
Tại Việt Nam trong những năm gần đây, từ "Thông minh", "Đổi mới sáng tạo"… được nhiều người nhắc đến. Song định nghĩa hay nội hàm cụ thể của những khái niệm này lại phụ thuộc vào chính những người bàn luận về nó.
Dưới đây là một số nhận thức có liên quan đến Đổi mới sáng tạo xin được chia sẻ.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia
Người xưa có viết: " Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn..."(1)
Suy rộng ra, người xưa luôn xem đất nước như một cơ thể sống gắn với nguyên khí.
Trong thời kỳ giành độc lập, vào năm thống nhất đất nước 1975, Việt Nam đã là một cường quốc về quân sự với cả một thế hệ hiền tài, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Đến nay đã là 45 năm, Việt Nam vẫn thuộc vào Nhóm quốc gia đang phát triển và luôn đứng trước nguy cơ tụt hậu. Quốc gia chưa mạnh trở lại, vì nguyên khí chưa đủ lớn bởi hiền tài thưa vắng.
Người tài là người có khả năng làm những việc phức tạp mà người bình thường không làm được; là những người tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà người bình thường không tạo ra được. Lĩnh vực nào người tài nấy. Việt Nam hiện có vô số người tài trong nhiều lĩnh vực mang tính truyền thống gắn với kinh nghiệm, song lại thiếu người tài trong những lĩnh vực mới gắn với sáng tạo.
Người hiền tài hay người hiền là người dùng cái tài của mình để tạo công tích cho dân, cho nước. Xưa kia, người hiền tài sau khi hóa về trời, được dân lập đền thờ, tôn là thánh, là thần. Những người này được xã hội coi là tầng lớp tinh hoa, nguyên khí quốc gia.
Lịch sử Việt Nam không chỉ là lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước mà còn là lịch sử gắn với các sự kiện, truyền thuyết liên quan đến hiền tài .
Việt Nam xưa có nhiều đô thị, song có 2 đô thị thịnh vượng vượt trội, ngoài Kinh đô Thăng Long, là Phố Hiến, Hưng Yên và Hội An, Quảng Nam nhờ thu hút và sử dụng hiền tài.
Vào thế kỷ 17, Phố Hiến là một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam. Dân gian có câu: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Một trong những vị hiền tài có công mở mang, xây dựng Phố Hiến là Quận công Thái Bảo Lê Đình Kiên (1620-1704), quan dưới thời Lê Trịnh. Ông không những có tài về cai trị mà còn giỏi thương nghiệp, ngoại giao, nổi tiếng trong việc giao thiệp với các thương nhân ngoại quốc. Lúc ông mất, cả người Việt và người nước ngoài ngụ ở Phố Hiến đều dựng miếu thờ, tạc bia ghi công ông. Trên tấm bia khắc ca ngợi ông, một thương nhân Trung Quốc viết: “Ngài yêu dân như yêu con, dẹp yên giặc biển, tiết kiệm tiêu pha, ngay cả con trẻ cũng biết và ca ngợi lòng trung của ngài với vua với nước…Là những thương nhân đến từ xa, không dám tự coi mình là những thần dân, nhưng vì đã sống lâu năm ở Việt Nam, chúng tôi tỏ lòng nhiệt thành sủng ái ngài…”.
Cũng vào thế kỷ 17, trong khi vẫn giao tranh với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài và Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.
Chúa Nguyễn Phúc Chu (chúa Nguyễn thứ 6 của Đàng Trong, trị vì năm 1691 - 1725) là một vị hiền tài có công chăm lo phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi, làm quốc gia giàu mạnh. Năm 1719, khi thăm Hội An, ông đã đặt tên cho chiếc cầu chính của Hội An (chùa Cầu) là Lai Viễn Kiều, nghĩa là "Cầu đón khách phương xa" với mong muốn nơi đây trở thành "Vùng đất lành" thu hút người tài của thiên hạ.
Tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có ngôi đình Hoành Sơn (Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt), được dựng vào năm 1763. Đây chỉ là ngôi đình của một làng nhỏ, song lại có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc gia đến mức nhiều người phải cho rằng, dân nơi đây đã làm nên “Điều không thể”. Truyền thuyết về đình Hoành Sơn kể rằng: Một đêm mưa lụt, nước sông Lam dâng cao và cuốn về đây những cây gỗ 3- 4 người ôm không xuể. Tiếp đó xuất hiện 9 người đàn ông, lấy các cây gỗ, làm liên tục trong vòng 3 năm, tạo dựng nên một ngôi đình đồ sộ với các bức chạm khắc công phu, tinh xảo. Xong việc họ đi mất, có lẽ lên Trời. Không rõ những người nhà Trời dựng ngôi đình tại làng quê hẻo lánh này nhắn gửi thông điệp gì cho nhân gian, trong đó có bức chạm khắc mang đầy tính triết lý tầm quốc gia - "Cầu hiền".
Khi nhìn từ trên cao người ta mới hiểu rõ về điều kỳ diệu này: Đình Hoành Sơn quay về phía Đông Bắc (rất ít thấy trong bố cục đình, đền miền Bắc Việt Nam), chiếu qua bên kia sông Lam tới một địa điểm, chính là xã Kim Liên, Nam Đàn. Bức chạm khắc "Cầu hiền" như một lời tiên tri về 100 năm sau tại đây sẽ xuất hiện một vị hiền tài kiệt xuất - Thánh Hồ Chí Minh.
Như vậy, người xưa không chỉ thu hút người hiền tài hiện có mà còn chuẩn bị công phu để thu hút hiền tài cho tương lai, thậm chí đến cả trăm năm.

Bức chạm "Cầu hiền" tại đình Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An
Không gian Đổi mới sáng tạo - nơi thu hút và hình thành thế hệ người tài mới, hiền tài mới
Hiện nhiều địa phương tại Việt Nam đua tranh xây dựng các dự án "Đô thị Thông minh", "Không gian Đổi mới sáng tạo".
Mô hình "Thông minh" ít tập trung cho việc thu hút, đào luyện người tài, mà chú trọng về tiêu dùng thiết bị thông minh để kiểm soát, điều khiển.
Tại các quốc gia phát triển, mô hình "Đổi mới sáng tạo " (innovation) là việc sáng tạo và ứng dụng ý tưởng mới, thành tựu mới về kỹ thuật, công nghệ và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa; phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội.
Những con người hoạt động sáng tạo trong môi trường phức tạp bậc cao đó ắt hẳn là những người tài, những người có đủ phẩm cách và kỹ năng để chủ động đề xuất và giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn có liên quan trong lĩnh vực của họ, không chờ mệnh lệnh.
Người tài có thể xuất hiện tại mọi nơi của quốc gia, song một trong những nơi tập trung thu hút và đào luyện người tài thế hệ mới thời CMCN 4.0 chính là Không gian Đổi mới sáng tạo (ĐMST). Khi những người tài ở các địa điểm ĐMST liên thông và cạnh tranh với nhau họ sẽ tạo ra tầm vóc mới, sức mạnh mới. Cũng chính từ đây sẽ nảy sinh ra các bậc hiền tài mới làm hưng thịnh nguyên khí quốc gia.
Vì vậy mới nói: Tại Việt Nam, Không gian ĐMST là nơi có điều kiện nhất để thu hút, hình thành thế hệ người tài mới, hiền tài mới.
Tại các quốc gia phát triển, các đô thị thế hệ mới đều dành các không gian cho hoạt động ĐMST.
Việc lựa chọn địa điểm và điều kiện để hình thành không gian ĐMST được dựa trên Bộ tiêu chí hướng dẫn. Các tiêu chí này về cơ bản được tổng hợp thành 5 hệ khung, như 5 ngón tay trên một bàn tay: Khung văn hóa; Khung con người; Khung hạ tầng; Khung thể chế và Khung hội nhập.
1) Khung văn hóa:
Khung văn hóa thể hiện hệ thống giá trị, truyền thuyết và biểu tượng phổ biến trong một xã hội nhất định. Một địa điểm có hệ khung văn hóa nổi trội thường là nơi có truyền thống văn hóa, đặc biệt là nơi có Di sản thế giới, Di sản quốc gia với địa danh, thương hiệu, con người được biết đến rộng rãi cả trong và ngoài nước.
Hệ khung văn hóa bao gồm các nhân tố có trước và các nhân tố nảy sinh trong quá trình hoạt động, đó là văn hóa kinh doanh, văn hóa khởi nghiệp, văn hóa mở...
2) Khung con người:
Khung con người là các điều kiện, cơ hội đáp ứng các thang bậc nhu cầu của con người, từ thang bậc sinh tồn, an toàn đến thang bậc gắn kết cộng đồng, tạo lập vị thế và cống hiến.
Khung con người cũng liên quan đến điều kiện, cơ hội học hỏi, rèn luyện ý chí, khát vọng khởi nghiệp, cơ hội trở thành công dân kỹ thuật số và công dân toàn cầu.
Số đông những con người nơi đây là những người tài.
3) Khung kết cấu hạ tầng:
Khung kết cấu hạ tầng trong các Không gian ĐMST gắn liền với kết cấu hạ tầng đô thị, khu kinh tế, nơi bố trí địa điểm Không gian ĐMST.
Trong Khung kết cấu hạ tầng, người ta chú ý hơn đến 3 loại: Khung năng lượng; Khung quản lý dữ liệu và Khung công nghệ. Đây là những hệ khung có vai trò quyết định sự cạnh tranh của Không gian ĐMST này so với Không gian ĐMST khác.
a) Khung năng lượng: hay hệ thống năng lượng đáp ứng các nhu cầu không gián đoạn của các hoạt động điều hành giao thông, chiếu sáng đường phố, hoạt động của tòa nhà, phân tích dữ liệu... Khung năng lượng giúp thúc đẩy tiến trình hướng tới một nền kinh tế carbon thấp và xây dựng một hệ thống năng lượng đáp ứng nhu cầu cho tất cả người tiêu dùng.
b) Khung quản lý dữ liệu: là hệ thống thu thập, xử lý và lan truyền dữ liệu kết hợp với công nghệ mạng và biện pháp bảo mật dữ liệu. Thước đo vị thế của mỗi tổ chức, mỗi địa phương, mỗi quốc gia là mức độ phát triển của hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) cho các hoạt động của họ. Quản lý CSDL hay quản lý thông tin, quản lý kiến thức là hoạt động mới của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Sự có mặt của các trung tâm CSDL sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, lưu giữ và chuyển giao CSDL phục vụ sản xuất và tiêu dùng sản phẩm.
c) Khung công nghệ: là hệ thống các hoạt động công nghệ, gồm: Công nghệ chiến lược, Công nghệ quản trị, Công nghệ trình diễn và Sẵn sàng về công nghệ. Sự có mặt của các trung tâm Công nghệ góp phần hình thành Hệ sinh thái kinh doanh, tạo cơ hội cho các cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn công nghệ, nguồn tài chính, nguồn nhân lực, nâng cao mức độ tinh thông nghề nghiệp.
4) Khung thể chế:
Khung thể chế là hệ thống luật pháp, quy định, thủ tục hành chính chính thức và các phong tục, tập quán, hương ước không chính thức, thể hiện sự hợp tác giữa chính quyền và cộng đồng dân cư, thúc đẩy tính minh bạch và khả năng giải trình của các tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong xã hội. Từ đây mỗi người dân và mỗi tổ chức đều hiểu trách nhiệm mình phải làm những gì và những cái gì mình có thể được hưởng.
5) Khung hội nhập:
Khung hội nhập là hệ thống các chính sách và các hoạt động liên quan đến sự kết nối và lan tỏa tinh thần kinh doanh, tinh thần văn hóa trong một địa phương, một vùng, một quốc gia và quốc tế.
Thiếu một trong các yếu tố này, không gian ĐMST khó mà hoạt động hiệu quả. Trong 5 hệ khung trên, Khung thể chế có một vai trò đặc biệt quan trọng tại Việt Nam.
Từ các hệ khung trên sẽ hình thành Hệ sinh thái ĐMST. Các địa điểm ĐMST liên kết với nhau tạo thành mạng lưới ĐMST trong phạm vi tỉnh, vùng, quốc gia và thế giới.
Sản phẩm của các mô hình Không gian ĐMST trên thế giới thường bao gồm:
- Bằng phát minh, sáng chế tính theo đầu người gắn với Công nghệ nguồn (bao gồm cả ý tưởng, thương hiệu, thị trường…) được tạo lập cho việc nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và cạnh tranh của các ngành nghề hiện có và ngành nghề mới.
- Số lượng người và doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thế hệ mới có khả năng tham gia chuỗi giá trị hàng hóa và cung ứng toàn quốc, toàn cầu; Số lượng nhà đầu tư mạo hiểm công nghệ.
- Hệ thống cơ sở dữ liệu, mức độ sử dụng điện thoại thông minh.
- Tổng số việc làm liên quan đến công nghệ; Tỷ trọng xuất khẩu của các sản phẩm công nghệ cao; Sự xuất hiện thương hiệu lớn...
Sản phẩm của các mô hình không gian ĐMST tại Việt Nam bao gồm các loại sản phẩm trên, song lại có các sản phẩm mang tính nội sinh riêng:
- Tinh thần dám suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, dám mạo hiểm và chấp nhận thất bại; Tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh; Tinh thần liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với khách hàng; giữa doanh nghiệp với các tổ chức chính quyền, hiệp hội thương mại, trường đại học…
- Niềm tin về việc tạo ra những điều tốt đẹp từ ĐMST lành mạnh gắn với thượng tôn pháp luật.
- Văn hóa khơi dậy sự sáng tạo, tôn vinh giá trị sáng tạo của mọi cá nhân và tổ chức.
- Nơi hình thành và lan truyền mô hình “Không gian thứ ba” – Không gian sáng tạo (Coworking Space), là không gian vật lý (ngoài không gian ảo), nơi tụ họp chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tạo ra sự tương tác giữa các ý tưởng, góp phần nảy sinh các sáng kiến mang tính đột phá.
- Nơi trở thành hình mẫu cho việc đổi mới về khoa học công nghệ cho các trường đại học, viện nghiên cứu;
- Nơi thu hút các chuyên gia, đặc biệt là người nước ngoài. Chính các chuyên gia này giúp cho Việt Nam hiểu rõ hơn thị trường quốc tế, nơi mà hàng hóa Việt Nam muốn thâm nhập.
- Nơi hình thành thế hệ công dân mới với những kỹ năng phức tạp và vai trò của họ luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chính sách.
- Nơi nuôi dưỡng, hình thành người tài, người hiền tài.
Thành phố Hà Nội, TP HCM phải đi tiên phong về ĐMST để hình thành lớp người tài thế hệ mới
Không gian ĐMST hiện đã trở thành một không gian chức năng mới trong các đô thị.
Sự xuất hiện không gian ĐMST gắn với việc thu hút người tài là thước đo mức độ thâm nhập vào nền kinh tế trí thức thời CMCN 4.0 của mỗi địa phương.
Các thành phố trung tâm của quốc gia, vùng và tỉnh phải là địa điểm đi tiên phong trong việc hình thành các không gian ĐMST, trước hết là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các dự án kinh doanh bất động sản và vui chơi giải trí, Hà Nội và TP HCM cần tập trung xây dựng sớm các không gian ĐMST, ví dụ như: Dự án Công viên ĐMST dọc sông Hồng; Dự án Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM...
Các dự án này không chỉ là các Trung tâm về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, Trung tâm sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao...theo mô hình đến từ bên ngoài, mà còn phải hướng tới thu hút và rèn luyện người tài tầm quốc gia và thế giới cho Việt Nam.
Hiện Hà Nội đang có dự án "Cột mốc số 0" tại Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, Hà Nội.
Đây không chỉ là Cột mốc số 0 về địa lý, thường đặt trước bưu điện trung tâm liên quan đến khoảng cách vận chuyển bưu chính, hàng hóa, mà nên coi đây là Cột mốc số 0 - Điểm hội tụ gốc và lan truyền nguyên khí quốc gia.
Trên bề mặt Cột mốc số 0 ngoài dòng chữ ghi tọa độ của mốc, cao độ so với mực nước biển, có thêm dòng chữ "Hiền tài là nguyên khí quốc gia".
Đây có lẽ là một cơ hội lớn cho việc định hình triết lý về cầu hiền, một lời nhắc nhở cho lớp người hiện tại và định hướng cho các thế hệ tiếp nối.
Xung quanh Cột mốc số 0 có thể trở thành một không gian mở thúc đẩy tình thần giao lưu học hỏi, coi trọng người tài, người hiền tài.
Từ quốc gia " Đổi mới" năm 1986 đến quốc gia "Đổi mới sáng tạo" năm 2020
"Đổi mới" năm 1986 được khởi nguồn từ những người nông dân, xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu sinh tồn, một thang bậc thấp nhất trong tháp nhu cầu của con người. Sau đó được Nhà nước tiếp nhận, hình thành các đường lối, chính sách và trở thành tên gọi của thời kỳ từ năm 1986 đến nay - Thời kỳ Đổi mới tại Việt Nam.
Đã gần 35 năm trôi qua, "Đổi mới" đã mang lại những thành tựu nhất định cho Việt Nam. Song với phương thức cũ, nó đã không còn dư địa phát triển trong bối cảnh mới.
"Đổi mới sáng tạo" năm 2020 được khởi xướng từ các tầng lớp trong xã hội và hiện đang trở thành niềm hy vọng thay thế mô hình "Đổi mới" cũ.
"Đổi mới sáng tạo" gắn với cầu hiền tài, khơi thông nguyên khí quốc gia không còn đơn thuần là khái niệm, suy nghĩ mang tính cá nhân, tổ chức mà nay đã trở thành triết lý, tư duy chiến lược phát triển cho giai đoạn mới, để thế nước mạnh và hưng thịnh trở lại, sánh vai với cường quốc 5 châu và để Việt Nam mãi là "Vùng đất lành" của thế giới.
TS. Phạm Đình Tuyển, ĐHXD.
------------------------
(1): Đây là một đoạn văn của Thân Nhân Trung (danh sĩ Việt Nam thời Hậu Lê, 1418-1499) khắc trên bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Hiện có nhiều đường phố, trường học tại Việt Nam mang tên ông.
|