Thông tin chung:
Công trình: Kinh đô và Lăng mộ của Vương quốc Koguryo cổ đại (Capital Cities and Tombs of the Ancient Koguryo Kingdom)
Địa điểm: Huyện Hoàn Nhân, tỉnh Liêu Ninh (Huanren County, Liaoning Province) và thị trấn Tế An, tỉnh Cát Lâm (Ji’an, Jilin Province), Trung Quốc (N41 9 25 E126 11 14)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 4.164,8599 ha; Diện tích vùng đệm 14.142,4404 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2004; hạng mục i, ii, iii, iv, v)
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông.
Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất:
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên;
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907;
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279;
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên;
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644;
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912;
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.

Bản đồ Trung Quốc và vị trí tỉnh Liêu Ninh và Cát An, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
Tại vùng đông bắc Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 1 TCN đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, tồn tại một vương quốc cổ đại mang tên Koguryo (Cao Câu Ly).
Di tích nổi bật về nền văn minh đã biến mất này là tàn tích của 3 kinh đô cổ: Đô thị núi Wunu, tại huyện tự trị dân tộc Mãn Châu Huân Nhân, tỉnh Liêu Ninh; Đô thị Guonei và Đô thị núi Wandu tại thị trấn Tế An, tỉnh Cát Lâm; và 40 lăng mộ, gồm 14 lăng mộ của hoàng gia và 26 lăng mộ của quý tộc.
Vương quốc Koguryo là một cường quốc khu vực và là một nhóm dân tộc từ năm 37 TCN cho đến khi vương quốc này chuyển thủ đô đến Bình Nhưỡng vào năm 427 sau Công nguyên.
Đô thị núi Wunu, Đô thị Guonei và Đô thị núi Wandu từng là thủ đô của Koguryo trong giai đoạn đầu và giữa của Vương quốc.
Đô thị núi Wunu được xây dựng vào năm 37 TCN với tư cách là kinh đô đầu tiên của chế độ Koguryo. Được bao quanh bởi một bức tường phòng thủ có 3 cổng được xây dựng ở những vách đá và một phần bằng đá. Thành phố bao gồm một cung điện, trại quân đội, tháp canh, nhà ở và nhà kho.
Đô thị Guonei, hiện được bao quanh bởi thị trấn Tế An (Ji'an), được xây dựng trên đồng bằng với bức tường phòng thủ xây bằng đá và có cung điện và khu dân cư riêng biệt.
Đô thị núi Wandu là kinh đô duy nhất có bố cục chung được quy hoạch với cung điện lớn làm trung tâm, đã tạo ra một đô thị núi kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa Koguryo với môi trường tự nhiên.
Đô thị Guonei và Đô thị núi Wandu là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của Vương triều Koguryo trong hàng trăm năm.
Đô thị Guonei đã bị phá hủy vào năm 197 sau Công nguyên khi Vương triều Koguryo bị một thế lực khác đánh bại. Đô thị núi Wandu được xây dựng vào năm 209 sau Công nguyên. Cả hai thành phố đều bị hư hại trong chiến tranh và được xây dựng lại nhiều lần, luân phiên nhau làm kinh đô.
Đô thị Guonei đóng vai trò là kinh đô hỗ trợ sau khi kinh đô chính của Vương triều Koguryo chuyển đến Bình Nhưỡng. Đây là một trong số ít các địa điểm thành phố đồng bằng có tường thành bằng đá vẫn còn tồn tại.
Lăng mộ hoàng gia và quý tộc của Vương quốc Koguryo cổ đại được phân bố tại Khu lăng mộ cổ Donggou của Đô thị núi Wandu.
12 lăng mộ hoàng gia có hình kim tự tháp bậc thang được xây dựng bằng đá. Các phòng chôn cất bên trong được phủ bằng ngói đất sét. Lăng mộ của các quý tộc có các phòng mộ bằng đá, bên trên đắp đất, đá tạo thành các gò mộ. Phòng mộ được trang trí bằng các bức tranh tường, mô tả các vị thần tiên, linh vật, tự nhiên, cảnh sinh hoạt hàng ngày, thể thao, săn bắn, lễ hội.
Bia đá của Đại đế Hotaewang/ Gwanggaeto (Gwanggaeto Stele) có niên đại từ năm 414 sau Công nguyên, kể về câu chuyện thành lập Vương quốc Koguryo.
Các cố đô và lăng mộ là minh chứng đặc biệt cho nền văn minh Koguryo đã biến mất. Bố cục và việc xây dựng các cố đô đã ảnh hưởng đến việc quy hoạch và xây dựng thành phố của các nền văn hóa sau này.
Các bức tranh vẽ trong lăng mộ đại diện cho một biểu hiện nghệ thuật hiếm có ở Đông Bắc Á thời Trung cổ và cùng với bia đá và chữ khắc cho thấy tác động của văn hóa Trung Quốc lên văn hóa Koguryo.
Cố đô và Lăng mộ của Vương quốc Koguryo cổ đại, huyện Huân Nhân, tỉnh Liêu Ninh (Huanren County, Liaoning Province) và thị trấn Tế An, tỉnh Cát Lâm (Ji’an, Jilin Province), Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Các ngôi mộ đại diện cho tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, qua các bức tranh tường và cấu trúc của chúng.
Tiêu chí (ii): Các kinh đô của Vương quốc Koguryo là một ví dụ ban đầu về các đô thị miền núi, sau đó được các nền văn hóa lân cận bắt chước. Các ngôi mộ, đặc biệt là Bia đá của Đại đế Hotaewang và các dòng chữ bên trong ngôi mộ, cho thấy tác động của văn hóa Trung Quốc đối với người Koguryo, dân tộc không phát triển chữ viết riêng.
Các bức tranh trong các ngôi mộ, thể hiện các kỹ năng và phong cách nghệ thuật tạo hình, cũng là một ví dụ về sự giao lưu mạnh mẽ với các nền văn hóa khác.
Tiêu chí (iii): Các kinh đô và lăng mộ của Vương quốc Koguryo cổ đại là minh chứng đặc biệt cho nền văn minh Koguryo đã biến mất.
Tiêu chí (iv): Hệ thống kinh đô đại diện bởi đô thị Guonei và đô thị núi Wandu cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng các kinh đô sau này do Vương triều Koguryo xây dựng; Các lăng mộ Koguryo là ví dụ nổi bật về sự phát triển của việc xây dựng lăng mộ bằng đá và đất.
Tiêu chí (v): Các kinh đô của Vương quốc Koguryo là ví dụ tiêu biểu về sự kết hợp hoàn hảo giữa sáng tạo của con người và thiên nhiên với đá núi, rừng cây và sông nước.


Phạm vi Di sản Kinh đô và Lăng mộ của Vương quốc Koguryo cổ đại, tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
Trong lịch sử Triều Tiên, Koguryo (Goguryeo - Cao Câu Ly, tồn tại năm 37 TCN – 688 sau Công nguyên) là một trong những vương quốc mạnh nhất ở phía Đông Bắc Trung Quốc và một nửa của bán đảo Triều Tiên, cùng với 2 quốc gia khác là Baekje (Bách Tế) và Silla (Tân La), tạo thành giai đoạn được gọi là Tam quốc Triều tiên, kéo dài từ năm 57 TCN đến khi Vương triều Silla giành thắng lợi trước Vương triều Koguryo vào năm 668.
Tên Koryo (Goryeo), một dạng rút gọn của Koguryo (Goguryeo), được sử dụng làm tên chính thức vào thế kỷ thứ 5 và là nguồn gốc của tên tiếng Anh “Korea".
Trong thời kỳ Koryo, Hàn Quốc bắt đầu hình thành truyền thống văn hóa riêng biệt với phần còn lại của Đông Á.
Jolbon/Holbon là kinh đô đầu tiên của Vương quốc Koguryo từ năm 37 TCN đến năm 3 sau Công nguyên. Jolbon nằm ở núi Wunu (Vũ Nương) ngày nay, thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Vào năm thứ 3 sau Công nguyên, kinh đô của Vương quốc Koguryo được chuyển đến Guonei (Vạn Độ) thuộc thị trấn Tế An (Ji'an) hiện nay.
Vào năm 427 sau Công nguyên, Vương quốc Koguryo lại chuyển kinh đô đến Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên ngày nay. Tại đây cũng có Di sản thế giới Quần thể lăng mộ Koguryo).

Sơ đồ phân chia Tam quốc Triều Tiên vào năm 476
Có nhiều khó khăn trong việc xác định và khai quật các di tích của vương triều Koguryo, vì nhiều di tích trong số đó đã bị phá hủy và cướp bóc hoàn toàn khi vương quốc sụp đổ. Rất ít dấu vết về nền văn hóa của vương quốc này còn sót lại.
Koguryo nổi tiếng với kỹ thuật xây dựng pháo đài, phần lớn là pháo đài trên núi. Chúng thường được xây dựng trên địa hình có nguồn nước phong phú, được bao quanh bởi một số thung lũng và dãy núi, giúp nơi đây có thể chứa được nhiều người và chịu được những cuộc chiến tranh dài ngày.
Xây dựng tường theo phong cách Koguryo được đặc trưng bởi kích thước của những viên đá, được cắt và ghép chặt chẽ theo cách không cần vữa. Loại công sự này được xây dựng tại các điểm quan trọng về mặt chiến lược từ tiền tuyến đến các khu vực xa hơn ở phía sau.
Các pháo đài Koguryo đóng vai trò quan trọng giúp Koguryo trở thành một trong những vương quốc phong kiến hùng mạnh nhất ở phương Đông trong khoảng 700 năm.
Pháo đài núi Wunu và pháo đài Guonei, địa điểm của thủ đô đầu tiên và thứ hai của Vương quốc Koguryo, đã được khai quật và cũng là bằng chứng cho truyền thống kiến trúc cung điện trước đó ở Koguryo. Sau khi Phật giáo du nhập vào Koguryo vào năm 372 CN, nhiều tu viện Phật giáo cũng đã được xây dựng.
Các bia ký của thời kỳ Koguryo, đặc biệt là trụ bia của Đại đế Gwanggaeto cung cấp nhiều thông tin có giá trị về Vương quốc này.
Trong số các di sản mà vương quốc Koguryo để lại, các ngôi mộ với các tranh tường có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên, trong số các ngôi mộ được phát hiện cho đến nay, không có ngôi mộ nào còn nguyên vẹn; tất cả đều đã bị cướp phá.
Nền văn minh Koguryo chịu ảnh hưởng và bắt chước từ các quốc gia khác, nhưng văn hóa Koguryo rõ ràng là khác biệt. Kỹ thuật xây dựng lăng mộ, nội dung tranh tường và truyền thống hội họa của họ, cách bố trí các tòa nhà trong các tu viện Phật giáo, kỹ thuật xây tường thành của các pháo đài, tất cả đều khác với các vương quốc láng giềng đương thời.
Di sản Kinh đô và Lăng mộ của Vương quốc Koguryo cổ đại, tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc gồm 5 địa điểm sau:
1) Cố đô tại Núi Wunu
Cố đô tại Núi Wunu/Ngũ Nương (Wunu Mountain City) nằm ở phía bắc thị trấn Hoàn Nhân (Huanren), thuộc huyện tự trị dân tộc Mãn Châu Hoàn Nhân, tỉnh Liêu Ninh (N41 19 47.406 E125 25 6.384). Diện tích di sản 276 ha; Diện tích vùng đệm 5.600 ha.
Núi có đỉnh cao nhất 821m (so với mực nước biển).
Núi Ngũ Nương là địa điểm xây dựng thị trấn pháo đài Jolbon, nơi khai sinh của Vương quốc Koguryo cổ đại và là kinh đô đầu tiên của Vương quốc này từ năm 37 TCN đến năm 3 sau Công nguyên. Lân cận là hai đô thị cổ: Đô thị Guonei (Guonei City) và Đô thị núi Wandu (Wandu Mountain City).
Tên gọi ngày nay của núi là Ngũ Nương hay “Núi của 5 Người Phụ Nữ" bắt nguồn từ một truyền thuyết Trung Quốc kể rằng năm người phụ nữ thời nhà Đường đã bảo vệ ngọn núi khỏi những kẻ xâm lược.
Cố đô tại Núi Wunu có quy mô khá lớn, dài 1.500m và rộng 300 – 500m. Thành phố chỉ được khai quật một phần.
Phần trên của thành phố bao gồm sân quan sát, cung điện, địa điểm đóng trại quân đội và cổng thành.
Phần dưới của thành phố được bao quanh bởi tường thành phòng thủ, một phần được xây dựng và một phần là vách đá tự nhiên.
Bức tường dài khoảng 1.600m, được xây dựng bằng các viên đá đẽo ở bên ngoài và những viên đá không đều ở bên trong. Thành cao 2,5 - 3,5m ở đỉnh và khoảng 5m ở chân.
Thành phố có 3 cổng. Ở phần trung tâm có một hồ nước lớn.
Tại đây còn lưu lại tàn tích nền móng của một cung điện, 20 trại lính, một tháp canh có kích thước 15 x 17m, nhà kho và một số hiện vật khảo cổ học.
Sơ đồ phạm vi Di sản Cố đô tại núi Ngũ Nương, Liêu Ninh, Trung Quốc


Phối cảnh ngọn núi Ngũ Nương, Liêu Ninh, Trung Quốc

Trụ biểu tại lối vào Di sản Cố đô núi Ngũ Nương, Liêu Ninh, Trung Quốc

Tàn tích bậc thang lên pháo đài tại Cố đô núi Ngũ Nương, Liêu Ninh, Trung Quốc

Tàn tích tường pháo đài tại Cố đô núi Ngũ Nương, Liêu Ninh, Trung Quốc


Tàn tích công trình dinh thự, nhà ở tại Cố đô núi Ngũ Nương, Liêu Ninh, Trung Quốc

Đền thờ Ngũ Nương tại Cố đô núi Ngũ Nương, Liêu Ninh, Trung Quốc
2) Cố đô Guonei
Cố đô Guonei (Guonei City) nằm ở bờ phải của sông Áp Lục, tại thị trấn Ji'an (Tế An), tỉnh Cát Lâm (N41 8 19,40 E126 10 34,30). Diện tích di sản 59,24 ha; Diện tích vùng đệm 8.542,4404 ha.
Di tích Cố đô Guonei hiện nằm xen giữa các khu dân cư mới, chỉ còn lại vết tích của các bức tường thành, nền móng của các tháp pháo đài và một số hiện vật khảo cổ học.
Thành phố có mặt bằng hình vuông, kích thước khoảng 550 x 700m, được xây dựng trên đồng bằng với bức tường phòng thủ xây bằng đá kiên cố; bên trong có cung điện và khu dân cư riêng biệt.
Vào năm 3 sau Công nguyên, Guonei được chọn làm kinh đô bởi vua Yuri (trị vì năm 19 TCN – 18 sau Công nguyên, là người cai trị thứ 2 của Vương triều Goguryo và là con trai cả của huyền thoại Chumong, người sáng lập Vương quốc).
Thành phố bị cướp phá nhiều lần cho đến khi Gwanggaeto Đại đế lên ngôi (trị vì năm 391- 412, vị vua thứ 19 của Vương triều Goguryeo), người đã mở rộng đáng kể lãnh thổ của Vương triều Koguryo và biến nó thành một thế lực đáng gờm ở Đông Bắc Á.
Khi Đại đế Gwanggaeto qua đời vào năm 413, con trai của ông, Jangsu (Jangsu of Goguryeo, trị vì năm 412- 491, vị vua thứ 20 của Vương triều Koguryo) đã kế thừa ngai vàng. Đây là thời kỳ hoàng kim của Vương triều Koguryo với các cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ. Trong thời gian trị vì của mình, vua Jangsu đã đổi tên chính thức của Koguryo thành tên rút gọn Koryo, từ đó hình thành nên tên gọi Hàn Quốc và chuyển kinh đô xuống Bình Nhưỡng vào năm 427.
Vào năm 666, cố đô Gungnae đã rơi vào tay liên minh Vương triều Đường Trung Quốc (Tang dynasty, tồn tại năm 618 đến năm 907) và Vương triều Silla/Tân La (tồn tại năm 57 TCN – 935 sau Công nguyên, một trong Tam Quốc Triều Tiên cùng với 2 quốc gia khác là Baekje/Bách Tế và Koryo/Hàn Quốc.
Vương triều Koryo sụp đổ vào năm 668 khi quân đội nhà Đường chiếm được kinh đô Bình Nhưỡng.

Tàn tích tường thành cổ, Cố đô Guonei, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Tàn tích tường pháo đài, tháp canh, Cố đô Guonei, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc


Biểu tượng ghi nhận tàn tích cổ, Cố đô Guonei, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc
3) Đô thị núi Wandu
Đô thị núi Wandu (Wandu Mountain City) là một pháo đài nằm cách thị trấn Tế An (Ji'an), tỉnh Cát Lâm khoảng 2,5km về phía tây, gần biên giới Triều Tiên (N41 9 51.20 E126 6 55.90). Diện tích di sản 3.219,21 ha.
Vào năm 3 CN sau Công nguyên, vua Yuri của Vương quốc Koguryo (trị vì năm 19 TCN – 18 sau Công nguyên, là người cai trị thứ 2 của Vương triều Koguryo và là con trai cả của huyền thoại Chumong, người sáng lập Vương quốc) đã dời đô đến Gungnae và xây dựng pháo đài Wina Rock.
Đây là một pháo đài kiên cố trên núi, trên những vách núi gồ ghề với độ cao khoảng 676m.
Wina Rock sau này được đổi tên là Wandu. Pháo đài có vai trò tăng cường khả năng phòng thủ cho kinh đô Guonei.
Chu vi Pháo đài ban đầu là 6395m với 7 cổng ra vào.
Di tích Pháo đài núi Wandu chỉ còn lại tàn tích của một cung điện lớn được xây dựng trên sân thượng ba bậc, một đài quan sát, doanh trại quân đội và một hồ nước.

Sơ đồ Tàn tích Pháo đài núi Wandu và khu lăng mộ, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Lối vào Tàn tích Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Tàn tích tường thành cổ, Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Tàn tích tháp canh, Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Tàn tích công trình, Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc
Đô thị núi Wandu còn lưu giữ tàn tích của nhiều lăng mộ hoàng gia và quý tộc.
Lăng mộ có các phòng mộ bằng đá, bên trên đắp đất, đá tạo thành các gò mộ. Phòng mộ được trang trí bằng các bức tranh tường, mô tả cảnh thiên nhiên, các vị thần, tiên, linh vật, sinh hoạt hàng ngày, thể thao, săn bắn và lễ hội.

Sơ đồ vị trí một số lăng mộ đặc biệt, Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc: 1) Khu vực lăng mộ hoàng gia và quý tộc dưới chân núi; 2) Lăng mộ Đại đế Gwanggaeto; Lăng mộ Vua Jangsu (Lăng mộ Tướng quân)
Phía chân núi Wandu, tại ngoại ô phía tây thị trấn Tế An còn lưu giữ tàn tích 12 lăng mộ của hoàng gia và 15 lăng mộ của các quý tộc. 12 lăng mộ hoàng gia có hình kim tự tháp bậc thang được xây dựng bằng đá. Các phòng chôn cất bên trong được phủ bằng ngói đất sét.

Tổng mặt bằng Khu mộ dưới chân Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Tàn tích khu mộ dưới chân Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc
Một trong những ngôi mộ nổi tiếng trong khu vực là Lăng mộ Đại đế Gwanggaeto, nằm ngay giữa thị trấn Tế An.
Phía đông bắc của Lăng mộ Đại đế Gwanggaeto có một tấm bia đá, được dựng vào năm 414, bởi Vua Jangsu (Jangsu of Goguryeo, trị vì năm 412- 491, vị vua thứ 20 của Vương triều Koguryo) để ghi nhận công tích vua cha, Đại đế Gwanggaeto.
Bia được chạm khắc từ một khối đá granit duy nhất, cao khoảng 6,39m và có chu vi gần 4m. Đế bằng đá cẩm thạch dài 3,35m, rộng 2,7m.
Trên bốn mặt của tấm bia đá được khắc 1.775 ký tự Trung Quốc. Hiện nay có thể nhận dạng được khoảng 1.500 ký tự. Bia đá là một trong những nguồn tư liệu chính cho lịch sử của Vương triều Koguryo và triều đại Gwanggaeto.

Tổng mặt bằng Lăng mộ Đại đế Gwanggaeto, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc; phía đông bắc của ảnh là vị trí Tấm bia đá

Tàn tích Lăng mộ Đại đế Gwanggaeto, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Lối vào Lăng mộ Đại đế Gwanggaeto, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc


Bia đá lưu danh Đại đế Gwanggaeto, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc
Một ngôi mộ nổi tiếng khác là Lăng mộ tướng quân (Tomb of General) nằm ngay phía bắc thị trấn Tế An. Lăng mộ còn được gọi là Kim tự tháp phương Đông, là lăng mộ chôn cất của Vua Jangsu (vị vua thứ 20 của Vương triều Koguryo). Đây là lăng mộ bằng đá được bảo tồn tốt nhất.
Lăng mộ dạng kim tự tháp bậc, được xây dựng bằng đá đẽo gọt, mặt bằng hình vuông, chiều dài cạnh là 31,58m và cao 12,4m; Có 7 bậc. Tại bậc thứ 5 đặt một phòng mộ. Bên trong có hai bệ đặt quan tài bằng đá.
Xung quanh lăng mộ là 12 tảng đá lớn nặng 10 tấn để. Lăng mộ đã bị cướp phá, không còn chứa hiện vật khảo cổ nào.
Phía bắc của Lăng mộ có một số ngôi mộ phụ.

Tổng mặt bằng Lăng mộ Vua Jangsu (Lăng mộ Tướng quân), Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc


Lăng mộ Vua Jangsu (Lăng mộ Tướng quân), Pháo đài núi Wandu, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc
Bên trong nhiều lăng mộ quý tộc vẫn còn lưu giữ được các bức bích họa trên tường và trần. Nội dung các bức bích họa miêu tả thánh thần, linh vật, các nhân vật lịch sử của Vương triều và cảnh sinh hoạt lễ hội, hàng ngày.


Trang trí tranh trên tường và trần tại Lăng mộ Ohoe số 4 (Ohoe Tomb #4), Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc; bao gồm rồng, quạ, các vị thần, nhạc sĩ và vũ công

Trang trí tranh trên tường và trần tại Lăng mộ Ohoe số 5 (Ohoe Tomb #5), Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc; bao gồm các vị thần mặt trời, mặt trăng, thần lửa, thần nông nghiệp và y học, hoa sen, lửa, rồng, hổ.
4) Lăng mộ Ranmou và Lăng Huanwen
Lăng mộ Ranmou và lăng mộ Huanwen (Ranmou Tomb and Huanwen Tomb) thuộc Khu lăng mộ Xiajiefang, nằm tại phía tây của sông Áp Lục (Yalu River), phía bắc của làng Xiajiefang (Xiajiefang Village), cách thị trấn Tế An (Ji'An), khoảng 7km về phía đông bắc (N41 11 10.10 E126 16 31.80). Diện tích di sản 216,98 ha.
Khu vực có hơn 50 ngôi mộ cổ, bao gồm Lăng Ranmou, Lăng Huanwen và Lăng Wall Painting No.31.

Sơ đồ vị trí Lăng mộ Ranmou và lăng mộ Huanwen, Khu lăng mộ Xiajiefang, Tế An, Cát Lâm, Trung uốc

Tổng mặt bằng tàn tích Lăng mộ Ranmou và lăng mộ Huanwen, Khu lăng mộ Xiajiefang, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc
5) Lăng mộ Changchuan số 1, 2, 4
Lăng mộ Changchuan /Trường Xuyên số 1, 2, 4 (Changchuan Tomb No. 1, 2, 4) nằm tại bắc của làng Changchuancun, cách sông Áp Lục (Yalu River) 1500m về phía đông và cách thị trấn Tế An 15 km về phía đông bắc (N41 15 44.50 E126 20 16.70). Diện tích di sản 393,43 ha.
Lăng mộ Trường Xuyên số 1 (Changchuan Tomb No. 1) là một ngôi mộ bằng đá được phủ đất với những bức bích họa tinh xảo bên trong, là một trong những ngôi mộ có tranh tường còn sót lại từ Vương triều Koguryo (Cao Câu Ly). Ngôi mộ đóng vai trò là điểm khởi đầu cho việc khảo sát về kiến trúc và hội họa tại Vương triều Koguryo.
Những bức bích họa tinh xảo được tìm thấy ở gian trước, gian sau, giếng trời, lối đi và nắp quan tài. Hầu hết các bức bích họa đều có màu sắc tươi tắn và rực rỡ. Ngôi mộ là của một hoàng gia thuộc Vương quốc Koguryo. Các bức bích họa sử dụng hơn 100 nhân vật sống động để mô tả đời sống xã hội và Phật giáo tại Vương quốc Koguryo cổ đại.
Các bức tranh tường của Lăng mộ số1 có 10 ví dụ về nhạc cụ tất cả đều được mô tả trong phòng phía trước của lăng mộ, 7 nhạc cụ xuất hiện trong các bức tranh trên trần nhà và 3 nhạc cụ trong các bức tranh trên tường.

Bên trong Lăng mộ Trường Xuyên số 1, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Tranh vẽ trên tường phía đông của phòng chính, Lăng mộ Trường Xuyên số 1, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc

Tranh vẽ trên tường phía bắc của phòng chính, Lăng mộ Trường Xuyên số 1, Tế An, Cát Lâm, Trung Quốc
Di sản Cố đô và Lăng mộ của Vương quốc Koguryo cổ đại, tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc là minh chứng đặc biệt cho nền văn minh Koguryo đã không còn tồn tại; Đại diện cho sự kết hợp hoàn hảo giữa sản phẩm sáng tạo của con người và thiên nhiên với đá núi, rừng cây, sông hồ; là ví dụ nổi bật về sự phát triển của việc xây dựng lăng mộ bằng đá và đất.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/1135/
https://whc.unesco.org/uploads/nominations/1135.pdf
https://whc.unesco.org/uploads/activities/documents/activity-275-1.pdf
https://en.wikipedia.org/wiki/China
https://en.wikipedia.org/wiki/Goguryeo
https://en.wikipedia.org/wiki/Capital_Cities_and_Tombs_of_the_Ancient_Koguryo_Kingdom
https://en.wikipedia.org/wiki/Wun%C3%BC_Mountain
https://en.wikipedia.org/wiki/Jolbon
https://en.wikipedia.org/wiki/Gungnae
https://en.wikipedia.org/wiki/Gwanggaeto_Stele
https://mesosyn.com/Koguryo.html
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|