Tiêu chuẩn và quy chuẩn trong ngành xây dựng có sự khác biệt rõ ràng. Làm thế nào để phân biệt được rõ sự khác biệt này ?
Công văn số 375/BXD – KHCN của Bộ Xây dựng trả lời công văn số 1172/UBKHCNMT11 ngày 24/2/2006 của Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường (Quốc hộ khóa XI) đề nghị cung cấp thông tin về một số vấn đề liên quan đến Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng đã phân biệt Tiêu chuẩn và Quy chuẩn xây dựng như sau:
1) Về định nghĩa tiêu chuẩn, quy chuẩn trong Ngành xây dựng và sự khác biệt giữa 2 loại văn bản này:
1.1 Định nghĩa
Trước năm 1990 các tiêu chuẩn Việt nam nói chung và tiêu chuẩn xây dựng ban hành đều ở dạng hình thức bắt buộc áp dụng; Trong đó các tiêu chuẩn chuyên ngành về xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành và đăng ký mã số vào hệ TCVN. Các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành thành TCVN. Ngoài ra Bộ Xây dựng còn ban hành các tiêu chuẩn ngành với ký hiệu 20 TCN.Thời kỳ này tiêu chuẩn được định nghĩa : " là một văn bản pháp quy kỹ thuật trong đó đề ra các quy định thống nhất và hợp lý được xây dựng theo một thủ tục nhất định, trình bày theo một thể thức nhất định, được một cơ quan có thẩm quyền ban hành để bắt buộc áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng". Trong định nghĩa này: tiêu chuẩn là một dạng văn bản pháp quy, trên thực tế trước năm 1990 có tới 95% các tiêu chuẩn Việt nam nói chung và tiêu chuẩn xây dựng nói riêng là bắt buộc áp dụng. Ai làm khác với tiêu chuẩn phải làm đơn xin phép ngoại lệ áp dụng tiêu chuẩn.Từ năm 1990 trở lại đây Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển đa số các tiêu chuẩn Việt Nam sang loại tự nguyện áp dụng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động xây dựng trong thời kỳ đổi mới và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt nam là loại văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc áp dụng; Còn các tiêu chuẩn chuyên ngành xây dựng chuyển ký hiệu thành TCXD, trong đó đa số các tiêu chuẩn xây dựng thuộc loại tự nguyện áp dụng, riêng các số tiêu chuẩn liên quan đến an toàn sinh mạng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, số liệu điều kiện tự nhiên như : khí hậu, thời tiết, địa chất, thuỷ văn, động đất.v.v là bắt buộc áp dụng.
Hiện nay tiêu chuẩn Việt nam đã chấp nhận định nghĩa của tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) như sau " Tiêu chuẩn là một tài liệu kỹ thuật, được thiết lập bằng cách thoả thuận trong đó nêu ra các quy tắc, hướng dẫn hoặc là các đặc tính của các hoạt động hay kết quả của các hoạt động, do một cơ quan được công nhận phê duyệt, để sử dụng lặp lại nhằm đạt được mức độ tối ưu, trong một hoàn cảnh nhất định ", với quan điểm định nghĩa trên, để phù hợp với công tác quản lý hoạt động xây dựng, Ngành xây dựng đã quy định cụ thể về hai loại văn bản là Quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng với định nghĩa như sau (theo Quyết định 25/2001 QĐ-BXD ngày 4/9/2001) :
- Quy chuẩn xây dựng: Là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định các yêu cầu tối thiểu mang tính bắt buộc tuân thủ đối với mọi hoạt động liên quan đến xây dựng cơ bản và tình trạng sức khoẻ của người ở trong công trình xây dựng. Quy chuẩn xây dựng có hai dạng cơ bản:
+ Quy chuẩn mục tiêu: là các quy định hướng dẫn cơ bản chung, thiết lập các yêu cầu tối thiểu hướng tới mục tiêu cần đạt được
+ Quy chuẩn cụ thể: là các quy định được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu, có bao gồm các yêu cầu cụ thể, trong trường hợp cần thiết có các hướng dẫn chi tiết rõ ràng nhằm giảm thiểu các hiểu nhầm khi áp dụng quy chuẩn.
- Tiêu chuẩn xây dựng : Là những quy định nguyên tắc, nguyên lý chung, các định mức, các hướng dẫn về kỹ thuật kinh tế cụ thể có liên quan đến hoạt động xây dựng; bao gồm những quy định thống nhất được được trình bày dưới dạng văn bản pháp quy kỹ thuật, theo một thể thức nhất định, trong một khung cảnh nhất định, nhằm đạt được một mức độ để làm căn cứ đánh giá đối với một vấn đề kinh tế kỹ thuật cụ thể hoặc tiềm ẩn trong xây dựng.
Các định nghĩa trên đã được hoàn chỉnh và cô đọng trong Luật Xây dựng được Quốc hội khoá X thông qua và Chủ tịch nước ký lệnh công bố số 26/2003/L-CTN ngày 10/12/2003; Tại khoản 19 và 20 Điều 3 Luật Xây dựng đã định nghĩa về Quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng như sau :
- Quy chuẩn xây dựng là các quy định bắt buộc áp dụng trong hoạt động xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành.
- Tiêu chuẩn xây dựng là các quy định về chuẩn mực kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, trình tự thực hiện các công việc kỹ thuật, các chỉ tiêu, các chỉ số kỹ thuật và các chỉ số tự nhiên được cơ quan , tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động xây dựng. Tiêu chuẩn xây dựng gồm tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng.
1.2 Căn cứ để phân biệt Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng :
Điểm cơ bản để phân biệt về quản lý giữa Quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng là :
- Về thẩm quyền ban hành :
+ Quy chuẩn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.+ Tiêu chuẩn xây dựng :
* Các tiêu chuẩn xây dựng Việt nam(TCXDVN) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành;
* Các Tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến các chuyên ngành (Y tế, giao thông, giáo dục đào tạo ...v.v) có thể do các Bộ, Ngành khác ban hành sau khi có sự thoả thuận nhất trí của Bộ Xây dựng.
- Về nội dung và hình thức áp dụng :
+ Quy chuẩn là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định các yêu cầu tối thiểu, các ngưỡng, các mức bắt buộc phải được tuân thủ trong mọi hoạt động xây dựng trên phạm vi toàn quốc.
+ Tiêu chuẩn là văn bản kỹ thuật trong đó các nội dung quy định không được trái với Quy chuẩn; Đa phần tiêu chuẩn ban hành dưới dạng tự nguyện áp dụng, một số ít tiêu chuẩn được xếp vào loại bắt buộc áp dụng; Phạm vi áp dụng của các tiêu chuẩn phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ đầu tư các công trình xây dựng.
Tóm lại :- Quy chuẩn xây dựng quy định các yêu cầu phải đạt được, các yêu cầu này có thể là tối thiểu, có thể là tối đa tuỳ theo từng đặc trưng công việc
.- Tiêu chuẩn xây dựng hướng dẫn cách thức để đạt được các yêu cầu của Quy chuẩn xây dựng.
2) Nội dung chủ yếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong Ngành xây dựng :
2.1) Quy chuẩn
Hiện có 04 Quy chuẩn đã ban hành, gồm :- Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (có 3 tập) ban hành năm 1996, 1997 đề cập tới những yêu cầu bắt buộc trong xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng từ các khâu khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu. Bộ quy chuẩn này đang được soát xét hoàn thiện.
- Quy chuẩn hệ thống cấp thoát nước trong nhà và công trình ban hành năm 2000 đề cập tới những yêu cầu bắt buộc khi khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thi thu hệ thống cấp thoát nước trong nhà và công trình.
- Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng, ban hành năm 2002 đề cập tới những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng các công trình công cộng phải đảm bảo cho người tần tật tiếp cận sử dụng dễ dàng.
- Quy chuẩn xây dựng các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả, ban hành năm 2005 quy định những yêu cầu bắt buộc để tiết kiệm năng lượng trong xây dựng.
+ Trên cơ sở soát xét Bộ Quy chuẩn ban hành năm 1996 -1997, dự kiến năm 2006 - 2007 Bộ Xây dựng sẽ ban hành các Quy chuẩn sau :
- Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng
- Quy chuẩn xây dựng nhà và công trình
- Quy chuẩn về điều kiện tự nhiên trong xây dựng
- Quy chuẩn xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị- Quy chuẩn an toàn, phòng chống cháy cho công trình xây dựng
- Quy chuẩn xây dựng các công trình giao thông
- Quy chuẩn xây dựng các công trình thuỷ lợi
- Quy chuẩn xây dựng các công trình công nghiệp
2.2) Tiêu chuẩn
+ Các tiêu chuẩn xây dựng Việt nam: được hình thành theo 11 nhánh nội dung chủ yếu, bao quát đầy đủ và toàn diện theo công nghệ quá trình xây dựng là :
- Những vấn đề chung : đề cập tới các vấn đề như thuật ngữ, đại lượng, số liệu, kích thước, nguyên lý, an toàn ..v.v
- Quy hoạch, khảo sát xây dựng: gồm các tiêu chuẩn đề cập tới các loại hình quy hoạch, các phương pháp trắc địa, khảo sát
- Thiết kế công trình: tiêu chuẩn thiết kế về nhà ở, công trình công cộng, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông , thuỷ lợi và dầu kh
í- Kết cấu xây dựng: tiêu chuẩn đề cập từ công tác đất , đến nền, móng, các loại kết cấu như : gạch, đá, bê tông, kim loại, gỗ..v.v.
- Công nghệ thi công và thiết bị xây dựng: các tiêu chuẩn đề cập tới thi công nghiệm thu các loại kết cấu, công trình và một số thiết bị thi công
- Vật liệu xây dựng bao gồm các tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật các loại sản phẩm VLXD như xi măng, gốm sứ, gạch ngói, bê tông, gỗ..v.v.
- Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật công trình xây dựng : gồm các tiêu chuẩn về thiết bị cấp thoát nước, chiếu sáng, điều hoà thông gió, sưởi, khí đốt
.- Các phương pháp thử: gồm các tiêu chuẩn thử các loại VLXD, các chỉ tiêu khí hậu , môi trường ..v.v.
- Kinh tế , kế hoạch, tổ chức, quản lý: các tiêu chuẩn quản lý, bảo trì công trình, định giá, dự toán, thầu, hợp đồng..v.v
- Giao thông vận tải: các tiêu chuẩn xây dựng cầu, đường, hầm..v.v
- Xây dựng thuỷ lợi: các tiêu chuẩn từ khảo sát , quy hoạch, nền móng, tính toán, kết cấu, vật liệu ..v.v. Số tiêu chuẩn xây dựng hiện hành liên quan đến 11 nhánh nội dung trên hiện có hơn 950 tiêu chuẩn (TCVN và TCXDVN). Nhìn chung các tiêu chuẩn trên đã đáp ứng phần lớn yêu cầu quản lý kỹ thuật trong xây dựng.
Trong chương trình xây dựng hệ thống văn bản Quy chuẩn, tiêu chuẩn Bộ Xây dựng đang tập trung soát xét hoàn thiện để đến năm 2010 sẽ có khoảng 16 Quy chuẩn và 1300 tiêu chuẩn phủ kín toàn bộ hoạt động quản lý kỹ thuật xây dựng.
Nguồn: Công văn 375/BXD – KHCN Bộ Xây dựng |