Gần đây có một nhóm từ được các nhà lãnh đạo, trí thức, doanh nhân và cộng đồng xã hội hay nói đến là "Cách mạng công nghiệp 4.0", kèm với đó là vô số các khái niệm mới với nhiều cách hiểu khác nhau: Kinh tế chia sẻ (Sharing Economy); Cộng đồng phần mềm nguồn mở (Open-source software movement); Công dân kỹ thuật số (Digital citizen); Các khái niệm gắn với "thông minh" (Đô thị thông minh - Smart city; Công nghiệp thông minh - Smart industry)…
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) cùng với các cuộc CMCN trước đó đã và đang tác động cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đến tất cả các quốc gia, đến mỗi tổ chức, cộng đồng và mỗi cá nhân. Việt Nam không là ngoại lệ. Song tác động thế nào, tham gia đến đâu để Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển; để chuyển từ nền kinh tế tiêu dùng sang nền kinh tế sản xuất là vấn đề rộng lớn. Bài viết chỉ nêu ra một số vấn đề có liên quan đến lĩnh vực kiến trúc, xây dựng mà tác giả nhận thức là trọng tâm, hy vọng được chia sẻ cùng mọi người.
CÁC CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP
Lịch sử đã và đang diễn ra 4 cuộc Cách mạng công nghiệp: 1) Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước (1784); 2) Động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt (1870); 3) Máy tính và tự động hóa (1969); 4) Hệ thống liên kết thế giới thực và ảo hay hệ thống liên kết Internet.
Cuộc CMCN 1.0 với động cơ hơi nước
Cuộc CMCN 1.0 vào cuối thế kỷ 18 đánh dấu sự chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp vào xã hội công nghiệp hay nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, nhờ sự phát minh ra máy móc, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa hàng loạt, mà không bắt nguồn từ đất đai.
Năm 1784, James Watt phát minh ra động cơ hơi nước, qua đó giúp cho nhà máy có thể đặt bất kỳ đâu, không phụ thuộc vào sức nước chảy của sông. Đây là thời điểm khởi đầu cho cuộc CMCN lần 1.
Giai đoạn này có một số sự kiện, phát minh, sáng chế với các mốc thời gian nổi bật: Năm 1733, con thoi bay dùng trong dệt vải; 1735, phương pháp luyện kim mới bằng than cốc; 1764, bánh xe quay ống chỉ sợi vải; 1776, Adam Smith (nhà kinh tế người Scotland, 1723- 1790) với các lý thuyết về kinh tế và sự giàu có của các quốc gia; 1784, lò luyện gang thép; 1793, robot (chế biến ngũ cốc); 1793, tín hiệu điện báo; 1794, máy tỉa sợi bông; 1795, máy ép thủy lực; 1801, khung cửi dệt vải cơ khí điều khiển bằng thẻ đục lỗ; 1807, tàu thủy chạy bằng hơi nước; 1809, đèn điện hồ quang; 1810, máy in tốc độ cao; 1820, đèn sợi đốt; 1824, Bê tông từ xi măng Portland giúp nhịp nhà lớn hơn và tạo ra nhà cao tầng; Những năm 1830, xe lửa động cơ hơi nước vận chuyển hàng hóa đường dài; 1831, máy phát điện; 1832, tấm thẻ đục lỗ, cơ sở lập trình máy tính đời đầu; 1834, máy đánh chữ; 1839, lưu hóa nóng cao su; Những năm 1840, tua bin cho sản xuất công nghiệp; 1846, máy may; 1846, lốp khí nén; 1852, tàu bay hơi nước; 1856, phương pháp tiệt trùng; 1857, máy in thạch bản ôpxet ; 1858, động cơ đốt trong; 1859, ra đời của dầu thô; 1865, gỗ dán; 1867, Karl Marx và Friedrich Engels viết cuốn “Tư bản (Das Kapital)”...
Nước Anh trở thành cường quốc công nghiệp và đi tiên phong trong quá trình đô thị hóa.
Cuộc CMCN 2.0 với động cơ điện, dây chuyền sản xuất hàng loạt
Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công nghiệp thép, cơ khí, điện lực, hóa chất và dầu mỏ. Hàng tiêu dùng được sản xuất hàng loạt và nhiều hơn, ví dụ như đồ uống, thực phẩm, quần áo, vận tải và giải trí (chiếu phim, phát thanh, máy ghi âm...). Vì vậy, thế kỷ 20 còn được coi là thế kỷ của dân chủ hóa tiêu dùng.
Giai đoạn này có một số sự kiện, phát minh, sáng chế với các mốc thời gian nổi bật: Những năm 1870, bê tông với các thanh cốt thép hệ lưới để tăng khả năng chịu kéo, chịu nén; 1875, thời gian tiêu chuẩn được đặt ra bởi ngành đường sắt; 1876, điện thoại điện; 1876, sản xuất xe đạp; 1877, máy hát; 1879, đèn điện được cải tiến với đèn sợi đốt an toàn; 1880, tàu hỏa hạng sang; 1880, thang máy điện; 1980, những hình ảnh chuyển động, mở đầu kỹ thuật điện ảnh; 1882, kho lạnh; 1883, chế tạo vỏ đồ hộp; 1884, tua bin hơi nước; 1885, lò cao luyện gang lỏng thành thép; 1887, động cơ đốt trong không cần bugi; 1888, xe cơ giới bốn bánh; 1902, máy điều hòa không khí; 1902, hệ thống bê tông cốt thép với các thanh cốt thép xiên; 1906-1925, xuất hiện mái nhà nhiều nhịp hay “mái răng cưa”; 1907, máy sản xuất chai tự động; 1907, xuất hiện cửa sổ khung thép, kính; 1908, băng tải con lăn; 1911, thang cuốn hiện đại; 1913, dây chuyền lắp ráp di chuyển tốc độ nhanh; 1938, máy tính lập trình; 1940, đèn huỳnh quang; 1941, nhà lắp ghép đúc sẵn; 1947, khung lưới thép dạng vòm đầu tiên trong xây dựng; 1948, máy tính kĩ thuật số; 1953-1957, sản xuất kính nổi; 1954, robot công nghiệp; 1967, chuẩn hóa container vận chuyển...
Hoa Kỳ vượt nước Anh trở thành quốc gia công nghiệp số một toàn cầu.
Cuộc CMCN 3.0 với máy tính và tự động hóa
Cuộc CMCN 3.0 vào cuối thế kỷ 20 đánh dấu sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp vào xã hội thông tin và dịch vụ hay nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin với máy tính và tự động hóa.
Giai đoạn này có một số sự kiện, phát minh, sáng chế với các mốc thời gian nổi bật: 1969, Internet được tạo ra; 1969, máy quét mã vạch tạo dữ liệu cho sản phẩm; 1970, hệ thống thông tin hai chiều giữa khách hàng và nhà sản xuất; Những năm 1970, phương pháp sản xuất quản lý và cung cấp vật liệu đúng thời gian (Just-In-Time); Những năm 1970, sản xuất có máy tính trợ giúp (CAM); 1973, sử dụng điện thoại di động lần đầu tiên; 1974, công nghệ nano; Cuối những năm 1970, mô hình thông tin công trình (BIM); 1977, máy tính cá nhân; 1984, máy tính cầm tay PDA (personal digital assistant); 1985, hệ điều hành Windows; 1989, sinh thái công nghiệp; Những năm 1990, cụm công nghiệp, cụm kinh tế; Những năm 1990, www/http/html; 1993, tiêu chuẩn quốc tế về năng lượng và môi trường - kiến trúc xanh (LEED); 1997, nghị định thư Kyoto về Biến đổi khí hậu; 1998, công cụ tìm kiếm Google; 2004, Facebook và dịch vụ mạng xã hội; Những năm 2000, sản xuất nguồn mở; 2006, dây chuyền lắp ráp công nghệ cao; 2008, Blockchain được phát minh; 2009, Hackerspaces - không gian trong phân xưởng hoặc các studio nhỏ, tập hợp người có chung sở thích với kĩ thuật số để hợp tác tạo nên sản phẩm; 2011, máy in 3D…
Cuộc CMCN 4.0 với kinh tế số và liên kết
Cuộc CMCN 4.0 được hình thành nhờ những đột phá về công nghệ mới nổi như mạng Internet, điện thoại thông minh, công nghệ nano, công nghệ sinh học, trí thông minh nhân tạo, robot, in 3D, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng, tin học lượng tử…Trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu là một trong hệ thống tài nguyên quan trọng hàng đầu cho cuộc cách mạng này.
Cuộc CMCN 4.0 xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học...tạo ra 4 tác động chính: i) Gia tăng nhu cầu tiêu dùng; ii) Gia tăng sản xuất; iii) Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; iv) Thay đổi các hình thức tổ chức.
Cuộc CMCN 4.0 không chỉ đơn thuần là sự kéo dài các cuộc CMCN trước đó mà là sự thay đổi to lớn cả về chiều rộng và chiều sâu nhận thức, lý luận và mô hình phát triển; thay đổi nhanh chóng thế giới xung quanh ta, cả về thế giới trần thế (lao động, bình đẳng, an ninh, giá trị xã hội, khuôn khổ đạo đức…) và thế giới tinh thần; không có một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào có thể đứng ngoài.
Cuộc CMCN 4.0 đang từng bước định hình nền kinh tế tri thức, tạo điều kiện cho nhiều người hơn tham gia vào hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa trong và ngoài quốc gia.
Vì vậy, thế kỷ 21 còn được coi là thế kỷ của dân chủ hóa sản xuất và toàn cầu hóa.
Tác động đối với chính phủ và nhà lãnh đạo, quản lý
Cuộc CMCN 4.0 với mạng Internet làm các chính phủ có nhiều công cụ hơn để quản trị xã hội, song sẽ đối mặt với áp lực phải thay đổi quy trình ra quyết định và thực thi các chính sách. Sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, công dân vào việc hoạch định chính sách ngày càng rộng. Vai trò trung tâm của chính phủ sẽ giảm bớt .
Cuộc CMCN 4.0 cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh mạng, an ninh địa chính trị quốc gia và quốc tế. Với chiến tranh mạng, vũ khí tự điều khiển và vũ khí sinh học, các cá nhân và nhóm nhỏ có thể gây ra các thiệt hại lớn, hàng loạt. Song, những tiến bộ trong công nghệ cũng sẽ tạo ra tiềm năng để giảm quy mô và tác động của hoạt động mang tính bạo lực…
Tại các nước đang phát triển, các nhà lãnh đạo phải năng động và quyết liệt hơn trong việc kiến tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với điều kiện văn hóa, địa kinh tế và địa chính trị của quốc gia, thay vì chỉ dựa vào việc nhập khẩu công nghệ từ bên ngoài. Các nhà lãnh đạo phải được đào luyện và lựa chọn để thích ứng với môi trường mới luôn thay đổi, họ không chỉ thuộc tầng lớp tinh hoa trong giới chính trị mà còn phải thuộc tầng lớp tinh hoa của nền kinh tế số hay nền kinh tế liên kết.
Tác động đối với kinh doanh và doanh nhân
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng phải đổi khác, dựa trên nhận thức:
- Sự xuất hiện nhanh chóng của công nghệ mới sẽ làm các chuỗi sản xuất hàng hóa hiện tại dù đang thành công cũng sớm trở thành lạc hậu;
- Năng lực đổi mới, sáng tạo, chứ không phải nguồn vốn sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của việc kinh doanh cũng như hình thành tầng lớp doanh nhân;
- Phải tiếp cận các kỹ thuật số để đổi mới cách thức nghiên cứu, sản xuất (kết nối máy móc và thiết bị; tiết kiệm năng lượng, linh hoạt), tiếp thị, bán hàng và phân phối…cùng với việc tăng cường kết nối thị trường và mở ra thị trường mới;
- Sản xuất, phân phối phải dựa trên sự mong muốn của khách hàng để sáng tạo sản phẩm mới và rộng hơn là tạo lập khách hàng mới gắn với thế giới trải nghiệm của người tiêu dùng ngày càng phong phú hơn và thông minh hơn...;
- Hình thành xu hướng kết hợp cả nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Xuất hiện khái niệm về “ Kinh tế chia sẻ' để huy động tài chính, công cụ lao động, dữ liệu của xã hội tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối hàng hóa…; giao tiếp nhiều hơn và hợp tác tốt hơn;
- Xu hướng phải thường xuyên tái cấu trúc các tổ chức doanh nghiệp và hình thành các công ty đa quốc gia; Hoạt động kinh doanh và lao động ngày càng tự do hơn.
Tác động đối với công dân, cộng đồng và quốc gia
Thời đại nào con người nấy. Cuộc CMCN 4.0 cũng như như các cuộc CMCN trước đó ảnh hưởng đến sự riêng tư, quan niệm về quyền sở hữu, mô hình tiêu thụ, thời gian cho công việc và giải trí, cách con người phát triển sự nghiệp và quan hệ cộng đồng; liên quan cả đến ngôn ngữ, quan niệm đạo đức và đức tin. Trong hoạt động kinh tế không chỉ tồn tại giới chủ doanh nghiệp và người lao động mà dần hình thành tầng lớp trung lưu, vừa là người lao động vừa là doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tầng lớp này ngày càng mở rộng, họ cảm thấy có cơ hội từ kết quả của cuộc CMCN và quá trình hội nhập mang lại.
Cuộc CMCN 4.0 hình thành thế hệ công dân mới, được gọi là "Công dân kỹ thuật số" (Digital citizen), là những người sử dụng Internet thường xuyên và hiệu quả, ví dụ như sử dụng các mạng xã hội để tham gia các trao đổi thông tin trực tuyến, sử dụng thương mại điện tử để mua hàng hóa trực tuyến hoặc tham gia vào vào các hoạt động điện tử B2C (Business-to-Consumer/ bán lẻ) hoặc B2B (Business-to-Business/ bán buôn)…góp phần thúc đẩy cơ hội bình đẳng, tăng cường tham gia các hoạt động cộng đồng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân.
Những người không phải là Công dân kỹ thuật số có thể sẽ dẫn đến cô lập trong xã hội. Khoảng cách này còn được gọi là “Khoảng cách số “ (Digital divide), như khái niệm về khoảng cách giàu nghèo.
Theo digitalcitizenship.net, có 9 nội dung chính phải học tập và rèn để trở thành Công dân số là: i) Cách thức truy cập số (Digital access); ii) Lợi ích và các vấn đề cần cảnh báo trong Thương mại điện tử (Digital commerce); iii) Sự hiểu biết về các phương tiện truyền thông kỹ thuật số (Digital communication); iv) Kiến thức và kỹ năng sử dụng thiết bị kỹ thuật số (Digital literacy); v) Hành vi và ngôn ngữ hay Nghi thức trong kỹ thuật số (Digital etiquette); vi) Pháp luật trong kỹ thuật số (Digital law); vii) Quyền và nghĩa vụ kỹ thuật số (Digital rights and responsibilities); viii) Sức khoẻ khi thực hiện kỹ thuật số (Digital health); ix) Bảo mật số (Digital security).
Cuộc CMCN 4.0 làm cộng đồng xã hội và các Công dân kỹ thuật số sẽ ngày càng "mở" với nhau hơn. Sự tương tác này sẽ là cơ hội cho sự hiểu biết liên văn hóa và sự gắn kết giữa các quốc gia, cộng đồng và cá nhân.
Trong cuộc CMCN 4.0, các quốc gia phát triển sẽ ngày càng giàu hơn và khoảng cách với các quốc gia đang phát triển sẽ ngày càng lớn hơn; các quốc gia ngày càng phải hội nhập, liên kết với nhau nhiều hơn vì sự tiến bộ của chính họ và nhân loại. Tại các quốc gia đang phát triển, sự bất bình đẳng giữa thành phố, nơi có điều kiện phát triển công nghệ số, và nông thôn ngày càng lớn hơn. Đô thị và nông thôn phải được hội nhập và kết nối hiệu quả vì sự thịnh vượng chung của quốc gia.
NGHỀ MỚI, NGHIỆP MỚI GIAI ĐOẠN CMCN 4.0
Nghề và nghiệp
Nghề (Profession) là một việc làm có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống cho mỗi người, là phương tiện để mỗi người thể hiện và khẳng định vị thế của bản thân; là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó nhờ được đào tạo, con người có các tri thức, kỹ năng để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Nghề bao gồm nhiều chuyên môn, theo từng lĩnh vực lao động sản xuất.
Nghiệp (Career) là sự cống hiến hết mình cho nghề. Nghề nào nghiệp nấy. Chuyên môn nào thì nghề đó, nhưng có nghề chưa hẳn đã có nghiệp, có nghề mà không có nghiệp thì nghề cũng không tồn tại.
Trong xã hội, nghề nghiệp không cố định, cứng nhắc. Mỗi một cuộc CMCN đều sinh ra các nghề mới, nghiệp mới.
Vào thời Trung Cổ chỉ có 3 ngành nghề chính: thần học, y học, pháp luật.
Vào thời Cận đại, một số ngành mới xuất hiện: dược, khoa học tính toán, bảo hiểm, nha khoa, kỹ thuật xây dựng dân dụng, hậu cần, kiến trúc, kế toán. Tiếp đó là các nghề khác: kỹ thuật cơ khí, thú y, tâm lý học, điều dưỡng, giáo dục, thư viện, công tác xã hội,...
Trên thế giới hiện nay có khoảng 2000 nghề với hàng chục nghìn chuyên môn.
Nhiều nghề chỉ thấy có ở nước này nhưng lại không thấy ở nước khác. Hơn nữa, các nghề trong xã hội luôn ở trong trạng thái biến động do sự phát triển của khoa học và công nghệ. Nhiều nghề cũ mất đi hoặc thay đổi về nội dung. Nhiều nghề mới xuất hiện rồi phát triển theo hướng đa dạng hóa.
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 10/2007/QĐ -TTg, ngày 23/01/2007 của Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp với 642 ngành.
Lý thuyết 4 thành phần kinh tế hay cơ cấu loại lao động
Lý thuyết 4 thành phần kinh tế (Quaternary sector of the economy) được đề xuất bởi Colin Clark Grant (nhà kinh tế người Anh và Úc, 2/11/1905- 4/9/1989). Ngoài 3 thành phần kinh tế đã biết, thế giới sẽ hình thành thêm một thành phần kinh tế thứ 4 – Kinh tế liên kết hay Liên kết số. Trong cuộc CMCN 4.0, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực Khai thác tài nguyên (khai khoáng, nông nghiệp) giảm xuống còn 10% trong cơ cấu lao động chung của các ngành kinh tế; Sản xuất (công nghiệp, xây dựng) giảm xuống còn 20%; Lao động trong lĩnh vực Dịch vụ và Liên kết số sẽ chiếm 70%, có vai trò chủ đạo trong xã hội.
Kỹ năng lao động
Trong cơ chế thị trường, nhất là trong nền kinh tế tri thức, để tự do kinh doanh, tự do lao động, con người phải chủ động lựa chọn ngành nghề học, tích tụ kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và chịu trách nhiệm để chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm.
Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) cho rằng, đến năm 2020, 10 kỹ năng cơ bản của người lao động sẽ là: i) Giải quyết các vấn đề phức tạp (Complex Problem Solving); ii) Tư duy phê phán (Critical Thinking); iii) Sáng tạo (Creativity); iv) Quản lý nhân sự (People Management); v) Phối hợp với những người khác (Coordiating with Others); vi) Cảm xúc (Emotional Intelligence); vii) Đánh giá và ra quyết định (Judgment and Decision Making); viii) Định hướng dịch vụ (Service Orientation), trước hết trong mối quan hệ giữa kinh doanh và công nghệ thông tin; ix) Đàm phán (Negotiation); x) Linh hoạt về nhận thức (Cognitive Flexibility). Đây có thể coi là những Kỹ năng mềm (soft skill), mà các cơ sở đào tạo nghề và đào tạo đại học quan tâm.
Các nghề nghiệp mới
Có nhiều tổ chức của nhiều quốc gia tham gia nhận định, đánh giá về nghề mới, nghiệp mới gắn với cuộc CMCN 4.0. Kết quả hết sức khác nhau trong mỗi quốc gia và trong mỗi tổ chức đánh giá, song có một số điểm chung là: Nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và xuất hiện các nghề nghiệp mới. Những nghề nghiệp mới mà mọi người quan tâm là: i) Những nghề nghiệp ổn định, hấp dẫn về mức lương và cơ hội kinh doanh; ii) Những nghề mà không sợ bị robot lấy mất trong tương lai; iii) Những nghề mang tính liên ngành; iv) Những nghề liên quan đến dịch vụ sức khỏe, giải trí; v) Những nghề liên quan đến hướng nghiệp, đào tạo, tái đào tạo gắn với công nghệ thông tin và cộng đồng…
KHÔNG GIAN MỚI GIAI ĐOẠN CMCN 4.0
Lịch sử của loài người trải qua Nền kinh tế nông nghiệp, Nền kinh tế công nghiệp, Nền kinh tế dịch vụ và tri thức. Sự chuyển đổi trọng tâm từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác đều dựa trên các cuộc CMCN và dòng chảy của các hoạt động kinh tế hình thành từ đó. Các quốc gia nào, đô thị nào gắn trực tiếp với các dòng chảy này đều trở nên thịnh vượng.
Thời kỳ cổ đại chưa hình thành dòng chảy kinh tế
Vào Thời kỳ Cổ đại, (khoảng 4000 năm trước Công nguyên – TCN đến thế kỷ thứ 3 TCN), loài người còn chưa văn minh, hoạt động kinh tế chưa định hình, các vị thần phải sống chung với con người để giáo hóa họ. Vì vậy cần có nhiều thần linh (Thế giới đa thần) để hướng dẫn con người nhiều điều, từ tâm linh đến thế tục. Ví dụ các thần thế tục: Thần săn bắn, Thần nông nghiệp; Thần chiến tranh, thậm chí có vị nửa thần, nửa người… Thời đó, không gian tiêu biểu của mỗi quốc gia là đền thờ các vị thần, hay lăng mộ với hy vọng con người khi sang thế giới bên kia trở thành thần; tiêu biểu như các đền thờ, lăng mộ tại Hy Lạp, La Mã, Ai Cập…, hay với các hình vẽ khổng lồ (Lines and Geoglyphs) để các vị thần trên trời chiêm ngưỡng tại cao nguyên Nazca và Palpa, Peru…Các công trình kiến trúc chùa, đền của các quốc gia Đông Á thường là kiểu kiến trúc "hướng về bầu thời " với các mái cong, hướng tới các vị thần linh trên trời.
Thời kỳ Trung đại với "Dòng hàng hóa" sơ khai
Vào thời kỳ Trung đại, (khoảng thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 15 sau Công nguyên), loài người đã văn minh hơn. Các vị thần quản về thế tục đã di dời đến thế giới khác, chỉ còn lại một số ít vị thần quản về tâm linh (Thế giới đơn thần). Nhờ nông nghiệp phát triển, một số quốc gia trở nên mạnh mẽ. Từ đó, họ mở mang bờ cõi, chiếm đoạt không gian của các quốc gia láng giềng. Ngược lại, các quốc gia cũng phải hình thành sức mạnh để bảo vệ mình trước thế lực đến từ bên ngoài. Thời đó, không gian và công trình đặc trưng là pháo đài, thành lũy; tuyến kênh mương dẫn nước sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp.
Bắt đầu hình thành các “Dòng hàng hóa” sơ khai trên đất liền như “Tuyến đường hương liệu” để buôn bán và kết nối các quốc gia từ bán đảo Ả Rập tới Địa Trung Hải (thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 2 sau Công nguyên); "Tuyến đường tơ lụa" nối châu Á với châu Âu (từ thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 10 sau Công nguyên). Các “Dòng hàng hóa” này mở ra đến đâu, đô thị hình thành đến đó.
Thời kỳ Cận đại với "Dòng hàng hóa và nhân lực"
Vào thời kỳ Cận đại (thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 18), con người đã có đủ điều kiện để khám phá các vùng đất mới xa xôi. Các đế quốc thực dân ra đời.
Xuất hiện khái niệm về " Dòng hàng hóa" xuyên quốc gia, giữa các châu lục, ví dụ như tuyến hàng hải trên biển "Dòng chảy kho báu Tây Ban Nha" (Flow of Spanish Treasure), vào thế kỷ 15-17, vận tải bạc từ Nam Mỹ về Tây Ban Nha.
Xuất hiện các khái niệm " Dòng nhân lực" xuyên quốc gia, ví dụ như nhân lực quản lý từ châu Âu sang Châu Mỹ; nhân lực lao động từ Châu Phi sang Nam Mỹ để khai phá vùng đất mới.
Xuất hiện các dạng đô thị hay các khu định cư mới theo mô hình châu Âu tại các vùng đất thuộc địa, dọc theo các “Dòng hàng hóa” kèm theo đó là các công trình tôn giáo mới (Kito giáo, Hồi giáo) tại các miền đất mới.
Các đô thị không còn chỉ là nơi cư trú kiểu truyền thống mà trở thành nơi sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn hơn nhiều so với hoạt động tiểu thủ công nghiệp trước đó. Các con sông, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, tưới tiêu, mà còn là nguồn động lực cho các hoạt động sản xuất, dẫn tới việc tập trung các đô thị chạy dọc theo sông.
Giai đoạn đầu Thời kỳ Hiện đại với sự bổ sung thêm "Dòng công nghệ và tài chính"
Vào giai đoạn đầu Thời kỳ Hiện đại gắn với cuộc CMCN 1.0 và 2.0 (cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20) đã nảy sinh các nhân tố báo hiệu sự xuất hiện của một giai đoạn mới - giai đoạn toàn cầu hóa, tranh đoạt nguyên liệu và thị trường (một trong những nguyên nhân của cuộc Chiến tranh thế giới 1 và 2) và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới.
“ Dòng hàng hóa và nhân lực” xuyên quốc gia của giai đoạn trước, nay ngày càng mạnh mẽ hơn.
Giữa các quốc gia và châu lục, các "Dòng hàng hóa" của các sản phẩm công nghiệp tại châu Âu được xuất sang châu Mỹ, châu Á và ngược lại, góp phần thúc đẩy giao thương và trao đổi công nghệ, trang thiết bị sản xuất và văn hóa.
Trong mỗi quốc gia, các "Dòng hàng hóa" gắn với việc hình thành các khu công nghiệp (KCN) và các tuyến đường sắt, hàng hải, hàng không, đường cao tốc.
Trong giai đoạn này, "Dòng nhân lực" không phải chỉ giữa giữa các châu lục mà diễn ra trong mỗi quốc gia.
Sự xuất hiện một số lượng lớn nhà máy với nhu cầu rất lớn về lao động, đã kéo theo dòng di cư hay “Dòng nhân lực” quy mô hàng triệu người từ khu vực nông thôn vào thành phố.
Các thành phố Châu Âu, trước đó là trung tâm hành chính, quân sự, giao thương và tôn giáo, giờ đây xuất hiện thêm các điểm dân cư mới gắn với nhà máy, KCN, tạo thành các cộng đồng công nghiệp, thị trấn hay đô thị công nghiệp, trở thành điểm nút của "Dòng hàng hóa và nhân lực".
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, hoạt động sản xuất được phục hồi. Để cạnh tranh, ngoài sản xuất, các doanh nghiệp phải có các hoạt động nghiên cứu nhằm tạo lập sản phẩm mới. Vì vậy, bên cạch các KCN (Industrial Park) dần xuất hiện các khu tập trung các doanh nghiệp khoa học công nghệ (gắn với các trường đại học) tạo thành Công viên công nghệ hay Công viên khoa học (Science Park, Science; Technology Park); các khu tập trung các doanh nghiệp dịch vụ kinh doanh, thương mại tạo thành Công viên thương mại (Business park; Office park).
Lan truyền và trao đổi (hay mua bán) công nghệ bao giờ cũng kèm theo các dòng tài chính để thực hiện. Hình thành ngày càng nhiều các Trung tâm tài chính quốc tế với vai trò cung cấp dịch vụ ngân hàng, thị trường chứng khoán và quản lý đầu tư.
Từ đây xuất hiện khái niệm về "Dòng công nghệ và tài chính" xuyên quốc gia, liên quan đến việc tạo lập công nghệ, chuyển giao công nghệ gắn với thu hút tài chính để thực hiện trong phạm vi toàn cầu.
Trong giai đoạn này, xu hướng quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, bằng cách liên kết với các cơ sở sản xuất khác. Nhiều nhà máy chỉ còn là nơi sản xuất các chi tiết cốt lõi của công nghệ và lắp ráp các chi tiết, mà phần lớn được sản xuất tại nơi khác, tại quốc gia khác, tạo thành các dạng đầu tư FDI; Hình thành các khối thương mại tự do, thúc đẩy trao đổi sản xuất, kinh doanh giữa các quốc gia.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng dẫn đến các vấn đề mang tính toàn cầu: Thiếu hụt về nhà ở và dịch vụ công cộng; Tắc nghẽn về giao thông; Không đảm bảo điều kiện vệ sinh và môi trường; Khu vực nông thôn bị quên lãng…
Thế giới được chia thành các nhóm nước: Quốc gia phát triển, Quốc gia công nghiệp mới và Quốc gia đang phát triển. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt là tại các nước không còn khai thác được tài nguyên tự nhiên, song lại chưa dịch chuyển kịp từ Nền kinh nông nghiệp sang Nền kinh tế công nghiệp.
Giai đoạn Hiện đại với sự xuất hiện "Dòng trí thức và văn hóa"
Vào cuối thời kỳ Hiện đại gắn với cuộc CMCN 3.0 (từ cuối thế kỷ 20 đến nay) dân chủ hóa tiêu dùng được định hình. Ai cũng có quyền mua ô tô để đi lại, nên hình thành hệ thống mạng lưới giao thông hiện đại; Ai cũng có quyền mua và thuê nhà để ở tại nơi mình mong muốn nên hình thành thị trường bất động sản, trước hết là nhà ở; Ai cũng có quyền đi du lịch, nên hình thành thị trường bất động sản du lịch…
Cuộc CMCN 3.0 thúc đẩy việc hình thành giai đoạn dân chủ hóa sản xuất hay tự do kinh doanh, tự do lao động.
Cuộc CMCN 4.0 lại tiếp tục bổ sung thêm khái niệm "Dòng tri thức và văn hóa" ngoài “Dòng hàng hóa và nhân lực”; “Dòng tài chính và công nghệ” xuyên quốc gia.
Một trong những “Dòng tri thức và văn hóa” nổi bật trong cuộc CMCN lần 4 hay nền Kinh tế số là "Dòng dữ liệu số” xuyên quốc gia (Cross-Border Data Flows), được cho là một trong những nguồn động lực mới cho tăng trưởng và năng suất kinh doanh.
Một báo cáo gần đây của Hoa Kỳ ước tính rằng Internet làm giảm chi phí thương mại trung bình khoảng 26 %. Doanh nghiệp nhỏ và vừa mà sử dụng Internet để giao dịch toàn cầu có tỷ lệ tồn tại khoảng 54 %, các doanh nghiệp không sử dung Internet chỉ khoảng 30%. Hơn nữa, nhờ có Internet, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có khả năng hội nhập (xuất khẩu hàng hóa) như các doanh nghiệp lớn. Điều này rất quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngày nay 3,2 tỷ người trên thế giới (trên tổng 7,5 tỷ người năm 2017) đã được kết nối Internet.
Vào những năm cuối thế kỷ 20, xuất hiện mô hình Cụm Kinh tế (Economic Cluster) hay Cụm Công nghiệp (Industry Cluster). Đây là mô hình phát triển kinh tế dựa trên sự tập trung về mặt địa lý giữa các định chế có liên quan đến nhau: i) Các doanh nghiệp sản xuất; ii) Các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp cung ứng, cơ quan chính phủ; iii) Trung tâm nghiên cứu và trường đại học...trong một lĩnh vực cụ thế, ví dụ như công nghệ thông tin; iv) Hệ thống các công trình dịch vụ hạ tầng kinh tế và xã hội có liên quan...
Mô hình Cụm kinh tế đầu tiên là Thung lũng Silicon Mỹ (hình thành năm 1971), dần được phổ biến trên toàn thế giới với gần 100 địa điểm. Riêng Châu Ấ có 9 Cụm kinh tế mang tên Silicon Valley.
Cùng với mô hình Công viên công nghệ, Công viên thương mại, Cụm kinh tế được cho là nơi sản sinh ra tài năng, tinh thần kinh doanh, khả năng cạnh tranh và là một trong những hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng của Nền kinh tế tri thức. Đây cũng là nơi các cơ quan của chính phủ, các trường đại học và các doanh nghiệp hợp tác để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo; nơi nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ; nơi hình thành các văn hóa liên kết. Các mô hình như vậy kết hợp với các "Dòng dữ liệu số” trở thành các Trung tâm lan truyền tri thức và văn hóa, là biểu tượng tiêu biểu của các đô thị trung tâm của mỗi quốc gia.
CUỘC CMCN 4.0 TẠI VIỆT NAM
Việt Nam vừa phải giải quyết vấn đề cũ liên quan đến CMCN 1.0, 2.0 và 3.0 và vừa xây dựng cái mới liên quan đến CMCN 4.0
Việt Nam là quốc gia với 95,4 triệu dân, đứng thứ 14 trên thế giới, GDP bình quân đầu người 2305 USD, đứng thứ 129 trên thế giới (năm 2017), thuộc nhóm các Quốc gia đang phát triển.
Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, lại phải trải qua hơn 40 năm chiến tranh (Chiến tranh giành độc lập dân tộc 1945-1975; Chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc kéo dài đến năm 1985), đã không có điều kiện tham gia trực tiếp vào tiến trình của các cuộc CMCN 1.0, 2.0, 3.0, chỉ là quốc gia được tiếp nhận kết quả từ đó. Nhận thức và lý luận phát triển gắn với các cuộc CMCN này chủ yếu được biết qua các tài liệu, chuyên gia đến từ bên ngoài, chưa đủ rộng, đủ sâu trong toàn xã hội.
Cuộc CMCN 4.0, không phải là cuộc CMCN riêng mà được kế thừa, tiếp nối các cuộc CMCN trước đó, từ mô hình, giải pháp đến con người và văn hóa. Cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam hiện nay diễn ra trong điều kiện xã hội ta không có các nền tảng của các cuộc CMCN trước. Điều này cũng phần nào giống như người đang muốn học lớp 4, song lại không học qua lớp 1, 2 và 3 (Cuộc CMCN 1.0 không chỉ là việc phát minh ra máy hơi nước, mà còn tạo ra hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa theo lối công nghiệp gắn với thị trường rộng lớn, khác hoàn toàn với kiểu sản xuất thủ công nghiệp gắn với thị trường hạn hẹp và văn hóa sản xuất hộ gia đình trước đó). Trong điều kiện thực tế như vậy, xã hội Việt Nam dễ phát triển theo hướng một nền kinh tế tiêu dùng (cho dù tiêu dùng thông minh) hơn là theo hướng một nền kinh tế sản xuất hiện đại.
Phù hợp với tính phổ quát của nhân loại, để kinh tế sản xuất thành chủ đạo, Việt Nam nên chú ý hình thành các mô hình và giải pháp phát triển không gian gắn với các dòng chảy kinh tế:
Mô hình và giải pháp không gian liên quan đến đến “Dòng hàng hóa và nhân lực”
1) Hình thành các tuyến “Hành lang hàng hóa giữa đô thị và nông thôn”, để nông thôn có thể hội nhập; “Hành lang hàng hóa Đông – Tây” để kết nối 30 Khu kinh tế cửa khẩu với 18 Khu kinh tế ven biển; Từ đây mở rộng kết nối với các hành lang kinh tế của các quốc gia láng giềng và hành lang kinh tế trên biển, đại dương. Các tuyến đường giao thông được xây dựng không chỉ để “ người đi cho nhanh” với các tuyến đường cao cốc, đường sắt trên cao mà được phát triển trên quan điểm: ưu tiên kết nối các điểm sản xuất hàng hóa và lưu thông hàng hóa; phát triển đồng bộ không chỉ đường bộ, đường hàng không mà cả đường sắt, đường thủy, đường biển gắn với cơ chế thông quan, hệ thống logistics, bảo quản lạnh...
2) Đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới, để hạn chế “ Dòng nhân lực từ nông thôn ra thành phố” , vừa gây tắc đường trong khu vực đô thị, vừa mất ổn định xã hội. Khởi nghiệp tạo thêm nhiều doanh nghiệp và việc làm với thu nhập phù hợp, để hạn chế “Dòng nhân lực ra nước ngoài”, như lao động giản đơn, lấy chồng nước ngoài, giúp việc nhà...Cần hình thành “ Dòng nhân lực tri thức” của những người Việt từ nước ngoài về nước làm việc và cống hiến.
3) Phát triển và định hình mô hình "Đô thị vệ tinh" trong cả nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
4) Phát triển mạnh mẽ mô hình nhà ở xã hội, để người dân có thu nhập thấp cơ hội có nhà ở. Ngoài mô hình Đầu tư nhà ở theo kiểu tập trung của doanh nghiệp lớn và Đầu tư theo kiểu đơn lẻ tự phát của các hộ dân, cần chú ý mô hình Đầu tư nhà ở theo hình thức cộng đồng (Crowdfunding), trên nền tảng của công nghệ thông tin (Mô hình kiểm soát dữ liệu khối - Blockchain), có khả năng tận dụng được ưu điểm của hai mô hình hiện tại.
Mô hình và giải pháp không gian liên quan đến “Dòng công nghệ và tài chính”
5) Tập trung thực hiện thành công các Khu công nghệ cao đã được phê duyệt. (Khu Công nghệ cao Hoà Lạc được thành lập năm 1998, quy mô 1.586ha; qua 20 năm thực hiện mới triển khai được khoảng 1/3 diện tích); Bổ sung thêm các mô hình Công viên công nghệ, Công viên thương mại mang tính quốc tế, đặc biệt tại Khu kinh tế ven biển, Khu kinh tế cửa khẩu.
6) Việt Nam hiện thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI (Foreign Direct Investment), tạo thành các KCN FDI. Tại đây họ sản xuất hàng hóa với công nghệ của họ trên đất ta và tận dụng lao động giá rẻ của ta. Đây là cũng là " Dòng hàng hóa" và "Dòng công nghệ" mang tính toàn cầu mà Việt Nam phải tận dụng. Cần hình thành các mô hình "Cụm kinh tế" có cấu trúc không gian theo công thức: Cụm kinh tế = KCN FDI + KCN hỗ trợ của ta + Công viên công nghệ gắn với trường đại học, viện nghiên cứu của họ và của ta + Công viên thương mại (dạng B2B) của họ và của ta. Từ đây Việt Nam có thể học hỏi và làm ra sản phẩm mới của riêng mình, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và cung ứng toàn cầu.
7) Hình thành sớm các Trung tâm tài chính quốc tế, tại 3 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tại 3 Đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Mô hình và giải pháp không gian liên quan đến "Dòng tri thức và văn hóa"
8) Cùng với việc triển khai đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” (chính thức khởi động vào ngày 01/01/2018), từng bước hình thành “Dòng dữ liệu số” xuyên quốc gia (Cross-Border Data Flows) và các không gian phục vụ cho việc thiết lập, khai thác và lan truyền các dòng dữ liệu số này, coi đây là kết cấu hạ tầng quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, kết nối đô thị với nông thôn và từng bước hình thành đô thị thông minh.
9) Thúc đẩy hình thành các mô hình “Không gian thứ ba” – Không gian sáng tạo (Coworking Space), là môi trường tách biệt khỏi nhà ở và nơi làm việc. Đây là không gian vật lý (ngoài không gian ảo), nơi tụ họp chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tạo ra sự tương tác giữa các ý tưởng được gọi là “Sự lan truyền tri thức ”, nảy sinh các sáng kiến mang tính đột phá. Đây cũng là nơi thu hút và hình thành tầng lớp sáng tạo. "Không gian thứ ba" không chỉ có tại các đô thị mà ở cả khu vực nông thôn.
10) Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra. Đô thị không chỉ là các trung tâm về hành chính, nơi tập trung các hoạt động bất động sản phục vụ hoạt động cư trú và tiêu dùng (Khu dân cư và trung tâm thương mại dịch vụ tiêu dùng cấp thấp B2C) mà còn phải trở thành “không gian của các dòng chảy kinh tế và văn hóa”, tích hợp của các không gian: i) Trung tâm sản xuất và phân phối hàng hóa (KCN và Trung tâm thương mại cấp cao B2B), ii) Trung tâm về tài chính (Khu tài chính quốc tế).
và công nghệ (Khu công nghệ) xuyên quốc gia và iii) Trung tâm lan truyền tri thức (Cụm kinh tế).Không gian sáng tạo và văn hóa. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 3 đặc khu hành chính kinh tế phải đi tiên phong.
11) Ngoài tầng lớp trung lưu gắn với kinh tế tiêu dùng, sẽ phải hình thành “Tầng lớp sáng tạo” gắn với kinh tế sản xuất . Đây có thể coi là một trong những nguồn lực để đô thị, khu vực nông thôn phát triển sản xuất và tăng trưởng và cũng là nhiệm vụ của các tổ chức giáo dục và đào tạo. Trên quan điểm này, tại Trung tâm lịch sử của thành phố Hà Nội, không thể dùng các quỹ đất có giá trị sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng như di dời xí nghiệp công nghiệp, nhà ga cũ để xây dựng các chung cư cao tầng gắn với trung tâm thương mại dịch vụ tiêu dùng (dạng B2C), ví dụ khu vực Ga Hà Nội, mà phải dành quỹ đất với diện tích 98,1ha này cho việc hình thành các không gian sáng tạo và lan truyền tri thức. Mô hình kiểu "Chia lô, bán nền" nên thực hiện tại các khu vực đô thị mới ven đô.
12) Hình thành hệ thống và mạng lưới các "Trung tâm công nghiệp văn hóa" .
Nghề mới, nghiệp mới trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam
Một số nghề mới, nghiệp mới trong lĩnh vực xây dựng nêu dưới đây được nhìn nhận trên quan điểm:
- Các nghề mới, nghiệp mới có thể hiểu là: i) Các nghề hoàn toàn mới; ii) Nghề cũ nhưng bổ sung nội dung chuyên môn mới; iii) Các nghề cũ nhưng phối hợp với nhau tạo thành nghề mới;
- Việt Nam cùng lúc tham gia vào các cuộc CMCN và vừa đáp ứng các điều kiện riêng về truyền thống lịch sử văn hóa, địa kinh tế và địa chính trị; Các nghề, nghiệp cũng phải phù hợp với đặc điểm này;
- Những nghề có liên quan đến các việc tư vấn, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các không gian gắn với các dòng chảy kinh tế nêu tại phần trên;
- Những nghề được đặc biệt ưu đãi đầu tư (theo Theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP, ngày 12/11/2015 của Chinh phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư).
Những nghề chuyên môn mới trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng tại Việt Nam cần quan tâm là:
1) Nghề chuyên môn liên quan đến công nghệ thông tin: Khai thác và cung cấp thông tin; Chuyên gia dịch vụ quản trị và an ninh mạng; Thiết kế và sản xuất phần mềm; Dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu; Kinh doanh trực tuyến; Trí tuệ nhân tạo.
2) Liên quan đến công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ngoài công nghệ thông tin: Ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Ươm tạo và đầu tư mạo hiểm công nghệ cao; Sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; Sản xuất vật liệu composit, vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm.
2) Liên quan đến sản xuất và dịch vụ nông nghiệp: Quản lý nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
3) Liên quan đến kinh tế biển: Vận tải biển, khai thác tài nguyên biển, du lịch biển, môi trường biển, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển.
4) Liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
5) Liên quan đến thiết kế và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
6) Liên quan đến Công nghiệp sáng tạo và Công nghiệp văn hóa (với 12 nhóm ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa).
7) Liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành y tế, tâm lý học, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe cộng đồng, người cao tuổi, dịch vụ xã hội.
8) Liên quan đến phân tích thị trường, tư vấn tài chính, thương thảo, đàm phán, kế toán, kiểm toán.
9) Liên quan đến thiết kế và đầu tư xây dựng dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí gắn với du lịch.
10) Liên quan đến giáo dục và đào tạo Kỹ năng mềm; Ngoại ngữ chuyên ngành; Tuyển dụng nhân sự.
11) Liên quan đến quản lý chuỗi cung ứng, thúc đẩy dòng hàng hóa (logistic), dòng tài chính (quản lý tài chính) gắn với lĩnh vực xây dựng.
12) Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực sử dụng các phương tiện và phương pháp thiết kế của công nghệ thông tin như: Công nghệ trình diễn 3 D - BIM, in 3D…để thiết kế được cả các công trình kiến trúc dạng hữu cơ, sử dụng kết cấu mới, vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng…Các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng không chỉ là người làm công việc tư vấn kỹ thuật mà còn trở thành nhà đầu tư kinh doanh bất động sản.
Đàn chim tập hợp thành một con chim lớn. Hình tượng này liên tưởng đến xã hội ta thời Hiện đại. Những con đầu đàn thuộc lớp CMCN 4.0; Những con cuối đàn thuộc lớp CMCN 1.0. Song cả đàn kết nối với nhau tạo thành một khối mạnh mẽ. (Ảnh của Nhiếp ảnh gia người Đức, Daniel Biber)
Con người mới, Văn hóa mới và Niềm tin mới.
Việt Nam là một dân tộc có lịch sử văn hóa lâu đời, có truyền thống đoàn kết và sáng tạo.
Vào thế kỷ 20, Việt Nam đã đạt được những kỳ tích trong các cuộc chiến tranh dành độc lập mà không phải quốc gia nào cũng có được. Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ là biểu tượng về đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị thuộc địa trên toàn thế giới.
Vào thế kỷ 21, cuộc CMCN 4.0 đã và sẽ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội to lớn cho Việt Nam.
Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Trong quá trình này, ngoài việc đổi mới nhận thức, lý luận, thế chế, chính sách, xây dựng mô hình, giải pháp chiến lược, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tương ứng, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam trong và ngoài nước; xây dựng nhóm tiêu chí, chỉ tiêu và thời gian để có trách nhiệm trong việc thực hiện..., Việt Nam cần hình thành cho được thế hệ con người mới và tầng lớp tinh hoa mới.
Đối với lĩnh vực kiến trúc, các nhà khoa học, kỹ thuật, doanh nhân, không chỉ phấn đấu hướng tới thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội tiêu dùng mà còn phải trở thành các "chiến binh" thực sự trên mặt trận kinh tế và văn hóa với tri thức và kỹ năng mới, hết mình vì cộng đồng, vì quốc gia, để xây dựng cho được niềm tin với lãnh đạo và xã hội, rằng: họ có thể chủ động làm được hiệu quả tất cả những gì mà quốc gia giao phó cho họ trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng.
Với cuộc CMCN 4.0, đô thị và không gian biển sẽ trở thành động lực phát triển, nông thôn sẽ hội nhập, chắc chắn Việt Nam sẽ chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế tiêu dùng thành nền kinh tế sản xuất, sớm trở thành quốc gia mạnh mẽ và thịnh vượng.
TS. Phạm Đình Tuyển, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch Đại học Xây dựng
Bài đã đăng trong Tạp chí Kiến trúc, 2/2018 |