Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng “đổi mới 1” đã đưa đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua, nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có “đổi mới 2” với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vào chiều 4/9.
Về tình hình tháng 8 và 8 tháng năm 2019, Thủ tướng cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình có chuyển biến tích cực. Dự kiến cả 12 chỉ tiêu của năm 2019 đều đạt và vượt.
Điểm lại mặt nổi bật và bất cập, khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho rằng chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2019, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tình hình trong nước và ngoài nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, thách thức, từng bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa, thường xuyên theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình, có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả. “Nếu chủ quan chúng ta sẽ gặp ngay hậu quả mà đã có bài học đắt giá trong một số việc”.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là chúng ta cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kịp thời có đối sách phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chung sức đồng lòng cùng cả nước, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 2016-2020.
Từ nay đến cuối năm, tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên ngành để thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực quan trọng. Các bộ, ngành cần chuẩn bị tốt cho các hội nghị này, trong đó đề xuất cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá phát triển.
Nâng cấp thể chế kinh tế lên một tầm cao mới
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, ‘đổi mới 1’ đã đưa đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có ‘đổi mới 2’ với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị-xã hội. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, thuận lợi, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội không chỉ năm nay mà cả năm 2020. “Nếu chúng ta không làm thực sự quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ này thì chúng ta thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ xung quanh ta, chưa nói đến việc thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại”.
Cần tập trung cao độ cho công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu bắt buộc. “Các đồng chí phải nhận thức cho được đối tượng phục vụ là người dân, doanh nghiệp, mục tiêu là tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh hiệu quả, an toàn, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều nhận định, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cấp thể chế kinh tế lên một tầm cao mới thì mới có thể cạnh tranh, thu hút được các nguồn lực từ công nghệ, trình độ quản trị hiện đại đến vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô đủ lớn để phát triển vượt lên, thu hẹp khoảng cách, bắt kịp những bước đi trước trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ trong chỉ đạo, điều hành. Vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đưa ra các công cụ, giải pháp tạo thêm dư địa cho điều hành, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng các gói kích thích kinh tế.
Cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cần chủ động đón các tập đoàn công nghệ muốn dịch chuyển vào Việt Nam.
Thời gian qua, xuất khẩu một số mặt hàng, ngành hàng gặp khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, kết hợp với tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị các nội dung cần thiết để tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay trong tháng 9 và “sẽ điều chuyển vốn các công ty, các bộ, địa phương không sử dụng hết vốn và có chế tài nghiêm khắc về vấn đề này”.
Với Bộ Giao thông vận tải, cần công bố chương trình hành động cụ thể sẽ làm được công trình gì, cụ thể thời gian và nếu thừa vốn sẽ điều chuyển cho các địa phương, các ngành khác.
Về tiền tệ tín dụng, NHNN tiếp tục điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt, theo sát các biến động thị trường, đặc biệt diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế để có đối sách phù hợp, kịp thời.
Về nông nghiệp, kiên định với mục tiêu đề ra, nỗ lực cao nhất để phấn đấu tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt trên2%, xuất khẩu đạt 42 tỷ USD. Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị EC đưa ra đối với Việt Nam và quan trọng hơn là chúng ta phải hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. Chủ động đề xuất giải pháp với tình hình sạt lở nặng nề ở Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang.
Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Theo dõi sát thị trường để chủ động có phương án ứng phó kịp thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, đón nhận những dòng đầu tư từ nước ngoài.
Cần có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tránh tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, núp bóng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước…
Về giao thông vận tải, Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng giải ngân thấp, cần thúc đẩy các ban quản lý, các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, có giải pháp chủ động hơn chứ không phải đợi đến khi họp mới đặt vấn đề, ví dụ như phải xử lý dứt điểm dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.
Về văn hóa, thể thao du lịch, cần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không để tình trạng quá tải du lịch, đe dọa sự bền vững của môi trường sinh thái, tài sản thiên nhiên, văn hóa. Ngăn chặn không để tình trạng chặt chém, kinh doanh chộp giật. Mở rộng áp dụng thị thực điện tử; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách visa, chính sách giá dịch vụ linh hoạt để điều tiết, khuyến khích mùa thấp điểm trong thu hút khách du lịch quốc tế.
Về giáo dục và đào tạo, chỉ đạo chuẩn bị tổ chức tốt khai giảng năm học 2019-2020 theo tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, thiết thực. Ngăn chặn tình trạng thu gộp, thu cao hơn quy định, lạm thu gây bức xúc trong nhân dân, nhất là vào thời gian đầu năm học. Rà soát lại toàn bộ tình trạng đào tạo văn bằng 2, không để xảy ra tình trạng như Đại học Đông Đô và một số trường khác. Tăng cường an ninh, an toàn trường học. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học tại nhiều địa phương.
Có chính sách phát triển giáo dục đào tạo cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Không để học sinh không được đến trường vì thiếu tiền đóng học phí.
Về khoa học và công nghệ, thực hiện nghiêm chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ; kiên quyết xử lý vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao theo dõi, cập nhật thông tin, phân tích và dự báo đúng tình hình; thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia; đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó, xử lý chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả các vấn đề trên biển, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Về thông tin truyền thông, các cơ quan báo chí phải là dòng chảy chính, tạo ra khát vọng Việt Nam hùng cường, đoàn kết nhất trí. Cần tăng cường kỷ luật phát ngôn. Các cơ quan Nhà nước phải chủ động thông tin chính xác, kịp thời về các cơ chế chính sách, sự chỉ đạo điều hành thuộc phạm vi quản lý của mình.
Đề cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc thông tin trung thực, khách quan. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (sớm triển khai thí điểm hệ thống mạng 5G), khuyến khích phát triển sản phẩm quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng... Sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nghị định về chống thư rác, Quyết định quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện…
Đức Tuân
Nguồn:
http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Can-doi-moi-lan-2-de-tao-dong-luc-phat-trien-moi/374425.vgp
|