quyền cũng đặt ra một số vấn đề còn hạn chế, về tổ chức bộ máy, chức năng, thẩm quyền và sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước KCN, KCX, KCNC, KKT.
Về tổ chức bộ máy, hiện tại, đã có 44 ban quản lý KCN, KCX, 7 Ban quản lý KKT và 2 Ban quản lý KCNC đã được thành lập. Thông thường mỗi địa phương thành lập một ban quản lý trực thuộc UBND cấp tỉnh, trừ một số trường hợp đặc biệt tại một số địa phương có KCNC hoặc KKT, hai ban quản lý được thành lập. Tuy nhiên, quy mô và khối lượng công việc của từng ban quản lý còn rất khác nhau và phụ thuộc vào mức độ phát triển của các KCN, KCX, KCNC, KKT trên địa bàn. Thông thường ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tồn tại hai bộ máy quản lý về đầu tư, một tại UBND cấp tỉnh (thông qua các sở, ban, ngành) và một tại Ban quản lý. Theo thống kê sơ bộ, tổng số đầu mối cấp phép đầu tư nước ngoài tại các địa phương hiện là trên 100 đầu mối. Ngoài ra, có những địa phương có tới 3-4 đầu mối quản lý đầu tư nước ngoài (như Bình Dương, các địa phương vừa có Ban quản lý KCN vừa có Ban quản lý KKT hoặc Ban quản lý KCNC như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định...) Việc tồn tại nhiều đầu mối với thẩm quyền, chức năng còn chưa thống nhất đã dẫn tới sự phân công phối hợp quản lý trên địa bàn chưa thực sự hiệu quả và làm giảm tính hiệu lực của cơ chế uỷ quyền.
Về chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý ở các địa phương chưa thống nhất, phạm vi uỷ quyền của các bộ, ngành cho địa phương còn rất khác nhau, trừ thẩm quyền quản lý về đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư uỷ quyền cho hầu hết các Ban quản lý KCN, các thẩm quyền khác như chấp thuận chế độ kế toán, cấp chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá, đăng ký kế hoạch xuất nhập khẩu, cấp giấy phép về lao động, giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở... được uỷ quyền không đồng đều cho các ban quản lý, có Ban quản lý được uỷ quyền đầy đủ, nhưng có nhiều ban lại không được uỷ quyền hoặc chỉ được uỷ quyền trên một vài lĩnh vực.
Ban quản lý là cơ quan đầu mối trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư trong KCN, KCX, KCNC, KKT theo thẩm quyền của mình, đồng thời là đầu mối phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan để xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. Tuy nhiên, do mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý chưa được kiện toàn, tổng kết đánh giá và chưa xây dựng được mô hình chung giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời cơ chế “một cửa, tại chỗ” và cơ chế phối hợp giữa Ban quản lý với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và giữa trung ương và địa phương chưa thực sự được hiểu và thực hiện một cách thống nhất.
Sự không thống nhất về tổ chức bộ máy và chức năng, thẩm quyền nêu trên là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng cấp phép vượt thẩm quyền, chưa phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là các ưu đãi về thuế (cấp giấy phép đầu tư, phê duyệt kế hoạch xuất, nhập khẩu) xuất hiện ở các địa phương; có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, các KCN trong việc thu hút đầu tư, thậm trí cạnh tranh về thu hút đầu tư giữa trong và ngoài KCN trên địa bàn một tỉnh.
Hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KCNC, KKT và doanh nghiệp còn manh mún, lạc hậu và chưa có tính hệ thống. Mạng liên kết và trao đổi thông tin điện tử giữa Ban quản lý với các sở, ban, ngành trong tỉnh, giữa các Ban quản lý, Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa được thiết lập.
Thực tế công tác quản lý nhà nước về KCN, KCX, KCNC, KKT đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với việc kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT như sau:
Về yêu cầu pháp lý:
- Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP đã quy định cơ chế phân cấp trong quản lý đầu tư, theo đó Ban quản lý KCN được phân cấp quản lý tất cả các dự án đầu tư vào KCN trên địa bàn, kể cả những dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN, những dự án đầu tư có điều kiện hoặc do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (trừ một số dự án thuộc Bộ quản lý ngành như tài chính, bảo hiểm, dầu khí).
- Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các quy định mới có liên quan đến nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11.
- Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 6/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chức năng, quyền hạn, tổ chức và cán bộ của các Ban quản lý để đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư và quản lý lao động.
Nghị định 36/CP đã được bãi bỏ, do đó cơ chế uỷ quyền theo Nghị định này trên thực tế đã không còn hiệu lực và cần thiết phải được thay thế bằng các quy định phù hợp với xu hướng phân cấp đầu tư và các chủ trương, chính sách của Quốc Hội, Chính phủ tại các văn bản trên.
Mặt khác, nhiều nội dung quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KCNC, KKT trên các lĩnh vực như: xây dựng, quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, lao động, thương mại, xuất - nhập khẩu,... hiện tại vẫn được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật chuyên ngành và chưa được giao trực tiếp cho Ban quản lý. Thậm chí, nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành không đề cập đến thẩm quyền, chức năng của Ban quản lý trong quản lý ngành tại KCN.
Những yêu cầu thực tiễn và pháp lý trên đây đã đặt ra nhiệm vụ cấp thiết của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là phải nghiên cứu và xây dựng nội dung và mô hình quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KCNC, KKT cho phù hợp với tình hình mới. Đây cũng là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và đã được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Quyết định về quản lý nhà nước KCN, KCX, KCNC, KKT tại công văn số 6082/VPCP-CN ngày 23/10/2006.
Để đảm bảo nội dung Quyết định phù hợp với xu hướng phân cấp quản lý nhà nước và điều chỉnh đầy đủ các lĩnh vực quản lý một cách thống nhất, theo hướng một đầu mối, việc nghiên cứu, xây dựng cần tuân thủ một số mục đích, yêu cầu và nguyên tắc chính sau đây:
Một là hoàn thiện cơ chế và phương thức quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KCNC, KKT theo hướng tăng cường cơ chế “một cửa, tại chỗ” nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của nhà đầu tư.
Hai là thực hiện cơ chế giao quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN, KCX, KCNC, KKT cho Ban quản lý.
Ba là xử lý quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KCNC, KKT ở trung ương và địa phương để tăng cường thống nhất quản lý theo quy hoạch, cơ chế và chính sách chung.
Bốn là tập trung quy định cụ thể những nội dung và nguyên tắc quản lý nhà nước về KCN, KCX, KCNC, KKT, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và hành chính lãnh thổ đối với KCN, KCX, KCNC, KKT của các Bộ và UBND cấp tỉnh; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý trên cơ sở kế thừa chọn lọc các quy định trước đây và cập nhập những quy định mới ban hành gần đây có liên quan tới công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KCNC, KKT.
TS. Trần Ngọc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý KCN và KCX
|