Thông tin chung:
Công trình: Quần thể Takht-e Soleyman
Địa điểm: Tỉnh Western Azerbaijan, Iran (N36 36 14 E47 14 6)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 10 ha; Vùng đệm 7.438 ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (2003; hạng mục i, ii, iii, iv, vi)
Iran (còn gọi là Ba Tư) là một quốc gia ở Tây Á, phía Tây Bắc giáp Armenia và Azerbaijan; phía Bắc giáp biển Caspi; Đông Bắc giáp Turkmenistan; phía Đông giáp Afghanistan và Pakistan; phía Nam giáp vịnh Ba Tư và vịnh Ô-man; phía Tây giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Iran nằm tại trung tâm khu vực Âu Á và gần eo biển Hormuz, có một tầm quan trọng về địa chính trị.
Iran có diện tích khoảng 1.648.195 km2, là quốc gia lớn thứ 2 tại Trung Đông và lớn thứ 17 trên thế giới. Với 82 triệu dân (2018), Iran là quốc gia đông dân thứ 18 trên thế giới. Thủ đô là thành phố Tehran.
Iran là một trong những nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại.
Nền văn minh Iran bắt đầu với sự hình thành các vương quốc Elamite (Elamite kingdoms) trong thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên (TCN). Người Iran là một trong những tộc người đầu tiên sử dụng toán học, hình học và thiên văn học trong kiến trúc. Kiến trúc Iran gắn liền với các hình tượng vũ trụ, với nhận thức nhờ đó con người được giao tiếp và tham gia quyền lực với thiên đàng. Triết lý này không chỉ mang lại sự thống nhất và liên tục cho kiến trúc Ba Tư, mà còn trở thành một nguồn động lực quý giá cho nghệ thuật kiến trúc.
Vào thế kỷ thứ 7 TCN các bộ tộc Media Iran đã cùng nhau thành lập vương Quốc Median (Median Empire). Vương quốc đạt đến đỉnh cao về quy mô lãnh thổ vào thế kỷ thứ 6 TCN dưới thời Vương triều Achaemenid (Achaemenid Empire, khoảng 550-330 TCN), được thành lập bởi Cyrus Đại đế (Cyrus the Great, cai trị năm 559 – 530 TCN), trở thành Đế quốc Ba Tư. Đây là Đế chế liên kết được nhiều dân tộc có nguồn gốc và tín ngưỡng khác nhau; hình thành được mô hình chính quyền tập trung, quan liêu (chuyển từ cách thực hiện tự phát, thiếu kế hoạch, định hướng giá trị truyền thống sang cách làm việc có hệ thống, tổ chức theo quy tắc, luật lệ, định hướng mục đích và duy lý); xây dựng được hệ thống đường bộ, bưu chính, sử dụng ngôn ngữ chính thức trên toàn bộ lãnh thổ, phát triển các dịch vụ dân sự và một đội quân chuyên nghiệp. Sự thành công của Đế chế Achaemenid đã truyền cảm hứng cho các vương triều Iran sau này.
Đế chế Achaemenid sụp đổ dưới sự thống trị của Alexander Đại đế (Alexander the Great, cai trị năm 336 - 323 TCN) vào thế kỷ thứ 4 TCN và bị chia thành nhiều vương quốc thuộc văn minh Hy Lạp, như vương quốc Seleucid (Seleucid Empire), còn gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic period).
Đế chế Seleucid trở thành một trung tâm lớn của văn hóa Hy Lạp, duy trì sự ưu việt của phong tục Hy Lạp, nơi tinh hoa chính trị Hy Lạp thống trị, chủ yếu ở các khu vực đô thị. Dân số Hy Lạp của các thành phố hình thành nên giới tinh hoa và được củng cố bởi sự nhập cư từ Hy Lạp.
Vào thế kỷ thứ 3 TCN, người Iran nổi dậy lập Đế chế Parthia (Parthian Empire) và Đế chế Sasanian (Sasanian Empire, tồn tại năm 224- 651). Sau đó Iran dần trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới vào 4 thế kỷ tiếp theo.
Người Hồi giáo Ả Rập đã chinh phục Đế chế Sasanian vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, cùng với đó là việc Hồi giáo hóa Iran, dẫn đến sự suy tàn của tôn giáo thống trị Zoroastrianism (Hỏa giáo), là một trong những tôn giáo liên tục lâu đời nhất trên thế giới, được thành lập bởi nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng Iran Zoroaster, còn được gọi là Zarathushtra, sống trong khoảng năm 1500 - 1000 TCN. Đây là quốc giáo của nhà nước Ba Tư trước Hồi giáo, trong giai đoạn năm 600 TCN đến năm 650 sau Công nguyên.
Trong hai thế kỷ tiếp theo, một loạt triều đại Hồi giáo bản địa (Iran Intermezzo) xuất hiện: Tahirids (năm 821 - 873); Sajids (năm 889 - 929); Saffarids (năm 861 - 1003); Samanids (năm 875/819 - 999); Ziyarids (năm 930 -1090); Buyids (năm 934 - 1062); Sallarids (năm 942- 979). Tiếp đó, người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc vương triều Seljuq (Seljuq dynasty, tồn tại từ thế kỷ 10 – 12) và người Mông Cổ Ilkhanate (tồn tại từ thế kỷ 13 – 14) đã chinh phục Ba Tư.
Sự trỗi dậy của vương triều Safavids (Safavid dynasty) trong thế kỷ 15 đã dẫn đến việc tái lập quốc gia Iran và chuyển đổi sang Hồi giáo dòng Shia (Shia Islam). Đây là ngoặt trong lịch sử Iran và Hồi giáo.
Thế kỷ 18, dưới thời vua Nader Shah Afshar (cầm quyền 1736- 1747), Iran là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất khu vực.
Đến thế kỷ 19, sau một loạt xung đột với Đế quốc Nga, Iran đã chịu những tổn thất lãnh thổ đáng kể.
Triều đại Pahlavi (Pahlavi dynasty, tồn tại từ năm 1925 – 1979) là vương triều cuối cùng của Đế chế Iran. Tiếp đó, là giai đoạn của quốc gia Iran thời hiện đại.
Trong lịch sử phát triển, Iran là một quốc gia và một xã hội đa nguyên, bao gồm nhiều nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, lớn nhất là Ba Tư, Azeris, Kurds, Mazandaranis và Lurs.
Ngày nay, Iran được chia thành 5 khu vực với 31 tỉnh. Các tỉnh chia thành quận/huyện, phường/xã.
Bản đồ Iran và vị trí thành phố Urmia, thủ phủ tỉnh West Azerbaijan
Quần thể khảo cổ học có tên gọi Takht-e Soleyman (“Ngai vàng của Solomon/ Throne of Solomon”) nằm trên một khu vực đồng bằng, được bao quanh bởi những ngọn núi ở tỉnh West Azerbaijan thuộc tây bắc Iran (giữa thành phố Urmia và thành phố Hamadan, gần thị trấn Takab ngày nay và cách Tehran 400 km về phía tây).
Địa điểm này có ý nghĩa biểu tượng và tâm linh mạnh mẽ liên quan đến lửa và nước, là lý do chính khiến nơi này được chiếm đóng từ thời cổ đại, và là minh chứng đặc biệt cho sự tiếp nối của một giáo phái liên quan đến lửa và nước, trong khoảng thời gian khoảng 2.500 năm. Trong một bố cục hài hòa lấy cảm hứng từ bối cảnh thiên nhiên, đây là tàn tích của một quần thể kiến trúc hoàng gia đặc biệt thuộc Đế chế Sasanian (Sasanian Empire, tồn tại năm 224- 651, bao gồm toàn bộ Iran và Iraq ngày nay, một số phần của Bán đảo Ả Rập, cũng như Kavkaz, Levant và một số phần của Trung Á và Nam Á). Tích hợp với kiến trúc cung điện là một ví dụ nổi bật về khu bảo tồn Hỏa giáo (Zoroastrianism); Bố cục này tại Takht-e Soleyman có thể được coi là một nguyên mẫu quan trọng.
Một hồ phun trào và một ngọn núi lửa là những yếu tố cảnh quan thiết yếu của Takht-e Soleyman.
Tại trung tâm của địa điểm này là một bệ hình bầu dục kiên cố cao khoảng 60m so với đồng bằng xung quanh, có kích thước khoảng 350m x 550m. Trên bệ này là một hố phun trào, một ngôi đền Hỏa giáo, một ngôi đền dành riêng cho Anahita (thần nước) và một khu bảo tồn hoàng gia Sasanian. Địa điểm này đã bị phá hủy vào cuối triều đại Sasanian, nhưng đã được phục hồi và xây dựng lại một phần vào thế kỷ 13. Cách đó khoảng 3 km về phía tây là một ngọn núi lửa cổ đại, Zendan-e Soleyman, cao khoảng 100 m so với xung quanh. Trên đỉnh của nó là tàn tích của các đền thờ có niên đại từ thiên niên kỷ thứ nhất TCN.
Takht-e Soleyman là thánh địa chính và là địa điểm quan trọng nhất của Hỏa giáo, tôn giáo nhà nước Sasanian. Đức tin độc thần ban đầu này đã có ảnh hưởng quan trọng đến Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Thiết kế của đền Hỏa giáo, cung điện hoàng gia, cũng như bố cục chung của địa điểm đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của kiến trúc tôn giáo trong thời kỳ Hồi giáo và trở thành một tham chiếu kiến trúc chính cho các nền văn hóa khác ở cả phương Đông và phương Tây. Địa điểm này cũng có nhiều mối quan hệ biểu tượng quan trọng, gắn liền với các tín ngưỡng lâu đời hơn nhiều so với Hỏa giáo cũng như với các nhân vật và truyền thuyết quan trọng trong Kinh thánh.
Khu đất rộng 10 ha này cũng bao gồm: Tepe Majid, một gò khảo cổ có liên quan về mặt văn hóa với Zendan-e Soleyman; Ngọn núi ở phía đông Takht-e Soleyman từng là mỏ đá cho địa điểm này; Núi Belqeis cách đó 7,5 km về phía đông bắc, trên đó có tàn tích của một thành lũy triều đại Sasanian. Di sản khảo cổ của quần thể Takht-e Soleyman còn được làm phong phú thêm bởi thị trấn của người Sasanian (vẫn chưa được khai quật), nằm trong vùng đệm cảnh quan rộng 7.438 ha.
Quần thể Takht-e Soleyman, Iran được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2003) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Takht-e Soleyman là một tập hợp xuất sắc của kiến trúc hoàng gia, kết hợp các yếu tố kiến trúc chính được tạo ra bởi người Sasanian trong một bố cục hài hòa lấy cảm hứng từ bối cảnh tự nhiên.
Tiêu chí (ii): Thành phần và các yếu tố kiến trúc được tạo ra bởi người Sasanian tại Takht-e Soleyman có ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong sự phát triển kiến trúc tôn giáo thời kỳ Hồi giáo, mà còn trong các nền văn hóa khác.
Tiêu chí (iii): Bản hòa tấu của Takht-e Soleyman là một bằng chứng đặc biệt về sự tiếp nối của giáo phái liên quan đến lửa và nước trong khoảng thời gian hai thiên niên kỷ rưỡi. Các di sản khảo cổ của khu vực này được làm phong phú thêm bởi thị trấn của người Sasanian, hiện vẫn còn đang khai quật.
Tiêu chí (iv): Takht-e Soleyman đại diện cho một ví dụ nổi bật về khu bảo tồn Hỏa giáo (Zoroastrianism), được tích hợp với kiến trúc cung điện của người Sasanian trong một quần thể kiến trúc cảnh quan, có thể được xem như một nguyên mẫu.
Tiêu chí (vi): Là nơi tôn nghiêm chính của Hỏa giáo, Takht-e Soleyman là địa điểm quan trọng nhất gắn liền với một trong những tôn giáo độc thần đầu tiên của thế giới. Địa điểm này có nhiều mối quan hệ tượng trưng quan trọng, cũng là một bằng chứng về sự liên kết của các tín ngưỡng cổ xưa, sớm hơn nhiều so với Hỏa giáo, cũng như liên kết với nhiều nhân vật và truyền thuyết quan trọng trong Kinh thánh.
Sơ đồ phạm vi Di sản Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Phạm vi Di sản bao gồm các yếu tổ thể hiện giá trị phổ biến nổi bật, bao gồm hồ và núi lửa, các di tích khảo cổ liên quan đến khu bảo tồn Hỏa giáo và khu kiến trúc hoàng gia của triều đại Sasanian.
Phạm vi Di sản phân thành 3 khu vực chính:
Khu A – Khu vực lõi chính của Di sản Takht-e Soleyman
Khu vực lõi chính của Di sản Takht -e Soleyman (Main Takht -e Soleyman core zone) nằm trên một thung lũng cao 2.500 m so với mực nước biển, được bao quanh bởi những ngọn núi, một địa điểm rất có thể được chọn vì những nét đặc biệt tự nhiên của nó. Ở trung tâm của địa điểm là một bệ hình bầu dục kiên cố cao 60m so với đồng bằng xung quanh, có kích thước khoảng 350 x 550m. Trên bệ này là một hồ phun nước (sâu đến 120m), một ngôi đền Hỏa giáo, một ngôi đền dành riêng cho Anahita (nữ thần của nước) và một khu bảo tồn hoàng gia của triều đại Sasanian.
Di sản đã bị phá hủy vào cuối thời kỳ Sassanian nhưng đã được phục hồi và xây dựng lại một phần bởi người Ilkhanid vào thế kỷ 13.
Phối cảnh tổng thể Khu vực lõi chính của Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Tổng mặt bằng Khu vực lõi chính của Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Sơ đồ mặt bằng Khu vực lõi chính của Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Ghi chú: 1. Hiên phía bắc (The northern veranda); 2. Đền Azar Goshnasp (Azar Goshnasp Temple/ Thần Lửa); 3. Nơi đặt Ngọn lửa vĩnh cửu (Place of Eternal Fire); 4. Nơi được cho là Đền Anahita (Presumed Anahita temple/ Thần Nước); 5. Hiên phía tây (The western veranda); 6. Nơi được cho là Đền thờ Mithraic (Presumed Mithraic altar / Mehrab/ Thần La Mã ; 7. Phòng ăn (Dining Hall); 8. Cổng vào phía bắc (Northern entrance gate); 9. Phòng trưng bày (Gallery); 10. Dự án tái thiết công sự phía nam (Reconstruction southern fortification project); 11. Cổng vào phía đông nam của Cung điện hoàng gia (Royal south-eastern entrance gate)
Tường thành và cổng
Quần thể di tích được bao quanh bởi bức tường gạch bùn dày 12m, cao 13m với 38 pháo đài hình bán nguyệt.
Tại đây có 3 cổng:
Một cổng phía bắc (hình vẽ ký hiệu 8);
Một cổng phía nam (hình vẽ ký hiệu 10);
Một cổng chếch phía đông nam (hình vẽ ký hiệu 11), là cổng của Cung điện hoàng gia.
Tàn tích tường thành và cổng phía bắc, Khu vực lõi chính Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Tàn tích tường thành và cổng phía nam, cổng chếch đông nam, Khu vực lõi chính Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Hồ nước
Hồ nước nằm tại trung tâm của quần thể. Đây là miệng núi lửa, được cung cấp nước từ một con suối ở chân núi. Nước của hồ miệng núi lửa có nhiệt độ khoảng 40 độ C và tràn qua mép hồ thành hai dòng. Nước có hàm lượng lưu huỳnh cao khiến nước suối có màu vàng.
Từ thời xa xưa, cư dân trong khu vực đã đào kênh dẫn nước từ hồ để cung cấp nước tưới cho các cánh đồng xung quanh. Hồ có kích thước khoảng 80 x 120m, sâu trung bình khoảng 70m. Ở điểm sâu nhất, độ sâu của hồ đến 120m, nên còn được gọi là hồ không đáy.
Phối cảnh hồ nước (miệng núi lửa) tại Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Đền thờ Hỏa giáo
Các tòa nhà chính nằm ở phía bắc của hồ, tạo thành một khu phức hợp gần như hình vuông với Đền thờ Hỏa giáo (Zoroastrianism, hình vẽ ký hiệu 2) ở trung tâm.
Đền thờ Hỏa giáo mang tên Adur Gushnasp/ Azar Goshnasp, là vị vua nổi tiếng của triều đại Sasanian (trị vì năm 459- 484). Đây là một trong ba đền Hỏa giáo thiêng liêng nhất của Iran thời tiền Hồi giáo. Hai đền Hỏa giáo kia là Adur Farnbag (tại Fars) và Adur Burzen-Mihr (tại Parthia).
Đền Hỏa giáo hay Đền Lửa do các vị vua Sasanian xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 4 hoặc đầu thế kỷ thứ 5. Đền thờ liên quan đến tầng lớp chiến binh. Đây cũng là nơi các vị vua Sasanian hành hương đến địa điểm này sau khi đăng quang.
Ngôi đền có mặt bằng hình vuông, một phần nằm dưới lòng đất.
Đền Hỏa giáo ban đầu được xây dựng bằng gạch bùn, trên nền móng bằng đá thô. Vào giai đoạn sau, Đền được xây dựng lại bằng đá và gạch nung.
Đền có hai cổng vòm với các bức tường gạch dày 1,2 – 1,5m đỡ mái vòm, bên trong Đền có các phòng. Phòng phía đông của Đền Hỏa giáo có thể là nơi chứa kho bạc hoặc phòng để làm các nghi lễ cúng tế.
Về phía đông của Đền Hỏa giáo có một tòa nhà hình vuông (hình vẽ ký hiệu 5), nơi đặt “ Ngọn lửa vĩnh cửu”. Đây là ngọn lửa thiêng cháy liên tục, không để lại tro tàn, có lẽ là ngọn lửa cháy từ khí đốt tự nhiên.
Ngôi đền Hỏa giáo bị cướp phá vào thế kỷ thứ 7 và sau được phục hồi lại.
Ngôi đền tiếp tục tồn tại trong thời gian dài vào thời đại Hồi giáo, sau đó bị phá hủy vào cuối thế kỷ 10 hoặc 11.
Tàn tích của ngôi đền được sử dụng để xây dựng một cung điện. Vào thế kỷ 13, ngôi đền được xây dựng lại một phần như một nhà thờ Hồi giáo. Nơi đây còn được các nhà cai trị các vương triều tiếp sau lựa chọn làm nơi ở mùa hè.
Vị trí tàn tích Đền Lửa trong quần thể, Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Tàn tích Đền Lửa, Sảnh chính và sân trong; Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Tàn tích Đền nơi đặt "Ngọn lửa vĩnh cửu", Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Đền thờ Anahita
Đền Anahita (Anahita temple, hình vẽ ký hiệu 4) hay Đền thờ Nước nằm tại phía bắc của Đền thờ chính. Đền cũng có mặt bằng hình vuông với nhiều phòng thờ. Nữ thần có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoàng gia triều đại Sasanian và tầng lớp chiến binh.
Đền thờ Mithraic
Đềnthờ thần Mithraic (Presumed Mithraic altar / Mehrab/ Thần La Mã, hình vẽ ký hiệu 6) nằm tại phía tây nam của Đền thờ chính. Mithraism là một tôn giáo của người La Mã. Mặc dù lấy cảm hứng từ sự tôn thờ độc thần của người Iran đối với vị thần Zoroastrian, Mithraism được liên kết với một hình ảnh mới và đặc biệt, thể hiện mối quan hệ giữa đức tin của người Ba Tư và người Hy Lạp-La Mã. Đức tin này rất phổ biến trong quân đội Đế quốc La Mã từ thế kỷ thứ 1 – 4 sau Công nguyên.
Tàn tích Đền Nước; Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Cung điện Hoàng gia
Cung điện hoàng gia triều đại Ilkhanid nằm ở phía tây của Quần thể, được xây dựng trên nền khu đền Hỏa giáo và khu kiến trúc hoàng gia của triều đại Sasanian.
Hiện tại đây chỉ còn tàn tích nền móng của cổng ra vào (Cổng ra vào phía đông nam, hình vẽ ký hiệu 11), Phòng ăn (hình vẽ ký hiệu 7) và một số di tích khác như đền thờ Hoàng gia, hành lang, nhà tắm hơi…
Cung điện hoàng gia được coi như dinh thự mùa hè của vua Ilkhanid Abaqa (người Mông Cổ, trị vì năm 1265- 1282). Đây là cấu trúc thế tục duy nhất còn sót lại của thời kỳ Ilkhanid.
Nhà Ilkhanid ban đầu không phải là một triều đại Hồi giáo, nhưng khi họ định cư trên vùng đất Iran và thành lập một vương quốc mới. Họ cải sang tôn giáo chính của vùng đất mới, cùng với đó là sự kết hợp nghệ thuật và kiến trúc truyền thống của người Mông Cổ, Trung Quốc và những người từ Đông Á.
Kiến trúc của Cung điện là sự kết hợp kiến trúc tạm thời và kiến trúc cố định, được lấy cảm hứng từ một quy hoạch thành phố truyền thống của Trung Quốc, cũng như một trại du mục Mông Cổ cổ điển.
Các hoạt động bên trong Takht-e Soleyman cũng tương tự như các hoạt động trong các cung điện Trung Quốc, nơi có nhiều không gian để săn bắn bên trong các bức tường bảo vệ và có một hồ nước trên khuôn viên cung điện. Người Ilkhanid cũng tiến hành các hoạt động hành chính trong dinh thự mùa hè này, với nhiều phiên tòa, cuộc gặp với các nhà cai trị và sứ thần triều đình nước ngoài, lễ kỷ niệm và lễ đăng quang. Đây cũng là nơi để giới thượng lưu tránh xa các thành phố bận rộn, một nơi để nghỉ dưỡng tràn ngập đồ trang trí đầy màu sắc, đồ xa xỉ cho triều đình và binh lính Ilkhanid.
Tại đây vẫn còn tồn tại các tàn tích của những cấu trúc tháp hình đa giác được cho là dựa trên hình dạng lều trại của người Mông Cổ. Có những họa tiết Trung Quốc như rồng và phượng hoàng được tìm thấy trên những viên gạch hình chữ nhật từ Takht-e Soleyman.
Cung điện hoàng gia Takht -e Soleyman còn thể hiện được các nguyên mẫu của kiến trúc bản địa Hồi giáo:
Trần nhà dạng Muqarnas, là một dạng trang trí 3 chiều trong kiến trúc Hồi giáo, dạng “Vòm tổ ong” hoặc Vòm nhũ đá”. Cấu trúc này có vai trò là sự chuyển tiếp từ các bức tường của một căn phòng hình vuông hoặc hình chữ nhật sang một mái hoặc trần dạng vòm tròn bên trên. Trang trí này có thể tạo ra một hiệu ứng hình ảnh phức tạp dựa trên sự tương tác của ánh sáng và bóng tối trên bề mặt được điêu khắc thành mẫu ba chiều. Tàn tích khai quật được của trần nhà Muqarnas tại đây là các tấm thạch cao, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Iran ở Tehran. Những tấm thạch cao này một trong những ví dụ sớm nhất được biết đến về dạng Muqarnas. Cấu trúc này gồm các khối cong kích thước 42cm, dạng hình vuông, hình thoi và hình tam giác cân. Tất cả được sắp xếp theo một trục chéo là bội số của 45°.
Phức hợp dạng Iwan, là một hội trường hoặc không gian hình chữ nhật, thường có mái vòm, có tường bao quanh ở ba mặt, với một đầu hoàn toàn mở. Cổng chính thức vào iwan được gọi là Pishtaq, một cổng nhô ra từ mặt tiền của một tòa nhà, thường được trang trí bằng các dải thư pháp, gạch men và các thiết kế hình học.
Nền móng, các bức tường với những trang trí bằng vữa sơn, nền lát gạch với các trang trí chữ khắc, ngôi sao, hình dạng hình học và hình tượng các anh hùng.
Sự kết hợp truyền thống của người Mông Cổ, Trung Quốc và những người từ Đông Á còn thể hiện rõ nét nhất trong tàn tích Gạch Takht-e Soleyman.
Gạch được tìm thấy tại Takht-e Soleyman là những dấu hiệu nghệ thuật tuyệt vời chứng minh sự tương tác và ảnh hưởng từ Trung Quốc trong thế kỷ XIV. Có sáu loại gạch: i) Gạch không tráng men, ii) Tráng men một phần,iii) Tráng men đơn sắc, iv) Sơn bóng, v) Lajvardina (xanh coban và trắng) và vi) Lajvardina tráng men.
Gạch bên ngoài, bao gồm gạch không tráng men, tráng men một phần và tráng men đơn sắc, có hình lục giác và được tạo thành từ đất sét đỏ, có màu ngọc lam hoặc xanh lam.
Về thiết kế trang trí bề mặt, những viên gạch này bao gồm nhiều vật thể có chủ đề về hoa, động vật và con người, chẳng hạn như người cưỡi ngựa được bao quanh bởi một vòng cung hoa. Các họa tiết hình học rất phổ biến, bao gồm các đường đan xen, gạch hình lục giác và biểu tượng ngôi sao tám cánh, bắt nguồn từ đồ gốm Trung Hoa rất được các thương gia Iran ưa chuộng trong thế kỷ 14.
Kỹ thuật tráng men thủ công cao trên gạch với các họa tiết bề mặt màu xanh lam và trắng.
Tàn tích Cung điện; Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Tàn tích hành lang có mái che tại Cung điện; Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Tàn tích phòng tắm hơi tại Cung điện; Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Một số tàn tích khác tại Cung điện; Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Khu B: Khu vực vùng đệm cảnh quan
Khu vực vùng đệm cảnh quan (Landscape buffer zone and its units) có một số di tích:
Zendan – e Soleyman
Zendan – e Soleyman có nghĩa là “Nhà tù của Solomon” nằm trên một gò đất cao khoảng 100m so với vùng nông thôn xung quanh. Khu vực nằm cách Takht-e Soleymān khoảng 3 km về phía tây.
Zendān-e Soleymān là một địa điểm thờ cúng và sau đó bị bỏ hoang.
Giống như Takht-e Soleymān, quần thể di tích này lấy tên từ vị vua trong Kinh thánh. Theo truyền thuyết địa phương, tên này bắt nguồn từ niềm tin rằng bên trong trung tâm sâu của hình nón - sâu khoảng 85m, đường kính khoảng 65m từng chứa đầy nước, là nơi giam cầm quỷ dữ của vị vua Vương quốc Israel là Salomon (tại vị khoảng năm 970- 931 TCN).
Ngọn đồi là kết quả của một giếng phun trào (artesian well), tạo thành một hố nhỏ. Vôi và các khoáng chất khác sau đó lắng đọng xung quanh hố và tạo thành một bức tường. Qua nhiều thế kỷ, bức tường này ngày càng cao hơn khi nước tràn ra khỏi bức tường và lắng đọng nhiều hơn nữa dẫn đến cấu trúc ngày nay. Sau đó, nước khô cạn, để lại một ngọn đồi rỗng.
Nơi đây trải qua nhiều hoạt động tôn giáo và văn hóa qua nhiều thời đại. Tại đây xuất hiện một ngôi đền của người Mannaean (vương quốc cổ đại nằm tại phía tây bắc Iran, tồn tại vào khoảng thế kỷ 10- 7 TCN) vào năm 880–660 TCN.
Ngọn đồi Zendan – e Soleyman, Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Bên trong hố tại di tích Zendan – e Soleyman, Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Đồi Majid
Đồi Majid (Tepe Majid/ Majid Mound) là một gò đất khảo cổ có liên quan về mặt văn hóa với Zendan-e Soleyman, nằm kề liền tại phía đông bắc của Zendan – e Soleyman.
Thành Belqeys
Thành Belqeys (Belqeys Citadel/ Kūh-e Belqeys) nằm tại phía đông bắc Takht -e Soleyman, cách khoảng 7,5km. Điểm cao nhất trên đỉnh núi này cao khoảng 3.200m so với mực nước biển. Tại đây còn lưu lại tàn tích của một pháo đài, có niên đại từ thời kỳ Sasanian, được xây dựng bằng đá sa thạch màu vàng.
Tàn tích Thành Belqeys, Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Lò nung gạch
Tàn tích Lò nung gạch (Brick baking kiln) nằm tại phía tây nam Takht -e Soleyman, cách khảng 1 km. Đây là lò nung gạch cung cấp cho việc xây dựng tại Quần thể Takht -e Soleyman.
Mỏ khai thác đá Sassanian
Mỏ khai thác đá của người Sassanian (Sassanian extrancting quarry mine) có khu vực lõi và vùng đệm trùng nhau, nằm tại phía đông Takht -e Soleyman, cách khảng 3 km. Đây là nơi khai thác và cung cấp đá cho việc xây dựng Quần thể Takht -e Soleyman.
Mộ Ahmedabad
Mộ Ahmedabad (Ahmedabad tumulus/ Ahmedabad-e Bala), nằm tại phía tây Takht -e Soleyman, cách khảng 7km.
Khu C: Khu vực làng Nostabad
Khu vực làng Nostabad (Enclave allocated to Nostabad village) hiện tại và tương lai hạn chế mở rộng. Khu C nằm tại phía tây của Khu vực A, cách khoảng 2,5km.
Hình ảnh khu dân cư làng Nostabad, Di sản Takht -e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
Di sản Di tích khảo cổ Takht-e Soleyman, có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Thiết kế của đền thờ lửa, thờ nước, cung điện và bố cục chung đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của kiến trúc Hồi giáo.
Ý nghĩa biểu tượng và tâm linh mạnh mẽ của Di sản này thừa nhận sự tiếp nối của một nền văn hóa tôn kính độc thần lửa và nước trong khoảng thời gian 2.500 năm.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/1077/
https://en.wikipedia.org/wiki/Iran
https://en.wikipedia.org/wiki/Takht-e_Soleym%C4%81n
https://en.wikipedia.org/wiki/Zoroastrianism
https://www.britannica.com/topic/Zoroastrianism/The-Sasanian-period
https://en.wikipedia.org/wiki/Sasanian_Empire
https://en.wikipedia.org/wiki/Prison_of_Solomon
https://en.wikipedia.org/wiki/Adur_Gushnasp
https://scj.sbu.ac.ir/article_104614_0ab203799aca4731d26da599280a2264.pdf
https://www.heritageinstitute.com/zoroastrianism/urmia/index.htm
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|