Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài – Trung tâm kinh tế, văn hóa, KH-KT quan trọng của Tây Ninh
30/10/2011
Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài – Trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật quan trọng của Tây Ninh. Là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế hướng ngoại, trở thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, thực hiện chương trình hợp tác tiểu vùng trong chiến lược phát triển kinh tế ở Nam Việt Nam.
So với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á. Theo con đường này, Mộc Bài chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam 70 km và Thủ đô PnômPênh của Campuchia 170 km. Hiện nay, công trình giao thông này đã được xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 1 đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khi toàn tuyến đường xuyên Á hoàn thành, Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung sẽ trở thành giao điểm quan trọng của hệ thống trục giao thông quốc tế và quốc gia ở phía Nam Việt Nam.
Xuất phát từ những lợi thế của cửa khẩu, đồng thời để chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới trên cơ sở tạo ra các điều kiện thuận lợi phù hợp với yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 27/10/1998 thành lập KKT cửa khẩu Mộc Bài.
KKT cửa khẩu Mộc Bài có 03 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận, phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa và các quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN trong tương lai; là một bộ phận của trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ và đầu mối giao thông trong nước và quốc tế; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật quan trọng của Tây Ninh và vùng Đông Nam Bộ, có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng.
Quy hoạch Khu Thương mại – Đô thị và công nghiệp Mộc Bài
Theo quy hoạch chung mới nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 10/11/2009, quỹ đất KKT cửa khẩu Mộc Bài là 21.284 ha (thuộc huyện Bến Cầu và Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) được sử dụng như sau:
- Đất khu thương mại – dịch vụ (khu phi thuế quan): 1.003 ha, trong đó: khu thương mại - dịch vụ, sân golf là 370 ha và khu thương mại - công nghiệp: 633 ha
- Đất khu thuế quan: 20.281ha, trong đó: đất phát triển nông, lâm nghiệp: 16.000 ha; đất khu thương mại đô thị: 457 ha;đất thị trấn Bến Cầu: 181ha; đất khu du lịch sinh thái, thể thao, vui chơi: 600 ha; đất khu dân cư nông thôn phân tán: 700 ha; đất dân cư tập trung tại các thị trấn, huyện lỵ: 305 ha; và đất rừng phòng hộ dọc biên giới: 1.000 ha.
Dân số trong KKT cửa khẩu khoảng 66.502 người với 34.500 lao động, chiếm khoảng 51% dân số, trong đó lao động nông nghiệp mang tính thời vụ chiếm 89%, chất lượng nguồn lao động rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn.
Giai đoạn 2010 - 2020, quy hoạch dự kiến mở rộng và xây dựng mới đô thị Mộc Bài có quy mô diện tích 7.400 ha với dân số dự báo khoảng 100.000 người. Trên cơ sở quy hoạch khu đô thị Mộc Bài được phê duyệt, Ban Quản lý KKT Tây Ninh sẽ lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong KKT cửa khẩu Mộc Bài để trình duyệt.
Để triển khai xây dựng Khu Thương mại - Đô thị cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh kết hợp với nguồn ngân sách trung ương theo chương trình hỗ trợ có mục tiêu, kể cả nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng trên 55 triệu USD, để từ nay đến năm 2020 thực hiện các hạng mục hạ tầng cơ sở cần thiết như: làm mới 19 km đường giao thông nội thị; nâng cấp nhà máy nước công suất 4.000m3/ngày đêm lên 26.000m3/ngày/đêm; xây dựng mới nhà máy xử lý nước thải công suất 9.000m3/ngày; xây dựng bãi chứa và xử lý chất thải rắn 20 ha đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; xây dựng cảng cạn và các dịch vụ tiện ích logistics kèm theo.
Kết quả thu hút đầu tư
Tính đến nay, tại KKT cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 34 nhà đầu tư với 46 dự án, đăng ký sử dụng 1.665,358ha đất, vốn đăng ký 6.204,3 tỷ đồngvà 219,125 triệu USD(39/43 dự án), trong đó có 6 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; 8 dự án về nhà ở, khu dân cư; 30 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ; 01 dự án khu du lịch sinh thái; đặc biệt có 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, sân golf, xây dựng kết cấu hạ tầng KCN và may giày xuất khẩu. Hiện có 14 dự án - chủ yếu trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nhà ở, gia công may giày xuất khẩu đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện là 1.050 tỷ đồng và 54 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động, trong đó hơn 90% lao động là người của địa phương và các vùng phụ cận. Với việc đưa nhà máy sản xuất giày thể thao công suất 10 triệu đôi/năm của Công ty cổ phần Việt Nam Mộc Bài (vốn đầu tư 100% của Hàn Quốc) vào hoạt động từ tháng 10/2010, trong các năm tới sẽ tạo thêm việc làm cho trên 15.000 lao động.
Hoạt động XNK, thương mại, dịch vụ
Năm 2006, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Mộc Bài đạt 94,3 triệu USD, tăng 80% so với năm 2005; năm 2007, 2008, 2009 lần lượt đạt: 112,7 triệu USD, 194,1 triệu USD và 193,4 triệu USD. Năm 2010 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, ước đạt 387,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 19,3% tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia.
Khu phi thuế quan thuộc KKT cửa khẩu Mộc Bài hiện có 52 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại với 3 siêu thị lớn, 3 siêu thị nhỏ, còn lại là các cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế.
Doanh số bán ra tăng dần theo từng năm, từ 533 tỷ đồng năm 2006 tăng lên 1.573 tỷ đồng năm 2010. Riêng 6 tháng đầu năm 2011 đạt 783,37 tỷ đồng. Lượng khách đến tham quan mua sắm tại Khu Thương mại - Công nghiệp Mộc Bài mỗi năm cũng tăng dần: năm 2006 đạt 1,289 triệu lượt khách, năm 2010 là 2,338 triệu lượt, 06 tháng đầu năm 2011 là 1,194 triệu lượt khách.
Hoạt động xuất nhập cảnh và kinh doanh du lịch
Hoạt động xuất nhập cảnh và kinh doanh du lịch ngày càng phát triển, đường xuyên Á được xây dựng hoàn chỉnh, cộng với việc giờ thông quan qua lại giữa hai cửa khẩu đã được hai tỉnh Tây Ninh và Svay Riêng điều chỉnh từ 06 giờ sáng đến 22 giờ tối từ tháng 05/2005, phía Campuchia bãi bỏ thị thực nhập cảnh đối với công dân Việt Nam từ năm 2008 nên lượt khách qua lại giữa hai cửa khẩu ngày càng tăng: từ 403.765 người năm 2004 đến năm 2010 đã đạt 2,286 triệu lượt; 06 tháng đầu năm 2011 đạt 1,323 triệu lượt người. Bên cạnh đó, số phương tiện qua lại cũng không ngừng tăng lên.
Các chính sách ưu đãi
UBND tỉnh Tây Ninh luôn tạo mọi điều kiện ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại KKT cửa khẩu Mộc Bài trên nguyên tắc bình đẳng, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư đều được công nhận và bảo hộ.
Ngoài các chính sách ưu đãi chung áp dụng cho các KKT cửa khẩu, KKT cửa khẩu Mộc Bài còn được hưởng một số ưu đãi riêng theo Quyết định số 144/2004/QĐ-TTg ngày 12/8/2004 của Thủ tướng. Theo đó, khu thương mại và công nghiệp thuộc KKT cửa khẩu Mộc Bài được tổ chức tương tự như một khu vực phi thuế quan và các nhà đầu tư đầu tư vào khu thương mại và công nghiệp này sẽ được hưởng những cơ chế thông thoáng, các ưu đãi được xem là cao nhất từ trước đến nay đối với các KKT:
- Miễn tiền thuê đất 11/15 năm kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.
- Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: Các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc khu thương mại - công nghiệp được hưởng: thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm từ khi dự án bắt đầu kinh doanh; miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm kế tiếp kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
- Ưu đãi về thuế nhập khẩu: miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định được áp dụng theo quy định của Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ.
- Nguyên liệu, vật tư nhập vào KKT cửa khẩu Mộc Bài (ngoại trừ khu thương mại và công nghiệp) để sản xuất hàng xuất khẩu phải nộp thuế nhập khẩu và sẽ được hoàn thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sản phẩm theo quy định của pháp luật.
- Quy định thuế xuất khẩu, nhập khẩu, giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt:
Hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu thương mại công nghiệp hoặc hàng hoá, dịch vụ từ khu thương mại công nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài, được miễn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu.
Hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu thương mại công nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Hàng hóa, dịch vụ từ khu thương mại công nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%.
Hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, tiêu thụ trong khu Thương mại - Công nghiệp hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%; hàng hóa, dịch vụ từ các khu chức năng khác trong KKT cửa khẩu và từ nội địa ra vào khu thương mại công nghiệp hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%; hàng hóa, dịch vụ từ khu thương mại công nghiệp ra vào các khu chức năng khác trong KKT cửa khẩu và vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được sản xuất, tiêu thụ trong khu thương mại công nghiệp không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm: hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được sản xuất, cung ứng và tiêu thụ trong khu thương mại công nghiệp. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và từ nội địa Việt Nam vào khu thương mại công nghiệp không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Riêng ô tô dưới 24 chỗ ngồi từ nội địa xuất vào khu thương mại công nghiệp, từ nước ngoài nhập vào khu thương mại công nghiệp thực hiện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định chung hiện hành.
Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ khu thương mại công nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ khu thương mại công nghiệp ra và vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hàng hóa sản xuất gia công, tái chế, lắp ráp tại khu thương mại công nghiệp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài theo quy định hiện hành về quản lý nhập khẩu khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện cấu thành trong sản phẩm, hàng hóa đó. Trường hợp không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam thì không phải nộp thuế nhập khẩu.
- Ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân: Người Việt Nam và người nước ngoài có thu nhập từ việc làm tại KKT cửa khẩu thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân được giảm 50% số thuế phải nộp.
- Ưu đãi đối với khách du lịch vào khu thương mại công nghiệp: khách tham quan du lịch trong và ngoài nước khi vào khu thương mại công nghiệp được phép mua hàng hoá mang về nội địa và được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) nếu tổng giá trị hàng hóa không vượt quá 500.000đ/người/ngày.