Là một hợp phần trong tổng thể Dự án, tại Đà Nẵng, trung tâm Giao dịch CNTT-TT được xây dựng nhằm hỗ trợ quản lý, khai thác và ứng dụng cơ sở kỹ thuật hạ tầng về CNTT-TT. Tổng đài hành chính công Đà Nẵng ra đời, cung cấp thông tin về các dịch vụ công, các thông tin kinh tế-xã hội cho người dân, giúp người dân tiếp cận với các thông tin, chính sách và dịch vụ của Đảng và chính phủ một cách nhanh chóng và minh bạch… Cổng đào tạo trực tuyến với hơn 400 khóa đào tạo CNTT và các kỹ năng mềm cũng sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Đây là kho dữ liệu, thông tin vô cùng quý báu đối với người dân Đà Nẵng nói chung và các cán bộ Nhà nước tại Đà Nẵng nói riêng.

Hệ thống wifi miễn phí với trên 170 điểm kết nối trải khắp thành phố Đà Nẵng cũng là một trong những hạng mục được Dự án tiến hành đầu tư. Hệ thống quản lý giao thông công cộng thông minh với khoảng 100 xe buýt được lắp đặt thiết bị định vị toàn cầu, lịch trình xe buýt có thể dễ dàng được tìm thấy thông qua các ứng dụng mobile hay trên website. Tại đây cũng đã hình thành Mạng đô thị Thành phố kết nối trên 90 Sở, Ban, Ngành, các hệ thống đăng ký bằng lái xe, đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư đã được hoàn thành và sẽ sớm được đưa vào sử dụng để giúp người dân và doanh nghiệp Đà Nẵng thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng và dễ dàng. 

 Hệ thống wifi tại Đà Nẵng

Một thành công nổi bật nữa của Dự án Phát triển CNTT-TT là đưa vào sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến (G2G, G2C, G2B). Phải kể đến là 3 dịch vụ đăng ký trực tuyến (đăng ký tần số, đăng ký xuất bản, đăng ký danh mục xuất bản các ấn phẩm nhập khẩu) sẽ sớm được Bộ TT-TT hoàn thiện. Khi được đưa vào sử dụng, các dịch vụ trực tuyến này sẽ giúp người dân giảm được đến 40% thời gian so với hình thức hiện nay. Việc tiếp cận với thông tin của người dân và doanh nghiệp cũng sẽ được minh bạch hóa nhờ Hệ thống thông tin đầu mối dữ liệu thống kê của Tổng cục Thống kê – một hợp phần trong dự án Phát triển CNTT – TT tại Việt Nam..

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở TT-TT Hà Nội, cổng thông tin TP Hà Nội sẽ cung cấp hơn 2.000 dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng tiến hành xây dựng Hệ thống cung cấp thị thực trực tuyến, được triển khai lắp đặt tại 95 cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và 3 địa điểm trong nước, dự định đưa vào sử dụng trong quý I/2014.

 Ông Phạm Quang Tú - Giám đốc Ban quản lý Dự án Phát triển CNTT-TT Việt Nam “Là đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ và điều phối toàn bộ các hợp phần của Dự án, Ban quản lý dự án Phát triển CNTT – TT tại Việt Nam đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng. Là một trong số ít những dự án về CNTT được Ngân hàng Thế giới đồng ý cho vay vốn và thực hiện triển khai, Dự án sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển CNTT-TT ở Việt Nam, đặc biệt là dự án hỗ trợ cho việc cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công. Việc triển khai dự án là rất khó và phức tạp bởi giá trị kinh phí cho các dự án dự án CNTT không lớn so với dự án thuộc các lĩnh vực khác, nhưng phạm vị triền khai dự án CNTT lại thường khá rộng và mức độ ảnh hưởng, tác động lâu dài của dự án CNTT đối với xã hội khá lớn. Chính vì vậy, muốn dự án thành công rất cần sự quyết tâm, thống nhất cao từ lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan Chính phủ đến các doanh nghiệp và người đân.”

Theo laodong.com.vn